Tiến Trình Cổ Phần Hóa Ở Việt Nam Và Tác Động Của Cổ Phần Hóa Đối Với Họat Động Của Nhtm


Chính vì những lý do trên, ngày nay hiệu quả về mặt xã hội cũng được xem là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTM.

1.4. Tiến trình cổ phần hóa ở Việt nam và tác động của cổ phần hóa đối với họat động của NHTM

1.4.1. Tiến trình cổ phần hóa ở Việt nam qua các giai đoạn


1.4.1.1. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về cổ phần hóa


- Đại hội VI (năm 1986), Đảng chủ trương nhất quán phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, coi đó là đặc trưng của thời kỳ quá độ, đa dạng hoá hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo chi phối các thành phần kinh tế khác.

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 khóa VII(11-1991), Đảng chủ trương chuyển một số doanh nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần. Cũng trong thời gian đó, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 đã đưa cổ phần hóa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1991-1995. Đảng và Nhà nước khẳng định cổ phần hoá ở Việt nam không phải là tư nhân hóa mà hướng tới tháo gỡ khó khăn về vốn, về cơ chế cho doanh nghiệp, không nhằm thu hẹp sở hữu nhà nước.

- Đại hội VIII (năm 1996), Đảng chủ trương triển khai tích cực và vững chắc việc cổ phần hoá để huy động thêm vốn, tăng thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, làm cho tài sản nhà nước ngày càng tăng lên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

- Đại hội IX(năm 2001) đề ra mục tiêu trong 5 năm (2001-2005) phải cơ bản hoàn thành củng cố, sắp xếp, điều chỉnh, cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa và đa dạng hóa hình thức sở hữu đối với những DNNN không cần nắm giữ 100% vốn, xem đó là khâu quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

- Đại hội X (năm 2006)”Đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa. Cơ cấu lại DNNN tập trung vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền

Nâng cao hiệu quả hoạt động Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sau cổ phần hóa - 5


kinh tế, dịch vụ công ích. Đẩy mạnh và mở rộng diện cổ phần hóa DNNN kể cả các tổng công ty nhà nước”(Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ X, 2006 trang 85).

- Đại hội XI (tháng 01/2011), tiếp tục khẳng định chủ trương”đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, thực hiện đa sở hữu trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”(Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, 2011 trang 110).

1.4.1.2. Các giai đoạn của quá trình cổ phần hóa ở Việt nam


- Giai đoạn thí điểm thăm dò


+ Ngày 10/05/1990 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 143/HĐBT ban hành một số giải pháp về việc chuyển đổi xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần, đây là văn bản đầu tiên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề cập đến lĩnh vực này. Kết quả tính đến cuối năm 1990 có 2 doanh nghiệp được cổ phần hóa.

+ Ngày 08/06/1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 202/CT về việc tiếp tục thí điểm chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần, quyết định và đề án này quy định rõ về mục tiêu, đối tượng, cách thức tiến hành cổ phần hóa, cách thức xác định giá trị doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Kết quả đạt được trong giai đoạn này tính đến tháng 4/1996 có thêm 5 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong đó 3 DNNN do trung ương quản lý và 2 DNNN do địa phương quản lý.

- Giai đoạn thí điểm nhân rộng


+ Ngày 07/05/1996 Chính phủ ban hành nghị định số 28/CP về việc chuyển một số DNNN sang công ty cổ phần, đây là mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình từ giai đoạn thăm dò sang giai đoạn triển khai nhân rộng chương trình cổ phần hóa, nghị định yêu cầu các bộ/ngành trung ương và các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thống kê danh sách các DNNN xét thấy không cần thiết nắm giữ 100% vốn mà chuyển sang cổ phần hóa đến năm 1997.


+ Ngày 26/03/1997, Chính phủ ban hành nghị định 25/CP cho phép các bộ, ngành, địa phương có thêm quyền hạn trong việc thí điểm cổ phần hóa các DNNN có vốn từ 10 tỷ đồng trở xuống, điều này thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tốc độ và quy mô cổ phần hóa DNNN của Đảng và Nhà nước nhằm huy động thêm nguồn vốn, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn hiệu quả làm cho tài sản nhà nước ngày một tăng lên. Kết quả giai đoạn này có 25 DNNN được cổ phần hóa.

- Giai đoạn đẩy mạnh triển khai với quy mô lớn hơn

Ngày 29/06/1998, Chính phủ ban hành nghị định số 44/1998/NĐ-CP chính thức bật đèn xanh cho việc mở rộng quy mô thực hiện chương trình cổ phần hóa, nghị định này cũng quy định rõ về tỷ lệ cổ phần mỗi cá nhân, pháp nhân được phép nắm giữ trong các doanh nghiệp được cổ phần hóa. Kết quả giai đoạn này tính đến 31/12/2001 có 548 DNNN được thực hiện cổ phần hóa.

- Giai đoạn triển khai đại trà


Ngày 19/06/2002 chính phủ ra nghị định số 64/2002/NĐ-CP mở ra giai đoạn mới cho tiến trình cổ phần hóa được thực hiện đại trà trong phạm vi cả nước trong các lĩnh vực kinh tế. Tính đến cuối tháng 8 năm 2012, theo báo cáo tổng hợp đã có 3.952 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá; trong đó có 58% doanh nghiệp thuộc địa phương, 30% doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành và 12% thuộc các tập đoàn, tổng công ty 91. Tổng số vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được duyệt của các doanh nghiệp cổ phần hóa vào khoảng 189 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 69%, người lao động chiếm 10%, còn lại là các nhà đầu tư khác chiếm 21%, góp phần cơ bản vào việc xắp xếp DNNN từ chỗ trước đây là khoảng 12.000 xuống còn gần 6.000 giai đoạn này.

1.4.1.3. Việc cổ phần hóa các NHTM nhà nước tại Việt nam

Trong xu thế cổ phần hóa và tái cấu trúc lại hệ thống NHTM nhà nước được Chính phủ và NHNN lên kế hoạch từ đầu năm 2003 nhằm đưa lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt nam phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Các NHTM nhà nước đã lập phương án cổ phần hóa trình NHNN phê duyệt chủ


trương và phương án thực hiện, bước đầu theo nguyên tắc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (tối thiểu 51%) phần còn lại bán cho cán bộ công nhân viên, phát hành ra ngoài công chúng, bán cho đối tác chiến lược, ngân hàng nước ngoài; các NHTM nhà nước sau khi cổ phần hóa phải đề ra lộ trình nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro, đổi mới công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế nhằm đẩy nhanh tốc độ và quy mô tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường truyền thống trong nước và từng bước mở rộng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh ra thị trường quốc tế. Các NHTM nhà nước sau khi cổ phần hóa phải trở thành những tập đoàn tài chính vững mạnh và đa năng, thực sự là nòng cốt trong việc cung cấp các tiện ích, sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các chủ thể của nền kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Tiên phong trong lĩnh vực cổ phần hóa NHTM nhà nước là ngân hàng ngoại thương Việt nam(VietcomBank) khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 26/12/2007 với hơn 112 triệu cổ phiếu bán hết cho 9.000 nhà đầu tư với giá bình quân 107.600 đồng/cổ phiếu. Ngày 02/06/2008 VietcomBank chính thức chuyển đổi thành NHTM cổ phần ngoại thương Việt nam.

- Tiếp theo đó, ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 25/12/2008 với số lượng cổ phần chào bán là 53,6 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phiếu, có 12.982 nhà đầu tư đăng ký mua với mức giá bình quân là 20.265 đồng/ cổ phiếu.

- Ngày 20/07/2011, ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là NHTM nhà nước thứ ba tiến hành cổ phần hóa đã chào bán 64,59 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phiếu, với 17,74 triệu cổ phiếu được đấu giá thành công, giá cao nhất là 15.000 đồng, thấp nhất là 11.000 đồng. Có 3.744 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia đấu giá.

- Gần đây nhất, ngày 30/11/2011, thủ tướng Chính phủ đã có q uyết định số 2124/QĐ-TTg, phê duyệt phương án cổ phần hóa ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có và phát hành


thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu của nhà nước không thấp hơn 65%. Ngày 29/12/2011, BIDV đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với hơn 84,75 triệu cổ phiếu chào bán đã được mua hết với giá bình quân là 18.583 đồng/cổ phiếu, có 16.238 nhà đầu tư tham gia đấu giá.

1.4.2. Tác động của cổ phần hóa đối với hoạt động của hệ thống NHTM

1.4.2.1. Tạo sân chơi bình đẳng cho các NHTM trong kinh doanh

Các NHTM nhà nước được nhà nước cấp vốn điều lệ và bổ sung theo quy mô tăng trưởng và mức độ tổn thất tài sản do những rủi ro khách quan xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh khi phải thực hiện các mục tiêu phi lợi nhuận theo chỉ định của chính phủ như: chính sách xã hội, an ninh chính trị, ưu đãi đầu tư..vv., điều này tạo ra sức ỳ và ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước, các NHTM nhà nước hoạt động thiếu năng động, hiệu quả thấp, cơ chế tín dụng lỏng lẻo, thủ tục rườm rà, năng lực quản trị kém, thường xuyên phát sinh nợ xấu, nợ khó đòi, nợ không còn khả năng chi trả, tạo gánh nặng cho xã hội và nền kinh tế.

Cổ phần hóa các NHTM nhà nước sẽ phát huy được nội lực, sự năng động cho các ngân hàng được cổ phần hóa nhằm nâng cao năng lực tài chính, đổi mới cơ chế quản trị điều hành, điều chỉnh định hướng phát triển và mục tiêu hoạt động kinh doanh, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình NHTM cùng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật theo như cam kết của Việt nam khi gia nhập WTO. Sự bình đẳng được thể hiện thông qua những lĩnh vực cơ bản sau đây:

- Các NHTM được hoạt động trong môi trường pháp lý như nhau (luật kinh tế, luật TCTD, luật phá sản, các cơ chế chính sách và sự điều hành vĩ mô về tài chính, tiền tệ tín dụng, quản lý ngoại hối của nhà nước).

- Lĩnh vực hoạt động và môi trường đầu tư như nhau (về huy động vốn, sản phẩm dịch vụ, cấp tín dụng cho những ngành nghề kinh doanh đặc biệt).

- Nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước áp dụng đối với các loại hình TCTD, NHTM là như nhau theo một tỷ lệ thống nhất không bị phân biệt đối xử.


- Chế độ báo cáo, thống kê công khai nhằm đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác như: báo cáo thường niên, báo cáo kiểm toán, báo cáo thu nhập chi phí.

1.4.2.2. Hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính thế giới

Cổ phần hóa NHTM nhà nước tạo điều kiện cho hệ thống NHTM Việt nam hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính thế giới và đây được coi là xu hướng chủ đạo chi phối sự phát triển của ngành ngân hàng Việt nam trong thời gian tới đem lại nhiều cơ hội cho sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm, vốn, quản trị điều hành và công nghệ ngân hàng. Quá trình hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính thế giới sẽ giúp ngành ngân hàng Việt nam tiếp cận các nguồn vốn từ thị trường tài chính quốc tế một cách dễ dàng hơn thông qua việc phát hành trái phiếu, niêm yết cổ phiếu của chính phủ và doanh nghiệp trên các thị trường chứng khoán quốc tế để thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường Việt nam; cụ thể năm 2005 lần đầu tiên chính phủ Việt nam phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với số vốn là 750 triệu USD, đợt thứ 2 vào năm 2007 đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế với kỳ hạn 10-30 năm, đợt thứ ba vào năm 2010 phát hành 1 tỷ USD ra thị trường quốc tế với kỳ hạn 10 năm, hoặc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đầu năm 2011 đã phát hành thành công trái phiếu vào thị trường trái phiếu chuyển đổi Singapore, những đợt phát hành này đều rất thành công. Bên cạnh đó sự cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng gay gắt hơn sẽ kéo theo sự ra đời của những sản phẩm tài chính mới, đẩy mạnh phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các NHTM Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm quản lý, kiến thức và công nghệ tài chính hiện đại từ các định chế tài chính nước ngoài cùng với quá trình chuyển giao công nghệ gia tăng mạnh mẽ khi họ tham gia vào thị trường Việt nam. Việc dỡ bỏ các hạn chế hiện tại cho phép các định chế tài chính và công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước đã đóng góp lớn vào sự phát triển của các định chế tài chính và các dịch vụ tài chính trong nền kinh tế của Việt Nam.


1.4.2.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm ngân hàng.

Theo lộ trình đã cam kết khi Việt nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới(WTO), đến ngày 01/01/2011, các ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động bình đẳng với các TCTD trong nước, do các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm về quản trị, quản lý rủi ro hàng trăm năm, có thương hiệu mạnh, sản phẩm dịch vụ phong phú đa dạng, đội ngũ nhân viên có trình độ năng lực và được đào tạo bài bản, tác phong chuyên nghiệp, phục vụ tận tình chu đáo dễ tạo ra một sự cuốn hút với khách hàng. Vì vậy để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, các NHTM trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt như: năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, thị phần, chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, mở rộng các kênh phân phối xuống cơ sở nhằm chiếm lĩnh thị trường, tận dụng mối quan hệ khách hàng lâu năm sẵn có để cung cấp một cách đa dạng các loại hình sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng tiên tiến hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng cần chú trọng đến các sản phẩm dịch vụ có tính chuyên biệt phù hợp thị hiếu và sở thích của thị trường trong nước và từng địa phương tạo sự thuận lợi, tiện nghi, thoải mái, hài lòng cho khách hàng giao dịch, từ đó củng cố và duy trì mạng lưới khách hàng truyền thống, hợp tác toàn diện, gắn bó chặt chẽ, lâu dài, sử dụng các sản phẩm dịch vụ trọn gói của nhau. Gấp rút triển khai mô hình ngân hàng bán lẻ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, phân loại khách hàng, phân chia khu vực phục vụ với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt chăm sóc khách hàng chiến lược, thực hiện đổi mới, cải tiến tác phong giao dịch của đội ngũ nhân viên theo phương châm”khách hàng là thượng đế và sự thành công của khách hàng cũng chính là sự thành công của ngân hàng”.


Kết luận chương 1


Chương 1 đã nêu được khung lý thuyết của đề tài đó là tổng quan về NHTM và cổ phần hóa NHTM, trong đó hệ thống hóa một số vấn đề cơ bản về chức năng và nghiệp vụ của NHTM, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tế công tác cổ phần hóa nói chung và cổ phần hóa các NHTM nhà nước ở Việt nam thời gian qua nói riêng. Ngoài ra chương 1 cũng đã đưa ra một số tác động cơ bản của cổ phần hóa đối với hoạt động của hệ thống NHTM Việt nam.

Mặc dù có nhiều tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, tuy nhiên theo quan điểm và góc độ nhìn nhận riêng, người viết đã đưa ra một số nhóm tiêu chí cơ bản, tiêu biểu nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, đây chính là cơ sở, hành trang để luận văn bước vào chương 2: phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh của một NHTM nhà nước trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa, đó là Ngân hàng TMCP Công thương Việt nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (VietinBank CN.TP.HCM).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023