Khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, Đào Chi Tiên, ái nữ của cụ Đào Tấn có cung cấp thêm mấy bản quốc ngữ, những bản quốc ngữ này so với bản Nôm nói trên có nhiều chỗ dị đồng; đồng ít, dị nhiều, nhất là về những câu nói lối. Văn nói lối trong bản Nôm phần nhiều thanh mỹ. Văn nói lối trong các bản quốc ngữ phần nhiều phác dã, có lắm câu văn lý không thông. Giữa mấy bản ấy so nhau cũng có nhiều dị biệt. Bản này có đoạn này không có đoạn kia, bản kia có đoạn kia không có đoạn này.
Ví dụ, bản của Đào Chi Tiên không có đoạn Lý Khắc Minh lấy giáo đâm vào vai để lấy cớ bị thương không theo được địch, mà các bản kia lại có. Các bản kia không có đoạn Xuân Hương cùng Khương Hoàn đưa Chánh hậu chạy về Khương quận tỵ nạn với những câu hát Nam thống thiết: "Vóc ngọc nghĩ thương nỗi chúa...", mà bản của Đào Chi Tiên lại có... thật không biết bản nào sao y nguyên bản, hay gần chính bản hơn hết! Có lẽ bản của Đào Tiên Chi không đúng với nguyên bản ban đầu mà chỉ chép theo trí nhớ.
Thầy tú Lâm Thúc Mậu vừa là một nhà Nho sành quốc văn, lại là một thầy tuồng có uy tín, nên có lẽ bản tuồng thầy tặng ông Hương Sơn nếu không đúng hẳn nguyên bản thì cũng gần nguyên bản hơn các bản quốc ngữ khác. Rất tiếc rằng sau khi thầy tú, ông Hương Sơn cùng các thân sĩ mộ điệu nói trên qua đời thì bản tuồng ấy cũng không còn.
Vũ Ngọc Liễn đã ra công chép lại theo các bản quốc ngữ ông mượn được. Nhưng sợ bị giảm hứng vì những câu nói lối dã lậu thô kịch, ông phải chỉnh lại phần nào. Những câu cần phải chỉnh lý kia chỉ là con đẻ của việc "tam sao" đó thôi. Còn những đoạn mà bản này hay bản kia thiếu đều là những đoạn ông nhớ kỹ trong bản Nôm do thầy tú Lâm chép đều có. Cho nên ông đem tất cả vào bản của ông. Do không tìm được văn bản gốc nên luận án sử dụng bản do Quách Tấn sưu tầm, khảo dị, Vũ Ngọc Liễn, Đỗ Văn Hỷ hiệu đính, chú thích.
4.2.2. Tóm tắt tác phẩm
Thiện Vương già yếu, bà Chính cung đang có thai, Thái sư Triệu Văn Hoán nhân cơ hội tiếm đoạt ngôi vua bèn họp bàn với hai con hắn là Bích Long và Tư Cung. Bích Long tán thành mưu đồ của cha, Tư Cung chống lại và bỏ đi tu.
Trên đường đến cửa Phật, Tư Cung gặp ông già Tạ Ngọc Lân. Hai người hiểu lòng nhau, hẹn khi đất nước gặp nạn sẽ cùng nhau giúp nước. Ông Lân vốn là một huân thần nhưng chống đối với Triệu Văn Hoán nên bỏ về quê cày ruộng. Ông có hai đứa con là Kim Hùng và Phương Cơ. Hùng ngỗ nghịch phản trắc theo Triệu Văn Hoán và được hắn tin dùng. Cơ tuy là gái nhưng dũng cảm, trung trực và khôn ngoan.
Vua băng hà, Triệu Văn Hoán họp bàn triều đình để tiếm ngôi vì chưa có Hoàng tử kế nghiệp. Nhưng tiên liệu trước điều đó, Thiện Vương đã để lại di chiếu ủy quyền nhiếp chính cho Chính cung. Văn Hoán lập mưu giả tên người khác viết thư và vu cho Chính cung tư thông rồi
Có thể bạn quan tâm!
- Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 21
- Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 22
- Một Số Hình Ảnh Tiêu Biểu Về Tuồng Của Đào Tấn
- Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 25
- Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 26
- Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 27
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
hạ ngục bà để tiếm ngôi. Xuân Hương là con gái của trung thần Khắc Minh cùng tỳ nữ là Bích Hà cùng xung phong đóng giả làm Chính cung ra pháp trường. Sau khi bàn bạc kỹ, Xuân Hương được giao nhiệm vụ đưa Chính cung chạy trốn, Bích Hà chết thay.
Phương Cơ giả dại lên kinh thành dò la tin tức, sau đó về báo lại cho cha biết. Ông Lân cùng Tư Cung lập mưu cứu Chính Hậu và cứu được Bích Hà. Khắc Minh giả bị thương để họ chạy trốn và bị hạ ngục. Nhóm trung thần hội ngộ tại Hồng Sơn và lập kế hoạch khôi phục triều đại cũ, Hoàng tử lúc này đã khôn lớn.
Nhiều cuộc giao tranh khốc liệt diễn ra ở Hồng Sơn, ông già Tạ Ngọc Lân phải lập mưu hy sinh bản thân mình vào trại của Kim Hùng, đốt trại và chết chung với hắn. Diệt được Kim Hùng, nghĩa quân toàn thắng, tiêu diệt kẻ địch tiến về kinh đô khôi phục lại triều đình cũ.
4.3. Đào Phi Phụng
4.3.1. Lịch sử văn bản
Đào Phi Phụng dài bốn hồi, là tuồng khuyết danh. Tương truyền Đào Tấn nhuận sắc khá mạnh tay ở hồi IV. Văn bản dùng để khảo sát có nguồn gốc từ bản diễn của các thế hệ nghệ sĩ hát bội Bình Định do cố nghệ sĩ ưu tú Phạm Hoàng Chinh sao chép, lưu giữ và được Vũ Ngọc Liễn sưu tầm in trong công trình Đào Tấn – tuồng hát bội.
4.3.2. Tóm tắt tác phẩm
Diệm Cửu Quỳ là một danh tướng, vâng lời vua đi dẹp giặc Bắc Nhung, trong khi Đào Phi Phụng đánh Liêu Đông. Có quân báo vương sứ đến. Diệm Cửu Quỳ mừng rỡ ra đón rồi thiết hương án cho sứ đọc chiếu vua. Chiếu báo vua mất, ngôi vua nhường cho Cát Thượng Nguyên. Diệm Cửu Quỳ nghe thế giận xé chiếu, giết sứ lệnh cho ba quân lấy máu sứ thần đề cờ phục quốc, rồi chuẩn bị sáng mai lên đường. Đêm đó, Diệm Cửu Quỳ uống rượu sốt ruột chờ đến sáng. Đào Phi Phụng và Liễu Nguyệt Tâm ngoài biên ải cũng đang mong tin vua. Bỗng Quỳnh Sơn vào báo anh ta về triều được viết Cát Thượng Nguyên đã đoạt ngôi và giết nhiều người trung liệt. Cha Đào Phi Phụng bị hạ ngục. Phi Phụng rất đau xót. Lúc đó có thư của Diệm Cửu Quỳ đề nghị cùng vợ chồng Phi Phụng khởi nghĩa.
Cát Thượng Lân vẽ hình Đào Phi Phụng dán khắp nơi. Đào Phi Phụng phải thay hình đổi dạng để vào triều đình cứu cha. Trên đường đi, trời tối, Phi Phụng vào ngủ trong miếu. Thấy Quan công mặt đỏ, râu dài. Phi Phụng ước được thay đổi hình dạng giống như Quan Vũ để đánh lừa quân giặc. Đêm đó trong lúc Đào Phi Phụng ngủ, Quan công thay Châu Xương tỉa râu cấy cho Đào Phi Phụng . Lúc tỉnh dậy thấy mình đã đổi khác, chàng lấy tên là Lý Vạn Chung để đi thi.
Cát Thượng Nguyên muốn giết Đào công, nhưng sợ Đào Phi Phụng trả thù. Có tin báo Cát Thượng Lân đi đánh Liễu Nguyệt Tâm thị thua cần tiếp viện. Thượng Nguyên định cử Cát Thượng Hùng đi, nhưng Lý Vạn Chung (tức Đào Phi Phụng) đề nghị giao Đào công cho chàng
treo trước hiên thành, Liễu Nguyệt Tâm nhìn thấy sẽ qui thuận. Cát Thượng Nguyên đồng ý. Lý Vạn Chung đón Đào công về nhà rồi đưa ra biên ải.
Có tin báo với Cát Thượng Lân là quân đã đến, hắn mừng rỡ ra đón quân của Lý Vạn Chung. Đúng lúc đó Liễu Nguyệt Tâm lại kéo quân đến đánh. Lý Vạn Chung ra trận. Liễu Nguyệt Tâm không nhận ra Lý Vạn Chung là Đào Phi Phụng nên nàng thách đánh. Liễu Nguyệt Tâm xông vào, Lý Vạn Chung bỏ chạy về thành và lệnh cho quân đưa Đào công lên mặt thành dọa đốt. Quỳnh Sơn nhận ra Đào công, Liễu Nguyệt Tâm lui binh nhưng Đào công không chịu. Lý Vạn Chung giả vờ cho người lấy thêm dầu làm Liễu Nguyệt Tâm rất lúng túng. Đào công “ép” nàng phải đánh, nếu không ông sẽ tự tử. Nguyệt Tâm đánh nhau với Vạn Chung. Chàng giả thua, bị Nguyệt Tâm đuổi đến chân núi. Lý Vạn Chung dừng lại, nói cho nàng biết chàng chính là Đào Phi Phụng. Lúc đầu Nguyệt Tâm không tin, sau nhờ những dấu vết trên người họ nhận ra nhau. Cát Thượng Lân không thấy Vạn Chung đánh Nguyệt Tâm nữa tưởng là chàng đã bắt được giặc, ra lệnh giải về triều. Đào công bấy giờ cũng nhận ra Đào Phi Phụng. Ông bảo con giết Cát Thượng Lân. Diệm Cửu Quỳ cũng giết được Cát Thượng Hùng. Họ kéo quân về triều đánh Cát Thượng Nguyên.
4.4. Sơn Hậu
4.4.1. Lịch sử văn bản
Cho đến nay, lai lịch của vở tuồng Sơn Hậu có nhiều nhận định khác nhau. Có ý kiến cho rằng Lê Văn Duyệt là tác giả gốc của Sơn Hậu, ý kiến khác lại cho rằng đây là sáng tác của Đào Duy Từ. Tuy nhiên các phán đoán này đều chưa có cơ sở khoa học. Nhiều tài liệu dựa vào bố cục kết cấu của Sơn Hậu cho rằng Đào Tấn nhuận sắc và chỉnh sửa lại tác phẩm này và dấu ấn để lại rõ nét nhất là hồi III.
Hiện nay trên cả nước lưu hành rất nhiều dị bản của Sơn Hậu và giữa các dị bản có sự dị biệt nhiều về ngôn ngữ, kết cấu. Vì vậy, cho đến nay, vấn đề văn bản sửa chữa tuồng Sơn Hậu của Đào Tấn vẫn chưa xác minh được chính xác.
4.4.2. Tóm tắt tác phẩm
Vua Tề già yếu, sắp qua đời, thái sư Tạ Thiên Lăng cùng anh em âm mưu chiếm ngôi, tống giam Phàn Thứ hậu đang có mang. Họ giết lão quan Lý Khắc Thường, trong khi đó võ tướng Khương Linh Tá giả hàng thái sư nhưng tìm cách cứu thái hậu. Bà Nguyệt Hạo (Nguyệt Kiểu) là chị cả của các anh em họ Tạ, vốn cũng là một cung phi của vua Tề, đau đớn vì các em mình phản bội, đã cùng thái giám Lê Tử Trình, Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá lập mưu cứu Thứ hậu và Hoàng tử mới sinh thoát khỏi ngục tối. Chuyện bại lộ, Tạ Thiên Lăng cho quân đuổi theo, Khương Linh Tá ở lại cản đường để Đổng Kim Lân đưa Thứ phi và Hoàng tử mới sinh chạy trốn. Khương Linh Tá chống không nổi quân Tạ Thiên Lăng và bị chém đứt đầu. Kim Lân bị lạc trong rừng, Linh Tá hiện lên thành ngọn đuốc đưa đường cho Kim Lân dẫn
Hoàng tử và Thứ phi về được đến thành Sơn Hậu. Đổng Kim Lân củng cố lực lượng và tiếp tục chiến đấu chống Tạ Thiên Lăng. Cánh thái sư cố thủ trong thành, Tạ Thiên Lăng bắt mẹ của Đổng Kim Lân làm con tin, nếu Kim Lân phá thành chúng sẽ giết mẹ ông. Nhờ sự giúp đỡ của Nguyệt Hạo (lúc này đang tu trong chùa), quân của Đổng Kim Lân đã đưa bà đổi lấy mẹ Kim Lân. Cuối cùng, quân Kim Lân chiến thắng. Tạ Ôn Đình, em Tạ Thiên Lăng bị hồn Khương Linh Tá hiện về chém chết, còn Tạ Thiên Lăng bị đuổi về quê. Hoàng tử lên ngôi vua.
4.5. Diễn võ đình
4.5.1. Lịch sử văn bản
Theo Đào Nhữ Tuyên (con thứ Đào Tấn) thì Diễn võ đình được sáng tác tại Nghệ An vào những năm 1889 – 1893 nghĩa là lúc Đào Tấn làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ nhất. Hiện nay các nhà nghiên cứu sưu tầm được bốn dị bản của Diễn võ đình như sau:
- Bản do nghệ sĩ Lê Bá Tùng sưu tầm năm 1958. Đây là bản phiên âm đánh máy trên giấy gió, có đầu đuôi khá trọn vẹn (chúng tôi tạm gọi là bản A).
- Bản phiên âm đánh máy của nhà sưu tầm Quách Tấn, văn bản cũng khá trọn vẹn và đầy đủ (chúng tôi tạm gọi là bản B).
- Ngoài ra còn có hai bản Hán Nôm tìm được ở Tuy Phước (Bình Định), nhưng cả hai đều mất đầu hoặc mất đuôi, một bản đoạn giữa rách mất vài tờ.
- Viện Sân khấu có sưu tầm được một bản Hán Nôm ở Huế.
Nhìn chung các văn bản hiện tìm được đều có kết cấu giống nhau, chỉ khác nhau đôi chút về ngôn ngữ văn học. Ví dụ như câu hát Nam của Triệu Khánh Sanh, bản A chép “Rừng thu gió thét ào ào (em) biết đâu”, bản B chép “Kìa cơn gió thét ào ào rừng thu”. Ở bản A có đoạn khấn của Triệu phu nhân trong lễ thành hôn của Khánh Sanh và Kiều Quang, nhưng bản B lại không có. Ở bản B có chép đoạn hát giao duyên của Kiều Quang và Khánh Sanh trong lễ bái đường nhưng bản A lại ghi “thiếu đoạn này”. Trong công tác khảo dị, nhóm nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sử dụng chủ yếu bản A và bản B làm bản gốc, bổ sung cho nhau. Hiện nay bản khảo dị, bản dịch và các dị bản nói trên đều được lưu giữ tại tủ sách nghiên cứu của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Văn bản luận án dùng để khảo sát là văn bản khảo dị nói trên được in trong công trình Đào Tấn – tuồng hát bội của Vũ Ngọc Liễn.
4.5.2. Tóm tắt tác phẩm
Ở Diễn võ đình, Đào Tấn chỉ mượn cái tên triều đại và một vài nhân vật có thực thời Bắc Tống như Bàng Hồng, Bao Công… làm bối cảnh xã hội để kết cấu chuyện kịch, còn toàn bộ nội dung chuyện kịch thì không thể tìm thấy trong sử sách thời Bắc Tống. Có chăng cũng chỉ có chút dáng dấp về sự kiện giết hại trung thần nghĩa sĩ cuối thời Triệu Khuông Dẫn và sau khi Triệu Khuông Dẫn bị cướp mất ngôi.
Triệu Khánh Sanh là nhân vật trung tâm của tác phẩm Diễn võ đình, một nạn nhân của xã hội đương thời. Theo tác giả, Triệu Khánh Sanh vốn dòng dõi Triệu Hàng vương, người có công khai sáng cơ nghiệp nhà Tống, “ngũ thế huân lao tam triều môn phiệt”. Nhưng vì vận nước đến hồi “thương tang biến dịch, thời cuộc chuyển di”, cái cơ nghiệp mà họ Triệu dày công xây đắp bị bọn gian thần chiếm đoạt, lộng hành, làm mục nát.
Dòng dõi họ Triệu chỉ còn lại một mình Triệu Khánh Sanh, bị bọn gian thần, tiêu biểu là Bàng Hồng và Trịnh Giải khép tội “nghịch mạng” truy lùng khắp nơi, bắt chàng để giết hại. Để tránh kẻ thù, Triệu Khánh Sanh phải giả gái lấy tên là Bích Đào đến ẩn thân tại nhà Vương Quý (quan đồng triều với cha Triệu Khánh Sanh, đã về hưu, ngày còn ở triều ông từng hứa gả con gái mình là Vương Kiều Quang cho Triệu Khánh Sanh). Vì tình cảnh éo le nên Triệu Khánh Sanh sống bên cạnh Vương Kiều Quang (vợ chưa cưới) với tư cách là hầu gái mà cả hai cha con Vương Quý đều không biết. Song “ai nào lấy thúng úp voi”. Khi Vương Quý dò biết được cô gái Bích Đào chính là Triệu Khánh Sanh rồi âm thầm thực hiện lời đính ước cũ thì cũng là lúc bọn Bàng Hồng đánh hơi biết Triệu Khánh Sanh đang lánh nạn nơi đây tìm đến. Đích thân hắn đem quân vây bắt. Nhờ có uy thế của Bao Công mà Triệu Khánh Sanh thoát khỏi nạn này. Nhưng trước cường quyền tàn bạo của triều đình đương thời, Bao Công chỉ có thể cứu nguy lúc ấy chứ không thể che chở nổi cho cuộc đời hoạn nạn của Triệu Khánh Sanh.
Cuối cùng, tác giả kết thúc vở tuồng bằng hành động kịch: tráng sĩ Triệu Khánh Sanh phải từ giã quê hương, một thân đi lánh nạn ở một phương trời xa xôi nào đó.
4.6. Cổ Thành
4.6.1. Lịch sử văn bản
Đào Tấn viết Cổ Thành vào những năm 1898-1902 (Thành Thái 10 – 14) tức lúc ông đang ngồi ghế tổng đốc Nam Nghĩa được mấy tháng thì đổi đi làm tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai. Cổ Thành còn có tên gọi khác là Quan công hồi Cổ Thành hoặc Cổ Thành hội.
Dị bản Cổ Thành hiện nay khá nhiều nhưng sự dị biệt về ngôn ngữ và kết cấu là không đáng kể. Duy có bốn câu hát bạch mở đầu của Hạ Hầu Đôn thì mỗi dị bản chép một khác, hiện tượng này được các nhà nghiên cứu lý giải là do các nghệ nhân đời sau thêm vào theo công thức “bạch ngoại” thường thấy trong văn bản tuồng cũ để hát cho rôm rả sân khấu chứ nguyên tác dường như không có bốn câu bạch đó. Bản Cổ Thành khảo dị và chú giải cùng với bản biên dịch hiện nay được lưu trữ tại tủ sách nghiên cứu nhà hát tuồng Đào Tấn. Ngữ liệu dùng để phân tích trong Luận án căn cứ vào bản dịch ấy.
4.6.2. Tóm tắt tác phẩm
Cổ Thành được viết dựa theo một hồi trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Quan Vũ bị Tào Tháo bắt, được đối xử tử tế khiến ông rất cảm động. Nhưng nghĩ đến tình kết nghĩa anh em với Lưu Bị và Trương Phi ở vườn đào, ông không thể ở lại với Tào Tháo được. Nghe tin Lưu Bị ở Nhã Nam, Quan công quyết định đưa hai vợ của Lưu Bị đến đó. Trên đường đi, bị quân Tào ngăn cản, Quan công đã giết tướng canh ải của Tào Tháo khiến cho Hạ Hầu Đôn phẫn nộ đã đánh nhau với ông. Nhưng Trương Liêu, Đô đốc Hán đình mang lệnh của Tào Tháo đến buộc Hạ Hầu Đôn lui quân và mời Quan Vũ về gặp mặt Tào Tháo. Quan Vũ cảm ơn nhưng không thay đổi ý định. Trương Liêu làm tiệc tiễn Quan Vũ lên đường đến Nam quận. Quan Vũ gặp Châu Thương là đô đảng lục lâm của Huỳnh Cân. Châu Thương nhận ra Quan Vũ là một trong ba người kết nghĩa vườn đào bèn bỏ nghề lục lâm đi theo Quan Vũ. Chợt họ thấy một tòa thành nguy nga ở giữa núi rừng. Khi biết tướng giữ thành là Trương Phi, Quan công vô cùng mừng rỡ ra lệnh đến ngay Cổ Thành.
Trong Cổ Thành, Trương Phi vừa uống rượu một mình vừa than thở vì không thấy tin tức của hai người anh kết nghĩa, nhất là không rõ thực hư tin đồn về Quan công hàng Tào thì quân canh vào báo Quan Vũ và quân lính đến ngoài cửa thành. Trương Phi giật mình, ngờ Quan Vũ phản bội nên tập trung quân để chống cự, còn mình ra Cổ Thành gặp Quan Vũ. Đang lúc ấy có tiếng ồn ào của một đội quân khác kéo đến. Trương Phi càng ngờ đó là phục binh của Tào Tháo. Nhưng Quan Vũ liền bảo Trương Phi đưa hai bà chị vào thành để mình ở lại chống cự địch. Quan Vũ đã đánh nhau với đô đốc của Tào Tháo là Thái Dương đang cho quân đuổi theo mình. Đến khi Thái Dương bị chém đầu, Trương Phi mới tin Quan Vũ. Trương Phi sung sướng tự trói mình cúi đầu chịu tội. Quan Vũ cởi trói cho Trương Phi và mọi người mở tiệc mừng ngày đoàn tụ.
4.7. Trầm Hương các
4.7.1. Lịch sử văn bản
Trầm Hương các được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1898 – 1902, bao gồm 16 lớp, được lấy đề tài trong truyện Phong thần của Trung Quốc.
Hiện nay trong các gia đình nghệ nhân dòng tuồng Đào Tấn ở vùng Bình Định, Tây Sơn, Tuy Phước còn lưu hành rất nhiều dị bản. Các dị bản được các nhà nghiên cứu sưu tầm đều giống nhau về bố cục, chỉ khác nhau một ít về lời hường, lời kẻ, một số chữ viết sai, viết nhầm... Trong những dị bản ấy, dị bản của Đào Chi Tiên (con cụ Đào) được lấy làm chuẩn vì đây là bản gốc được gia đình bảo quản từ lâu, bà ký tên duyệt định về văn bản. Bản này hiện được lưu giữ ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định. Bản khảo dị được lưu trữ tại tủ sách nghiên cứu nhà hát tuồng Đào Tấn. Luận án sử dụng bản khảo dị để nghiên cứu.
4.7.2. Tóm tắt tác phẩm
Thương Dung, quyền thừa tướng, mời Trụ Vương đi viếng đền thờ Nữ Oa. Trụ Vương đến đền thờ Nữ Oa, sai nội thị bày hương tửu ra cúng. Vua Trụ ca ngợi Nữ Oa đẹp, tuy làm bằng gỗ mà vẫn duyên dáng, rồi làm thơ ca tụng Nữ Oa, có những câu thơ lẳng lơ, tục tĩu buông ghẹo Nữ Oa. Không dừng lại ở đó, Trụ Vương còn đến sờ mó, vuốt ve tượng nữ thần.
Trời chiều, Thương Dung mời Vua Trụ về. Trụ Vương về rồi, Nữ Oa mới gọi Hồ Ly đến lên án Vua Trụ. Nhân có biên thần Tô Hộ theo lệnh Tây Bá đem con gái là Đát Kỷ dâng Vua Trụ, Nữ Oa ra lệnh Hồ Ly đổi hồn với Đát Kỷ để hại Vua Trụ. Hồ Ly nhận lệnh làm theo.
Tiên Vân Trung Tử xuất hiện nói thấy có “quái khí trực xông” biết là Hồ Ly muốn vào hoàng cung để mê hoặc chúa thượng nên bay đến giúp. Tô Hộ và Đát Kỷ trên đường vào cung, trời tối, họ nghỉ lại. Đát Kỷ tâm sự với các cô hầu rằng nàng rất buồn. Bỗng có cơn gió lạ thổi đến, Hồ Ly hiện ra trong gió, Đát Kỷ thấy ớn lạnh. Rồi đèn phụt tắt, các cô hầu sợ quá bỏ chạy. Đát Kỷ thấy Hồ Ly, nàng gọi cha rồi chết giấc. Hồ Ly nhập vào Đát Kỷ. Tô Hộ cùng lính cầm đèn chạy đến. Đát Kỷ (bây giờ là Hồ Ly đã nhập vào) chào Tô Hộ trông dớn dác. Nhưng nàng nói vói cha đừng lo. Sau đó hai cha con tiếp tục lên kinh.
Vua Trụ thấy Nữ Oa đẹp thì bàng hoàng. Bấy giờ gặp Đát Kỷ đẹp tuyệt trần cũng vô cùng mê đắm. Tối đến vua sai mở tiệc, Đát Kỷ múa kiếm. Vua Trụ gọi sâm banh, định chơi luôn đến sáng. Lúc Đát Kỷ lui, Tiên Vân Trung Tử xuất hiện báo cho nhà vua biết yêu quái đã nhập triều và đưa cho nhà vua thanh bảo kiếm để trừ tà và biến mất. Đát Kỷ đi dạo với Cung Nga về phát hiện thấy có linh kiếm, nàng thấy tinh thần điên đảo nên bảo với vua Trụ. Trụ vương hết sức lo lắng bèn vuốt ngực, đấm lưng cho Đát Kỷ và truyền gọi thái y. Thái y nói nàng có mang nhưng nàng quả quyết tại thanh bảo kiếm. Vua Trụ sai người đốt kiếm.
Hoàng Phi Hổ tâm sự với Thương Dung nỗi lo lắng thấy Trụ vương say mê Đát Kỷ bỏ bê việc triều đình, Thương Dung khuyên Hoàng Phi Hổ cố gắng giúp vua. Vua Trụ xây xong Bá Lộc Đài, bảo Hoàng hậu mời quần tiên đến dự tiệc. Đát Kỷ sai ba tên yêu quái biến thành tiên đến dự. Lúc chúng nói chuyện với nhau, Thương Dung nghe thấy hết. Tiệc tan, Thương Dung báo cho Hoàng Phi Hổ đem quân đến diệt lũ yêu quái.
4.8. Hộ sinh đàn
4.8.1. Lịch sử văn bản
Hộ sinh đàn còn có tên là Tiết Cương chống búa. Đây là vở tuồng một hồi được ông viết vào những năm 1898-1902 (Thành Thái thứ 10-14) tức là lúc ông được phong tặng Hiệp tá đại học sĩ, đang làm Tổng đốc Nam Ngãi rồi cải lãnh Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai.
Dị bản của Hộ sinh đàn lưu hành trong nông thôn Bình Định, Quảng Nam, Huế, Nghệ An khá nhiều. Hiện nay có 7 dị bản được các nhà nghiên cứu sưu tầm và khảo dị trong đó quan trọng nhất là bản của Đào Trúc Tiên (con gái Đào Tấn) ký tên và bút tích duyệt định. Bản này hiện được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định. Đây là bản gốc được dùng để khảo dị, bản khảo dị được lưu trữ tại tủ sách nghiên cứu nhà hát tuồng Đào Tấn.
4.8.2. Tóm tắt tác phẩm
Hộ sinh đàn được vay mượn từ cốt truyện Phản Đường trong tiểu thuyết Trung Quốc thời tàn Đường. Cũng tức cái thời cơ đồ nhà Đường sụp đổ đến tan tành. Vốn là Hoàng hậu của nhà Đường, Võ Tắc Thiên (Võ hậu) thừa cơ chiếm lấy đế vị lập nên nhà Châu, ra sức sát hại các công thần nhà Đường, tiêu biểu là dòng họ Tiết Nhơn Quý. Nói cách khác, đây là bối cảnh bọn gian nịnh đang thắng thế; kẻ trung lương đang lâm nạn. Nhìn sang chuyện kịch, chúng ta thấy tác giả tập trung ngòi bút miêu tả số phận nhân vật trung tâm là Tiết Cương, cháu hai đời của Tiết Nhơn Quý đang bị binh triều do tướng Võ Tam Tư (cháu gọi Võ Tắc Thiên bằng cô ruột) chỉ huy, truy lùng ráo riết.
Trong tình thế ấy, lúc chạy lánh nạn Tiết Cương còn phải mang theo đứa cháu gọi bằng chú ruột là Tiết Giao, vừa mới sinh đã mất cha, mất mẹ. Tiết Cương lưu lạc đến ẩn lánh tại một vùng núi cao xa xăm gọi là Long Sơn, rồi kết duyên với cô gái có tên là Trần Thị Lan Anh, nữ chúa của vùng này. Vợ chồng gây dựng được một căn cứ địa Long Sơn trại. Họ chung sống một cuộc đời tự do, cuộc đời theo như lời Trần Thị Lan Anh tự hào rằng: “Không biết người ta phải tu đến mấy kiếp mới có được/Một động hoa đào, một cõi riêng”. Và Trần Thị Lan Anh đã mang thai…Thế nhưng, yên vui làm sao được, ngày tảo mộ cho tổ tiên đã đến, mồ mả song thân lại nằm ở đất Kinh kỳ. Tiết Cương phải từ giã gia đình mang theo một vài thủ hạ lén về Kinh lo việc tảo mộ thì bọn binh triều đánh hơi phát hiện, chúng truy đuổi. Kịch bắt đầu.
Vài thủ hạ của Tiết Cương thoát được vòng vây trở về sơn trại, Trần Thị Lan Anh biết tin chồng lâm nạn, nàng cấp tốc kéo một bộ phận lâu la của sơn trại đi tìm chồng. Trên đường đi, nghe tiếng quân reo phía xa, Lan Anh chú ý thì đúng là Tiết Cương bị đuổi. Lan Anh cho lâu la phục binh đánh Võ Tam Tư, cứu Tiết Cương rồi rút về Long Sơn trại trú ẩn. Võ Tam Tư biết Tiết Cương ở Long Sơn bèn cho quân tiến đánh. Tiết Cương được vợ giúp sức, phá được vòng vây nhưng sau đó hai người lạc nhau.
Lan Anh trên đường đi trốn, vừa thương chồng, vừa đau bụng đẻ. Nhờ Hồ Nô, một nữ tì người dân tộc hết lòng giúp đỡ. Lan Anh đã sinh con dưới gốc cây quỳ nên đặt tên con là Tiết Quỳ.