Những Nghiên Cứu Trên Phương Diện Nghệ Thuật Biểu Diễn (Sân Khấu)


Thứ hai, Đào Tấn là một “ông quan tuồng”. Cả cuộc đời ông dành để sống và cống hiến cho nghệ thuật tuồng. Hoàng Chương nhận định“Trong suốt cuộc đời làm quan 10 năm ở Nghệ Tĩnh, 19 năm ở kinh đô Huế, nhiều năm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sài Gòn, Gia Định... nhưng Đào Tấn vẫn không rời cây bút với sân khấu tuồng hát bội” [32, tr.14]. Tìm hiểu về cuộc đời Đào Tấn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tuồng là bệ phóng để ông đến với con đường quan lộ, ông thăng quan tiến chức cũng nhờ tuồng. Đối với Đào Tấn, “Làm quan chỉ là cái xác, làm thơ, làm tuồng mới là cái hồn, trước sau Đào Tấn chỉ là một ông quan tuồng... Khi đương chức cũng như khi hưu nhàn, ông đã dùng những bổng lộc của một đời làm quan để làm tuồng” [32, tr.98].

Thứ ba, Đào Tấn có vị trí quan trọng trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Nghiên cứu về Đào Tấn, các học giả tiếp cận ông ở nhiều vai trò khác nhau như nhà chính trị, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà đạo diễn, nhà lý luận sân khấu, diễn viên, nghệ sĩ... Ở bất cứ vai trò nào, ông cũng đều có những đóng góp và cống hiến lớn cho dân tộc: “Đào Tấn là ngôi sao sáng chói cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX về thơ, từ và kịch bản tuồng. Đào Tấn còn là nhà đạo diễn mẫu mực, nhà lý luận sân khấu sắc sảo. Ngành tuồng đã suy tôn Đào Tấn là “Hậu tổ”. Từ điển văn học đã ghi tên Đào Tấn như một danh nhân vào loại tiêu biểu nhất của văn hóa dân tộc. Tên tuổi của Đào Tấn không còn bó hẹp trong nước mà đang có tiếng vang rộng trên thế giới” [32, tr.18]. Ngưỡng mộ con người và sự nghiệp “Hậu tổ tuồng”, nhiều nhà nghiên cứu đã dùng không ít những mĩ từ để ca ngợi tầm vóc của ông: “Đào Tấn là một chính khách yêu nước, thương dân, một vị quan liêm khiết, cương trực, một nhà thơ kiệt xuất, một nhà hoạt động sân khấu lỗi lạc... Đào Tấn là một nhà văn hóa vĩ đại của đất nước cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX” [32, tr.119]. Hay “Đào Tấn là một nhà thơ, nhà soạn tuồng, nhà lý luận sân khấu dân tộc đầy tài năng và tâm huyết...” [32, tr.195]. Như vậy, những cống hiến nghệ thuật của Đào Tấn đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định và ghi nhận.

Trong rất nhiều lĩnh vực, các học giả khẳng định thành tựu lớn nhất của Đào Tấn là sự hoàn thiện và cách tân nghệ thuật tuồng. Văn Sử cho rằng:“Đào Tấn góp phần to lớn đưa nghệ thuật sân khấu dân tộc lên một đỉnh cao mới” [32, tr.195]. Đồng quan điểm đó, còn có nhiều học giả khác như Mịch Quang, Hoàng Chương, Mạc Như Tòng, Vũ Ngọc Liễn, Nguyễn Tất Thắng...: “Đào Tấn, bậc hậu tổ của nghệ thuật tuồng, một quốc bảo của văn hóa dân tộc, người đã đưa nghệ thuật tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, người đã sáng tạo nên những kiệt tác sân khấu”[32, tr.96]; và “Vị trí của Đào Tấn rất lớn trong toàn bộ sự nghiệp phát triển sân khấu dân tộc”. Mặt khác “Ông đã tạo ra một bước ngoặt, một đỉnh cao của văn học tuồng” [32, tr.26]. Hơn thế “Ông còn có công chấn hưng nền sân


khấu tuồng hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Đồng thời, ông đã đào tạo một lực lượng nghệ sĩ tuồng có tài năng và có ảnh hưởng trong phạm vi cả nước” [99, tr.130].

Bên cạnh xu thế khẳng định, ngợi ca Đào Tấn, một số tác giả đưa ra một vài vấn đề còn hoài nghi về cuộc đời và các sáng tác của Đào Tấn như Nguyễn Huệ Chi [24], Trần Văn Tích [253], Cao Tự Thanh [216], Phạm Văn Ánh [3]. Những nghi vấn các nhà nghiên cứu trên nêu ra chủ yếu xoay quanh vấn đề văn bản thơ, từ và lý luận sân khấu của Đào Tấn do người đời sau chép lục không chính xác mà thành. Vì vậy, khi nghiên cứu Đào Tấn hay bất kỳ tác giả trung đại nào khác, việc khảo cứu văn bản là hết sức cần thiết và phải được tiến hành cẩn trọng.

Như vậy, có thể thấy, Đào Tấn là một trong những tác gia tuồng được quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện. Mặc dù về cuộc đời, sự nghiệp của ông cho đến nay còn nhiều điều chưa được sáng tỏ nhưng cũng không thể phủ nhận những đóng góp của Mộng Mai cho nghệ thuật tuồng. Do vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu về Đào Tấn là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Hơn nữa, mỗi kịch bản tuồng đều là “đứa con tinh thần” được thai ghén trong mỗi giai đoạn cuộc đời Đào Tấn. Thông qua các tư liệu về tiểu sử, sự nghiệp, chúng ta sẽ có những nhận định công tâm và khách quan hơn cho những tác phẩm của ông.

1.2.3. Những nghiên cứu về thơ và từ của Đào Tấn

Cùng với tuồng, thơ và từ cũng là mảng di sản văn học đặc sắc của Đào Tấn được nhiều học giả quan tâm. “Nghiên cứu thơ và từ của ông, các học giả Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi; các nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Thanh Thảo và nhiều học giả, nhà thơ nổi tiếng nhiều thế hệ đều coi Đào Tấn là một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam” [32, tr.96]. Thơ và từ được coi như “nhật ký tâm hồn” của Mộng Mai. Trong đó chứa đựng những “nỗi lòng thầm kín” của cụ Đào Tấn (Vũ Thanh) [220]. Đó là những suy tư của một nhà Nho “ưu thời mẫn thế” (Trường Lưu) [32, tr.428-436], những tâm sự u uất của một “đóa mai giữa chốn bụi lầm”(Nguyễn Thế Khoa) [32, tr.58- 62], bi kịch của người anh hùng với số phận “sóng vỗ ngọn tùng” (Xuân Diệu) [32, tr.377- 422] và cả một “cõi Phật”,“cõi Đạo” mang màu sắc riêng của Đào Tấn (Thanh Thảo) [32, tr.423-427]. Trong luận án Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn, Nguyễn Đình Thu đã khái quát các đặc điểm thơ và từ Đào Tấn trên các phương diện: hình tượng con người tác giả, không gian thời gian nghệ thuật và một số phương thức nghệ thuật trong thơ [247]. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề văn bản học của Mộng Mai từ lục vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Trần Nghĩa [149] và Phạm Văn Ánh [3], [4], [32, tr.471-486], nhiều bài thơ, từ trong Mộng Mai từ lục không phải do Đào Tấn sáng tác. Do vậy, nghiên cứu giá trị thơ và từ Đào Tấn cần phải thận trọng trong vấn đề văn bản.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.


Chúng tôi không đi sâu vào khảo sát lịch sử nghiên cứu thơ và từ Đào Tấn mà chỉ khái quát những nét cơ bản làm cơ sở so sánh, đối chiếu để giải mã những đặc điểm thơ trong tuồng cũng như đánh giá những giá trị ngôn ngữ văn chương tuồng của ông.

Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 4

1.2.4. Những nghiên cứu về tuồng của Đào Tấn

Tuồng là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều phương diện, trong đó có hai phương diện chính là kịch bản văn học và nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi sẽ khát quát các nghiên cứu về tuồng Đào Tấn trên hai phương diện này.

1.2.4.1. Những nghiên cứu trên phương diện nghệ thuật biểu diễn (sân khấu)

Được suy tôn là “Hậu tổ tuồng”, Đào Tấn trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sĩ, các nhà văn hóa, văn học, lý luận - phê bình sân khấu. Có thể kể đến các bài viết tiêu biểu như: Đào Tấn – niềm tự hào của nền ca kịch cổ điển truyền thống Việt Nam (Hồ Đắc Bích) [13], Từ cuộc đời nghệ thuật tuồng Đào Tấn [99, tr.161- 183]; Vị trí lịch sử Đào Tấn trong nền nghệ thuật sân khấu nước ta (Vũ Ngọc Liễn) [119, tr.310-323], Cần đánh giá đúng tinh hoa nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Phan Xuân Hoàng) [119, tr.497-504], Đào Tấn – nhà cách tân sân khấu tuồng (Hoàng Chương) [99, tr.386- 400]; Đặc điểm tinh hoa nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Hoàng Chương) [32, tr.203-217], Niềm vui lớn (Nguyễn Lai) [99, tr.422-425], Đào Tấn – Nhà giáo dục và sân khấu toàn năng (Nguyễn Thuyết Phong) [32, tr.175-182], Khai thác di sản văn hóa Đào Tấn [32, tr.183-190]; Sự tác động của nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Nguyễn Nam Khánh) [32, tr.191- 194], Trường phái nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Trường Lưu) [32, tr.218-224], Đào Tấn với sự nghiệp bảo tồn và phát triển tuồng ở Việt Nam (Bùi Hoàng Oanh) [32, tr.232-238], Về nghệ thuật biểu diễn tuồng hát bội của Đào Tấn (Nguyễn An Pha) [32, tr.247-255], Đào Tấn với âm nhạc tuồng (Nguyễn Gia Thiện) [32, tr.256-261], Tuồng Đào Tấn Bình Định với tuồng xứ Trầm Hương (Vũ Tiến Thêm) [32, tr.290-292]...

Có thể thấy, ở lĩnh vực sân khấu, Đào Tấn được nghiên cứu trên cả phương diện biên kịch, biểu diễn và lý luận sân khấu.

Về biên kịch, Đào Tấn được xem là một trong những nhà soạn tuồng xuất sắc nhất trong nghề tuồng. Theo Nguyễn Đức Lộc, nhờ có “sự đóng góp có giá trị của Đào Tấn trong phần kịch bản và nghệ thuật biểu diễn tuồng mà nhiều tác phẩm của ông hiện nay đang được lưu truyền trên sân khấu tuồng cả nước, làm rạng rỡ cho tên tuổi các bậc nghệ sĩ tuồng như cụ Nguyễn Nho Túy, cụ Chánh Tùng...” [99, tr.350]. Đánh giá về sự nghiệp tuồng của tác giả họ Đào, Mạc Như Tòng khái quát: “Về văn “tuyệt diệu hảo từ” về nghệ thì “dương xuân bạch tuyết” nghĩa là văn quá hay, nghệ quá cao”. Chính Đào Tấn đã tạo nên một “thời kỳ toàn thịnh của nghệ thuật hát bội Bình Định” [99, tr.116].


Về nghệ thuật biểu diễn và dàn dựng, Đào Tấn được biết đến là một “nghệ sĩ tuồng toàn năng”. Ông không chỉ có khả năng biên kịch xuất sắc mà còn am hiểu về âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất tuồng. Ông cũng là người đầu tiên tổ chức huấn luyện, đào tạo tuồng một cách bài bản với việc sáng lập ra Học Bộ đình, xây dựng nhà hát Như Thị quan, “Ông đã dạy hát, dạy múa, dạy biểu diễn. Những nghệ nhân bậc thầy của Bình Định ngày xưa Bát Phàn, Đội Hiệp, Cửu Khi, Cai Tâm, Cai Tư.. đều là học trò của Đào Tấn. Chẳng những dạy nghề mà ông còn dựng vở. Như thế là ông đã làm cả chức năng sáng tác, chỉ đạo nghệ thuật và biểu diễn” [99, tr.85]. Hơn nữa Đào Tấn còn là một “nhà cách tân sân khấu tuồng”[99, tr.87]. Ngoài những cách tân về kịch bản, múa, hát, diễn xuất... ông còn đưa ra những ý tưởng táo bạo về thay đổi không gian biểu diễn tuồng bằng việc xây dựng sân khấu điền dã, đưa tuồng vào cuộc sống “làm cho sân khấu tuồng càng được mở rộng tính quần chúng” [99, tr.90].

