tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Ngân hàng nhận tiền gửi của các cá nhân, của các tổ chức kinh tế và Ngân hàng phải hoàn trả gốc và lãi cho khách hàng khi đến hạn hoặc khi khách hàng có nhu cầu sử dụng là đến rút tiền ở Ngân hàng. Qua hoạt động này Ngân hàng đã thu hút một lượng lớn tiền tạm thời nhàn rỗi để phục vụ cho các hoạt động của mình như hoạt động cho vay và thông qua đó cung cấp phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.
b. Hoạt động tín dụng và đầu tư Hoạt động tài trợ cho chính phủ
Chính phủ luôn có những hoạt động thu và chi với giá trị rất lớn. Với những dự án lớn, cấp bách thì chính phủ cần phải huy động nguồn lực xã hội bằng cách phát hành trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác hoặc tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng. Các khoản vay này của chính phủ thường là các khoản vay dài hạn với lãi suất ổn định. Ngân hàng nhận thấy đây là các khoản vay độ ổn định cao, lợi nhuận ổn định, tính thanh khoản cao trên thị trường nên qua nghiệp vụ này một mặt vừa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước mặt khác vừa đem lại thu nhập cho Ngân hàng.
Hoạt động tài trợ cho nền kinh tế
Một doanh nghiệp có nhiều nhu cầu khác nhau về vốn như là để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để mở rộng qui mô để đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp đều phải dựa và nguồn vốn khác như vốn tín dụng Ngân hàng, vốn huy động qua hình thức trái phiếu, cổ phiếu… Trong đó vốn hoạt động từ ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuỳ theo nhu cầu và loại hình kinh doanh mà Ngân hàng chấp nhận cấp tín dụng theo các phương thức khác nhau trên cơ sở thoả mãn các điều kiện vay vốn do Ngân hàng đưa ra. Khi thực hiện nghiệp vụ này thì nó đem lại lợi nhuận rất lớn cho Ngân hàng và đây là nguồn thu chủ yếu của Ngân hàng. Các nghiệp vụ
chủ yếu của hoạt động này là nghiệp vụ tín dụng, cho thuê tài chính, góp vốn đầu tư và mua nợ.
c. Các hoạt động khác của Ngân hàng
- Hoạt động kinh doanh ngoại tệ: Đây là hình thức Ngân hàng làm trung gian trong việc chuyển đổi các đồng tiền của các quốc gia với nhau theo nhu cầu của khách hàng dựa trên tỷ giá mua bán các đồng tiền đó với nhau, qua hoạt động này Ngân hàng thu được lợi nhuận từ chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán.
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - 1
- Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - 2
- Công Tác Xếp Hạng Tín Dụng Khách Hàng Doanh Nghiệp Của Ngân Hàng Thương Mại
- Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - 5
- Những Chỉ Tiêu Đánh Giá Mức Độ Hoàn Thiện Công Tác Xếp Hạng Tín Dụng Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại
Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.
- Cung cấp tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán hộ. Thông qua việc thu hút khách hàng (Cá nhân hoặc tổ chức) mở tài khoản giao dịch, Ngân hàng sẽ quản lý tài khoản của khách hàng và tiến hành chi trả tiền hàng hóa dịch vụ cũng như thu hộ các khoản phải thu của chủ tài khoản theo lệnh của họ.
- Bảo quản vật có giá. Đây là một dịch vụ mang lại thu nhập khá cao cho các Ngân hàng. Trên thế giới dịch vụ này rất phát triển. Nội dung của nghiệp vụ này là các Ngân hàng cho khách hàng thuê két của Ngân hàng để bảo quản tài sản của mình và thu phí từ hoạt động cho thuê đó.
- Dịch vụ bảo lãnh. Bảo lãnh Ngân hàng là cam kết bằng văn bản của các tổ chức tín dụng với bên có quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết. Khi Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng thì Ngân hàng được hưởng một khoản phí gọi là phí bảo lãnh, mức phí này tuỳ thuộc vào mức độ rủi ro của từng hợp đồng bảo lãnh.
- Cung cấp dịch vụ uỷ thác và tư vấn đầu tư. Do hoạt động trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng có rất nhiều chuyên gia về quản lý tài chính vì vậy có rất nhiều cá nhân và doanh nghệp đã nhờ Ngân hàng quản lý tài sản và quản lý hoạt động tài chính hộ. Ngân hàng sẵn sàng tư vấn về đầu tư, về quản lý tài chính, về thành lập, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
- Cung cấp dịch vụ đại lý. Nhiều Ngân hàng trong quá trình hoạt động không thể thiết lập chi nhánh hoặc văn phòng ở khắp mọi nơi, nhiều Ngân hàng (thường là các Ngân hàng lớn) cung cấp dịch vụ đại lý cho các Ngân hàng khác như thanh toán hộ, phát hành chứng chỉ tiền gửi, làm Ngân hàng đầu mối trong đồng tài trợ…
1.1.2. Hoạt động tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại
1.1.2.1.Khái niệm tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại
Doanh nghiệp là các tổ chức hoạt động và đăng kí kinh doanh theo quy định về pháp luật phải có tên riêng, Trụ sở giao dịch ổn định thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình nhằm tạo ra lợi nhuận. Có nhiều loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài… hoạt động trên hầu khắp các ngành như: Điện, nước, than, dịch vụ ăn uống, dịch vụ giải trí… Mỗi doanh nghiệp như vậy đều có những đặc trưng riêng về quy mô vốn, khối lượng nhân công, điều kiện kinh doanh… Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thì chi phí hoạt động chủ yếu là lương có thể chiếm 60% ngân sách trong khi doanh nghiệp sản xuất thì nhiều yếu tố quyết định đến chi phí như lương, chi phí khấu hao tài sản, chi phí hàng hóa đầu vào…
Để chi trả mọi hoạt động kinh doanh của mình thì doanh nghiệp cân đối giữa khoản đầu ra và đầu vào để duy trì hoạt động của mình. Vốn của doanh nghiệp có thể là nguồn vốn góp của chủ sở hữu hoặc vốn vay của ngân hàng được phân loại theo thời gian như ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Ngân hàng với tư cách là trung gian tài chính sẽ tài trợ các khoản thiếu hụt tạm thời của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển, với ngân hàng thì quan hệ này được gọi là quan hệ tín dụng khách hàng doanh nghiệp.
Như vậy hoạt động tín dụng đối với KHDN tại NHTM là hoạt động ngân hàng (bên cho vay) chuyển cho doanh nghiệp (bên đi vay) một lượng tiền để doanh nghiệp sử dụng theo thỏa thuận và có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán.
1.1.2.2.Đặc điểm hoạt động tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp
Một số đặc điểm của hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại như sau:
- Ngân hàng đóng vai trò trung gian trong quá trình huy động vốn và cho vay và Tín dụng ngân hàng dựa vào niềm tin với khách hàng là trung gian thúc đẩy lưu chuyển dòng tiền phục vụ cho nhiều mục đích kinh tế. Niềm tin chính là những gì bảo đảm để doanh nghiệp trong bất kì tình huống nào cũng có khả năng trả nợ cho ngân hàng từ hình thức tài sản đảm bảo như bất động sản, máy móc thiết bị đến hình thức bảo lãnh từ bên thứ ba, bảo lãnh bằng tài sản hình thành từ vốn vay và các hình thức khác. Ngân hàng có quyền kiểm tra, thu hồi vốn và khởi tố nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết. Như vậy một tổ chức kinh tế không dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn nếu không thể đảm bảo được cho khoản vay của mình. Từ đó Tín dụng ngân hàng thúc đẩy quá trình tập trung và điều hòa vốn giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
- Tín dụng là thỏa thuận kinh tế với giá trị và trong thời gian nhất định: Một doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, có lợi nhuận ổn định và đảm bảo được khoản trả nợ đúng hạn. Trong khi ngân hàng cần biết được được giá trị khoản vay và thời hạn khoản vay để có thể có kế hoạch cho khoản tiền này và trích lập dự phòng nếu khoản vay có vấn đề. Vì vậy một khoản tín dụng luôn có thỏa thuận dạng hợp đồng và được pháp luật bảo hộ.
1.1.2.3.Các hình thức tín dụng
Do đặc điểm của ngân hàng với khách hàng rất đa dạng nên có rất nhiều tiêu chí phân loại tín dụng đối với doanh nghiệp
a. Phân loại theo thời hạn khoản vay có các loại tín dụng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
- Với các khoản doanh nghiệp vay thời gian vay dưới 01 năm được gọi là tín dụng ngắn hạn. Thông thường mục đích của loại cho vay này thường là nhằm tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản lưu động ngắn hạn.
- Với các khoản doanh nghiệp vay với thời gian từ 01 đến 05 năm được coi là khoản tín dụng trung hạn. Thông thường mục đích của khoản vay này nhằm tài trợ cho việc đầu tư tài sản cố định.
- Với các khoản doanh nghiệp vay với thời gian trên 05 năm thì được coi là khoản tín dụng dài hạn. Thông thường mục đích của khoản vay này nhằm tài trợ các dự án đầu tư.
b. Phân loại tín dụng dựa vào mức độ tín nhiệm của khách hàng
- Cho vay không có đảm bảo: là loại cho vay không có tài sản cầm cố, ngân hàng quyết định cho vay dựa trên uy tín của khách hàng vay vốn.
- Cho vay có đảm bảo: là loại cho vay dựa trên cơ sở các bảo đảm cho tiền vay như thế chấp, cầm cố, hoặc bảo lãnh của bên thứ ba nào khác
c. Dựa vào phương thức cho vay
- Phương thức cho vay theo từng khoản vay: Ngân hàng quyết định cho vay dựa trên thẩm định từng hồ sơ đề nghị vay vốn. Khách hàng của khoản vay này thường không nhu cầu thường xuyên và khách hàng có vòng quay vốn lưu động thấp.
- Cho vay theo hạn mức tín dụng: Ngân hàng xác định cho khách hàng của mình một hạn mức tín dụng trong khoảng thời gian nhất định. Áp dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn thường xuyên với ngân hàng, khách hàng có vòng quay vốn lưu động cao.
d. Dựa vào phương thức hoàn trả nợ vay
- Cho vay một kì hạn trả nợ: Là phương thức người đi vay và ngân hàng thỏa thuận trả nợ trong một lần duy nhất.
- Cho vay nhiều kì hạn trả nợ hay còn gọi là cho vay trả góp: Là phương thức người đi vay trả dần số tiền gốc và lãi trong khoảng thời gian nhất định dựa trên thỏa thuận với ngân hàng.
- Cho vay trả nợ nhiều lần nhưng không có kỳ hạn cụ thể tùy theo thực tế. Tuỳ vào khả năng tài chính của mình người đi vay có thể trả nợ bất cứ lúc nào.
1.1.2.4.Quy trình tín dụng
a. Hoạt động tìm kiếm khách hàng và thẩm định hồ sơ vay vốn
Thông thường doanh nghiệp với nhu cầu vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh làm việc với hệ thống mạng lưới của ngân hàng để tiếp cận với khoản vay. Ngày nay các ngân hàng nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách chủ động cử các cán bộ tín dụng tiếp cận khách hàng qua các kênh thông tin khác nhau, tìm hiểu nhu cầu khách hàng vay vốn. Cán bộ tín dụng tiến hành hướng dẫn cho khách hàng những thủ tục cần thiết để có thể đảm bảo cho khoản vay. Khi khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng sẽ tiến hành đánh giá, sàng lọc các thông tin từ nhiều kênh khác nhau, sau đó phê duyệt khoản vay.
Một hồ sơ vay vốn phải đảm bảo các điều kiện để ngân hàng thấy được năng lực tài chính, năng lực hoạt động, năng lực trả nợ của doanh nghiệp.
b. Hoạt động ra quyết định cho vay, giải ngân và giám sát khoản vay
Sau khi nhân viên tín dụng hoàn thành thu thập đủ hồ sơ tín dụng ngân hàng bao gồm hồ sơ xếp hạng tín dụng, hồ sơ thẩm định tài sản đảm bảo, đơn đề nghị vay vốn, phương án kinh doanh…, hồ sơ sẽ được chuyển sang cấp cao hơn tùy theo phân cấp phê duyệt. Căn cứ vào quy định của
ngân hàng và quy định pháp luật thì lãnh đạo cân nhắc các hạn mức tín dụng, lãi suất khoản vay, phương án giám sát và thu hồi khoản nợ… để các bộ phận tiến hành đàm phán kí kết hợp đồng.
Tiếp theo, Ngân hàng sẽ tiến hành soạn hợp đồng với các điều khoản ràng buộc về thời gian, lãi suất, điều khoản … với khách hàng. Sau khi hợp đồng được kí kết, số tiền sẽ được giải ngân để khách hàng có thể sử dụng vào mục đích của mình.
Ngân hàng hàng tháng tiến hành giám sát khoản vay, thông báo khoản lãi hoặc phí theo quy định hợp đồng, tiến hành đánh giá khoản vay thường xuyên để kiểm tra tình trạng thực hiện hợp đồng của khách hàng, tình hình triển khai dự án để có những biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp khoản vay có dấu hiệu không tốt.
c. Thu hồi khoản vay
Tại bước này khoản vay sau khi đến hạn ngân hàng sẽ tiến hành xem xét thu hồi khoản gốc hoặc lãi theo quy định hợp đồng. Nếu khoản vay rơi vào tình trạng khó thu hồi sẽ tiến hành phân loại thành các cấp nợ xấu để có những biện pháp thu hồi khoản vay và trích lập các khoản dự phòng nếu khoản vay có dấu hiệu trở thành khoản nợ xấu.
1.1.2.5.Rủi ro tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp.
Rủi ro tín dụng là khả năng không chi trả được nợ của người đi vay đối với người cho vay khi đến hạn phải thanh toán. Luôn là người cho vay phải chịu rủi ro khi chấp nhận một hợp đồng cho vay tín dụng. Bất kỳ một hợp đồng cho vay nào cũng có rủi ro tín dụng.
Rủi ro tín dụng phân loại theo nguồn gốc hình thành
Rủi ro từ phía khách hàng: Rủi ro vì khả năng tài chính yếu kém, rủi ro trong hoạt động kinh doanh…
Rủi ro từ phía ngân hàng: Là những rủi ro do chính sách của Ngân hàng, việc nghiên cứu, dự báo, theo dõi, xử lý rủi ro tín dụng, cán bộ tín dụng, công tác kiểm tra, kiểm soát kém…
Rủi ro từ nguyên nhân khác: Đó là các rủi ro liên quan tới các khâu quản lý của Ngân hàng Nhà nước; chế độ chính sách; môi trường; các biến động bất thường trong nền kinh tế…
Rủi ro tín dụng phân loại theo định lượng của món nợ: Đây là cách phân loại đang được sử dụng phổ biến và cách phân loại theo định lượng chủ yếu dựa trên yếu tố thời gian cho món nợ quá hạn: Nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) thời gian quá hạn từ 10 đến 90 ngày, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) thời gian quá hạn là 91 đến 180 ngày, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) thời gian quá hạn từ 181 đến 360 ngày, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) Nợ quá hạn trên 360 ngày.
Rủi ro tín dụng phân loại theo định tính của món nợ:
Phân loại thành 5 nhóm nợ: Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn; nhóm 2 (nợ cần chú ý) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ; nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất; nhóm 4 (nợ nghi ngờ) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất cao; nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn. Theo thông tư 02, NHTM cần phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện: có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với hoạt động kinh doanh, đối tượng khách hàng, tính chất rủi ro của khoản nợ và có thời gian thử nghiệm tối thiểu 01 năm; có chính sách dự phòng rủi ro theo quy định; có chính sách quản lý rủi ro