Nhóm Tiêu Chí Về Công Nghệ Và Sản Phẩm Dịch Vụ


- Vốn tự có được hình thành từ các nguồn như: vốn điều lệ, các quỹ dự trữ bổ sung, lợi nhuận chưa chia, giá trị tăng thêm do đánh giá lại tài sản, trái phiếu chuyển đổi..vv., quy mô vốn tự có đảm bảo năng lực tài chính cho quá trình tăng trưởng, mở rộng phạm vi hoạt động cũng như sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ mới của NHTM. Vốn tự có có chức năng bảo vệ, giúp NHTM chống lại rủi ro phá sản, bù đắp những thua lỗ về tài chính, bảo vệ người gửi tiền khi gặp rủi ro trong hoạt động kinh doanh, nâng cao uy tín của NHTM với khách hàng và các nhà đầu tư, chính vì vậy vốn tự có là yếu tố quan trọng thể hiện sức mạnh và khả năng cạnh tranh của NHTM trên thị trường trong nước, đồng thời cũng là cơ sở để mở rộng hoạt động tới thị trường tài chính các nước trong khu vực và quốc tế.

- Chất lượng tài sản: tài sản của NHTM thể hiện ở bên tài sản Có trên bảng cân đối kế toán. Quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản Có sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của NHTM, tài sản Có bao gồm tài sản sinh lời (Chiếm từ 80-90% tổng tài sản Có) và tài sản không sinh lời (chiếm từ 10-20% tổng tài sản Có); tài sản sinh lời gồm các khoản cho vay, cho thuê tài chính và các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá, chứng khoán, góp vốn liên doanh liên kết; tài sản không sinh lời bao gồm tiền mặt, tài sản cố định. Chất lượng tài sản của NHTM là một chỉ tiêu tổng hợp nói lên khả năng bền vững về tài chính, năng lực quản lý của một tổ chức tín dụng.

- Khả năng sinh lời của NHTM gắn liền với chất lượng tài sản và hiệu quả sử dụng tài sản. Khả năng sinh lời là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh doanh và mức độ phát triển của một NHTM, để đánh giá khả năng sinh lời của NHTM người ta thường sử dụng các chỉ tiêu: lợi nhuận ròng trên tài sản có(ROA); chỉ tiêu lợi nhuận ròng trên vốn tự có (ROE) hoặc chỉ tiêu lợi nhuận ròng trên doanh thu(ROS).

- Khả năng đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh là khả năng sẵn sàng chi trả, thanh toán cho khách hàng và khả năng bù đắp những tổn thất khi xảy ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Để đánh giá khả năng thanh toán, người ta sử dụng hệ số CAR để đo lường và tính toán được gọi là tỉ lệ an toàn vốn


tối thiểu (Capital Adequacy Ratio - CAR ). Ở Việt nam hiện nay tỉ lệ này là 9%, theo quy định tại thông tư 13/2010-TT-NHNN ngày 20/05/2010 của NHNN.

1.3.2. Nhóm tiêu chí về công nghệ và sản phẩm dịch vụ

a. Về công nghệ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Trong chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng Việt nam giai đoạn 2011- 2020, công nghệ ngân hàng giữ vị trí đặc biệt quan trọng nhằm phát triển hệ thống NHTM hiện đại, tiến tới hình thành những tập đoàn tài chính đa năng có năng lực tài chính mạnh, có trình độ quản lý và trình độ công nghệ tiên tiến, có khả năng thực hiện các giao dịch tài chính thông suốt, an toàn, hiệu quả, ổn định nhằm động viên tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước, thu hút các nguồn vốn nước ngoài, đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho nền kinh tế góp phần tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phân công lao động quốc tế trong lĩnh vực tài chính tiền tệ với khả năng cạnh tranh ngày càng cao, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Công nghệ còn là phương tiện giúp ngân hàng giành thắng lợi trước các đối thủ cạnh tranh để vươn lên vị trí dẫn đầu trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ về tài chính tiền tệ tín dụng. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động ngân hàng giúp các NHTM giảm thiểu giấy tờ, giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí hoạt động, hạn chế rủi ro. Sự đổi mới công nghệ trong hoạt động ngân hàng trước hết thể hiện ở hệ thống ngân hàng lõi(Core banking), Core banking là một hệ thống các phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng như tiền gửi, tiền vay, khách hàng; qua đó giúp cho ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và kênh giao dịch, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh đáp ứng quản trị rủi ro chuyên nghiệp. Ngoài ra công nghệ còn thể hiện trong các hệ thống chuyển tiền điện tử mà cấu phần chủ yếu của nó là các máy giao dịch tự động ATM, thiết bị ngoại vi tại điểm bán hàng POS, trung tâm thanh toán bù trừ tự động ACH. Những thiết bị công nghệ này liên quan tới khả năng tự động hoá trong giao dịch ngân hàng và theo đó khách hàng có khả

Nâng cao hiệu quả hoạt động Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sau cổ phần hóa - 4


năng nhận được những sản phẩm dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu. Có thể nói công nghệ ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng chiếm lĩnh thị phần của các NHTM.

b. Về sản phẩm dịch vụ ngân hàng


Sản phẩm dịch vụ ngân hàng là toàn bộ các hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán ngoại hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, môi giới, tư vấn, bảo hiểm, chứng khoán..vv., được ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế, các dịch vụ này nhờ sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã trở nên vô cùng phong phú đa đạng và thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của hoạt động kinh doanh ngân hàng.

1.3.3. Nhóm tiêu chí quản trị điều hành và chất lượng nguồn nhân lực


a. Quản trị điều hành


Công tác quản trị điều hành luôn được đặc biệt coi trọng, là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức. Quản trị hiểu theo nghĩa chung nhất là sự tác động của cơ quan quản lý vào đối tượng quản lý để tạo ra sự chuyển biến của toàn bộ hệ thống nhằm đạt mục tiêu nhất định.(Giáo trình khoa học quản lý của Hồ Văn Vĩnh và cộng sự. Nhà xuất bản lý luận chính trị năm 2005).

Việc quản trị NHTM được đánh giá là tốt khi nó xác định được mục tiêu chiến lược, đề ra sách lược cụ thể, chính xác, kịp thời giúp hệ thống phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả, tăng trưởng ổn định, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ - tiện ích mới phục vụ cho nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm thiểu rủi ro, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tối đa hóa lợi nhuận. Một ngân hàng yếu kém trong quản trị không chỉ gây tổn thất cho chính ngân hàng đó mà còn có thể tạo ra những rủi ro mang tính dây chuyền cho cả hệ thống, chính vì vậy quản trị điều hành được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá về hiệu quả hoạt động của NHTM.


b. Chất lượng nguồn nhân lực


Nhân lực hay còn gọi là yếu tố con người bao gồm thể lực như: sức khỏe, tuổi tác, chiều cao, cân nặng; và trí lực như: trí tuệ, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo..vv, là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng mang tính quyết định của quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng được những tiêu chuẩn hết sức gắt gao về độ tuổi, trình độ, sự phù hợp với yêu cầu của vị trí công tác, khả năng giao tiếp, sự thông minh, năng động nhạy bén để tiếp cận kiến thức mới, sự kiên trì, nhẫn nại lẫn khả năng chịu đựng áp lực cao của môi trường cạnh tranh gay gắt để hoàn thành nhiệm vụ được giao với hiệu quả kinh tế cao nhất. Việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược cấp bách để tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt nam hiện nay, giúp hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu.

1.3.4. Nhóm tiêu chí về mạng lưới và thị phần


a. Mạng lưới


Là hệ thống các kênh phân phối của một NHTM trải rộng khắp các tỉnh/thành trong và ngoài nước bao gồm: các văn phòng đại diện, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, các đại lý, cơ sở chấp nhận thẻ, máy ATM để cung cấp các sản phẩm, tiện ích và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Trong giai đoạn tái cấu trúc hệ thống NHTM hiện nay, việc mở rộng hệ thống mạng lưới của các NHTM bị ràng buộc bởi các quy định rất chặt chẽ của NHNN, chỉ các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả, có uy tín, mới được phép mở rộng mạng lưới(Theo Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN, để được mở thêm chi nhánh, ngoài tiêu chí về vốn điều lệ, ngân hàng phải kinh doanh có lãi trong năm liền trước đó, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, và có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 3%).

Một NHTM có hệ thống mạng lưới rộng khắp sẽ thuận lợi hơn trong giao dịch thanh toán cũng như triển khai các nghiệp vụ trực tiếp xuống địa bàn đáp ứng nhu


cầu của các doanh nghiệp và cá nhân, giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nâng cao uy tín và vị thế cạnh tranh, chính vì vậy hệ thống mạng lưới của một ngân hàng cũng là tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động kinh doanh.

b. Thị phần


Là phần thị trường các sản phẩm dịch vụ mà NHTM đó chiếm lĩnh. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, thị phần trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị phần thể hiện vị thế, đẳng cấp, sự thành công của ngân hàng trong cuộc đua giành sự tín nhiệm từ những người sử dụng dịch vụ. Thị phần có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, đến thương hiệu, uy tín của ngân hàng, một ngân hàng có thị phần lớn sẽ có nhiều khách hàng, có sản phẩm dịch vụ tiến tiến, đa dạng làm nền tảng để ngân hàng đó mở rộng kinh doanh. Có nhiều cách tính thị phần như: thị phần tương đối được đo lường bằng doanh số sử dụng dịch vụ của một ngân hàng này so với ngân hàng khác, hoặc thị phần tuyệt đối được tính bằng tỷ lệ sử dụng dịch vụ của ngân hàng trong tổng số lượng dịch vụ của tất cả các ngân hàng cùng hoạt động trên địa bàn.

Để gia tăng thị phần các NHTM thực hiện nhiều biện pháp như áp dụng chiến lược kinh doanh linh hoạt, đổi mới chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi tư duy bán hàng(bán sản phẩm khách hàng cần chứ không phải bán sản phẩm ngân hàng hiện có)tăng chi phí quảng cáo tiếp thị, sử dụng nhiều kênh tiếp thị, cải tiến hệ thống mạng lưới kênh phân phối, tiếp cận thị trường mới, cung cấp sản phẩm dịch vụ trọn gói cho tất cả các đối tượng khách hàng.

1.3.5. Nhóm tiêu chí về thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp.


a. Thương hiệu


Thương hiệu bao gồm logo, biểu tượng, nhãn hiệu, triết lý kinh doanh nhằm nhận biết một sản phẩm hàng hóa dịch vụ được cung cấp bởi một tổ chức nào đó. Ngày nay thương hiệu không chỉ đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt NHTM này với các NHTM khác mà là tài sản quý giá, là uy tín của ngân hàng được


dày công tạo dựng qua nhiều thời kỳ, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm dịch vụ do ngân hàng đó cung cấp.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu ngày nay được các NHTM đặc biệt quan tâm. Người ta nói đến thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với NHTM, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng thì thương hiệu còn được coi là một tài sản vô hình, rất có giá của các NHTM. Thương hiệu thể hiện đẳng cấp, chất lượng của sản phẩm dịch vụ mà NHTM đó cung ứng cho nền kinh tế, là dấu hiệu để các chủ thể của nền kinh tế lựa chọn sử dụng. Trong xu hướng quốc tế hoá và toàn cầu hoá đời sống kinh tế, với môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các NHTM Việt nam phải xây dựng cho mình một thương hiệu theo chuẩn mực quốc tế là điều hết sức cần thiết vì:

- Thông qua thương hiệu, người sử dụng dịch vụ sẽ cảm thấy tin tưởng và mong muốn sử dụng sản phẩm dịch vụ và tiện ích của ngân hàng đó cung cấp.

- Xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín đối với khách hàng.


- Một thương hiệu thành công được người tiêu dùng biết đến và mến mộ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho NHTM đó. Giá trị của một thương hiệu là triển vọng lợi nhuận mà thương hiệu đó mang lại cho ngân hàng.

- Với những thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư không e ngại khi đầu tư vào, vì vậy thương hiệu luôn là tài sản vô hình và có giá của các NHTM.

Như vậy một thương hiệu ngân hàng mạnh sẽ có ưu thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh, thu hút được lượng khách hàng giao dịch nhiều hơn, kết quả hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn so với ngân hàng khác, vì vậy sẽ đóng vai trò quan trọng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM đó.

b. Văn hóa doanh nghiệp


Là các giá trị văn hoá, tinh thần được doanh nghiệp gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, nó trở thành các giá trị, các quan niệm, tập quán, truyền thống đồng hành với hoạt động của doanh nghiệp để chi phối tình cảm, nếp suy


nghĩ, hành vi của mọi thành viên để theo đuổi và thực hiện các mục đích của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp còn là nền tảng để phát triển doanh nghiệp, là tổng hoà các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, triết lý kinh doanh, ý tưởng kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh và hiệu quả phục vụ cho các chủ thể của nền kinh tế và toàn xã hội.

Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, đa dạng, phức tạp hiện nay văn hóa doanh nghiệp nổi lên như một yếu tố văn hóa tri thức đặc sắc tạo nên những nét riêng biệt cho từng doanh nghiệp góp phần tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, làm gia tăng giá trị của từng nguồn lực đơn lẻ tạo thành tổng hợp nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; nhất là đối với các NHTM, là chủ thể đặc biệt của nền kinh tế, hàng hóa ngân hàng cung cấp cho thị trường chủ yếu tồn tại dưới hình thức phi vật chất, là những sản phẩm dịch vụ, hoặc tiện ích mang tính cạnh tranh cao dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ và thường xuyên bị thay thế bởi những sản phẩm khác tiên tiến và đa năng hơn, và ưu thế này sẽ không tồn tại mãi ở một ngân hàng nhất định nào, vì vậy nếu không xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, ngân hàng đó sẽ dễ bị thất bại trong cuộc tranh đua này, người ta thường nói văn hóa doanh nghiệp chính là những gì còn đọng lại sau khi những cái khác đã bị lãng quên, vì vậy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đối với các NHTM hiện nay không chỉ là nhiệm vụ thông thường mà còn là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển thương hiệu vì thông qua hình ảnh văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp thực sự đã trở thành tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp và là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM.

1.3.6. Tiêu chí hiệu quả về mặt xã hội


Hiệu quả về mặt xã hội chính là trách nhiệm xã hội và những đóng góp của NHTM cho xã hội và cộng đồng thông qua những việc làm thiết thực như: thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường sống, công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động..vv.


Thông qua công tác xã hội, các NHTM đã thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt nam, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa làm giảm bớt những bất công, khoảng cách giàu nghèo, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ngày nay việc thực hiện công tác xã hội từ thiện không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ, trách nhiệm của các NHTM mà còn là nhân tố tích cực góp phần quan trọng đến sự thành công của chính ngân hàng đó; cụ thể:

- Nâng cao uy tín thương hiệu: thông qua sự tham gia của các phương tiện truyền thông và sự thu hút của cộng đồng, ngân hàng sẽ tận dụng được sự hỗ trợ của bên thứ ba để đưa hình ảnh thương hiệu đến với công chúng. Điều này giúp gia tăng “ tình cảm” của người tiêu dùng cũng như của các đối tác, các nhà đầu tư đối với thương hiệu hay sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đó.

- Thu hút được nguồn lao động có chuyên môn cao: chất lượng nguồn lao động quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì vậy việc thu hút và giữ chân được đội ngũ lao động có chuyên môn cao là một thách thức không nhỏ đối với ngân hàng; người lao động luôn muốn có môi trường làm việc tốt, tiền lương và phúc lợi đảm bảo được cuộc sống, được quan tâm, hỗ trợ khi gặp khó khăn, có chế độ bảo hiểm đầy đủ, được học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Những NHTM làm tốt công tác xã hội sẽ thỏa mãn những điều kiện đó và thu hút được những lao động giỏi, ngoài ra trách nhiệm của ngân hàng đối với cộng đồng và xã hội sẽ khiến người lao động tự hào khi tạo ra giá trị và ý nghĩa cho xã hội, tự hào về công việc họ đang làm và sẽ tâm huyết, gắn bó với ngân hàng đó.

- Tăng doanh thu: ngày nay, khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không chỉ quan tâm tới chất lượng và tiện ích của sản phẩm mà còn quan tâm tới tính nhân văn, nét đẹp văn hóa, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp đã cung cấp các sản phẩm dịch vụ đó cho cộng đồng, vì thế thông qua hiệu quả xã hội mà ngân hàng đó mang lại sẽ nâng cao được uy tín, năng lực cạnh tranh, thu hút được nhiều khách hàng, phát triển được nhiều sản phẩm, từ đó tăng doanh thu cho ngân hàng.

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí