Nhu Cầu Trợ Giúp Pháp Lý Của Người Nghèo, Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Ngày Càng Tăng

tốt hơn sự trợ giúp của Nhà nước và các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.

Chuẩn nghèo quốc gia của Việt Nam từng bước được nâng lên và đang dần tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Việt Nam được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về xóa đói, giảm nghèo và là một trong những quốc gia đầu tiên đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.

Thành tựu xóa đói giảm nghèo của nước ta không những thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước với cộng đồng quốc tế mà còn tạo được hình ảnh, vị thế tốt đẹp của nước ta trên trường quốc tế, thông qua đó, tạo được sự đồng thuận cao và sự ủng hộ tích cực hơn về mọi mặt, nhất là về tài chính của cộng đồng các nhà tài trợ cho cuộc chiến chống đói nghèo ở nước ta. Thành quả xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong những năm qua, thế giới coi Việt Nam là điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo. So với các nước có cùng trình độ phát triển, mức nghèo, đói của Việt Nam đã giảm nhanh hơn nhiều.

Trong bối cảnh đất nước vẫn còn nhiều mục tiêu ưu tiên, việc giành nguồn lực xứng đáng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng, người dân và chính người nghèo cũng đóng góp vào sự thành công của chương trình.

Thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo đã tạo được sự đồng thuận cao, góp phần ổn định chính trị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế của đất nước, thực hiện cam kết thiên niên kỷ, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để đạt được các kết quả trên đây, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam đã được thực hiện đồng bộ trên nhiều mặt (kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, pháp luật) và tập trung ở những địa phương khó khăn nhất. Trợ giúp

pháp lý đã trở thành hoạt động quan trọng trong các chương giảm nghèo nhằm tạo sự toàn diện trong các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Các quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo được thể hiện thông qua các quy định pháp luật và để các quy định này đi vào cuộc sống, người dân được biết và tiếp cận với các quyền này thì không thể thiếu vai trò của trợ giúp pháp lý. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện được các chương trình giảm nghèo, cần triển khai trợ giúp pháp lý trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, lồng ghép với các chính sách khác. Trợ giúp pháp lý đóng vai trò vừa là một chính sách giảm nghèo về pháp luật vừa là giải pháp hỗ trợ thực hiện các chính sách khác.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến cuối năm 2006, cả nước có 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển vùng này, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3,5 lần bình quân cả nước.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các huyện này đều nằm ở vùng núi, địa hình chia cắt, diện tích tự nhiên rộng, nhưng diện tích đất canh tác ít; điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống; dân số gồm 2,4 triệu người, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm) chủ yếu từ nông nghiệp nhưng trình độ sản xuất còn lạc hậu; cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa kém; thu ngân sách trên địa bàn mỗi huyện bình quân 3 tỷ đồng/năm. Các nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, chưa hỗ trợ đúng mức cho phát triển sản xuất; đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ và dân cư còn nặng nên đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên.

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, ngày 27 tháng 12 năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở những huyện nghèo nhất của nước ta, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là:

Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng [18].

Hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo - 10

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương có huyện nghèo xác định rõ các nội dung cần được Trung ương hỗ trợ về pháp lý, đồng thời rà soát các văn bản hiện hành và nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ pháp lý cho các huyện nghèo. Căn cứ vào đề xuất của các địa phương và kết quả khảo sát, Bộ đã chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020.

Trên cơ sở Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Để kịp thời triển khai thực hiện các hoạt động của Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg trong năm 2011, ngày 01/10/2010, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3520/BTP-TGPL đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh có huyện nghèo xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động thuộc chính sách hỗ trợ pháp lý trong năm 2011, trong đó cần dự kiến các hoạt động và kinh phí để thực hiện các hoạt động.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đến nay Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg giai đoạn 2011 - 2020.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP một cách đồng bộ, thống nhất, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho các tỉnh có huyện nghèo nhằm phổ biến, quán triệt chính sách hỗ trợ pháp lý theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh có huyện nghèo triển khai thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Trên cơ sở dự toán của Bộ Tư pháp gửi Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 681/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 về việc bổ sung kinh phí năm 2011 cho Bộ Tư pháp để thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg là 26,497 tỷ đồng. Để phân bổ kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 4103/QĐ-BTP ngày 19/10/2011 về lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, các địa phương đã được

phân bổ kinh phí và khẩn trương thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo báo cáo rà soát tổng quan các chương trình dự án giảm nghèo ở Việt Nam của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc đến năm 2010, Việt Nam có 41 dự án và chính sách định hướng vào việc giảm nghèo, kể cả một số dự án không tập trung vào giảm nghèo nhưng lại có tác động trực tiếp vào cuộc sống của người nghèo như Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi chính sách, dự án được giao cho một Bộ, ngành quản lý và cơ chế quản lý cũng khác nhau nên dẫn đến sự chồng chéo về nội dung của các dự án, chính sách giảm nghèo, gây lãng phí về nguồn lực, tài chính, thời gian trong việc thực hiện. Vì vậy, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị:

Thay cho việc đưa ra nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình giảm nghèo khác nhau như hiện nay, Việt Nam cần hướng tới một chương trình giảm nghèo toàn diện giải quyết được những nhu cầu của người nghèo tại Việt Nam và trao quyền tự chủ và phân cấp giải ngân ngân sách cho các tỉnh để việc xác định và thực hiện hoạt động giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh cũng như với nhu cầu của người nghèo trong phạm vi của tỉnh.

Trước hết, cần hợp lý hóa tất cả các chương trình giảm nghèo trong các lĩnh vực khác nhau, như nông nghiệp hay giáo dục, để làm giảm tính phân tán và chuyển trách nhiệm thiết kế và thực hiện cho các Bộ liên quan. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thiết kế và theo dõi tất cả các hoạt động về nông nghiệp.

Điều này có thể tránh được tình trạng nhiều ngành cùng tham gia hoạt động hỗ trợ nông nghiệp. Đồng thời cũng giúp giảm gánh nặng trong công tác lập kế hoạch, báo cáo và phân bổ ngân sách tại các cấp khác nhau và nâng cao hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo [43, tr. 51].

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách giảm nghèo và thực hiện khuyến nghị của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, ngày 19/5/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là:

Giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư [22].

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách giảm nghèo chung được quy định trong phần III Nghị quyết: "Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo" [22].

3.1.2. Nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng

Mặc dù đã đạt được những thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nhưng nước ta vẫn là một nước nghèo, thành tựu xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, GDP bình quân đầu người rất thấp nên tổng đầu tư của toàn xã hội cho xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, cùng với những hạn chế, những mặt chưa đạt được của việc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra, đó là:

- Tình trạng tái nghèo còn phổ biến dưới tác động của rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi xã hội và biến động xấu của thị trường. Những đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo khi gặp những rủi ro thường dễ bị tái nghèo do chỉ mới thoát khỏi chuẩn nghèo.

- Mức chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, các nhóm dân cư đang tăng lên sẽ là nguyên nhân đẩy tới sự bất công trong xã hội. Chênh lệch giữa các vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi với những vùng gặp khó khăn về điều kiện tự nhiên và xã hội, giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Người nghèo hiện nay tập trung vào những nhóm dân cư rất đặc thù, bao gồm: những người sống ở vùng sâu, vùng xa; người dân tộc thiểu số; người dễ bị tổn thương. Việc triển khai các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo đến với nhóm này đòi hỏi phải đa dạng, phong phú.

- Nghèo đói, thu nhập thấp dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều kiện học hành của các nhóm cư dân sẽ chênh lệch nhiều, nhất là đối với các cấp học cao hơn thì sự chênh lệch càng lớn.

Chống đói nghèo là một cuộc chiến lâu dài và quyết liệt. Mặc dù đất nước ta còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên dành nguồn lực để xóa đói giảm nghèo; đồng thời thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về việc thực hiện các chỉ tiêu thiên niên kỷ, trong đó có các chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo. Để tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, ngày 30/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Điều 1 Quyết định quy định về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ

400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

- Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ

500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.

- Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.

- Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng [21].

Mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời, cũng là cơ sở để các địa phương ban hành chuẩn nghèo tại địa phương mình cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng không được thấp hơn chuẩn nghèo chung của cả nước.

Ngày 30/5/2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 640/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2010 theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước. Kết quả cụ thể:

+ Tổng số hộ nghèo cả nước là 3.055.565 hộ, tỷ lệ 14,20%.

+ Tổng số hộ cận nghèo của cả nước là 1.612.381 hộ, tỷ lệ 7,49%.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên (50,01%), Lai Châu (46,78%), Lào Cai (43%), Hà Giang (41,8%), Sơn La (38,13%), Cao Bằng (38,06%), Tuyên Quang (34,83%), Hòa Bình (31,51%). Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp là Hà Nội (4,97%), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,35%), Đồng Nai (1,45%), Bình Dương (0,05%), Thành phố Hồ Chí Minh (0,01%).

Một số tỉnh, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng khá cao như: Bắc Kạn (16,93%), Hà Tĩnh (16,53%), Quảng Bình (15,62%), Hòa Bình (15,34%), Quảng Trị (15,23%), Lạng Sơn (12,64%), Sóc Trăng (14,07%).

Như vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo tăng thêm giữa các vùng miền và giữa thành thị với nông thôn, khả năng tái nghèo vẫn còn lớn nên hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo vẫn là vấn đề có tình lâu dài đặt trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/12/2022