Góp vốn thành lập công ty theo pháp luật Việt Nam - 2

Chương 1‌‌

KHÁI LUẬN VỀ GÓP VỐN THÀNH LẬP CÔNG TY

1.1. KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA GÓP VỐN THÀNH LẬP CÔNG TY

1.1.1. Khái niệm góp vốn thành lập công ty

Công ty ra đời, tồn tại và phát triển trong những điều kiện kinh tế - xã hội và lịch sử nhất định. Lịch sử phát triển của công ty gắn với lịch sử phát triển của hoạt động thương mại và sự phát triển của lực lượng sản xuất với những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ ngày càng hiện đại.

Sự ra đời của công ty là kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế hàng hoá. Theo quan niệm chung, có thể hiểu: Công ty kinh doanh là một thực thể kinh doanh được tạo lập trên cơ sở vốn góp của một hay nhiều người. Thông thường Công ty được chia làm 2 loại chính là Công ty đối nhân và Công ty đối vốn.

Loại thứ nhất, Công ty đối nhân là công ty được thành lập trên cơ sở sự liên kết giữa những người có uy tín, quen biết và tin cậy lẫn nhau, yếu tố nhân thân được đề cao trong quá trình liên kết thành lập Công ty [18, tr.34]. Công ty đối nhân thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản là công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Đối với công ty hợp danh, các thành viên cùng tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của Công ty. Còn ở công ty hợp vốn đơn giản có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn), còn những thành viên khác chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp vào Công ty (thành viên góp vốn).

Loại thứ hai, Công ty đối vốn là loại công ty mà những thành viên tham gia phải góp một phần vốn xác định tạo nên vốn, tài sản riêng của Công ty trong quá trình hoạt động kinh doanh. ở Công ty đối vốn yếu tố nhân thân của

người góp vốn thường ít được quan tâm mà vấn đề vốn góp được đề cao. Các thành viên Công ty đối vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của Công ty nghĩa là họ chỉ chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của Công ty trong phạm vi phần vốn mà họ góp vào Công ty [18, tr.34,35]. Các công ty đối vốn thông thường có công ty cổ phân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp vốn cổ phần.

Nói chung ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, các loại hình công ty đã ra đời từ rất sớm, các công ty thương mại đối nhân đầu tiên ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XIII ở các thành phố lớn ở Châu Âu, sang thế kỷ XVII xuất hiện các công ty đối vốn. Ban đầu chúng được hình thành một cách tự nhiên xuất phát từ nhu cầu kinh doanh và lập hội của các thương gia sau đó Luật Công ty đã ra đời để ghi nhận và điều chỉnh hoạt động của các loại hình công ty nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, ở Việt Nam có 3 hình thức Công ty là Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn (gồm 2 loại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) và Công ty hợp danh.

Sự phát triển của công ty trước tiên xuất phát từ nhu cầu tự nhiên. Ban đầu các thương nhân hoạt động kinh doanh đơn lẻ, nhưng với sự phát triển và mở rộng của hoạt động thương mại và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đòi hỏi các thương nhân phải có sự liên kết hùn vốn với nhau để kinh doanh nhằm tăng sức cạnh tranh và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Góp vốn thành lập công ty theo pháp luật Việt Nam - 2

Hoạt động thương mại phát triển đòi hỏi các thương gia phải có sự liên kết hùn vốn với nhau để buôn bán. Việc tích lũy vốn, “hùn vốn”, “gom vốn” cho hoạt động kinh doanh đã thúc đẩy các nhà tư bản phải tìm đến những hình thức tổ chức kinh doanh mới. Sự góp vốn theo hình thức công ty chính là đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế. Hơn nữa, nền kinh tế ngày càng phát triển thì

càng có nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới ra đời, tạo ra những cơ hội và khả năng thu hút nhà đầu tư gặp gỡ hợp tác kinh doanh với nhau trên cơ sở góp vốn thành lập một thực thể kinh doanh - đó chính là công ty.

Như vậy, góp vốn trước hết là nhu cầu tự nhiên để phục vụ hoạt động kinh doanh của một nhóm người. Sau đó, mới tạo nên một thực thể mới là công ty. Khi pháp luật có sự điều chỉnh đối với việc thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty, thì công ty phải được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Công ty trở thành một thực thể pháp lý, mang các quyền và nghĩa vụ pháp lý do pháp luật quy định. Sự quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty trong đó có việc góp vốn thành lập công ty đã đưa việc góp vốn thành lập công ty từ quan hệ xã hội trở thành quan hệ pháp luật với sự điều chỉnh của pháp luật về góp vốn thành lập công ty.

Vậy, góp vốn thành lập công ty ban đầu xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của các thương gia mang tính riêng lẻ, sau đó được pháp luật về công ty quy định chung cho hoạt động góp vốn thành lập công ty trong một cộng đồng chính trị nhất định.

Vậy góp vốn thành lập công ty là gì?

Theo Bộ luật dân sự của nước cộng hoà Pháp, công ty do hai hay nhiều người thành lập trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng về việc đóng góp, sử dụng tài sản hoặc công sức của họ vào hoạt động kinh doanh chung nhằm chia lãi hoặc thu lợi

Trong những trường hợp do pháp luật quy định, công ty có thể do một người thành lập.

Các thành viên công ty cam kết cùng chịu lỗ. [Điều 1832]

Như vậy, có thể hiểu góp vốn thành lập công ty là việc một hay nhiều người đóng góp tài sản, tri thức hoặc công sức của họ vào hoạt động kinh doanh dưới hình thức công ty nhằm thu lợi hoặc chia lãi.

Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2005, Điều 4, khoản 4 “Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.”

Góp vốn theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sử hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Quy định của pháp luật Việt Nam mới chỉ đề cập đến việc góp vốn bằng tài sản và liệt kê các loại tài sản được góp vốn. Sự liệt kê thì không thể tránh khỏi sự không đầy đủ, do vậy Luật Doanh nghiệp 2005 đã mở ra cho phép các chủ thể có thể thỏa thuận xác định những loại tài sản khác được góp vốn.

Qua các phân tích trên có thể hiểu theo nghĩa chung nhất, Góp vốn thành lập công ty là việc tạo lập ra công ty thông qua việc chuyển giao tài sản, tri thức hoặc công sức của người góp vốn để hình thành vốn của công ty.

1.1.2. Bản chất pháp lý của góp vốn thành lập công ty


Công ty thường được xem xét trên hai phương diện: kinh tế và pháp lý. Trên phương diện kinh tế, công ty được xem là một doanh nghiệp hay một thực thể kinh doanh. Và trên phương diện pháp lý, công ty được xem là hành vi pháp lý hay hành vi thương mại. Do đó góp vốn cũng được hiểu theo nghĩa kinh tế và nghĩa pháp lý, có nghĩa là cần xem xét khái niệm góp vốn từ phương diện kinh tế và từ phương diện pháp lý.

Nếu như xét từ phương diện kinh tế, góp vốn là việc tạo ra tài sản cho công ty nhằm bảo đảm cho những chi phí trong hoạt động của công ty và bảo

đảm quyền lợi cho các chủ nợ. Khi góp tài sản vào công ty, thì tài sản đó trở thành đối tượng sở hữu của công ty bởi hợp đồng thành lập công ty đã tạo ra một thực thể tách biệt có sản nghiệp riêng. Mỗi thành viên của công ty có được từ hành vi góp vốn này một quyền lợi đối với công ty tương ứng với phần vốn góp của mình xét theo lẽ thông thường. Tuy nhiên, các quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên còn phụ thuộc vào các quy định của hợp đồng thành lập hay điều lệ của công ty hoặc pháp luật.

Xét từ phương diện pháp lý, thì góp vốn là hành vi chuyển giao tài sản hay đưa tài sản vào sử dụng để đổi lấy quyền lợi đối với công ty. Hành vi đổi lấy quyền lợi này khác với hành vi mua bán hay hành vi cho thuê tài sản ở chỗ: trong hành vi mua bán hay cho thuê, khi chuyển giao quyền sở hữu tài sản hay quyền sử dụng tài sản, thì người chuyển giao có được một quyền lợi là được nhận một khoản tiền từ giá bán hay giá thuê; còn trong hành vi góp vốn, khi chuyển giao quyền sở hữu hay quyền sử dụng tài sản cho công ty, thì người góp vốn không nhận được bất kể khoản tiền nào từ việc chuyển giao đó, mà thay vào đó là nhận được một quyền lợi trong công ty có giá trị tương ứng với phần vốn góp.

Quan niệm góp vốn theo phương diện pháp lý đặt ra hai vấn đề lớn cần tìm hiểu. Đó là hình thức góp vốn và quyền lợi có được từ việc góp vốn.

Trong thực tiễn có nhiều hình thức góp vốn. Nếu căn cứ vào chủ thể quyền sở hữu đối với tài sản đem góp vốn thì có góp vốn bằng quyền sở hữu và góp vốn bằng quyền hưởng dụng. Nếu căn cứ vào tính chất của tài sản thì có thể có cách thức góp vốn bằng tài sản giá trị, bằng tài sản hiện vật, bản quyền sở hữu công nghiệp, góp vốn bằng tri thức, góp vốn bằng công sức.

Chính xuất phát từ sự đa dạng của hình thức góp vốn mà đòi hỏi sự điều chỉnh cách thức tiến hành quan hệ chuyển dịch vốn góp vào công ty cũng đa dạng và phải phù hợp với từng hình thức cụ thể. Các thành viên phải lựa

chọn hình thức góp vốn cụ thể không trái với quy định của pháp luật và được ghi tại hợp đồng thành lập công ty.

Nếu đối tượng góp vốn là tài sản thì người góp vốn phải là chủ sở hữu khối tài sản góp vốn. Thông qua hành vi chuyển dịch, tài sản từ phần vốn góp trở thành tài sản của công ty. Công ty trở thành chủ sở hữu vật quyền, còn thành viên trở thành chủ sở hữu trái quyền đối với phần góp vốn, theo đó thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm về thực trạng tài sản của mình đúng như cam kết, phải chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ cam kết và thực hiện thủ tục chuyển dịch, tùy theo tính chất của mỗi loại tài sản khác nhau.‌

1.2. HỆ QUẢ CỦA VIỆC GÓP VỐN THÀNH LẬP CÔNG TY


1.2.1. Tạo lập ra một thực thể độc lập


Công ty được thành lập trên cơ sở sự góp vốn của một hoặc nhiều người. Vậy, vấn đề đặt ra là công ty với tư cách là một thực thể pháp lý, một thực thể kinh doanh mới có sự độc lập như thế nào đối với các thành viên đã góp vốn để tạo lập nên công ty.

Các quy tắc liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty có thể không đủ để chi phối các quan hệ phát sinh từ sự hình thành công ty có tổ chức. Bởi vì, một mặt, nếu giữa lợi ích riêng và lợi ích chung có sự mâu thuẫn, thì thành viên luôn cớ thiên hướng hy sinh lợi ích cung để bảo vệ lợi ích riêng; mặt khác, thời gian tồn tại của công ty có thể lâu hơn thời gian tồn tại của các thành viên.

Chính vì vậy, để bảo vệ tốt lợi ích của công ty cũng như lợi ích của người thứ ba có quan hệ với công ty, cần công nhận sự tồn tại độc lập của công ty so với các thành viên. Luật đáp ứng yêu cầu đó bằng cách thừa nhận cho công ty có tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật. Công ty coi như có nhân thân riêng của mình, phân biệt với nhân thân của từng thành viên. Được

nhân cách hóa, công ty có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ, nghĩa là có năng lực hành vi, và có tài sản riêng bảo đảm cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Như một con người trừu tượng, công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ thông qua những con người cụ thể được bố trí vào các cơ quan của công ty, gọi là các cơ quan quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của công ty.

Sau khi được thành lập, công ty có khối tài sản riêng, bao gồm các tài sản có riêng và các tài sản nợ riêng. Công ty chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của mình bằng các tài sản có của mình. Tài sản của công ty độc lập với khối tài sản của mỗi thành viên: các chủ nợ của thành viên không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ riêng của thành viên; ngược lại các chủ nợ của công ty không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của thành viên để thực hiện các nghĩa vụ của công ty. Trong quan hệ giữa công ty và thành viên của công ty, các tài sản của công ty không phải thuộc sở hữu chung của các thành viên công ty: công ty có tài sản riêng của mình, còn các thành viên khi góp vốn vào công ty thì được hưởng các quyền từ việc góp vốn đó.

Công ty được thành lập trên cơ sở sự góp vốn của các thành viên. Công ty được coi là một thực thể được pháp luật thừa nhận kể từ khi nó được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam thì công ty được tiến hành hoạt động với tư cách là một chủ thể độc lập kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nghĩa là công ty có năng lực pháp luật kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khác với năng lực pháp luật của cá nhân, năng lực pháp luật của công ty do luật xác định về nội dung. Chắc chắn, công ty không thể có các quyền và nghĩa vụ đặc

thù của cá nhân, như quyền kết hôn, quyền nhận cha, mẹ cho con, quyền nuôi con nuôi... Mỗi công ty có những mục đích xác định để theo đuổi và, do đó, có khả năng có những quyền và nghĩa vụ giới hạn bởi chính các mục đích đó. Ví dụ: Công ty A đăng ký kinh doanh về sản xuất, lắp giáp, mua bán máy vi tính thì công ty A được quyền kinh doanh trong các ngành nghề đó mà không được quyền kinh doanh các ngành nghề chưa đăng ký. Hay công ty trách nhiệm hữu hạn thì không có năng lực phát hành cổ phiếu;...

Công ty không có năng lực hành vi thực. Suy cho cùng, khái niệm năng lực hành vi của công ty không thể được xây dựng như một khái niệm ứng dụng được. Công ty, dù được nhân cách hoá, không phải là con người cụ thể và do đó, không thể tự mình xử sự. Ngay cả các cơ quan của công ty cũng chỉ vận hành thông qua vai trò của những cá nhân cụ thể đảm nhận các chức vụ cụ thể. Suy cho cùng, công ty luôn phải được đại diện, từ khi được thành lập cho đến khi chấm dứt, trong tất cả các hoạt động của mình. Năng lực hành vi của công ty thực ra là năng lực hành vi mà công ty vay mượn của những con người mà công ty hoá thân vào.

Công ty được thành lập theo ý chí của các chủ thể có quyền và nghĩa vụ được luật thừa nhận. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005, các chủ thể khi thành lập công ty phải đăng ký kinh doanh cho công ty, việc đăng ký kinh doanh khi thành lập công ty được thực hiện theo trình tự sau:

Thứ nhất, người thành lập công ty nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 16/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí