Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay - 14

- Sửa đổi quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vì: mặc dù Điều 6 Luật Du lịch 2005 đã có quy định “nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợ từ hoạt động du lịch, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài”[35] nhưng đến nay vẫn không hình thành được Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, mặc dù Tổng cục Du lịch đã nhiều lần xây dựng đề án nhưng vướng mắc ở mục đích ra đời, nguồn kinh phí và nội dung hoạt động của Quỹ. Do vậy đề nghị bổ sung hướng dẫn thực hiện nội dung này.

- Bổ sung hành vi bị cấm trong Luật Du lịch: tổ chức, cá nhân không được kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Vì hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp trong du lịch để lừa đảo. Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chỉ cho phép kinh doanh đa cấp hạng hóa còn “Mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép”.

- Việc quản lý, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành vì vậy cần bổ sung chương riêng về nguồn nhân lực du lịch với những nội dung cụ thể về: quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và dạy nghề du lịch; quy chuẩn trường đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; sử dụng nguồn nhân lực du lịch; giáo dục du lịch toàn dân; chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch.

- Về hiệp hội du lịch: nên cân nhắc khi đưa vào Luật, nếu tiếp tục quy định trong Luật phải làm rõ khái niệm, vai trò, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm, tính chất của hiệp hội. Quy định hiện nay của Luật chỉ mang tính khẩu hiệu, không có tính thực tiễn nên nhiều năm qua quy định này không thật sự đi vào cuộc sống. Đề nghị quy định cụ thể về: giải quyết vấn đề phát sinh, tranh chấp giữa doanh nghiệp với khách hàng; công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch; đại diện cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản, chính sách có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

- Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch 2005 cần ban hành đồng thời các thông tư hướng dẫn thực hiện một số lĩnh vực, hoạt động mà Luật Du lịch 2005 và một số nghị định đã quy định nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết thi hành như:

+ Quản lý hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của du lịch lữ hành trong nước;


+ Quy định về khoảng cách mà “cơ sở lưu trú du lịch không được xây dựng trong hoặc liền kề với khu vực thuộc phạm vi quốc phòng, an ninh quản lý, không được cản trở đến không gian của trận địa phòng không quốc gia; phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với trường học, bệnh viện, những nơi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm” tại Điều 18 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP;

+ Quy định cụ thể Điều 19 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP về nội dung “Khách sạn, làng du lịch được xếp hạng 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao, 5 sao, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch được xếp hạng cao cấp khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện không bắt buộc phải xin phép kinh doanh (trừ các trò chơi có thưởng, mua, bán ngoại tệ, bán hàng miễn thuế, casino) nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện”;

+ Điều 62 Luật Du lịch quy định “Cơ sở lưu trú du lịch bao gồm: 1.Khách sạn du lịch; 2.Làng du lịch; 3.Biệt thự du lịch; 4.Căn hộ du lịch; 5.Bãi cắm trại du lịch; 6.Nhà nghỉ du lịch; 7.Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; 8.Các cơ sở lưu trú du lịch khác” tuy nhiên cho đến nay, Bộ tiêu chí Quốc gia về phân loại xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành chỉ có 7 tiêu chí về phân loại xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch mà chưa ban hành tiêu chuẩn cho các cơ sở lưu trú du lịch khác như: tàu thủy du lịch, tàu hỏa du lịch, caravan, lều du lịch đã quy định tại Điểm 1 Mục II Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

- Về tài nguyên du lịch


Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay - 14

Luật Du lịch 2005 dành hẳn một chương quy định về tài nguyên du lịch nhưng mới chỉ là những quy định chung chung, chưa cụ thể, trong khi nhiều nội dung quan trọng về tài nguyên du lịch chưa được đề cập đến, vì vậy đề nghị:

- Bổ sung các quy định về sản phẩm du lịch, quy định về khai thác tài nguyên biển đảo và biến đổi khí hậu của Việt Nam, các quy định về chính sách bảo tồn và cải tạo môi trường du lịch bền vững, các quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia điều tra tài nguyên du lịch...Nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về quản lý tài nguyên du lịch, tiêu chí đánh giá tài nguyên du lịch...

- Phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương để chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước liên quan và ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch để làm căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xác định và công bố các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch trên địa bàn. Đồng thời có hướng dẫn chi tiết hơn về công tác xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý các tài nguyên du lịch.

Về quy hoạch phát triển du lịch


- Nhiều quy định về lập quy hoạch phát triển du lịch chưa phù hợp và thiếu sự tương tác với quy hoạch của các ngành khác, do vậy đề nghị sửa đổi quy định về lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể phát triển du lịch để phù hợp với các quy hoạch ngành khác, đồng thời thể chế hóa các điều kiện thực hiện quy hoạch như: đơn giá lập quy hoạch, phân cấp việc xây dựng quy hoạch (quy hoạch khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia phải do Trung ương làm, quy hoạch khu du lịch địa phương, điểm du lịch địa phương do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Du lịch làm).

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Du lịch “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương” [35]. Tuy nhiên, trên thực tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ họp 02 kỳ/năm với nội dung kỳ họp được lập trước, vì vậy hầu hết các quy hoạch được lập xong phải chờ hàng năm sau mới được xem xét, mất tính thời sự. Do vậy đề nghị sửa lại quy định này theo hướng chỉ cần có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương thì Ủy ban nhân dân cấp

tỉnh quyết định hoặc “trình Thường trực Hội đồng nhân dân” để có thể giải quyết ngay, bảo đảm kế hoạch trong thực tế.

- Điều 21 Luật Du lịch quy định về quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nhưng lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên khó triển khai trong thực tế. Các văn bản về du lịch tuy có nêu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở quản lý về du lịch tại địa phương nhưng chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý đầu tư du lịch, quy hoạch du lịch do đó gây khó khăn trong công tác quản lý, tham mưu, định hướng, xây dựng chiến lược phát triển du lịch và thu hút, kêu gọi đầu tư du lịch của địa phương. Đề nghị nhanh chóng nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn nội dung này.

Về khu, tuyến, điểm du lịch và đô thị du lịch


- Việc xếp hạng, công nhận khu, điểm, tuyến du lịch còn nhiều bất cập trong việc đánh giá, phân loại và lập hồ sơ công nhận do một số nội dung đã được đề cập trong Luật nhưng chưa nêu cụ thể và chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện như: các tiêu chí đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch, tiêu chí đánh giá kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. Các quy định về điều kiện công nhận khu, điểm, tuyến du lịch chưa phù hợp, khó thực hiện đặc biệt là quy định về điều kiện không gian: Luật quy định khu du lịch quốc gia phải có diện tích tối thiểu là 1000 ha còn khu du lịch địa phương phải có diện tích tối thiểu là 200ha là quá cao và không có cơ sở. Vì hiện nay do tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh nên đất đai để phục vụ cho sản xuất kinh doanh và xây dựng dự án phát triển du lịch có xu hướng khan hiếm, mỗi địa phương có diện tích đất đai và điều kiện tự nhiên thu hút khách du lịch khác nhau. Đề nghị sửa đổi những quy định này để có thể triển khai hiệu quả trong thực tế.

- Đề nghị bỏ nội dung đô thị du lịch trong Luật vì việc phân loại đô thị đã được quy định tại Luật Xây dựng 2003, trong hệ thống đô thị không có khái niệm “đô thị du lịch”; mặt khác Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không có hướng dẫn cụ thể để đạt được điều kiện công nhận đô thị du lịch vì vậy không có căn cứ để thực hiện các quy định này. “Đô thị du lịch” là khái niệm không rõ ràng vì vậy từ khi Luật Du

lịch ra đời đến nay vẫn chưa xây dựng được văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, cơ cấu lao động, tỷ lệ thu nhập từ du lịch trên tổng thu nhập của các ngành dịch vụ...

Về khách du lịch


- Sửa đổi khái niệm “khách du lịch”, “khách du lịch nội địa”, “khách du lịch quốc tế”, “khách du lịch quốc tế inbound”, “khách du lịch quốc tế outboound”... cho phù hợp với thực tế du lịch Việt Nam, các quy định về thống kê quốc tế, quy định của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO)...

- Bổ sung một số quyền của khách du lịch: quyền được yêu cầu cung cấp thông tin du lịch; quyền được phục vụ theo cam kết; quyền được hỗ trợ về du lịch; quyền được tự do tìm hiểu, giao lưu với cộng đồng, được tôn vinh vì những hành động có trách nhiệm với môi trường... đồng thời bổ sung các nghĩa vụ: thực hiện các quy định của doanh nghiệp và điểm đến; trách nhiệm thanh toán, tham gia ý kiến, bồi thường thiệt hại...

- Sửa đổi các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch (Điều 37 Luật Du lịch), tránh tình trạng quy định chung chung như hiện nay, đề nghị thành lập cảnh sát du lịch hoặc lực lượng bảo vệ khách du lịch, hoạt động một cách chuyên nghiệp, cơ động (có thể tổ chức theo mô hình các công ty bảo vệ); thành lập đường dây nóng bảo vệ khách du lịch... Đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng, hình thành một cơ chế đồng bộ, thông suốt cho các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Về kinh doanh lữ hành


- Đối với kinh doanh lữ hành nội địa: đề nghị bổ sung quy định bắt buộc mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch; có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ; quy định bắt buộc về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa và tăng thời gian hoạt động, trình độ chuyên môn đối với người điều hành; quy định về thu phí và lệ phí thẩm định đủ điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí...

- Đối với kinh doanh lữ hành quốc tế:


Điều chỉnh lại các quy định về ký quỹ như: mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế đối phải phù hợp với loại hình và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch trong trường hợp xảy ra rủi ro hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng; bổ sung hình thức ký quỹ ngoài hình thức ký quỹ là tiền; quy định về sử dụng lãi suất từ tiền ký quỹ...

Bổ sung quy định thời hạn giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; cụ thể hóa trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tại Điểm c, d Khoản 3 Điều 47; thủ tục cấp lại, thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; giảm thời gian thẩm định hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh từ 10 ngày xuống 7 ngày làm việc

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài: Sửa đổi quy định tại Điều 51 Luật Du lịch theo hướng: cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour. Tuy nhiên, cần tiếp tục duy trì quy định chi nhánh của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam không được kinh doanh lữ hành tại Việt Nam để tạo thuận lợi trong việc quản lý hoạt động kinh doanh và thu thuế. Lý do: Hiện nay Luật Du lịch không cho phép doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour. Tuy nhiên Việt Nam cũng không hạn chế vốn nước ngoài trong liên doanh và trên thực tế, nếu ta không cho phép doanh nghiệp lữ hành 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour thì họ vẫn tìm cách lách luật. Vì không hạn chế vốn nước ngoài trong liên doanh nên thực chất vai trò của phía Việt Nam cũng như mức độ tạo công ăn việc làm, tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm quản lý... còn hạn chế.

Về kinh doanh vận chuyển khách du lịch


Sửa đổi, bổ sung các quy định: loại hình kinh doanh vận chuyển khách du lịch như ô tô, tàu thủy, cáp treo, xe điện và một số loại hình vận chuyển khác đồng thời bổ sung các quy định về phân loại, hạng đối với phương tiện vận chuyển khách

du lịch; quy định chặt chẽ hơn về trang thiết bị, bảo hiểm, đăng ký tạm trú (danh sách đoàn khách), nơi xuất bến, lịch trình cho cơ quan quản lý chuyên ngành các phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Về kinh doanh lưu trú du lịch


- Bổ sung loại hình “tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm” vào Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đồng thời quy định trong Tiêu chuẩn Quốc gia về du lịch và các dịch vụ có liên quan do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành vì ngày 23/10/2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư số 43/2012/TT- BGTVT quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

- Đề nghị bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng từ 1 sao – 5 sao cho “làng du lịch” vì: hiện nay Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch mới chỉ xếp hạng khách sạn, không xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch khác, tuy nhiên Điểm a Khoản 1 Điều 63 Luật Du lịch 2005 lại quy định “làng du lịch được xếp theo năm hạng” như khách sạn. Tương tự, đề nghị bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng quốc gia về biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch,... như quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 63 Luật Du lịch.

- Về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch: đề nghị bổ sung các điều kiện cụ thể nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng (ví dụ: phải có hệ thống xử lý rác thải, nước thải, phân loại rác...).

Về hướng dẫn du lịch


- Đề nghị sửa đổi các quy định về điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế (Điều 73 Luật Du lịch):

Quy định người có trình độ cao đẳng trở lên đáp ứng điều kiện khác do Luật định được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Lý do: Luật Du lịch quy định tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế là tối thiểu phải có trình độ cử nhân trở lên. Sau 10 năm triển khai, nhiều ý kiến từ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

các doanh nghiệp du lịch và người có nhu cầu cấp thẻ hướng dẫn cho rằng nhiều người không có trình độ đại học nhưng có nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tốt, có kinh nghiệm lâu năm và có trình độ ngoại ngữ thành thạo nhưng lại không có đủ điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế do chưa tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, trên thực tế, thị trường vẫn thiếu hướng dẫn viên lành nghề, đặc biệt là hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ ít thông dụng như tiếng Đức, Hàn, Thái... Ở các nước trong khu vực, không quy định bắt buộc phải tốt nghiệp đại học thì mới được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Đồng thời đề nghị bổ sung thêm quy định đối với trường hợp những người không có trình độ đào tạo theo quy định (cao đẳng trở lên) nhưng có kinh nghiệm hướng dẫn trong 05 năm được các công ty lữ hành xác nhận và có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, ngoại ngữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp. Vừa qua có khoảng 245 trường hợp theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đề xuất được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đặc cách [41]. Những đối tượng này sử dụng thành thạo ngoại ngữ ít thông dụng, có kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn tốt nhưng thiếu các văn bằng theo quy định của Luật Du lịch 2005 và Luật Du lịch 2005 không có quy định về nội dung này. Do đó để có căn cứ thực hiện việc cấp thẻ hướng dẫn viên theo tình hình thực tế, cần bổ sung quy định về trường hợp đặc thù.

Ngoài ra, đề nghị có hướng dẫn chi tiết nhằm ngăn ngừa tình trạng người nước ngoài hoạt động bất hợp pháp và nâng cao mức xử phạt đối với người nước ngoài hoạt động hướng dẫn trái phép tại Việt Nam hiện nay.

- Sửa đổi quy định về thuyết minh viên tại Điều 78 Luật Du lịch: sửa cụm từ “thuyết minh viên” thành “hướng dẫn viên tại điểm”, cấp „thẻ hướng dẫn viên tại điểm” thay vì cấp “giấy chứng nhận thuyết minh viên”. Lý do: cụm từ “thuyết minh viên” không bao quát, không phản ánh hết bản chất công việc của người hướng dẫn tại các điểm du lịch khác nhau; trên thế giới, hầu hết các nước đều gọi những đối tượng lao động này là “hướng dẫn viên du lịch tại điểm”. Việc cấp thẻ cho hướng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/08/2022