Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 9


ra” (Điều 54). Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu nhà nước (nguyên thủ quốc gia), vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, có nhiều quyền hạn lớn: thay mặt cho nhà nước, bổ nhiệm Thủ tướng, thành viên nội các, tổng chỉ huy quân đội, chủ toạ Hội đồng Chính phủ… Nhưng Chủ tịch nước lại không phải là người điều hành nền hành chính nhà nước, “không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc” (Điều 50). Chủ tịch nước có trách nhiệm thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện, tức là thực thi quyền hành pháp, còn quản lý cụ thể nền hành chính nhà nước lại là Chính phủ.

Đặt trong bối cảnh lịch sử cuối năm 1946, khi Hiến pháp đầu tiên ra đời là lúc chính quyền non trẻ phải đương đầu với nguy cơ trở lại xâm lược ráo riết của thực dân Pháp. Trong tình hình đó, Hiến pháp phải định ra một thiết chế không phải xây dựng đất nước trong hòa bình, mà là chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Nó đòi hỏi phải có một thiết chế quyền lực thích ứng, một nhà nước dân chủ mạnh, một bộ máy thực thi quyền lực mạnh, tập trung đủ quyền lực, mà cụ thể là quyền hành chính nhà nước. Một thiết chế quyền lực như vậy phải là một thiết chế mà Chủ tịch nước (tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh) phải là người đứng đầu Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của toàn quốc [79, tr. 311, 312].

Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ nhân dân, một bản Hiến pháp tiến bộ nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Mặc dù Hiến pháp không nói đến sự lãnh đạo của Đảng, nhưng toàn bộ nội dung của Hiến pháp thể hiện rõ đường lối chung cũng như đường lối xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân của Đảng ở thời kỳ lịch sử này.

Quốc hội được thành lập và Hiến pháp được thông qua, nhưng vì điều kiện chiến tranh nên việc thực hiện có nhiều khó khăn. Tuy vậy, việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng, chứng tỏ chính quyền của ta là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và bước đầu thể hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền. Những quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân được thực hiện đã tập hợp được toàn thể nhân dân: “Nếu có ai có thành kiến của giai cấp, của đảng phái, của tôn giáo… cũng đã để lòng nghe theo một tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn


phản chiếu được tình trạng chung của đất nước… tình trạng thống nhất ý chí và hành động” [27]. Việc bầu cử Quốc hội thành công và định ra Hiến pháp chứng tỏ đường lối của Đảng được nhân dân hưởng ứng. Đảng đã đặt Tổ quốc trên hết, lấy đại đoàn kết toàn dân để xây dựng một nhà nước dân chủ nhân dân mạnh mẽ. Quốc hội đã thể hiện ý chí chung của nhân dân, thể hiện sự thống nhất với tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta về một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.

Trong thời gian sau Cách mạng Tháng Tám, khi chưa có Quốc hội, Chính phủ đã hoàn toàn nắm quyền quản lý và điều hành xã hội. Lúc bấy giờ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở chính quyền các cấp phải giữ vững ý thức phục vụ nhân dân, khắc phục các tệ nạn quan liêu, xa rời quần chúng. Khi Quốc hội được thành lập, do hoàn cảnh khó khăn nên hoạt động của Quốc hội có nhiều hạn chế, Chính phủ đã đóng vai trò chủ yếu trong việc hướng dẫn quốc dân, phát triển sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đảng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Thường vụ Quốc hội hoạt động có hiệu quả để bảo đảm quyền lực của nhân dân thông qua cơ quan đại diện cao nhất của mình.

Sau khi bọn tay sai của Tưởng rút chạy, tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ hai ngày 03/11/1946, được sự ủy nhiệm của Quốc hội, Hồ Chí Minh lại đứng ra lập Chính phủ mới và ra mắt Quốc hội, được Quốc hội công nhận. Chính phủ gồm 23 thành viên, trong đó một Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, 11 Bộ trưởng giữ các bộ, 2 Bộ trưởng không giữ bộ nào và 9 Thứ trưởng. Chính phủ mới là chính phủ thực sự của dân, do dân và vì dân. Bọn phản cách mạng đã hoàn toàn bị gạt ra ngoài chính phủ mới. Chính phủ mới này đã đảm đương sứ mệnh lịch sử, lãnh đạo nhân dân vượt qua bao sóng gió của cuộc kháng chiến chống xâm lược, đem lại nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.

Chính quyền nhà nước địa phương và cơ sở: Bộ máy nhà nước muốn vận hành hiệu quả thì cần phải có sự hoạt động nhịp nhàng của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và cơ sở. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một bộ máy là do nhiều thứ máy to nhỏ lắp lại. Các máy ấy đều ăn khớp với

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.


nhau, thì bộ máy tốt và sản xuất nhiều. Nếu chỉ một cái máy nhỏ không ăn khớp, thì cũng đã ảnh hưởng xấu đến toàn cả bộ máy.

Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 9

Chính quyền và Đoàn thể cũng như những bộ máy gồm cả từ vị Chủ tịch đến cán bộ các cấp cho đến anh em giao thông” [64, tr. 408]. Các cấp chính quyền địa phương và cơ sở có trách nhiệm trực tiếp điều hành, quản lý hoạt động mọi mặt của nhân dân theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là những tổ chức đại diện cho quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và phát huy cao nhất năng lực cách mạng của quần chúng.

Trước chủ trương nhanh chóng ổn định bộ máy chính quyền các cấp địa phương đồng thời với xây dựng nhà nước trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành hai sắc lệnh quan trọng: Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 quy định việc tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân ở các địa phương; Sắc lệnh số 77/SL ngày 21/12/1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố. Đến cuối năm 1946, Hiến pháp dành cả chương V quy định cụ thể việc tổ chức chính quyền nhân dân các cấp ở địa phương. Theo những văn bản pháp lý này, chính quyền nhân dân các cấp ở địa phương được xây dựng hai cơ quan quan trọng: Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính; và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.

Theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945, chính quyền địa phương bao gồm hai cơ quan: Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính, riêng cấp huyện và cấp kỳ chỉ có Ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân có quyền quyết nghị tất cả các vấn đề thuộc phạm vi của địa phương và không được trái với quy định của cấp trên. Một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã phải được Ủy ban hành chính cấp trên chuẩn y mới được thi hành. Ủy ban hành chính là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, có chức năng hành chính và quản lý. Căn cứ vào nghị quyết, quyết định của cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban hành chính đề ra kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… ở địa phương và lãnh đạo nhân dân thực hiện.

Tháng 12/1945, Sắc lệnh số 77/SL quy định về tổ chức chính quyền nhân dân ở thị xã và thành phố. Theo đó, thành phố có 3 cơ quan: Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính thành phố và Ủy ban hành chính khu phố. Chính quyền thị xã là cấp trực


tiếp dưới tỉnh, ngang cấp huyện, có hai cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.

Chương V, Hiến pháp 1946 quy định: Hội đồng nhân dân là cơ quan chính quyền nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Các ủy ban hành chính là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định của Hội đồng nhân dân và của các cơ quan nhà nước cấp trên.

Như vậy, việc tổ chức chính quyền nhân dân các cấp ở địa phương theo đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh bước đầu thể hiện được quyền dân chủ của nhân dân. Cách tổ chức linh hoạt này chính là sự vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm Đảng nắm chắc quyền lãnh đạo nhà nước trong điều kiện lịch sử những năm 1945 - 1946. Đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Nhà nước Trung ương đối với các địa phương, của cấp trên đối với cấp dưới. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương khi được tự quản hoặc bán tự quản các vấn đề mang tính địa phương…

Hệ thống các cơ quan chuyên chính: Để giữ vững thành quả đạt được sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với việc xây dựng các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương thì việc củng cố và xây dựng hệ thống các cơ quan chuyên chính của Nhà nước, lực lượng vũ trang, các căn cứ cách mạng cũng được tiến hành. Các cơ quan này là công cụ quan trọng để Nhà nước chống lại kẻ thù, ổn định trật tự xã hội. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang được củng cố và xây dựng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải nhanh chóng chấn chỉnh, mở rộng Giải phóng quân Việt Nam và đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Đồng thời, tiến hành xây dựng một số trường đào tạo cán bộ chính trị, quân sự cho lực lượng vũ trang như:

Trường Quân chính Bắc Sơn; Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn; Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi...

Ngày 22/03/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 33 quy định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu cho lục quân toàn quốc. Trong đó nêu rõ, các đơn vị lục quân sẽ tổ chức thành: tiểu đội, trung đội, đại đội và tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, sư


đoàn, liên đoàn, tập đoàn, bao gồm các bậc binh, sĩ, úy, tá, tướng. Quân phục sẽ thực hiện đồng phục thống nhất, nhưng phù hiệu, cấp hiệu, dấu hiệu thì có phân biệt theo cấp, bậc và ấn định rõ từng loại.

Ngày 22/05/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 71, ấn định quy tắc quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cùng với chủ trương xây dựng quân đội, Đảng rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đông đảo, thực hiện vũ trang toàn dân.

Theo đường lối của Đảng, “nguyên tắc cơ bản nhất trong việc xây dựng quân đội cách mạng là phải đặt quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng”, bảo đảm “quân đội đi đúng đường lối giai cấp, đúng phương hướng chính trị, làm tròn nhiệm vụ cách mạng của mình” [31, tr. 85]. Tháng 01/1946, Quân ủy Trung ương được thành lập có nhiệm vụ giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo công tác quân sự. Tiếp đó, hệ thống Đảng trong quân đội được hình thành, thống nhất chỉ huy và lãnh đạo Vệ quốc đoàn. Giữ vững bản chất quân đội cách mạng, quân đội của nhân dân.

Lực lượng công an nhân dân cũng được Đảng chú trọng củng cố, phát triển. Ngày 21/02/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 23/SL thiết lập “Việt Nam Công an vụ” để tìm kiếm, thu thập tin tức liên quan đến sự an toàn của quốc gia và thi hành các biện pháp đề phòng những hành động làm rối trị an trong nước, truy tìm can phạm để tòa án trừng trị. Trên cơ sở Sắc lệnh đó, ngày 18/04/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định quy định cơ cấu tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan công an với các cơ quan hành chính và tư pháp. Trong những năm 1945 - 1946, lực lượng công an đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an ninh, bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân.

Hệ thống các tòa án cách mạng được thành lập ngay từ những ngày Nhà nước cách mạng mới thành lập, nhằm kịp thời trừng trị những hành động chống đối của lực lượng phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và nhân dân. Theo Sắc lệnh số 33C ngày 13/09/1945 cùng Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946, tòa án quân sự được thành lập ở Bắc Bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung Bộ: Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam Bộ: Sài Gòn và Mỹ Tho. Những tòa án này được


quy định rõ cách thức tổ chức, cách xét xử định án, về quyền hạn được xử tất cả những người nào phạm vào những việc có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Các vụ hình sự thường và dân sự, ban đầu việc xét xử do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện. Ngày 24/01/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 13/SL giao việc xét xử đó cho hệ thống tòa án thường, tổ chức ra các tòa án và ngạch thẩm phán.

Hiến pháp năm 1946 cùng các sắc lệnh liên quan như Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/09/1945 về chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp, Sắc lệnh 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức nền tư pháp đã thể hiện rõ tư tưởng về xây dựng một nền tư pháp hiện đại, dân chủ, theo các nguyên tắc đặc thù của cơ quan tài phán như:

- Độc lập với cơ quan hành chính.

- Xử các việc hình phải có phụ thẩm nhân dân tham gia.

- Thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm.

- Các phiên tòa đều công khai, trừ trường hợp đặc biệt.

- Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm.

- Trong khi xét xử, thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật.

Trong hệ thống các cơ quan tư pháp, tòa án giữ một vị trí đặc biệt, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Nó có vai trò bảo vệ nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý và công bằng xã hội.

Theo Hiến pháp 1946 (Chương VI, quy định về Cơ quan tư pháp), Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 và Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/04/1946, các tòa án được tổ chức theo nguyên tắc hai cấp xét xử: sơ cấp (sơ thẩm) và đệ nhị cấp (phúc thẩm).

Việc tổ chức thành hai cấp xét xử phù hợp với đặc thù hoạt động của tòa án. Các Tòa án Quân sự được thành lập ở những tỉnh, thành phố quan trọng (Hà Nội, Vinh, Huế, Sài Gòn…), với thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm tất cả những người nào phạm vào một việc gì có phương hại cho nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ở các địa phương, hệ thống tòa án bao gồm: cấp kỳ có Tòa án thượng thẩm, cấp tỉnh có Tòa án đệ nhị cấp, cấp huyện có Tòa án sơ cấp, bên dưới là mạng lưới Ban Tư pháp xã.


Tòa án thượng thẩm ở mỗi kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), có một chánh nhất, các chánh án phòng, các hội thẩm, một chưởng lý, một hay nhiều phó chưởng lý, tham lý, một chánh lục sự, các lục sự, những tham tá và thư ký.

Tòa án đệ nhị cấp gồm có một chánh án, một biện lý, một dự thẩm, một chánh lục sự và một số thư ký giúp việc. Quản hạt của tòa án này theo giới hạn địa hạt tỉnh hay thành phố. Tòa án đệ nhị cấp có thẩm quyền: xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự, dân sự, thương sự. Khi xét xử về dân sự hay thương sự, chánh án xử một mình. Khi xét xử các việc tiểu hình phải có thêm hai viên phụ thẩm nhân dân.

Tòa án sơ cấp gồm một thẩm phán, một lục sự, một số thư ký giúp việc. Tòa án sơ cấp có thẩm quyền: phạt giam về vi cảnh; hòa giải những việc dân sự và thương sự; điều tra về hình sự; thi hành những mệnh lệnh của tòa án cấp trên. Mỗi tuần, tòa án sơ cấp phải có hai phiên tòa công khai, trong đó một phiên xét về dân sự, một phiên xét về hình sự.

Ban tư pháp được thành lập ở cấp xã. Điều 2, Sắc lệnh số 13/SL quy định: Ở mỗi xã, Ban Thường vụ Ủy ban hành chính xã bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký sẽ kiêm cả việc tư pháp. Cả ba chức danh này lập thành Ban tư pháp xã. Cả ba ủy viên đều có quyền quyết nghị. Thư ký giữ công việc lục sự, lưu trữ công văn, làm các giấy tờ biên bản. Ban tư pháp có thẩm quyền hòa giải các việc dân sự và thương sự; thi hành những mệnh lệnh của thẩm phán cấp trên. Ban tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản, không có quyền bắt bớ, giam giữ, trừ khi có trát nã của thẩm phán hay khi bắt được người phạm tội quả tang. Trên thực tế, mặc dù không phải là một cấp tòa án, nhưng ban tư pháp xã có vai trò hết sức quan trọng, được coi là tổ chức chân rết của tòa án trong việc hòa giải, xử lý những vi phạm nhỏ trong nhân dân. Đây là sự kế thừa mô hình tổ chức về hệ thống tòa án của chính quyền thân Pháp cũ.

Việc xây dựng một đội ngũ thẩm phán theo tinh thần chuyên môn hóa đã được quan tâm ở thời kỳ này. Chương II, Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 quy định về ngạch thẩm phán, quy định cụ thể ở tòa án đệ nhị cấp có 7 hạng, ở tòa án sơ cấp có


5 hạng. Thẩm phán đệ nhị cấp có thể làm việc ở tòa án thượng thẩm. Sắc lệnh cũng quy định cụ thể các tiêu chuẩn, cách thức tuyển bổ của thẩm phán.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thẩm phán tòa án sơ cấp. Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán tòa án đệ nhị cấp.

Các thẩm phán chia làm hai loại: thẩm phán xét xử và thẩm phán công tố.

Ngoài việc quy định tiêu chuẩn như vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng một đội ngũ thẩm phán có đức độ, nêu gương “phụng công thủ pháp”, “chí công vô tư” trong xét xử để nhân dân noi theo.

Để bảo đảm sự nghiêm minh và công bằng của mọi công dân trước pháp luật và ngăn chặn những tiêu cực của đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp, ngày 23/11/1945 Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 64/SL, được bổ sung bằng Sắc lệnh số 223/SL ngày 27/11/1946, về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt tại Hà Nội để truy tố, xét xử các tội hối lộ, tham ô, biển thủ công quỹ… Ngoài ra, theo Sắc lệnh số 163/SL ngày 23/08/1946, Tòa án binh lâm thời được đặt tại Hà Nội để xét xử những quân nhân và cán bộ trong quân đội phạm pháp.

Hiến pháp 1946 với quy định về bộ máy nhà nước cơ bản được cấu tạo theo ba quyền: quyền lập pháp (Nghị viện nhân dân); quyền hành pháp (Chủ tịch nước và Chính phủ); quyền tư pháp (Hệ thống toà án được tổ chức theo cấp xét xử).

Như vậy, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ hơn một năm sau Cách mạng Tháng Tám, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được được xây dựng và kiện toàn. Với chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương trong toàn quốc, cùng hệ thống các cơ quan chuyên chính được thiết lập và củng cố, không ngừng lớn mạnh, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc “kháng chiến kiến quốc”, đặt cơ sở nền tảng cho công cuộc xây dựng Nhà nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp sau này.

Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, dưới tác động mạnh mẽ của thời đại và thế giới, mô hình bộ máy nhà nước cũng có sự thay đổi ít nhiều, nhưng quan điểm Hồ Chí Minh về nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, một nhà nước của dân, do dân, vì dân vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm này tiếp tục định hướng

Xem tất cả 150 trang.

Ngày đăng: 02/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí