Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 14


dân tộc đang không có đường đi, đứng dậy một loạt, tưng bừng chào đón cách mạng như chào đón mặt trời". Vẫn là những ngôn từ gây cảm giác mạnh: gió lớn, tới tấp, tràn lan, đứng dậy một loạt, tưng bừng,... kết hợp thủ pháp so sánh, phóng đại, cùng ý thức tạo lập những loại câu trùng điệp vế, trùng điệp ý để nhấn mạnh cái cao cả, phi thường. Chất sử thi trong tác phẩm cũng toát lên từ những cách nói hào hùng như thế. Hoặc khi miêu tả nhân vật, nhà văn sử dụng hệ thống ngôn từ trang trọng, biểu thị thái độ ngợi ca, ngưỡng mộ. Chẳng hạn miêu tả cụ Mết: Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. (...). Lúc ông cụ Mết nói, mọi người đều im bặt. Ông nói như ra lệnh, sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ ồ, dội vang trong lồng ngực". Những từ ngữ giàu hình ảnh như đen bóng, xếch ngược, láng bóng, dội vang kết hợp với thủ pháp so sánh: ngực căng như một cây xà nu lớn, nói như ra lệnh...giúp chúng ta hình dung rõ ràng, cụ thể, chân thực và sinh động chân dung ngoại hình, cũng như vị trí, vai trò của người đứng đầu buôn làng này.

Một trong những điểm mạnh của Nguyên Ngọc là ở việc sử dụng ngôn ngữ mang đậm sắc thái Tây Nguyên. Điểm mạnh đó cũng đã góp phần tạo nên phong cách đặc sắc riêng có cho Nguyên Ngọc - người đầu tiên đưa vùng đất Tây Nguyên vào văn xuôi, và đến hôm nay, vẫn là một trong số ít cây bút văn xuôi viết hay nhất về miền rừng núi ấy. Để làm rõ được chất Tây Nguyên, "lên" được màu sắc của Tây Nguyên, từ cảnh vật, chi tiết sinh hoạt, truyền thống văn hoá, lời ăn tiếng nói, cho đến cái tên của từng nhân vật, nhà văn đã phải có thời gian dài trải nghiệm, học hỏi, tích luỹ, mài giũa, chắt lọc, tinh luyện vốn ngôn ngữ của nhân dân nói chung và của người dân Tây Nguyên nói riêng. Nhờ vậy Nguyên Ngọc đã tạo nên được một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật riêng, mà về sau hình như ai có viết về miền núi cũng sẽ ít nhiều phụ thuộc vào đó.


Nhưng không chỉ viết về đất và người Tây Nguyên, Nguyên Ngọc còn viết về những con người và những vùng đất khác nhau trên khắp mọi miền đất nước. Và dù viết về những con người ở vùng đất nào, nhà văn cũng luôn ý thức tìm chọn, trau chuốt ngôn ngữ cho phù hợp trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, khắc họa bức tranh cuộc sống, miêu tả cảnh vật thiên nhiên... Và cũng chính từ việc sử dụng ngôn ngữ như thế đã tạo cho những trang văn Nguyên Ngọc giọng điệu riêng.

Nếu giọng điệu chủ đạo làm nên diện mạo riêng của Tô Hoài là giọng tự nhiên suồng sã, giọng dí dỏm và giọng trữ tình thì ở Nguyên Ngọc, chúng ta nhận thấy nổi bật là hai giọng điệu chính: giọng hào sảng vang ngân và giọng trữ tình sâu lắng. Hai giọng điệu này luôn trở đi trở lại trong các sáng tác của ông, tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc. Giọng hào sảng vang ngân trước hết được hiện lên qua từng nhan đề tác phẩm: Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đất lửa, Đất Quảng, Đường chúng ta đi, Trận đánh bắt đầu hôm nay... Chính cách đặt nhan đề ấy đã gợi lên khí thế hừng hực, sục sôi của một thời điểm lịch sử hào hùng. Sau nữa, giọng hào sảng vang ngân còn được thể hiện qua ngôn ngữ của người kể chuyện. Ngôn ngữ ấy có khi là của tác giả, có khi là của nhân vật, có khi lại hòa vào nhau tạo sự say mê, lôi cuốn đối với người đọc. Đọc Rừng xà nu, chúng ta không thể quên được lời kể của cụ Mết trầm ấm, mà vang ngân, xúc động như lời phán truyền của lịch sử: "Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe...". "Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!...". Lời kể của cụ được tác giả đặt trong một không gian đặc biệt: ngoài xa rừng đại ngàn im ắng, trong nhà ưng dân làng đông đảo nín lặng lắng nghe, ánh lửa xà nu bập bùng mờ tỏ... Lời kể ấy được láy đi láy lại


như một điệp khúc hào hùng, vang vọng khắp núi rừng và in sâu vào tâm thức người nghe. Giọng hào hùng, sang sảng, vang ngân còn thể hiện rõ hơn khi cụ Mết kêu gọi con cháu đứng lên giết giặc: "Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!". Kết hợp với lời của cụ Mết là lời kể - tả của tác giả: "Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng...". Thật hùng tráng và ấn tượng!

Cùng với giọng hào sảng vang ngân, giọng trữ tình sâu lắng cũng thể hiện rõ nét trong tác phẩm của Nguyên Ngọc. Nhà văn đã sử dụng chất giọng này để tạo nên những áng thơ trữ tình bằng văn xuôi. Giọng trữ tình sâu lắng được thể hiện rõ khi nhân vật bộc lộ những nghĩ suy, những xúc cảm chứa chất trong lòng như nỗi đau, sự căm hận, niềm vui, lòng tự hào... Giọng trữ tình sâu lắng cũng được nhà văn bộc lộ trước vẻ đẹp cuộc sống, con người, đất nước trong những ngày gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Chẳng hạn khi bày tỏ niềm xúc động và ngợi ca về thành tích của Kơ-lơng, người chiến sĩ dưới chân núi Chư-Pông, nhà văn viết: "Mười tám tuổi Kơ-lơng đã đi gần suốt cuộc đời của dân tộc mình, của các dân tộc Tây Nguyên, từ những ngày tăm tối cho đến những ngày bừng sáng, từ căm uất nghẹn đầy cho đến rùng rùng đứng dậy, từ những ngày tay trắng cho đến những ngày cầm súng, và cái cách cầm súng của anh cũng rất Tây Nguyên, rất Việt Nam". Hoặc khi giãi bày, sẻ chia nỗi đau thương mà anh dũng của quê hương, đất nước, nhà văn thường dùng những từ ngữ với sắc thái biểu cảm mạnh: "Ôi, trên đất nước này còn có dân tộc nào nhiều đau khổ đến như dân tộc Gia-rai của Kơ- lơng chăng? Còn có dân tộc nào bị quân thù đày đọa đến thế trong đói khổ, rách nát, trong bệnh tật truyền kiếp, trong máu và nước mắt như dân tộc Gia- rai yêu quý của Kơ-lơng chăng?" (Người chiến sĩ dưới chân núi Chư-Pông). "Ôi


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói"(Trận đánh bắt đầu hôm nay). Hoặc suy tư về cuộc sống sau mỗi sự hi sinh: "Cuộc sống rất kì lạ. Cuộc sống vẫn cứ sinh sôi trong bao nhiêu công việc linh tinh, nhỏ nhặt, phức tạp, bận rộn.(...). Ngày trước mỗi người ngã xuống dường như là một sự mất mát suông. Kẻ thù giết chúng ta rồi cứ nhởn nhơ đứng đó, không chút suy suyển. Còn chúng ta thì chỉ có căm thù chất chứa thêm, càng u uất và không có gì để hành động cả, không được đứng dậy, không được báo thù. Bây giờ thì mỗi người ngã xuống đều là ngã xuống trong một cuộc đi tới, một trận tấn công. Những người còn sống lại bận rộn ngay vì trăm công ngàn việc phức tạp, khẩn trương của cuộc chiến đấu đang tiếp tục" (Đất Quảng). Hoặc say sưa, ngây ngất trước sức sống diệu kì bất diệt của thiên nhiên: "Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê. Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời" (Rừng xà nu)...Đó là những dòng văn trữ tình sâu lắng, dạt dào những cung bậc cảm xúc. Nhờ đó nhà văn đã tái hiện được không khí bi tráng của thời đại, đồng thời "đánh thức" nhân tâm của người đọc, khiến họ thấy được chiều sâu và vẻ đẹp của cuộc kháng chiến. Kết hợp giọng hào sảng vang ngân và giọng trữ tình sâu lắng, Nguyên Ngọc đã tạo nên những trang văn giàu sắc thái cảm xúc, làm rung động lòng người đọc. Qua những trang văn ấy, chúng ta - những con người của thời đại hôm nay càng hiểu hơn về dân tộc mình - một dân tộc đã trải qua gian khổ, ác liệt của chiến tranh nhưng hào hùng, quật khởi.

Nói tóm lại, với việc sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu phù hợp để miêu tả và khắc hoạ bức tranh thiên nhiên, cuộc sống, con người trong chiến tranh, nhà văn Nguyên Ngọc đã góp thêm cho nền văn học thời chiến những âm hưởng đặc sắc, mãi mãi vang ngân trong lòng người đọc.

Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 14


KẾT LUẬN

1. Có thể nói, Nguyên Ngọc là một trong số ít nhà văn mà ngay từ tác phẩm đầu tay đã khẳng định rõ tài năng văn chương và tư chất nghệ sĩ bẩm sinh của mình.

Vốn là chiến sĩ từng tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Nguyên Ngọc vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tác. Và ở mỗi một chặng đường trên hành trình sáng tác ấy, ông đều có những tác phẩm thành công, đánh dấu những mốc son quan trọng.

2. Tiểu thuyết Đất nước đứng lên được Nguyên Ngọc viết năm 1955, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc vừa kết thúc. Đây là tác phẩm đầu tay, đánh dấu sự kiện Nguyên Ngọc chính thức bước vào nghề văn. Ngay từ khi xuất hiện, tác phẩm đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, được giới chuyên môn đánh giá cao và trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học dân tộc giai đoạn chống Pháp. Tác phẩm được trao giải Nhất - Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Với vốn hiểu biết phong phú và tình cảm sâu sắc, chân thành đối với Tây Nguyên, kết hợp với lối viết giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc, Nguyên Ngọc đã dựng lại sinh động, súc tích quá trình giác ngộ và trưởng thành của những người dân ở nơi đây khi có ánh sáng cách mạng soi đến. Đặc biệt thông qua câu chuyện về người anh hùng dân tộc thiểu số Núp và bà con buôn làng nơi anh sinh sống, cuốn tiểu thuyết của Nguyên Ngọc đã lí giải được tương đối đầy đủ, rõ ràng nguyên nhân chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo như thực dân Pháp.

3. Vẫn với mạch cảm hứng về vùng đất Tây Nguyên anh hùng, năm 1965, Nguyên Ngọc viết Rừng xà nu và in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (NXB Giải Phóng, 1969). Đây là thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam nước ta và mở rộng chiến tranh bằng


không quân ra miền Bắc. Nói như Nguyễn Trung Thành, đó là "những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hứng, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất còn trực tiếp với đế quốc Mỹ". Lúc này, cả dân tộc phải đương đầu với thử thách lớn lao nhưng vẫn kiên trì mục tiêu và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong truyện ngắn này, Nguyễn Trung Thành đã phản ánh một cách chân thực, cảm động về tinh thần quật khởi và cuộc nổi dậy đấu tranh của đồng bào dân tộc Strá ở làng Xô Man những năm kháng chiến chống Mỹ - Diệm. Đồng thời, tác giả cũng thành công khi xây dựng chân dung một tập thể anh hùng (cụ Mết, anh Tnú, chị Mai, chị Dít, bé Heng,...), mỗi người mỗi vẻ, nhưng đều giống nhau ở tình yêu, sự gắn bó với quê hương, đất nước, quyết tâm đứng lên đánh giặc, kiên cường, dũng cảm, một lòng trung thành với cách mạng.

4. Sau những thành công lớn với Đất nước đứng lên, rồi Rừng xà nu - những tác phẩm viết về Tây Nguyên, Nguyễn Trung Thành tiếp tục khẳng định được vị trí của mình với nhiều tác phẩm khác viết về "đất Quảng" - một vùng đất thấm mồ hôi và máu biết bao thế hệ con người. Ở những tác phẩm này, Nguyễn Trung Thành luôn quan tâm đến dòng chuyển cuồn cuộn của lịch sử và sự sống luôn dày nặng những đau thương và chiến công. Tiêu biểu nhất trong những sáng tác Nguyễn Trung Thành viết về vùng đất này phải kể đến tiểu thuyết Đất Quảng (1970). Mặc dù cuốn sách mới chỉ viết xong tập một nhưng nó đã để lại ấn tượng đậm nét về một vùng đất quật khởi, cùng tập thể nhân dân nơi đây vẫn kiên cường bám trụ để giữ đất giữ làng trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

5. Các tác phẩm của Nguyên Ngọc thường được tạo nên bởi hệ thống ngôn ngữ chắt lọc, tinh tế, vừa giàu hình ảnh, vừa tạo ấn tượng và cảm xúc cho người đọc. Đặc biệt một trong những điểm mạnh của Nguyên Ngọc là ở


việc sử dụng ngôn ngữ mang đậm sắc thái Tây Nguyên. Và để làm rõ được chất Tây Nguyên, "lên" được màu sắc của Tây Nguyên, từ cảnh vật, chi tiết sinh hoạt, truyền thống văn hoá, lời ăn tiếng nói, cho đến cái tên của từng nhân vật, nhà văn đã phải có thời gian dài trải nghiệm, học hỏi, tích luỹ, mài giũa, tinh luyện vốn ngôn ngữ của nhân dân nói chung và của người dân Tây Nguyên nói riêng. Nhờ vậy Nguyên Ngọc đã tạo nên được một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật riêng, mà về sau hình như ai có viết về miền núi cũng sẽ ít nhiều phụ thuộc vào đó.

Từ việc sử dụng ngôn ngữ như thế, nó đã tạo cho những trang văn Nguyên Ngọc giọng điệu riêng, mà nổi bật là hai giọng điệu chính: giọng hào sảng vang ngân và giọng trữ tình sâu lắng. Hai giọng điệu này có sự kết hợp đan xen với nhau, gợi nhiều sắc thái cảm xúc và làm rung động tâm hồn người đọc.

6. Sau 1975, đất nước thống nhất, rồi bước vào giai đoạn đổi mới, Nguyên Ngọc chủ yếu làm công việc dịch thuật và hoạt động trong tư cách một nhà văn hoá. Tuy vậy, ông cũng vẫn tiếp tục viết, với giọng văn càng sôi nổi hơn, với những hình ảnh càng chói lọi, lãng mạn hơn như Đường mòn trên biển và một số tác phẩm khác.

Trên hành trình sáng tác, ngay từ những trang viết đầu tiên, Nguyên Ngọc đã tạo nên phong cách riêng độc đáo. Đó là lối viết mộc mạc, giản dị, chân thực về những người thật việc thật, người tốt việc tốt, với phẩm chất anh hùng, mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đặc biệt, lối viết này được Nguyên Ngọc sử dụng một cách nhất quán, xuyên suốt hành trình sáng tác của ông và có ảnh hưởng tới phong cách nhiều nhà văn sau ông.

Mặc dù sáng tác không nhiều, nhưng với những đóng góp quan trọng cho nền văn học dân tộc, Nguyên Ngọc xứng đáng là một trong những nhà văn tài năng và tiêu biểu của văn xuôi viết về chiến tranh trong toàn cảnh nền văn học Việt Nam hiện đại.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Lại Nguyên Ân (1979), "Văn xuôi về chiến tranh và hình thức sử thi", Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 11.

2. Lại Nguyên Ân (1980), "Vấn đề thể loại sử thi của văn học hiện đại", Tạp chí Văn học, số 1.

3. Lại Nguyên Ân (1986), "Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám - Một nền sử thi hiện đại", Tạp chí Văn học, số 5.

4. Nguyễn Văn Bổng (1953), Con trâu, NXB Văn nghệ, Hà Nội.

5. Trần Cư (1966), "Người mẹ cầm súng - Người mẹ anh hùng", Tạp chí Văn học, số 5.

6. Phan Huy Dũng (1997), "Rừng xà nu - một truyện ngắn đậm chất sử thi thời đánh Mỹ", Phân tích và bình giảng tác phẩm văn học lớp 12, NXB Giáo dục, Hà Nội.

7. Anh Đức (1984), Hòn Đất, NXB Giáo dục, Hà Nội.

8. Hà Minh Đức (2000), "Nguyên Ngọc - Về truyện ngắn Rừng xà nu", Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.

9. Phan Cự Đệ (2003), "Tiểu thuyết sử thi trong thế kỉ XX", Tạp chí Nhà văn, số 4.

10. Nhiều tác giả (1949), Tập văn cách mạng và kháng chiến, NXB Hội Văn nghệ Việt Nam.

11. Nhiều tác giả (1984), Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

12. Nhiều tác giả (1979), Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

13. Nhiều tác giả (1992), Thuật ngữ nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

14. Nhiều tác giả (1995), Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (1945 - 1954), trọn bộ 3 tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 05/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí