làng vùng lên tiêu diệt kẻ thù...Còn Tnú là hiện thân của anh Đề - một thanh niên khoảng gần ba mươi tuổi, người làng XêĐăng mà Nguyên Ngọc gặp trong một chuyến đi công tác bị giặc càn, bị lạc đường và bỏ đói. Tại làng XêĐăng, nhà văn đã được anh Đề kể cho nghe chuyện hồi 1959, chính anh đã cùng mười trai tráng làng dùng dao rựa, giáo mác giết sạch một tiểu đội lính Diệm, bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang ở đây. Câu chuyện của anh Đề và làng XêĐăng đã để lại ấn tượng trong Nguyên Ngọc. Vì thế khi xuất hiện ý tưởng viết Rừng xà nu, nhà văn biết rõ rằng cái "làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc" ấy chính là làng anh Đề. "Và tôi bỗng biết luôn, cũng rõ ràng như vậy, tôi sẽ viết chuyện về cuộc khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận anh Đề. Tôi có ngay cảm giác phải tìm một tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó Kinh quá, người Kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều... Sau đấy mọi sự bỗng trở nên rõ ràng, dễ dàng đến kì lạ. Chị Dít “đến” – như là tất yếu vậy (tôi muốn giữ nguyên tên thật của chị – nó rất tạo không khí, đối với tôi). Nhưng tôi muốn Dít sẽ là mối tình sau của Tnú, một mối tình sẽ lờ mờ mà chắc chắn hiện lên ở cuối truyện. Vậy thì có phải Mai, chị của Dít. Mai đối với tôi chẳng khó khăn gì. Tôi đã “có” hàng trăm cô gái Tây Nguyên (và không chỉ Tây Nguyên) để hình dung và dựng lên một cô Mai. Và cái gì để dẫn đến cuộc bùng dậy ghê gớm như vậy của Tnú (diệt sạch cả một tiểu đội giặc gần như bằng tay không, những năm tháng chưa hề có tiếng súng cách mạng ấy )? Tức phải có một nỗi đau riêng bức bách dữ dội, bật ra từ nỗi đau chung của làng xóm, dân tộc: đứa con bị đánh chết tàn bạo, Mai gục xuống, ngay trước mắt Tnú. Chi tiết ấy đến một cách tất yếu ..." [8].
Còn ở Đất Quảng, Nguyên Ngọc kể về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng ven thành phố Đà Nẵng. Đó cũng là vùng đất hoạt động của ông. Nguyên Ngọc xuống đó không phải để làm một nhà văn đi thực tế mà ông là một người lính chiến, bám trụ thật sự. Đó là một địa bàn khốc liệt.
Để bảo vệ khu sân bay và thành phố Đà Nẵng, địch ủi trắng cả một vùng xung quanh. Chúng lùa dân vào ấp chiến lược. Chúng nã pháo vào vành đai trắng, chỉ một rảnh lá khô bất thường, chúng cũng cho trực thăng tới bắn. Người dân phải tìm mọi cách trụ lại. Họ rải lá khô cho địch bắn. Bắn mãi cũng chẳng thấy có gì. Họ cắm lá xanh rồi trồng cây xanh. Giặc bắn mãi, hoá quen, quen đến phát nản. Cứ thế, bằng chính máu xương mình, dân lấn dần từng bước. Rồi họ đào hầm, dựng lều bám trụ. Dân có trụ được thì cách mạng mới có đất mà trở về. Ngày nào cũng có người chết. Nhưng dân vẫn trụ vững. Nguyên Ngọc nằm ở đây hai năm. Ông cùng dân chống càn, rồi chỉ huy dân đánh địch. Khi đồng chí Bí thư Đảng uỷ hy sinh, Nguyên Ngọc thay luôn làm Bí thư. Ông chiến đấu, bám trụ như một người lính kiên cường. Rồi ông ghi lại cuộc chiến đấu ấy. Đó là tiểu thuyết Đất Quảng - tập 1. Trong số những người bám trụ ở vành đai này, Nguyên Ngọc rất quý Phan Văn Giả, Phó Bí thư Đảng uỷ. Anh cùng nằm hầm bí mật với ông, cùng kề vai chiến đấu với ông. Khi Nguyên Ngọc phải rút về Quân khu, chuyển sang vùng hoạt động khác, anh thay ông làm Bí thư. Đó là một người lính dũng cảm, mưu trí, chiến đấu rất kiên cường. Anh là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Đất Quảng. Khi vào tiểu thuyết, Nguyên Ngọc đổi tên anh là Thiệt. Bí thư Thiệt. Ở Đất Quảng - tập 1, Thiệt mới chỉ lấp ló xuất hiện. Anh sẽ là nhân vật trung tâm, là linh hồn của Đất Quảng - tập 2. Cuốn sách ấy Nguyên Ngọc đã viết xong. Ông cũng đã cho in một số chương trên một số báo chí Văn nghệ thời ấy. Nhưng điều đau xót là sau đó, tổ chức Đảng bị tắm trong biển máu, tưởng không thể vực lên được. Địch nhổ hết cơ sở cách mạng. Bí thư Giả bị địch bắt và anh đã đầu hàng. Tất nhiên, anh là người còn lại cuối cùng. Anh chỉ khai những cơ sở đã bị xoá sổ, những con người đã bị địch giết. Bởi thế, việc đầu hàng, khai báo của Giả cũng không gây thiệt hại gì thêm cho cách mạng, nhưng đối với Nguyên Ngọc, thì đó lại là một tổn thất không gì bù được. Tại
sao một con người quả cảm mà ông yêu mến, tin tưởng như thế lại đầu hàng địch? Nguyên Ngọc đau xót lắm. Phản bội Cách mạng, phản bội Đảng là một tội lỗi không thể tha thứ được. Và như thế trong ông, bí thư Thiệt thực sự đã chết. Anh ta chẳng còn lý do gì để có thể tồn tại. Nguyên Ngọc đốt luôn cả cuốn sách đã viết xong. Bây giờ ông cũng không có ý định viết lại tập 2 nữa. Nhân vật của ông đã chết trong ông thì cuốn sách coi như cũng đã chết. Vì vậy mà Đất Quảng thành cuốn sách dang dở, chỉ có tập 1.
Mặc dù Nguyên Ngọc chọn lựa "chất liệu sống" để khai thác nhưng nhà văn không hề "bê "nó vào những trang sách của mình nguyên vẹn một cách máy móc, đơn giản. Ở đây, nhà văn đã biết chọn lựa, chắt lọc, sáng tạo để cho hiện thực cuộc sống, cũng như con người vốn rất thật, rất thô giáp trở nên sống động, điển hình mà vẫn hoàn toàn chân thực - chân thực đến từng chi tiết.
Về đề tài, Nguyên Ngọc ưa thích nhất vẫn là đề tài chiến tranh cách mạng ở thời điểm khốc liệt, dữ dội nhất và qua ngòi bút của ông nó được đẩy lên đến tận cùng, mang đậm chất sử thi. Bởi vì Nguyên Ngọc sống trong hoàn cảnh chiến tranh, là người lính chiến, bám trụ thật sự ở những vùng đất nóng bỏng nên nhà văn không chỉ hiểu mà còn muốn làm "người thư kí trung thành" để ghi chép lại những thời khắc sống còn của lịch sử và những con người trung kiên của dân tộc. Chẳng hạn như Đất nước đứng lên
- cuốn tiểu thuyết đầu tay, Nguyên Ngọc viết về cuộc đấu tranh kiên cường, anh dũng của đồng bào Tây Nguyên (tiêu biểu là nhân dân buôn làng Kông Hoa) nhằm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Hay ở Rừng xà nu, Nguyên Ngọc cũng viết về cuộc đối đầu quyết liệt của đồng bào Tây Nguyên (tiêu biểu là nhân dân làng Xô Man) với đế quốc Mỹ và tay sai để bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương. Đây là một sự kiện trọng đại, mang tầm vóc thời đại. Qua tác phẩm tác giả muốn nêu bật sức mạnh quật khởi,
Có thể bạn quan tâm!
- Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 9
- Giới Thuyết Về Phong Cách Và Phong Cách Sử Thi
- Cảm Hứng Sử Thi Trong Văn Học Việt Nam 1945 - 1975
- Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 13
- Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 14
- Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 15
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
tinh thần và ý chí mãnh liệt không gì dập tắt được của một buôn làng, một dân tộc quyết lấy máu mình viết lên một chân lí lớn: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". Nghĩa là vũ trang chiến đấu phải là con đường tất yếu để giải phóng nhân dân. Như vậy, Tây Nguyên chính là mảnh đất màu mỡ để Nguyên Ngọc hướng ngòi bút của mình vào khai thác, phát hiện sự giàu có và vẻ đẹp tiềm ẩn về bức tranh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống, tinh thần chiến đấu của con người nơi đây.
Nhưng Nguyên Ngọc không chỉ được mệnh danh là nhà văn của Tây Nguyên, ông còn là nhà văn của những vùng "đất lửa" miền Nam như Quảng Nam, Đà Nẵng... Góp phần phát hiện và diễn tả phẩm chất anh hùng cách mạng của con người Việt Nam, tiếp tục Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc là Đất lửa. Đây là một tập kí sự dài viết về một xã chiến đấu trong vùng Mỹ đóng quân ở đồng bằng Trung Trung Bộ. Đó là xã Trung Lương - một mảnh "đất lửa" của quê hương xứ Quảng. Ở đó suốt hơn hai mươi năm nay đã diễn ra một cuộc chiến đấu lâu dài, dữ dội, quyết liệt. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia đã cầm súng, đã bước lên tiền tuyến của cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù để bảo vệ quê hương. Tiếp sau Đất lửa là Đất Quảng ra đời. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu quyết liệt, quả cảm của nhân dân xã Hòa Thanh đối với đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền. Cũng như kí sự Đất lửa, tiểu thuyết Đất Quảng đã diễn tả được không khí căng thẳng và quyết liệt giữa nhân dân ta với bọn Mỹ - Ngụy, khắc họa được bộ mặt tàn bạo của kẻ thù, khẳng định và tô đậm phẩm chất anh hùng của nhân dân ta trong cuộc đối đầu mất còn với kẻ thù cướp nước.
Có thể thấy, cuộc chiến tranh trường kì chống lại những kẻ thù hùng mạnh như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta đã trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với nhà văn. Đó là một đề tài mang ý nghĩa lịch sử, mang tính toàn dân. Thông qua việc khắc họa số phận của một con người, số
phận của một làng xã ở mỗi tác phẩm, chúng ta thấy được số phận của nhân dân, của đất nước. Đó là cách khái quát hiện thực cuộc sống của những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi.
3.2.2. Nhân vật trung tâm
Nhân vật trung tâm là nhân vật giữ vị trí then chốt trong tác phẩm, góp phần quan trọng vào việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Nguyên Ngọc cũng có vị trí như thế. Đó là những nhân vật được nhà văn dựa trên nguyên mẫu có thực ngoài đời và qua ngòi bút của ông, những nhân vật đó hiện ra với nhiều chi tiết khác nhau: chi tiết tiểu sử, chi tiết ngoại hình, chi tiết tính cách, chi tiết xung đột... Song dù có khác nhau về lai lịch tiểu sử, ngoại hình, về nét tính cách nào đó thì những nhân vật này đều có chung vẻ đẹp phẩm chất anh hùng: quả cảm, kiên trung, một lòng sắt son với cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Đó là những anh hùng của thời đại mới, được đặt trong hoàn cảnh thử thách đến tận cùng, để từ đó nhà văn làm nổi bật lên tinh thần quật khởi và đồng khởi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại: chống thực dân Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ.
Đất nước đứng lên là cuốn tiểu thuyết mở đầu cho hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc. Ở tác phẩm này, Núp là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm được Nguyên Ngọc xây dựng dựa trên nguyên mẫu có thật về người anh hùng tên Núp. Đây là người anh hùng mà nhà văn đã có cơ hội được cùng sống và chiến đấu trong khoảng thời gian không nhiều. Sau đó nhà văn được gặp lại trong Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu V. Từ một hình mẫu có thật, kết hợp với vốn sống, vốn hiểu biết, tình cảm và tài năng của mình, Nguyên Ngọc đã miêu tả Núp - điển hình cho vẻ đẹp của núi rừng vừa hoang dã, vừa thần bí, sâu thẳm, vừa rắn rỏi, gân guốc và ngang tàng với cái trán "nhô ra giống y hệt cái trán cha hồi trước, ương nghạch lắm". Núp thường ở
trần, ngực nở khi gặp nắng thì "nắng chiếu từng lằn đậm trên ngực", "cặp lông mày đậm", "miệng cười", "Núp to lớn và đẹp" như con đại bàng lúc nào cũng sải cánh trên bầu trời. Núp là một "hiệp sĩ" trong mắt các cô gái Ba-na, làng Kông Hoa. Rõ ràng với ngoại hình ấy, Núp gợi cho ta nhớ đến người anh hùng sử thi Đăm Săn. Ở Núp hội tụ tất cả vẻ đẹp của con người Tây Nguyên nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung: hùng vĩ, mạnh mẽ, đầy sức sống
... Nhưng miêu tả nhân vật anh hùng Núp, nhà văn trước hết chú ý miêu tả lòng căm thù giặc, quyết tâm đánh giặc và thắng giặc. Để làm nổi bật những phẩm kể trên, Nguyên Ngọc đã đặt Núp vào trong những hoàn cảnh mang tính thử thách. Từ đó giúp chúng ta thấy được Núp chính là người anh hùng của thời đại cách mạng ngày nay.
Trong hoàn cảnh chưa được được sự dẫn dắt của Đảng, Núp đã căm thù thằng Pháp và quyết tâm tìm hiểu về kẻ thù. Khi nghe mọi người đồn nhau: "Pháp có xe, có máy bay, có súng nhỏ, súng lớn, trên trời nó cũng đi được, dưới nước nó cũng đi được, đánh trúng nó nó không có máu", Núp đã suy nghĩ và quyết tâm không đi theo dân làng tránh Pháp mà "ở lại đánh Pháp thử", "đánh Pháp chảy máu". Và "Núp vụt chạy một mạch về làng. Ra sau cây xoài, ngồi xuống, lên ná, sẵn sàng. Pháp tới một đứa, hai đứa, ba bốn đứa, một chục đứa. Núp ngõ kĩ (...), một thằng Pháp đã thò đầu ra cửa nhà rông, nhìn qua nhìn lại. Nó bước ra. Nó đi lại cây xoài, thẳng tới chỗ Núp. Gần rồi. Núp nhìn nó chăm chăm. Hai bên mang tai nóng lên từ khi nào. Thằng Pháp không thấy gì. Nó đi nghênh ngang, ngực nó có lông, một túm đen, dày. Mắt nó xanh lét. Tóc hung. Nó như một con thú. Núp sực nhớ khi bắn con cọp, thằng Pháp giống y con cọp. Con cọp tới gần rồi. Một bước nữa thì nó thấy Núp. Cái mũi súng của nó hỉnh lên, đánh hơi. Núp chỉ còn thấy cái bụng nó. Pựt!. Núp bắn rồi! Mũi tên trúng phập vào giữa bụng thằng Pháp.(...)Từ cái bụng trắng, một dòng máu đỏ chảy ra, rồi nhiều máu, nhiều máu nữa chảy ra, rất mạnh, chảy tràn hết cái bụng, chảy thấm xuống đất làng Kông Hoa. Núp
vụt chạy". Núp vui mừng khi biết thằng Pháp cũng chảy máu. Núp nói: "Mẹ ạ, lũ làng ạ, tôi bắn chảy máu một thằng Pháp rồi, Pháp không phải ông trời. Pháp đánh cũng được". Câu mà Núp nói nghe tưởng chừng thật đơn giản nhưng nó chính là kết quả của cả một quá trình tìm hiểu và nhận thức về kẻ thù của Núp, cũng là của nhân dân ta. Chỉ khi nào hiểu sâu sắc về kẻ thù thì chúng ta mới có quyết tâm và có hành động đúng.
Cách mạng tháng Tám thành công, được sự giáo dục của Đảng, Núp nhanh chóng trở thành người chỉ huy đánh giặc của dân làng. Núp là người có bản lĩnh, kiên nghị, dũng cảm. Anh lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi chặng đường khó khăn để có thể đánh Pháp. Núp không hề có một dấu hiệu mệt mỏi nào, luôn là con chim đầu đàn chỉ huy dân làng đánh giặc. Những suy nghĩ và lời nói của Núp đều thấy rõ sự thể hiện những chân lí lớn trong đời sống cách mạng của chúng ta, những chân lí bao giờ cũng giản dị: "Muốn đánh Pháp lâu năm thì phải thương yêu, không ghét nhau. Phải làm rẫy thật nhiều, lúa tốt, ăn no. Phải tổ chức lũ làng lại". "Ăn tro tranh khổ lắm. Nhưng ăn tro tranh khổ một đời mình thôi. Còn ăn muối Pháp khổ hết đời mình, đời con mình khổ nữa, đời cháu mình khổ nữa". Rõ ràng phải có một nhận thức đúng đắn, sâu sắc về kẻ thù và phải có lòng tin ở mình như thế nào, chúng ta mới có thể có quyết tâm đánh giặc như lời Núp nói: "Đánh đến khi hơn Pháp, hết Pháp ở đất nước mình mới thôi. Đánh đời mình chưa xong, đánh đến đời con, đời cháu mình nữa". Tất cả những chân lí ấy đã thực sự hoà thấm vào tác phẩm, toát ra trong tính cách nhân vật, và được Nguyên Ngọc xem như là nét chủ yếu làm nên phẩm chất anh hùng ở Núp.
Để làm nổi bật nhân vật trung tâm Núp, tác giả luôn đặt nhân vật này trong mối quan hệ với tập thể dân làng Kông Hoa. Đó là tập thể nhân dân với những con người ưu tú như Bok Sung, Bok Pa, bà mẹ Núp, Liêu, Ghíp, Xíp, Tun, Xá,... Những con người ấy sinh ra và lớn lên trên vùng đất xa xôi, hẻo
lánh của đất nước, trải qua biết bao gian khổ nhưng luôn đồng lòng, đồng sức cùng cả nước đứng lên chống lại kẻ thù; một lòng hướng về Đảng, về Bác với tấm lòng ngưỡng mộ và tin theo. Cảm động biết bao trong lời của Xá dặn Núp lúc chia tay: "Anh Núp ạ, anh ra Hà Nội, chắc gặp Bok Hồ. Anh đừng nói Bok Hồ người Kông Hoa bữa nay khóc nhé. Chỉ thương anh, thương anh Thế quá, cái bụng không muốn khóc mà mắt nó cứ khóc. Anh nói giùm người Kông Hoa gửi lời hỏi thăm Bok Hồ mạnh khoẻ, như núi rừng sông suối, không khi nào hết. Anh nói lũ làng Ba-na biết ăn tro tranh trên núi, biết mặc vỏ cây, biết làm cho hòn đá, cho trái núi cũng giận Pháp, đánh Pháp. Thằng Mỹ, thằng Diệm cũng không làm chi được người Ba-na đâu". Chính từ tập thể nhân dân ấy, người anh hùng Núp được sinh ra và kết tinh được những phẩm chất ưu tú nhất của cộng đồng. Đó cũng là đặc điểm chung khi xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm trong những tác phẩm mang đậm chất anh hùng ca.
Đất nước đứng lên vừa kết thúc bản anh hùng ca chiến thắng giặc Pháp xâm lược, vừa chính là hồi kèn xung trận giục giã nhân dân ta bước vào một cuộc chiến đấu mới ác liệt và lâu dài hơn - chống Mỹ xâm lược. Gắn bó với Tây Nguyên, sau này Nguyên Ngọc đã trở lại với mảnh đất nặng tình nặng nghĩa, với những con người anh hùng trong Rừng xà nu. Ở truyện ngắn Rừng xà nu, hình tượng lớn bao trùm toàn bộ tác phẩm là hình tượng cây xà nu, rừng xà nu bạt ngàn, giàu sức sống, “nối tiếp tới chân trời”. "Chính nó đã đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn cũng như sự sinh động, chân thực như cuộc đời. Và trước hết nó khơi lên nguồn cảm hứng dạt dào ở người viết, trở thành điểm tựa, điểm gợi tứ để nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân dân"[6]. Đọc những dòng văn miêu tả vẻ đẹp của xà nu như: "Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra,