Góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam - 2

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Nghiên cứu, phân tích làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận của pháp luật về góp vốn nói chung và pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất nói riêng.

- Phản ánh, phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

- Trên cơ sở đó đề xuất một số định hướng và giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

3. Phương pháp nghiên cứu

Trên nền tảng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, luận văn đã sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu truyền thống kết hợp với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, như: phương pháp thống kê tổng hợp, phương pháp so sánh phân tích, phương pháp thu thập tài liệu..., nhằm đạt được kết quả nghiên cứu tốt nhất.

4. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát chung về góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Chương 2: Thực trạng pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Chương 1

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam - 2

KHÁI QUÁT VỀ GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT


1.1. KHÁI NIỆM, BẢN CHẤT VÀ CÁC HÌNH THỨC GÓP VỐN:‌


1.1.1. Khái niệm, bản chất góp vốn:

Nếu xét về bản chất, góp vốn là hành vi pháp lý nhằm đưa tài sản của mình vào một hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kiếm lời. Trong mối quan hệ góp vốn, gồm có bên góp vốn, bên nhận góp vốn và tài sản góp vốn. Việc góp vốn nhằm tạo ra cơ sở đầu tiên cho bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Vì chỉ khi có vốn, một doanh nghiệp hay một cá nhân mới có thể tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh và theo pháp luật, vốn là điều kiện bắt buộc để một cá nhân, tổ chức được phép tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xét theo phương diện kinh tế, góp vốn được hiểu là những đóng góp mà tổng cộng những phần đóng góp ấy trở thành dấu hiệu đại diện cho số vốn của công ty (trong luận văn này, thuật ngữ công ty được hiểu là các tổ chức kinh tế) thực chất là của "hồi môn" mà mỗi thành viên dành cho công ty lúc mới thành lập. Số vốn này dùng để đảm bảo cho những chi phí đối với hoạt động của công ty và đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ.

Thực tế, sức mạnh tài chính của một công ty thông thường được tính theo một thước đo khác chứ không chỉ căn cứ vào số vốn góp này. Những khoản lời thu được và đưa vào dự trữ bổ sung cho vốn tự có của công ty, khoản dự trữ này là thước đo vốn riêng của công ty; nếu tính cả một số nguồn tài chính khác nữa như là khoản tạm ứng trước bằng tài

khoản vãng lai của các hội viên, như vậy người ta sẽ có tổng số vốn riêng. Số vốn này không phải là vốn đi vay. Những tài sản đóng góp chỉ là một trong những bộ phận mà không phải là bộ phận đáng kể nhất, trong tổng số vốn riêng của mỗi công ty.

Xét theo phương diện pháp lý, hành vi góp vốn được hiểu là việc đưa một thứ tài sản vào sử dụng để được hưởng các quyền lợi của công ty.

Việc "đưa vào sử dụng" là sự chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền hưởng dụng. Như vậy theo hình thức đơn giản nhất và phổ biến nhất thì việc góp vốn là chuyển quyền sở hữu một cửa hàng, một bất động sản cho công ty; theo hình thức ngụy biện hơn thì việc góp vốn đơn giản là thừa nhận công ty có quyền sử dụng một cửa hàng hoặc một ngôi nhà. Vậy là việc đưa vào sử dụng nhằm mục đích duy nhất là quyền hưởng một tài sản.

Nói đến tài sản ở đây phải hiểu là mọi tài sản hoặc là mọi quyền lợi hợp pháp trong buôn bán. Tài sản có thể là động sản hoặc bất động sản. Quyền lợi có thể là món nợ, văn bằng phát minh, nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả, cam kết làm việc cho công ty.

Tài sản đưa vào sử dụng phải là tài sản có thể buôn bán hợp pháp, có nghĩa là có thể chiếm hữu được. Người ta không thể đem đóng góp thuốc phiện, những sản phẩm, tác phẩm, sáng tác mà Nhà nước cấm buôn bán hoặc lưu hành. Vả lại, tập quán không phải là điều duy nhất đảm bảo cho việc buôn bán thực hiện đúng pháp luật mà còn phải kể đến những quy định có tính chất pháp luật, lệ hoặc pháp quy khẳng định tính chất không thể chuyển nhượng một tài sản nào đó.

Cụm từ "được hưởng các quyền lợi của công ty" khi góp vốn hoàn toàn khác với việc bán tài sản. Vì nếu là bán tài sản thì cần phải được trả một khoản tiền, ngược lại việc góp vốn đòi hỏi phải được hưởng

các quyền lợi của công ty mình góp vốn vào, như: phần lợi tức, tư cách thành viên, cổ phần dành cho người góp vốn. Sự phân biệt ở đây rất rõ ràng, vì nó tuân theo một chế định pháp lý khắc hẳn: Những nguyên tắc bán tài sản dựa trên cơ sở người mua phải trả một khoản tiền, không gặp trong trường hợp đóng góp này. Chẳng hạn, người góp vốn không được đòi hỏi có quyền ưu tiên như người bán hoặc nếu trường hợp người góp vốn đóng góp một ngôi nhà thì không được đòi bồi thường thiệt hại như quy định của pháp luật dân sự. Tuy vậy, việc góp vốn cũng có phần giống như việc bán tài sản, vì nó cũng là hành vi phải tính tiền.

Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật hiên hành chưa có một định nghĩa chính thức về góp vốn nói chung nhưng tại khoản 4, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005 có định nghĩa về góp vốn vào công ty (không phải định nghĩa góp vốn nói chung) như sau:

Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty, do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty [33].

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể hiểu góp vốn là một hành vi pháp lý nhằm đưa tài sản của một cá nhân, tổ chức vào làm vốn để tiến hành sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận.

1.1.2. Các hình thức góp vốn:

Căn cứ vào vật đóng góp là tiền bạc, tài sản hay khả năng, có thể phân biệt ba hình thức góp vốn sau đây.

1.1.2.1.Hình thức góp vốn bằng tiền.

Góp vốn bằng tiền là việc người góp vốn đóng góp một khoản tiền vào công ty. Đây là góp vốn thực sự, không nên nhầm lẫn với việc ứng trước bằng tài khoản vãng lai. Đáng tiếc là đôi khi vẫn gọi là "góp vốn bằng tài khoản vãng lai" mà thực chất là một khoản tiền do một hoặc nhiều hội viên cho công ty vay và hưởng lãi suất chứ không được hưởng quyền lợi của công ty.

Theo pháp luật dân sự của nước Pháp, việc góp vốn bằng tiền có thể là tiền mặt, bưu phiếu hay ngân phiếu, thậm chí có thể là hối phiếu đã quá hạn. Rất có thể khoản tiền góp vốn này do người góp vốn đi vay; trường hợp này cần phải xem xét tính chắc chắn của khoản vay này, nếu không phải khoản vay chắc chắn thì công ty có thể sẽ phải hoàn trả ngay số vốn này cho chủ nợ và như vậy thì việc góp vốn có thể bị xem là giả tạo.

Thời hạn nộp tiền góp vốn được quy định trong hợp đồng công ty (hay điều lệ công ty), trừ trường hợp công ty trách nhiệ m hữu hạn vì đối với các công ty này, luật đã quy định các thể thức góp vốn, những người sọan thảo điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn cũng không hoàn toàn được độc lập. Thành viên công ty còn nợ tiền góp vốn đương nhiên trở thành con nợ và phải chịu lãi suất của khoản tiền này kể từ ngày phải nộp tiền góp vốn, chưa kể còn phải bồi thường nếu có thiệt hại do khoản nợ góp vốn này gây ra. Ở đây luật kinh doanh tỏ ra hà khắc hơn luật dân sự; thực ra con nợ bình thường chỉ phải trả lãi suất kể từ ngày có giấy báo trả nợ và chỉ phải chịu bồi thường thiệt hại do sự chậm trễ cố ý gây ra. Người góp vốn bằng hiện vật cũng phải chịu sự hà khắc tương tự.

1.1.2.2. Hình thức góp vốn bằng hiện vật.

Đây là việc người góp vốn đóng góp một tài sản nhất định vào công ty, như: một cửa hàng hay một tòa nhà… Việc đưa vào sử dụng

hiện vật đóng góp dựa vào tính chất của việc góp vốn, có thể phân hình thức góp vốn này thành góp vốn bằng quyền sở hữu và góp vốn bằng quyền hưởng dụng.

Thứ nhất, góp vốn bằng quyền sở hữu. Cách góp vốn này có biểu hiện gần giống với việc mua bán tài sản. Về mặt nguyên lý, công ty được xác định như một người mua, trở thành chủ sở hữu của tài sản góp vốn. Điều này buộc công ty phải có tư cách pháp nhân. Việc góp vốn bằng hiện vật không thể thực hiện được đối với các công ty không có tư cách pháp nhân. Cần phải nói thêm rằng, công ty có tư cách pháp nhân cũng chỉ trở thành chủ sở hữu kể từ ngày đăng ký, ngày đó đánh dấu việc công ty gia nhập giới chủ thể quyền. Là chủ sở hữu, công ty phải chịu tất cả những bất trắc có thể xảy ra, chẳng hạn hiện vật góp vốn bị đánh cắp hay bị hư hỏng do tai nạn thì công ty sẽ mất phần đóng góp này và người góp vốn không phải chịu trách nhiệm về việc đó. Là chủ sở hữu, công ty có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản này và cũng không phải bảo đảm đối với người góp vốn về việc trả lại tài sản góp vốn này khi chấm dứt việc góp vốn. Là chủ sở hữu, trong một số trường hợp, công ty phải gánh chịu các khoản nợ của những tài sản đóng góp. Ví dụ: Khi vật được sử dụng để góp vốn là một cửa hiệu, người góp vốn chuyển nhượng quyền sở hữu cửa hiệu cùng toàn bộ các khoản nợ cho công ty. Khi đồng ý nhận góp vốn, công ty phải đứng ra trang trải mọi khoản nợ, các nghĩa vụ dân sự có liên quan đến quá trình khai thác cửa hiệ u, phải thanh toán những khoản nợ do việc trước đó người góp vốn đã mua hàng hóa để bán tại cửa hàng; phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự trong việc bảo hành đối với những mặt hàng mà công ty đã bán ra cho khách hàng và có trách nhiệm bảo hành... Như vậy, hành vi này giống như một kiểu góp vốn phức hợp, vừa là bán vì phải trả các khoản nợ, vừa là góp vốn

xét theo các phương diện còn lại. Trong khoa học pháp lý, hình thức góp vốn này còn được gọi là hành vi góp vốn có đền bù. Tất nhiên theo cách góp vốn này, người góp vốn chỉ được hưởng quyền lợi tương đương với giá trị còn lại, sau khi đã khấu trừ những khoản nợ, những nghĩa vụ dân sự đã được người nhận góp vốn chi trả thay. Đối với người góp vốn thì mức độ hưởng quyền lợi tùy thuộc vào giá trị tài sản mà họ đã đưa vào cho công ty sử dụng. Vấn đề đặt ra là phải xác định giá trị tài sản được đem góp vốn. Lúc này, các bên cùng với chuyên gia đánh giá tài sản cùng nhau xác định giá trị của những tài sản đóng góp. Điều nguy hiểm thường gặp ở đây là có thể xảy ra trường hợp đánh giá quá cao tài sản góp vốn. Điều này dễ xảy ra bởi nguyên do, các thành viên công ty muốn tạo uy tín cho công ty của mình nên đã đánh giá cao hơn giá trị thực tế những tài sản mình đóng góp, điều này làm tăng giả tạo số vốn của công ty và tăng thêm lòng tin của các ngân hàng và các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho công ty. Để tránh việc đánh giá sai giá trị tài sản vì mục đích nêu trên, luật pháp của nhiều nước đã đặt ra những nguyên tắc nhất định khi đánh giá.

Ví dụ: Theo Bộ luật Dân sự của Pháp, việc đóng góp bằng hiện vật vào công ty vô danh cần phải có sự tham gia của một ủy viên kiểm tra góp vốn; việc đánh giá cao một cách gian lận những đóng góp bằng hiện vật có thể bị quy thành tội phạm để hạn chế các thành viên thổi phồng tài sản đóng góp. Riêng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn mà việc tham gia của ủy viên kiểm tra góp vốn không bắt buộc thì thì các thành viên công ty phải liên đới chịu trách nhiệm trong thời hạn năm năm trước người thứ ba về giá trị mà họ tự tính cho những hiện vật đóng góp.

Một lần nữa, việc góp vốn ở đây lại được xem như là hành vi bán chác và người hùn vốn phải đảm bảo với công ty về tài sản mà mình

đóng góp như người bán phải đảm bảo hàng của mình đối với người mua. Ở đây cần có sự bảo đảm mang tính chất loại trừ: Người góp vốn không được ngăn cản công ty hưởng dụng tài sản đã đóng góp và phải đảm bảo về những khuyết tật ở hiện vật mình đóng góp; nghĩa là người góp vốn phải chịu trách nhiệm về những khuyết tật trong hiện vật mình đóng góp vào công ty đã làm cho hiện vật không sử dụng được đúng với tác dụng của nó.

Thứ hai, góp vốn bằng quyền hưởng dụng. Nếu như người góp vốn bằng quyền sở hữu có vai trò giống như người bán, thì người góp vốn bằng quyền hưởng dụng có vai trò tương tự người cho thuê tài sản. Đây là hướng quy định khá phổ biến trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới.

Ví dụ: Bộ luật Dân sự của Pháp quy định rằng việc người góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải đảm bảo trước công ty về tài sản góp vốn như người cho thuê tài sản. Như vậy, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, người góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải bảo dưỡng tài sản đóng góp luôn ở tình trạng có thể sử dụng được đúng mục đích như khi mới đóng góp và có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hưởng dụng tài sản này.

Là chủ sở hữu của tài sản đóng góp, người góp vốn bằng quyền hưởng dụng một tòa nhà hay một con tàu phải chịu trách nhiệm về những bất trắc có thể xảy ra đối với tài sản đó, chẳng hạn nếu tài sản đó bị thất thoát thì việc góp vốn sẽ bị coi là vô hiệu và người góp vốn sẽ bị khai trừ nếu không có vốn đóng góp khác. Tuy nhiên, cũng cần phải nói một cách chính xác là, khi vật đóng góp là vật có thể tiêu phí được - những tài sản thuộc loại không thể tư nhân hóa được - văn tự góp vốn chuyển giao cho

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/10/2023