trong xã hội khi con người ngày càng thực dụng và bị lợi ích làm mờ mắt. Tiết Nghĩa vì muốn lập công với triều đình mà bán rẻ ân nhân cứu hắn, phản bội tình nghĩa vợ chồng bao năm. Khi thấy xác vợ treo cổ lủng lẳng trước mặt, hắn không có một chút đau lòng thương cảm mà vô cảm ra lệnh: “Bay ơi Tỳ nhi đâu? Bay biểu nó xoay cái mặt vô phía trong, kẻo mà tao sợ lắm bay à, nó có cù thằng nào cùng đi thắt cổ với nó hay sao mà cũng đứng lè lưỡi bên nó đó bay ơi…”. Đó là dấu hiệu rõ nét cho sự suy đồi đạo đức trong xã hội khi những chuẩn mực đạo đức Nho gia đang dần bị suy thoái; một xã hội đảo điên, thực dụng đang hình thành mà ta thấy trong thơ của Trần Tế Xương sau này với “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” có bóng dáng từ những tác phẩm tuồng của Đào công.
3.1.1.2. Sự chuyển biến về đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo
Theo Tất Thắng “Lịch sử phát triển của một thể loại văn học hay một kịch bản sân khấu xét về một phương diện nào đó, có thể xem là lịch sử đi tìm đề tài của chính mình. Đề tài ở đây được hiểu là cuộc sống thu hẹp trên một phạm vi nào đó cả về chiều rộng của không gian và chiều dài của thời gian mà trên đó nổi lên hình sáng nhân vật trung tâm là con người” [32, tr.159]. Khi đất nước bị xâm lăng, văn học luôn bám sát lịch sử dân tộc và trở thành vũ khí tư tưởng để chiến đấu chống lại quân thù. Cảm hứng yêu nước chi phối chủ đề, kết cấu và mô hình nhân vật lý tưởng trong mọi tác phẩm. Cảm hứng yêu nước luôn gắn liền với tư tưởng trung quân như là một tất yếu trong lịch sử xã hội phong kiến, bởi xã hội phong kiến quan niệm nước là vua, vua là nước. Do đó tư tưởng “trung quân, ái quốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm văn học trung đại. Gắn với đề tài “quân quốc” là nhân vật trung quân. Khi xã hội phong kiến rơi vào khủng hoảng và suy thoái, vận mệnh cá nhân con người, quyền sống, quyền hạnh phúc của con người bị đe dọa thì cảm hứng nhân đạo lại thăng hoa rực rỡ. Văn học trung đại Việt Nam chuyển sang quan tâm và lấy số phận con người làm đối tượng để phản ánh. Cảm hứng nhân đạo có hàm chứa cảm hứng yêu nước bởi có những bài ca yêu nước thể hiện nỗi băn khoăn, day dứt trước số phận con người.
Cùng với dấu hiệu phai mờ của ý thức hệ Nho giáo trong tuồng cổ là sự chuyển biến từ đề tài “quân quốc” sang đề tài “dân sinh”; cảm hứng chủ đạo từ “quốc sự” sang “thế sự”. Sự chuyển biến đề tài của tuồng đã xuất hiện từ các tác phẩm của Nguyễn Diêu, được Đào Tấn kế thừa và phát triển. Lấy hiện thực xã hội cuộc sống nông thôn làm đối tượng để sáng tác, Nguyễn Diêu đi sâu vào những đề tài về thế sự con người như hiếu nghĩa, nhân ái, thủy chung, bao dung, nhân hậu… đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Tuồng Ngũ hổ bình Liêu xoay quanh mối tình của Địch Thanh (nguyên soái nước Tống) và Trại Ba (công chúa nước Đơn). Lấy bối cảnh cuộc chiến tranh giữa hai nước, dù là kẻ thù thuộc hai đầu chiến tuyến nhưng Địch Thanh và Trại Ba vẫn vượt lên
tất cả để đến với tình yêu của mình. Cho dù diễn biến vở tuồng xuất hiện vô số những cuộc xung đột giữa Tống – Liêu, Tống - Đơn, nhưng đó chỉ là bối cảnh để làm nổi bật vẻ đẹp của tình yêu Trại Ba - Địch Thanh, một tình yêu thuất khiết mà cao cả, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, định kiến và giới hạn để đến được với nhau. Có lẽ vì thế mà Ngũ hổ bình Liêu là vở tuồng bất hủ về tình yêu mà ở thời đại nào cũng chinh phục được đông đảo người xem. Cũng viết về đề tài này, tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo lại phản ánh tình yêu theo một cách khác. Nguyệt Cô yêu để thỏa mãn dục vọng của người đàn bà khát tình, còn Tiết Giao lại yêu với sự toan tính, lọc lừa để chiếm được ngọc quý, tước hết yêu thuật của nàng nhằm đánh thắng Võ Tam Tư. Tất cả đều được tái hiện một cách vô cùng bạo liệt. Nàng yêu chàng một cách mù quáng. Nàng dùng sức mạnh của phép thuật để dụ dỗ chàng trai trẻ vào lưới tình rồi dâng cả viên ngọc quý tu luyện nghìn năm cho Tiết Giao, cuối cùng phải chịu thảm kịch quay về kiếp cáo và bị chém chết bởi chính người chồng của mình. Tuồng Liệu đố (chữa bệnh ghen) phản ánh mối quan hệ gia đình với sắc thái bi hài. Đây là câu chuyện tình yêu gần giống những chuyện dân gian như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Tống Trân - Cúc Hoa... Tuy nhiên, Liệu đố có một ý tưởng rất mới mẻ mang tính thời sự và thực tiễn cao, để giải quyết một vấn nạn đã tồn tại lâu dài trong xã hội dẫn tới những bi hài kịch: bệnh ghen, một căn bệnh muôn đời của người phụ nữ mà sân khấu thế giới từ cổ đại đến hiện đại đều có những tác phẩm kinh điển nói về căn bệnh này, tiêu biểu như Otenlo của Shakespeare. Ở Việt Nam, tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến cũng có những lớp đánh ghen bi hài như “mụ huyện đánh ghen”; hay trong chèo cổ Chu Mãi Thần cũng có lớp đánh ghen Tuần Ty - Đào Huế... nhưng không đặc sắc như tuồng Liệu đố của Nguyễn Diêu.
Đi theo hướng đó, sau này Nguyễn Hiển Dĩnh cũng chọn đề tài thế sự làm đối tượng phản ánh với bút pháp sắc sảo, châm biếm như các vở Trương Đồ Nhục, Võ Hùng vương,… Như vậy, với việc lấy hiện thực cuộc sống của con người làm đối tượng phản ánh, Nguyễn Diêu là một trong những người đầu tiên cách tân tuồng cổ về mặt đề tài, nội dung tư tưởng.
Đào Tấn vốn là một đại quan của triều Nguyễn nên cảm hứng nghệ thuật của ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của đời sống cung đình, đặc biệt là dấu ấn tư tưởng và đề tài “quân quốc”. Đề tài “quân quốc” là mảng đề tài lớn nhất trong tuồng cổ. Nội dung các tuồng bản này đều xoay quanh cuộc đấu tranh giữa hai phe trung nịnh, xoay quanh chiếc ngai vàng phong kiến. Thông qua nội dung của tuồng, hai vấn đề “vua” và “nước” được đặt ra. Mở đầu thường là sự kiện “vua băng, nịnh tiếm” nghĩa là cả “quân” và “quốc” đều bị đặt trong tình trạng lâm nguy. Tuy nhiên một số tuồng bản của Đào Tấn dường như không đi theo mô típ này. Bắt đầu mỗi tác phẩm của ông, xã hội phong kiến vốn đã hiện nguyên tình trạng suy vong, thối nát của nó, ông cắt nghĩa sự thối nát đó nằm ngay trong nội tại của triều đình phong kiến chứ không phải do bất kì thế lực nào xâm hại. Trong Trầm Hương các và Hoàng Phi Hổ
quá Giới Bài quan, mâu thuẫn bắt nguồn chính trong sự hủ bại của Thương triều, bởi bản chất tha hóa của vua dẫn đến sự diệt vong của đất nước. Trong Diễn võ đình, Hộ sinh đàn, sự đổ vỡ của vương triều phong kiến bắt nguồn từ tranh quyền đoạt lợi giữa các thế lực phong kiến. Vấn đề cứu vua, cứu nước không được đề cập đến mà tác phẩm xoay quanh những bi kịch của con người trong thời đại, đó là bi kịch“tài cao, phận thấp, chí khí uất” như Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương,…; bi kịch tình yêu và hôn nhân gia đình như Hoàng Phi Hổ - Giản Thị, Triệu Khánh Sanh - Kiều Quang,... Như vậy, vấn đề “trung quân ái quốc” không còn là vấn đề chính trong một số kịch bản tuồng của Đào Tấn. Cảm hứng chủ đạo xoay quanh “quốc sự” chuyển sang cảm hứng chủ đạo xoay quanh “thế sự”. Mặt khác, với sự chuyển biến về đề tài và nội dung phản ánh, Đào Tấn đã đi sâu vào lý giải nguyên nhân suy thoái của Nho giáo là từ mâu thuẫn trong bản chất nội tại và sự lỗi thời, lạc hậu, bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử chứ không hẳn là do yếu tố ngoại lai tác động.
Khảo sát các kịch bản tuồng Tân Dã đồn, Cổ Thành, Hộ sinh đàn, Diễn võ đình, Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, có thể thấy rõ các tác phẩm này ít phản ánh chuyện cung đình hay vấn đề “quốc sự” “quốc biến”, cũng ít đặt ra những vấn đề quân quốc mà thường nêu nên những vấn đề thế sự, thế thái nhân tình, đạo lý con người. Sự suy sụp của chế độ phong kiến thường bắt đầu và kéo theo sự đổ vỡ và đảo lộn về cương thường, đạo lý. Khi mối quan hệ “quân - quốc” bị rạn nứt, sự thống nhất giữa hai khái niệm đó chỉ còn làn niềm mơ ước, lý tưởng của tầng lớp quan lại, sĩ phu phong kiến. Đào Tấn chuyển sự quan tâm sang những vấn đề có tính chất thế sự : tình nghĩa anh em, tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa… Do đó, vấn đề thế sự nổi lên như cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của ông. Nhận xét về tuồng của Mộng Mai, Tất Thắng viết “Ở một số vở tuồng xuất sắc của Đào Tấn, chủ đề trung quân, cái chủ đề vốn có sức sống mãnh liệt trong tuồng cổ, nhất là ở một số vở tuồng thầy như “Tam nữ đồ vương”, “Sơn Hậu”… không còn là chủ đề chúa tể nữa… Trong những vở tuồng được sáng tác vào cuối đời của Đào Tấn, nhân vật vua xuất hiện ít dần và hễ xuất hiện là những ông vua bạc nhược, thối nát, dâm dục, đốn mạt… kiểu như Trụ vương. Thế giới quan lại triều đình đã được tái hiện trong tuồng Đào Tấn như một thế giới ma quỷ lộn người, thế giới hỗn loạn đến kinh thường, khi mà mọi luân thường đạo lý đều bị đảo ngược hoặc bị đưa ra để bôi nhọ” [99, tr.257].
Có thể thấy, trong một số tuồng bản của Đào Tấn, đề tài “quân quốc”, hình ảnh thiên tử và đạo trung quân đã có sự chuyển biến rõ rệt. Dấu vết của cái gọi là đề tài “quân quốc” còn khá mờ nhạt trong tuồng Đào Tấn nếu ta xét đề tài từ góc độ con người, nhân vật. Ngược lại, những mối quan hệ tình đời, lòng nhân ái giữa con người được đề cập đến nhiều hơn. Giã biệt đề tài “quân quốc”, ông có công mở rộng nội dung diễn tả cho tuồng.
Bây giờ hiện thực tuồng phản ánh không bị giam hãm trong cung vua, phủ chúa với những con người luôn bị hút vào những cuộc huyết chiến sinh tử xoay quanh một dòng dõi trị vì mà đã cất cánh bay xa tỏa ra nhiều miền, nhiều nẻo của hiện thực cuộc sống của người dân ngoài đời với nhiều loại người. Đó là cách mà Đào công đưa tuồng từ cung đình đến với dân gian và bình dân hóa một loại hình nghệ thuật bác học.
Đặt tuồng của Đào Tấn vào dòng chảy chung của văn học Việt Nam trung cận đại, có thể thấy sự suy thoái ý thức hệ Nho giáo được phản ánh trong các tác phẩm của ông hoàn toàn phù hợp với quy luật vận động của văn học và thời đại. Nghiên cứu văn học tuồng nói chung và tác giả Đào Tấn nói riêng góp phần làm sáng rõ thêm đặc trưng tư tưởng của văn học Việt Nam trong giai đoạn này.
3.1.2. Dấu ấn của Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian
Trong lịch sử tư tưởng thời trung đại, Nho - Phật - Đạo đã từng tồn tại bên nhau và không loại trừ nhau. Vai trò của các hệ tư tưởng này có vị trí khác nhau trong từng thời kì lịch sử, thậm chí có thời đại còn hòa quyện và thống nhất với nhau “tam giáo đồng nguyên”. Ra đời và phát triển trong lòng xã hội phong kiến, tuồng chịu sự chi phối sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo. Vì vậy ảnh hưởng của Đạo gia, hiểu theo tư tưởng Lão - Trang, đối với tuồng quân quốc nói chung là mờ nhạt, ảnh hưởng của đạo Phật cũng không nhiều. Trong tuồng cổ xuất hiện cảnh chùa chiền và hình bóng các nhà tu hành hoặc một vài mô típ quy y cửa Phật nhưng đó chỉ là những hình ảnh thấp thoáng, không trở thành hệ thống tư tưởng chi phối nội dung của tác phẩm.
Tuy nhiên đến Đào Tấn, với sự ảnh hưởng của bản sắc văn hóa nhiều vùng miền nơi ông từng sinh sống và sự nhạt dần của ý thức hệ Nho giáo khiến tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian có dấu ấn khá rõ nét trong các sáng tác của ông.
Mặc dù chỉ “lánh trần” đi tu tại chùa Núi Ông (Linh Phong tự) hơn hai năm nhưng cũng khiến Đào Tấn giác ngộ ra nhiều điều về thế giới và nhân sinh. Để sau đó, trở lại con đường quan lộ, lẽ ứng xử, hành tàng của ông thiên về ôn nhu, hài hòa chứ không cực đoan và bảo thủ như những nhà Nho theo khuynh hướng thủ cựu thời bấy giờ. Lẽ ứng xử đó cũng đi vào tuồng qua cách tổ chức và giải quyết các xung đột trong tuồng. Không giống như tuồng cổ, xung đột phải bạo liệt, phải đẩy con người chọn lựa giữa cái chung và cái riêng, tuồng của Đào Tấn không có xung đột kịch liệt nào lớn chi phối toàn bộ tác phẩm mà ông chia lẻ xung đột vào các cảnh huống. Mỗi cảnh huống như một thử thách mà khi vượt qua được nó con người ngộ ra được nhiều điều. Một vở tuồng gồm nhiều cảnh huống chứa đựng những ý nghĩa ngụ ngôn, dăn dạy con người về đạo đức và lẽ ứng xử nhân sinh. Cách tổ chức xung đột kiểu này giống như sự giác ngộ chân lý qua những câu chuyện nhỏ của Phật giáo. Thế giới vô thường đều tuân
theo quy luật sinh - trụ - dị - diệt và con người cũng bị chi phối bởi quy luật đó. Khi đối mặt với bế tắc, Phật giáo giúp nhân vật của Đào Tấn được giải thoát. Vì thế, khi Tú Hà (Hộ sinh đàn), Đát Kỷ (Trầm Hương các), Giả thị (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) chết đi, linh hồn đều được Phật đón về cõi Tây Phương để siêu sinh, tịnh độ. Cách biện giải số phận của con người và giải quyết bi kịch nhân sinh trong tuồng Đào Tấn mang đậm màu sắc Phật giáo.
Quan hệ nguyên nhân – kết quả là thành tựu triết học của nhân loại xuất hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới và được định danh bằng những tên gọi khác nhau. Đối với Phật giáo quan hệ này được khái quát trong triết lý nhân duyên. Đây cũng là tư tưởng phổ quát xuất hiện trong hầu hết các tuồng bản của Đào Tấn. Đa số cuộc đời các nhân vật trong tuồng của ông đều được lý giải theo triết lý này. Sự liên kết các số phận, các cảnh huống đều tùy duyên, tùy thời chứ không gượng ép. Tùy Duyên mà Triệu Khánh Sanh trên bước đường lưu lạc vào Vương phủ giả gái mà gặp Kiều Quang. Qua bao tháng ngày không ẩn nhẫn, vì một chút sơ ý thân phận bị phơi bày rồi thành thân với Kiều Quang là tùy thời. Sự vận động các tình tiết kịch trong tuồng Đào Tấn là thế, việc gì đến sẽ đến, tất cả đều tuân theo quy luật vô thường. Một biểu hiện nữa của triết lý nhân duyên là quan hệ Nhân - Quả với quan niệm “ở hiền gặp lành”, người thiện lương sẽ được trời giúp đỡ. Vì thế nên Tiết Cương mặc dù bị Tiết Nghĩa phản bội nhưng lại được Ngũ Hổ, Tần Hán cứu; Hoàng Phi Hổ lúc bị nguy nan được Giả Thị thác mộng báo tin. Đát Kỷ bị hồ ly chiếm xác được Phật Địa Tạng cứu giúp… Quan hệ Nhân - Quả, yêu cái thiện trở thành niềm tin và sức mạnh tinh thần chi phối hành động của các nhân vật. Mối quan hệ này không chỉ xuất hiện trong tuồng mà còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ tích. Nó trở thành bản năng, tiềm thức trong lẽ ứng xử, hành động và là niềm tin sống hướng thiện của mỗi con người.
Tư tưởng vô vi, triết lý Nhàn của Đạo giáo cũng có bóng dáng trong một số kịch bản tuồng của Đào Tấn ở giai đoạn sau. Nó thể hiện qua thái độ ứng xử của mỗi con người trước thời cuộc. Đó là lời tâm sự của ông bà chài (Tân Dã đồn) hay ước mơ của Lan Anh (Hộ sinh đàn).
Tân Dã đồn được ông viết khi mới 19 tuổi, độ tuổi mà sự trải nghiệm về cuộc đời và quan trường chưa nhiều. Quan điểm về cái “Nhàn” của Đào Tấn trong tác phẩm này mang màu sắc “sách vở” và thiên về triết lý “nhàn thân không nhàn tâm” như thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ XVI:
Ông Chài: Yên cảnh vẽ vời văn đại khối Giang hồ lai láng đất ngư ông
Bà Chài: Nước lên ròng mặc thế phập phồng Thuyền trôi nổi dầu ta thong thả
Ông Chài: Thong thả cười mây cợt nước
Một chữ nhàn nửa phước nửa duyên
Sau hơn 30 năm lăn lộn quan trường, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời và những biến chuyển lớn lao của thời đại, quan niệm về “Nhàn” trong Hộ sinh đàn lại mang màu sắc khác. Đó là cái “Nhàn” của sự hưởng thụ khi đến với cuộc sống tự do, cái nhàn thực sự khi được “cởi trói”, “giải thoát” để sống cuộc sống mà mình mong muốn:
(Thanh nhà trăng gió thú vô biên Một động đào hoa cõi trời riêng Hỏi mấy kiếp tu mà được thế Quần là, áo lượt đổi luân phiên) |
Có thể bạn quan tâm!
- Chính Sách Phát Triển Tuồng Của Nhà Nguyễn Và Diện Mạo Tuồng Qua Các Thời Kỳ
- Sự Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Các Vùng Miền
- Dấu Hiệu Suy Thoái Của Đạo“Tam Cương – Ngũ Thường”
- Từ Quan Niệm Về Con Người Đạo Lý Đến Hình Tượng Người Anh Hùng Trọng Nghĩa
- Quan Điểm Phát Triển Và Cái Nhìn Hiện Thực Về Con Người
- Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 13
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
Mượn lời nữ tướng cướp Lan Anh, Đào Tấn bày tỏ tâm sự, khát vọng của mình về một cuộc sống tiêu dao tự tại, một cõi thần tiên nơi con người được tự do sống theo đúng bản thể của mình. Có lẽ, sau những năm tháng ẩn nhẫn và u uất khi làm quan, đến gần cuối đời, Đào Tấn cũng có cơ hội bộc lộ tâm nguyện cả đời mình hằng ấp ủ. Và chỉ khi về với đất mẹ, Đào Tấn mới thực sự có “một cõi trời riêng” với “trăng gió vô biên” trên đỉnh núi Hoàng Mai.
Dấu ấn của tín ngưỡng dân gian trong tuồng Đào Tấn biểu hiện ở việc xuất hiện các nhân vật thần linh, niềm tin tín ngưỡng, các hiện tượng tâm linh - kỳ ảo. Đó là những chi tiết mang tiềm thức cộng đồng làm phong phú hơn cho thế giới tuồng Đào Tấn. Với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, coi vạn vật đều có linh hồn, hệ thống các thần xuất hiện trong tuồng Đào Tấn khá đa dạng: thần cây, thần hộ thai, thần ải, thần vòng, thần miếu, sơn thần, thổ thần, thủy thần, thần Đại sĩ… Bất cứ khi con người gặp phải chuyện gì cũng đều có một vị thần xuất hiện bảo trợ, giúp đỡ. Khi Tú Hà thắt cổ tự tử, liền thấy xuất hiện một vị Ải thần xinh đẹp như Hằng Nga tiên tử, suốt mấy trăm năm chỉ làm nhiệm vụ cầm vòng thừng trong tay, tra sổ Nam Tào để thắt cổ những người có duyên nợ. Ngay khi hồn lìa khỏi xác, Tú Hà được thần Đại sĩ dẫn đường tìm đến Địa Tạng vương. Trong Hộ sinh đàn, Lan Anh sinh nở giữa rừng được thần hộ thai giúp đỡ được mẹ tròn con vuông, rồi sơn thần lại giúp nàng báo tin cho Tiết Cương để vợ chồng đoàn tụ…
Hiện tượng hiện hồn xuất hiện khá nhiều trong tuồng Đào Tấn. Nó được bắt nguồn từ quan niệm trong tín ngưỡng dân gian về sự tồn tại của linh hồn. Linh hồn trong quan niệm của người Việt Nam có từ rất lâu đời, được dân gian ghi chép lại qua ca dao, tục ngữ như “ba hồn bảy vía”, “hồn lìa khỏi xác”, “hồn xiêu phách lạc”… Hay đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng đề cập đến chuyện linh hồn trong Truyện Kiều “Thác là thể phách, hồn là tinh anh”. “Nghĩa là cái chết chỉ là thể xác bên ngoài, còn linh hồn vẫn là thứ tồn tại mãi mãi. Như vậy, linh hồn là một khái niệm mơ hồ, nó tồn tại ở dạng vô hình trong suy nghĩ của con người”. Mặc
dù con người không biết nó là gì nhưng vẫn luôn tin rằng nó tồn tại với tên gọi dân gian quen thuộc là “hồn ma”. “Hồn ma có năng lực siêu nhiên, có suy nghĩ, tình cảm và hành động như con người khi còn sống, mặc dù ở thế giới khác hồn ma vẫn có thể giao tiếp với con người trong những hoàn cảnh nhất định, sự giao tiếp này được thực hiện qua hai con đường là hiện hồn (giao tiếp trực tiếp) và thác hồn (giao tiếp gián tiếp qua nhân vật thứ ba được ủy thác của hồn)”. Xuất phát từ quan niệm này, hiện tượng hiện hồn được Đào Tấn khai thác sử dụng khá thành công trong các tuồng bản của mình như Linh Tá hiện hồn cầm đèn soi đường cho Kim Lân và Thứ hậu thoát khỏi vòng vây quân thù trong lớp Đại chiến Kim Lân, hồn Linh Tá giải vây; Giả thị hiện hồn tâm sự với Hoàng Phi Hổ và báo tin cho chàng thoát khỏi nạn Trần Ngô trong lớp Hoàng Phi Hổ nằm miễu; hồn Đát Kỷ đau đớn khi bất ngờ gặp cảnh sinh ly tử biệt, đau đáu nỗi lo về song thân phụ mẫu khi nàng chết mà chưa tròn đạo hiếu:
Hồn: …Cố phục cù lao thâm luyến niệm
… Tử danh ly biệt khổ tư ta
Dấu ấn tín ngưỡng dân gian không chỉ là hiện thực đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc được khúc xạ, phản ánh vào mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đào Tấn. Ông luôn trăn trở tìm giải pháp giải thoát số phận con người bằng niềm tin tâm linh. Có thể người sống còn nhiều bế tắc và tuyệt vọng nhưng khi chết đi đều được thần linh che chở, được sống an nhiên ở cõi vĩnh hằng.
Như vậy, bên cạnh sự chi phối của ý thức hệ Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian cũng hiện diện trong tuồng Đào Tấn dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể thấy, kịch bản tuồng Đào Tấn được xây dựng trên mẫu số chung của nền văn hóa dân tộc linh hoạt, tổng hợp.
3.1.3. Tư tưởng yêu nước, đề cao chính nghĩa
Yêu nước là đạo lý cơ bản của truyền thống dân tộc. Theo Trần Văn Giàu, “tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Ở đây, bản chất Việt Nam biểu lộ đầy đủ và tập trung nhất, hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam” [56].
Yêu nước là một trong những cảm hứng chính trong văn học trung đại. Chủ nghĩa yêu nước tồn tại với những biểu hiện rõ nét, dưới nhiều cung bậc, màu vẻ khác nhau như khẳng định chủ quyền dân tộc trong Nam quốc sơn hà; lòng yêu nước căm thù giặc ngút trời của hào khí Đông A trong Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão); lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)… Yêu nước còn biểu hiện ở tình yêu thiên nhiên, gắn bó với quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương con người, khao khát hòa bình, ý thức trách nhiệm công dân…
Tuồng cổ lấy đề tài “quân quốc” làm trung tâm, vua đồng nhất với nước. Chính vì vậy lòng yêu nước biểu hiện trực tiếp trong tuồng cổ qua việc con người hy sinh tất cả để bảo vệ đất nước, bảo vệ vua và dòng dõi hoàng tộc. Tuồng Đào Tấn lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng phản ánh, hướng về cuộc sống thế sự đời thường nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là nỗi lòng trăn trở vì đất nước.
Ở Cổ Thành, lớp tuồng “Trương Phi uống rượu” là một trong những lớp tuồng hay và chứa đựng tâm sự thầm kín của Đào Tấn với thời đại và dân tộc. Mở đầu là cảnh Trương Phi ngồi uống rượu một mình giữa đêm khuya, nhớ về đại ca, nhị ca mà khổ tâm trong lòng:
Phi nghĩ, Phi giận cho nhị ca Phi Đầu! Đầu! Đầu! Đầu! Là đầu sao? Phi lại nghĩ thương cho đại ca Phi Khổ! Khổ! Khổ! Khổ! Khổ lắm ca à!
Trương Phi băn khoăn và đau lòng khi nghĩ đến Quan Vũ bội ước hàng Tào. Nửa tin, nửa ngờ, vừa tự thanh minh cho nhị ca, lại vừa hoang mang trước những thông tin nghe được và hiện thực phơi bày trước mắt. Chàng tự đặt ra những giả thiết:
Trương Phi: À, như nhị ca Phi đầu hàng Tào Tháo, ờ, hay là người quyền chăng?
Ừ, quyền phải, biến phải! Anh hùng cũng có khi quyền biến.
Nhưng mà Phi lại nghe tào Tháo nó hậu đãi nhị ca Phi: tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến, thượng mã đề ngân, hạ mã đề kim. Yến, ẩm, kim, ngân, yến, ẩm, kim, ngân ải ải.
Ở đây, chúng ta thấy rất rõ tư tưởng của Đào Tấn với thời cuộc qua câu tuồng “Anh hùng cũng có khi quyền biến” và dụng tâm chống thuyết “quyền biến giả, đầu hàng thật” của nhóm quan lại phản quốc đương thời, mà tiêu biểu là Tôn Thọ Tường ở trong Nam, Nguyễn Thân ở miền Trung và Hoàng Cao Khải ở miền Bắc. Đào Tấn thừa nhận thuyết quyền biến vì ông là bậc đại Nho. Nhưng ông chủ trương: Nếu thực sự là ngộ biến tùng quyền, thì không được hưởng sự đãi ngộ của giặc, không lập công cho giặc đàn áp giết hại đồng bào. Thông qua lời buộc tội gay gắt của Trương Phi với hành động tạm hàng của Quan công và lời thừa nhận hàng là ngu muội, sai lầm của Quan công, Đào Tấn gián tiếp lên án bè lũ tay sai bán nước trong triều đình Nguyễn thời bấy giờ. Qua lời thừa nhận sai lầm của Quan Vũ, phải chăng Đào Tấn cũng đang tự thừa nhận, tự sám hối với chính mình cho dù là ông có quyền biến thật thì vẫn là một sai lầm lớn khi hơn 30 năm ông nhúng thân trong “chốn bụi lầm”.
Trong tuồng Đào Tấn, ta thường thấy toát lên tình cảm yêu nước u uất nghẹn ngào qua những câu thơ đầy ám ảnh về tương lai của đất nước, của dân tộc. Đó là tâm trạng của tráng sĩ Triệu Khánh Sanh (Diễn võ đình) một mình, một ngựa hát với non sông: