2.2. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM
2.2.1. Giai đoạn từ 1960-1989:
Du lịch Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 1960. Ngày 9/7/1960, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam (trực thuộc Bộ Ngoại thương)- tiền thân của Tổng cục Du lịch sau này.
Trong giai đoạn từ 1960-1975, Công ty Du lịch Việt Nam vừa củng cố về tổ chức vừa xây dựng cơ sở vật chất để đón tiếp các đoàn khách quốc tế, chủ yếu là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa và phục vụ nghỉ dưỡng cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tháng 6/1964, Chính phủ ra Chỉ thị số 61/TTg về việc mở rộng công tác du lịch và cung ứng tàu biển. Chỉ thị vạch ra định hướng phát triển ngành Du lịch và phương thức kinh doanh du lịch, tiến tới mở rộng phục vụ nhiều đối tượng khách quốc tế. Tháng 11/1968, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 145/CP chuyển Công ty Du lịch Việt Nam từ Bộ Ngoại thương sang trực thuộc Phủ Thủ tướng để phát huy tính độc lập và giảm bớt đầu mối kinh doanh. Ngày 12/9/1969, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết 94/TTg giao cho Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng cùng Bộ Công an nghiên cứu phương hướng củng cố và phát triển du lịch.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, một loạt khách sạn, nhà khách, biệt thự, nhà nghỉ và cơ sở giải trí của chế độ cũ được nhà nước giao cho các ngành và địa phương quản lý. Một số tỉnh phía Nam đã thành lập Công ty Du lịch để quản lý và kinh doanh các cơ sở được giao. Ngày 27/6/1978, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 282/NQ-QHK6 phê chuẩn thành lập Tổng cục Du lịch. Ngày 23/1/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 32/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch.
Trong giai đoạn từ 1975-1989, hoạt động du lịch mang đậm dấu ấn của cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp, chỉ có doanh nghiệp nhà nước được phép hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó hầu hết là kinh doanh thua lỗ. Mặc dù hình thành từ năm 1960 nhưng tới nửa sau thập kỷ 80, Du lịch Việt Nam vẫn còn là ngành kinh tế ít được biết đến. Lượng khách quốc tế quá ít, chủ yếu là khách Đông Âu và một số nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nghèo nàn, lạc hậu. Trong Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1991-2005 (dự án VIE/89/003) do Tổ chức Du lịch Thế giới, Chương trình Phát
triển Liên hợp quốc và Viện nghiên cứu phát triển Du lịch phối hợp xây dựng đã khẳng định Du lịch Việt Nam lạc hậu hai mươi năm so với các nước Đông Nam Á và Châu Úc vì số lượng khách quốc tế ít ỏi và năng lực buồng khách sạn đạt chuẩn quốc tế thấp. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 1989 đạt 187.573 lượt, chiếm 1,3% tổng khách quốc tế đến Đông Nam Á, chỉ bằng 1/9 của Indonesia, 1/25 của Thái Lan.
2.2.2. Giai đoạn từ 1990 -1999:
Đầu năm 1990, xuất phát từ yêu cầu chuyển đổi cơ chế kinh tế, sắp xếp lại tổ chức sản xuất kinh doanh, giảm bớt đầu mối quản lý, Tổng cục Du lịch được sáp nhập vào Bộ Văn hoá-Thông tin-Thể thao-Du lịch. Tháng 4/1990, Tổng Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập. Năm 1991, Du lịch được sáp nhập vào Bộ Thương mại và Du lịch. Tháng 1/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 37-HĐBT về quy chế quản lý kinh doanh du lịch. Đây là văn bản pháp quy quan trọng đầu tiên tạo tiền đề đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch.
Điều 42, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã xác định rõ “Nhà nước và xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế”. Tháng 10/1992, Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Tháng 12/1992, Chính phủ ban hành Nghị định 20/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch. Đây là bước ngoặt quan trọng cho việc hoàn thiện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tạo tiền đề thúc đẩy ngành Du lịch phát triển trong giai đoạn từ 1992 đến nay.
Tháng 6/1993, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/CP về đổi mới quản lý và phát triển ngành Du lịch, trong đó xác định “Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” {34, tr37}. Nghị quyết 45/CP tạo bước ngoặt cho ngành Du lịch, đánh dấu thay đổi nhận thức về vị trí của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Cũng trong năm 1993, Chính phủ ban hành Quyết định thành lập các Sở Du lịch và Quyết định 317/QĐ-TTg về chuyển nhà khách nhà nghỉ sang kinh doanh du lịch. Tháng 2/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 09/CP về tổ chức quản lý các doanh nghiệp du lịch. Đây là những quyết định mang tính đột phá, tạo cơ sở hình thành bộ máy quản lý Nhà nước về Du
lịch từ trung ương tới địa phương và tạo tiền đề vật chất thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng thị trường.
Tháng 10/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng Khoá VII ban hành Chỉ thị số 46/CT về lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới, trong đó khẳng định “phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế-xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” {34, tr12}. Chỉ thị này ra đời thể hiện sự thống nhất cao về chủ trương, định hướng mục tiêu phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, tăng cường nhận thức về vị trí của ngành du lịch trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nước ta.
Tháng 5/1995, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010. Đây là cơ sở để các địa phương tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển du lịch ở địa phương. Để hoàn thiện bộ máy tổ chức của Tổng cục Du lịch, tháng 8/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 53/CP về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, trong đó điều chỉnh và thành lập thêm một số Vụ và đơn vị trực thuộc. Trong giai đoạn 1994-1996, Tổng cục Du lịch ban hành một số văn bản pháp quy như Quy chế Quản lý lữ hành, Quy chế quản lý cơ sở lưu trú du lịch, Quy định tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn du lịch, Quy chế hướng dẫn viên du lịch, Quy chế tham gia hội chợ nước ngoài, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch.
Tháng 11/1998, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận (số 179-TB/TW) về phát triển du lịch trong tình hình mới, định hướng chỉ đạo phát triển du lịch trong giai đoạn có tính bước ngoặt của ngành Du lịch Việt Nam. Tháng 2/1999, Pháp lệnh Du lịch được ban hành, Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch được thành lập. Tháng 4/1999, Chính phủ thông qua Chương trình hành động quốc gia về Du lịch. Các chủ trương, chính sách trên đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động du lịch sôi động và phát triển, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực.
Nói chung, giai đoạn 1990-1999 là giai đoạn Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài nên ngành Du lịch có cơ hội phát triển. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam trong giai đoạn này tăng nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 1990, nước ta đón 250.000 lượt khách quốc tế, đến năm 1999 đón được trên 1,78 triệu lượt, tăng trung bình hàng năm 26,5%. Thu
nhập từ du lịch tăng nhanh, từ 2.940 tỷ đồng năm 1990 lên gần 15.600 tỷ đồng năm 1999. Nộp ngân sách từ trên 200 tỷ đồng năm 1990 lên 765 tỷ đồng năm 1999. Việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng từ 17.000 năm 1990 lên 150.000 năm 1999.
2.2.3. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay:
Trong 2 năm 2000-2001, cùng với việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Du lịch như Nghị định 27/2001/NĐ-CP về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, Nghị định 39/2001/NĐ-CP về cơ sở lưu trú du lịch, Nghị định 50/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Tổng cục Du lịch đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định trên.
Năm 2001, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX xác định “Phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”{45, tr 178}. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2001-2010, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 và định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng để định hướng triển khai quy hoạch, kế hoạch và giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI.
Sau khi tổng kết Chương trình hành động quốc gia về du lịch và các sự kiện du lịch Việt Nam năm 2000, Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2001-2005 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến về chất cho hoạt động du lịch. Tháng 6/2005, Quốc hội khoá XI thông qua và Chủ tịch nước ký lệnh công bố Luật Du lịch, có hiệu lực kể từ 1/1/2006. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang tập trung xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Du lịch để trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản này còn rất chậm nên Luật Du lịch thực sự vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Tổng cục Du lịch đã tiến hành tổng kết Chương trình hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2001-2005, sau đó đã trình và được Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2006-2010. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định “Khuyến khích đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch, đa dạng hoá sản phẩm và các loại hình du lịch”. Đây là định hướng lớn của Đảng ta nhằm phát triển du lịch hiệu quả và bền vững.
Nói chung, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, ngành Du lịch Việt Nam đứng trước vận hội mới của sự phát triển và hội nhập với du lịch toàn cầu và khu vực, đồng thời cũng đứng trước những khó khăn, thách thức mới do biến động về chính trị, kinh tế, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, dịch bệnh và thiên tai trên thế giới. Mặc dù vậy, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh. Năm 2000, nước ta đón 2,14 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2005 đón trên 3,478 triệu lượt, tăng trung bình hàng năm là 27%. Thu nhập từ du lịch cũng tăng từ 17,4 nghìn tỷ đồng năm 2000 lên 30 nghìn tỷ đồng năm 2005, tăng trung bình hàng năm 29%. Kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch lớn và tại nhiều điểm du lịch đã được đầu tư, nâng cấp khá nhanh. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được nâng lên. Nhiều khách sạn, khu du lịch cao cấp được xây dựng, tạo diện mạo mới cho Du lịch Việt Nam.
2.3. NGUỒN LỰC CỦA DU LỊCH VIỆT NAM
2.3.1. Nguồn lực thừa hưởng:
2.3.1.1. Tài nguyên tự nhiên:
Tài nguyên tự nhiên của Việt Nam rất phong phú. Đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình biển đảo, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên đã làm cho lãnh thổ nước ta phong phú về cảnh quan và hệ sinh thái động thực vật, đặc biệt là hệ sinh thái sông hồ, biển-đảo, rừng, hang động,… là tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch.
Nước ta là một trong những nước có bờ biển dài nhất châu Á. Với trên 3.260 km bờ biển, trên 100 bãi biển và nhiều hòn đảo đẹp dọc bờ biển, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch biển như du lịch nghỉ dưỡng biển, tắm biển, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí. Các bãi biển đẹp nổi tiếng chủ yếu nằm ở miền Trung và Nam Trung bộ như Lăng Cô, Cảnh Dương, Non Nước, Văn Phong, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né. Đặc điểm địa hình vùng ven biển nước ta tạo nhiều vịnh đẹp có tiềm năng phát triển du lịch lớn như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Nha Trang, Văn Phong, Cam Ranh, trong đó Vịnh Văn Phong được coi là điểm du lịch biển lý tưởng của thế kỷ XXI (dự án VIE/89- 003), Vịnh Nha Trang được xếp vào Câu lạc bộ 500 vịnh đẹp nhất thế giới và Vịnh Hạ Long với hàng nghìn hòn đảo tạo cảnh quan hết sức kỳ vĩ đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Trong số gần 3000 hòn đảo ven bờ, nhiều đảo có hệ sinh thái phong phú, cảnh quan đẹp như Cát Bà, Cô Tô, Quan
Lạn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc có thể hình thành các điểm du lịch biển đảo đặc biệt hấp dẫn.
Hệ thống sông ngòi dày đặc và đồng bằng châu thổ cũng là những tiềm năng du lịch lớn. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là hai châu thổ lớn nơi tập trung dân cư nhiều nhất và cũng là hai vựa lúa của cả nước. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, hình ảnh người nông dân trên đồng lúa, trẻ chăn trâu trên đồng cỏ đã tạo nên những nét hấp dẫn đặc sắc đối với khách du lịch quốc tế.
Địa hình nước ta phần lớn là đồi núi nên đã kiến tạo nên nhiều vùng có cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng và là cơ hội thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch giải trí ở vùng cao như Sapa, Bắc Hà (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Ba Vì (Hà Tây), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Bà Nà (Đà Nẵng), Đan Kia- Suối Vàng, Đà Lạt (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum). Đồng thời, vùng núi cũng là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều tập quán văn hoá đặc sắc và hấp dẫn.
Với khoảng 50.000 km2 địa hình karst, nước ta có tiềm năng du lịch hang
động, thác nước tự nhiên, trong đó hơn 200 hang động đã được phát hiện, điển hình là Động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nguồn nước khoáng và suối nước nóng cũng phong phú, đến nay, nước ta phát hiện được hơn 400 nguồn nước khoáng tự nhiên có nhiệt độ từ 27ºC-105ºC có thành phần hoá học đa dạng, độ khoáng hoá cao có giá trị cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.
Nước ta có hệ sinh thái động-thực vật rừng đa dạng. Đến nay, cả nước có trên 100 khu rừng đặc dụng, trong đó có khoảng 20 rừng quốc gia, trên 50 khu bảo tồn thiên nhiên và trên 30 khu rừng văn hoá lịch sử với tổng diện tích trên 2 triệu ha. Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, nơi bảo tồn 14.624 loài thực vật,
15.575 loài động vật với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Đặc biệt, trong 5 loài thú mới được phát hiện trên thế giới trong mấy năm đầu thế kỷ XXI, 4 loài đã được phát hiện ở nước ta, đó là mang lớn, mang nhỏ, bò xừng xoắn Tây Nguyên và sao la. Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, vườn quốc gia Cát Bà đã được UNESCO xếp hạng là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Ba Bể có hồ nước tự nhiên được đánh giá vào loại lớn của thế giới đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
2.3.1.2. Tài nguyên nhân văn:
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, nước ta có tài nguyên nhân văn đa dạng. Việt Nam ngày nay là tập hợp nền văn hoá của 54 dân tộc với bản sắc đa dạng, chính thống về lịch sử, truyền thống, lối sống và phong tục tập quán. Hơn nữa, nước ta có nhiều di tích lịch sử, văn hoá trên khắp mọi miền tổ quốc. Trong số khoảng
40.000 di tích, có hơn 2500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng có giá trị di sản quan trọng, bao gồm di tích gắn liền với các triều đại lâu đời (di tích cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long,…), di tích tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ), di tích chiến tranh, chiến trường xưa (Điện Biên Phủ, Địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Củ Chi, …). Quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Ngoài di tích lịch sử cách mạng, trên khắp nước ta có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Hà Tây có hàng trăm làng nghề nổi tiếng được coi là thủ đô của các làng nghề Việt Nam. Nhiều làng nghề đã trở thành địa chỉ thông dụng của khách quốc tế như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đúc đá Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng),…Làng nghề có thể nói là một trong những tiềm năng lớn cho phát triển du lịch trong tương lai.
Bên cạnh di sản văn hoá vật thể, nước ta còn có nhiều di sản văn hoá phi vật thể độc đáo. Các loại hình văn hoá nghệ thuật dân tộc đặc sắc như các làn điệu dân ca ba miền, trầu văn, ca dao, tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử và biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống là những kho tàng văn hoá quí giá của dân tộc. Hát múa cung đình Huế, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán, lối sống, lễ hội dân gian đặc sắc của 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hoà quện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông là những thế mạnh cho phát triển du lịch.
Nhìn chung, tài nguyên du lịch của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, có sức hấp dẫn cao và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
2.3.2. Nguồn lực sáng tạo:
2.3.2.1. Kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch:
- Số lượng phòng cơ sở lưu trú của Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian qua. Năm 1992, cả nước mới có trên 13,05 nghìn phòng cơ sở lưu trú, đến năm 2005 đã đạt 95,7 nghìn phòng, tăng trên 7 lần so với năm 1992. Xem sơ đồ 2.1:
95700
74700
55760
26000
13050
120000
100000
80000
Số phòng
60000
40000
20000
0
1992 1995 2000 2002 2005
SƠ ĐỒ 2.1. SỐ LƯỢNG PHÒNG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH THỜI KỲ 1992-2005 (Nguồn: TCDL, 2005)
- Về chất lượng/chủng loại cơ sở lưu trú: Tính đến hết năm 2005, cả nước có 927 khách sạn, resort cao cấp được xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số phòng là 36.687 phòng, chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số phòng cơ sở lưu trú của cả nước. Khách sạn từ 3- 5 sao chỉ chiếm xấp sỉ 50% tổng số phòng nêu trên. Xem bảng 2.2:
BẢNG 2.2. KHÁCH SẠN TỪ 1-5 SAO CỦA VIỆT NAM TÍNH ĐẾN 2005
Số khách sạn | Số buồng khách sạn | |
5 sao | 18 | 5.251 |
4 sao | 45 | 5.561 |
3 sao | 114 | 7.965 |
2 sao | 342 | 11.497 |
1 sao | 408 | 6.413 |
Tổng số | 927 | 36.687 |
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Năng Lực Cạnh Tranh Trong Ngành Du Lịch:
- Một Số Bài Học Kinh Nghiệm Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngành Du Lịch
- Bài Học Về Đẩy Mạnh Công Tác Thị Trường, Maketing, Xúc Tiến Du Lịch:
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 7
- Kiểm Soát Và Đánh Giá: Kiểm Soát Có Tính Chiến Lược Môi Trường Cạnh Tranh Là Phần Quan Trọng Của Việc Xây Dựng Chiến Lược Và Chính Sách, Kể Cả
- Môi Trường Kinh Doanh Và Năng Lực Cạnh Tranh Của Doanh Nghiệp Du Lịch
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
(Nguồn : TCDL, 2005)
Trong thời gian vừa qua, nhiều khách sạn, khu du lịch (resort) cao cấp đã được xây dựng ở các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,