Một Số Thủ Tục Và Hình Thức Cho Vay Của Ngân Hàng Đông Dương


2.2.3. Hoạt động lưu thông tiền tệ

Theo C.Mác thì tiền tệ không phải là do ý muốn của con người, mà nó là vật kết tinh, hình thành một cách tự nhiên trong những sự trao đổi [19, tr.221], qua đó, tiền tệ vừa đóng vai trò là một thước đo vừa là công cụ. Đồng tiền ổn định đóng vai trò quyết định trong việc giữ nhịp độ đầu tư của thực dân Pháp vào Đông Dương. Theo tài liệu còn lưu trữ có thể chia làm ba giai đoạn phát triển như sau: từ thế kỷ XIX đến 1902, từ 1903 đến 1929 và từ 1930 đến 1945, mà mỗi giai đoạn đều có sự biến động của tiền tệ liên quan đến dòng vốn đầu tư. Do vậy, thông qua việc nghiên cứu các số liệu liên quan đến hoạt động lưu thông tiền tệ qua từng thời kỳ sẽ cho chúng ta thấy rõ bản chất của chính sách “khai hóa” của thực dân Pháp đối với nền kinh tế của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam.

- Từ thế kỷ XIX đến năm 1902

Đồng bạc - đồng tiền chính của Đông Dương là một loại tiền tệ được người châu Âu đưa vào vùng Viễn Đông. Nó xuất hiện ở Việt Nam vào giữa thế kỷ

XVIII. Pièrre Poivre, trong bài Du Ký ở nước Nam năm 1749, đã kể lại cho chúng ta câu chuyện về việc ông ta quyết tâm muốn làm cho đồng tiền châu Âu này được chấp nhận ở Huế. Trước đó, người Việt Nam chỉ dùng đồng tiền kẽm hay tiền đồng cồng kềnh. Những đồng tiền này chỉ dùng trong việc buôn bán nhỏ lẻ (còn những thanh toán lớn được tính bằng vàng, bạc nén hay các nhà buôn lớn thường dùng tiền ngoại quốc - tiền Mexico trong thanh toán). Mặc dù là đồng tiền chính trong trao đổi buôn bán nhưng việc lưu hành tiền là không đáng kể. Giai đoạn này, tiền tệ giao dịch tương đối ổn định là do người ta trao đổi không bằng “tiền” mà chủ yếu là định giá theo “thóc”, vì thế sự giàu có được thể hiện bằng tài sản cụ thể như: ruộng đất, nhà cửa, vựa thóc hay con trâu… chứ không phải là trên số lượng tiền họ dành dụm được. Thứ hai, nhu cầu sử dụng tiền là thứ yếu, việc trao đổi buôn bán chủ yếu giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, tiền tệ - hàng hóa làm ra chỉ trao đổi hạn chế giữa làng này với làng khác và lưu hành trong các địa phương lân cận.

Đến đầu thế kỷ XIX, dưới triều Gia Long, đồng bạc mới bắt đầu lưu hành ở Việt Nam. Mặc dù sự xuất hiện của giấy bạc ngân hàng mà người truyền bá chính


là đạo quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha, tiền kẽm và tiền đồng vẫn tiếp tục là đồng tiền thông dụng, của người nông dân (hơn thế nữa ở Việt Nam, người nông dân chỉ nhận tiền kẽm hay tiền đồng trong việc trao đổi) [2; tr.17]. Người nông dân tính tiền theo chuỗi, còn người châu Âu hay người Trung Hoa thì lại tính theo đồng bạc. Cho nên, vào lúc diễn ra cuộc xâm lược của Pháp, các loại tiền tệ đang lưu hành ở Việt Nam thật sự hổn loạn và bị đánh đồng về mặt giá trị. Những đồng tiền đặc trưng thông dụng nhất là những đồng tiền nước ngoài như đồng bạc Tây Ban Nha, đồng bạc Mexico, đồng đôla thương mại Mỹ, đồng Bảng Anh, với trọng lượng bạc nguyên chất gần như ngang nhau [136; tr.313].

Kết quả là một sự tăng giá chung tương ứng ít hay nhiều chính xác với sự thụt lùi khác nhau của giá hối đoái. Theo tài liệu lưu trữ về chế độ tiền tệ ở Đông Dương [134] thì cho đến năm 1897, chính quyền Pháp vẫn chưa tìm ra một phương thuốc chung để giải quyết sự bất ổn định của tỉ giá hối đoái ở trong nước. Chính phủ Pháp không hề quan tâm đến việc cho thuộc địa một đồng tiền ổn định. “Chính quyền chỉ lo bảo đảm ngân sách Nam Kỳ, chống lại những tổn thất do việc chi tiêu bằng đồng franc, trong khi các khoản thu lại bằng đồng bạc” [136; tr.313]. Ngược lại, những biến động của tỷ giá đồng bạc so với đồng tiền kẽm hay tiền đồng trên thị trường nội địa, dường như để bù vào cho sự cân đối và ổn định tỷ giá hối đoái của Đông Dương với nước ngoài cho đến tận năm 1902. Trong năm này, có một cuộc khủng hoảng của kim loại bạc: giá một kilô gam bạc hạ xuống 85 francs và giá một đồng bạc Đông Dương xuống 2 francs [141]. Điều này làm cho việc nhập khẩu hàng hóa ở Đông Dương hoàn toàn ngưng trệ. Phòng thương mại Pháp yêu cầu phải tìm những phương tiện thích hợp để ổn định giá hối đoái của đồng bạc. Tháng 12/1902, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã cử một Ủy ban liên bộ đặc biệt có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu vấn đề tiền tệ Đông Dương. Ủy ban này bao gồm những nhân vật chóp bu có thế lực trong giới tiền tệ và tài chính của Đông Dương như Thống đốc Ngân hàng nước Pháp, Tổng giám đốc ngân khố quốc gia,… Ủy ban liên bộ này họp bàn và kết luận không thể đặt ra vấn đề ổn định, nếu đồng bạc Mexico vẫn còn được lưu hành hợp pháp ở Đông Dương, nghĩa là chừng nào mà

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 231 trang tài liệu này.


mối liên hệ giữa giá trị của kim loại với giá trị của đồng bạc chưa được cắt đứt. Như vậy, cần phải thu lại đồng bạc Mexico không cho lưu hành nữa và dành riêng việc lưu hành hợp pháp cho đồng bạc Pháp. “Với việc này, kim loại bạc đơn ở Đông Dương trở nên khập khiểng giống như kim loại bạc kép của Pháp trước đây. Những đồng bạc Mexico chi ra thì được, nhưng nhập vào thì cấm, do vậy mà chúng biến mất dần trong lưu thông. Còn đồng bạc Pháp được tự do lưu thông, muốn đúc đồng bạc Pháp phải có sự cho phép của Chính phủ” [140; tr.160].

Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945 - 8

Như vậy, từ khi Pháp xâm lược đến năm 1902, vấn đề tiền tệ ở Đông Dương luôn gặp nhiều khó khăn. Việc lưu thông tiền tệ diễn ra rất phức tạp, tỷ giá của đồng bạc Đông Dương so với đồng franc luôn luôn biến động, đồng bạc Đông Dương giảm giá liên tục. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn bên ngoài đầu tư vào chỉ là vốn tư nhân; còn vốn của Chính phủ Pháp rất hạn chế, trừ khi thấy được các dự án chắc chắn có lời.

- Từ năm 1903 đến năm 1929

Thời kỳ này, việc vận hành của hệ thống ngân bản vị đã gây ra một sự xáo trộn sâu sắc về tiền tệ. Vấn đề chính là phải tìm cách ổn định đồng bạc so với vàng. Trở ngại hàng đầu của sáng kiến liên bộ năm 1902 đã làm cho việc sụt giá của bạc càng sụt nhanh khi các nước láng giềng của Đông Dương gắn tiền tệ của họ vào vàng. Trong những năm đó, tiền tệ các nước thuộc địa diễn tiến qua ba giai đoạn:

Thứ nhất, từ năm 1903 đến năm 1920, các Ủy ban (địa phương hay liên bộ) đã đưa ra những chỉ thị trái ngược nhau. Trong tình hình đó Phủ Toàn quyền đã ra quyết định giữ nguyên trạng. Đông Dương sẽ tiếp tục chế độ “kim loại - đơn khập khiểng” (mono - métal - lisme boiteux) [112]. Hậu quả của chiến tranh thế giới lần thứ I đã làm cho giá kim loại bạc tăng lên (người ta thấy vào thời gian 1919- 1920, đồng bạc tăng lên đến tỷ giá từ 16 đến 17 francs) so với năm 1902 [2; tr.19]. Từ năm 1918 trở đi, Đông Dương là nơi duy nhất ở Viễn Đông người ta có thể đổi giấy bạc lấy bạc kim loại, còn ở các nơi khác, do tỷ giá bị khống chế nên không thể đổi được, kể cả đổi lấy vàng và bị thiệt hại rất nhiều.


