Tiểu kết chương 5
Bối cảnh lịch sử, điều kiện tự nhiên - xã hội và những chính sách, biện pháp mà các vị vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức ban hành, thực thi đã không thể mang lại những lợi thế cho việc phát triển nền kinh tế tiểu nông mang tính tự cung, tự cấp lỗi thời và lạc hậu ở cả trấn/tỉnh Nghệ An và Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884. Trong điều kiện đó, kinh tế nông nghiệp vẫn tuân theo những phương thức sản xuất mang tính cổ truyền với hệ thống các kinh nghiệm dân gian tích lũy từ nhiều thế kỷ trước, đồng thời là nền tảng kinh tế trọng yếu ở Nam Đàn. Các ngành kinh tế thủ công nghiệp, thương nghiệp có quy mô, hoạt động nhỏ lẻ, manh mún và được coi là những hoạt động phụ , bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp.
Thực trạng kinh tế Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 gần như là bức tranh thu nhỏ của kinh tế Nghệ An, tác động đa chiều đến toàn bộ đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Trong phạm vi của một nền kinh tế mang tính tiểu nông, không có nhiều thay đổi trong 82 năm dưới triều Nguyễn, trật tự xã hội ở làng xã theo cách phân tầng “tứ dân” định sẵn cũng không có gì đổi khác so với các thế kỷ trước. Các mối quan hệ xã hội ngoài quan niệm Nho giáo “Tam cương, ngũ thường” còn có các quan hệ “trong họ, ngoài làng” là sợ dây níu kéo mọi thành viên gắn chặt với cấu kiện bền vững vừa mang tính cộng đồng, vừa mang tính tự trị của làng xã từ đời này qua đời khác. Đúng như đại thần Trương Quốc Dụng đã khẳng định “Sức dân đã cùng, lực dân đã kiệt”, sự tồn tại dai dẳng của nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp lỗi thời và lạc hậu đẩy toàn bộ nông dân trong làng xã ở Nam Đàn, Nghệ An nói riêng và cả đất nước nói chung vào tình thế tụt hậu, nghèo đói liên miên. Các phong trào nông dân khởi nghĩa thường xuyên nổi dậy chống lại triều đình là điều được báo trước. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến vương triều Tự Đức không có đủ thế và lực để chống ngoại xâm ở nửa sau thế kỷ XIX.
KẾT LUẬN
1. Huyện Nam Đàn thuộc vùng hạ lưu sông Lam - từ những dấu vết tụ cư đầu tiên thuở sơ khai, trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã trở thành vùng đất có vị trí quan trọng của Nghệ An, đất “phên dậu” của nước nhà. Cho đến trước thế kỷ XIX, những biến động của lịch sử dân tộc đã làm thay đổi diện mạo của huyện Nam Đàn, bao gồm những thay đổi về diên cách địa lý, tình hình chính trị, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần và đặc biệt là những thay đổi về kinh tế. Trong thế kỷ XIX, những thuận lợi, khó khăn về điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư, truyền thống văn hóa bản địa, chính sách của nhà nước phong kiến, đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của vùng đất này.
Sau khi vương triều Nguyễn được xác lập, vua Gia Long và các vị vua tiếp nối đã không ngừng củng cố chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền xưa cũ, bằng việc hoàn thiện bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Trong thời kỳ 1802 - 1884, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trấn/tỉnh Nghệ An từ Tổng đốc An Tĩnh đến Tri phủ Anh Đô, Tri huyện Nam Đường (Nam Đàn), Chánh tổng, Lý trưởng và chức dịch ở 65 làng xã, trang phường, vạn giáp, sở nậu trong phạm vi giới hạn đề tài nghiên cứu, đều giống (về số lượng, chức năng, nhiệm vụ, cách thức tuyển chọn, quyền hạn, lương bổng...) với các trấn, tỉnh, phủ, huyện ở các địa phương khác trên khắp cả nước. Tầng lớp quan lại từ trấn/tỉnh đến phủ huyện, chức dịch trong làng xã thay mặt triều đình Huế duy trì trật tự chính trị - xã hội theo thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Bên cạnh đó, triều Nguyễn đã thực thi các chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội nhằm ổn định và phát triển đất nước. Đối với kinh tế, Nhà nước chủ trương thực hiện chính sách trọng nông ức thương, bế quan tỏa cảng, được thể hiện rõ nét qua lễ cày ruộng tịch điền của nhà vua, hay các khoản thu tô thuế bằng thóc, lấy thóc làm chuẩn giá trị các hóa vật, khiến nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp với nông nghiệp đóng vai trò chính yếu tiếp tục được duy trì ở các địa phương trên khắp cả nước.
Dưới triều Nguyễn, việc xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, cùng chính sách trọng nông, ức thương trong kinh tế, là nhằm tạo xã hội ổn định trong trật tự phong kiến, mà hai tầng lớp sĩ - nông luôn đứng đầu trong nấc thang đánh giá bởi xã hội đương thời. Dưới tác động của những yếu tố trên, điểm xuyên suốt trong bức tranh kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 19802 - 1884 là một nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp, lỗi thời và lạc hậu được duy trì bền vững, thu hút đại bộ phận cư dân trên địa bàn 6 tổng 65 làng xã tham gia.
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Hình Sở Hữu Ruộng Đất Huyện Nam Đàn Thời Kỳ 1802 - 1884, Phản Ánh Thực Trạng Sở Hữu Ruộng Đất Ở Trấn/tỉnh Nghệ An Nói Riêng Và Cả Nước
- Nông Nghiệp Nam Đàn Phản Ánh Rõ Nét Bức Tranh Kinh Tế Tiểu Nông Tự Cung Tự Cấp Lỗi Thời Và Lạc Hậu
- Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 19
- Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 21
- Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 22
- Bản Đồ Tỉnh Nghệ An Hiện Nay
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
2. Trong thế kỷ XIX, trên cơ sở cương vực nước ta ổn định, thống nhất về mặt hành chính suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, công cuộc đạc điền và lập địa bạ được bắt đầu từ năm 1805 dưới thời vua Gia Long đến năm 1836 dưới thời Minh Mệnh (1836) cơ bản hoàn thành ở các địa phương trong cả nước. Việc lập địa bạ, định mức thuế nhằm xác định quyền sở hữu của nhà vua đối với các loại ruộng đất (ruộng đất công và ruộng đất tư) trên cả nước. Đối với tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng, Nhà nước không đánh thuế đất khai hoang, đất vườn ở, ruộng chùa, ruộng họ, ruộng học điền…, các chế độ binh dịch, lao dịch cũng có những thay đổi giảm nhẹ (do ảnh hưởng của thiên tai, nạn đói…) so với các thời kỳ trước. Tuy nhiên, ở Nam Đàn, do đất xấu, dân nghèo, thiên tai lũ lụt, nạn đói xảy ra liên miên, với mức thuế lệ áp dụng theo khu vực giống với các địa phương khác ở Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ nơi có nhiều thuận lợi hơn trong thời kỳ 1802 - 1884, đã ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống chính trị - xã hội của mọi tầng lớp nhân dân ở 65 làng xã trên địa bàn huyện Nam Đàn nói riêng và 5 phủ, 16 huyện, 17 tổng, 1.225 xã, thôn trang, phường, vạn giáp, sở, nậu… trong toàn trấn/tỉnh Nghệ An nói chung.
3. Trong bối cảnh lịch sử dân tộc ở thế kỷ XIX, tình hình sở hữu ruộng đất ở huyện Nam Đàn mang những đặc điểm chung của tình hình ruộng đất nước ta thời Nguyễn. Xu thế tư hữu về ruộng đất ngày càng phát triển và chiếm ưu thế trong kết cấu sở hữu ruộng đất, ruộng đất công tuy tồn tại khá phổ biến nhưng số lượng không đáng kể. Đây là hệ quả của các hoạt động bao chiếm, mua bán, trao đổi về ruộng đất diễn ra phổ biến trong công xã nông thôn, khiến cho người nông dân Nam Đàn trong thế kỷ XIX hầu như không đủ ruộng đất để canh tác nông nghiệp. Mặc dù sở hữu công bị thu hẹp, sở hữu tư nhân trên đà phát triển và chiếm ưu thế, nhưng mức độ tập trung ruộng đất tư ở Nam Đàn diễn ra chậm chạp, phân bố ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún. Không có nhiều chủ ruộng có thể bao chiếm, thâu tóm một diện tích lớn về ruộng đất để trở thành những đại địa chủ có sở hữu ruộng đất tư từ 50 mẫu trở lên như nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, lợi dụng việc hạn hán, lũ lụt, ngập úng, mất mùa, đói kém thường xuyên xẩy ra, cùng chính sách không đánh thuế đất khai hoang, phục hoá, bộ máy chức dịch ở các xã thôn Nam Đàn tìm cách ẩn lậu, bao chiếm đất công làm ruộng đất tư.
4. Huyện Nam Đàn có điều kiện tự nhiên khá đa dạng mang đặc thù của vùng hạ lưu sông Lam, khí hậu mang tính chuyển tiếp cùng địa hình đất đai nửa đồng bằng, nửa đồi núi tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân nơi đây duy trì và phát huy đa dạng các ngành nghề trong kinh tế nông nghiệp.
Trong nông nghiệp, bên cạnh hoạt động sản xuất thâm canh cây lúa, cư dân nông nghiệp Nam Đàn còn canh tác thêm các loại hoa màu như đậu, đỗ, lạc, ngô, khoai... trồng các loại cây thủ công nghiệp như bông vải, dâu tằm, mía. Các nghề khác như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; đánh bắt nuôi trồng thủy sản trên sông Lam, trong các ao hồ, đầm; làm vườn, làm rày (rẫy) ở nơi thung lũng, gò đồi bán sơn địa, miền tiếp giáp sông suối, khe cừ, núi rừng cũng được xem là những nghề có vị trí quan trọng trong đời sống sản xuất của cơ dân. Sự đa dạng về các nghề trong kinh tế nông nghiệp là đặc điểm tiêu biểu của vùng đất này, góp phần ổn định đời sống, tăng thêm nguồn thu nhập cho đại bộ phận cư dân nông nghiệp trong địa bàn huyện Nam Đàn.
Ở hai bên vùng tả ngạn và hữu ngạn vùng hạ lưu sông Lam, kinh tế nông nghiệp được hình thành rất sớm, cư dân Nam Đàn cho đến thế kỷ XIX đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu, thành thạo các kỹ thuật canh tác trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cách thức sản xuất trong nông nghiệp vẫn chưa bứt khỏi tình trạng của một nền nông nghiệp mang tính tiểu nông: manh mún, nhỏ lẻ về quy mô; lạc hậu, thô sơ về kỹ thuật; do vậy, sản lượng nông nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của mọi tầng lớp cư dân trong địa bàn. Trong thế kỷ XIX, dưới tác động bởi chính sách không đắp đê của nhà Nguyễn cùng những biến động bất thường của thiên tai khiến cho huyện Nam Đàn thường xuyên phải đương đầu với nạn ngập lụt, vỡ đê bởi bão lũ. Ngoài ra, chính sách quân điền của nhà nước quân chủ không có nhiều tác động tích cực đến tình hình quản lý đất đai ở Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng, khiến ở một số địa phương trong địa bàn huyện diện tích đất đai hoang hóa, ngập úng, đất phù sa, đất bãi khá nhiều, nhưng tình hình khai hoang, phục hóa không thay đổi là bao so với các thời kỳ trước.
5. Từ năm 1802 đến năm 1884, xuất phát từ điều kiện tự nhiên của địa phương, cùng sự khéo léo của con người mà thủ công nghiệp với các nghề thủ công truyền thống ở Nam Đàn tiếp tục duy trì. Các nghề thủ công mang tính chất hộ gia đình được phân bố khá rộng trong làng xã với nhiều nghề, với một số làng nghề nổi tiếng trong vùng nói riêng, của cả xứ Nghệ nói chung như: nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải, nghề khai thác đá ong, nghề làm gạch ngói, nghề mộc, nghề trồng mía để nấu mật, làm đường phổi, đường phèn (dân địa phương gọi là nghề kẹo che), nghề làm lưỡi cày, nghề gốm... Các nghề thủ công dù ở quy mô nhỏ nhưng đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống, sinh hoạt và thu nhập cho đại bộ phận cư dân trong làng xã. Hoạt động sản xuất của các nghề, làng nghề thủ công truyền thống
mặc dù hội đủ các yếu tố để phát triển như: nguồn nguyên liệu, nhân lực trong làng xã, nơi tiêu thụ… nhưng đúng như nhận xét của Bùi Dương Lịch “nghề thủ công cũng rất thô sơ vụng về”, chưa chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương. Các nghề, làng nghề thủ công ở Nam Đàn thời Nguyễn mang tính chất “mỗi gia đình thợ thủ công là một đơn vị sản xuất, nhà ở của gia đình người thợ vừa là xưởng chế tạo, vừa là cửa hàng. Trong đó, người làm việc là bà con đặt dưới quyền của người gia trưởng”. Các hộ gia đình làm nghề, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thu nhập chính từ trồng lúa, đại bộ phận chỉ xem nghề thủ công vẫn chỉ là nghề phụ, hỗ trợ thêm về kinh tế hộ gia đình trong lúc nông nghiệp nông nhàn hoặc trúng cảnh mất mùa.
Nguyên nhân khiến cho thủ công nghiệp với hệ thống các nghề, làng nghề thủ công truyền thống ở Nam Đàn không vươn lên để tách ra khỏi nền kinh tế nông nghiệp chính là sự tồn tại của nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp và tư tưởng luôn đề cao sự học trong ý thức hệ phong kiến trong trật tự xã hội Nam Đàn lúc bấy giờ. Mặt khác, từ năm 1802 đến năm 1884, nhà Nguyễn thông qua các làng, xã, các tổ chức tượng cục để gián tiếp quản lý và thu thuế thợ thủ công ở địa phương. Việc nhà nước áp dụng chính sách trưng tập thợ giỏi, thợ có tay nghề của các làng nghề trong làng xã về làm trong các xưởng theo chế độ trưng mua sản phẩm, vật liệu của thợ thủ công; chính sách thuế biệt nạp (thuế theo sản phẩm) đánh vào thợ thủ công ở địa phương nhìn chung là nặng nề, trưng thu tùy tiện; các thợ thủ công còn phải chịu gánh nặng lệ tiến cống và việc thu mua của nhà nước với giá cả thu mua bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với thị trường, đã làm suy giảm động lực sản xuất, gây nên những tác động tiêu cực đến sự phát triển của thủ công nghiệp ở Nam Đàn nói riêng, các địa phương trên địa bàn cả nước nói chung trong thế kỷ XIX.
6. Trong thời kỷ 1802 - 1884, mặc dù kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp địa phương không có nhiều thay đổi so với các thời kỳ trước đó, tuy nhiên sự chuyển biến trong nội tại các ngành đã tạo ra các sản phẩm và trở thành hàng hóa được trao đổi, buôn bán trên thị trường, thúc đẩy sự phát triển của thương nghiệp. Ở Nam Đàn, hoạt động thương nghiệp dân gian với hệ thống chợ được phân bố trong hầu khắp từ làng xã đến vùng huyện lỵ cho thấy vị trí quan trọng của thương nghiệp nội vùng đối với đời sống nhân dân trong huyện. Hệ thống chợ phát triển, đặc biệt là chợ ở các làng nghề thủ công trong làng, xã đã thúc đẩy phát triển của các nghề trong cơ cấu ngành thủ công nghiệp và nông nghiệp. Đồng thời, sự đa dạng của sản phẩm từ kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp mà hệ thống chợ, cùng hoạt động buôn bán trao đổi ở Nam Đàn tồn tại bền vững qua nhiều thế kỷ.
Trong thời kỳ này, hoạt động thương nghiệp ở huyện Nam Đàn tuy có điều kiện phát triển nhưng chưa thấy xuất hiện tầng lớp thương nhân bản địa chuyên sống bằng nghề buôn bán, kinh doanh với nguồn vốn và hàng hóa có quy mô lớn, có vai trò chi phối các hoạt động giao thương nội vùng hay với các tỉnh lân cận. Bên cạnh nông dân làng xã, thợ thủ công đưa nông sản phẩm, hàng hoá ra bán ở các chợ, hoạt động mua bán trao đổi các loại hàng hoá chủ yếu do các hộ buôn bán nhỏ lẻ, mang tính giao thương nội vùng, điều này góp phần lý giải cho sự trì trệ của nền thương nghiệp dân gian ở Nam Đàn, Nghệ An suốt thế kỷ XIX.
7. Sự tồn tại dai dẳng của nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp lỗi thời và lạc hậu đã tác động đa chiều đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của mọi tầng lớp, giai cấp trên địa bàn huyện Nam Đàn suốt thời kỳ 1802 - 1884. Một mặt, ràng buộc đại bộ phận cư dân làng xã với luỹ tre làng, cánh đồng làng, con đường làng... với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức truyền thống mà cha ông để lại từ nhiều thế kỷ trước. Mặt khác, buộc các hộ gia đình làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ cũng không tách rời khỏi nông nghiệp và làng xã. Bên cạnh đó, địa vị xã hội phân tầng theo “tứ dân” và chính sách đề cao sự học của triều đình nhà Nguyễn cũng như hầu khắp các làng xã đã dẫn tới một thực tế là ở 65 làng xã của Nam Đàn hình thành nên tầng lớp trí thức nho học, các dòng họ khoa bảng: Nguyễn Trọng (Trung Cần), Nguyễn Đức (Hoành Sơn), Vương Đình (Diên Lãm), Bùi Danh, Bùi Hữu (Thanh Thuỷ), Nguyễn Cảnh, Trần Văn, Nguyễn Thúc (Xuân Hồ)... Phong tục, tập quán cùng đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884, cũng không có nhiều thay đổi so với các thế kỷ trước. Trong đó, Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo và cả Thiên chúa giáo song song tồn tại trong đời sống văn hoá tinh thần của các giai tầng trong xã hội.
Ngoài quan hệ quân thần, cư dân làng xã Nam Đàn còn chịu sự chi phối của quan hệ “thầy - trò”, cha con, chồng vợ, gia tộc dòng họ, trong họ ngoài làng, với quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Thực trạng: “phép vua thua lệ làng” từ thời hậu Lê đến thời Tây Sơn tiếp tục tồn tại ở Nam Đàn trong thời kỳ 1802 - 1884. Các chính sách, biện pháp mà triều Nguyễn thực thi cả về kinh tế, chính trị văn hoá, xã hội không mang lại cuộc sống no đủ, thanh bình cho đại bộ phận cư dân làng xã, thậm chí còn làm cho mâu thuẫn giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội với triều đình nhà Nguyễn ngày càng trở nên gay gắt. Sự bùng nổ của các cuộc khởi nghĩa nông dân trên địa bàn Nam Đàn và trấn/tỉnh Nghệ An từ thời vua Gia Long đến vua Tự Đức đã minh chứng cho điều đó.
NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Trần Quốc Bảo, Làng nghề, nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện Nam Đàn (Nghệ An) trong thế kỷ XIX, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 5, Số 2b, 2019, tr.273 - 281.
2. Trần Quốc Bảo, Tình hình ruộng đất ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) nửa đầu thế kỷ XIX qua nguồn tư liệu địa bạ, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 7 (232), 2019, tr.85 - 95.
3. Trần Quốc Bảo, Vài nét về kinh tế nông nghiệp huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nửa đầu thế kỷ XIX, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, tập 48, số 3B, 2019, tr.13 - 22.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
1. Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb VHTT, Hà Nội.
2. Nguyễn Thế Anh (1971), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn.
3. Toan Ánh (1992), Nếp cũ làng xóm Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Quang Ân (2003), Việt Nam những thay đổi về địa danh và địa giới hành chính, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
5. Lê Văn Ất (2019), Khảo cứu Hoàng Lê ảnh hưng bản đồ từ góc nhìn văn bản và diên cách địa danh, luận văn Thạc sĩ tại Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đàn (1990), Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đàn (1930 - 1945), tập 1, Nxb Nghệ Tĩnh.
7. Ban NCLS tỉnh Nghệ Tĩnh (1984), Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập 1, Nxb Nghệ Tĩnh.
8. Đỗ Bang (1997), Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.
9. Đỗ Bang (2005), Những khám phá về hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa, Huế.
10. Nguyễn Nhã Bản (Cb, 1999), Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Nxb VHTT Hà Nội.
11. Phan Gia Bền (1957), Sơ thảo Lịch sử phát triển Thủ công nghiệp Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội.
12. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp, Đồng Tháp.
13. Brévié J. (1937), Diễn văn của Toàn quyền Đông Dương nhân dịp khánh thành dẫn thủy nhập điền ở miền Bắc Nghệ An, Tư liệu địa chí Nghệ An.
14. C. Mác và Ph. Ăngghen (1984), Tuyển tập, tập VI, Nxb Sự thật, Hà Nội.
15. Castagnol G.M. (1930), Chuyên luận về nông nghiệp tỉnh Nghệ An, Tập san kinh tế Đông Dương, bộ B, tr 824 - 854, Tư liệu địa chí Nghệ An.
16. Charles Robequain (1929), Le Thanh Hoa (bản dịch), Thư viện Thanh Hoá.
17. Nguyễn Đổng Chi (Cb, 1995) Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An.
18. Nguyễn Đổng Chi (1960), Ý nghĩa chính sách quân điền trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12-13.