Giàng A Páo vận động bà con dân tộc Mông có ý thức bảo vệ rừng để “giữ cho núi đồi biếc xanh”:
Con sóc ăn quả xá
Tung tăng bò lên ngọn cây dẻ Ta giữ cho núi đồi biếc xanh
Cuộc sống xanh tươi dài mãi mãi Con sóc ăn quả xá
Tung tăng bò lên ngọn cây thông Ta giữ cho núi đồi xanh biếc
Là làm đúng hướng của lòng
(Rừng biếc xanh)
Thủ pháp trùng điệp tạo lên sự tràn đầy trong mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, làm tăng sức thuyết phục của lí lẽ và tính nhất quán của hình tượng thơ. Sự có mặt của các cụm từ, ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần và mỗi lần lặp lại đều có sự biến đổi đôi chút theo qui luật phù hợp với âm, vần khiến việc lặp lại không bị nhàm chán, đơn điệu, vừa sinh động, vừa khắc hoạ rõ ý đồ nghệ thuật tạo nên sắc thái biểu đạt riêng cho mỗi bài thơ.
3.2. Ngôn ngữ hình ảnh trong thơ Mông thời kỳ hiện đại
Có thể bạn quan tâm!
- Cuộc Sống Đơn Sơ Nhưng Phong Phú Và Giàu Bản Sắc
- Dấu Ấn Của Các Thể Loại Thơ Ca Dân Gian Trong Thơ Ca Dân Tộc Mông Thời Kỳ Hiện Đại
- Sự Vận Dụng Các Hình Thức Nghệ Thuật Thơ Ca Dân Gian Trong Thơ Dân Tộc Mông Thời Kỳ Hiện Đại
- Cấu Trúc, Nhịp Điệu Trong Thơ Mông Thời Kỳ Hiện Đại
- Một Số Hạn Chế Về Nghệ Thuật Của Thơ Mông Thời Kỳ Hiện Đại
- Một số đặc điểm của thơ ca dân tộc Mông thời kỳ hiện đại từ 1945 đến nay - 13
Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.
3.2.1. Ngôn ngữ mộc mạc giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào Mông
“Thơ dân tộc thiểu số thuộc loại thơ giản dị, chân mộc, dễ hiểu, nhưng vẫn hay và đầy ám ảnh” [58;12]. Ngôn ngữ mộc mạc dễ hiểu là đặc trưng của thơ các dân tộc thiểu số. Xuất phát từ đặc điểm tâm lý của người miền núi, ưa sự chân thật, chất phác, dị ứng với những lời khuôn sáo mĩ miều. Các nhà thơ đã đưa vào thơ ca những lời ăn tiếng nói hàng ngày của người miền núi. Cả cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt cũng rất giản dị. Có cảm giác các tác giả thơ dân tộc thiểu số họ nghĩ gì viết thế, giản dị, mộc mạc mà dễ hiểu. Điều
này cũng thường thấy trong thơ của các tác giả người Mông. Suy cho cùng, ngôn ngữ mộc mạc dễ hiểu sẽ có độ chân thực cao và chân thực là một điều kiện cần thiết của thơ. Tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu là một tình cảm lớn lao, thiêng liêng của dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung, là đề tài, là cảm hứng cho rất nhiều bài thơ. Người Mông diễn đạt tình cảm đó một cách giản dị: “Ơn Bác Hồ người Mông nợ/Chồng cao bằng núi đá/Chất cao bằng núi đất” (Hùng Đình Quí). So với cách viết của nhà thơ Tố Hữu “Người là cha, là bác, là anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”, không chỉ là sự khác nhau về ngôn ngữ hình ảnh thơ mà chính là sự khác nhau về đặc trưng tâm lí của hai dân tộc. Người miền núi chỉ nói cái gì nhìn thấy, ít nói cái gì cảm thấy, tức là lối biểu đạt bằng tư duy lí tính. Lấy cái có thể đo đếm được để diễn tả cái không thể đo đếm được. Để nói về lòng biết ơn, người Kinh có cách nói khái quát “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người Mông nói bằng những hình ảnh rất giản dị, cụ thể:
Người ta gieo kê, Kê ra bông
Những công ơn ấy
Người Mông xin ghi nhớ trong lòng Người ta gieo lúa, lúa ra hạt
Những công ơn ấy
Người Mông xin ghi nhớ trong bụng
(Ánh đuốc trên đỉnh Vần Chải - Hùng Đình Quí)
Trong thơ Mông hiện đại, ngôn ngữ giao tiếp, lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào được các tác giả đưa vào thơ một cách rất nhuần nhị, tự nhiên. Chính điều đó làm thơ Mông trở lên giàu bản sắc mang những đặc trưng riêng của dân tộc Mông. Chẳng hạn, để nói sự gắn bó với mảnh đất quê hương mình, Giàng A Páo viết “Người Mèo ta trên núi/Bền nơi ở, bền nơi
làm”. Để khuyên nhủ người Mông tránh xa thuốc phiện “bỏ thuốc phiện bằng được” nhà thơ sử dụng cách nói của người Mông “Nay ta đem con đường hút thuốc phiện chặt phăng đi”.(Mùa A Lao). Ca ngợi con ong mật siêng năng, chăm chỉ, nhà thơ mông biểu hiện tình cảm “Em quí con ong mật làm đúng tim mình”(Giàng A Tủa). Người Mông không nói “ăn mặc” mà thường nói “làm ăn, làm mặc”. Cách nói này đã được nhà thơ Hùng Đình Quí sử dụng trong bài thơ nói lên tình cảm vui mừng phấn khởi của người Mông khi được học chữ “Chữ mình học là biết rộng/Chữ dạy cách làm ăn tốt, làm mặc đúng”. Nhà thơ động viên đồng bào Mông cho con em đi học để “Biết con đường chữ hay/Hiểu con đường chữ đẹp” Lời khuyên thật mộc mạc chân tình: “Dù dành cho con cái/Tiền của chất hàng bồ/Cũng chẳng bằng cho đi/Lấy con đường học theo đầy bụng”. Ca ngợi vẻ đẹp của thiếu nữ Mông dưới con mắt của chàng trai Mông đang say đắm trong tình yêu: “Không biết bố mẹ em ăn gì xinh ra/Để anh ngắm nhìn mải miết/Cứ thấy đôi mắt đôi má em/Trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch lan ở lưng rừng”. Chiến tranh không chỉ gieo rắc đau thương tai hoạ cho người Kinh mà cả người dân tộc thiểu số. Đồng bào Mông ý thức được trách nhiệm lên đường đánh Mỹ để giành lại tự do đem lại sự bình yên cho quê hương. Khí thế đầu quân thật sôi nổi mạnh mẽ: “Trời đất khói mù/Việt Bắc không run/Thanh niên Mông, Dao đi bộ đội như nước lũ‟. Cách sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của người Mông trong thơ làm cho thơ Mông hiện đại chiếm được tình cảm yêu mến của đồng bào. Bởi lẽ các nhà thơ đã nghĩ hộ, nói hộ được những góc độ tình cảm của người Mông trong cuộc sống. Tuy nhiên cách nói mộc mạc dân dã theo đặc trưng sử dụng ngôn ngữ của người Mông cũng có hạn chế nhất định, làm cho các bài thơ câu thơ vì thế phần nào mất đi sức cảm, sức gợi, mất đi chất thơ.
Với mục đích lớn nhất là động viên tuyên truyền và bằng cảm hứng ngợi ca, thơ Mông hiện đại luôn có xu hướng lựa chọn những từ ngữ quen thuộc,
dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm tâm lí và trình độ nhận thức của người Mông. Những từ ngữ như “bền nơi”, “bền làm”, “đá nở hoa”, “hang sai quả” là những so sánh liên tưởng hết sức gần gũi với cách nói hàng ngày của người Mông, xuất hiện trong thơ Mông những từ ngữ đó với một tần xuất khá lớn. Người trai Mông ra mặt trận nhắn nhủ người yêu “Nàng ở lại cùng hợp tác xã trồng cấy” để “cho cuộc sống bền nơi ở” (Sùng A Giàng). Ca ngợi cuộc sống định canh định cư, theo lời của Đảng, thể hiện tấm lòng biết ơn Đảng: “Có Đảng đưa đường chỉ lối/Người Mèo vùng cao ta/Ở bền nơi, làm bền nơi” (Giàng A Gia). Tin tưởng vào tương lai hạnh phúc sẽ đến với dân tộc nhà thơ Mông bày tỏ “Ta ngọt lòng/Bền nơi làm, bền nơi ở”. Kêu gọi mọi người hăng hái tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, nhà thơ bày tỏ ước nguyện phải giữ cho được “Rừng cây bát ngát đậm đặc/Ở bền cùng ta như người yêu” (Sùng A Trống). Người Mông có tiếng là thuỷ chung trong tình cảm vợ chồng, hình ảnh người phụ nữ Mông lặng lẽ xoè ô bên vệ đường che cho chồng nằm ngủ, kiên nhẫn chờ chồng vãn cơn say là một hình ảnh quen thuộc trong các chợ phiên miền núi. Người Mông xác định rất rõ sự cần thiết phải có cuộc sống thuỷ chung “Một vợ một chồng/Sống đời như nàng tiên hoa đẹp/Vợ cả vợ lẽ/Sống đời rối mù như cầy cào nhau”. Sở dĩ có sự so sánh như vậy là vì cách nói “nàng tiên hoa đẹp” và “rối mù như cầy cào nhau” rất quen thuộc, rất gần gũi với người Mông, đó là ngôn ngữ hàng ngày nên dễ hiểu, gây được ấn tượng và cảm tình của đồng bào dân tộc Mông. Cách lựa chọn những từ ngữ hình ảnh quen thuộc đưa vào thơ ca góp phần tạo cho thơ Mông có một nét bản sắc riêng. Tuy nhiên, việc lặp lại quá nhiều từ ngữ hình ảnh như vậy cũng đồng thời là một hạn chế, nó tạo ra sự khuôn mẫu, sáo mòn đôi khi đến tẻ nhạt, thiếu đi những từ ngữ hình ảnh sáng tạo, độc đáo tạo nên dấu ấn riêng của từng nhà thơ. Việc sử dụng những từ ngữ hình ảnh quen thuộc mà vẫn đặc sắc và thi vị là tài năng riêng của mỗi nhà thơ, có xuất hiện nhưng
không nhiều trong thơ Mông. Ta có thể nhận ra điều đó trong thơ của Mã A Lềnh với hình ảnh người đàn ông Mông phong trần với “mái đầu trơ một mỏm đá hoang” và tính cách mạnh mẽ phóng túng “nghênh ngang, xù xì như hòn đá tảng giữa ngàn lau”. Nếu thành công trong việc sử dụng những từ ngữ hình ảnh quen thuộc như vậy, thơ hiện đại dân tộc Mông chắc chắn sẽ có được một vị trí cao hơn nữa trong sự mến mộ của người đọc cũng như trong nền thơ ca hiện đại của dân tộc.
3.2.2. Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, giàu nhạc điệu
Ngôn ngữ thơ Mông hiện đại rất giàu tính biểu cảm, giàu cảm xúc và nhạc điệu. Đây cũng chính là đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca nói chung. Tuy nhiên, thơ Mông đặc sắc ở chỗ tính biểu cảm và nhạc điệu của thơ phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của người Mông, bởi nó xuất phát từ việc phản ánh đời sống tình cảm của mỗi cá nhân trong cộng đồng Mông mà những nhà thơ là người đại diện. Họ có tâm thế của người trong cuộc nên hiểu rõ cách nghĩ, cách cảm của đồng bào.
Người dân tộc thiểu số nói chung ưa nói những lời có vần, một phần do văn học truyền miệng ngự trị quá lâu trong đời sống tinh thần của họ, vì chữ viết xuất hiện muộn. Cách nói vần vè có ưu thế là dễ nhớ, dễ thuộc, đặc biệt là những thành ngữ tục ngữ được vận dụng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Dân tộc Mông cũng vậy, từ thơ ca dân gian đến thơ hiện đại không có sự cách biệt quá lớn về mặt hình thức và cả cách tư duy, biểu hiện. Bởi vậy, thơ hiện đại Mông cho dù có được sáng tác ghi lại bằng chữ Mông hay bằng chữ quốc ngữ, con đường đi đến trái tim, khối óc của đồng bào Mông vẫn chủ yếu là con đường truyền khẩu. Cách nói vần vè là cơ hội thuận lợi để các nhà thơ Mông bày tỏ tình cảm của mình phù hợp với việc diễn tả nội dung của các bài thơ mang cảm hứng chung là ngợi ca. Từ cảnh cảnh đẹp của thiên nhiên rực rỡ và tráng lệ trên những triền núi cao quê hương của người Mông: “Mặt trời
nâng hoa mây/Bồng bềnh sáng núi đá”, đến cảnh đẹp của đời sống người Mông đầm ấm, tươi vui trong vụ mùa thu hoạch “Bậc thang vút lên mây/Mùa vào thơm lúa chín/Hương lúa tràn quê hương”, và tình cảm yêu mến đến tự hào về môi trường sống đặc trưng của dân tộc mình: “Người Mèo ta trên núi/Rừng trập trùng mây bay mây lượn” (Giàng A Páo).
Cách nói vần vè làm cho thơ hiện đại Mông mang một đặc điểm chung là giàu nhạc điệu. Những nhà thơ là những nhạc sĩ tài hoa trong việc phối kết các âm thanh của ngôn từ để tạo ra một bản nhạc riêng của các bài thơ. Âm điệu chung của thơ Mông là âm điệu gần gũi với dân ca và chịu ảnh hưởng nặng nề của dân ca Mông. Điều đó lí giải tại sao các bài thơ của các tác giả Mông lại có thể hát lên trong các sinh hoạt tập thể, các lễ hội mà không cần phải phổ nhạc. Sự phối hợp tài tình các âm vực cao thấp trong ngôn ngữ thơ tạo cho thơ Mông một sự cân đối, hài hoà: “Nắng trời con chim con sâu lượn/Trời nắng con chim con bướm đỗ”. Sự cân đối trong hình thức các câu thơ không chỉ ở số lượng câu chữ mà ở cả sự cân đối về thanh điệu. Ở đó các thanh bằng, thanh trắc được kết hợp với nhau một cách nhịp nhàng, uyển chuyển. Cách kết hợp như vậy tạo ra vần điệu cho thơ Mông như là một nét đặc trưng, khó lẫn với thơ ca của các dân tộc khác. Ta gặp rất nhiều trong các bài thơ của các tác giả Mông lối diễn đạt như vậy: “Cái ao ruộng hai đầu bằng/Cái ruộng ao hai đầu lặng” (Hùng Đình Quí), “Hoa chàm nở chênh chênh dốc sườn đồi/Hoa chàm nở chênh chênh cao sườn núi” (Giàng A Páo); “Người mẹ giỏi tay nuôi/Người cha khéo tay đặt” (Sùng A Thào); “Cha trao cho tôi tuổi tác/Mẹ ban phát linh hồn/Cha đắp bồi trí tuệ/Mẹ cho trọn điều khôn” (Mã A Lềnh) …
3.2.3. Ngôn ngữ, hình ảnh mang sắc thái đặc trưng của dân tộc Mông
Ngôn ngữ, hình ảnh của một dân tộc là sản phẩm của đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc ấy. Thơ hiện đại dân tộc Mông cũng vậy. Các nhà thơ
bao giờ cũng có nét tương đồng, thậm chí trùng hợp trong việc sử dụng hình ảnh thơ, nhất là những hình ảnh đặc trưng cho thiên nhiên con người và cuộc sống cộng đồng mình. Trong thơ Mông hiện đại, ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh thơ được trở đi trở lại nhiều lần có giá trị như những biểu tượng. Biểu tượng cho thiên nhiên của dân tộc Mông có lẽ là những hình ảnh “núi”, “mây”, và “mặt trời”. Có lẽ, do sống trên những triền núi đá cao nên gần gũi nhất với người Mông là núi; do khí hậu khắc nghiệt gần như quanh năm sương mù che phủ nên mặt trời là biểu tượng của sự ấm áp; những buổi chiều mùa hè trời như cao hơn, nắng pha sắc màu cho những đám mây nên mây là biểu tượng của cái đẹp. Khác với thơ của người Kinh và các dân tộc thiểu số khác, thiên nhiên của người Mông không có những dòng sông nên vì vậy mà trong thơ hiện đại Mông hình ảnh những dòng sông cũng rất hiếm hoi hoặc gần như không xuất hiện. Hay như trong thơ của người Thái, hình ảnh hoa ban xuất hiện nhiều, như là nét đặc trưng thì trong thơ Mông hình ảnh của loài hoa đặc trưng lại là hoa đào, hoa phong lan: “Ngọn núi lưng rừng nào cũng đến mùa xuân hoa đào mới nở” (Mùa A Sấu), “(Em) trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở giữa rừng” (Hùng Đình Quí).
Những hình ảnh “núi”, “đá núi” xuất hiện trong thơ Mông hiện đại không chỉ đơn thuần là nội dung phản ánh của hiện thực cuộc sống người Mông, cuộc sống của một dân tộc “Sinh trên đá đợi bạn tình trên đá” (Triệu Kim Văn) mà nhiều khi, như những hình ảnh của sự so sánh, liên tưởng, ẩn dụ rất độc đáo và đặc sắc. Dáng vẻ uy nghi, sừng sững của những ngọn núi là hình ảnh để so sánh với công ơn của Đảng của Bác Hồ đối với người Mông: “ơn Bác Hồ người Mông nợ/Chồng cao bằng núi đất/chất cao bằng núi đá”. Có khi để diễn tả niềm vui, nhà thơ Mông dùng hình ảnh “đá nở hoa, hang sai quả”. Hình ảnh người đàn ông Mông phóng túng, phong trần với “mái đầu trơ một mỏm đá hoang”, và tính cách “nghêng ngang, xù xì như hòn đá tảng giữa ngàn lau”...
Hình ảnh “nắng” “mặt trời” xuất hiện trong thơ Mông với một mức độ gần như dầy đặc, với những ẩn dụ, so sánh, liên tưởng hết sức phong phú. Mặt trời là Đảng, là Bác Hồ, là cuộc sống no ấm, hạnh phúc: “Mặt trời đến sớm toả tia nắng/Như ánh sáng của Đảng soi”, “Mặt trời chiếu tia nắng xuống bên đồi dốc/Ta có Bác Hồ - Bác Hồ bảo người Mông ta cách làm ăn” (Sùng Nhìa Tú). Nhiều bài thơ sử dụng cách so sánh ví von trực tiếp hình ảnh mặt trời như: “Có cụ Hồ về”(Giàng A Của), “Mặt trời hoa mây” (Giàng A Páo), “Ánh mặt trời” (Giàng A Lử), “Mặt trời, mặt trăng và Bác Hồ” (Sùng Nhìa Tú), “Nhớ đến Chính phủ” (Vừ Thị Dưa)... Bên cạnh đó, có những bài thơ mà hình ảnh “nắng” “mặt trời” mang ý nghĩa ẩn dụ, bộc lộ kín đáo suy nghĩ, tình cảm của các tác giả: “Ngửa mặt lên tôi say uống nắng vàng”, “Ở trên đầu nắng rọi mênh mang”, “Nắng lại toả xua tan u ám - trong lòng ta mang sắc nắng tràn trề”. Hơn ai hết người Mông nhận thức sâu sắc sự cần thiết của nắng đối với sự sống: “Cuộc sống này sinh sôi vì có nắng/Nắng đậu trên môi nụ cười tươi rạng” (Mã A Lềnh)...
Những bài thơ viết về cuộc sống đồng bào Mông xuất hiện rất nhiều những hình ảnh “cây lanh”, “sợi lanh”, “con ong”, “chim ri”, “chim khướu”, “ruộng bậc thang”... như những hình ảnh vừa gần gũi với cuộc sống, vừa là đặc trưng cho cuộc sống của người Mông. Sợi lanh dường như là một thứ “bất li thân” của người phụ nữ Mông, khi đi nương, đi rẫy, khi làm bếp, ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, người phụ nữ vẫn luôn luôn tước lanh để rồi dệt nên những trang phục vừa bền chắc, vừa rực rỡ sắc màu. Vì vậy, trong thơ Mông, hình ảnh sợi lanh như một biểu tượng cho sự cần mẫn chăm chỉ và cho cả tình yêu chung thuỷ: “Sợi lanh căng do em se/ Đôi ta kết đường tình duyên”, “Trước cửa nhà em có cây lanh mọc/Ong mới về tìm đậu” (dân ca Mông), “Guồng se lanh nối dài vô tận sợi lanh/ Mùa xuân này trời xui đất khiến cho em gặp anh” (Mã A Lềnh). Hình ảnh “tổ ong khoái, ong mật” thường được