Nâng cao hiệu quả hoạt động Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sau cổ phần hóa - 2


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài :


Cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp tỏ ra hiệu quả trong thời chiến khi huy động được tối đa sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, tuy nhiên mô hình này trong thời bình đã bộc lộ những hạn chế cản trở sự phát triển của kinh tế đất nước cụ thể:

- Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp do hoạt động không dựa trên hiệu quả kinh tế mà vận hành theo chỉ tiêu pháp lệnh được phân bổ, các doanh nghiệp chỉ cần hoàn thành kế hoạch được giao, nhận cấp phát ở đầu vào và giao nộp sản phẩm ở đầu ra, không phải tính toán lời lỗ lẫn hiệu quả hoạt động, không quan tâm đến nhu cầu của thị trường lẫn sở thích của người tiêu dùng;

- Việc phân phối thu nhập trong các DNNN thực hiện theo phương thức bình quân chủ nghĩa, không phân biệt giữa người làm nhiều, làm ít, người làm tốt, làm dở vì vậy không tạo được động lực kích thích người lao động phát huy hết khả năng tìm tòi nghiên cứu sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả công việc để làm giàu cho bản thân, cho xã hội và cộng đồng mà hoạt động một cách vô thức thụ động;

- Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dẫn đến tình trạng vô chủ, sử dụng bừa bãi, lãng phí, thậm chí phá hoại tư liệu sản xuất và nguồn tài nguyên quốc gia;

- Bộ máy quản lý DNNN cồng kềnh, chồng chéo, nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Hậu quả là sản xuất ngày càng giảm sút, đất nước rơi vào tình trạng thiếu hụt kinh niên, đời sống người dân ngày càng khó khăn, căng thẳng xã hội xuất hiện và ngày càng trở nên trầm trọng.

Những mâu thuẫn và bức xúc trên đòi hỏi phải được giải quyết nhằm mở đường cho kinh tế đất nước phát triển, nếu không từ những bất ổn về kinh tế sẽ lan sang chính trị đe đọa đến sự ổn định của chế độ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.



Nâng cao hiệu quả hoạt động Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sau cổ phần hóa - 2

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới nhất là đổi mới về tư duy kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế tổng quát từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước và xem đó là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Khi áp dụng mô hình kinh tế mới, do cơ chế và mục tiêu quản lí thay đổi, khi hiệu quả kinh tế trở thành yếu tố sống còn thì các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước đã bộc lộ đầy đủ những yếu kém và lâm vào tình trạng sa sút, khủng hoảng trầm trọng và có nguy cơ bị phá sản hàng loạt. Vấn đề đặt ra là phải cấu trúc lại sở hữu nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò của nó theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng, đây chính là căn cứ lý luận để chúng ta triển khai chương trình cổ phần hóa bắt đầu từ những năm 1990 cho đến nay đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên cổ phần hóa không chỉ mang tính tích cực, nó cũng có những mặt trái và hạn chế nhất định mang đặc tính chung của kinh tế thị trường như tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, độc quyền, cá lớn nuốt cá bé, phá sản, thất nghiệp, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải vững vàng trước mọi thử thách, phát huy nội lực, đổi mới tư duy, thích nghi với môi trường kinh doanh mới, đây mới là điều kiện đủ để các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cạnh tranh, tạo dựng vị thế, uy tín thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới.

Để khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước, bản thân người viết hiện đang công tác tại VietinBank CN TP.HCM, được trải nghiệm những khó khăn và thành tựu của quá trình chuyển đổi từ NHTM nhà nước sang NHTM cổ phần vì vậy xin được lấy đó làm đơn vị nghiên cứu để minh chứng cho luận điểm trên với đề tài:”Nâng cao hiệu quả hoạt động Ngân hàng TMCP công thương chi nhánh TP.Hồ Chí Minh sau cổ phần hóa”.


2. Mục tiêu nghiên cứu :


Mục tiêu tổng quát:


Kiểm chứng tính đúng đắn của chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.


Mục tiêu cụ thể:


- Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của VietinBank CN TP.HCM sau khi thực hiện cổ phần hóa;

- Đo lường sự tác động ảnh hưởng của từng nhân tố định tính và định lượng đến quá trình phát triển và hiệu quả hoạt động sau cổ phần;

- Đề xuất nhóm giải pháp nhằm định hướng sự phát triển VietinBank CN TP.HCM được an toàn, bền vững, ổn định nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sau cổ phần hóa.

3. Nhiệm vụ nghiên cứu


- Nghiên cứu lý thuyết về hiệu quả hoạt động và sở hữu cổ phần hóa;


- Thực trạng mối quan hệ giữa cổ phần hóa và hiệu quả hoạt động kinh doanh;


- Giải pháp tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM sau cổ phần hóa.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Các mặt hoạt động của VietinBank CN TP.HCM, các chiến lược và giải pháp kinh doanh đang thực thi và sẽ triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của VietinBank CN TP.HCM.

- Phạm vi nghiên cứu: Trong toàn hệ thống VietinBank theo diện rộng và trong phạm vi VietinBank CN TP.HCM, với thời gian nghiên cứu từ trước thời điểm NHCT thực hiện cổ phần hóa 3 năm cho đến hết ngày 31/12/ 2013.

5. Phương pháp nghiên cứu


- Về mặt phương pháp luận: Sử dụng phương pháp biện chứng duy vật, trừu tượng hóa, khái quát hóa.

- Phương pháp cụ thể cho đề tài: Sử dụng kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để bài luận văn được logic, xúc tích.


+ Nghiên cứu định tính: Thông qua phương pháp tổng hợp, mô tả, trừu tượng hóa, lý thuyết hóa vấn đề nghiên cứu, phân tích đặc điểm, xu hướng vận động theo hình thức quy nạp để diễn giải sự vật theo diễn tiến quy luật khách quan.

+ Nghiên cứu định lượng: Trên cơ sở số liệu thu thập từ các nguồn dữ liệu tại chỗ, qua báo cáo tài chính thường niên, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán đăng trên webside của VietinBank; sử dụng mô hình khoa học tự nhiên thực chứng luận theo lối diễn dịch để nghiên cứu vấn đề.

+ Ngoài ra bài luận còn sử dụng thêm phương pháp thống kê mô tả và thống kê so sánh để tổng hợp, phân tích xử lý dữ liệu, dữ kiện đưa ra kết luận và đề ra giải pháp giải quyết khả thi.

6. Tình hình nghiên cứu đề tài :


Có nhiều tài liệu, bài viết, luận văn của các tác giả về đề tài hiệu quả hoạt động của NHTM, tuy nhiên đối tượng nghiên cứu của những bài viết này chỉ đề cập giới hạn đến từng vấn đề chứ chưa mang tính toàn diện, kết hợp giữa các tiêu chí định tính và tiêu chí định lượng cụ thể:

- Luận văn với đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTMCP Quốc tế Việt nam” của học viên Lê Quỳnh Trâm, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh; hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng được tác giả đề cập dựa trên thu nhập, chi phí, lợi nhuận; các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng là những chỉ tiêu tài chính như hiệu suất sử dụng vốn, tỷ suất lợi nhuận hoạt động tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên, hệ số ROA, ROE..vv, mà hoàn toàn không đề cập đến những tiêu chí về định tính, phi tài chính.

- Trong luận văn của học viên Nguyễn Văn Quang, cao học ngân hàng khóa 16 với đề tài “Nâng cao chất lượng cho vay dự án đầu tư tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh TP Hồ Chí Minh”, hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng được đề cập trong phạm vi hoạt động tín dụng đối với các dự án đầu tư; hiệu quả kinh doanh ngân hàng chính là lợi nhuận từ hoạt động tín dụng theo phương thức kinh doanh truyền thống mà không đề cập đến thu nhập từ những lĩnh vực kinh


doanh khác hiện chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập ngân hàng như: dịch vụ phí, hoạt động đầu tư, tư vấn, bảo hiểm, chứng khoán, hoặc hiệu quả vô hình như: quy mô, thương hiệu, uy tín, mạng lưới, thị phần,..vv.

- Đề tài “Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại tại ngân hàng TMCP Công thương Việt nam” của học viên Lê Minh Thanh Nguyệt, cao học khóa 17, lớp ngân hàng đêm 3, trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh đề cập đến hiệu quả hoạt động của VietinBank ở phạm vi rộng toàn hệ thống, nhưng đối tượng nghiên cứu hẹp, chỉ tập trung vào tiêu chí đánh giá hiệu quả đạt được từ các dịch vụ ngân hàng hiện đại mà không đề cập đến những tiêu chí, lĩnh vực nghiên cứu khác.

- Đối với bài viết với tựa đề:“Nâng cao hiệu quả hoạt động VietinBank sau cổ phần” của tác giả Trịnh Đoàn Tuấn Linh, đăng vào kỳ tháng 3/2011 trên tạp chí Phát triển kinh tế Trường Đại học Thương Mại; những giải pháp mà tác giả nêu ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của VietinBank sau cổ phần chỉ dựa trên các tiêu chí định tính như: nâng cao năng lực quản trị điều hành và chất lượng đội ngũ nhân viên, hiện đại hóa công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao tiện ích các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên công nghệ tiên tiến, nhưng không đề cập đến hiệu quả tài chính đạt được từ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

- Theo bài viết tựa đề “Ảnh hưởng của sở hữu quản trị đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn HOSE” của tác giả Trần Minh Trí và Dương Như Hùng, Trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh đăng trên tạp chí Phát triển KH&CN, tập 14, số 2-2011 cho rằng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cổ phần thay đổi tỷ lệ thuận với tỷ lệ sở hữu quản trị khi tỷ lệ này nhỏ hơn 59,1%, tuy nhiên hiệu quả hoạt động sẽ tỷ lệ nghịch với sở hữu quản trị nếu tỷ lệ này cao hơn 59,1%.

Điểm khác biệt trong bài luận văn này so với các bài viết nêu trên là khi xác định hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng, các tiêu chí đánh giá được phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, có sự kết hợp giữa các yếu tố định lượng và các yếu tố định tính, hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng là hiệu quả tổng hợp của các tiêu chí trên, đồng thời hiệu quả của tiêu chí này cũng là cơ sở mang lại thành công


cho các tiêu chí khác; và ngoài ra điểm khác biệt trong bài luận văn còn đề cập đến một tiêu chí mang tính nhân văn đó là “hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính là hiệu quả về mặt xã hội mà NHTM đó mang lại”.

7. Ý nghĩa của đề tài :

Ý nghĩa về mặt lý luận


- Khẳng định, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa Tư bản mà là tinh hoa của của nhân loại được đúc kết qua quá trình phát triển lâu dài từ những học thuyết, tư tưởng kinh tế vĩ đại trong lịch sử xã hội loài người.

- Lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin về quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất luôn đúng, nhưng sự thấu hiểu và vận dụng vào thực tiễn theo những cách thức khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.

Ý nghĩa thực tiễn

Giúp Ban giám đốc, đội ngũ cán bộ chủ chốt nhận biết được thực trạng tình hình hoạt động kinh doanh của chi nhánh giai đoạn hiện nay, xác định được những mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức đang trải qua, định vị được thị trường tiềm năng, khách hàng tiềm năng, các yếu tố nội tại, ngoại vi liên quan đến việc mở rộng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh trên địa bàn, đề ra biện pháp, chính sách phù hợp với điều kiện hoạt động nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra, tăng trưởng mạnh mẽ, an toàn, hiệu quả, bền vững.

8. Kết cấu của luận văn


Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn này được trình bày gồm 3 chương:


Chương 1: Tổng quan về NHTM và cổ phần hóa.


Chương 2: Thực trạng hoạt động kinh doanh của VietinBank CN TP.HCM.


Chương 3: Những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của VietinBank CN TP.HCM.


CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ NHTM VÀ CỔ PHẦN HÓA‌


1.1. Một số khái niệm

1.1.1. Khái niệm về NHTM

Có nhiều cách hiểu về NHTM tùy theo góc độ nhìn nhận của các nhà chuyên môn, tuy nhiên hầu hết các quan điểm đều dựa trên chức năng và phương thức hoạt động để định nghĩa về nó.

-Theo Đạo luật ngân hàng của Pháp (1941), “Ngân hàng thương mại là những xí nghiệp hay cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác và sử dụng nguồn lực đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính”.

- Còn trong luật ngân hàng của Đan Mạch (1930) lại định nghĩa: “Những nhà băng thiết yếu gồm các nghiệp vụ ký thác, buôn bán vàng bạc, hành nghề thương mại và hành nghề địa ốc, các phương tiện tín dụng và hối phiếu, thực hiện các nghiệp vụ chuyển ngân, đứng ra bảo hiểm”.

- Theo từ điển kinh tế tài chính ngân hàng của PGS-PTS Lê Văn Tề định nghĩa NHTM “là ngân hàng nhận ký thác tiền gửi của khách hàng và cung cấp cho khách hàng dịch vụ chi trả (séc) cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký thác tiết kiệm và cho vay”. Lê Văn Tề, (1996).

- Theo giáo trình nhập môn tài chính tiền tệ khoa tài chính nhà nước trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng “ngân hàng thương mại là một định chế tài chính trung gian tiêu biểu đóng một vai trò quan trọng trong việc khai thông các nguồn vốn tiết kiệm đáp ứng nhu cầu đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế, đồng thời nó cũng giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho nền kinh tế vận hành nhịp nhàng hữu hiệu”. Sử Đình Thành và Vũ Thị Minh Hằng, (2008, trang 264).

- Còn theo quan điểm của các nhà làm luật Việt nam tại điều 20 khoản 2 và điều 7 Luật các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành ngày 01/10/2004, NHTM là loại hình TCTD thực hiện hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là


nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan, Luật TCTD năm 2010 thì cho rằng NHTM là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Tóm lại: NHTM là tổ chức tài chính trung gian, hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, nó cung cấp một số dịch vụ cho khách hàng và nhận tiền gửi của khách hàng với các hình thức khác nhau. Nghiệp vụ kinh doanh của NHTM rất phong phú và đa dạng cùng với sự phát triển của khách hàng, khoa học kỹ thuật, kinh tế và xã hội, hoạt động của NHTM cũng có nhiều phương pháp mới, nhưng các nghiệp vụ kinh doanh về cơ bản không thay đổi là nhận tiền gửi và hoạt động cho vay, đầu tư. Qua NHTM, các chính sách tài chính tiền tệ của quốc gia được thực hiện một cách nhanh chóng và cũng nhờ nó mà việc kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp theo đúng luật pháp được dễ dàng hơn. Trong cơ chế thị trường, các NHTM và các TCTD cũng là các doanh nghiệp nhưng chúng là những doanh nghiệp đặc biệt vì tài sản trong quá trình kinh doanh của các NHTM đều phụ thuộc vào các khách hàng.

1.1.2. Khái niệm cổ phần hóa

1.1.2.1. Quan điểm chung về cổ phần hóa


Cổ phần hóa là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu một NHTM nhà nước thành sở hữu của nhiều người bằng cách những người này bỏ tiền ra mua cổ phần của NHTM cổ phần hóa và trở thành cổ đông của ngân hàng, thường được thực hiện ở những nước có nền kinh tế thị trường khi tiến hành các giải pháp chuyển đổi các NHTM nhà nước thành những ngân hàng thuộc sở hữu tư nhân hoặc những ngân hàng có sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước và tư nhân hoặc những ngân hàng thuộc sở hữu giữa tư nhân với nhau. Quá trình chuyển đổi này được gọi là cổ phần hóa với mục đích nhằm giảm bớt một phần sở hữu nhà nước trong các NHTM nhà nước để cải thiện tình hình kinh tế, được thực hiện theo những cách như: chỉ bán một số ít cổ phần đối với những ngân hàng quan trọng, chiến lược mà nhà nước vẫn muốn giữ cổ phần chi phối hoăc bán toàn bộ cổ phần đối với những ngân hàng xét thấy

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023