thoát ly khỏi dòng chính thống, đề cao chức năng giải trí của văn học. Hai tác giả tiêu biểu đưa hát nói trở thành một thể loại của văn học bác học là Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát. Ngâm khúc cũng là một thể loại rất phát triển trong giai đoạn văn học này. Là một thể loại thiên về nội tâm với âm điệu buồn triền miên không dứt, ngâm khúc chủ yếu sử dụng thể thơ song thất lục bát. Các tác phẩm tiêu biểu của ngâm khúc có thể kể đến bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc (Đoàn Thị Điểm hoặc Phan Huy Ích?), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ)... Truyện thơ Nôm được coi là thể loại lớn và tiêu biểu nhất cho thành tựu văn học của giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Được viết bằng thơ lục bát, một thể thơ có khả năng diễn tả đời sống tình cảm và khắc họa thế giới nội tâm sâu sắc của con người, đồng thời cũng phản ánh được bức tranh hiện thực đa dạng của đời sống nhân sinh. Hàng trăm tác phẩm truyện Nôm ra đời như Truyện Hoa tiên, Phạm Công – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa... và đỉnh cao là Truyện Kiều (Nguyễn Du) với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn học dân gian và văn học bác học, đánh dấu sự hoàn thiện của thể thơ dân tộc. Phú chữ Nôm cũng xuất hiện nhiều bài xuất sắc, tiêu biểu như: Ngã Ba Hạc phú (Nguyễn Bá Lân), Trương Lưu hầu phú và Quách Tử Nghi phú (Nguyễn Hữu Chỉnh), Tụng Tây Hồ phú (Nguyễn Huy Lượng)... Sang thế kỷ XIX có Tài tử đa cùng phú (Cao Bá Quát), Hàn Nho phong vị phú (Nguyễn Công Trứ). Phú Nôm là một trong những thể loại có ưu thế thể hiện một cách nổi bật phong cách cá nhân và cá tính của người viết.
Sang nửa cuối thế kỷ XIX, với những biến chuyển lớn lao của thời đại và dân tộc, văn học yêu nước chống Pháp trở thành bộ phận chủ lưu chi phối đời sống văn học cả nước. Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị ngoại xâm đã liên kết văn học trong cả nước với những tên tuổi tiêu biểu như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông. Nội dung văn học vẫn tiếp tục chủ đề yêu nước ở các giai đoạn trước nhưng đồng thời cũng có những biểu hiện mới. Tư tưởng trung quân vẫn còn nhưng với những người chủ chiến thì đó không còn là ngu trung nữa. Họ chỉ trung với những ông vua yêu nước và đả kích không thương tiếc những tên vua bán nước hại dân. Khi những cuộc khởi nghĩa bị nhấn chìm trong biển máu, hình tượng người anh hùng hy sinh vì đất nước trở thành nhân vật trung tâm được phản ánh trong văn học giai đoạn này. Đó là hình ảnh người anh hùng nông dân, trọng nghĩa khinh tài trong một loạt các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ vong lục tỉnh... Vấn đề nhân sinh quan của thời đại cũng được đặt ra gay gắt trong văn học giai đoạn này. Câu hỏi Sống như thế nào? Sống để làm gì? được đặt ra trong nhiều tác phẩm đặc biệt là trong thơ ca của các sĩ phu yêu nước. Họ sáng tác chủ yếu là thơ tuyệt mệnh, được viết trước khi chết, trong ngục thất hoặc lúc ra pháp trường, trên chiến khu chống Pháp nên tràn đầy khí phách và nhuốm màu bi tráng. Tiêu biểu là thơ văn của Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích...
Bên cạnh bộ phận văn học yêu nước, văn thơ phê phán và tố cáo chế độ thực dân nửa phong kiến ngày càng phát triển và mở rộng thêm những đề tài mới. Nội dung sáng tác cũng chuyển dần từ hình tượng mang tính lịch sử, cao cả sang tính đời thường, sâu đậm nhất là những hình tượng mang tính châm biếm, phê phán xã hội. Văn học trào phúng phát triển mạnh và trở thành bộ phận quan trọng nhất của văn học phê phán và tố cáo hiện thực với những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Thiện Kế, Kép Trà... Chủ nghĩa nhân đạo ở các giai đoạn trước vẫn tiếp nối trong giai đoạn văn học này song hướng vào thể hiện thế giới tình cảm riêng tư của cá nhân con người, trong đó bộ phận thơ tự trào mang đậm tính bi hài cũng là một hiện tượng đặc biệt của văn học trào phúng, góp phần biểu lộ tâm trạng bi kịch của giới tri thức ở thời điểm mà mọi lý tưởng xã hội đang từng bước sụp đổ. Đây cũng là giai đoạn mang tính chất giao thời, đánh dấu những bước chuyển lớn lao của văn học trung đại sang văn học cận hiện đại. Bên cạnh văn học chữ Hán và chữ Nôm, đã xuất hiện những sáng tác bằng chữ quốc ngữ với lối viết hiện đại và có thể thấy rõ xu thế thoát ly khỏi truyền thống của bộ phận văn học này. Về mặt thể loại, giai đoạn này đánh dấu sự quay trở lại của một số thể loại văn học chức năng như hịch, biểu, văn tế trong dòng văn học yêu nước. Thơ Nôm Đường luật và truyện Nôm tiếp tục phát triển mạnh với các tác gia lớn như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương. Văn xuôi quốc ngữ Nam bộ phát triển bổ sung cho văn học dân tộc những thể loại mới như ký, truyện, tiểu thuyết, khảo cứu văn học, tự điển, văn học dịch... Đặc biệt, giai đoạn này, tuồng phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật với nhiều tác giả tiêu biểu như Đào Tấn, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hiển Dĩnh.... góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền văn học dân tộc ở giai đoạn giao thời.
Đặt tuồng trong dòng chảy văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, có thể thấy, sự phát triển rực rỡ nhất của thể loại tuồng được nuôi dưỡng trên nền tảng những thành tựu lớn của văn học dân tộc. Tuồng không chỉ được kế thừa, hấp thu các giá trị tinh hoa của văn học dân tộc mà với bản tính độc đáo của mình, tuồng còn làm phong phú hơn cho văn học, văn hóa Việt Nam. Không thể nghiên cứu tuồng mà tách rời khỏi nền tảng văn hóa, văn học sản sinh ra nó.
Như vậy, bên cạnh những chính sách văn hóa của Nhà Nguyễn, sự phát triển rực rỡ của văn học nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX cũng là mảnh đất màu mỡ cho văn học tuồng bén rễ và phát triển. Có thể thấy dấu ấn của một số thể loại tiêu biểu của giai đoạn này trong tuồng như phú, hát nói, thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc... Đặc biệt là tinh thần nhân đạo, tinh thần yêu nước, hình ảnh người anh hùng của văn học giai đoạn này cũng được phản chiếu sâu sắc trong các tác phẩm tuồng của Đào Tấn.
2.2.3. Sự ảnh hưởng của văn hóa các vùng miền
Đào Tấn có cuộc đời “tha hương” như chính những nhân vật của ông trong tuồng. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Bình Định nhưng suốt 30 năm làm quan ông sống ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, trong đó có hai nơi ông gắn bó lâu nhất là Huế (18 năm) và An Tĩnh (nay là Nghệ An - Hà Tĩnh,10 năm). Chính vì vậy bản sắc văn hóa các địa phương này in dấu ấn đậm nét trong các vở tuồng của ông. Có thể chia các kịch bản tuồng Đào Tấn thành ba nhóm, tương ứng với ba giai đoạn: thời kỳ ở Bình Định, thời kỳ ở Huế, thời kỳ làm Tổng đốc An Tĩnh. Bình Định được mệnh danh là quê hương “đất võ, trời văn” với truyền thống đấu tranh kiên cường chống cường quyền áp bức trong lịch sử. Đó là cuộc chiến oanh liệt của chàng Lía chống lại sự hung tàn của chúa Nguyễn, cuộc khởi nghĩa với khí thế long trời lở đất của ba anh em nhà Tây Sơn đánh bại quân Thanh. Khi thực dân Pháp mới đặt chân đến nước ta, phong trào đấu tranh chống Pháp của Võ Duy Dương lan rộng đến các tỉnh miền Nam và kéo dài suốt mấy chục năm. Ngay khi vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần vương, một trong những phong trào kiên cường và mạnh mẽ nhất cũng diễn ra trên đất Bình Định dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng, Đoàn Doãn Địch, Nguyễn Trọng Trì (năm Ất Dậu - 1885). Bao nhiêu cuộc tàn sát đẫm máu của quân thù không uy hiếp nổi lòng người dân Bình Định. Ngọn lửa anh hùng và yêu nước ngày một thêm rực sáng trên mảnh đất này. Đúng như Vũ Khiêu đã nhận định “Đào Tấn sinh ra và lớn lên trong không khí hào hùng của quê hương và được quê hương chắt lọc cho những giá trị được hun đúc qua ngàn năm lịch sử của mảnh đất tối linh thiêng này”[32, tr.35]. Chính truyền thống của quê hương đã bồi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc trong lòng Đào Tấn và những tinh hoa đó được ông tạc nặn trong hình tượng người anh hùng bất tử trên sân khấu tuồng. Bình Định còn là một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam với các làng võ, lò võ nổi tiếng như võ họ Trương (xã Phù Mỹ, huyện Mỹ Hiệp), võ họ Đinh (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), võ họ Trần (xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn)... Vì vậy mới
có câu ca dao nổi tiếng khái quát về truyền thống Bình Định:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền.
Chính võ cổ truyền đã tạo nên dấu ấn riêng cho tuồng Bình Định (tuồng võ). Để diễn được tuồng, người diễn viên trước hết phải học võ ít nhất ba tháng rồi mới học hát, múa tuồng. Nếu không biết võ, không thể diễn được cái “tinh - thần - khí” của tuồng Bình Định.
Không chỉ nổi tiếng là đất võ, Bình Định còn là miền đất của các thi nhân. Nơi đây đã nuôi dưỡng cho hồn thơ của Đào Duy Từ, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân thời trung đại... và sau này là các nhà thơ lớn của thời hiện đại như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan...
Nhắc đến quê hương Bình Định, thật thiếu sót khi không nói đến sự ảnh hưởng sâu sắc của cụ Tú An Nhơn - Nguyễn Diêu, người thầy đáng kính mà Đào Tấn luôn tôn sùng. Ông chịu ảnh hưởng của Quỳnh phủ Nguyễn Diêu ở nhiều mặt, cả về đạo đức, học vấn lẫn phong cách sáng tác tuồng. Suốt cuộc đời mình, ông luôn nhớ đến công ơn thầy, làm nhiều thơ văn nói về người thầy kính yêu của mình và trong tuồng Đào Tấn cũng thấy phảng phất triết lý, tư tưởng của Nguyễn Diêu ở đó. Cụ Tú An Nhơn nổi tiếng với các vở tuồng Ngũ hổ bình Liêu, Liệu đố, Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô... Qua các vở tuồng này, ta thấy Nguyễn Diêu có một bản lĩnh sáng tác thật đáng kính nể. Đó là khả năng Việt hóa sâu sắc các cốt truyện Trung Hoa theo truyền thống văn hóa người Việt, từ ý thức tư tưởng đến lời ăn tiếng nói và hành động. Nhân vật đều là những nhân vật trong lịch sử Trung Hoa nhưng cốt truyện, tình tiết kịch lại là những sự kiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt như: chuyện tình yêu, chuyện ghen tuông, chuyện mẹ chồng nàng dâu.... Chính vì vậy, tuồng của cụ Tú An Nhơn rất gần gũi và thân thuộc với người dân Bình Định và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa quần chúng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách sáng tác tuồng của Đào Tấn sau này. Trên cơ sở sự cách tân về nội dung trong tuồng Nguyễn Diêu, Đào Tấn đã làm một cuộc đổi mới toàn diện và triệt để về mọi mặt: nội dung tư tưởng, đề tài chủ đề, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ... Hay nói cách khác, Nguyễn Diêu đặt nền móng cho sự cách tân còn Đào Tấn thực hiện việc “thay da đổi thịt” cho nghệ thuật tuồng truyền thống.
Đào Tấn có những mối duyên nợ rất đặc biệt với Huế. Ba mươi năm làm quan, trừ hai lần đi làm Tống đốc An Tĩnh (10 năm), làm Tri phủ Quảng Trạch (2 năm), ông đã sống trọn với Huế đúng 18 năm. Năm Tự Đức 25 (1872), ông đến Huế, được sung vào Ban Hiệu thư và bắt đầu thăng tiến nhanh chóng trên con đường quan lộ nhờ tuồng. Có thể nói, Đào Tấn là một trong những ông quan được nhiều vị vua Nhà Nguyễn “trọng dụng”. Là một nhà Nho chuẩn mực, lại sống nhiều năm ở kinh đô, ông bị chi phối mạnh mẽ bởi tư tưởng Tống Nho và lối hành văn hoa mỹ, nặng nề, giàu điển phạm của văn chương cung đình Huế. Trong suốt thời gian 11 năm (1871-1882), Đào công chỉ làm nhiệm vụ phụng sắc sáng tác, chỉnh lý, biên soạn, nhuận sắc tuồng theo tư tưởng của triều đình, thượng tôn đạo trung quân và trau chuốt lại văn chương. Những sáng tác phụng sắc ông tham gia thời kỳ này mang tính cầu kỳ, chuộng hình thức. Ví dụ như vở Học lâm, thực chất là việc tuyển chọn những lớp tuồng hay nhất trong các vở Sơn Hậu, Dương Chấn Tử, Tam nữ đồ vương, Lý Phụng Đình... rồi chắp nối lại với nhau, đặt tên nhân vật và viết lời khác. Trong thời gian ở Huế thời Tự Đức, Đào Tấn đã viết nhiều bộ tuồng nổi tiếng như Đãng khấu chí, Bình địch, Tứ quốc lai vương, Tam Bảo thái giám thủ bửu, Quần trân hiến thụy, hàng chục pho tuồng dựa theo truyện Trung Hoa và 68 hồi cuối của Vạn bửu trình tường và được Tự Đức phê “kỹ thuật thần diệu”. Mặc dù những vở tuồng này viết dưới sự chỉ đạo của Tự Đức, không có nhiều giá trị về nội dung tư tưởng nhưng cũng không thể phủ nhận thủ pháp biên kịch lão luyện và giá trị về văn chương, ngôn từ của những tuồng bản này.
Từ bao đời nay, núi Hồng - sông Lam là biểu tượng cho mảnh đất văn hiến với những con người cần cù, hiếu học và tinh thần quật khởi, anh dũng. Đây là vùng đất nghèo khó nhưng kiên cường, là quê hương của nhiều bậc văn nhân, tài tử như: Đặng Dung, Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ,...; Nhiều anh hùng hào kiệt như: Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu,... Mảnh đất này cũng là cái nôi của phong trào nông dân và các cuộc khởi nghĩa như khởi nghĩa Lê Ninh, khởi nghĩa Hương Khê, khởi nghĩa Cần vương... và sau này là nơi khởi nguồn của phong trào Đông Du, Duy Tân, phong trào chống thuế, phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh, phong trào Dân sinh – Dân chủ.... Có thể nói, đây là một vùng đất “không dễ thuần phục” để làm quan nhưng lại là “vùng trời tự do” để thỏa “chí tang bồng” cho các bậc anh hào, nghĩa sĩ.
Sự gặp gỡ của Đào Tấn với non nước Lam Hồng có thể coi như một thứ “duyên kỳ ngộ” của một bậc hiền tài với một vùng đất văn hiến. Theo tài liệu của Viện cơ mật triều đình Huế lúc ấy ghi chép, trước khi lên đường nhận chức Tổng đốc An Tĩnh lần thứ nhất, Đào Tấn dâng sớ tâu rõ: “Hoan châu là vùng đất xung yếu. Sĩ phu nhiều, người học giỏi, dân khí hùng, dân trí tốt. Tôi đến nơi chỉ được chữ “phủ” (vỗ về) để cho dân được an cư lạc nghiệp. Còn chữ “tiễu” (đánh dẹp) thì quan tiền nhiệm của tôi đã thành công, nay là vị đệ nhất đại thần triều đình chánh điện Đại học sĩ Túc liệt tướng quân (Nguyễn Thân). Tôi làm quan văn, không làm được những việc quan tướng đã làm. Nếu triều đình chấp thuận, tôi xin tựu nhiệm. Nếu bất thuận, tôi xin chịu tội vi mạng” [99, tr.109-110]. Đối với nhiều quan lại đương thời, đến với vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đã nghèo xơ xác lại bị tàn phá cùng kiệt bởi binh lửa là một sự đày ải. Chỉ có ông coi việc đến đây như được giải phóng đến với vùng trời tự do và giúp lòng ông thanh thản, an tịnh. Đào công thực sự coi đây như một đặc ân:
(Mồng một tân xuân phút hảo hòa Niềm vui vạn chữ khôn nói ra Hướng tới Hồng Lam xin hỏi nhỏ Mười năm du khách có phiền hà?) (Thử bút nguyên đán Nhâm Dần, Nguyễn Thế Khoa dịch) |
Có thể bạn quan tâm!
- Tiếp Cận Kịch Bản Tuồng Đào Tấn Từ Góc Nhìn Thể Loại
- Đào Tấn Và Thời Đại “Khổ Nhục Nhưng Vĩ Đại”
- Chính Sách Phát Triển Tuồng Của Nhà Nguyễn Và Diện Mạo Tuồng Qua Các Thời Kỳ
- Dấu Hiệu Suy Thoái Của Đạo“Tam Cương – Ngũ Thường”
- Sự Chuyển Biến Về Đề Tài, Chủ Đề, Cảm Hứng Chủ Đạo
- Từ Quan Niệm Về Con Người Đạo Lý Đến Hình Tượng Người Anh Hùng Trọng Nghĩa
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
Trong thơ và từ, không ít lần Đào Tấn tự gọi mình là du khách đến vùng non nước hữu tình này để thưởng ngoạn và “chỉ thích đề ngâm khắp đất trời”:
(Ngựa quá cát nam trăng đón bước Thuyền ngang cửa biển gió vơi buồm |
7 Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo là tập thơ do hai ái nữ của Đào Tấn là Trúc Tiên và Chi Tiên ký lục, Tịnh Ba phụng sao vào tháng Chạp năm Giáp Thìn (1964) sưu tầm được 107 bài thơ của Đào Tấn, dày 236 trang.
Mười năm qua lại Lam Hồng đó Trong sạch lòng thơ như nước non.) (Đi công cán ngẫu hứng, Xuân Diệu dịch) |
Mặc dù là quan phụ mẫu của địa phương, nhưng tâm thế của ông đến mảnh đất này luôn với tư cách một người bạn sách đàn. Ông làm rất nhiều thơ viết về xứ Nghệ và coi đây như quê hương thứ hai của mình, mỗi lần đến xứ Nghệ là một lần ông được trở về với khoảng trời tự do và yên bình:
(Mau thu xếp về xứ Nghệ Cho đỡ khổ lòng cha Nước non Lam Hồng ấy Ấp iu như quê nhà) (Viết cho con – Vũ Ngọc Liễn dịch) |
Tại đất Hồng Lam, ông kết thâm giao và giúp đỡ nhiều Văn thân, sĩ phu yêu nước chống Pháp như Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn, Nghi Xuân, Đề Niên... và ông đặc biệt có tình cảm sâu sắc với hai chí sĩ họ Phan là Phan Đình Phùng và Phan Bội Châu. Nguyễn Thế Khoa cho rằng, nhân vật Triệu Khánh Sanh trong Diễn võ đình và Tiết Cương trong Hộ sinh đàn “là hình ảnh ẩn dụ của hai chí sĩ họ Phan” [32, tr.314]. Chính “tinh thần sông Lam, núi Hồng” đã đưa Đào Tấn ra khỏi sự chi phối của ý thức hệ Nho giáo để xây dựng hình tượng “anh hùng phản loạn”, “con người ra đi” trong tuồng.
Tình cảm với quê hương và con người sông Lam, núi Hồng đã giúp Đào Tấn thăng hoa trong sáng tác tuồng. Hầu hết các vở tuồng hay nhất của ông như Trầm Hương các, Diễn võ đình, Hộ sinh đàn, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Cổ Thành đều được sáng tác trong 10 năm làm tổng đốc An Tĩnh. Tại nơi này, ông đã xây dựng một rạp hát bội mang tên Như Thị quan và một trường dạy hát bội mang tên Học bộ đình. Giai đoạn này đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong sự nghiệp tuồng của Đào Tấn mà Nguyễn Thế Khoa gọi đó là giai đoạn “thay đổi có tính chất cách mạng của tuồng hát Đào Tấn” [32, tr.315]. Mười năm trên đất Lam Hồng, với sự xuất hiện của các vở tuồng xuất sắc khác hẳn về chất so với những vở tuồng ông sáng tác và nhuận sắc trước đó. Ở quê hương xứ Nghệ, Đào Tấn đã thực hiện được ước mơ làm mới tuồng hát mà ông từng ấp ủ suốt cuộc đời mình.
Có thể nói, tuồng Đào Tấn được kết tinh truyền thống và văn hóa các vùng miền của đất nước để tạo nên những giá trị tinh túy mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
2.3. Cuộc đời, con người Đào Tấn
2.3.1. Đào Tấn – cuộc đời làm quan
Đào Tấn có quê nội tại thôn Vĩnh Thạnh, xã Phước Lộc, sinh ra tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân sinh ông là Đào Đức
Ngạc, mẫu thân là bà Hà Thị (gốc người thôn La Chữ, Huế), là nông dân nghèo, phải xa quê chính đi làm ăn ở Tùng Giản, Gò Bồi và sinh Đào Tấn tại đây. Ông là con thứ ba trong gia đình có ba con trai. Trong gia đình có mình ông đỗ đạt làm quan.
Ngay từ thuở nhỏ Đào Tấn đã nổi tiếng là thông minh dĩnh ngộ và được cha mẹ cho đi học chữ Nho với các thầy đồ quanh vùng Gò Bồi trong đó có cụ Tú An Nhơn - Nguyễn Diêu, một nhà Nho giỏi cả Hán văn và Pháp văn đồng thời là một nhà soạn tuồng tài ba. Đào Tấn đặc biệt yêu văn chương và mê hát bội, khi còn rất trẻ ông đã viết vở tuồng đầu tay Tân Dã đồn. Năm 1867, Đào Tấn 23 tuổi là một trong số mười tám người đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão tại trường thi Bình Định (bao gồm sĩ tử từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa) nhưng ông không xin bổ làm quan mà tiếp tục theo đuổi văn chương và hát bội. Bốn năm sau, vào năm 1871 (Tự Đức thứ 24), triều đình Huế lục xét lại danh sách cử nhân còn tại quán để trưng tập, ông được bổ Hàn lâm điển tịch, sung chức Hiệu thư ở Nội các rồi thăng tiến rất nhanh: Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình - 1874), Thừa chỉ Nội các (1876), Thị độc Học sỹ (1878), Hồng lô tự khanh (1881). Tuy nhiên, những chức hàm này chỉ hữu danh vô vị, còn thuộc quyền các quan trên. Mãi đến năm Tự Đức 35 (1882) Đào Tấn lãnh chức Phủ doãn Thừa Thiên lần thứ nhất mới bắt đầu có thực quyền. Thời kỳ này Đào Tấn đạt nhiều công trạng và được triều đình tặng ba chữ “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) đồng thời được Tự Đức phê tặng “bất úy cường ngự” (không sợ uy quyền của vua). Ông thường cùng Tự Đức bàn luận văn chương, vua tôi rất tâm đắc. Lúc đứng đầu 6 huyện tỉnh Thừa Thiên, ông cứu trợ nạn đắm thuyền cho hơn 400 người Hải Nam và được họ gửi tặng bức trướng đề 4 chữ “Công hoằng vĩnh viễn” và lập đền thờ tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Vào cuối đời Tự Đức, vận nước nguy nan, triều cương rối loạn, Đào Tấn lấy cớ mẹ già dâng sớ xin về phụng dưỡng. Vua Tự Đức không bằng lòng nên chẳng những không chuẩn y mà còn giáng bốn cấp. Nhưng không bao lâu, thân phụ qua đời, ông được phép hồi hương (từ 1883 đến 1886). Thời gian này, ông thác thân tỵ nạn ở chùa Ông Núi (Linh Phong tự) và không tham gia phong trào Cần vương ở tỉnh nhà.
Đào công được chỉ triệu về kinh khoảng đầu năm Đồng Khánh thứ 2, được thăng hàm Quan lộc tự khanh, tái lãnh chức Phủ doãn Thừa Thiên. Sau đó ông tiếp tục được giao những trọng trách như Thị lang bộ Hộ, sung Tham tá Cơ mật viện, Khâm phái đi công cán Gia Định. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), ông được thăng Tham tri Bộ Hộ rồi được bổ Tổng đốc An Tĩnh (1889). Nghệ An – Hà Tĩnh là đất xung yếu, dân hùng, khí mạnh, sỹ phu nhiều người học giỏi, đồng bào vừa trải qua nhiều cơn binh lửa, tai ương. Việc bình ổn không phải dễ dàng. Đào Tấn trước hết lo thu phục nhân tâm, lấy nghĩa đối với các cựu chiến sĩ Cần Vương, các nhà cách mạng, khoa bảng. Nghiêm khoan đối với kẻ phạm pháp. Trải lòng yêu thương giúp đỡ đồng bào. Vì vậy, ai nấy đều phục tài, mến đức. Vùng đất vốn nhiều loạn lạc được dần bình ổn.
Năm Thành Thái thứ 6 (1894), ông được triệu về Kinh lãnh chức Thượng thư bộ Công, hai năm sau (1896) đổi sang Thượng thư bộ Binh. Năm Thành Thái thứ 9 (1897) lại sang giữ chức Thượng thư bộ Hình. Tháng 5 năm ấy, thân mẫu mất, Đào công được về hộ tang. Tháng 3 năm Thành Thái thứ 10 (1898), ông được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ, lãnh Nam Nghĩa Tổng đốc. Được 8 tháng, ông được đổi ra Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai. Thời gian này, ông có quan hệ với các danh sỹ, chí sỹ như Trần Bích San, Phan Bội Châu, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Có tài liệu ghi rằng ông tham gia Việt Nam quang phục hội và có mối quan hệ sâu sắc với gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ông được vua Thành Thái phong tước Vinh quang từ và tự tay viết bài chế nêu gương ông, trong đó có đoạn ca ngợi tài năng đức độ của Đào Tấn:
Văn chương chúa mến, tài bút nghiên giỏi việc trung thư Đức độ dân thương, tài cai trị trội hơn tam phủ [115]
Năm Thành Thái thứ 14 (1902), Đào Tấn được gia thăng Thái tử Thiếu bảo, rồi được phong Tử tước và được phong tặng Tam đại. Năm Thành Thái thứ 15 (1903), ông được bổ về Thượng thư bộ Công lần thứ 2, sung Cơ Mật viện Đại thần. Cũng như những lần hồi triều trước, Đào Tấn có mâu thuẫn gay gắt với quyền thần Nguyễn Thân, Trương Như Cương nhưng vì được vua Thành Thái trọng vọng nên ông vẫn vô sự. Vào năm 1904, khi kế hoạch phục quốc của vua Thành Thái bị bại lộ, Đào Tấn vướng phải án vu biển thủ công quỹ và phải về hưu. Ông trở về ở ẩn và mất tại quê nhà năm 1907 (hưởng thọ 62 tuổi).(8)
Có thể thấy, Đào Tấn thuộc kiểu mẫu nhà Nho hành đạo với lý tưởng “thượng trí quân, hạ trạch dân” (trên thì giúp vua, dưới thì an dân). Không giống như nhiều nhà Nho đương thời từ quan về quê tránh xa chốn quan trường “nhơ nhuốc” để giữ khí tiết, Đào công lại xông pha ra giữa chốn “bụi lầm” để trải qua những kiếp phong trần trên con đường quan lộ, để mài giũa cốt cách trượng phu và thực hiện ước mơ làm tuồng. Không thể phủ nhận việc làm quan có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp viết tuồng của Đào Tấn nếu không nói đó là một trong những nền tảng quan trọng. Đối với loại hình nghệ thuật cung đình như tuồng, không phải ai yêu và đam mê tuồng cũng có điều kiện để “đầu tư” tâm lực và vật lực cho nó. Hầu hết các đội tuồng, gánh tuồng dưới thời Nguyễn đều do các gia đình quý tộc, quan lại tổ chức. Đội ngũ sáng tác, biên soạn tuồng cũng thường là vua chúa, quý tộc, quan lại. Các nhà Nho có đam mê yêu thích cũng chỉ dám viết vài ba lớp tuồng vặt mà thôi.
Tuy nhiên, cuộc đời làm quan của Đào Tấn có một mâu thuẫn kỳ lạ: mặc dù ông là bậc trọng thần thường được các vua Nguyễn sủng ái, làm quan hơn 30 năm cho triều Nguyễn nhưng ông lại là người chê trách, miệt thị chốn quan trường nhiều nhất trong các sáng tác của
8 Xem niên biểu cuộc đời và sáng tác của Đào Tấn, Phụ lục 3.