Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 19


nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ. Phong tục thuần hậu chưa từng bị gián đoạn bao giờ” [106, tr.223]. Mối quan hệ trong làng xã, trong thành phần cư dân, trong từng gia đình, mang đặc điểm cụ thể là các tầng lớp thường hòa quyện, gắn bó với nhau mà không có sự phân định rạch ròi. Trong nghề nghiệp của cư dân, rất khó để tìm được một gia đình kẻ sĩ thuần túy cũng như một gia đình chỉ hoàn toàn chỉ làm nghề thủ công hay buôn bán ở làng quê. Do vậy, bên cạnh sự phân loại cư dân theo tiêu chuẩn “tứ dân” kể trên, trong các làng xã ở Nam Đàn thời Nguyễn còn có cách phân hạng khác là dựa vào địa vị chính trị, thứ bậc xã hội và tuổi tác để xác định ngôi thứ trong làng. Có nhà nghiên cứu gọi đây là “những quan hệ xã hội làng theo trục đứng mà nét nổi bật là sự phân biệt giữa quan viên và bạch đinh, giữa già và trẻ, giữa trên và dưới, giữa nam và nữ, giữa chính cư và ngụ cư” [122, tr.122].

Trong sinh hoạt đời sống, đại bộ phận cư dân ở 6 tổng, 65 xã thôn ở Nam Đàn suốt thời kỳ 1802 - 1884 vẫn định cư và cộng cư trong các đơn vị làng xã cổ truyền theo quan hệ địa vực (gắn với không gian cụ thể), kết hợp với quan hệ huyết thống (gia đình, dòng họ) và các quan hệ khác như nghề nghiệp, lớp tuổi, vị thứ xã hội, tín ngưỡng tôn giáo. Dưới triều Nguyễn, từ Gia Long đến Minh Mệnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm đưa dân cư phiêu tán trở về quê sản xuất, cho lập địa bạ nhằm chia lại ruộng đất, tiếp tục trị thủy, làm công tác thủy lợi, thanh toán tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang, chỉnh đốn lại phong tục ở hương thôn, cải tổ bộ máy hành chính xã thôn nhằm “khép chặt lại tính tự trị của làng xã” để nâng cao sức tập quyền của nhà nước phong kiến. Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm của triều Quang Trung, nhưng vấn đề đặt ra thực không đơn giản và kéo dài dai dẳng suốt thể kỷ XIX. Ở Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng cũng nằm trong tình trạng chung đó [71, tr.176] .

Đối với mỗi gia đình, nhà là nơi diễn ra mọi sinh hoạt giữa các thành viên trong đời sống hàng ngày, là biểu trưng về cơ sở vật chất cho thấy hoàn cảnh sống của một hộ gia đình trong bình diện chung của toàn bộ cư dân trong một khu vực cư trú. Nhà ở của nhân dân Nam Đàn vừa mang những nét chung về kiến trúc của cư dân làng xã Việt Nam nhưng đồng thời cũng mang những nét riêng khác biệt nhằm phù hợp với hoàn cảnh sống cùng sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên.

Về cấu trúc, kiểu nhà phổ biến thông thường của bà con ở Nam Đàn là “nhà hạ chạn” và nhà tứ trụ [78, tr.255]. Đối với nhà tứ trụ thường có bốn mái, cấu trúc các vì


kèo, cột cái thường thấp đặc biệt ở gian chính ngôi nhà số lượng cột cái nhiều hơn so với cái kiểu nhà ở nơi khác. Nhà được thưng bằng gỗ hoặc xây tường bằng gạch, có ít cửa sổ, xung quanh thường có các chái hai bên và mái hắt phía sau hè nhằm mục đích tránh mưa bão gió tạt về mùa mưa và làm mát cho ngôi nhà về mùa hè. Kiểu “nhà hạ chạn” là kiểu nhà cải tiến từ nhà sàn của đồng bào dân tộc miền núi được bà con nhân dân Nam Đàn ở khu vựa tả và hữu ngạn sông Lam rất ưu chuộng, ngôi nhà thường cưa hạ phần cột từ sàn nhà xuống so với nhà sàn truyền thống, sau đó thợ dựng nhà đục đóng các mấu kèo, đầu trếnh xuống nền đất cho vững chãi sau đó dựng nhà, nhà làm xong còn làm thêm gác chạn. Đối với nhà hạ chạn, phần đường hoành chạy xuyên suốt cả vì nhà khiến cho người nhìn có cảm giác nặng nề, thô cứng, nhưng lại làm tăng độ vững chãi cho cả ngôi nhà nhằm giúp ngôi nhà chịu được các trận gió lốc mùa mưa bão, đồng thời còn là nơi cất gác tài sản, hay ẩn trú của các thành viên trong gia đình trong các trận lụt thường xuyên diễn ra ở vùng hạ lưu sông Lam [78, tr.256].

Ngoài hai loại nhà kể trên, còn một kiểu nhà nữa rất phổ biến đối với các hộ dân nghèo trong làng xã, đó là những ngôi nhà làm bằng tranh tre, nứa mét. Những ngôi nhà này không cầu kì ở cột cái, đường hoành hay các thanh cầu phong mà là sự tối giản trong vật liệu dựng nhà. Bao quanh nhà là tường được thưng bằng nứa mét đan thanh từng liếp hoặc tường nhà được bôi trét vằng bùn đất trộn với rơm rạ được cắt nhỏ, bên trong có khung bằng tre, nứa mét gia cố cho tường nhà thêm phần vững chãi.

Tóm lại, dù là loại hình nào thì kết cấu chung nhất cũng phải có gian chính và các gian phụ. Gian chính, nơi trung tâm của ngôi nhà dùng để đặt bàn thờ gia tiên, tùy vào điều kiện của gia chủ mà gian chính có bộ trường kỉ, ngựa gỗ hoặc bộ bàn ghế, chõng tre làm nơi tiếp khách. Còn gian trong (gian phụ) là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình, cũng là nơi cất giữ của cải vật chất, các vật dụng quan trọng, ngoài ra còn là chỗ để bố trí chạn gác.

Với mật độ dân cư tập trung ở những vùng đồng bằng nhỏ hẹp, bị cắt xẻ, xen lẫn bởi ao hồ, gò đồi cùng diện tích canh tác nông nghiệp, đã khiến cho diện tích cư trú của các hộ gia đình thường không rộng rãi như ở các huyện khác. Tuy nhiên, không vì thế mà không gian của từng hộ gia đình thiếu đi mảnh vườn, sân phơi hay lối đi thoáng đãng tiện cho việc sinh hoạt, đi lại và lao động sản xuất. Kiến trúc nhà ở cùng cấu kiện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.


của làng, xã mang đậm nét văn hóa truyền thống cộng đồng của toàn bộ cư dân vùng hạ lưu sông Lam, vừa mang tính tự trị của từng ngôi làng, từng ngôi nhà ở trong làng trong xã. Tất cả những giá trị đó phản ánh sự thuần phác trong đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp Nam Đàn.

Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 19

Do kinh tế khó khăn, việc mặc của cư dân làng xã Nam Đàn cũng gần như không thay đổi so với các thế kỷ trước. Đại bộ phận cư dân làng xã vẫn chỉ có các kiểu áo quần, váy (mấn) được may từ các loại vải thô, rẻ tiền bán ở các chợ làng xã, phủ huyện. Để giữ độ bền, người ta nhuộm nâu (ở chợ Sa Nam, chợ Chùa, chợ Rồng, chợ Hữu Biệt... đều có quầy nhuộm vải). Những gia đình giàu có phải xuống chợ Vinh đến “phố Khách” (phố của thương nhân Hoa kiều) mới mua được các loại nhung, lụa tốt để may quần áo. Khi ốm đau, giống như cha ông từ nhiều thế kỷ trước các bài thuốc nam, nồi lá nước xông... là phương thức chữa bệnh phổ biến. Chỉ khi ốm nặng mới nhờ thầy thuộc đến thăm mạch, sau đó kê đơn, rồi ra quầy thuốc Bắc ở chợ cắt thuốc đem về sắc uống. Từ đời này qua đời khác lối sống chốn hương thôn chẳng có gì đổi khác.

Cấu trúc làng ở huyện Nam Đàn mang nhiều điểm tương đồng với các làng quê vùng Bắc Bộ, nhưng có nét “mở” hơn về cấu trúc. Nếu làng Bắc Bộ là cổng làng, thành gạch, lũy tre và các biểu trưng như đình, chùa, miếu, cây đa, bến nước, giếng làng… đã trở thành những điểm nhấn hàm chứa tính cố kết của cộng đồng, khép kín với các mối quan hệ đan xen, thì làng ở Nam Đàn nói riêng những yếu tố đó có phần phai nhạt hơn. Giải thích cho những đặc điểm trên chính là sinh cảnh mà cư dân chọn lựa làm nơi dựng làng, lập ấp chính là việc con người nơi đây phải dựa vào núi, đối diện với biển, sông nước để tồn tại. Ở huyện Nam Đàn, trong làng chỉ có một đến hai cái giếng đào, xây bằng đá ong, hoặc đá núi để mọi thành viên trong làng xã sử dụng, hiện nay ở các xóm trên địa bàn huyện vẫn còn những giếng làng cách đây hàng thế kỷ như xóm Hố, xóm Đông Nam, làng Leo (xã Diên Lãm) mỗi làng có 1 giếng; làng Tự Trì, làng Kim Liên, làng Chung Tỉnh, làng Xuân La, làng Hữu Biệt thuộc tổng Xuân Lâm mỗi làng có 2 giếng; thôn Cống Lao (Thanh Thuỷ) có 1 giếng; làng Khoa Trường, làng Phú Thọ, làng Tầm Tang, thuộc tổng Bích Triều; làng Hoành Sơn, làng Trung Cần thuộc tổng Nam Kim cũng chỉ có 1 giếng [72], [80]. Con đường vào làng được đắp bằng đất, có chiều rộng chỉ 2 - 3 m, chạy ngoằn nghèo từ đầu làng đến cuối làng, phục vụ cho nhu cầu đi lại và sản xuất của cư dân. Mỗi làng thường có 1 điếm


canh, do dân đinh trong làng luân phiên canh giữ từ tối cho đến mờ sáng. Theo khảo sát của chúng tôi, trong tổng số 65 làng, xã ở Nam Đàn chỉ có 38 làng xã xây dựng được đình làng, chiếm hơn 58%, trong đó nổi tiếng có: đình làng Dương Liễu, đình làng Nam Kim, đình làng Trung Cần, đình làng Hoành Sơn, đình làng Khoa Trường, đình làng Phú Thọ, đình làng Trung Hoà, đình làng Thanh Thuỷ, đình làng Yên Lạc, đình làng Yên Hồ, đình làng Thịnh Lạc, đình làng Kim Liên, đình làng Hữu Biệt, đình làng Chung Cự, đình Khả Lãm [77], [75]. Mọi công việc lớn nhỏ trong làng từ thuế khoá, binh dịch, lao dịch, phu phen, hôn thú, tang ma, đến giữ gìn an ninh trật tự, chống hoả hoạn, đón rước người thi cử đỗ đạt về vinh quy bái tổ hay tế lễ thần hoàng làng, giải quyết mâu thuẫn giữa các hộ gia đình trong làng đều do bộ máy chức dịch trong làng đảm nhiệm. Góc chiếu giữa đình làng phản ánh rõ nét thân phận, địa vị của từng hộ gia đình, gia tộc, dòng họ, dân chính cư hay dân ngụ cư. “Đất lề quê thói” mọi công việc ở làng xã vẫn diễn ra theo trật tự dường như bất biến đó, “phép vua thua lệ làng” được xem là khuôn thước trong mọi quan hệ xã hội diễn ra trong làng.

Về đời sống tôn giáo tín ngưỡng, các làng xã thường có từ 2 đến 5 đền, miếu thờ các vị Nhân thần và Nhiên thần. Chẳng hạn: làng Khả Lãm có đền Trầm Một (thờ thần sông, thần núi), đền thờ vua Mai; xã Hương Lãm( Diên Lãm) có lăng miếu đền thờ vua Mai, đền thờ Đức Ông, đền thờ Mẫu, đền thờ Hương Lâm Hầu Nguyễn Văn Mệnh; xã Thanh Thuỷ có đền Nghè (thờ danh tướng Tây Sơn), đền thờ Mẫu, đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan (Mô); làng Phú Thọ có đền thờ thần Cao Sơn Cao Các, đền thờ Thượng thư Bộ học Bùi Duy Nhượng, đền thờ Tống Tất Thắng... Bên cạnh hệ thống đình, đền, miếu, ở Nam Đàn còn có cả một hệ thống chùa được xây dựng từ thế kỷ VII đến thời Tây Sơn và cả trong thời Nguyễn. Tiêu biểu có chùa chùa Nhạn Tháp (xây dựng thế kỷ VII), chùa Phúc Linh (chùa Hà), chùa An Lạc, chùa Vĩnh Phúc, chùa Đại Tuệ, chùa Bà Đanh, chùa Viên Quang, chùa Lồi, chùa Phú Thọ [77]... Bên cạnh sự tồn tại của Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, trong đời sống tôn giáo của cư dân trên địa bàn huyện Nam Đàn còn có một số giáo dân theo đạo Thiên chúa sống tập trung ở Vạn Lộc, Tràng Cật, Chung Tháp, Nhật Quang, Quy Chính, Tràng Đen [206]. Trong thời kỳ 1802 - 1884, chính sách cấm đạo và sát đạo mà nhà Nguyễn duy trì đẩy toàn bộ giáo dân ở Nam Đàn vào tình thế luôn sống trong lo âu, sợ hãi.

Trong mỗi làng, xã đều dành một vùng đất rộng, cao ráo, ít bị ngập lụt về mùa


mưa để làm bãi tha ma (mộ địa) - nơi chôn cất những người đã mất, theo kinh nghiệm dân gian, bãi tha ma thường ở phía Tây hoặc Tây Bắc của làng. Phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên, truyền thống hiếu thảo với ông bà cha mẹ được cư dân làng xã Nam Đàn rất đề cao. Ngoài mối quan hệ giữa thần dân với vua (Hoàng quyền - Thần dân), cư dân trong làng xã ở Nam Đàn còn có các mối quan hệ huyết thống giữa ông bà, cha mẹ, gia tộc, dòng họ. Bên cạnh đó, mối quan hệ bất thành văn “trong họ ngoài làng”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, luôn ràng buộc, gắn kết mọi thành viên trong làng xã. Cư dân làng xã ở Nam Đàn chỉ rời đất đai của ông bà tổ tiên khi phiêu tán đến vùng đất mới để khai phá, dựng làng, lập xóm hoặc trong trường hợp tránh nạn binh đao bởi chiến tranh, hoặc do thiên tai bão lũ, dịch bệnh, mất mùa đói kém phải bỏ quê tha phương cầu thực nơi đất khách quê người.

Trong thời kỳ 1802 - 1884, sự đình đốn của kinh tế nông nghiệp khiến hiện tượng bần cùng, phá sản của nông dân trở thành vấn đề cấp bách. Cùng với sự gia tăng về dân số thì việc lực lượng lao động dư thừa (không có ruộng đất để sản xuất) ở vùng nông thôn ngày càng nhiều. Để tận dụng lực lượng lao động tại địa phương, đáng lý phải nhờ đến những hoạt động thủ công nghiệp và thương nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này lại không được nhà Nguyễn coi là bản nghiệp, ngoài ra còn bị cản trở bởi chính sách của nhà nước, đã dẫn đến tình trạng trong nhân dân, tinh thần cạnh tranh và quan niệm tiến bộ không phát triển được. Trong bối cảnh đó, Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng, nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp lỗi thời, lạc hậu tiếp tục duy trì, đời sống nhân dân khó khăn, luôn phải đối mặt với nhiều mối họa bởi chiến tranh, thiên tai, nghèo đói. Đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của cư dân làng xã ở huyện Nam Đàn không có nhiều thay đổi trong suốt thời kỳ 1802 - 1884.

5.5. Những hạn chế mà nhà Nguyễn thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội là nguyên nhân sâu xa đẩy nông dân làng xã Nam Đàn vào tình cảnh mất mùa đói kém, phiêu tán và thậm chí là nổi dậy khởi nghĩa, chống lại triều đình‌

Ngay khi lên ngôi Hoàng đế nắm quyền trị vì đất nước, vua Gia Long (1802 - 1819) đã thực thi chính sách đàn áp thẳng tay những người tham gia ủng hộ phong trào nông dân Tây Sơn và vương triều Tây Sơn (1771 - 1801). Theo tác giả Đỗ Bang, trong cuốn sách Những khám phá mới về Hoàng đế Quang Trung [9], Nghệ An là đất tổ của


anh em Tây Sơn, dưới triều Gia Long một số con cháu họ Hồ ở làng Thái Lão (Hưng Nguyên) và làng Xuân Hồ (Nam Đàn), trở thành nạn nhân của cuộc tàn sát thảm khốc đó [9, tr.7 - 9]. Những người có quan hệ họ hàng xa với nhà Tây Sơn và từng ủng hộ vương triều Tây Sơn trên địa bàn một số làng xã ở Non Liễu, Non Hồ, Xuân Lâm, Kim Liên, Chung Tháp, Tự Trì... đã bị Gia Long dồn về sống tập trung dưới chân núi Đại Huệ, lập thành trại Hữu Biệt (thuộc xã Nam Giang ngày nay) nhằm dễ bề kiểm soát. Ngoài ra, những công trình được xây dựng trên đất Nghệ An dưới thời Tây Sơn, đặc biệt liên quan đến họ tộc Tây Sơn đều bị đào bới, tháo dỡ, xoá bỏ. Vào đầu triều Nguyễn vua Gia Long đã cho phá bỏ những dấu tích còn lại thời Tây Sơn trên vùng đất này như thành Phượng Hoàng Trung Đô dưới chân núi Dũng Quyết (thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh ngày nay), Sùng Chính thư viện (Nam Kim) do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng.

Để nắm quyền quản lý đất đai trên toàn bộ lãnh thổ nước ta, từ Gia Long đến Tự Đức, việc đo đạc, phân loại ruộng đất, lập sổ địa bạ, định mức thuế ruộng được tiến hành khá triệt để trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Nhà Nguyễn đã bộc lộ thái độ đối với vấn đề ruộng đất đó là phục hồi ruộng đất công cho dù các điều kiện kinh tế - xã hội ở nửa đầu thế kỷ XIX đã có nhiều thay đổi [170, tr.54]. Tuy nhiên, chính sách này đã đụng chạm đến lợi ích của các giai cấp, tầng lớp ở các địa phương. Đối với nông dân, việc chia lại ruộng đất trong điều kiện quá trình tư hữu đã trở thành phổ biến, ruộng đất công bị thu hẹp, ruộng đất không đủ để chia cho nông dân, hoặc có chia thì không đều, như vua Gia Long đến cuối đời đã nhận định “Dân không đều nhau đã lâu rồi, sao có thể nhất nhất đều nhau được” [170, tr.53]. Giai cấp địa chủ và tầng lớp quan lại địa phương, nhất là bộ máy chức dịch từ Chánh tổng, Lý trưởng, Phó lý trưởng, Hương bạ, Hương kiểm không được nhà nước trả lương và việc ẩn lậu, bao chiếm, mua bán đất đai đã kéo dài từ nhiều thế kỷ trước, thì nay việc chia lại ruộng đất, truy thu ruộng đất tư vào ruộng đất công khiến cho cuộc “đối chọi” giữa Nhà nước và giai cấp địa chủ giành quyền kiểm soát nông thôn là một thực tế đã diễn ra mà ruộng đất là vấn đề chủ chốt.

Căn cứ vào số liệu thống kê trong 40 địa bạ xã thôn thuộc huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 cho thấy, hiện tượng chủ sở hữu trên 50 mẫu ở Nam Đàn rất ít (chỉ 01 chủ), lớp sở hữu từ 01 - 05 mẫu là chủ yếu. Dựa vào thực trạng sở hữu trên cho thấy


mâu thuẫn giữa Nhà nước và các chủ sở hữu là không gay gắt như nhiều địa phương khác trong cả nước. Trên địa bàn phủ Anh Đô nói riêng, Nghệ An nói chung, đầu thế kỷ XIX, chính sách bắt lính, phu phen tạp dịch do Gia Long, Minh Mạng... thực thi ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình ở làng xã. Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn còn cả một tầng lớp trí thức Nho học chịu ân điển của nhà Hậu Lê và cả nhà Tây Sơn, không dễ dàng thừa nhận địa vị thống trị của dòng họ Nguyễn Phúc.

Đặc biệt chính sách không đắp đê ngăn triều dâng dọc các làng xã ven biển và đôi bờ tả hữu sông La, sông Lam mà nhà Nguyễn duy trì suốt thời kỳ 1802 - 1884, đẩy đại bộ phận nhân dân Nghệ An, phủ Anh Đô vào tình trạng luôn phải đối mặt với nguy cơ mất trắng lúa, hoa màu, thậm chí là nhà cửa. Theo ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn các năm 1807, 1811, 1823, 1825, 1842, 1853, 1867, 1873 [170, tr.105 - 109]...

Nghệ An lũ lụt, hạn hán, mất mùa, nhà Nguyễn phải miễn thuế và mở kho lương phát chẩn cho dân. Tiếp cận 40 địa bạ cũng cho biết thêm tình trạng xâm canh trong sở hữu đất đai ở Nam Đàn khá phức tạp, tình trạng bao chiếm ruộng đất công làm đất tư ở nửa sau thế kỷ XIX của quan lại, địa chủ, chức dịch diễn ra phổ biến, đẩy nông dân Nam Đàn vào tình trạng không có ruộng đất để cày cấy. Ngoài ra, chính sách “trọng nông”, “ức thương” đã khiến cho hầu hết các ngành, nghề thủ công nghiệp ở Nghệ An, Nam Đàn luôn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, không thoát ra khỏi được nền kinh tế nông nghiệp mang tính tiểu nông ăn sâu bám rễ trong làng xã. Hoạt động nội thương chủ yếu là mua bán, trao đổi các loại hàng hoá mang tính nội vùng theo cách thức truyền thống, bó buộc thợ thủ công và những người buôn bán với làng xã.

Những đặc điểm về thực trạng kinh tế trong nông thôn làng xã Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 được đề cập ở trên, chính là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ liên tiếp của cuộc khởi nghĩa nông dân trên địa bàn huyện. Năm 1811 cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Tuấn chỉ huy diễn ra ngay trên địa bàn hai huyện của phủ Anh Đô là huyện Thanh Chương và huyện Nam Đàn, vua Gia Long phải ra lệnh cho tổng đốc An Tĩnh điều động binh lính từ trấn thành Nghệ An, hợp sức với quân đội điều động từ Huế ra mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa. Năm 1813, nông dân Nam Đàn, Thanh Chương, La Sơn, Đông Thành, Quỳnh Lưu nổi dậy khởi nghĩa. Năm 1818, cuộc khởi nghĩa do Lê Hữu Tạo cầm đầu lại bùng nổ trên địa bàn phủ Anh Đô.


Vào năm 1823, nhân dân Nam Đàn, Thanh Chương lại vùng dậy khởi nghĩa, đánh chiếm lỵ sở Sa Nam, làm chủ cả một vùng rộng lớn ở hạ lưu sông Lam. Minh Mệnh buộc phải điều binh lính từ Huế ra Nghệ An cùng với lực lượng đồn trú tại đây tổ chức đàn áp, khủng bố mới dập tắt được. Tuy nhiên, chính sách đàn áp thẳng tay những người tham gia khởi nghĩa và ủng hộ khởi nghĩa mà nhà Nguyễn thực thi đã khiến mâu thuẫn giữa đại bộ phận nông dân làng xã ở Nghệ An, Nam Đàn với triều đình ngày càng sâu sắc.

Đáng chú ý, trong thời kỳ 1802 - 1884 chính sách cấm đạo, sát đạo mà Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục duy trì đã đẩy toàn bộ giáo dân ở vương quốc Đại Nam nói chung, trấn/tỉnh Nghệ An, Nam Đàn nói riêng vào tình thế cấp bách khiến họ phải nổi dậy chống lại triều đình. Năm 1874, Trần Tấn, Đặng Như Mai, dương cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu “Đánh cả triều lẫn Tây”. Đại bản doanh làng Thành, thuộc xã Thanh Thuỷ trở thành trung tâm của cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này. Điều đáng tiếc là trong cuộc khởi nghĩa ấy, giáo dân Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên trở thành đối tượng cần loại bỏ. Triều đình Huế đã điều động Tôn Thất Thuyết đưa quân từ đồng bằng Bắc Bộ vào Nghệ An hợp sức cùng với quân đội triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa [98].

Cuộc thảm sát tàn khốc những người tham gia, ủng hộ cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất năm 1874 ở Nam Đàn, Thanh Chương... tiếp tục đẩy mâu thuẫn giữa đại bộ phận cư dân làng xã ở lưu vực sông Lam với triều đình Tự Đức dâng cao. Cùng với đó, từ năm 1858 đến năm 1884, trước sự tấn công của thực dân Pháp triều đình Tự Đức loay hoay trong việc tìm kế sách giữ nước, rồi lần lượt ký Hiệp ước cắt 3 tỉnh miền Đông (1862), Lục tỉnh Nam Kỳ (1874), Hiệp ước Hác-măng (1883), Pa-tơ-nốt (1884) thừa nhận quyền thống trị của người Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam càng gây phẫn uất cho tầng lớp trí thức Nho học và đại bộ phận nhân dân. Khối mâu thuẫn chồng chất ấy chính là một trong những nguyên nhân sâu xa đẩy phần lớn văn thân, sĩ phu yêu nước và đại bộ phận cư dân làng xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh nói chung, Nam Đàn nói riêng đứng lên ứng nghĩa Cần Vương từ năm 1885 đến năm 1896 mà chúng tôi xin phép không trình bày ở đây.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/04/2023