việc cung ứng nhằm giành được lợi thế thương mại trong vận chuyển hành khách tới các điểm đến. Hãng hàng không đầu tiên quan tâm đến lĩnh vực khách sạn là hãng Pan Am của Mỹ, hãng này thành lập các khách sạn Liên lục địa (Inter-Continental Hotels) như các công ty con vào năm 1946. Sau đó, các hãng TWA, United (Mỹ) và của một số nước châu Âu học tập Pan Am bằng việc sở hữu vốn khách sạn hoặc hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư quốc tế với các khách sạn ở điểm đến. Vì lợi thế thương mại có sự khác nhau giữa các điểm đến và giữa các hãng hàng không nên việc sáp nhập của nhiều hãng hàng không - khách sạn trở nên bình thường, như hai hoặc nhiều hãng hàng không thường xuyên liên hệ với một tập đoàn khách sạn (ví dụ tập đoàn Penta) hoặc các hãng hàng không có mối liên hệ với nhiều tập đoàn khách sạn. Các mối liên hệ này được gọi là liên hệ đa mà không phải là liên hệ đơn và dẫn đến các công ty đa quốc gia trong vận chuyển hàng không và lưu trú liên hệ với nhau nhiều hơn nhưng lỏng lẻo hơn.
Một số liên hệ hàng không - khách sạn theo các mô hình “có tính chất lịch sử" của các dòng thương mại và du lịch như sau:
Hãng hàng không Pháp - các Khách sạn Meridien trên khắp thế giới; Hãng Canadian Pacific - các Khách sạn CP (ở châu Âu và Bắc Mỹ); Hãng KLM - các Khách sạn Golden Tulip trên khắp thế giới; Hãng TWA - các Khách sạn Quốc tế Hilton (cho đến khi bán); Hãng UTA - UTH & Accor (ở châu Phi & Thái Bình Dương).
Các liên hệ khác đã làm nảy sinh nhu cầu vận chuyển khách đến các điểm đến du lịch mới dựa trên kết quả của sự phát triển tuyến bay của các hãng hàng không như:
Hãng All Nippon - các Khách sạn ANA ở khu vực Thái Bình Dương; Hãng Japan Air Lines - các Khách sạn Nikko trên khắp thế giới.
Trong cả hai trường hợp, sự kết hợp hoạt động kinh doanh hàng không - khách sạn quốc tế cho phép các công ty bán các sản phẩm bổ
sung thông qua giao dịch, kiểm soát khả năng cung sẵn có và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các kỹ thuật marketing hỗn hợp như giữa chương trình khách bay thường xuyên và nơi lưu trú. Ở những quốc gia có sự nới lỏng các quy chế và mức độ cạnh tranh tăng cao đã làm cho các hãng hàng không buộc phải rút lui khỏi lĩnh vực khách sạn để trở về với hoạt động kinh doanh cơ bản của mình thì các hãng duy trì các thoả thuận và liên minh với các tập đoàn khách sạn.
Để tăng cường các dịch vụ bổ sung, các hãng hàng không có thể mở rộng hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển mặt đất ở nước ngoài, kinh doanh các điểm hấp dẫn du lịch hoặc nhà hàng. Hoạt động kinh doanh này có kết quả tương tự như hoạt động của các công ty lữ hành quốc tế (xem phần sau).
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Thay Đổi Tỷ Giá Trao Đổi Và Cán Cân Du Lịch
- Kinh tế du lịch Phần 1 - 19
- Các Hợp Đồng Quản Lý Không Mang Tính Chất Đầu Tư
- Kinh tế du lịch Phần 1 - 22
- Kinh tế du lịch Phần 1 - 23
Xem toàn bộ 188 trang tài liệu này.
c. Hãng hàng không với các đại lý du lịch
Nhiều hãng hàng không đang mở rộng khai thác các lợi thế thương mại độc quyền để có thể kiểm soát được sự phân phối sản phẩm bằng việc mua lại các đại lý du lịch. Tuy nhiên, việc mua lại doanh nghiệp để hoạt động đa quốc gia như vậy là rất hiếm vì các hãng hàng không có thiên hướng tập trung vào thị trường nội địa mà ở đó họ có một thị phần lớn mà không tập trung vào các thị trường nước ngoài với thị phần của họ có thể rất nhỏ. Do đó, các công ty đa quốc gia trong hàng không thường không quan tâm nhiều đến mối liên hệ này.
4.2.1.2. Công ty đa quốc gia trong đại lý du lịch và các dịch vụ liên quan
Trong lĩnh vực phân phối sản phẩm lữ hành, hoạt động kinh doanh đa quốc gia không nhiều vì một số lý do sau đây:
- Cho đến nay, chỉ một số ít quốc gia có ngành du lịch phát triển với quy mô lớn nên không gây áp lực nhiều đến việc hình thành các tập đoàn.
- Các quốc gia có các tập đoàn hầu hết là các thị trường nguồn khách riêng biệt, mà các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành thường phải
chuyên biệt hoá theo yêu cầu của một thị trường nguồn khách nhất định và "lợi thế sản xuất" này không thể dễ dàng mở rộng vượt qua biên giới.
- Giữa các quốc gia thường có những quy định pháp lý khác nhau về cấp giấy phép kinh doanh và về tiêu chuẩn chuyên môn làm cản trở việc chuyển giao các kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh. Ví dụ, các phương thức bán vé của IATA20 mặc dù có tính chất rộng khắp nhưng không thể áp dụng cho tất cả các quốc gia.
- Nhiều doanh nghiệp lữ hành hoạt động như chi nhánh của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác ở trong nước nên không quan tâm đến hoạt động đa quốc gia, hoặc các doanh nghiệp đó hoạt động trong điều kiện nguồn vốn có hạn nên không có khả năng đầu tư mở rộng trong tương lai.
Dù sao chăng nữa, trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành vẫn tồn tại một số công ty hoạt động đa quốc gia. Nổi tiếng nhất có lẽ là các hãng American Express, Thomas Cook và Wagon-List Tourisme. Các doanh nghiệp này được thành lập từ khá lâu, bao gồm cả hoạt động đại lý du lịch và cung ứng các dịch vụ khác. Sự phát triển các dịch vụ bổ sung của các doanh nghiệp này đã tạo ra hoạt động kinh doanh đa quốc gia. Hãng Thomas Cook phát triển từ một cơ sở ở Anh (mặc dù hiện nay do người Đức sở hữu) thành 350 văn phòng chi nhánh (sở hữu vốn) ở 25 nước, đặc biệt ở các nước nói tiếng Anh. Hãng Wagon-List Tourisme có nguồn gốc kinh doanh tàu hoả và ô tô có chỗ nghỉ sang trọng ở Bỉ, thiết lập 415 văn phòng ở 33 nước, đặc biệt ở châu Âu, Mêhicô và Nam Mỹ (Công ty Wagon-List hiện nay hợp nhất với tập đoàn khách sạn Accor). Hãng Thomas Cook và Wagon-List có mối liên hệ mật thiết với nhau trong nhiều năm và cũng có nhiều cơ sở liên kết ở các quốc gia khác.
Lý do cơ bản của hoạt động kinh doanh đa quốc gia này không chỉ liên quan chủ yếu đến bán lẻ sản phẩm lữ hành mà còn cung ứng các dịch vụ mang tính quốc tế hoặc các dịch vụ nơi đến cần thiết từ trước chuyến đi. Hầu hết 1.000 văn phòng đại lý lữ hành của hãng American Express
20 International Air Transport Association - Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế.
bán sản phẩm lữ hành cho các khách hàng địa phương, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người dự định đi du lịch, bán séc du lịch, kinh doanh thẻ tín dụng và cung cấp các dịch vụ du lịch tại điểm đến. Một trường hợp tương tự khác là đại lý du lịch bán lẻ chỉ là một phần trong các hoạt động của Văn phòng Du lịch Quốc gia hoặc trong các dịch vụ của một hãng tàu biển. Vì vậy, Hãng Du lịch Balkan, Văn phòng Du lịch Nhật Bản, Hãng Cunard và CTC là những ví dụ về các doanh nghiệp hoặc tổ chức sở hữu các công ty đa quốc gia có hiệu quả trong lĩnh vực lữ hành.
Giống như trong lĩnh vực hàng không, một số thị trường dịch vụ lữ hành khác cũng có nhu cầu về hoạt động kinh doanh đa quốc gia. Đó là các công ty cho thuê xe, đại diện đăng ký đặt giữ phòng khách sạn, bảo hiểm du lịch và các công ty kinh doanh thẻ tín dụng. Hoạt động kinh doanh đa quốc gia trong các lĩnh vực dịch vụ nói trên có xu hướng hình thành các công ty đa quốc gia sở hữu vốn như các hãng Avis, Hertz, Utell hoặc Diners Club; hoặc dưới hình thức hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư. Trong cả hai trường hợp, lý do kinh doanh đa quốc gia là do một phần dịch vụ cung cấp cho khách hàng ở một quốc gia này và một phần cung cấp ở quốc gia khác, đồng thời cũng do các quốc gia muốn quảng bá hình ảnh toàn cầu của mình. Sự mở rộng hiệu quả kinh tế theo quy mô toàn cầu khi sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, công nghệ số cũng mang lại tính chất quốc tế hoá hệ thống thông tin lữ hành của các doanh nghiệp như Tập đoàn Lữ hành Reed, sự kết hợp các dịch vụ của Hãng OAG với Tập đoàn Thông tin Lữ hành ở Mỹ, hãng ABC Guides của Anh, hệ thống đăng ký đặt phòng khách sạn Utell và các dịch vụ thông tin, đặt giữ chỗ khác.
4.2.1.3. Công ty đa quốc gia trong lĩnh vực lưu trú
Khi đánh giá vai trò và tác động của công ty đa quốc gia trong du lịch, người ta thường tập trung vào lĩnh vực lưu trú nhiều hơn các lĩnh vực khác. Một phần vì tính hữu hình cao của các tập đoàn lưu trú và phần khác vì dòng đầu tư quốc tế lớn hơn các lĩnh vực khác. Một hãng hàng
không đầu tư ở nước ngoài chỉ giới hạn ở việc lập văn phòng và trang bị các tiện nghi cơ bản khác, hoặc các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành cũng chỉ chủ yếu đầu tư để lập văn phòng (và có thể mua sắm thêm phương tiện vận chuyển), nhưng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng lại chủ yếu có nhu cầu đầu tư cố định về đất đai, công trình xây dựng và trang thiết bị.
Trong nhiều năm trước đây, hầu hết các đầu tư quốc tế vào các doanh nghiệp lưu trú có nguồn gốc từ Mỹ và là đầu tư vốn trực tiếp. Đến nay đã thay đổi theo hướng hoạt động kinh doanh trên cơ sở các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư và mở rộng hơn về nguồn gốc của vốn đầu tư. Các công ty đa quốc gia chủ yếu không có nguồn gốc từ Mỹ trong lĩnh vực này bao gồm: Câu lạc bộ Địa Trung Hải, tập đoàn Accor và Meridien (Pháp), tập đoàn Forte và Bass (Anh), tập đoàn Khách sạn CP (Canada), tập đoàn Oberoi (Ấn Độ), tập đoàn Melia/Sol (Tây Ban Nha), các tập đoàn khách sạn Nikko, Aoki và ANA (Nhật Bản), các tập đoàn New World và Mandarin Oriental (Hồng Kông). Các công ty đa quốc gia về lưu trú chủ yếu của Mỹ như các tập đoàn Holiday Inn, Westin, ITT Sheraton, Inter-Continental, Hyatt và Hilton chiếm một nửa trong toàn bộ khách sạn có sở hữu hoặc kết hợp với nước ngoài trên khắp thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển các doanh nghiệp không có nguồn gốc từ Mỹ cũng như các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các công ty khách sạn Mỹ đã làm tỷ lệ này giảm xuống. Hoạt động kinh doanh tập đoàn trong lĩnh vực lưu trú là nguyên nhân chính gây ra các tác động định hướng đối với nền kinh tế các quốc gia có chi nhánh.
Sự chuyển dịch từ đầu tư vốn trực tiếp sang hoạt động kinh doanh thông qua hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư một phần là do hiệu quả so sánh chi phí đầu tư trực tiếp với các thị trường vốn sẵn có và một phần xuất phát từ thực tế là công ty mẹ không có nhu cầu đầu tư. Các lợi ích chính đối với công ty mẹ là dòng chảy thu nhập từ hoạt động kinh doanh hơn là từ sở hữu và không bị lệ thuộc vào lãi suất. Khi đó, trong thực tế sẽ có một khách sạn ở quốc gia A do một doanh nghiệp của quốc gia A làm chủ nhưng lại là công ty nhánh của công ty cổ phần ở
quốc gia B và do công ty đa quốc gia ở quốc gia C vận hành theo hợp đồng quản lý. Một doanh nghiệp như vậy đến lượt mình lại có thể liên kết với các hãng hàng không hoặc các doanh nghiệp khác. Do có sự tách riêng quyền sở hữu nên doanh nghiệp theo mô hình này sẽ giành được các nhân tố đầu vào tốt nhất. Đó là:
- Đất đai và tài nguyên du lịch từ quốc gia A;
- Vốn từ quốc gia B;
- Các kỹ năng kinh doanh từ quốc gia C.
Sau đó, công ty ở quốc gia B phát triển và trở thành một công ty đa quốc gia về sở hữu vốn hoặc đầu tư phát triển gián tiếp nhưng không quản lý trong du lịch như các công ty Kumagai Gumi hoặc Daikyo của Nhật Bản; công ty vận hành ở quốc gia C như Hyatt hoặc ITT Sheraton trở thành công ty kinh doanh khách sạn đa quốc gia nổi tiếng hơn.
Dù mua lại hoặc phát triển mới, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực lưu trú đều có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các lĩnh vực khác của ngành du lịch. Ví dụ, Câu lạc bộ Địa Trung Hải khởi nghiệp từ năm 1949 với một làng nhỏ ở Majorca và đã mở rộng qua các năm để đến nay vận hành 85 tổ hợp nghỉ dưỡng lớn ở hơn 30 nước. Gần đây, các tập đoàn của Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc còn phát triển nhanh hơn nhiều.
4.2.1.4. Công ty đa quốc gia trong kinh doanh du lịch tàu biển
Doanh nghiệp liên quan đa quốc gia sớm nhất trong ngành du lịch là các công ty tàu biển chuyên chở khách vì chắc chắn nó cần phát triển các đại lý làm đại diện ở các cảng biển nước ngoài trong tuyến hành trình phục vụ. Sự mở rộng này nhằm đáp ứng các nhu cầu:
- Bán chuyến đi cho dân cư ở quốc gia nơi tàu cập bến theo tuyến hành trình (và cũng có thể ở các quốc gia ngoài tuyến hành trình);
- Mua vật phẩm cung ứng cho khách đi tàu và tiếp nhiên liệu ở các hải cảng nước ngoài;
- Mua các yếu tố đầu vào mang tính quốc tế để tối ưu hoá sản xuất (ví dụ, sử dụng nguồn tài chính ở Mỹ để mua tàu đóng ở Phần Lan, đăng kiểm ở Panama, bảo hiểm ở London, sử dụng sĩ quan chỉ huy người Na Uy và một hải đoàn Philippin hoặc vùng Trung Cận Đông).
Tình trạng thuê mướn hải đoàn của hầu hết các chuyến tàu biển đi theo tuyến hành trình trên thế giới không làm thay đổi những mối liên quan này, đồng thời các nhu cầu nêu trên đã làm mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tàu biển. Các công ty du lịch tàu biển của Mỹ, Anh, Scandinavi, Ý và Hy Lạp hoạt động ở các hải cảng vùng Caribê và các nơi khác sử dụng các con tàu lớn đóng ở Đức, Phần Lan và Pháp được mua bảo hiểm ở Luân Đôn, đăng kiểm và thuê hải đoàn từ nhiều nước khác nhau. Hoạt động marketing có thể tập trung ở Mỹ, Canada, Anh, Đức và các nước châu Âu khác.
Nhiều công ty du lịch tàu biển còn vận hành các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khác của ngành du lịch, ví dụ các hãng P&O- Sitmar, Cunard và Chandris đều là chủ của các khách sạn hoặc các khu nghỉ dưỡng. Trong khi các cơ sở này có thể có hoặc không liên hệ về kinh doanh với hoạt động tàu biển nhưng chúng tạo xu hướng mở rộng về địa lý của công ty đa quốc gia mẹ.
4.2.1.5. Công ty đa quốc gia trong kinh doanh lữ hành
Hoạt động kinh doanh các chương trình du lịch quốc tế đại chúng phát triển chủ yếu từ các nước Tây Âu và gần đây từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hầu hết các công ty lữ hành gửi khách sử dụng các đại lý sẵn có hoặc các công ty lữ hành nhận khách để cung ứng các dịch vụ cho khách du lịch tại điểm đến. Khi các công ty lữ hành gửi khách mở rộng cung ứng các dịch vụ mặt đất như vận chuyển, lưu trú tại điểm đến có thể tạo ra hiệu quả kinh tế theo quy mô. Sự mở rộng này thường không bao hàm các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư. Như vậy, có thể thấy áp lực chủ yếu để tích hợp các dịch vụ cung ứng trong chương trình du lịch xuất phát từ các doanh nghiệp ở các nước nguồn khách. Các doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng nhất để thu được lợi ích
từ vận hành các cơ sở kinh doanh của mình tại điểm đến du lịch. Các công ty lữ hành gửi khách của Đức, Hà Lan, Scandinavi và Anh thường đảm nhận luôn là đại diện khu nghỉ dưỡng, trực tiếp cung cấp các dịch vụ mặt đất như vận chuyển và các chương trình tham quan ở các điểm đến cho khách hàng. Điều đó phần nào hạn chế sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh mới. Nếu nhu cầu lớn hơn thì các công ty này cũng có thể làm chủ hoặc có các hợp đồng quản lý không mang tính chất đầu tư với các khách sạn. Vì vậy, các hãng lữ hành Hà Lan là chủ của các khách sạn ở Torremolinos (Tây Ban Nha); các hãng TUI (Đức) và Thomson Holidays (Anh) có thời kỳ từng làm chủ các khách sạn và thậm chí cả các tàu thuỷ du lịch ở vùng Địa Trung Hải. Tương tự như vậy, các hãng lữ hành Nhật Bản đã mở rộng ra khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương.
Trong thực tế, sự phân biệt giữa các công ty lữ hành gửi khách có cơ sở của mình tại các điểm đến với các tập đoàn khách sạn quốc tế và các hãng hàng không kết hợp với khách sạn chỉ là biểu hiện bên ngoài của hoạt động kinh doanh đa quốc gia. Trong khi đó, chúng đều cung ứng các sản phẩm dịch vụ như nhau cho cùng một thị trường và các doanh nghiệp này đều có cùng nhu cầu về các hoạt động kinh doanh ở nền kinh tế các nước chủ nhà.
4.2.2. Tác động của công ty đa quốc gia
4.2.2.1. Tác động đối với các nước chủ nhà (các nước có chi nhánh)
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đã có nhiều nghiên cứu về tác động của công ty đa quốc gia trong du lịch đối với nền kinh tế các nước có chi nhánh. Nền kinh tế nước chủ nhà (hay nước có chi nhánh) là nền kinh tế một quốc gia mà ở đó có sự hiện diện về kinh tế của công ty đa quốc gia ngoại trừ nền kinh tế của quốc gia chính nó (nền kinh tế của nước có công ty mẹ). Có 5 lĩnh vực cơ bản liên quan đến tác động của công ty đa quốc gia đối với nền kinh tế nước chủ nhà: