Nhà Nước Theo Thể Chế Dân Chủ Cộng Hòa Ở Việt Nam


Chương 2

HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC XÂY DỰNG THỂ CHẾ DÂN CHỦ CỘNG HÒA Ở VIỆT NAM (1945 - 1946)

2.1. Nhà nước theo thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam

2.1.1. Bối cảnh lịch sử những năm 1945 - 1946

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã lật đổ ách thống trị của chế độ thuộc địa đế quốc và phong kiến, thiết lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau cách mạng Tháng Tám 1945 là sản phẩm cả một quá trình nhận thức của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Công cuộc xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự vận động, sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể nước ta của những năm 1945 - 1946:

- Đảng do lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh sáng lập và đã chớp thời cơ, phát động quần chúng nhân dân đứng lên lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Việc làm này đã khẳng định tính pháp lý của nhà nước cách mạng Việt Nam trên thế giới, dù không muốn nhưng các thế lực đế quốc không thể không tính đến tính pháp lý đó, chúng ý thức rất rõ tầm quan trọng về sự tồn tại của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tìm mọi cách để lật đổ nhà nước cách mạng đã được thiết lập. Đảng đã triệt để sử dụng những cơ hội, tiềm năng của dân tộc để tăng cường vai trò Nhà nước, tập hợp đông đảo quần chúng bảo vệ và xây dựng Nhà nước, hạn chế sự phá hoại của kẻ thù.

- Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta từ địa vị những người nô lệ trở thành chủ nhân thật sự của đất nước, sẵn sàng hy sinh tính mệnh và của cải để bảo vệ chính quyền cách mạng và chế độ mới. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam càng được phát huy cao độ khi nhân dân thấy rõ giá trị của độc lập và tự do. Cách mạng đã mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người Việt Nam. Vì thế, ý thức chính


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.

trị của quần chúng ngày càng lên cao và trở thành cội nguồn sức mạnh của chính quyền nhân dân.

- Nhà nước cách mạng theo thể chế dân chủ cộng hòa do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Một Đảng mới 15 tuổi, số đảng viên chỉ khoảng 5000 người nhưng dầy dạn kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích dân tộc. Điều đặc biệt quan trọng là Đảng ta có tư duy độc lập, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo trong mọi thời điểm cách mạng. Đứng đầu Đảng và Nhà nước cách mạng là lãnh tụ Hồ Chí Minh - một người hiểu rõ thời thế, hiểu rõ Đảng phải làm gì trong tình hình này. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhìn xa trông rộng, dự đoán được tình hình, có sẵn đối sách thích hợp để ứng phó với những thách thức đe dọa sự tồn vong của chính quyền non trẻ, đồng thời xây dựng cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ mới, đưa cách mạng đi lên.

Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 6

Hồ Chí Minh đã tìm kiếm mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước kiểu mới cho dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, chính Người đã thiết kế mô hình đó trong thực tiễn muôn vàn khó khăn, thử thách của hoàn cảnh đất nước những năm 1945 - 1946.

- Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, quân đội cách mạng được nhanh chóng củng cố, lực lượng ngày càng phát triển, là công cụ sắc bén để bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 19/08/1945, ngay khi khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập lực lượng công an nhân dân: ở Bắc Bộ, lập “Sở Liêm Phóng” và “Sở Cảnh sát”; ở Trung Bộ, lập “Sở Trinh sát”; ở Nam Bộ, lập “Quốc gia tự vệ cục”. Hệ thống công an được lập đến các tỉnh, nhiều nơi đến huyện. Quân đội và công an cách mạng tuy số lượng còn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, vũ khí vừa thô sơ lại ít ỏi… Song, có tinh thần yêu nước nồng nàn, có tinh thần cách mạng triệt để, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn có những thuận lợi do bối cảnh quốc tế đưa lại, đó là: thắng lợi của Liên Xô và sự ra đời của các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu; sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai; sự phát triển mới trong phong trào công nhân ở các nước tư bản đế quốc…

Bên cạnh những thuận lợi, nhà nước và cách mạng phải đối phó với khó khăn:


- Về kinh tế: Gần một thế kỷ đô hộ nước ta, thuộc địa Pháp một mặt cho du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, mặt khác vẫn duy trì phương thức sản xuất phong kiến, làm cho nền kinh tế vừa lạc hậu, kém phát triển, lại què quặt.

Việt Nam tuy là nước nông nghiệp song trình độ sản xuất nông nghiệp rất thấp kém: Hệ thống thủy lợi kém phát triển; công cụ và kỹ thuật canh tác lạc hậu, không được cải tiến bao nhiêu; mùa màng bị mất liên tục; chính sách bóc lột, vơ vét của Pháp - Nhật làm cho hơn 2 triệu người Việt Nam bị chết đói vào đầu năm 1945, nguy cơ nạn đói vẫn tiếp diễn, đe dọa đến năng lực nội sinh của quần chúng cách mạng. Thêm vào đó, Nhà nước ta phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 20 vạn quân Tưởng và hàng vạn quân Nhật. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Nền công nghiệp nước ta nhỏ bé, què quặt, phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài. Do chính sách không phát triển công nghiệp nặng và kìm hãm công nghiệp nhẹ tại thuộc địa của thực dân Pháp nên nền công nghiệp của nước ta thời kỳ này kém phát triển. Sau Cách mạng Tháng Tám, nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng đình đốn. Chính quyền cách mạng chỉ tiếp nhận được một số cơ sở công nghiệp như điện, nước, hỏa xa… còn lại các ngành công nghiệp nhẹ, khai thác ở trong tình trạng bị phá hủy nặng nề, thiếu nguyên liệu, chưa thể phục hồi được. Hàng ngàn công nhân thất nghiệp, thương nghiệp bị ngưng trệ, việc buôn bán với nước ngoài bị cắt đứt, hàng hóa trên thị trường khan hiếm, …

Chế độ cũ để lại một di sản tài chính khánh kiệt. Khi giành được chính quyền, số tiền mặt còn trong ngân khố Trung ương chỉ có hơn 1 triệu đồng, trong đó gần một nửa số tiền đã rách nát, không lưu hành được. Trong khi đó, ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản Pháp. Bọn Tưởng tung tiền Quan kim và Quốc tệ tràn ngập thị trường. Nguồn thu của Nhà nước giảm sút vì mùa màng thất bát và Chính phủ bãi bỏ nhiều thứ thuế của chế độ cũ.

- Về văn hóa, xã hội: Hậu quả của chính sách ngu dân do thực dân Pháp để lại là trên 90% dân số mù chữ, đã cản trở quá trình vươn lên làm chủ xã hội của nhân dân lao động. Hệ thống giáo dục phục vụ cho các mục đích thực dân “khai hóa văn minh”, nội dung hết sức phản động nhưng chưa thể tiến hành cải cách được trong


ngày một, ngày hai. Chính sách cai trị của thực dân đã để lại trên đất nước ta nhiều tệ nạn xã hội, như: tệ nghiện hút thuốc phiện, mại dâm, mê tín dị đoan, rượu chè, ma chay cưới hỏi phức tạp… làm tổn hại đến các giá trị truyền thống tốt đẹp và năng lực cách mạng của quần chúng. Những tàn dư của chính sách cai trị thực dân, phản động vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống nhân dân.

Những khó khăn, thách thức về kinh tế, văn hóa, xã hội trên đây là những vấn đề cấp bách, đòi hỏi Nhà nước cách mạng phải có giải pháp giải quyết kịp thời.

- Về chính trị: Đây là thời kỳ ở Việt Nam tồn tại nhiều đảng phải chính trị. Theo gót quân Tưởng, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) kéo về nước, với ý đồ cướp chính quyền. Quân Tưởng kéo đến đâu thì Việt Quốc, Việt Cách bám sát đến đó, tấn công chính quyền cách mạng các cấp, lập trụ sở, đòi xóa bỏ Ủy ban nhân dân, giải tán Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng. Việt Quốc và Việt Cách liên kết thành một liên minh chính trị, tổ chức ra cả lực lượng vũ trang, quấy phá, gây rối loạn ở Hà Nội, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Một loạt các tổ chức khác như: Đại Việt quốc xã, Đại Việt duy tân, Đại Việt quốc gia liên minh, Việt Nam phục quốc Đồng minh Hội cũng ngóc đầu dậy ráo riết hoạt động chống phá chính quyền cách mạng. Các tổ chức đó là công cụ của các thế lực ngoại xâm để chống phá chính quyền dân chủ nhân dân mới hình thành.

Chúng dựa vào thế lực ngoại bang công khai xuất bản báo chí nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá cách mạng, như các tờ: Việt Nam, Dân chúng, Thiết thực, Đồng tâm, Tự do, Phục quốc, Liên minh… Và tổ chức nhiều hoạt động quấy rối, bắt cóc, tống tiền, thủ tiêu cán bộ, biểu tình, gây mất an ninh trật tự… Nguy hiểm hơn, các thế lực phản động này dựa vào quân Tưởng để ép buộc lực lượng cách mạng phải cải tổ chính phủ để bọn chúng tham gia chính quyền và âm mưu thao túng, lật đổ chính quyền cách mạng.

Ở miền Nam, sau khi thực dân Pháp trắng trợn mở cuộc tái xâm lược ngày 23/09/1945, lực lượng phản động thân Pháp, thân Nhật, nhất là lực lượng đội lốt tôn giáo trong Cao Đài, Hòa Hảo hoạt động trở lại. Pháp giúp bọn phản động nặn ra cái


gọi là “Nam Kỳ tự trị” do Nguyễn Văn Thinh đứng đầu, âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Chúng xuất bản nhiều tờ báo cổ vũ cho chính sách “Nam Kỳ tự trị”.

Lực lượng tờrốtkít cũng ráo riết hoạt động chống phá chính quyền nhân dân. Nguy hiểm ở chỗ là đưa ra luận điệu “cách mạng triệt để”, hô hào công nông đứng lên đấu tranh chống tư sản và địa chủ, phá hoại Mặt trận dân tộc thống nhất. Chúng cho ra tờ “Tranh đấu”, cổ động cho chính sách thâm độc đó.

Ngoài những khó khăn khách quan, những nguyên nhân chủ quan cũng làm cho tình thế đất nước càng thêm gay gắt. Chính quyền cách mạng non trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý và điều hành xã hội. Các thiết chế của chế độ cũ đã bị thủ tiêu, trong khi đó những thiết chế của chế độ mới chưa được xây dựng. Các quyền tự do dân chủ của nhân dân lao động chưa được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật; nhiều nơi, các quyền dân chủ của nhân dân vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Điều đó đòi hỏi phải có ngay một bộ máy nhà nước với những nguyên tắc vận hành có hiện lực, thể chế hóa ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động bằng Hiến pháp và pháp luật.

Các tổ chức quần chúng được kiện toàn, củng cố nhưng ở nhiều nơi. Ủy ban Việt Minh địa phương khi bước sang tình hình mới tỏ ra lúng túng, thậm chí có nơi còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn, xích mích, …

Theo thỏa thuận của Hội nghị Pốtxđam, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quân đội Tưởng Giới Thạch có nhiệm vụ vào Việt Nam giải giáp quân Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 16. Dưới danh nghĩa quân Đồng minh, 20 vạn quân Tưởng do Lư Hán chỉ huy vào Việt Nam tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. “Mặc dù Tưởng Giới Thạch lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc không hề có tham vọng lãnh thổ ở Việt Nam, song thực chất Chính phủ Quốc dân Đảng có âm mưu từ lâu đối với vấn đề Việt Nam” [77, tr. 38]. Chúng xem đây là cơ hội tốt để tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan Mặt trận Việt Minh giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một Chính phủ phản động làm tay sai cho chúng…

Ở phía Nam vĩ tuyến 16, một vạn quân Anh do Thiếu tướng Douglas D. Gracey làm Tư lệnh, thực hiện thỏa ước Pốtxđam, ngày 06/09/1945 đã có mặt ở Sài


Gòn. Thực dân Anh trắng trợn giúp Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Trên thực tế, quân Anh không có âm mưu chiếm đóng lâu dài Đông Dương, song lại không muốn cho Đông Dương độc lập, tác động đến hệ thống thuộc địa của thực dân Anh ở châu Á. Do đó, Anh tích cực giúp Pháp chiếm Việt Nam tái lập thuộc địa. Vào Sài Gòn, quân Anh thả hết số tù binh Pháp bị Nhật giam giữ sau cuộc đảo chính 09/03, vũ trang cho lực lượng này đánh ta. Hành động của quân Pháp là đi từ lén lút đến công khai xâm lược. Trong buổi míttinh của đồng bào ta mừng Ngày Độc lập 02/09/1945, Pháp đã nổ súng vào đám đông dân chúng làm 47 người chết và bị thương. Ngày 23/09/1945, Pháp tập trung lực lượng với quy mô lớn công khai mở cuộc xâm lược miền Nam nước ta.

Việc Pháp trắng trợn xâm lược Việt Nam, ngang nhiên chà đạp lên mọi quy ước quốc tế là do Pháp được thực dân Anh ủng hộ, đồng thời, quan điểm của Mỹ đối với vấn đề quan hệ giữa Pháp - Đông Dương dưới thời Tổng thống Truman đã khác xa so với thời của Tổng thống Rudơven.

Trong những năm 1945 - 1946, người Mỹ mặc dù bề ngoài tỏ ra trung lập trong các mối quan hệ giữa các quốc gia khác với Việt Nam, song trên thực tế không có một quan hệ nào lại thiếu vắng vai trò của họ. Thái độ của Mỹ đối với vấn đề quan hệ giữa Pháp - Đông Dương dưới thời Tổng thống Truman đã khác xa so với thời của Tổng thống Rudơven. Lúc đầu, Mỹ đưa ra thuyết “trao trả độc lập”, biến Đông Dương thành “khu vực thác quản” của Liên hợp quốc nhằm phục vụ cho chính sách thực dân mới trong tương lai. Vì thế, Tổng thống Rudơven cực lực phản đối Pháp trở lại nắm Đông Dương. Chính Quentin - con trai của Tổng thống Mỹ Rudơven xác nhận: “… mãi đến giữa tháng 03/1945, người đứng đầu nước Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý kiến về “thác quản” Đông Dương” [52, tr. 148]. Nhưng sau khi Rudơven qua đời, Truman lên thay thì quan điểm của Mỹ về vấn đề Đông Dương thay đổi. Thái độ của Mỹ ngày càng chuyển sang lập trường ủng hộ Pháp chiếm đóng Việt Nam. Bởi lẽ, bước sang năm 1946, người Mỹ rất cần vai trò của Pháp ở châu Âu vì một “châu Âu phục hưng” để đối phó với “làn sóng cộng sản”. Vì thế, Mỹ không thể không nhượng bộ Pháp. Hiệp định Hoa - Pháp ngày 28/02/1946 là sự


dàn dựng của Mỹ, theo đó quân Tưởng rút về nước, Pháp thay thế vai trò của Tưởng ở Bắc Việt Nam.

Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa tham gia phe Đồng minh chống phátxít, đã có nhiều cố gắng đấu tranh cho lợi ích của các dân tộc thuộc địa nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Tại Hội nghị Têhêran, năm 1943, Liên Xô tuyên bố: “Không thể hình dung được rằng Đồng minh đã đổ máu để giải phóng Đông Dương, để rồi sau đó nước Pháp chiếm lấy Đông Dương, khôi phục chế độ thuộc địa ở đây” [77, tr. 41]. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Liên Xô đã cử một phái đoàn “đến Hà Nội làm hai đợt, đợt đầu vào ngày 20 và đợt hai ngày 23/12… quan hệ của họ với Việt Nam có chiều “rất thân mật”. Người Nga đã nói gì với người Việt Nam? Hình như họ bảo cho Việt Nam biết để đề phòng nguy cơ bị rơi vào quỹ đạo của một đảng quốc dân (Trung Quốc) thân Mỹ. Vì trước mắt, Liên Xô chưa làm gì được cho Việt Nam…” [17, tr. 167]. Mùa thu năm 1945, dư luận Liên Xô nhiều lần lên tiếng phản đối quân Anh và Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam đã vi phạm những điều đã ký kết tại Hội nghị Pốtxđam. Song, do tham gia trong khối Đồng minh nên Liên Xô cũng bị ràng buộc bởi các hiệp định quốc tế khi chiến tranh kết thúc. Mặt khác, Liên Xô vừa ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước bị tàn phá nặng nề, đồng thời phải đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của chủ nghĩa đế quốc, phải tập trung lực lượng cho các khu vực trọng yếu sống còn như Đông Âu, Đông Bắc Á, nên chưa có điều kiện vươn ra các khu vực xa hơn.

Các thế lực đế quốc và phản động nước ngoài tuy có mâu thuẫn với nhau về lợi ích, song đều có chung một dã tâm là tiêu diệt Nhà nước cách mạng non trẻ, tiến tới thủ tiêu nền độc lập của nhân dân ta vừa mới giành lại được. Sự hiện diện của quân đội nước ngoài là thách thức trực tiếp đối với sự tồn vong của Nhà nước và cách mạng Việt Nam.

Tình hình khó khăn đó đòi hỏi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có quyết định đúng đắn, sáng suốt nhằm củng cố, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân

- Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cơ sở nền tảng của chế độ mới, giữ vững và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám.


2.1.2. Tư duy chính trị của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như một mốc son chói lọi trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc thiết kế một nhà nước kiểu mới - nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của những năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là người cầm lái con thuyền cách mạng đã có những tư tưởng, quyết sách sáng suốt để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, vững bước đi lên. Việc thiết kế nhà nước kiểu mới được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng đã đưa ra trước Cách mạng Tháng Tám, tiếp theo những văn kiện đó là: Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Đảng, … cùng hàng loạt sắc lệnh, thư từ, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là Hiến pháp 1946. Ở đó toát lên tư duy chính trị mới về xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bảo đảm sự thống nhất giữa tính nhân dân, tính dân tộc và bản chất giai cấp công nhân. Những quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề nhà nước là nền tảng tư tưởng cho đường lối xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam thật sự to lớn, sâu sắc không chỉ được thể hiện trong các bài viết, các bài phát biểu, trong các văn kiện quan trọng do Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng và ban hành mà cả trong hành động thực tiễn của Người trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Có thể khái quát trên các quan điểm sau:

2.1.2.1. Xây dựng một nhà nước độc lập thật sự

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không bao giờ xa rời mục tiêu độc lập dân tộc. Mục tiêu độc lập dân tộc trong tư duy chính trị của Hồ Chí Minh và Đảng ta được xác định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng về phương diện chính trị là phải “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; dựng ra chính phủ công nông binh” [23, tr. 559, 560], nghĩa là, phải giành lấy chính quyền và xây dựng một chính

Xem tất cả 150 trang.

Ngày đăng: 02/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí