Kinh tế du lịch Phần 2 - 3


định đầu tư riêng lẻ, nhưng chiến lược về vị trí bán lẻ lại được sử dụng trong các phân tích đầu tư du lịch.

Vì phương pháp đánh giá đầu tư du lịch có thể bao gồm rất nhiều biến số, nên đôi khi các phân tích khả thi có thể chuyển thành các mô hình đầu tư với phạm vi đầy đủ. Các mô hình này dựa trên cơ sở các cách tiếp cận chương trình, đặc biệt ở những dự án có sự tham gia của chính phủ nên cần cân nhắc các khoản thu về xã hội cũng như thương mại, và ở một số dự án việc tính toán giá mờ (shadow price) của hoạt động đầu tư có thể là quan trọng. Ví dụ, dự án phát triển một khu nghỉ dưỡng kết hợp có thể bao gồm đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng (đầu tư này có thể có chi phí cơ hội), đầu tư của tư nhân vào cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh và sự quan tâm của chính phủ trong việc tối đa hoá các khoản thu về xã hội. Các mô hình kiểu lập chương trình phức hợp được áp dụng để thực hiện yêu cầu của tất cả các lĩnh vực này. Tuy nhiên, sự khó khăn sẽ nảy sinh nếu chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có các mục tiêu khác nhau từ đầu tư du lịch.

Mô hình hoá kinh tế chung có thể được sử dụng nhiều hơn để đánh giá khả năng tồn tại của dự án phát triển du lịch phạm vi lớn như vùng hoặc quốc gia. Đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước kém phát triển có nguồn tài nguyên khan hiếm thì mối quan tâm chính là nên đầu tư du lịch hay đầu tư vào các ngành khác. Khi đó, biến số cần xác định không phải là khả năng tồn tại của một dự án đầu tư đơn lẻ và cũng không phải là tổng đầu tư trong nền kinh tế, mà là tỷ trọng đầu tư du lịch phù hợp trong nền kinh tế. Tỷ trọng đó là IT/I, trong đó: IT là đầu tư du lịch và I là tổng đầu tư trong nền kinh tế. Căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư trên cơ sở hiệu quả cận biên của vốn, các nguyên tắc gia tốc hoặc các mô hình lập chương trình để có thể xác định giá trị tối ưu của IT/I. Đối với các quốc gia có nền kinh tế nhỏ và kém phát triển thì vấn đề chính là cả nguồn vốn lẫn thị trường tiêu thụ có thể ở bên ngoài nền kinh tế, vì vậy có thể không xác định các giá trị tài chính cũng như khả năng tồn tại hoặc sự kỳ vọng của đầu tư đối với nền kinh tế đó.


5.4.2. Nguồn vốn đầu tư

Cần lưu ý một đặc điểm quan trọng của ngành du lịch trên thế giới là sự phân tán của ngành. Điều đó có nghĩa là có sự dư thừa các doanh nghiệp nhỏ, từ những người bán rong hàng lưu niệm và kinh doanh taxi riêng lẻ đến các cửa hàng, đại lý du lịch và các tổ chức trung gian nhỏ. Mặt khác, ngày càng có sự tách biệt giữa sở hữu vốn cố định với hoạt động kinh doanh như ở các khu nghỉ dưỡng, sân bay và các điểm hấp dẫn chủ yếu. Do đó, có sự đa dạng về nguồn vốn đối với các đầu tư nhỏ và sự phát triển tạo nguồn tài chính đặc biệt cho doanh nghiệp sở hữu các tài sản cố định. Các nguồn tài chính đặc biệt để đầu tư vào tài sản bao gồm nguồn vốn từ các công ty bảo hiểm, từ các loại quỹ. Các tập đoàn sản xuất lớn thường sử dụng thu nhập giữ lại để đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án kinh doanh du lịch. Nguồn tài chính từ các doanh nghiệp này kết hợp với vốn vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế làm cho đầu tư du lịch có tính quốc tế hoá ngày càng cao.

Trong những năm trước đây, các doanh nghiệp du lịch đã có sự thay đổi để làm giảm tỷ lệ vốn vay/vốn sở hữu trong một doanh nghiệp. Mức độ vay nợ nhiều, cùng với tỷ lệ lãi suất cao đã làm cho các công ty gặp thêm nhiều khó khăn và có thể bị thất bại. Những tác động này làm giảm tính tự chủ kinh doanh và buộc các doanh nghiệp phải phụ thuộc nhiều hơn vào vốn sở hữu (vốn cổ phần) của chính mình, do đó làm giảm mức độ đầu tư nói chung.

Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước (sở hữu công cộng) trong du lịch thường là các khoản tài trợ trực tiếp của chính phủ với tỷ lệ lãi suất ưu đãi mà không phải là tỷ lệ lãi suất kinh doanh trên thị trường vốn. Nguồn vốn này quyết định khả năng tồn tại của các dự án đầu tư. Ngoài ra, chính phủ có thể phát hành trái phiếu để tạo lập nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp của mình. Chi phí vốn từ những nguồn này có thể thấp hơn tỷ lệ lãi suất của thị trường vốn bởi vì những khoản vốn vay từ chính phủ thường có mức độ rủi ro thấp. Ví dụ, ở một số quốc gia vừa có hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước vừa có hãng


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

hàng không tư nhân, hãng hàng không nhà nước có thể có chi phí vốn thấp hơn khi đầu tư tài chính vào mua máy bay mới.

Như đã đề cập, chính phủ các quốc gia trực tiếp tài trợ, cho vay và trợ cấp khác để đầu tư phát triển các lĩnh vực riêng biệt của du lịch. Những sự trợ giúp này về mặt lý thuyết vừa làm giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí vốn và vừa giảm rủi ro. Trong thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm rủi ro là vấn đề quan trọng nhất trong các biện pháp khuyến khích của chính phủ. Các khuyến khích này có thể không thu hút được nguồn vốn quốc tế cho các dự án đầu tư vì không có sự cạnh tranh trong các khoản thu hồi, nhưng lại có thể hấp dẫn doanh nghiệp nội địa đảm nhận dự án đầu tư, nhất là khi các yếu tố đòn bẩy của chính phủ đủ mạnh.

Kinh tế du lịch Phần 2 - 3


CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN

1. Trình bày khái niệm đầu tư, các nhu cầu đầu tư nói chung và nhu cầu đầu tư du lịch nói riêng?

2. Trình bày các yếu tố cơ bản của đầu tư. Liên hệ với các dự án đầu tư du lịch ?

3. Tại sao đầu tư du lịch thường không liên hệ trực tiếp tới các khoản thu hồi dự kiến mang tính chất thương mại? Lấy các ví dụ để minh hoạ?

4. Đầu tư theo “định hướng tài sản” là gì? Tại sao khả năng tồn tại của nó hoàn toàn không ràng buộc với sự tăng trưởng về cầu du lịch?

5. Phân tích các đặc điểm của đầu tư du lịch. Ý nghĩa của việc nhận thức các đặc điểm này trong thực tế đầu tư du lịch ở Việt Nam?

6. Trình bày sự hiểu biết của bạn về đầu tư vào các "sự kiện" du lịch. Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam?

7. Phân tích các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến đầu tư du lịch. Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay?


8. Trình bày các nguồn vốn chủ yếu sử dụng trong đầu tư du lịch. Liên hệ vấn đề này với tình hình thực tế ở Việt Nam?


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 5

TIẾNG VIỆT

1. Nguyễn Bạch Nguyệt và Từ Quang Phương (chủ biên) (2007), Giáo trình Kinh tế đầu tư, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

2. Nguyễn Xuân Thuỷ (1993), Quản trị dự án đầu tư, Viện Đào tạo Mở rộng, TP. Hồ Chí Minh.


TIẾNG ANH

3. Bull (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman, Melbourne.


Chương 6

LAO ĐỘNG VÀ VỐN KINH DOANH DU LỊCH


Mục tiêu của chương:

Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:

• Nắm được các khái niệm về lao động dịch vụ, vốn kinh doanh dịch vụ du lịch;

• Hiểu rõ được đặc điểm của lao động dịch vụ, cung và cầu lao động, năng suất lao động và tiền lương trả cho người lao động trong doanh nghiệp du lịch;

• Hiểu rõ được đặc điểm và tầm quan trọng của vốn kinh doanh du lịch, nhu cầu và cơ cấu nguồn vốn kinh doanh du lịch;

• Nắm được nội dung đánh giá tình hình vốn kinh doanh trong doanh nghiệp du lịch.


6.1. LAO ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH

Lao động luôn là mối quan tâm đặc biệt trong các ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Kinh tế tri thức đang được hình thành ở nhiều nước trên thế giới, những nước có sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Trong kinh tế tri thức, các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP của mỗi quốc gia, lực lượng lao động cũng phát triển theo xu hướng số công nhân cổ trắng (white collar worker - cán bộ nghiên cứu và ứng dụng thông tin) và công nhân cổ vàng (gold collar worker - cán bộ chuyên môn có trình độ đại học) tăng lên không ngừng và đóng vai trò lực lượng lao động chủ yếu; số công nhân cổ xanh (blu collar worker - công nhân sản xuất và vận chuyển sản phẩm) giảm xuống. Các nhà kinh tế Việt Nam đã nhận thấy rõ xu hướng tất yếu này, đã và đang đưa ra


những giải pháp nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng ngày càng phát triển.

Lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao và ngày càng tăng trong tổng nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Để tạo sản phẩm đầu ra của mình, các ngành dịch vụ phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động đầu vào, do vậy, tỷ lệ chi phí lao động của những ngành này thường rất lớn trong sản lượng đầu ra.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, các ngành dịch vụ, gồm cả du lịch, khách sạn hay nhà hàng sẽ là tiềm năng lớn để tạo công ăn việc làm cho xã hội. Tổng lực lượng lao động là thước đo để chỉ số lượng người sẵn sàng lao động, những người làm việc nếu như có công việc phù hợp với họ. Như vậy, quy mô của lực lượng lao động không chỉ chịu ảnh hưởng duy nhất bởi số công ăn việc làm sẵn có mà còn tuỳ thuộc vào số người gia nhập vào danh sách thất nghiệp. Một số người thất nghiệp nhưng không gia nhập vào danh sách là nguyên nhân làm giảm quy mô lao động trên danh nghĩa. Có thể thấy, trong một số thời kỳ tổng lực lượng lao động giảm, cho dù số lao động tự phát có tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.

Một số nghiên cứu cho rằng, các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao như giáo dục, y tế, quân sự, hành chính nhà nước có nhiều cơ hội nhất để tạo công ăn việc làm trong quá trình tăng sản lượng đầu ra của mình và vị trí tiếp theo là ngành khách sạn, du lịch. Lĩnh vực dịch vụ nói chung và ngành khách sạn, du lịch đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm cho nền kinh tế quốc dân.

6.1.1. Đặc điểm lao động

Lao động trong kinh doanh du lịch được hình thành một cách tất yếu khách quan do sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội. Cùng với quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá của nền kinh tế, năng suất lao động tăng lên, lực lượng lao động dư thừa là điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ. Mặt khác, do chuyên môn hoá cao, thu nhập của người lao động ngày càng tăng, thúc đẩy các nhu cầu dịch vụ,


trong đó có nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi giải trí phát triển. Lao động trong kinh doanh du lịch là một bộ phận lao động xã hội cần thiết thực hiện sản xuất và cung ứng các sản phẩm du lịch và các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Lao động trong lĩnh vực dịch vụ nói chung và trong kinh doanh du lịch nói riêng phát triển rất mạnh mẽ từ những năm 50 của thế kỷ XX.

Đặc điểm lao động kinh doanh du lịch

Lao động trong kinh doanh du lịch mang tính chất lao động dịch vụ. Lực lượng lao động này bao gồm chủ doanh nghiệp, các nhà quản trị, đội ngũ nhân viên phục vụ và công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Ngoài ý nghĩa là một trong những yếu tố tạo sản phẩm, đội ngũ lao động trong các nhà hàng, khách sạn... còn tác động mạnh đến tâm lý khách hàng và quyết định đến chất lượng dịch vụ. Loại lao động dịch vụ này hầu như không tạo ra của cải vật chất (trừ những sản phẩm ăn uống). Quá trình cung ứng gắn liền với quá trình tiêu dùng sản phẩm cả về không gian và thời gian, vì vậy, nhân viên phục vụ thường có mối quan hệ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Trong kinh doanh cả hai mảng: Dịch vụ mang tính chất sản xuất (ăn, uống) và dịch vụ thuần tuý (lưu trú, giải trí,... ) đều có sự tiêu hao lao động sống, những hao phí này sẽ được bù đắp bởi nhiều nguồn khác nhau.

Ngành du lịch là một ngành dịch vụ, việc sử dụng lao động trong ngành là chủ yếu. Điều này cho thấy việc hiện đại hoá, cơ giới hoá trong ngành rất hạn chế. Chi phí tiền lương là bộ phận chi phí quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, nhằm mục đích tối đa hoá lợi nhuận, ngành cũng như các doanh nghiệp lại áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí. Khi đứng trên quan điểm lợi ích của khách hàng, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phải cân đối lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng.

Lao động trong kinh doanh du lịch mang tính chất thời điểm, thời vụ, phụ thuộc vào đặc điểm tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ăn uống, lưu trú, giải trí có tính chất thời điểm, thời vụ, vì vậy giờ làm việc


của người lao động thường bị gián đoạn và tương ứng với thời gian đến và đi của khách hàng. Các nhân viên phục vụ bàn, đầu bếp,... phải làm việc tích cực vào buổi sáng, trưa, chiều tối tương ứng với các bữa ăn của khách. Nhân viên lễ tân đòi hỏi trực 24/24 giờ với thái độ sẵn sàng phục vụ khách. Nhân viên phục vụ phòng làm việc vào buổi sáng và tối với công việc vệ sinh phòng và chuẩn bị giường cho khách,... Người lao động hầu hết làm việc theo ca (trừ bộ phận quản lý), việc tổ chức lao động hết sức linh hoạt và mềm dẻo. Ở những khách sạn nghỉ biển, nghỉ núi và những khách sạn mà hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, khí hậu,... thì tính thời vụ của lao động càng rõ nét. Đặc điểm này làm cho họ không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội vào mùa du lịch và làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ. Vì vậy, trong các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn hay lữ hành, nhà quản trị thường sử dụng hợp đồng lao động duy trì sử dụng lực lượng lao động full-time và part-time nhằm tận dụng lực lượng lao động nhàn rỗi đồng thời tiết kiệm được chi phí lao động, điều đó có thể làm giảm chất lượng phục vụ và không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch.

Lao động trong kinh doanh du lịch có tính đa dạng và chuyên môn hoá cao. Tính chất đa dạng với nhiều dịch vụ đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn khác nhau. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ của mình, họ phải có kiến thức văn hoá tổng hợp, biết ngoại ngữ, am hiểu tâm lý khách hàng,... Mặc dù các bộ phận kinh doanh trong các nhà hàng, khách sạn có quan hệ chặt chẽ cùng phục vụ khách hàng, nhưng do tính chất đặc thù nên các nghiệp vụ vẫn có sự độc lập tương đối tạo tính chuyên môn cao của người lao động, như hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar, bếp,... Tính chuyên môn hoá cao một mặt có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp, nhưng mặt khác lại tạo nên sự cứng nhắc trong phân công lao động, người lao động khó dịch chuyển và thay thế giữa các bộ phận.

Ngoài những đặc điểm trên, lao động trong kinh doanh du lịch còn có đặc điểm: Lao động có tính chất phức tạp; lao động nữ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động;...

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/07/2024