phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” [32, trang 432]. Người khẳng định: “phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” [33, trang 225]. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ cho ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ” [34, trang 504].
Chính tinh thần dân chủ, tiến bộ đó của Hồ Chí Minh đã kêu gọi phụ nữ ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tập hợp được rộng rãi quần chúng thông qua tuyên ngôn vị trí bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong các luận cương, cương lĩnh và đường lối, chính sách của mình. Xuất phát từ quan điểm luôn tôn trọng phụ nữ và bảo vệ phụ nữ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Đặc biệt, Đảng đã có các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về công tác phụ nữ, trong đó có đề cập đến vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Chính sách bình đẳng giới là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chính sách phụ vận qua các thời kỳ phát triển của nhà nước ta. Quyền bình đẳng giới cũng đã được hiến định ngay từ Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, và trong các Hiến pháp sau này của Việt Nam cũng đều khẳng định quyền bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dân sự và hôn nhân, gia đình.
Thực tế, pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình của nước ta đã quy định cụ thể về vấn đề bình đẳng giới, trong đó ghi nhận quyền bình đẳng giới giữa nam giới và nữ giới cũng như các biện pháp thi hành quyền này, các chế
tài và cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình mà pháp luật này điều chỉnh góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, các luật có liên quan về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử và loại bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và hợp lý về giới, bình đẳng giới, đặc biệt quyền của phụ nữ, trẻ em trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định này đã làm bộc lộ nhiều hạn chế dưới góc độ quyền bình đẳng giới như một số quy định liên quan đến bình đẳng giới còn mang tính hình thức, không thực chất hoặc không khả thi; một số quy định còn chưa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình, bảo vệ quyền trẻ em... Mặc dù những vấn đề này đã được khắc phục cơ bản trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhưng về mặt lý thuyết nhiều hạn chế về quyền bình đẳng giới vẫn chưa được khắc phục triệt để. Hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2005 đang được chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện, trong đó có vấn đề về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự cần phải được nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện.
Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, trong đó có hội nhập pháp luật và đạt được các chuẩn mực quốc tế trong quá trình phát triển. Chuẩn mực bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng giới là tiêu chí, là tiêu chuẩn và cũng là mục tiêu trong hội nhập quốc tế. Lĩnh vực cơ bản và then chốt của chuẩn mực này không thể không kể đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực này của pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật là cần thiết để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của nước ta trong
bảo đảm và thực thi quyền này cũng như góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển đất nước của Việt Nam.
Về mặt lý luận, mặc dù là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như xã hội học, pháp lý... nhưng hệ thống các quan điểm lý luận và việc tổng kết thực tiễn thực hiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung vẫn chưa hoàn thiện và thống nhất. Đặc biệt là việc nghiên cứu quyền bình đẳng giới đồng thời trong hai lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ, mặc dù hai lĩnh vực này rất gần gũi và có nhiều nét tương đồng với nhau, cần thiết phải cùng nghiên cứu chung.
Trước tình hình trên, tác giả quyết định lựa chọn đề tài Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình – những vấn đề lý luận và thực tiễn để thực hiện luận văn thạc sĩ luật học, với mong muốn góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và pháp luật về bình đẳng giới, trong đó có quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình; góp phần khắc phục những bất cập, tồn tại trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở nước ta trong thời gian tới.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Bình đẳng giới là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học pháp lý. Không chỉ nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới nói chung mà bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội cũng là đối tượng nghiên cứu phổ biến trong khoa học xã hội và khoa học pháp lý. Vì vậy, từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về giới và bình đẳng giới ở Việt Nam, trong đó một số công trình tiêu biểu như:
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 1
- Nhận Thức Về Giới Và Bình Đẳng Giới
- Bản Chất Và Các Yếu Tố Đánh Giá Bình Đẳng Giới
- Quyền Bình Đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Dân Sự, Hôn Nhân Và Gia
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
- Lê Ngọc Hùng: “Xã hội học về giới và phát triển”, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2000;
- Ngô Bá Thành: “Sự bình đẳng về cơ hội kinh tế của phụ nữ trong pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam”, xuất bản năm 2001; “Đưa vấn đề giới vào phát triển: thông qua sự bình đẳng giới về quyền, nguồn lực và tiếng nói”, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 2001;
- Lương Phan Cừ: “Bình đẳng giới- hiện trạng chính sách và pháp luật về bình đẳng giới”, xuất bản năm 2004;
- Lê Thi - Viện khoa học xã hội Việt Nam: “Gia đình, phụ nữ Việt Nam với dân số, văn hóa và sự phát triển bền vững”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2004;
- Đỗ Thị Thạch: “Phát huy nguồn lực trí thức nữ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2005;
- Lê Ngọc Văn (chủ biên) - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Gia đình và giới: “Nghiên cứu gia đình lý thuyết nữ quyền, quan điểm giới”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2006;
- Viện Khoa học xã hội Việt Nam,Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình: “Giới, việc làm và đời sống gia đình”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2007;
- Đặng Thị Ánh Tuyết: “Bình đẳng giới ở nông thôn miền núi phía Bắc hiện nay”, luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Xã hội học, mã số: 60.31.30, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2013;
- Trịnh Đình Thể: “Suy nghĩ về bình đẳng giới dưới góc nhìn pháp luật”, Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2007;
- Dương Thị Ngọc Lan: “Hoàn thiện pháp luật về quyền lao động nữ ở Việt Nam hiện nay”, luận văn thạc sĩ luật học, chuyên ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, mã số: 60.38.01, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2000;
- Chu Thị Thoa: “Bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay”, luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Chủ nghĩa cộng sản khoa học, mã số: 5.01.03, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2002;
- Đỗ Thị Thơm: “Hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay”, luận văn thạc sĩ luật học, chuyên ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, mã số: 60.38.01, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2004;
- Cao Quốc Việt: “Hoàn thiện pháp luật phòng chống mua, bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam hiện nay”, luận văn thạc sĩ luật học, Chuyên ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, mã số: 60.38.01, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2006;
- Nguyễn Thanh Sơn: “Hoàn thiện pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam hiện nay”, luận văn thạc sĩ luật học, chuyên ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, mã số: 60.38.01, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2006...
Mặc dù vậy, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình rất gần gũi với nhau và có nhiều điểm tương đồng, hỗ trợ nhau lại chưa được nghiên cứu trong cùng một công trình nghiên cứu.
Các công trình nghiên cứu kể trên đã cung cấp một lượng kiến thức, thông tin rất lớn về giới, bình đẳng giới trên thế giới và ở Việt Nam. Đây là những tài liệu tham khảo rất hữu ích mà tác giả sử dụng trong khi viết luận văn này. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khảo sát chuyên sâu về bình đẳng giới trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là tiếp cận nghiên cứu vấn đề này dưới góc độ quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình là một hướng nghiên cứu độc đáo như trong luận văn này. Vì vậy, việc nghiên cứu về các vấn đề này là rất cần thiết và phù hợp.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
3.1. Mục đích
Mục đích nghiên cứu của luận văn là làm rõ những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn, từ đó đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận văn cần giải quyết các nhiệm vụ sau
đây:
- Phân tích cơ sở lý luận về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự,
hôn nhân và gia đình.
- Phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình; trong đó nhận xét, đánh giá những thành tựu; những hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế về vấn đề này ở nước ta.
- Đề xuất các quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu cơ chế pháp lý về bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Về nội dung, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận, pháp lý cơ bản về quyền bình đẳng giới trong hai lĩnh vực là dân sự, hôn nhân và gia đình. Luận văn không đi sâu phân tích tất cả các vấn đề lý luận và pháp lý về bình đẳng giới nói chung cũng như trong các lĩnh vực khác.
Về không gian, thời gian, luận văn chủ yếu tập trung phân tích khuôn khổ pháp luật hiện hành về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây. Luận văn chỉ khái quát về pháp luật của quốc tế và một số quốc gia về cùng vấn đề. Luận văn cũng không tập trung phân tích lịch sử pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam mà chỉ khái quát những điểm đặc thù, nổi bật của các giai đoạn lịch sử gắn với pháp luật có điều chỉnh về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
Luận văn vận dụng các phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người và về bình đẳng giới.
Tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh để làm rõ những vấn đề đặt ra.
6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn
Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn bao gồm:
- Trên cơ sở phân tích, tổng hợp các quan điểm, tác giả đưa ra quan điểm của mình về khái niệm giới, bình đẳng giới, khái niệm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, cũng như tiêu chí đánh giá sự hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
- Phân tích, nhận xét, đánh giá thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là các quy định của pháp luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về vấn đề này.
- Đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam trong thời gian tới.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Luận văn hoàn thành có thể làm tài liệu tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng ở Việt Nam. Ngoài ra, những kết quả của luận văn có thể được vận dụng làm tài liệu nghiên cứu về bình đẳng giới và quyền bình đẳng giới, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới và quyền bình đẳng giới trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn được kết cấu làm 3 chương như sau:
Chương 1 - Cơ sở lý luận về hoàn thiện pháp luật bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
Chương 2 - Thực trạng pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
Chương 3 - Quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam hiện nay.