Thứ hai, Quy ước ngày 20/1/1920 làm cho giai đoạn trước đó trở nên khác thường. Tác dụng của nó là đặt ra tỷ giá bắt buộc và Ngân hàng Đông Dương hiển nhiên thành sở phát hành tiền của Phủ Toàn quyền. Trên thực tế, Ủy ban thành lập năm 1920 chủ yếu được chi phối bởi nhận định cho rằng kim bản vị đã trở thành bản vị thế giới và là bản vị của thương mại quốc tế. Sau chiến tranh giá cả chung trên thế giới tăng (hiện tượng logic của tất cả các nền kinh tế sau chiến tranh), Ủy ban đề nghị một tỷ giá ổn định khá cao để cho thuộc địa thích nghi dần với giá cả của thị trường. Trong báo cáo của mình, Ủy ban đề nghị: “Việc trở lại một chế độ ổn định mà nét nổi bật là việc sử dụng đồng tiền kim loại, nghĩa là lập lại nghĩa vụ phải hoàn lại tiền giấy, đó là biện pháp cần thiết nhất và khẩn cấp nhất. Mọi vấn đề cải cách tiền tệ, lựa chọn bản vị và đơn vị tiền tệ đều là thứ yếu” [2; tr.19]. Một Quy ước ngày 27/1/1921, với việc Viện phát hành đồng bạc phải quy định các điều kiện trở lại lưu thông của kim loại bạc. Vấn đề ổn định đồng bạc so với vàng vẫn luôn là vấn đề nóng vì chưa có giải pháp.

Cuối cùng, sự tiến triển của tiền tệ ở thuộc địa được đánh dấu, từ 1921 đến 1929, bởi kim loại bạc liên tục hạ giá (bạc tiêu chuẩn ở Luân Đôn, đầu năm 1921, giá 42,5 pence cho 1 ounce đến cuối năm 1929 chỉ còn 21,25 pence). Sự hạ giá này thu hút mạnh nguồn vốn chính quốc đổ xô vào. Trước sự biến động mạnh của tiền tệ, nhất thiết phải có sự ổn định của đồng bạc. “Tình hình càng thêm nghiêm trọng, vì vốn chính quốc đầu tư vào Đông Dương bị tiêu tan cùng lúc với việc hối đoái của đồng bạc với đồng franc bị sụp đổ” [140; tr.163].

Sự hối đoái này sụt xuống 27 francs năm 1926, 12 francs 80 năm 1927 nhưng cuối năm 1929 chỉ còn dưới 10 francs [2; tr.19]. Như vậy, từ 1903 đến 1929, Đông Dương luôn luôn gặp khó khăn do giảm giá nên không thể giải quyết vấn đề ổn định đồng bạc so với vàng. Tuy nhiên, do tiền tệ không ổn định lại kích thích nguồn vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào ào ạt. Cổ phiếu nhiều công ty của Ngân hàng Đông Dương bán rất được giá trên thị trường chứng khoáng Paris. Điều này buộc các công ty phải hấp thu dòng vốn này, trong thời điểm tình hình kinh tế - xã hội ở Đông Dương đang rối ren vì suy thoái. Đây chính là một trong những nguyên nhân


đưa đến cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp ở Việt Nam sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc.

- Từ năm 1930 đến năm 1945

Thời kỳ này được đánh dấu bằng việc chấp nhận chế độ kim bản vị (từ tháng 5/1930 đến tháng 10/1936) và việc chấp nhận chế độ bản vị hối đoái đồng franc (từ 1936).

Tình hình tiền tệ Đông Dương luôn là điều bận tâm lớn. Điều này càng trầm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933), tác động tới Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung do là nơi xuất khẩu gạo lớn. Vì vậy, vấn đề quan trọng cấp bách đặt ra lúc bấy giờ là cần phải có một đồng tiền ổn định để điều tiết. Giải pháp thuận lợi nhất là áp đặt cột đồng tiền Đông Dương vào đồng franc theo một tỷ lệ đơn giản. Sắc lệnh ngày 31/5/1930, được coi là cuộc cải cách mang tính cách quyết định. Điều 1 của Sắc lệnh này quy định: Đồng bạc, đơn vị tiền tệ của Đông Dương, được quy định là 655mg vàng, mà tỷ lệ là 900/1000, nghĩa là tương đương với 10 francs theo định nghĩa của đạo luật ngày 25/6/1928 để ổn định đồng franc Pháp [99; tr.1998]. Điều 2 quy định: Ngân hàng Đông Dương đảm bảo cho người có đồng tiền này chuyển đổi từ tiền giấy ra vàng. Ngân hàng Đông Dương đảm bảo việc chuyển đổi từ tiền giấy ra vàng theo tỷ lệ 655mg vàng, tỷ lệ 900/1000 đối với mỗi đồng Đông Dương hoặc tại Sài Gòn hoặc tại Paris, tùy theo sự lựa chọn của người có tiền muốn đổi; nếu ở Paris, người có tiền muốn đổi phải tính phí vận chuyển và phí bảo hiểm Sài Gòn - Paris. Mức phí Ngân hàng Đông Dương qui định là 16‰ (bao gồm phí: đóng gói, vận chuyển, bảo hiểm, giao hàng tận nhà ở Paris). Như vậy, việc đổi đồng bạc ra vàng giờ đây đã được bảo đảm. Đông Dương trở thành một nước thuộc hệ thống kim bản vị. Trên thực tế, đồng bạc giữ được tính tự chủ của nó, vì tỷ suất hối đoái có thể thay đổi trong giới hạn của những “zolo points” vào và ra, biên độ dao động là 3%. Mặt khác, Ngân hàng Đông Dương cam kết có thể đổi bạc giấy do ngân hàng phát hành ra vàng trên một mức tối thiểu quy định. Mặc dù thế, đồng bạc Đông Dương vẫn bấp bênh. Từ năm 1931, sự tin cậy vào đồng bạc không trở lại làm cho nguồn vốn đầu tư của chính quốc vào Việt Nam giảm sút nghiêm trọng cho đến 1936.


Thứ đến, trước một chiến dịch hăng say và duy trì kim bản vị ngày 30/9/1936, Chính phủ xem xét lại những quan niệm về tài chính của mình, tiến hành điều chỉnh giá hối đoái của đồng franc. Đồng bạc không còn là một đồng tiền độc lập, mà là một bội số của đồng franc, đồng tiền vệ tinh của chính quốc. Sắc lệnh ngày 2/10/1936 [138], quy định Ngân hàng Đông Dương phải bảo đảm việc đổi giấy bạc do ngân hàng phát hành ra đồng franc, trên cơ sở một đồng bạc Đông Dương ăn 10 francs, cho đến lúc định được hàm lượng vàng của đồng bạc (chế độ tạm thời này tồn tại đến tháng 12/1945, lúc mà theo một sắc lệnh thì 1 đồng bạc ăn 17 francs). Từ năm 1936, một lần nữa thu hút nguồn vốn của tư bản Pháp đổ vào Đông Dương.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nhất là khi quân đội Nhật vào Đông Dương năm 1940, làm cho đồng Đông Dương không còn dựa vào một bản vị nào nữa. Để đáp ứng những yêu cầu của Nhật, Chính phủ Pháp đã cho phép Ngân hàng Đông Dương phát hành đồng tiền giấy cưỡng chế (cours forcé). Đây là tiền hữu danh vô thực vì không có gì đảm bảo và điều này đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, tài chính, xã hội lúc bấy giờ.

Tóm lại, vấn đề tiền tệ ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung từ cuối thế kỉ XIX cho đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương diễn biến hết sức phức tạp. Đông Dương không bao giờ thực sự có một hệ thống tiền tệ ổn định. Nói đúng hơn là Đông Dương có một loạt các chế độ tiền tệ kế tiếp nhau thích nghi hoặc với lợi ích tài chính của thực dân, của những nhóm tư bản, hoặc với những biến động kinh tế tại nước Pháp. Hậu quả là những đổi thay giá hối đoái của đồng bạc, trong từng thời kỳ, đã làm cho các nhà đầu tư có lúc do dự, có lúc ào ạt mất phương hướng, điều này gây nên thiệt hại lớn cho nền kinh tế Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo C.Mác: “Muốn cho thương nghiệp của một nước hoạt động được thì cần có một số lượng hay tỷ lệ tiền nhất định; một số lượng tiền nhiều hơn hoặc ít hơn mức đó sẽ gây thiệt hại cho thương nghiệp” [19; tr.233].


Tiểu kết chương 2

Ngân hàng Đông Dương được thành lập trong bối cảnh khi quân Pháp chiếm Nam Kỳ và chi nhánh Sài Gòn của Cục quốc gia chiết khấu Paris không đủ khả năng quản lý tiền tệ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chính sách tiền tệ trong công cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa. Mô hình Ngân hàng Đông Dương và chi nhánh Sài Gòn của nó được thành lập chỉ trong vòng ba tháng là minh chứng hùng hồn nhất về vai trò của hệ thống tiền tệ và tầm quan trọng của việc kiểm soát tiền tệ trong chiến lược khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân; không những thế, tầm quan trọng và ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên vẹn, và là bài học kinh nghiệm trong các phương thức quản lý kinh tế hiện đại sau này.

Mô hình Ngân hàng Đông Dương, cùng với lịch sử phát hành và lưu thông tiền tệ đã tạo ra những tiền đề cho sự phát triển của một nền kinh tế nếu không xét đến các yếu tố chính trị. Với sự ra đời và phát triển của thể chế này, yếu tố “vốn” được hình thành rõ nét hơn do tiền tệ thống nhất, sản xuất lớn được thúc đẩy và tạo ra nhiều thành tựu kinh tế còn tồn tại cho đến ngày nay; Nền kinh tế sản xuất giản đơn bắt đầu được thay thế bởi mối quan hệ hàng - tiền, cơ chế thị trường manh nha hình thành và phát triển.

Do vậy, Ngân hàng Đông Dương, dù được tiếp cận trên góc độ nào của lịch sử, cũng nổi lên như một điểm nhấn, một biến cố và giá trị của nó không phai nhòa theo thời gian.


CHƯƠNG 3

HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG ĐÔNG DƯƠNG VỚI CHỨC NĂNG LÀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH


Ngoài chức năng là Ngân hàng Phát hành thì Ngân hàng Đông Dương còn đóng vai trò là Ngân hàng Thương mại và đầu tư tài chính rất có hiệu quả mà trọng tâm là tập trung triển khai vấn đề về tín dụng cho vay, cầm cố và đẩy mạnh hoạt động hối đoái, đồng thời trực tiếp đầu tư thành lập ra nhiều công ty, trên nhiều lĩnh vực để kinh doanh. Hệ thống này được đặc biệt chỉ định ở Đông Dương bởi nó đáp ứng với các điều kiện kinh tế và xã hội của xứ sở thuộc địa này. Đứng trước một đất nước mà dân chúng thành thạo trong việc buôn bán và tỏ ra quá khéo léo và mềm dẻo thì Ngân hàng Đông Dương đã cho thấy họ có đủ tiềm năng, sức mạnh tài chính và chính sách để thâu tóm các nguồn lợi của các nước thuộc địa.

3.1. Hoạt động của ngân hàng thương mại

3.1.1. Tín dụng

Sự giàu có của các nước Đông Dương lúc bấy giờ chủ yếu nằm trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại quốc tế. Vì vậy, lãnh đạo của ngân hàng đã sớm đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho vay ngay khi chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Đông Dương được phép thành lập.

Trong nông nghiệp, ngay từ khi mới thành lập, Ngân hàng Đông Dương đã có tham vọng kinh doanh tín dụng nông nghiệp và hình thức cho vay lúc đầu là “cho vay theo mùa” [38; tr.109]. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền thuộc địa đã phải điều chỉnh và cho công bố thi hành hàng loạt các văn bản có tính pháp quy về hoạt động “cho vay theo mùa” phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

3.1.1.1. Một số thủ tục và hình thức cho vay của Ngân hàng Đông Dương

Trước khi đi vào tìm hiểu về một số thủ tục và hình thức cho vay của Ngân hàng Đông Dương, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm về tín dụng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/05/2023