Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 7



Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Quốc, làm thay đổi cơ bản diện mạo hệ thống cơ sở lưu trú của nước ta. Đến nay, cả nước có trên 100 resort đã đưa vào hoạt động và nhiều dự án resort khác đang được xây dựng. Nơi tập trung nhiều resort nhất là Phan Thiết (68 resort), tiếp đến là Hội An. Tuy nhiên, đặc điểm cơ sở lưu trú của Việt Nam về cơ bản là thiếu nét đặc thù, tương tự nhau về kiến trúc. Mặt khác, một số trung tâm du lịch chính như Hà Nội, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thiếu khách sạn cao cấp nên mùa cao điểm thường diễn ra tình trạng thiếu phòng gay gắt. Điều này ảnh hưởng tới thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

- Chất lượng phương tiện vận chuyển: Theo Tổng cục Du lịch, hiện nay trên cả nước có hơn một vạn phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, phương tiện vận chuyển cao cấp vẫn còn rất ít. Hầu như cả nước chưa có ô tô 30-45 chỗ ngồi chuyên vận chuyển khách du lịch cao cấp, có trang thiết bị hiện đại (toilet trên xe chẳng hạn). Loại xe 30-45 chỗ ngồi hiện đại nhất hiện nay ở Việt Nam chỉ là xe Huyndai của Hàn Quốc. Trong khi đó, ở Thái Lan và Malaysia, những loại xe vận chuyển khách du lịch 30-45 chỗ, hiện đại, có toilet trên xe, có phương tiện tạo điều kiện cho người tàn tật có xe lăn lên xuống xe là khá thông dụng. Giá cả thuê ô tô ở Việt Nam khá cao so với Thái Lan vì thuế nhập khẩu ô tô quá cao.

- Chất lượng/hiệu quả sân bay: Cả nước hiện có 22 cảng hàng không, trong đó có 3 cảng hàng không quốc tế là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Trong thời gian qua, cùng với phát triển mạng đường bay và đội tàu bay, kết cấu hạ tầng sân bay đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp với tổng vốn đầu tư trên 1000 tỷ đồng, bao gồm xây mới và nâng cấp sân bay Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai và Tân Sơn Nhất. Sân bay Chu Lai dự kiến đưa vào hoạt động năm 2007 (Tạp chí Du lịch số 2/2005). Điều đó góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, các sân bay của nước ta có quy mô nhỏ, công suất hạn chế, thiết bị còn lạc hậu, kể cả kiểm soát không lưu, khu vực giành cho tiếp đón và làm thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng khách du lịch hiện nay.

- Thông tin/chỉ dẫn du lịch: đây có thể nói là một hạn chế lớn của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Du lịch Việt Nam thiếu các văn phòng thông tin du lịch đặt tại các trung tâm du lịch lớn. Một số Sở Du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập một số quầy thông tin du lịch tại trung tâm thành phố



nhưng còn quá ít, quy mô nhỏ, ấn phẩm nghèo nàn, chất lượng thông tin du lịch thấp và chưa cập nhật, ứng dụng internet còn hạn chế và đội ngũ nhân viên còn thiếu nghiệp vụ cung cấp thông tin du lịch. Vì vậy, hiệu quả của các quầy thông tin này còn thấp.

- Các phương tiện hội nghị, triển lãm: Trong những năm gần đây, xu hướng tổ chức hội nghị quốc tế đã gia tăng ở Việt Nam. Việt Nam đã tổ chức thành công một số Hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 6 tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, Hội nghị cấp cao Á-Âu. Một số khách sạn, resort cao cấp từ 4-5 sao thường xuyên đăng cai tổ chức hội nghị với trang thiết bị khá hiện đại, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp nên tạo được tín nhiệm cao như khách sạn Daewoo, Sofitel Metropol, Hilton, Nikko, Melia và Sofitel Plaza (Hà Nội), Furama Resort (Đà Nẵng), New World, REX, Caravelle và Majestic (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nước ta có rất ít trung tâm hội nghị quốc tế hiện đại, công nghệ tổ chức hội nghị của Việt Nam còn thấp và thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, Việt Nam chưa đăng cai được nhiều các hội nghị, hội thảo quốc tế như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và còn xa mới có thể trở thành một trung tâm hội nghị trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

- Loại hình và chất lượng dịch vụ ăn uống: Do đặc điểm địa hình, khí hậu, sự đa dạng văn hoá nên ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và đặc sắc. Mỗi vùng, miền, thậm chí mỗi làng quê đều có của ngon, vật lạ, nhiều món ăn đặc sắc. Chính vì vậy, ẩm thực Việt Nam đang trở thành một trong những sức hút khách quốc tế. Mới đây, Tạp chí Forbe nổi tiếng của Mỹ đã xếp Hà Nội là một trong 5 thành phố ẩm thực ngon nhất thế giới. Khách du lịch có thể thưởng thức món ăn Việt Nam tại các nhà hàng sang trọng hoặc tại quán ăn truyền thống địa phương, mang tính gia truyền. Mấy năm gần đây, chất lượng dịch vụ ăn uống tại một số trung tâm du lịch đã được cải thiện đáng kể như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Huế,…Tuy nhiên, ở nhiều điểm du lịch, chất lượng dịch vụ ăn uống còn thấp, điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Đội ngũ nhân viên phục vụ ít được đào tạo, kỹ năng phục vụ còn hạn chế.

2.3.2.2. Loại hình hoạt động du lịch:

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 7

- Hoạt động du lịch dưới nước: Nước ta có tiềm năng lớn về du lịch biển, nhưng các loại hình hoạt động du lịch biển như lặn biển, câu cá, lướt ván, đua



thuyền buồm, đi thuyền kayak,… chưa được phát triển ở Việt Nam. Nhiều bãi biển có vẻ đẹp tự nhiên hấp dẫn, phù hợp với tổ chức các hoạt động du lịch dưới nước nhưng vẫn chưa được phát triển như Lăng Cô, Non Nước, Mũi Né,…Các loại tiện nghi cung cấp cho khách du lịch biển còn hạn chế. Vì vậy, lượng khách du lịch nghỉ biển ở Việt Nam vẫn chưa cao. Vịnh Văn Phong đựơc coi là điểm du lịch biển lý tưởng của thế kỷ XXI nhưng gần như chưa được khai thác cho mục đích du lịch. Kết cấu hạ tầng còn hạn chế nên chưa có các resort cao cấp ở đây. Hơn nữa, Chính phủ đã quyết định xây dựng nơi đây thành khu vực chuyển tải dầu nên những tác động môi trường của hoạt động này có thể cản trở phát triển Văn Phong thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Nước ta có mạng lưới sông hồ dày đặc nên thích hợp cho phát triển các loại hình du lịch dưới nước. Du lịch sông nước đã bắt đầu phát triển tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ. Các tour du lịch trên sông Hương đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách tới Huế. Tuy nhiên, so với tiềm năng, hoạt động du lịch trên sông, hồ ở nước ta còn rất hạn chế do chưa biết cách thức khai thác hiệu quả cho mục đích kinh doanh du lịch.

- Hoạt động du lịch thiên nhiên: Cảnh quan thiên nhiên của nước ta rất đẹp nên hoạt động du lịch ngắm cảnh, trở về với tự nhiên đang được phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở vùng núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên. Nước ta có nhiều rừng quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái động thực vật đa dạng là những tiềm năng to lớn cho phát triển các loại hình du lịch trở về với tự nhiên. Các vườn quốc gia như Cúc Phương, Cát Bà, Bạch Mã, Tam Đảo, Ba Bể, Yok Don, Ba Vì,… là những nơi đang thu hút nhiều khách quốc tế và nội địa tới ngắm cảnh, tìm hiểu, hoà mình vào thiên nhiên. Các loại hình du lịch đi bộ (trekking), đi xe đạp trong khu vực thiên nhiên đang thực sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách.

- Các hoạt động mạo hiểm: nước ta với địa hình đa dạng, có nhiều tiềm năng cho hoạt động du lịch mạo hiểm như leo núi, vượt thác, đi bộ, leo núi (hiking), đi bè trên suối, đua xe đạp, đua ô tô, mô tô,... Khu vực vùng núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là những khu vực có thế mạnh cho phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được phát triển mạnh ở nước ta. Thủ tục cho khách thực hiện tour mạo hiểm còn khó khăn. Năm 2002, tour du



lịch mạo hiểm Raid Gouloises gồm hơn 800 khách du lịch quốc tế đi qua 9 tỉnh miền núi phía Bắc do Công ty Du lịch Việt Nam-Hà Nội phối hợp với hãng Raid Gouloises của Pháp tổ chức có thể nói là tour du lịch mạo hiểm lớn nhất ở Việt Nam đã được tổ chức thành công. Tuy nhiên, để giải quyết thủ tục cho đoàn khách này đi qua 9 tỉnh trên mất rất nhiều thời gian. Trong những năm gần đây, xu hướng khách sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô, mô tô để đi du lịch ở Việt Nam ngày càng tăng nhưng thủ tục vẫn phức tạp. Điều này hạn chế thu hút khách du lịch mạo hiểm đến Việt Nam .

- Các phương tiện thể thao: ở nước ta hiện nay không có nhiều phương tiện thể thao cho khách du lịch. Các phương tiện như golf, tennis,…, phương tiện thể thao nước như bơi, đi thuyền, câu cá, các phương tiện cho du khách có sở thích đặc biệt như du lịch mạo hiểm, sinh thái, du lịch văn hoá và đi xe đạp địa hình chưa phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng và dịch vụ thể thao còn nhiều hạn chế. Phương tiện thể thao hiện đại chưa nhiều. Nước ta chưa có chiến lược kết hợp du lịch với tổ chức các sự kiện thể thao nên chưa đăng cai được nhiều sự kiện thể thao quốc tế và khu vực. Trong khi đó, Thái Lan có cả một chiến lược khuếch trương các phương tiện và sự kiện thể thao trong chiến dịch quảng bá du lịch chung để thu hút khách du lịch.

2.3.2.3. Mua sắm (shopping): Mua sắm được coi là loại hình giải trí hoặc là nhu cầu cần thiết của nhiều khách du lịch. Đối với một số nền văn hoá, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, quà tặng ngay cho người thân khi trở về nhà là yếu tố quan trọng cho toàn bộ chuyến du lịch. Đối với nhiều nước khác trên thế giới, cơ hội mua sắm các mặt hàng miễn thuế là động cơ chủ yếu để đi du lịch. Đối với nhiều khách du lịch, cơ hội được mua sắm ở những địa điểm lạ hoặc ‘‘miễn thuế’’ là nhân tố ‘hút’’ quan trọng của du lịch ra nước ngoài. Hồng Kông và Singapore đã marketing chính nước họ như điểm đến mua sắm. Hơn 50% chi phí của du khách ở Singapore là mua sắm. Trong khi đó, chi phí mua sắm của khách quốc tế ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Loại mặt hàng khách mua sắm chủ yếu là hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ, quần áo, vải lụa, bánh kẹo, đồ trang sức,...Các địa chỉ quen thuộc đối với khách du lịch thời gian qua là các cửa hàng quần áo, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm cỡ vừa và nhỏ. Các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, cửa khẩu có quy mô nhỏ, mặt hàng thiếu đa dạng, mẫu mã chưa hấp dẫn và



chất lượng còn thấp nên nguồn thu chưa đáng kể. Ngành Du lịch chưa có chiến lược kết hợp với ngành Thương mại để thúc đẩy mua sắm của khách du lịch mặc dù hàng hoá nước ta khá rẻ và là lợi thế trong cạnh tranh.

2.3.2.4. Giải trí:

- Công viên chủ đề : Nước ta chưa có nhiều công viên chủ đề đủ tầm cỡ để thu hút khách du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh có 2 công viên chủ đề lớn là khu du lịch Đầm Sen và khu du lịch Suối Tiên nhưng chủ yếu mới thu hút được khách nội địa. Nước ta có thế mạnh về biển nhưng cũng chưa có công viên chủ đề nào có quy mô lớn dưới biển như Ocean Park của Hồng Kông và Sentosa của Singapore. Nha Trang có công viên Hải dương ở khu vực hồ cá Trí Nguyên nhưng quy mô còn nhỏ và chưa hấp dẫn.

- Loại hình và chất lượng giải trí : Các loại hình giải trí ở nước ta còn nghèo nàn, chưa đa dạng. Chất lượng giải trí còn thấp. Tại các trung tâm du lịch chính như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế chưa có nhiều loại hình giải trí cho khách du lịch ngoài các điểm biểu diễn văn hoá truyền thống, một số vũ trường hiện đại, câu lạc bộ có phục vụ âm nhạc. Giải trí ở các điểm du lịch biển cũng vậy. Tại một số bãi biển ở Nha Trang, Đà Nẵng, Cát Bà đã xuất hịên một số loại hình giải trí như dù bay trên biển, bơi thuyền kayak, đi thuyền buồm, lặn biển, câu cá. Tuy nhiên, nhìn chung, đa số các bãi biển của Việt Nam chưa có các loại hình giải trí, khách du lịch đến đó chủ yếu chỉ tắm biển và sau đó không biết làm gì. Các khu nghỉ núi ở nước ta như Đà Lạt, Tam Đảo, Bà Nà, Bạch Mã, Sapa,…cũng trong tình trạng tương tự.

2.3.2.5. Các lễ hội và sự kiện đặc biệt: Việt Nam có nền văn hoá truyền thống lâu đời với hàng loạt lễ hội diễn ra quanh năm, trong đó tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Trong mấy năm gần đây, kể từ khi thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Việt Nam đã chú trọng tổ chức lễ hội để thu hút khách du lịch. Vì vậy, hoạt động lễ hội khá sôi động ở nhiều trung tâm du lịch, trong đó phải kể đến Festival Huế, lễ hội đêm rằm phố cổ Hội An, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Katê, lễ hội Ooc om bok, lễ hội Cầu Ngư,... Nhiều lễ hội dân gian đã được khôi phục. Tuy nhiên, ngoài lễ hội đêm rằm phố cổ Hội An và Festival Huế, lễ hội nước ta mới chủ yếu thu hút khách nội địa, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế.



Lý do cơ bản là chúng ta chưa biết khai thác yếu tốc dân gian đặc sắc của nhiều lễ hội, trong khi đó, chính quyền tham gia quá nhiều vào công tác tổ chức lễ hội làm cho lễ hội mất tính hấp dẫn tự nhiên. Nhiều lễ hội được tổ chức theo hướng sân khấu hoá lễ hội, không dựa trên nền tảng của lễ hội dân gian nên thực sự nhàm chán. Ấn phẩm giới thiệu về lễ hội nhiều nơi không có. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia đã khai thác tối đa các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Lễ hội mừng năm mới Songkran (té nước) và lễ hội Loy Krathong của Thái Lan đã trở thành lễ hội quen thuộc, thu hút đáng kể khách quốc tế do họ biết tôn trọng yếu tố truyền thống, nét đặc sắc tự nhiên của lễ hội cũng như biết quảng bá mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

2.3.3. Các nhân tố hỗ trợ:

2.3.3.1. Kết cấu hạ tầng cơ bản:

Kết cấu hạ tầng của nước ta đã được cải thiện nhanh trong 10 năm qua do sự bùng nổ về kinh tế và Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng của đất nước. Mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay, cảng biển, đường sắt, cửa khẩu đường bộ, hệ thống cung cấp điện, công nghệ thông tin, cấp nước, phương tiện vệ sinh là những kết cấu hạ tầng quan trọng đã được xây dựng, nâng cấp và cải thiện nhanh, nhất là các tuyến đường huyết mạch, các cầu, đường hầm, hệ thống giao thông nông thôn, miền núi nơi có các điểm du lịch. Kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch và điểm du lịch lớn đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, nhìn chung kết cấu hạ tầng của nước ta còn lạc hậu so với các nước là đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Thái Lan và Singapore.

- Hệ thống thông tin viễn thông cho khách du lịch: Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng lưới viễn thông ở Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong 10 năm qua. Khách du lịch hiện nay có thể sử dụng phương tiện thông tin và viễn thông ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An, dịch vụ internet khá phát triển. Tuy nhiên, mạng lưới này còn nhiều hạn chế ở khu vực nông thôn, miền núi. Một số địa phương còn xa lạ với internet. Do độc quyền nhà nước trong lĩnh vực này nên giá dịch vụ thông tin liên lạc ở nước ta như điện thoại còn cao.



- Hệ thống giao thông trong nước đã có những cải thiện đáng kể trong 5 năm trở lại đây. Mạng lưới đường xá, hệ thống đèn giao thông ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khá nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống giao thông ở nước ta vẫn còn lạc hậu. Gần như chưa có hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông bằng tiếng Anh để hỗ trợ khách nước ngoài. Vào giờ cao điểm, tại nhiều đô thị lớn thường xảy ra ùn tắc giao thông. Mặc dù đường được cải thiện, nhưng biện pháp kiềm chế tốc độ kèm theo kiểm soát gắt gao và biểu hiện tiêu cực của lực lượng cảnh sát giao thông đã ngăn trở giao thông thông suốt và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều tuyến đường rất tốt nhưng các phương tiện vẫn phải chạy rất chậm. Nhiều địa phương như Hà Nội, Phú Thọ còn hạn chế xe chở khách từ 30 chỗ trở lên không được vào thành phố vào giờ cao điểm đã gây nhiều phiền toái cho khách du lịch và doanh nghiệp.

- Các cơ sở chăm sóc y tế/sức khoẻ cho khách du lịch: Ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có một vài bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế như Bệnh viện Việt- Pháp, Bệnh viện Việt-Nhật, còn hầu hết các trung tâm du lịch khác không có các cơ sở này. Khi khách bị tai nạn hoặc có vấn đề khẩn cấp về sức khoẻ, thông thường khách được vận chuyển sang Singapore hoặc nước khác. Nước ta cũng chưa có chiến lược kết hợp giữa ngành Du lịch và Y tế để phát triển loại hình du lịch điều dưỡng, khám chữa bệnh mặc dù có đội ngũ bác sĩ giỏi và nổi tiếng về lĩnh vực châm cứu chữa bệnh và đông y. Trong khi đó, Singapore có chiến lược biến nước này trở thành một điểm đến du lịch chữa bệnh. Trung Quốc cũng áp dụng triệt để loại hình du lịch kết hợp khám, chữa bệnh để thu hút khách du lịch.

- An toàn/an ninh cho khách du lịch: Việt Nam hiện được coi là điểm đến khá an toàn nhờ ổn định chính trị và phát triển kinh tế nhanh của đất nước. Công tác an ninh/an toàn cho khách du lịch nhìn chung được đảm bảo ở hầu hết các điểm du lịch trong cả nước. Điều này tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch và trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ăn xin, bán hàng rong, đeo bám khách du lịch tại một số điểm du lịch. Tình trạng móc túi khách du lịch vẫn diễn ra ở một số điểm du lịch. Tình trạng kiểm tra của lực lượng công an đối với cơ sở lưu trú vào ban đêm ở một số địa phương cũng tạo phản cảm cho khách du lịch.

- Xử lý chất thải: Phát triển du lịch đồng nghĩa với việc chất thải ngày càng nhiều lên. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng tới xử lý chất thải để



bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải của Việt Nam còn lạc hậu. Nhiều khách sạn, khu, điểm du lịch chưa có biện pháp thu gom và xử lý chất thải nên vẫn còn tình trạng rác thải bừa bãi, chất thải rắn, lỏng không được xử lý, gây mất mỹ quan. Nhiều cơ sở lưu trú đã để cho nước thải chảy ra biển, sông, hồ, gây ô nhiễm nặng nề. Một số bãi biển đông khách du lịch như Bãi Cháy, Đồ Sơn, túi ni lon, vỏ đồ hộp được vứt ngổn ngang trên bãi biển. Ngay cả những điểm du lịch tiềm năng còn nguyên sơ, chưa có khách du lịch, tình trạng ô nhiễm cũng đáng cảnh báo như bãi biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chẳng hạn. Một số nhà dân làm nhà vệ sinh cạnh bãi biển và một số người dân có thói quen đi vệ sinh ngay trên bãi biển đã làm cho bãi biển rất đẹp này bị ô nhiễm. Điều này cần được lưu ý trong quá trình quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch của nước ta.

- Cung cấp điện: Hiện nay, mặc dù có nhiều nhà máy điện và nguồn cung cấp điện tăng nhưng do nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao nên nguy cơ thiếu điện ở Việt Nam đã trở nên hiện hữu, đặc biệt là vào mùa hè. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã phải tự đầu tư máy nổ để cung cấp điện trong trường hợp điện bị cắt. Các đảo du lịch như Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Quan Lạn nguồn cung cấp điện rất hạn chế do chưa có mạng lưới điện quốc gia. Gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch được cảnh báo phải tiết kiệm điện. Thực tế cho thấy, đối với cơ sở lưu trú, nhu cầu dùng điện trang trí vào ban đêm là rất cần thiết để tạo sức hấp dẫn và tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, cơ quan cung cấp điện không cho phép sử dụng điện vào trang trí. Điều đó gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh dịch vụ của các cơ sở này.

2.3.3.2. Chất lượng dịch vụ:

- Cùng với tăng trưởng nhanh về lượng khách du lịch, chất lượng dịch vụ ở Việt Nam đã được nâng cao một bước. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại nhiều trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Huế, Hội An đã đáp ứng tốt tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành chú trọng hơn tới tổ chức các tour du lịch đa dạng, có chất lượng cao cho du khách.

- Đào tạo tại chỗ được nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ còn thấp. Trình độ và thái độ phục vụ của nhân viên tại nhiều cơ sở du lịch còn kém. Hiện tượng cạnh tranh thiếu lành

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/08/2022