Một Số Giải Pháp Để Thực Hiện Hoạt Động Trợ Giúp Pháp Lý Trong Các Chương Trình Giảm Nghèo Có Hiệu Quả Trong Thời Gian Tới‌

3.2. Một số giải pháp để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo có hiệu quả trong thời gian tới‌

3.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo

Đến nay, các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 đã kết thúc. Để tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ là một chương trình khung về giảm nghèo trong thời kỳ 10 năm (2011 - 2020), bao gồm tất cả các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo, hướng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các chính sách giảm nghèo chung trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành, vì vậy các Bộ, ngành có trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức xây dựng, chỉ đạo, theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện chính sách thuộc lĩnh vực quản lý (đây là nội dung mới, khác so với giai đoạn trước). Các chính sách giảm nghèo đặc thù được xây dựng và ban hành áp dụng cho hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Để thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trong để các Bộ, ngành trình ban hành hoặc ban hành các chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình để thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ.

Điểm 13, phần IV Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp "chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan

nghiên cứu, hoàn thiện, trình ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo". Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các xã nghèo ngoài các xã thuộc Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giai đoạn 2011 - 2020. Để xây dựng văn bản trên, Bộ Tư pháp cần rà soát, đánh giá hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, từ đó đề xuất hoạt động nào cần bãi bỏ, hoạt động nào cần tiếp tục thực hiện nhưng cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Cùng với Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Dự thảo Quyết định về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở các xã nghèo ngoài các xã thuộc Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ trong việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo trong toàn quốc, giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận pháp luật, nắm được các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó, biết ứng xử phù hợp với pháp luật, giảm bớt tranh chấp, góp phần tăng cường dân trí pháp lý, bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 41/2009/TT-BTC ngày 9/03/2009 hướng dẫn quản lý tài chính đối với Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Để xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo trong thời gian tới đạt chất lượng

và bảo đảm tiến độ thì việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan một cách chặt chẽ là hết sức cần thiết…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Để thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo, các Bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý cũng như các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo; nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút, ưu đãi tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cụ thể cơ chế và hình thức phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền thông pháp luật, quảng bá về hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý; đổi mới phương thức thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân.

3.2.2. Kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện trợ giúp pháp lý

Hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo - 11

Trợ giúp pháp lý là một bộ phận không thể thiếu trong tổng thể hệ thống chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Để trợ giúp pháp lý hoạt động thực sự có hiệu quả, phát huy tối đa vai trò của mình trong công cuộc xóa nghèo về pháp luật cần có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, hạn chế đang tồn tại. Một trong những giải pháp cơ bản, cần được ưu tiên và cần có sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành là củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Sau gần 05 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, công tác kiện toàn mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh đã đặc biệt được chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết các địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã rà soát các yêu cầu của Luật, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm và tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bố trí thêm biên chế để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao; ban hành Quy chế tổ chức và

hoạt động; thành lập các Phòng chuyên môn và Chi nhánh tại cấp huyện, bổ nhiệm Giám đốc; các chức danh lãnh đạo theo nội dung và tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm (Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008) và liên Bộ: Tư pháp, Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07/11/2008 hướng dẫn về tổ chức, biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Hầu hết các Trung tâm đều đã được kiện toàn bộ máy lãnh đạo và thành lập các phòng chuyên môn. Qua theo dõi báo cáo của các địa phương, đến nay đã có 63/63 Trung tâm có Giám đốc và Phó Giám đốc, 13 Trung tâm bổ nhiệm từ 02 Phó Giám đốc trở lên, còn 12/63 Trung tâm chưa có Phó Giám đốc (chiếm 19,04%). Toàn quốc có 120 phòng chuyên môn và 161 Chi nhánh (trung bình mỗi Trung tâm có từ 2 - 3 phòng, Chi nhánh). Đa số Trung tâm được bố trí trong cơ cấu tổ chức gồm 02 Phòng: Phòng nghiệp vụ và Phòng Hành chính - Tổng hợp, một số địa phương thành lập từ 03 - 04 phòng nghiệp vụ để bảo đảm tính chuyên môn hóa, tách hoạt động quản lý hành chính nhà nước với các hoạt động mang tính tác nghiệp. Về tiêu chí thành lập, phần lớn dựa trên lĩnh vực pháp luật, có địa phương dựa trên hình thức trợ giúp pháp lý hoặc theo phương thức quản lý theo địa hạt, lãnh thổ. Tuy nhiên, vẫn còn 7/63 tỉnh chưa tiến hành thành lập (chiếm 11,1%) do chưa có đủ Trợ giúp viên pháp lý và biên chế mặc dù Đề án được phê duyệt đã xác định trong cơ cấu của Trung tâm có các Phòng và Chi nhánh. Đã có 42/63 tỉnh tiến hành bổ nhiệm Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ (chiếm 66,6%). Nhiều địa phương đã tiến hành thành lập các Chi nhánh ở địa bàn cấp huyện, thậm chí có địa phương thành lập Chi nhánh tại tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện (Lào Cai, Đồng Nai…); đã có 53/63 Trung tâm tiến hành bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh (chiếm 84,12%), trong đó có 26/63 Trưởng Chi nhánh chuyên trách (chiếm 41,3 %); 27/63 Trưởng Chi nhánh do lãnh đạo Phòng Tư pháp kiêm nhiệm (chiếm 42,8%).

Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý đã tăng lên đáng kể, nhất là người có trình độ Cử nhân luật. Số lượng cán bộ trong biên chế của các Trung tâm dự kiến sẽ tiếp tục được nâng lên trong những năm tiếp theo cùng với việc kiện toàn các Phòng chuyên môn và thành lập các Chi nhánh theo Đề án quy hoạch mạng lưới. Đến nay, trong toàn quốc tổng số biên chế của Trung tâm và Chi nhánh là 885 người, trong đó có 304 Trợ giúp viên pháp lý. Nhìn chung, các Trung tâm đã được củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ thường có 15 biên chế, trong đó có khoảng 80% - 90% có trình độ Cử nhân Luật, một số Trung tâm được bố trí trên 30 biên chế (Cần Thơ: 39, Quảng Nam: 38; Hà Nội: 58). Tuy vậy, cũng còn một số Trung tâm mặc dù Đề án kiện toàn đã được phê duyệt nhưng do thiếu nguồn cán bộ để tuyển dụng nên đến nay vẫn chỉ có từ 05 - 07 biên chế (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum).

Một số địa phương, việc củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý còn chậm so với tiến độ đề ra hoặc lúng túng trong việc tổ chức thực hiện, thiếu nguồn để bổ sung. Lãnh đạo Trung tâm vẫn còn kiêm nhiệm, chưa kiện toàn được bộ máy lãnh đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm và Chi nhánh; có rất ít Trợ giúp viên pháp lý nhưng lại không có nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn Trợ giúp viên pháp lý.

Để ổn định cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm cần được sắp xếp ổn định, hạn chế tối đa việc luân chuyển, đặc biệt là những cán bộ đã được đào tạo và bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Ngoài ra, các Trung tâm cũng chú trọng việc xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, trong đó đặc biệt

chú trọng các cộng tác viên cấp xã trên tất cả các lĩnh vực trợ giúp pháp lý để khắc phục tình trạng thiếu biên chế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý theo chủ trương xã hội hóa. Căn cứ vào tiêu chuẩn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, các Trung tâm đều quán triệt chỉ ký hợp đồng với những cộng tác viên có năng lực, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý nên hầu hết các cộng tác viên của Trung tâm là những người có kiến thức hiểu biết pháp luật nhưng lại kiêm nhiệm (cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc làm việc trong các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: cơ quan địa chính, cơ quan lao động thương binh xã hội, cơ quan tài chính, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp...), luật sư, tư vấn viên pháp luật. Do đó, thời gian dành cho công tác trợ giúp pháp lý không nhiều, không chủ động được, cá biệt có các vụ kéo dài phải trả lại, thay người. Đến nay, trong toàn quốc đã có 8.535 Cộng tác viên (2.173 ở cấp tỉnh; 3.043 ở cấp huyện và 3.319 ở cấp xã); 1.045 người là luật sư, 150 người là tư vấn viên pháp luật (trung bình mỗi Trung tâm có khoảng 135 cộng tác viên).

3.2.3. Nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức về hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo

Tiếp tục quán triệt hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo để thống nhất nhận thức, quan điểm: coi hoạt động trợ giúp pháp lý là một chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo và được tổ chức thực hiện bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, dự án, tổ chức, cá nhân hỗ trợ). Các hoạt động trợ giúp pháp lý đều nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân, giúp họ có những ứng xử phù hợp với pháp luật, vận dụng hiểu biết pháp luật trong đời sống xã hội, làm kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần... Hoạt động trợ giúp pháp lý không nằm ngoài hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, các địa phương trong cả

nước, kể cả những địa phương không được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương đều phải thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý.

Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn để người dân biết khi có nhu cầu được trợ giúp pháp lý. Hoạt động truyền thông được thực hiện bằng các hình thức khác nhau: in ấn tờ gấp pháp luật, sao băng cát xét bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc để phát miễn phí cho các xã, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng: đài truyền thanh xã, phường, báo, đài, truyền hình phương giới thiệu đến người dân chủ trương, chính sách của Nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý, địa chỉ các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý… Tùy từng địa phương lựa chọn hình thức, phương pháp, kỹ năng truyền thông cho phù hợp và hiệu quả.

3.2.4. Triển khai đồng bộ, có hệ thống tất cả các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo

Việc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo phải bảo đảm triển khai đồng bộ, có hệ thống tất cả các hoạt động trợ giúp pháp lý của chương trình giảm nghèo tại tất cả các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ như: thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở địa phương; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động; thành lập và hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã nghèo; cung cấp các thông tin về pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ. Vì vậy, ở các địa phương khác nhau, phù

hợp với thực tế, việc triển khai thực hiện các hoạt động này có thể linh hoạt, song cần bảo đảm toàn bộ các hoạt động đó được thực hiện tại các huyện nghèo, xã nghèo thuộc các chương trình giảm nghèo.

3.2.5. Tiếp tục thành lập, củng cố kiện toàn tất cả các Câu lạc bộ trợ giúp ở các xã nghèo

Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được thành lập và tổ chức sinh hoạt tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã nghèo thuộc diện đầu tư của các chương trình giảm nghèo. Sau 04 năm triển khai hoạt động, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng. Thông qua hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, vướng mắc pháp luật của người dân được hướng dẫn, giải đáp ngay tại cơ sở. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đang ngày càng trở thành chỗ dựa về mặt pháp luật cho nhân dân, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, giảm các khiếu kiện vượt cấp góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 đã kết thúc. Vì vậy, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập theo các chương trình giảm nghèo không có kinh phí để hoạt động. Việc tiếp tục củng cố kiện toàn và duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được thành lập là hết sức cần thiết. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, các địa phương cần hỗ trợ kinh phí để duy trì sinh hoạt các Câu lạc bộ này. Về phía Bộ Tư pháp, cần khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo tại các xã nghèo ngoài các xã thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý để phân bổ kinh phí kịp thời cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý duy trì hoạt động.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/12/2022