Phía Nam và Tây Nam chợ Chùa là xã Xuân Hồ, thôn Đan Nhiễm (đến đời vua Tự Đức (1848 - 1883) vì kỵ húy (Nguyễn Hồng Nhậm) nên đổi là làng Đan Nhiễm, nay là xã Xuân Hòa. Phía Bắc và Đông Bắc của chợ là 10 thôn, phường, giáp, làng nằm trong địa giới hành chính xã Xuân Liễu gồm: Đức Nghĩa, Đồng Đức, Đồng Thượng, Mai Động, Tăng Phúc, Liễu Cô, Ngọc Sơn, Nam Vinh, Đồng Dương và Nghi Hưng (nay thuộc địa bàn hai xã Nam Anh và Nam Xuân) [215, tr.103 - 104]. Như vậy, chợ Chùa đóng vai trò là chợ tổng Non Liễu với chức năng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa của cư dân 20 làng, xã, thôn giáp trong tổng Non Liễu gồm: Non Liễu, Yên Lạc, Thanh Tuyền, Non Hồ, Vân Đồn, Chung Tháp, thôn Thượng Hồng, Nghĩa Động, Tự Trì, Hồng Nhiễm, Hương Lãm (thôn Đông, thôn Tạo Lệ, thôn Nam, thôn Khả Lãm), Thịnh Lạc (thôn Trung Lâm, thôn Nhân Hậu, giáp Đồng Nhân, thôn An Lạc, thôn Xuân Lâm, giáp Hạ) [209, tr.103 - 104].
Trong tổng Non Liễu ở thế kỷ XIX, vẫn có các chợ khác như: chợ Giỏ ở Thịnh Lạc, còn gọi là chợ Hôm vì chỉ họp vào buổi sáng mai (từ 5 - 7 giờ sáng), chợ Vạc (thuộc xã Nam Lĩnh), họp tháng 9 phiên vào các ngày 02, 06, 09, 12, 16, 19, 22, 26, 29; chợ Tro (nay thuộc xã Xuân Hòa), chợ Giếng (thuộc làng Đông Nam và làng Nam Bình) chỉ họp vào buổi chiều hay chợ Thanh (nay thuộc xã Nam Thanh chỉ họp vào buổi chập chiều từ 5 - 7 giờ tối)… Nhưng, chợ Chùa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa cũng như giao lưu văn hóa của các thế hệ cư dân trong tổng Non Liễu từ nhiều thế kỷ trước. Theo kết quả khảo sát, điều tra điền dã của chúng tôi trên địa bàn, đối sánh với một số tư liệu địa phương, tên gọi chợ Chùa xuất hiện gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của năm ngôi chùa trong không gian tổng Non Liễu là: Chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh), chùa Vạn Phúc (xã Nam Xuân), chùa Ơi (xã Xuân Hòa), chùa Bà Đanh (xã Xuân Hòa) và chùa An Lạc hay Yên Lạc (xã Nam Lĩnh). Nếu như những giả định này là đúng thì chợ Chùa ra đời vào khoảng thế kỷ XI - XIV, khi Phật giáo hưng thịnh, công việc xây dựng, trùng tu các ngôi chùa trên được các thế hệ cư dân trong tổng Non Liễu nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung tiến hành. Chợ Chùa ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về trao đổi, mua bán hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cho cư dân, thợ thuyền trên địa bàn tổng Non Liễu trong quá trình xây dựng các ngôi chùa và trong đời sống hàng ngày của cư dân địa phương.
Chợ Chùa chỉ họp vào buổi chiều tất cả các ngày trong tháng. Hàng hóa ở đây chủ yếu là nông sản phẩm và các loại đồ gia dụng, dụng cụ phục vụ sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua sắm của các tầng lớp nhân dân. Ở đây có bán một số hàng hóa mang tính đặc sản của địa phương như: Chè, hồng, dứa trồng trên núi Đại Tuệ (Đại Huệ), cá rô Bàu Nón (Hồ Nón), vải dệt của làng Non Hồ, lưỡi cày đúc từ làng Vân Đồn, đồ rèn từ làng Hương Lãm và làng Chung Tháp… Theo các cụ cao tuổi ở khu vực quanh chợ cho biết, ở đây có 02 cơ sở nhuộm vải, 02 hiệu thuốc Bắc và 02 lò rèn luôn tấp nập khách hàng. Do gần Hồ Nón và khu vực đồng bằng nên ở chợ Chùa có bán đủ loại sản vật địa phương như cá đồng, tôm, cua, ốc, ếch, lươn, chạch cũng như lúa, ngô, gạo, nếp, khoai lang, bầu, bí.
Sự hiện hữu của chợ Chùa và các chợ làng xã khác suốt nhiều thế kỷ trong tổng Non Liễu góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương, đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa của các thế hệ cư dân trong tổng, trong huyện.
- Chợ Sáo (chợ Hữu Biệt)
Chợ Sáo hay còn gọi là chợ Hữu Biệt, nằm trong địa phận làng Hữu Biệt, nay thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, ngay sát cạnh đường quốc lộ 46, cách thành phố Vinh 11 km về hướng Tây. Chợ Sáo ngày nay nằm chếch về phía Nam ở Ngã tư đường rẽ vào mộ Thân mẫu của Hồ Chủ tịch là bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ. Đầu thế kỷ XIX, cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chợ Sáo nằm đối diện với vị trí hiện nay.
Xét về quy mô thì chợ Sáo là một trong những chợ làng thuộc tổng Lâm Thịnh của huyện Nam Đường đầu thế kỷ XIX. Trong tổng Lâm Thịnh, ngoài chợ Sáo còn có chợ Cầu (dưới chân núi Chung, thuộc xã Kim Liên ngày nay); chợ Liễu (nằm giáp giới giữa làng Lâm Thịnh, làng Duyên La (nay thuộc xã Xuân Lâm) với xã Hưng Long của huyện Hưng Nguyên; chợ Nhạn Tháp (nay thuộc xã Hồng Long). Chợ Sáo họp mỗi tháng 9 phiên vào buổi sáng các ngày 03, 06, 09, 13, 16, 19, 23, 26, 29, trong khi chợ Cầu cũng họp mỗi tháng 9 phiên nhưng vào các buổi sáng những ngày chẵn: 02, 04, 08, 12, 14, 18, 22, 24, 28, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ cư dân làng xã trong tổng trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy không nằm theo quy luật trên bến, dưới thuyền, nhưng chợ Sáo nằm sát tuyến đường bộ huyết mạch đi từ trấn/tỉnh thành Nghệ An đi qua Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Đây chính là một lợi
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Quát Tình Hình Thủ Công Nghiệp
- Một Số Loại Đá Ong Được Khai Thác Ở Mỏ Đá Làng Kiền,
- Các Chợ Có Quy Mô Lớn Ở Nam Đàn Ở Thế Kỷ Xix
- Tình Hình Sở Hữu Ruộng Đất Huyện Nam Đàn Thời Kỳ 1802 - 1884, Phản Ánh Thực Trạng Sở Hữu Ruộng Đất Ở Trấn/tỉnh Nghệ An Nói Riêng Và Cả Nước
- Nông Nghiệp Nam Đàn Phản Ánh Rõ Nét Bức Tranh Kinh Tế Tiểu Nông Tự Cung Tự Cấp Lỗi Thời Và Lạc Hậu
- Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 19
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
thế để chợ Sáo hay chợ Hữu Biệt thu hút đông đảo cư dân trong tổng Lâm Thịnh (Nam Đàn) và một phần cư dân các làng xã thuộc tổng Phù Long nay thuộc các xã Hưng Đạo, Hưng Thái, Hưng Thông của huyện Hưng Nguyên đến họp chợ trong những ngày chợ phiên. Do cách khá xa sông Lam, nên hàng hóa trao đổi, buôn bán ở chợ Sáo chủ yếu được vận chuyển bằng quang, gánh theo các tuyến đường bộ, chứ không có các loại hàng hóa được vận chuyển bằng thuyền dọc theo sông Lam như một số chợ khác. Có thể đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một thực tế là quy mô, số lượng người đến trao đổi mua bán, cũng như các loại hàng hóa ở chợ Sáo không đa dạng như một số chợ khác. Theo tư liệu khảo sát điền dã thì thời gian họp chợ Sáo thường diễn ra từ 6 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 9 - 10 giờ trưa là tan phiên.
Cho dù có số lượng người đến trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa không đông, nhộn nhịp như một số chợ làng xã khác, nhưng chợ Sáo góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của cư dân làng xã trong tổng Lâm Thịnh như: rèn, mây tre đan, bún bánh, nấu mật, đường phèn, dệt vải… phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm, ổn định cuộc sống cũng như giao lưu, trao đổi của nhân dân không chỉ ở thế kỷ XIX mà cho đến tận ngày nay.
- Chợ Rồng
Chợ Rồng được xem là chợ tổng Nam Hoa hay tổng Nam Kim của huyện Thanh Chương, trước khi toàn bộ phần đất của tổng này chuyển về huyện Nam Đàn vào năm 1887. Lịch sử hình thành của chợ Rồng gắn liền với công cuộc khai cơ lập làng cả một vùng đất trù phú nằm dọc bờ hữu sông Lam chạy dài từ làng Chi Cơ (Nam Thượng) xuống các làng: Khoa Trường, Tầm Tang, Phú Thọ (Nam Tân), Vạn Lộc (Nam Lộc), cho tới làng Trung Cần, Đông Châu, Quang Thái, Hoành Sơn, Nam Hoa Thượng... (thuộc xã Khánh Sơn và xã Trung Phúc Cường ngày nay), Tam Láng, Tam Giáp, Nhị Truy (Thượng Truy, Hạ Truy), Tam Yên, Đa Lộc… (nay thuộc xã Nam Kim).
Ngoài các tuyến đường bộ nối liền các làng, xã trong tổng Nam Kim giúp cư dân đi chợ Rồng thuận tiện vào các ngày chợ phiên, thì người ta còn có thể đi thuyền đến bến đò Nam Cường, hoặc bến đò Vạn Rú thuộc xã Khánh Sơn để đến chợ Rồng. Ở tổng Nam Kim, từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở về trước chỉ có hai chợ lớn là chợ Dương Liễu và chợ Rồng, trong khi khu vực này dân cư đông đúc, nhiều làng xã trù phú, nên hoạt động buôn bán trao đổi các loại hàng hóa ở chợ Rồng hết sức tấp nập đông đúc. Đặc biệt, cư dân làng Ngang (Khánh Sơn), Trung Cần, Đông Châu,
Xuân Phúc, Quảng Xá, Thọ Toán, Dương Phổ Đông, Xuân Trạch... (thuộc các xã Phúc Trung Cường ngày nay) có nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải nổi tiếng, cũng như nghề mộc, nghề rèn, đan lát, ép dầu lạc, dầu vừng, làm bún bánh rất nổi tiếng, nên hàng hóa trao đổi ở đây đa dạng. Ngoài ra còn có hàng gốm, sứ, rèn, mộc, đan lát từ Đức Thọ (Hà Tĩnh) được đưa xuống thuyền xuôi sông La sang sông Lam lên chợ Rồng để trao đổi, giao thương. Một số thương nhân kẻ Bể (Cửa Lò, Cửa Hội) còn đưa muối, nước mắm, ruốc, cá biển ngược dòng sông Lam đến chợ Rồng để buôn bán, trao đổi.
Sự trù mật đông đúc của cư dân làng xã trên địa bàn địa bàn tổng Nam Kim, với nhiều nghề, làng nghề thủ công cùng những thuận lợi về mặt giao thông cả đường bộ lẫn đường sông đã tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi mua bán, giao thương ở chợ Rồng luôn diễn ra tấp nập. Các loại hàng hóa từ nông sản phẩm, đặc sản địa phương trong tổng Nam Kim và nhiều địa phương trong vùng hạ lưu sông Lam đều có mặt tại chợ Rồng, đáp ứng được nhu cầu về sinh hoạt đời sống và sản xuất của cộng đồng cư dân trong và ngoài khu vực.
Một điều đáng quan tâm khác là tất cả chợ trên địa bàn huyện Nam Đàn ở thế kỷ XIX cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều họp mỗi tháng 9 phiên (trừ chợ Sa Nam), riêng chợ Rồng họp tháng 11 phiên, theo các ngày: 01, 03, 06, 09, 12, 14, 17, 20, 22, 24, 27. Tại chợ Rồng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có 02 quầy bán thuốc Bắc của người Hoa Kiều, 03 cơ sở nhuộm vải, hai dãy lều quán bán đủ loại vải vóc được dệt từ các làng nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng trong tổng Nam Kim và 02 lò rèn, 03 quán bún thịt chó luôn đông khách [79], [88]. Cùng với chợ Dương Liễu, quá trình thành lập phát triển chợ Rồng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các thế hệ cư dân làng xã trong tổng Nam Kim suốt trong nhiều thế kỷ.
Sự hình thành mạng lưới thương nghiệp nội vùng gồm hệ thống các chợ làng xã, chợ tổng, chợ huyện, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các thế hệ cư dân làng xã trong tổng, trong huyện rộng hơn là cả vùng hạ lưu sông Lam. Tuy nhiên, do tư tưởng trọng nông tồn tại dai dẳng, nên sự ra đời của mạng lưới chợ ở làng xã trên địa bàn huyện Nam Đàn nói riêng, trấn/tỉnh Nghệ An nói chung không tạo ra một tầng lớp thương nhân hay hình thành nên những trung tâm sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Bởi vậy, kinh tế nông
nghiệp truyền thống, lỗi thời và lạc hậu mang tính tự cung tự cấp vẫn là nét vẽ chủ đạo trong bức tranh kinh tế Nam Đàn suốt thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX.
Trên cơ sở thống kê tư liệu về số lượng, quy mô hoạt động các chợ ở Nam Đàn chúng tôi có thể khẳng định, dù có mật độ khá dày (trên dưới 30 chợ) nhưng về cơ bản hệ thống chợ ở Nam Đàn ở thế kỷ XIX vẫn là một mô hình kinh tế khép kín, chủ yếu giải quyết nhu cầu mua bán, trao đổi trong phạm vi huyện hay làng xã. Dù có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, xã hội, nhưng sự thiếu vắng tầng lớp tư thương bản địa, cùng khối lượng hàng hóa ít và nhu cầu tiêu dùng hạn hẹp của người dân đã khiến cho hệ thống chợ ở Nam Đàn trong thế kỉ XIX không có nhiều thay đổi so với các thời kỳ trước.
Dưới triều Nguyễn, theo Đại Nam nhất thống chí, cùng với hệ thống chợ, huyện Nam Đàn có một số quán gồm: “quán Hữu Liệt, quán An Lạc, quán Sa Nam: thuộc huyện Nam Đường”, “quán Lãng (xã Lãng Điền): thuộc huyện Lương Sơn” [154, tr.213]. Căn cứ vào ghi chép có một vấn đề cần lưu ý đó là cách gọi tên cho phù hợp, cụ thể ở đây là quán Sa Nam chính là chợ Sa Nam tồn tại mãi đến sau này, như vậy ở đây cách gọi là quán hay chợ cũng mang một ý nghĩa là nơi trao đổi, buôn bán của cư dân nông nghiệp Nam Đàn nói riêng.
Từ năm 1802 đến năm 1884, hoạt động buôn bán trao đổi các loại hàng hoá ở Nam Đàn chủ yếu diễn ra ở các chợ làng xã, tổng, huyện. Hàng hoá vẫn chủ yếu là nông sản, lâm sản, thuỷ sản do người nông dân làng xã làm ra. Một số sản phẩm của các nghề làng nghề truyền thống trong phủ Anh Đô, rộng hơn là ở các huyện thuộc trấn/tỉnh Nghệ An cũng có mặt tại chợ Sa Nam, chợ Rồng, chợ Hữu Biệt chợ Chùa... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện Nam Đàn chưa hình thành một tầng lớp thương nhân lớn có khả năng xem kinh doanh là một nghề độc lập với vốn lớn, có cửa hàng, cửa hiệu, đại lý và bạn hàng cùng nghề hoặc liên ngành phục vụ cho thương nghiệp. Tình hình nội thương trong làng xã mang đặc điểm là hoạt động buôn bán, trao đổi chủ yếu của tiểu thương, tiểu chủ, những người buôn bán nhỏ với vốn liếng ít ỏi. Họ có nguồn gốc là nông dân hoặc thợ thủ công, vừa đóng vai người sản xuất nông sản, hàng thủ công, vừa làm công việc lưu thông hàng hóa và đa phần người buôn bán là phụ nữ [7, tr.99 - 100].
Trước những ảnh hưởng bởi chính sách “ức thương”, độc quyền buôn bán của Nhà nước, thuế lệ buôn bán cao được áp đặt từ trung ương đến địa phương đã làm
ngưng trệ sự sản xuất và lưu thông hàng hóa trong thương nghiệp. Trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa giản đơn vào thế kỷ XIX, hoạt động thương nghiệp trong nông thôn, làng xã Việt Nam chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân. Đối với huyện Nam Đàn, do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, trao đổi mà hệ thống chợ làng xã, chợ tổng, huyện được phân bố khá đều khắp trên địa bàn, đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Bức tranh thương nghiệp, buôn bán trao đổi hàng hoá ở Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 chưa có những thay đổi so với các thế kỷ trước, đã phản ánh chân thực nền kinh tế tiểu nông mang tính tự cung, tự cấp lỗi thời mà triều Nguyễn ra sức củng cố và khuyến khích.
Tiểu kết chương 4
Nằm ở hai bên bờ tả - hữu sông Lam, có tuyến đường thuỷ, đường bộ thuận lợi hơn so với một số huyện khác trong tỉnh, song từ năm 1802 đến năm 1884, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp trên địa bàn Nam Đàn vẫn mang nhiều nét tương đồng so với bức tranh chung ở trấn/tỉnh Nghệ An. Các nghề, làng nghề thủ công truyền thống có quy mô nhỏ, số người tham gia vào các phường, hội ít, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hoặc nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân trong vùng. Mặc dầu có một số nghề nổi tiếng như: Khai thác đá ong, dệt vải, nghề mộc, đúc lưỡi cày, kép mía nấu mật làm đường... nhưng các nghề thủ công truyền thống đó vẫn chỉ là những nghề phụ, chưa tách ra khỏi nông nghiệp.
Hệ thống chợ làng xã trên địa bàn huyện hình thành sớm theo quy luật trên bến dưới thuyền như: chợ Sa Nam, chợ Ghềnh, chợ Cần Bụt, chợ Liễu, chợ Rồng... hay nằm ở trung tâm các làng xã trong tổng như: chợ Giếng, chợ Thanh, chợ Chùa, chợ Tro, chợ Vạc, chợ Sáo, chợ Cầu... Hệ thống chợ với các hình thức, lịch họp chợ đa dạng (chợ hôm, chợ mai, chợ chiều, chợ hôm), thuận tiện cho việc mua bán trao đổi các loại hàng hoá của các tầng lớp cư dân làng xã. Tuy chưa hình thành tầng lớp thương nhân buôn bán hàng hoá với số vốn lớn, tách biệt khỏi sản xuất nông nghiệp, song hệ thống chợ làng xã ở Nam Đàn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp và đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi cũng như giao lưu văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế lịch sử đó góp phần làm rõ thêm bức tranh kinh tế ở Nam Đàn nói riêng, trấn/tỉnh Nghệ An suốt thế kỷ XIX.
Chương 5
ĐÁNH GIÁ VÀ NHẬN XÉT
5.1. Trong thời kỳ 1802 - 1884, kinh tế Nam Đàn phát triển trong điều kiện không thuận lợi về tự nhiên và xã hội
Theo sách: Tên làng xã Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX (từ Nghệ Tĩnh trở ra), Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Thanh Chương huyện chí của Nguyễn Điển, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Địa giới hành chính, tên gọi huyện Nam Đường, các tổng, làng, xã, thôn phường, trang, giáp, sở, vạn thuộc huyện Nam Đường - Nam Đàn, Thanh Chương thuộc phủ Anh Đô từ 1802 đến cuối thế kỷ XIX có nhiều thay đổi. Trong đó, đáng chú ý là sự kiện, năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), tách tổng Đặng Sơn gồm 23 xã, thôn, phường thuộc huyện Thanh Chương cùng 4 tổng: Lãng Điền Đô Lương, Thuần Trung, Bạch Hà của huyện Nam Đường thành lập huyện Lương Sơn. Trong giới hạn không gian nghiên cứu, chúng tôi đã xác định rõ, ngoài các tổng còn lại sau khi cắt về huyện Lương Sơn vào năm 1839, không gian nghiên cứu của luận án còn có thêm các làng xã: Chi Cơ, Tàm Tang, Phú Thọ, Khoa Trường, Vũ Nguyên, Vạn Lộc, Vạn Thanh Trai thuộc tổng Bích Triều và toàn bộ làng xã của tổng Nam Kim thuộc huyện Thanh Chương, tương ứng với địa giới hành chính huyện Nam Đàn ngày nay.
Với vị thế địa lý đó, 6 tổng với 65 làng xã ở Nam Đàn phân chia dọc theo đôi bờ tả - hữu sông Lam, được bao bọc bởi hai dãy núi lớn là dãy Thiên Nhẫn ở phía Nam và dãy Đại Huệ ở phía Bắc, chỉ cách trấn thành Nghệ An chừng 20 km (tính từ huyện lỵ Nam Đàn). Do nhà Nguyễn không huy động binh lính, dân đinh làng xã mở rộng các tuyến đường bộ nối liền trấn thành Nghệ An với Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương... hay các tuyến đường bộ nối liền từ huyện đến các tổng, làng xã, nên việc phát triển kinh tế, giao thương buôn bán thông qua các tuyến đường bộ không có gì khác so với thời Tây Sơn, thậm chí là cả thời Hậu Lê. Sông Lam, sông La và các nhánh sông phụ vẫn là những tuyến đường giao thông thuỷ quan trọng gắn kết cư dân các vùng miền trong trấn/tỉnh Nghệ An nói chung và Nam Đàn nói riêng suốt thời kỳ 1802 - 1884.
Dưới triều Nguyễn, tình hình bão lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra, trở thành một trong những vấn đề mang tính cấp thiết. Theo ghi chép trong Đại Nam thực lục
thống kê, tình hình thiên tai trong 82 năm (1802 - 1884) đã có 58 năm xảy ra thiên tai trên khắp cả nước. Nghệ An là một trong những trấn/tỉnh gánh chịu nhiều hậu quả của bão lũ, dịch bệnh, hạn hán… Cụ thể, trong những năm 1807, 1811, 1823, 1825, 1842,
1845, 1853, 1861, 1864, 1867, 1873 [170, tr.108 - 109]… tình hình thiên tai đã gây nên những hậu quả nặng nề đối với đời sống và tình hình sản xuất của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là những địa phương thuộc hạ lưu sông Lam trong đó có huyện Nam Đàn.
Năm 1842, Nghệ An có bão lớn (bão nổi từ canh 2 đêm, đến sáng rõ mới dứt). Nước biển dâng lên quá mức thường 13 - 14 thước. Có 40.753 hộ nhà cửa bị đổ nát, 696 chiếc thuyền buôn và thuyền đánh cá bị chìm đắm, 5.240 người dân bị chết bẹp hoặc chết đuối [161, tr.397].
Tháng 11 năm 1842, Tả đô ngự sử viện Đô sát là Tôn Thất Bạch ở Nghệ An về phục mệnh, vua hỏi: “Tỉnh Nghệ An, sau khi bão lụt, lại tiếp đến nạn hoàng trùng, không biết dân ta hiện nay đã được khởi sắc chưa ? Và, đi qua Hà Tĩnh, thấy việc lương thực của dân như thế nào ?”. Bạch thưa rằng: “Ở Nghệ An duy có 6 huyện Đông Thành, Yên Thành, Nam Đường, Thanh Chương, Hưng Nguyên và Chân Lộc là bị hại nhiều, lúa ruộng ước chừng tổn hại đến hơn 5 phần 10; còn các huyện về thượng du và toàn hạt Hà Tĩnh không bị thiệt hại cho lắm, cũng có thể mong được thu hoạch [161, tr.419].
Năm 1846 bão lớn ở Nghệ An, 22.980 nóc nhà đổ, 782 đình miếu sập, 296 thuyền đắm, 120 người chết [170, tr.151]…
Một phần lớn diện tích ruộng đất ở Nam Đàn được nguồn phù sa từ sông Lam, sông Cương Gang bồi đắp quanh năm, tạo nên những cánh đồng phù sa màu mỡ, nhưng do thời tiết không thuận lợi, bão lũ thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Hậu quả là những cánh đồng dọc hai miền tả ngạn và hữu ngạn sông Lam thuộc địa bàn huyện Nam Đàn trong thời kỳ 1802 - 1884 luôn bị đặt trong tình trạng bất ổn trước họa thiên tai, toàn bộ sản phẩm như lúa, hoa màu có thể bị mưa lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào. Ngay cả những xứ đồng ở cạnh Hồ Nón thuộc tổng Non Liễu, hay vùng Đông Liệt, Ngọc Trừng (Nam Thái), Bàu Láng (Chi Cơ, Phú Thọ, Tầm Tang, Khoa Trường), hay vùng Vạn Duyên La, Tuần Lã (Xuân Lâm), Hữu Biệt (Nam Giang), do có đặc điểm địa hình thấp trũng nên nguy cơ ngập úng về mùa mưa lũ luôn là mối đe doạ thường trực đến mùa vụ nông nghiệp của cư dân làng xã.