Về lý luận sân khấu, với tập Hý trường tùy bút và các câu đối, thư tịch, Đào Tấn đã đưa ra một hệ thống quan điểm mỹ học toàn diện về nghệ thuật tuồng. Tìm hiểu câu đối treo ở nhà hát Như Thị quan, Mịch Quang nhận xét:“Quan điểm mỹ học sân khấu của ông gồm hai ý: ý thứ nhất, ông muốn nêu chức năng giải trí của nghệ thuật, giải trí ngay cả cho người làm nghề. Ý thứ hai, ông khẳng định bản chất giả của sân khấu, nhưng lại lấy triết lý của nhà Phật làm chỗ dựa: việc đời đã như hý trường rồi, nghĩa là bản thân đời cũng là giả rồi, thế sao ta đang ở trong cái cõi giả ấy mà lại cười sân khấu là không thực...”[99, tr.85]. Nói về Hý trường tùy bút, hiện nay có hai nhóm quan điểm đối lập nhau về công trình này. Nhóm thứ nhất ghi nhận Hý trường tùy bút là của Đào Tấn và khẳng định giá trị của tập tiểu luận. Tiêu biểu là Trường Lưu [32, tr.218-224], Trung Đông [47]. Đặc biệt là Hoàng Trinh với bài viết Mấy thu hoạch sau khi đọc Hý trường tùy bút của Đào Tấn1. Tác giả thể hiện sự “kinh ngạc” và “khâm phục” trước những “quan điểm tiến bộ, rất mới so với thời đại” của “nhà lý luận sân khấu” Đào Tấn. Nhà nghiên cứu nhận định “Đào Tấn đã vượt qua khỏi những khuôn khổ hạn chế của thời đại mình, đề xướng những quan điểm gắn bó sự sáng tạo trong sân khấu với đời sống, với nhân dân, với khoa học” [202]. Trong Hý trường tùy bút, “ý kiến của Đào Tấn về sân khấu tuồng có tính chất tương đối toàn diện. Ông đề cập đến lịch sử phát triển của tuồng, bản chất của tuồng với tư cách là một thể loại nghệ thuật, vấn đề hư cấu, xây dựng nhân vật và phản ánh chân thực lịch sử, những phép tắc biên soạn kịch bản và nghệ thuật diễn xuất trong tuồng, những vấn đề kế thừa và cải biên, sáng tạo cái mới... Ông cũng rất chú ý đến vốn sống, vốn kiến thức, vốn cảm xúc và đạo đức của nhà soạn kịch và người diễn viên.”[202]. Ngược lại, nhóm thứ hai cho đây là một “ngụy thư” được người đời sau biên soạn lại một cách vụng về và gán cho Đào Tấn. Tiêu biểu là bài viết Những nghi vấn chung quanh “Hý trường tùy bút” (Hồ



1 Bài viết của Hoàng Trinh in lần đầu trong phần giới thiệu của cuốn Hý trường tùy bút [202]


Ngọc) [150]. Để giải quyết vấn đề này, ngay sau đó, hội nghị giám định Hý trường tùy bút được tổ chức ở Viện Văn học do nhà thơ Hoàng Trung Thông (Viện trưởng) chủ trì. Hội nghị đã ghi nhận công trình trên về cơ bản là tập lý luận phê bình sân khấu của Đào Tấn2. Tuy nhiên, đến năm 2004, Nguyễn Huệ Chi tiếp tục đưa ra các điểm còn nghi vấn về tác phẩm này trong bài viết Thật giả của “Hý trường tùy bút” [24]. Trên cơ sở đó, Trần Văn Tích cũng đưa ra nhiều lập luận để khẳng định“Tập “Hý trường tùy bút” mà trong nước hiện có, có khá nhiều phần bị lẫn lộn với văn bản hý khúc Trung Hoa qua nhiều thời đại. Hay nói cách khác, có người đã chép lại những sách của người Tàu để gán ghép cho Đào Tấn không cần kể gì đúng sai, không cần gì đến hậu quả” [253]. Đồng quan điểm với hai học giả này, Vũ Ngọc Liễn trong bài viết 30 năm một chặng đường nghiên cứu Đào Tấn xác nhận những tư liệu mà Nguyễn Thế Triết đưa ra còn nhiều điểm chưa đáng tin cậy, vì vậy ông không sử dụng nó trong các nghiên cứu của mình [120]. Như vậy, cho đến nay, nguồn gốc của Hý trường tùy bút vẫn còn là vấn đề chưa thống nhất trong học giới. Chúng tôi nhận thấy, tác phẩm này gồm hai phần: phần I - Hý trường tùy bút được cho là do Đào Tấn viết, gồm 30 đoạn văn khác nhau đánh số từ 1 đến 30. Mỗi đoạn ngắn, dài khác nhau nói về một vấn đề. Đây là phần còn chứa đựng nhiều tồn nghi về văn bản. Phần thứ II - Câu chuyện nghệ thuật với ông Đào (trích trong Mộ Chân sơn nhân thi văn từ tập của Nguyễn Bá Huân và Vân Sơn tạp bút của Nguyễn Trọng Trì). Phần này cũng gồm những đoạn văn ngắn có đánh số như ở phần trên ghi chép lại những câu nói của Đào Tấn khi dạy diễn tuồng. Tư liệu đưa ra ở Phần II chân thực và đáng tin cậy hơn và một vài mẩu chuyện được Quách Tấn, Quách Dao sử dụng lại trong cuốn Đào Tấn và Hát bội Bình Định [214]. Vì vậy chúng tôi sử dụng một số tư liệu ở phần này khi phân tích các luận điểm về quan niệm nghệ thuật của ông. Mặt khác, bằng chính những sáng tác tuồng của mình, Đào Tấn đã đưa ra hệ thống quan điểm về lý luận sân khấu một cách rõ ràng nhất. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, luận án sẽ làm rõ hơn vấn đề này ở phần nội dung.

Như vậy có thể thấy, Đào Tấn am tường sâu sắc tất cả các phương diện của nghệ thuật tuồng, một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, là mẫu số chung của nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, vũ đạo, hóa trang, dàn dựng... Nếu thiếu bất kỳ yếu tố nào cũng không thể làm nên một “Hậu tổ tuồng”. Khảo sát những nghiên cứu về Đào Tấn trên phương diện sân khấu tuồng cho chúng ta một cái nhìn bao quát, tổng thể để có thể đánh giá vị trí, vai trò của kịch bản tuồng trong nghệ thuật biểu diễn tuồng nhằm đưa ra những nhận định xác đáng nhất về giá trị kịch bản tuồng của ông.



2 Năm 1981, sau khi có những ý kiến khác nhau về Hý trường tùy bút, một hội nghị giám định về Hý trường tùy bút gồm nhiều nhà nghiên cứu được tổ chức tại Viện Văn học do nhà thơ Hoàng Trung Thông, Viện trưởng chủ trì. Hội nghị đã đi đến kết luận: Nội dung cơ bản của “Hý trường tùy bút” là của Đào Tấn, còn chỗ nào chưa rõ, do người ghi chép, trích dẫn chưa chính xác thì nên bóc tách ra hoặc tiếp tục giám định làm rõ, không vì một số “hạt sạn” mà phủ định hoàn toàn tập sách này. [33, tr.7-8]


1.2.4.2. Những nghiên cứu về kịch bản tuồng của Đào Tấn

Nhìn nhận kịch bản tuồng như một bộ phận của nghệ thuật tuồng, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết để khai thác các giá trị trên bình diện văn học của tuồng Đào Tấn. Có thể kể đến những nghiên cứu tiêu biểu như: Tuồng và Đào Tấn (Lưu Trọng Lư) [132], Đào Tấn qua thơ, từ và kịch bản tuồng (Hồ Đắc Bích) [99, tr.161-183], Thử tìm hiểu Đào Tấn qua một số kịch bản tuồng tiêu biểu (Trần Văn Thận) [99, tr.184-231], Sức sống của kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Đức Lộc) [119, tr.505-518], Vài suy nghĩ về cách viết văn tuồng của Đào Tấn (Tống Phước Phổ) [99, tr.367-385], Tác phẩm Đào Tấn và không gian liên văn hóa (Hồ Sĩ Vịnh) [32, tr.135-143], Quan điểm “Đạo” trong mối quan hệ thi pháp Đào Tấn (Trường Lưu) [32, tr.144-152], Đào Tấn – Sự từ bỏ một đề tài (Nguyễn Tất Thắng) [32, tr.159-174], Dấu ấn thời đại trong tuồng Đào Tấn (Văn Sử) [32, tr.195-202], Thi pháp kết cấu kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Khoa Linh) [32, tr.239-246], Kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Thế Khoa) [32, tr.303-377], Tuồng Đào Tấn hay nhờ có thơ hay (Hoàng Bích Ngọc) [32, tr.445-451]...

Tiếp cận kịch bản tuồng như một thể loại văn học, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kiến thức lý luận văn học làm công cụ để tiếp cận phân tích, tìm hiểu các giá trị của kịch bản tuồng Đào Tấn. Do số lượng các bài nghiên cứu nhiều và phân tán về nội dung, chúng tôi khái quát lịch sử nghiên cứu kịch bản tuồng thành ba nhóm: vấn đề văn bản, vấn đề nội dung và vấn đề nghệ thuật. Sự khái quát này chỉ mang tính tương đối, dựa vào cảm quan tổng hợp, phân tích tài liệu của tác giả và phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu của luận án.

Vấn đề văn bản: Có thể nói, văn bản tuồng của Đào Tấn là vấn đề khá phức tạp trong học giới hiện nay. Hầu hết những bản thảo gốc do ông sáng tác không còn, phần lớn văn bản tuồng hiện tồn của Đào công được người đời sau dựa theo trí nhớ chép lại. Trong nhiều năm nay, các nhà sưu tầm và nghiên cứu đã dành nhiều công sức để tìm kiếm, đối chiếu, hiệu đính nhằm tìm ra văn bản chính xác nhất của “Trạng nguyên văn tuồng”. Việc sưu tầm các kịch bản tuồng của ông được thực hiện từ đầu thế kỉ XX bởi các nghệ sĩ, học trò của Đào Tấn, các nhà hát, đoàn nghệ thuật, học giả và những người say mê tuồng. Đối với 9 kịch bản tuồng trong phạm vi khảo sát của luận án, có 06 văn bản xác minh được nguồn gốc, đó là những vở tuồng do Đào Tấn sáng tác (Tân Dã đồn, Hộ sinh đàn, Diễn võ đình, Trầm Hương các, Cổ Thành, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan). Còn 03 văn bản do ông nhuận sắc và chỉnh sửa chưa có đủ căn cứ để xác minh nguồn gốc các văn bản này và phần sáng tạo của Đào Tấn ở trong đó (Sơn Hậu, Khuê các anh hùng, Đào Phi Phụng). Luận án chủ yếu sử dụng 6 văn bản do Đào Tấn sáng tác để khảo sát, trích dẫn ngữ liệu và đưa ra các nhận định, 3 văn bản còn lại được dùng để tham khảo, đối chiếu nhằm làm sáng rõ một số vấn đề nội dung và nghệ thuật trong tuồng Đào Tấn.

Tuồng là một loại hình sân khấu, việc lưu hành chủ yếu qua phương thức diễn xướng và truyền miệng. Vì vậy một tác phẩm có thể tồn tại rất nhiều dị bản khác nhau.


Qua việc khảo sát vấn đề văn bản trong các công trình Thư mục tư liệu Đào Tấn [115], Kịch bản tuồng Đào Tấn (2 tập) [203], Tuyển tập tuồng của Đào Tấn [205], Đào Tấn – tuồng hát bội [118], Đào Tấn – qua thư tịch [119], Sơ khảo văn bản tuồng hiện còn

[103] và đối chiếu với kết quả kiểm chứng nguồn tư liệu tại Thư viện tổng hợp tỉnh Bình Định, Tủ sách tư liệu nhà hát tuồng Đào Tấn; kết quả điền dã các khu vực phân bố, phát hiện ra các kịch bản tuồng của Đào Tấn; kết quả tìm hiểu từ người thân, gia đình, các nhà sưu tầm, nghiên cứu về Đào Tấn... chúng tôi khái quát vấn đề về nguồn gốc kịch bản tuồng của Đào Tấn trong Phụ lục số 4.3

Việc xác định nguồn gốc, lịch sử văn bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với luận án. Đó là cơ sở ngữ liệu gốc để thống kê, phân tích, viện dẫn và triển khai các nội dung của luận án.

Vấn đề nội dung: Kịch bản tuồng của Đào Tấn đã được nghiên cứu trên các phương diện: đề tài, nội dung, tư tưởng, hình tượng nhân vật, giá trị hiện thực, nhân đạo...

Về đề tài, nội dung, tư tưởng: Để chỉ ra đặc trưng chủ đề tư tưởng trong kịch bản tuồng của Đào Tấn, các nhà nghiên cứu đi theo hai hướng: thứ nhất là dùng tuồng cổ là đối tượng so sánh để chỉ ra những điểm đổi mới trong tư tưởng; thứ hai là đi vào phân tích cấu trúc nội tại của văn bản để chỉ ra những tầng ý nghĩa tư tưởng trong tác phẩm của ông.

Đại diện cho hướng nghiên cứu thứ nhất có thể kể đến các bài viết Cái lớn của Đào Tấn (Hoàng Châu Ký) [99, tr.360-366], Đào Tấn – nhà cách tân sân khấu tuồng (Hoàng Chương) [99, tr.386-400], Sức sống kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Đức Lộc) [99, tr.348-359], “Ra đi” như một phẩm chất nghệ thuật và như một dấu ấn tư tưởng của Đào Tấn (Phan Trọng Thưởng) [252]...; đặc biệt là hai bài viết Đào Tấn – sự từ bỏ một đề tài (Tất Thắng) [32, tr.159-174] và Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan – bước ngoặt tư tưởng của Đào Tấn (Vũ Ngọc Liễn) [99, tr.302-315]. Theo Tất Thắng: “Đào Tấn lớn ở chỗ chính ông đã phá vỡ đề tài quân quốc, cái đề tài từng đưa tuồng đến chỗ cực thịnh” [32, tr.166]. Ông dẫn chứng bằng sự thay đổi chủ đề từ Tam nữ đồ vương với những con người “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất chúa” sang Khuê các anh hùng ca ngợi những người phụ nữ anh hùng dũng cảm trọng nghĩa tình. Từ đó Tất Thắng kết luận “Đào Tấn đã nổ phát súng vào đề tài quân quốc và bắn chết tươi đạo trung quân mù quáng” [32, tr.168], đồng thời khẳng định “Phá vỡ đề tài quân quốc, Đào Tấn quả là một nhà cách tân táo bạo” [32, tr.172]. Tiếp nối ý tưởng đó, Vũ Ngọc Liễn dùng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan để chứng minh cho sự chuyển biến tư tưởng mạnh mẽ của Đào Tấn mà ông gọi là “bước ngoặt tư tưởng”. Tác phẩm này đã nêu lên một “bài học chống ngu trung... không chỉ có ý nghĩa thức tỉnh những người còn chưa thức tỉnh mà còn có tác dụng liên tưởng về cái tiến lên và cái lỗi thời của quá khứ, hiện tại và tương lai” [118, tr.59].



3 Giới thiệu 9 kịch bản tuồng của Đào Tấn trong phạm vi khảo sát của luận án, Phụ lục 4.


Đại diện cho hướng nghiên cứu thứ hai là những bài viết khai thác trực tiếp biểu hiện tư tưởng trong các kịch bản tuồng Đào Tấn như Thử nghĩ về cái đầu đề Hộ sinh đàn (Mịch Quang) [99, tr.248-256], Hộ sinh đàn - Tiếng nói của tư tưởng nhân đạo (Hồ Đắc Bích) [99, tr.272-286], Diễn võ đình - nỗi đau đời của Đào Tấn (Vũ Ngọc Liễn) [99, tr.329-340], Bi kịch trữ tình trong Diễn võ đình (Nguyễn Thị Minh Thái) [32, tr.271- 278], ... Các bài viết này đã phần nào chỉ ra đặc trưng tư tưởng trong từng kịch bản tuồng của Đào Tấn từ việc phân tích nhan đề và các chi tiết biểu hiện trong tác phẩm.

Mặc dù chưa có tác giả nào khái quát nên hệ thống tư tưởng trong tuồng Đào Tấn mà chỉ đi vào nội dung trong các tác phẩm riêng biệt nhưng các nghiên cứu của các học giả đi trước cho chúng tôi nhiều gợi mở và phát hiện mới về quá trình biến đổi nhận thức, tư tưởng của ông qua các thời kỳ.

Về hình tượng nhân vật: Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định, cũng như tuồng cổ, tuồng Đào Tấn là “sân khấu của những người anh hùng”. Hình tượng người anh hùng là hình tượng chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm của ông. Nguyễn Thế Khoa nhận định tuồng Đào Tấn là “Khúc tráng ca của những người anh hùng nước mất nhà tan” [32, tr.356]; những người anh hùng với lòng “yêu nước, chuộng nghĩa là động lực để hành động” [32, tr.357]; với họ “chiến công lớn nhất là thắng nỗi cô đơn bền lòng vững chí” [32, tr.360] và hình ảnh đẹp nhất là những người “anh hùng chân đất” [32, tr.362]. Bài viết Đào Tấn, người nghệ sĩ tuồng lớn của nghệ thuật tuồng (Tạp chí Sân khấu số 1/1978) khái quát: “Những tác phẩm của Đào Tấn đã để lại trong lòng quần chúng những điển hình nhân vật không phai mờ. Những điển hình về con người khẳng khái, bất khuất, không chịu đầu hàng trước những điều bất công, bất nghĩa; điển hình về người anh hùng biết đau, biết giận, biết hành động bất chấp gian nan. Tác phẩm của ông mang tính thời sự rõ rệt, tuy nói chuyện xưa nhưng chính là nói đến thời đại của ông”[115, tr.122]. Tiếp cận ở một góc độ khác, Phan Trọng Thưởng cho rằng: gắn với sự chuyển biến về tư tưởng xuất hiện kiểu nhân vật “ra đi” trong tuồng Đào Tấn [252]. Đây cũng là một biểu hiện khác của hình tượng người anh hùng. Nhìn chung, vì quá tập trung cho hình tượng người anh hùng nên những hình tượng khác thể hiện quan niệm mới của Đào Tấn về con người như hình tượng người phụ nữ, hình tượng người dân... chưa được các học giả nghiên cứu một cách sâu sắc.

Về giá trị hiện thực và nhân đạo: Các nhà nghiên cứu đều khẳng định giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc trong các kịch bản tuồng của Đào Tấn.

Trong bài viết Dấu ấn thời đại trong tuồng Đào Tấn, Văn Sử khẳng định tuồng Đào Tấn là bức tranh hiện thực giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Cụ thể hơn, Mịch Quang phân tích “Đáng chú ý nhất trong tư tưởng của Đào Tấn với thời cuộc là dụng tâm chống thuyết “quyền biến giả, đầu hàng thật của bọn nhà Nho, quan lại phản quốc đương thời mà đại biểu là Tôn Thọ Tường ở trong Nam, Nguyễn Thân ở miền Trung và Hoàng Cao Khải ở

Xem tất cả 263 trang.

Ngày đăng: 20/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí