Cải Tiến Mẫu Mã Theo Hướng Đa Dạng Và Phong Phú Hơn:

- Tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác về khoa học kỹ thuật với các đơn vị trong và ngoài nước và tìm kiếm thị trường tiêu thụ;

- Thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng cho dâu, tằm, tơ lụa Việt Nam;


- Xây dựng tên gọi cho thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam;


- Xây dựng chiến lược quảng bá và mạng lưới phân phối cho thương hiệu trên cả thị trường trong và ngoài nước;

- Nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.


- Hướng dẫn và tuyên truyền đến bà con nông dân về việc phải tuân thủ hợp đồng cung cấp nguyên liệu, tránh tình trạng để bà con nông dân sau khi được cấp giống dâu và tằm mới, hỗ trợ về công nghệ cho năng suất và chất lượng cao không bán nguyên liệu cho Hiệp hội hoặc nơi bao tiêu sản phẩm mà lại bán cho các lái buôn vì cái lợi trước mắt.

Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, hiệp hội cần phải phối hợp với các công ty đầu ngành nghiên cứu, lai tạo và nhập khẩu giống dâu tằm mới cho năng suất cao, phổ cập kiến thức trồng dâu, nuôi tằm đúng kỹ thuật, truyền bá kỹ thuật thâm canh cho bà con nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ra diện rộng: Triển khai nhanh việc đưa các giống dâu lai Sa-109 của Trung Quốc vào thâm canh; cố gắng cung ứng đầy đủ các giống tằm chất lượng cao cho sản xuất, có tem và bảo đảm chất lượng tới nông dân. Bảo đảm dịch vụ vật tư chuyên dùng đề phòng chống bệnh tằm. Đối với công nghiệp chế biến tơ, phối hợp với các cơ quan trong ngành thực hiện chủ trương liên kết đầu tư thu mua sản phẩm kén của nông dân bằng hợp đồng, đúng với tinh thần quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết khắc phục việc cung ứng tằm tùy tiện, nuôi tằm không đúng quy trình kỹ thuật, cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành địa bàn giữa các thành phần kinh tế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.

3. Đối với doanh nghiệp.


Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng lụa tơ tằm Việt Nam - 8

3.1. Nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thì điều cần làm trước tiên là phải củng cố và nâng cao chất lượng của sản phẩm đó. Nhìn chung, chất lượng lụa của Việt Nam vẫn chỉ được đánh giá ở mức thấp. Hơn nữa, cũng không thể phủ nhận một thực tế là với khả năng hiện nay của chúng ta (về đầu vào cho sản phẩm, về công nghệ sản xuất,) thì việc có được những thước vải lụa cao cấp, chất lượng tốt là điều không dễ thực hiện. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam ta không thể sản xuất được những sản phẩm ấy. Hãy lấy ví dụ về bàI học thành công của công ty trách nhiệm hữu hạn tơ lụa Châu Á - AQSilk để minh chứng cho điều này. Giám đốc công ty, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh, cho biết : “Có những hợp đồng mà AQ Silk đã phải chấp nhận bảo hành 12 tháng cho sản phẩm thời trang. Sẽ là rất khó cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt cho mặt hàng lụa tơ tằm. Nhưng đó là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín của mình, cũng như thương hiệu sản phẩm Việt Nam nói chung”. Như vậy, mặc dù còn rất nhiều khó khăn và tồn tại song chúng ta cũng có những tiềm lực mạnh mẽ cho sự thành công.

3.1.1. Cải tiến sản phẩm theo hướng không phai màu:


Một trong những điểm yếucủa hàng lụa tơ tằm Việt Nam bị người tiêu dùng đánh giá, đó là dễ phai màu. Tuy nhiên điều này không phải là không khắc phục được và cũng không phải tất cả sản phẩm lụa của Việt Nam đều dễ phai màu, mà chủ yếu là do người tiêu dùng chưa tiếp cận được với những sản phẩm lụa chất lượng cao, không phai màu. Đơn cử như sản phẩm của Vinasilk hay AQSilk đều là những sản phẩm lụa không phai. Những sản phẩm này có thể giặt một cách thoải mái mà vẫn không ảnh hưởng gì đến màu sắc của vải. Để có được những thước lụa như vậy, ngoài kỹ thuật nhuộm cơ bản, người thợ nhuộm phải dùng nguyên liệu chiết xuất từ thảo mộc, kết hợp với hoá chất đặc biệt và nhuộm bằng phương pháp thủ công tạo cho vải có độ bền màu cao.Điều cần chú ý khi nhuộm để lụa không phai màu là nhất thiết phải nhuộm từ sợi tơ xe, bởi có như thế màu mới bền, còn nếu nhuộm vải thì sẽ dễ bị phai màu hơn.

Công đoạn nhuộm của chúng ta được coi là một thế mạnh để tạo nên tính độc đáo của sản phẩm nhưng đồng thời nó cũng là một điểm yếu trong khâu sản xuất của chúng ta. Bởi lẽ chúng ta vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp nhuộm thủ công, do đó chất lượng nhuộm tuy đẹp, lại nhuộm bằng thảo mộc nên có màu sắc rất tự nhiên, nhưng đồng thời sản phẩm nhuộm ra màu lại không đều giữa các lần nhuộm, và giá thành cũng cao, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm đặc biệt là khi phải xuất khẩu với số lượng lớn. Do đó, nếu chúng ta có thể kết hợp kỹ thuật nhuộm như trên với máy móc, công nghệ hiện đại thì năng suất nhuộm sẽ tăng lên đáng kể, và từ đó sẽ giúp chúng ta có nhiều thuận lợi hơn trong cạnh tranh cả trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên để có ngay một công nghệ nhuộm hiện đại là rất khó và phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc để nghiên cứu hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, chúng ta sẽ chuyển dần từng giai đoạn. Trước tiên, chúng ta sẽ kết hợp kỹ thuật nhuộm bền màu bằng thảo mộc với công nghệ nhuộm bán cơ khí. Công trình này đã được nghiên cứu và hoàn thành vào tháng 3/2002 do kỹ sư Hoàng Trực làm chủ nhiệm đề tài và công ty cổ phần tơ lụa và dịch vụ nông nghiệp Đà Nẵng - Danasi làm cơ quan chủ quản. Công trình đã thiết kế và chế tạo thành công hệ thống nhuộm tơ sợi và lụa tơ tằm bán cơ khí với các thông số kỹ thuật: thể tích thùng chứa dung dịch hoá chất phụ trợ-19 lít, tốc độ dao động bộ gàn-4-250 vòng/phút, khoảng cách dao dộng - 10cm, thùng chứa dung dịch thuốc nhuộm - 900x800mm... Ngoài ra, công trình cũng xây dựng quy trình nhuộm tơ sợi và lụa tơ tằm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, hóa chất, pha chế, các thao tác đưa nguyên liệu vào các bộ gàn, điều chỉnh nhiệt độ,... nhuộm, cho đến khâu phơi sấy, kiểm tra và nhập kho thành phẩm, thiết kế và chế tạo hệ thống xử lý nước cấp cho quá trình nhuộm theo phương pháp trao đổi ion. Với việc ứng dụng công nghệ này độ rối sượt và độ sượt trắng của sản phẩm được cải thiện rõ rệt, lượng thành phẩm tăng từ 92% đến xấp xỉ 99%, năng suất lao động tăng lên 1,5 lần [13]. Khi đưa được công nghệ nhuộm này vào sử dụng một cách phổ biến trong cả nước, chắc chắn sản phẩm lụa tơ tằm của Việt Nam sẽ đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của nước khác cả trong và ngoài nước.

3.1.2. Cải tiến mẫu mã theo hướng đa dạng và phong phú hơn:

Mẫu mã cũng là một điểm yếu của lụa tơ tằm Việt Nam. Trong định hướng phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam đến 2010 đã chỉ rõ: “Cơ cấu mẫu mã sản phẩm dệt còn chưa phong phú”. Hay như nhận xét của ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - Giám đốc công ty AQSilk: “ Điểm yếu của lụa tơ tằm Việt Nam là ở khâu thiết kế. Sản phẩm mới chỉ hấp dẫn về chất liệu chứ chưa thoả mãn về mẫu mã[6]. Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, sản phẩm lụa tơ tằm của Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá là mẫu mã phù hợp nhiều lứa tuổi nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ. Như vậy, muốn cho sản phẩm thoả mãn được nhu cầu của người tiêu dùng thì các công ty cần phải đầu tư hơn nữa về khâu thiết kế. Để làm được điều này các công ty cần phải thuê một đội ngũ thiết kế viên được đào tạo chuyên thiết kế mẫu vải (ở phần trên tôi đã trình bày về thực trạng của ngành thời trang Việt Nam). Rõ ràng là hiện nay chúng ta mới chỉ biết thêu, may và thiết kế theo ý tưởng của người khác chứ chưa phải là ý tưởng của riêng mình. Khác với những mặt hàng dệt vải thông thường, việc thiết kế, tạo mẫu trên nền lụa tơ tằm đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, sự tỉ mỉ và công phu trong từng nét vẽ hoạ tiết. Song nhìn chung đây vẫn sẽ là thách thức rất lớn đối với ngành thiết kế thời trang của Việt Nam trong những năm tới nếu Lụa tơ tằm Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên trường quốc tế. Do lụa tơ tằm là một mặt hàng khá đặc thù nên để có thể tạo nên những mẫu mã mới lạ, độc đáo của riêng Việt Nam và mang đậm phong cách truyền thống của Việt Nam, chúng ta có thể dựa vào chính những hoa văn, hoạ tiết từ các kiến trúc cũ của đền, chùa, các sản phẩm gốm, sứ...vừa mang nặng nét rêu phong cổ kính, vừa hồn hậu, mộc mạc như tâm hồn Việt. Hơn nữa, khi chúng ta đã phát hiện được những nhà thiết kế có khả năng thì việc tạo điều kiện cho họ phát huy sở trường ấy, áp dụng những mẫu thiết kế của mình vào sản phẩm cũng là một việc làm không kém phần quan trọng. Việc định hướng cho ngành thời trang hướng vào thực tế cuộc sống là một điều cần phải làm ngay lúc này. Bà Francine Pairon - Giám đốc viện mẫu thời trang Pháp, giám khảo cuộc thi Việt Nam Collection Grand Prix đã nhận xét rất đúng về ngành thời trang Việt Nam : “Môi trường làm nghề là điều quyết định. Chính phủ Việt Nam

cần quan tâm đến ngành dệt may với các thế mạnh vốn có của nó và các nhà sản xuất phải thật sự nhạy bén với việc sử dụng nhân tài thiết kế. Cuộc thi thiết kế của các bạn đã rất thành công về mặt tổ chức, nhưng nếu chỉ để phát hiện ra những gương mặt xuất sắc, cho họ cái tên nhà thiết kế, để rồi các nhà sản xuất vẫn thờ ơ với những mẫu mốt đó thì những cố gắng của các bạn hôm nay cũng chẳng có ý nghĩa gì.”

Thời trang Việt Nam hôm nay không thể chỉ có sự cố gắng của riêng các nhà thiết kế mà còn phải là sự quan tâm của chính các nhà sản xuất, các cơ quan chức năng có liên quan. Chỉ như vậy chúng ta mới có được sự phát triển toàn diện, chủ động hội nhập cùng thời trang thế giới. Thời trang cũng là một lĩnh vực văn hoá, và sự phát triển của thời trang cũng là sự khẳng định bản sắc văn hoá riêng của người Việt Nam trong thế giới hôm nay

Đã đến lúc chúng ta cần phải chuyên nghiệp hoá việc thiết kế thời trang trên mặt hàng lụa tơ tằm và coi đây như là một mắt xích thực sự trong quy trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như trên con đường vươn ra thị trường thế giới.

3.1.3. Cải tiến chất lượng sản phẩm theo hướng bền hơn:


Để có những thước lụa bền, đẹp thì các nhà sản xuất cần phải có những sợi tơ đẹp và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, tấm lụa còn phải đảm bảo đủ số lượng sợi trong một mét vải về cân, lạng, số sợi. Có như thế, tấm lụa mới đạt được độ dày tiêu chuẩn và từ đó sẽ đạt được yêu cầu về độ bền, giảm độ nhăn và việc bảo quản cũng sẽ đơn giản hơn. Từ đó đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng về hướng cải tiến sản phẩm lụa tơ tằm trong tương lai. Ngoài ra, để chống và giảm nhàu (nhăn), có thể tiến hành chuội tơ ở nhiệt độ cao. Trong nhiều năm qua, nhiều sản phẩm lụa của Việt Nam đã không đáp ứng được yêu cầu này, một mặt do thiếu nguyên liệu dẫn đến phải nhập khẩu cả tơ từ nước ngoài, vừa đắt, vừa không đảm bảo chất lượng tơ; mặt khác, do các cơ sở sản xuất cắt giảm lượng nguyên liệu, chẳng hạn như giảm lượng tơ cần thiết để dệt một tấm lụa xuống chỉ còn 1/3-1/2, pha thêm sợi nhân tạo để

giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên mặt trái của việc làm này là phần lớn người tiêu dùng cho rằng sản phẩm của Việt Nam không có chất lượng cao bằng những sản phẩm lụa của nước ngoài. Chẳng hạn có nhiều ý kiến cho rằng lụa Việt Nam nhăn hơn, may bị hở khe, chống xùi sợi làm bề mặt vải bị sần và mất đi độ bóng đẹp. Nguyên nhân chính là do số lượng sợi để dệt không đủ so với yêu cầu kỹ thuật cần có. Tuy nhiên, muốn sản phẩm đạt yêu cầu về kỹ thuật thì chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng cao hơn so với mức giá hiện tại. Vậy, các doanh nghiệp có nên đáp ứng tiêu chí này không? Câu trả lời là có vì qua cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy, có 52,31% số người tiêu dùng được hỏi mong muốn sản phẩm lụa Việt Nam trong tương lai sẽ bền hơn và họ cũng sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho chất lượng sản phẩm tốt hơn này.

Tuy nhiên để làm được điều này, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam về nguyên liệu tơ. Hiệp hội cần phải phối hợp với Tổng công ty để đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng cho cả dâu, tằm và lụa, cùng nông dân giải quyết những bất cập đang tồn tại về vùng nguyên liệu, tiến tới quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy, gắn nhà máy với người nông dân.

3.2. Giải pháp về kinh doanh (thị trường)


Hiện tại các sản phẩm của ngành cung không đủ cầu. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa cao, các sản phẩm đáp ứng cho thị trường các nước có thu nhập cao bán được giá không nhiều. Bởi vậy giải pháp về thị trường cần có sự đổi mới:

3.2.1. Tăng cường tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn với các bạn hàng truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ấn Độ và các nước Đông Nam Á), nhất là các nước trong khối ASEAN khi lộ trình áp dụng AFTA được thực hiện.

Nói về giải pháp thị trường, một số nhà kinh tế cho rằng thị trường truyền thống là địa chỉ “vàng” cho ngành dệt may Việt Nam. Điều đó nhằm

khẳng định 1 phương châm là chúng ta cần phải luôn luôn chú trọng đến mảng thị trường này. Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng đi và thâm nhập được vào những thị trường mới, song không thể phủ nhận một điều là kim ngạch mang về từ những bạn hàng truyền thống là không hề nhỏ. Hơn nữa, việc thâm nhập vào một thị trường mới cần nhiều thời gian, chi phí và công sức. Trong khi đó, các thị trường truyền thống vẫn có sức tiêu thụ lớn và nằm trong khả năng, trong tầm tay của chúng ta. “Tìm kiếm thị trường mới là một hướng đi đúng, song các doanh nghiệp khôn ngoan sẽ không “xao nhãng” những thị trường còn rất nhiều thuận lợi như thị trường truyền thống”, các nhà kinh tế kết luận.

Trong các bạn hàng truyền thống, chúng ta cần hết sức lưu ý khi làm ăn với Nhật Bản. Đây là một thị trường giàu tiềm năng nhưng không hề dễ dãi. Thị trường tiêu dùng hàng dệt may nói chung và mặt hàng lụa tơ tằm nói riêng ở Nhật Bản rất phát triển. Tỷ trọng hàng may mặc nhập khẩu chiếm khoảng 38% tổng khối lượng thị trường hàng may mặc nước này. Các nhà nhập khẩu hàng may mặc vào Nhật Bản đều phải đóng thuế và chịu trách nhiệm về nhãn hiệu hàng hoá. Yếu tố giá cả không phải là quyết định thành công của nhà xuất khẩu nước ngoài. Quan trọng nhất là họ phải tạo dựng được tên tuổi và uy tín của mình thì mới có cơ hội lâu dài. Người tiêu dùng hàng may mặc ở Nhật Bản khá khó tính, đặc biệt về mốt thời trang. Các nhà sản xuất cần nắm bắt và dự đoán được xu hướng thời trang, phải cung ứng một cách kịp thời những sản phẩm đang hợp mốt, đặc biệt là đối với khách hàng trẻ tuổi - những người có sở thích thay đổi mẫu, mốt rất nhanh. Theo kết quả một cuộc thăm dò của tổ chức Ngoại Thương Nhật Bản (JETRO), 78% người tiêu dùng Nhật Bản chọn hàng may mặc dựa theo kiểu dáng, 46% theo chất lượng, 27% theo giá cả. Họ thường chú ý đến những chi tiết nhỏ như đường chỉ, cách đơm khuy, cách gấp nếp, Nhật Bản là thị trường đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, từ nguyên phụ liệu đến quy trình sản xuất phảI tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn chất lượng JIS (Japan Industrial Standard) cũng như các điều luật, quy định áp dụng cho sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hoá. Khi làm ăn với khách hàng Nhật Bản, các nhà doanh nghiệp

cần tránh các sai phạm tối kỵ như giao hàng không chuẩn màu sắc, sai kích cỡ, không đúng số lượng hoặc giao hàng chậm. Một số doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng nhiều công ty Việt Nam rất thích nói những câu “xin lỗi”, “thông cảm”, nhưng điều đó là không thể chấp nhận được trong kinh doanh quốc tế vì nó sẽ gây tổn thất lớn cho những doanh nghiệp khác. Nhìn chung, mặt hàng lụa tơ tằm nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản phải đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng sản phẩm, nguyên phụ liệu, thị hiếu tiêu dùng và tính chính xác trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Hiện tại ta chưa thể nhập khẩu mặt hàng lụa vào thị trường này một cách chính thức (mà chủ yếu là bằng các hợp đồng gia công) nhưng tôi nghĩ trên đây là những chú ý cần thiết đối với doanh nghiệp bởi chính thức hoá việc nhập khẩu vào thị trường nước ngoài vẫn là xu hướng và là chiến lược lâu dài của ta. (Tham khảo “Các doanh nghiệp nói gì về thị trường Nhật Bản” và “Một vài gợi ý về kênh phân phối trên thị trường Nhật Bản ở phụ lục 5 và 6)

3.2.2. Tìm kiếm thị trường, tăng dần thị phần, giữ uy tín về chất lượng với các bạn hàng khó tính (Mỹ, EU, vùng Trung Đông).

Chúng ta phải thừa nhận rằng không có thị trường thì không có sản xuất. Chính vì vậy, càng phải tạo ra thị trường mới, đột biến thì mới có cơ hội để phát triển” - ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng viện nghiên cứu Kĩ thuật Dệt may Việt Nam khẳng định. (Dệt may Việt Nam, cơ hội và thách thức – T.193). Hơn nữa, việc mở rộng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trên thị trường cũng như không bị phụ thuộc quá vào một bạn hàng. Điều này rất nguy hiểm cho chúng ta khi thị trường bạn gặp khó khăn (ví dụ như có chiến tranh, bạo động). Về vấn đề này, chúng ta cần lấy bài học của cá tra, cá basa và tôm Việt Nam đã từng làm lao đao cả ngành thuỷ sản trong nước khi chúng ta bị kiện bán hàng phá giá trên thị trường nước ngoài. Vì thế, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp không nên “bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Đa dạng hoá thị trường là bước đi, một cách làm hiệu quả cần được các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán lụa của Việt Nam lưu tâm.

Xem tất cả 97 trang.

Ngày đăng: 07/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí