Nhận Thức Về Giới Và Bình Đẳng Giới

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

1.1. Nhận thức về giới và bình đẳng giới

1.1.1. Khái niệm giới và giới tính

Giới và giới tính là hai vấn đề luôn song hành cùng với nhau. Chính sự song hành này mà nhiều khi không có sự phân biệt giữa hai khái niệm giới và giới tính, khiến cho vấn đề trở nên phức tạp, không rành mạch. Chỉ riêng cụm từ nam giới và nữ giới hay nam và nữ về mặt thực tế nhiều khi được sử dụng lẫn lộn, không có sự phân biệt trong hoàn cảnh nào dùng thuật ngữ nào.

Theo SEAGEP [50], giới và giới tính được định nghĩa như sau:

Giới tính (sex) là sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam giới và phụ nữ. Sự khác biệt này là không thể thay đổi được. Chỉ có một số khác biệt nhỏ về vai trò của nam và nữ về mặt sinh học và sinh lý trên cơ sở giới tính, ví dụ như việc mang thai, sinh nở và sự khác biệt về sinh lý.

Giới (gender) là sự khác biệt về mặt xã hội giữa nam giới và phụ nữ, thể hiện qua các yếu tố như vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị. Vai trò giới được biết đến thông qua quá trình học tập và có sự khác nhau theo từng nền văn hóa và thời gian, do vậy giới là yếu tố có thể thay đổi được. Ví dụ, trong truyền thống, nữ thường để tóc dài, nam thường để tóc ngắn, nhưng hiện nay có nhiều phụ nữ cũng để tóc ngắn, còn một số nam giới lại thích để tóc dài.

Khác với khái niệm giới tính vốn chỉ đề cập tới sự khác biệt sinh học giữa nam giới và phụ nữ, khái niệm giới đề cập đến những khác biệt về mặt xã hội do con người tạo ra. Những quan niệm về giới luôn nảy sinh từ tính chất của các quan hệ xã hội và của những hình thái tổ chức xã hội khác nhau [56]. Bản chất xã hội của giới được thể hiện rõ qua sự khác nhau giữa các đặc

tính và các hoạt động được coi là của nam và nữ trong các nền văn hoá khác nhau, thậm chí giữa các tầng lớp xã hội và các nhóm dân tộc khác nhau trong cùng một nền văn hoá [36].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

Nói tóm lại, thuật ngữ giới tính chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt sinh học. Sự khác biệt này chủ yếu liên quan đến quá trình tái sản xuất và duy trì nòi giống. Còn thuật ngữ giới là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt xã hội. Nói đến giới là nói về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quan niệm hoặc quy định cho nam và nữ. Khi sinh ra, con người chưa có trong bản thân những đặc tính giới mà họ tiếp thu được từ giáo dục, nề nếp gia đình, quy ước của xã hội và chuẩn mực của nền văn hóa. Vì vậy, giới phản ánh mặt xã hội của nam và nữ, thể hiện qua vai trò tham gia các quan hệ xã hội của nam và nữ, còn giới tính chỉ tính sinh học của giống đực và giống cái, là sự phân biệt giữa nam và nữ về góc độ sinh sản .

1.1.2.Các đặc điểm và vai trò giới

Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 3

Những khác biệt về mặt sinh học giữa nam và nữ là không thể thay đổi được. Giới tính là bẩm sinh và đồng nhất, nam và nữ khắp nơi trên thế giới dù ở nền văn hóa nào cũng đều có chức năng tự nhiên, cơ quan sinh sản giống nhau, không thể thay đổi được và cũng không thể chuyển hóa cho nhau bởi điều này do các yếu tố sinh học quyết định. Sinh ra là đàn ông hay đàn bà thì chúng ta không thể lựa chọn và không thể thay đổi được điều đó.

Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, có những đặc điểm có thể hoán đổi cho nhau giữa nam và nữ, những đặc điểm này thuộc về khía cạnh giới, ví dụ như phụ nữ cũng có thể mạnh mẽ và quyết đoán hay cũng có thể trở thành lãnh đạo chính trị như nam giới; ngược lại, nam giới cũng có thể làm đầu bếp, nhân viên đánh máy, thư ký như các công việc mà phụ nữ thường làm… Những đặc điểm có thể hoán đổi đó là do những khái niệm, nếp nghĩ và tiêu chuẩn mang tính chất xã hội mà thay đổi theo thời gian, không gian.

Giới phản ảnh sự khác biệt giữa nam và nữ về khía cạnh xã hội. Những sự khác biệt này là do các quá trình xã hội mà thành, có tính đa dạng và có thể thay đổi, trong khi các quá trình tự nhiên của giới tính vẫn bất biến. Sự khác biệt về giới thay đổi theo thời gian và theo không gian, từ nước này sang nước khác, từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác, phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của các xã hội, do các yếu tố văn hoá, lịch sử, tôn giáo, kinh tế quyết định. Minh chứng rõ nhất cho điều này là địa vị của người phụ nữ trong các xã hội phương Đông, phương Tây là khác nhau; trong văn hóa Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo... cũng khác nhau; trong xã hội phong kiến khác, trong xã hội tư bản khác...

Quá trình thay đổi các đặc điểm về giới cần nhiều thời gian bởi nó đòi hỏi một sự thay đổi trong tư tưởng, nhận thức, thói quen và cách cư xử vốn được coi là mẫu mực của cả xã hội. Sự thay đổi về mặt xã hội này thường diễn ra chậm, phụ thuộc vào mong muốn và quyết tâm thay đổi của con người. Có những đặc điểm giới lạc hậu nhưng đã tồn tại từ rất lâu cho đến ngày nay nên rất khó xoá bỏ.

Trong cuộc sống, nam và nữ đều tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội; tuy nhiên, mức độ tham gia của nam và nữ trong các loại công việc, các bối cảnh cụ thể của xã hội là khác nhau. Điều này do những quan niệm, các chuẩn mực xã hội quy định. Những công việc mà mỗi giới đảm nhận được gọi là vai trò giới. Đó là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về phụ nữ trong một nền văn hoá. Các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội là những yếu tố quyết định đến vai trò của mỗi giới.

Xét quá trình vận động của xã hội, có thể khái quát vai trò của con người được thể hiện thông qua hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động tái sản

xuất ra con người và các hoạt động cộng đồng. Tương ứng với đó, vai trò của mỗi giới cũng sẽ là vai trò sản xuất vật chất, vai trò tái sản xuất, vai trò cộng đồng và quản lý xã hội.

Vai trò sản xuất vật chất là các hoạt động làm ra sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ để tiêu dùng và trao đổi thương mại. Đây là những hoạt động tạo ra thu nhập, được trả công. Cả phụ nữ và nam giới đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, tuy nhiên do những định kiến trong xã hội nên mức độ tham gia của họ đôi khi không như nhau và giá trị công việc họ làm cũng không được nhìn nhận như nhau. Vì vậy, thường thì trong hoạt động sản xuất vật chất, nam giới làm các công việc nặng nhọc và được hưởng mức thù lao cao hơn, phụ nữ thường làm các hoạt động đơn giản với mức thù lao thấp hơn. Điều này đã tạo ra định kiến xã hội là công sức lao động của phụ nữ không được coi trọng và được trả với mức thù lao rẻ mạt. Dần dần phụ nữ cũng đảm nhận được các hoạt động sản xuất vật chất như nam giới nhưng chính các định kiến xã hội đã làm cho việc trả thù lao của họ so với nam giới ở cùng công việc tương ứng là thấp hơn và rẻ mạt hơn. Mặt khác, do vai trò giới tính là nam giới thực hiện vai trò thụ tinh để nữ giới sinh con, tức là nam chỉ tham gia vào một giai đoạn của quá trình sinh sản, các giai đoạn còn lại do nữ đảm nhiệm. Về mặt tự nhiên, sức khỏe của nam thường là cao hơn nữ. Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng phổ biến sử dụng sức lao động nam trong hoạt động sản xuất vật chất, tức là nam giới tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất vật chất và sự tham gia này là phổ biến. Hoạt động sản xuất vật chất rất được xã hội đánh giá cao và thường được nhìn nhận do nam giới thực hiện, ít có sự đóng góp của phụ nữ.

Vai trò tái sản xuất là các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục... giúp tái sản xuất dân số và sức lao động bao gồm sinh con, các công việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy và chăm sóc trẻ, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, chăm

sóc sức khoẻ gia đình… Những hoạt động này là thiết yếu đối với cuộc sống con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và lực lượng lao động. Tuy nhiên, hoạt động này tiêu tốn nhiều thời gian nhưng không trực tiếp tạo ra thu nhập. Do đó, hoạt động này thường không được xem là một công việc chính, mà có chăng chỉ là công việc phụ trợ, được làm miễn phí. Trong quan niệm xã hội, các hoạt động như vậy thường không được coi trọng và đánh giá cao. Đặc biệt, vai trò này thường do hầu hết phụ nữ và trẻ gái đảm nhiệm. Điều này dẫn đến vai trò của nữ giới, tức phụ nữ và trẻ em gái không được nhìn nhận một cách công bằng với nam giới, và là nguyên nhân chính dẫn đến bất công bằng, bất bình đẳng về giới.

Vai trò cộng đồng và quản lý xã hội là tổ hợp các hoạt động mang tính cộng đồng của xã hội từ những hoạt động tham gia với tính chất tình nguyện, tự nguyện như cứu trợ, phòng chống thiên tai... cho đến các hoạt động quản lý xã hội mang tính chất bắt buộc như quản lý nhà nước, xử lý vi phạm... Các hoạt động này có hoạt động tham gia tình nguyện không được trả công nhưng cũng có những hoạt động được trả công như công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước... Trong xã hội hiện đại, hoạt động này rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, với sự huy động tham gia của toàn xã hội không phân biệt giới tính trong vấn đề quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, về sự tham gia của mỗi giới, cũng cần nhấn mạnh, do nhu cầu bảo vệ lãnh thổ cũng như về sức khỏe, thời gian làm việc mà công việc này hiện vẫn chủ yếu do nam giới thực hiện. Nữ giới ngày càng được tạo điều kiện tham gia các hoạt động này, cho dù tỉ lệ còn ít nhưng ngày càng được quan tâm, mở rộng và có cơ cấu hợp lý trong các hoạt động chính trị, tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước.

Như vậy, cả nam và nữ đều có khả năng tham gia vào cả ba loại vai trò trên. Tuy nhiên, trong mỗi loại vai trò, sự tham gia của nam giới và nữ giới là không như nhau, có thể trong vai trò sản xuất vật chất sự tham gia của nam

giới là phổ biến thì trong vai trò tái sản xuất sự tham gia của nữ giới lại là phổ biến. Đó là xét trên bình diện chung. Còn trong phạm vi hẹp, ở những vùng, những lãnh thổ nhất định, và trong xã hội như hiện nay, ngoài việc phải đảm nhiệm vai trò tái sản xuất thì nữ giới đồng thời cũng phải tham gia tương đối nhiều vào các hoạt động sản xuất. Gánh nặng công việc gia đình của phụ nữ cản trở họ tham gia một cách tích cực và thường xuyên vào các hoạt động cộng đồng và quản lý xã hội.

Thực tế cho thấy sự phân công lao động trong một xã hội nhất định thường có xu hướng dựa vào đặc điểm giới tính. Công việc đảm nhiệm có tác động tới vị thế của mỗi người, cơ hội và chất lượng sống của họ. Chính vì vậy, sự tham gia của nữ giới vào các vai trò vừa nêu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc so sánh bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong các vấn đề xã hội.

1.1.3. Bất bình đẳng giới và bình đẳng giới

Sự khác biệt về giới chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn đề bất bình đẳng giới. Những khác biệt đó bao gồm:

Thứ nhất, về vai trò, cả nam giới và nữ giới đóng nhiều vai trò trong xã hội và các vai trò này là khác nhau theo giới. Các vai trò giới là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở phụ nữ và nam giới liên quan đến những đặc điểm và năng lực được coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về phụ nữ trong một xã hội hay một nền văn hóa cụ thể. Đó cũng là các mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới: ai nên làm gì, ai là người ra quyết định, khả năng tiếp cận nguồn lực và các lợi ích [26]. Chẳng hạn, trong chế độ phụ quyền, tiếng nói của nam giới có tính quyết định và nữ giới là những người phục tùng, nhưng trong chế độ mẫu quyền, nữ giới lại là người có tiếng nói quyết định và mặc dù nam giới có sức khỏe hơn vẫn phải phục tùng nữ giới.

Nữ giới và nam giới thực hiện các vai trò giới khác nhau nên họ cũng có những nhu cầu giới khác nhau. Thế giới đã từng chứng kiến cả hai loại chế độ phụ quyền và mẫu quyền, và hiện nay, các loại chế độ này vẫn đang cùng tồn tại, tuy chế độ phụ quyền có phần lấn át. Từ góc độ bình đẳng giới, cả hai chế độ phụ quyền và mẫu quyền đều có vấn đề. Chúng ta đang từng bước xóa bỏ các chế độ này để tiến đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phụ nữ ngày càng có vị thế và vai trò quan trọng trong xã hội hơn. Ở những xã hội văn minh, tiến bộ thì nữ giới ngày càng được coi trọng và được tạo điều kiện phát huy vai trò giới của mình, song ở những xã hội đang phát triển hoặc kém phát triển, vai trò và sự đối xử với nữ giới vẫn là một vấn đề nóng bỏng cần phải bàn thảo, xem xét và từng bước khắc phục những hạn chế.

Thứ hai, về sự phân công lao động, trong xã hội có một sự phân công lao động công khai hoặc mặc định giữa nam giới và phụ nữ. Sự phân công lao động theo giới đề cập đến công việc khác nhau của nam giới và phụ nữ trong gia đình, trong sản xuất và trong cộng đồng. Sự khác nhau này có liên quan đến vị trí quyền lực của mỗi giới và che giấu sự tồn tại của tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ, thông thường nó ảnh hưởng và cho thấy vị trí phụ thuộc của phụ nữ vào đàn ông. Một số nhiệm vụ về mặt truyền thống được xem là “công việc của phụ nữ”, trong khi các công việc khác được tin là “công việc của nam giới”. Công việc của phụ nữ thường được trả lương thấp và bị coi thường, trong khi nam giới được giao công việc có tầm quan trọng về mặt xã hội tương đối cao hơn [36].

Cũng có sự khác biệt về thời gian làm việc giữa phụ nữ và nam giới. Tuy thời gian giành cho công việc tạo thu nhập là như nhau, nhưng so với nam giới, phụ nữ phải mất thời gian gấp hai lần cho việc nhà mà thường không được thù lao. Vì vậy, phụ nữ thường phải làm việc nhiều hơn đáng kể so với nam giới, cho nên thời giờ nghỉ ngơi của họ ít hơn khá nhiều so với

nam giới và cũng không có thời gian cho các hoạt động xã hội và học tập trao đổi kinh nghiệm [57].

Sự phân công lao động xã hội mang tính kế thừa. Vai trò của mỗi giới trong cơ cấu phân công lao động xã hội ở mỗi thời kỳ lịch sử là khác nhau. Trong xã hội nguyên thủy, nam giới có nhiệm vụ săn bắt còn công việc của nữ giới là hái lượm. Trong xã hội chủ nô, nô lệ sản xuất chính là nam giới, nữ giới là nô lệ làm các công việc giúp việc gia đình. Trong xã hội phong kiến, nhân lực sản xuất chính vẫn là nam giới, nữ giới cũng thường làm các công việc gia đình. Tuy nhiên, đến xã hội tư bản, giới tư bản bóc lột cả nam giới và nữ giới. Cả trong các ngành nghề lao động nặng nhọc thì ngoài lực lượng chính là nam giới vẫn có nữ giới tham gia, còn đối với các ngành dệt, may mặc thì dù có cơ cấu nam giới tham gia nhưng lực lượng chính lại là nữ giới. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, do vai trò của nam giới là nguồn tạo ra thu nhập chính cho gia đình và có sức khỏe tốt nên trong xã hội tư bản, nam giới vẫn là lực lượng sản xuất chính của xã hội. Trong xã hội hiện đại ngày nay, mặc dù nữ giới tham gia ngày càng phổ biến trong cơ cấu lao động nhưng nam giới vẫn đóng vai trò chính trong phân công lao động xã hội.

Thứ ba, về sức khỏe, giữa nam giới và nữ giới có những sự khác biệt nhau. Sức khỏe của nam giới thường tốt hơn nữ giới ở khía cạnh sức mạnh, sự bền bỉ và khả năng phục hồi. Sức khỏe của con người nói chung được hình thành từ chính con người và quy định bởi các yếu tố môi trường, nuôi dưỡng, tập quán xã hội… và đặc biệt là yếu tố bẩm sinh, di truyền. Các yếu tố thuộc về bẩm sinh, di truyền của nam giới là có hệ xương lớn, thích hợp cho những cộng việc nặng nhọc, trong khi với nữ giới, do có hệ xương nhỏ hơn nên thích hợp với nhiệm vụ tái sản xuất xã hội, bao gồm trách nhiệm sinh đẻ và chăm sóc con trẻ là của phụ nữ. Ở đây tính di truyền về thể chất chính là một trong yếu tố tác động đến việc giữ vai trò của mỗi giới trong xã hội.

Xem tất cả 123 trang.

Ngày đăng: 29/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí