3.4.2. Tổ chức quản lý môi trường
Hệ thống quản lý Nhà nước về Bảo vệ Môi trường ở địa phương đã được hình thành theo hướng gắn kết quản lý nhà nước về môi trường với quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống tổ chức bộ máy ngày càng được kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ được phân định cụ thể theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và các Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ (số 12/2007/TTLT-BTNMT-BNV ngày 27/12/2007; số 03/2008/TTLT- BTNMT-BNV ngày 15/7/2008; số 26/2010/TTLT-BTNMT-BNV ngày 05/11/2010; số 04/2010/TTLT-BTNMT-BNV ngày 02/02/2010; số 07/2011/TTLT-BTNMT- BNV ngày 30/01/2011; 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014).
Hiện nay, cấp tỉnh đã thành lập Chi cục Bảo vệ Môi trường (13/15 cán bộ công chức), Chi cục Biển (8/8 cán bộ, công chức), Trung tâm Quan trắc phân tích Tài nguyên và môi trường (18 cán bộ viên chức, hợp đồng lao động) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ khi thành lập các đơn vị đã có thêm một số điều kiện về con người và cơ sở vật chất để thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh, Giám đốc sở thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước lục địa, môi trường biển.
Cấp huyện (07 huyện, 01 thành phố) biên chế, hợp đồng từ 02 - 03 cán bộ chuyên trách về môi trường thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường; trong thời gian qua đã trực tiếp tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện được một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT ở địa phương.
Cấp xã 100% số xã có cán bộ làm công tác môi trường (cán bộ địa chính được giao kiêm nhiệm quản lý môi trường ở địa phương, một số xã đã có cán bộ địa chính 2 phụ trách xây dựng và môi trường).
Cùng với việc xắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành; bộ phận quản lý nhà nước về môi trường ở các sở, ban, ngành cũng được điều chỉnh, bổ sung theo hướng phù hợp với tình hình và tổ chức mới; cụ thể: Công an tỉnh có phòng cảnh sát môi trường (27 cán bộ, chiến sĩ); Ban Quản lý các khu công nghiệp có Phòng quản lý Quy hoạch môi trường (05 cán bộ, viên chức);
Sở Công thương có Phòng Kỹ thuật, an toàn hóa chất và môi trường (06 cán bộ công chức); Cảng vụ Thái Bình có 10 cán bộ, nhân viên cũng đang đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, cấp phép hoạt động cho tàu, thuyền, thanh tra, kiểm tra quá trình vận chuyển, xử lý chất thải trên tàu thuyền.
3.4.3. Về các hoạt động giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường
a. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải:
Các hoạt động điều tra, thống kê chất thải, tư vấn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lục địa có tải lượng ô nhiễm cao, có khả năng làm ô nhiễm môi trường xung quanh như đình chỉ 07 doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, rà soát, điều tra, lập danh sách 46 điểm ô nhiễm nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu và đề xuất kế hoạch xử lý, quản lý chất thải nguy hại. Các hoạt động điều tra, thống kê chất thải trên biển vẫn chưa được thực hiện, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, phương tiện phát sinh chất thải ra biển không thường xuyên, chưa có sự phối hợp thực hiện giữa các ngành; hiện tượng đổ rác ra biển tại 14 xã ven biển vẫn đang diễn ra, chưa có hoạt động thu gom triệt để tại ven biển tỉnh Thái Bình. [9]
Có thể bạn quan tâm!
- Kết Quả Điều Tra 28 Người Dân, 20 Người Làm Việc Trên Tàu
- Biểu Diễn Nồng Độ Dầu Tại Vùng Ven Biển Tỉnh Thái Bình
- Dư Báo Xu Hướng Biến Đổi Chất Lượng Nước Biển Ven Bờ Tỉnh Thái
- Kiểm soát ô nhiễm nước biển ven bờ tỉnh Thái Bình - Thực trạng và giải pháp - 10
- Kiểm soát ô nhiễm nước biển ven bờ tỉnh Thái Bình - Thực trạng và giải pháp - 11
Xem toàn bộ 90 trang tài liệu này.
b. Công tác quan trắc, thông tin báo cáo, cảnh báo ô nhiễm môi trường:
UBND tỉnh đã ký các Quyết định (số 2356/QĐ-UBND ngày 28/8/2008 phê duyệt hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2015 và Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 về điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020); Trên cơ sở đó, hàng năm Sở TNMT xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường tự nhiên, môi trường biển và môi trường công nghiệp trên địa bàn tỉnh, do kinh phí hạn hẹp nên hiện nay số lượng điểm quan trắc môi trường biển chỉ được 6/12 điểm với tần suất quan trắc 2 lần/năm. Từ năm 2011-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí gần 16 tỷ VNĐ, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo cán bộ, nhân viên của
Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên và môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường [9].
c. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng:
Các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên biển và ven biển chưa có, tập trung trong sâu đất liền, đến nay đã áp dụng các biện pháp xử lý triệt để 5/13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh, làng nghề phải xử lý ô nhiễm từ năm 2003 - 2007; 4/13 cơ sở đã đóng cửa, không còn hoạt động và không xác định được chủ quản lý; 1/13 cơ sở khó thực hiện là xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; 1/13 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý và hoàn thiện hồ sơ để công nhận; 01 cơ sở chuẩn bị chuyển đổi lĩnh vực hoạt động [9].
3.4.4. Về nguồn lực
Trong thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kinh tế, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường trong lục địa, như: Sở Ytế tranh thủ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư lò đốt chất thải rắn nguy hại, hệ thống thu gom, xử lý nước thải của bệnh viện tuyến huyện và các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương đầu tư xử lý môi trường ở bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Ngoài ra các ngành, các cấp còn tranh thủ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường để đầu tư cho bảo vệ môi trường. Triển khai thu phí bảo vệ môi trường theo Nghị định số 67/NĐ-CP đã giao cho Công ty Cấp nước Thái Bình thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được quan tâm đúng mức và tự nguyện chấp hành lập dự án đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải với nguồn vốn hàng tỷ đồng như: Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen, Công ty cổ phần cơ sở hạ tầng công nghiệp Đài tín, Công ty dệt nhuộm xuất khẩu Thành công, Niên shing; hàng trăm triệu đồng như Công ty cổ phần Dược Vật tư Y tế, Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam, Công ty TNHH dệt
Meina Meina, Công ty PETLEE, xí nghiệp may 10, Bia Hương sen, Thăng long, Thành công, Nam long… [9]
3.4.5. Về mặt tài chính, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường
Trong 5 năm qua, kinh phí sự nghiệp môi trường thực hiện theo Nghị quyết số 41-NQ/TW, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Kinh phí sự nghiệp môi trường được bố trí 1% tổng thu ngân sách hàng năm và dành một phần nhỏ cho quan trắc nước biển ven bờ (6/12 điểm quan trắc biển, 02 lần/năm), thực hiện điều tra tài nguyên biển tỉnh Thái Bình, còn lại tập trung chủ yếu cho các hoạt động, dự án trọng điểm như xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước cho các khu công nghiệp, 12 bệnh viện công lập, nhà máy rác thải của thành phố Thái Bình, các khu lưu giữ, xử lý rác sinh hoạt của 80 xã phường thị trấn trong tỉnh.
3.5. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm nước biển ven bờ tỉnh Thái Bình
3.5.1. Về mặt thể chế chính sách
Tồn tại và thách thức. Ở địa phương việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường chủ yếu theo các văn bản pháp luật của trung ương, việc cụ thể hóa văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, triển khai chậm. Luật Tài nguyên và môi trường biển hải đảo chưa được công bố, thi hành. Một số các văn bản của địa phương cũng chậm được xây dựng và triển khai, ví dụ như Nghị định số 21/2014/NĐ-CP về giao khu vực biển có hiệu lực từ tháng 6 năm 2014, nhưng đến nay tỉnh Thái Bình vẫn chưa ban hành bộ thủ tục hành chính về giao khu vực biển do chưa có thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên quy định về mức phí giao khu vực biển; nhiều chính sách phát triển ngành ở địa phương chưa tính đến bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng; Một số văn bản, cơ chế chính sách đã được ban hành và tổ chức thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực tế. Chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường biển dài hạn ở các cấp chưa được quan tâm đúng mức.
Giải pháp nâng cao hiệu quả của chính sách luật pháp liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước biển ven bờ:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn, khu cụm công nghiệp, làng nghề, các ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm hạn chế, ngăn ngừa phát sinh mới, giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lớn, nghiêm trọng (như chăn nuôi, dệt nhuộm,...).
- Ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo hướng phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thực sự lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường, môi trường biển vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế;
- Xây dựng quy chế phối hợp khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển giữa tỉnh Thái Bình với Nam Định, Hải Phòng.
- Xây dựng quy định, quy chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong tỉnh Thái Bình trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển.
3.5.2. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý môi trường
Tồn tại và thách thức. Bộ máy quản lý môi trường, môi trường biển ở đia phương đã được kiện toàn ở 3 cấp, tuy nhiên đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nên chưa đáp ứng được khối lượng công việc cần phải giải quyết. Ở mỗi Sở, Ngành chưa có bộ phận chuyên môn, chuyên trách về môi trường, nên vẫn còn một số nhiệm vụ BVMT chưa thực hiện. Tình trạng chồng chéo, bỏ trống, phân tán chức năng, nhiệm vụ quản lý giữa một số sở, ngành; sự phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành còn gặp khó khăn và hiệu quả còn hạn chế.
Cấp huyện, đặc biệt ở 02 huyện ven biển nói riêng còn rất thiếu về số lượng cán bộ làm môi trường, môi trường biển và yếu về chất lượng. Ở mỗi huyện, chỉ có từ 01 - 02 cán bộ chuyên trách về môi trường thuộc phòng Tài nguyên môi trường. Cán bộ được phân công nhiệm vụ bảo vệ môi trường, môi trường biển ở các xã ven biển thuộc 02 huyện kiêm nhiệm nhiều việc (địa chính, xây dựng...), không được
đào tạo nghiệp vụ về bảo vệ môi trường, môi trường biển, nên hạn chế đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở cơ sở.
Nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường. Cán bộ, người dân chưa thực sự quan tâm bảo vệ môi trường biển, coi biển như là nơi có thể chứa đựng tất cả các loại vật chất.
Giải pháp khắc phục. Trước thực trạng trên, công việc trước mắt cần phải tập trung vào những việc sau đây:
- Tăng số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực môi trường các cấp; ưu tiên, tuyển dụng người tài, giỏi chuyên môn về lĩnh vực môi trường ở tất cả các cấp, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ môi trường các cấp.
- Hoàn thiện cơ quan bảo vệ môi trường cấp quận/huyện, phường/xã, đặc biệt là tại các khu vực có làng nghề.
- Các ngành cần phân công và quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị phụ trách môi trường, môi trường biển.
3.5.3. Kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trườngnước phát sinh từ sản xuất nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, làng nghề
- Ưu tiên quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng các hệ thống giết mổ tập trung, hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, phân vi sinh nhằm giảm thiểu sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật: tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hoá chất bảo vệ thực vât để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bị rửa trôi chảy vào sông đưa ra biển.
- Quy hoạch quy mô và các phương thức nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Tuyên truyền để nhân dân tuân thủ các quy định của nhà nước trong khai thác và nuôi trồng thuỷ sản nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ các loại hải sản quý hiếm.
- Ngăn chặn việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thuỷ sản. Bố trí nguồn vốn triển khai các dự án liên quan đến trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; xây dựng các mô hình tạo sinh kế cho người người dân khu vực ven biển, rừng ngập mặn.
Ngoài ra cần tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp, giao thông thủy, như tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xả đổ chất thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào sông, xuống biển.
3.5.4. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải
Tồn tại và thách thức. Công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp giữa các ngành, địa phương có biển đối với các dự án trên biển, tàu thuyền về bảo vệ môi trường hầu như chưa được thực hiện. Theo kết quả điều tra, phỏng vấn của tác giả thì 100% tàu cá xả nước thải (nước dằn tàu, nước la-canh), rác thải ra biển; 10/14 xã ven biển tỉnh Thái Bình rác được tập trung ngoài đê biển, không được lưu giữ, xử lý theo quy định về bảo vệ môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường ở 02 huyện ven biển, xã còn nhiều hạn chế; chưa chủ động xây dựng được kế hoạch kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường; việc áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính về BVMT thuộc thẩm quyền các địa phương còn bị xem nhẹ; chưa quan tâm hoạt động phúc tra và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; một số nơi còn là điểm nóng ô nhiễm môi trường nhưng chưa được tập trung giải quyết triệt để.
Huyện Tiền Hải có 01 khu xử lý chất thải rắn công nghiệp (KCN khí mỏ Tiền Hải) nhưng chỉ dừng ở biện pháp chôn lấp nên thời hạn sử dụng ngắn; ở thị trấn, thị tứ, vùng nông thôn chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom xử lý triệt để; hầu hết xã, thuộc 02 huyện ven biển (Tiền Hải, Thái Thụy) chưa đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đảm bảo quy định về môi trường.
Công tác quan trắc, thông tin báo cáo, cảnh báo ô nhiễm môi trường:
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập từ năm 2008, tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn và trang thiết bị được đầu tư, bổ sung hàng năm. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trắc thường phải thuê các cơ quan tư vấn thực hiện nên thông số ô nhiễm diễn biến hàng năm không được đồng bộ việc đánh giá diễn biến gặp nhiều khó khăn. Kinh phí còn
hạn chế, vì vậy tần suất lấy mẫu, số điểm và vị trí lấy mẫu môi trường biển còn thấp. Hai huyện ven biển (Tiền Hải, Thái Thụy) cũng chưa được bố trí kinh phí thực hiện quan trắc các điểm xả nước thải ra cửa sông, ven biển thuộc địa bàn quản lý.
Giải pháp nâng cao hiệu quả:
- Tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ.
- Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường nước biển chi tiết hằng năm; triển khai, đánh giá các nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường nước biển hằng năm.
- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tham mưa Bộ Tài nguyên và Môi trường và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đế kiểm soát ô nhiễm nước biển ven bờ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình.
- Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển; tình trạng ô nhiễm môi trường biển, môi trường nước biển ven bờ.
- Tăng cường củng cố hệ thống quan trắc và đánh giá hiện trạng môi trường nước biển ven bờ, trầm tích, các hệ sinh thái ven biển, cửa sông và đa dạng sinh học ven biển.
- Chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nước biển ven bờ, cải thiện phục hồi các vùng nước bị ô nhiễm và suy thoái.
- Chủ động lập kế hoạch, phương án ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trong vùng ven biển tỉnh Thái Bình; đào tạo tập huấn công tác ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trên biển.
- Xây dựng chi tiết kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về môi trường biển, biển ven bờ tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với các đối tượng cán bộ nhà nước, người dân ven biển và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển ven bờ tỉnh Thái Bình.