Kết luận chương 2
Giáo dục TTN cho trẻ em nói chung và cho trẻ 5-6 tuổi nói riêng là vấn đề được quan tâm trong thực tiễn GDMN. Kết quả khảo sát thực trạng GDTTN dựa trên QTE cho trẻ 5-6 tuổi ở trường MN cho phép đưa ra một số kết luận sau:
1. Chương trình GDMN nói chung và chương trình giáo dục trẻ 5-6 tuổi nói riêng đã quan tâm đến giáo dục TTN cho trẻ. Mục tiêu, nội dung của chương trình đã đề cập đến một số yêu cầu về nhận thức, hành vi, thái độ cần đạt được ở trẻ liên quan đến trách nhiệm, đặc biệt được đề cập nhiều ở lĩnh vực phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng xây dựng và triển khai các biện pháp giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non.
2. GVMN nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giáo dục TTN cho trẻ. Tuy nhiên, nhận thức của họ chưa đầy đủ về khái niệm, biểu hiện TTN. Thực hành GDTTN của họ đã đảm bảo các Quyền của trẻ em nhưng chưa triệt để, đặc biệt là Quyền tham gia, Quyền được tôn trọng, Quyền được lắng nghe. Do vậy, việc GDTTN cho trẻ còn mang tính áp đặt, chưa coi trọng vai trò chủ thể của trẻ. Các biện pháp GDTTN đã được GVMN thực hiện khá đa dạng nhưng chủ yếu là hướng tới mục tiêu giáo dục chung, chưa hướng tới mục tiêu GDTTN một cách cụ thể, có định hướng. Trong đó, GVMN còn ít quan tâm đến hướng dẫn PH, dạy trẻ về Quyền đi đôi với trách nhiệm, và chưa áp dụng thường xuyên các biện pháp theo hướng trao quyền cho trẻ.
3. Mức độ hình thành TTN của trẻ 5-6 tuổi chưa tương xứng với nhu cầu mong muốn tự làm việc, sự giàu xúc cảm, tình cảm và khả năng của trẻ em. Trẻ có điểm TBC tính trách nhiệm đạt 5.13, ở mức trung bình. ĐTB nhận thức, hành động, thái độ đều ở mức trung bình, với cả ba loại trách nhiệm (TN với bản thân, TN với người khác và TN với môi trường). Trong đó ĐTB nhận thức về trách nhiệm của trẻ 5-6 tuổi đạt 4.69 thấp hơn so với điểm hành động (5.45) và thái độ (5.23). ĐTB trách nhiệm với bản thân cao nhất (5.42), cao hơn so với ĐTB trách nhiệm với MT (5.05) và trách nhiệm với người khác (4.91) Đa số trẻ nhận thức được việc cần làm nhưng lí do hành động của trẻ mới xuất phát từ phía bên ngoài, do vâng lời người lớn hoặc sợ bị trách phạt. Không có sự khác biệt giữa điểm trung bình TTN của trẻ nông thôn và thành phố, giữa trẻ nam và trẻ nữ.
4. Kết quả kiểm định mối tương quan giữa ba thành tố nhận thức về trách nhiệm, hành động thực hiện trách nhiệm và thái độ trách nhiệm cho kết quả: Hệ số tương quan giữa TBC nhận thức, TBC hành động, TBC thái độ với điểm TBC tính trách nhiệm lần lượt là 0.889: 0.929 và 0.916, đều ở mức rất cao. Điều này cho thấy, nhận thức, hành động, thái độ là ba yếu tố cấu thành nên TTN của trẻ em. Muốn GDTTN cho trẻ em phải tác động tới cả ba thành tố này.
CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TÍNH TRÁCH NHIỆM DỰA TRÊN QUYỀN TRẺ EM CHO TRẺ 5-6 TUỔI Ở TRƯỜNG MẦM NON
3.1. Nguyên tắc đề xuất biện pháp giáo dục tính trách nhiệm dựa trên Quyền trẻ em cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non
3.1.1 Đảm bảo mục tiêu giáo dục tính trách nhiệm dựa trên Quyền trẻ em
Biện pháp giáo dục TTN cho trẻ hướng tới thực hiện Quyền trẻ em nói chung và thực hiện mục tiêu giáo dục TTN cho trẻ nói riêng. Do vậy, các biện pháp giáo dục TTN cho trẻ cần quan tâm đến các vấn đề như: thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của trẻ em; thúc đẩy sự phát triển nhận thức về trách nhiệm của bản thân trẻ, hình thành kĩ năng- hành vi có trách nhiệm, xây dựng thói quen, thái độ làm việc có trách nhiệm, rèn luyện cho trẻ kĩ năng đánh giá và tự đánh giá nhằm giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi. Để làm được điều này, việc xây dựng và thực hiện các biện pháp cần phải chú ý đến hai vấn đề. Thứ nhất phải hiểu và tôn trọng trẻ em, để kịp thời nhận ra những nhu cầu, mong muốn khám phá, tìm kiếm tri thức của trẻ, hoặc các vấn đề của trẻ em, từ đó có hỗ trợ, giải thích phù hợp nhằm giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của bản thân. Thứ hai, coi trọng xây dựng môi trường hoạt động có vai trò định hướng hoạt động cho trẻ, giúp trẻ có thể tự nhận nhiệm vụ, tự thực hiện nhiệm vụ và đánh giá kết quả thực hiện.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiêu Chí Đánh Giá Mức Độ Biểu Hiện Ttn Của Trẻ 5-6 Tuổi
- Ý Kiến Gvmn Về Nội Dung Giáo Dục Ttn Cho Trẻ 5-6 Tuổi
- Thực Trạng Nhận Thức Của Phụ Huynh Về Giáo Dục Ttn Dựa Trên Quyền Trẻ Em Cho Trẻ 5-6 Tuổi
- Tổ Chức Các Hoạt Động Đa Dạng Cho Trẻ Trải Nghiệm Việc Ra Quyết Định Và Chịu Trách Nhiệm Về Quyết Định Của Mình
- Tổ Chức Hoạt Động Chơi Cho Trẻ Trải Nghiệm Thực Hiện Quyền Và Trách Nhiệm Của Trẻ Em
- Phối Hợp Gia Đình Giáo Dục Tính Trách Nhiệm Cho Trẻ 5-6 Tuổi Dựa Trên Quyền Trẻ Em
Xem toàn bộ 279 trang tài liệu này.
3.1.2. Đảm bảo phù hợp với quá trình hình thành tính trách nhiệm và đặc điểm của trẻ 5-6 tuổi
Giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi bắt đầu từ thỏa mãn hợp lý nhu cầu của trẻ nhằm khơi gợi xúc cảm, tình cảm tích cực trong quá trình trẻ thực hiện các công việc, nhiệm vụ cho bản thân, cho người khác và cho môi trường. Từ đó, trẻ có nhu cầu tham gia, thực hiện các nhiệm vụ, thể hiện hành động có trách nhiệm của bản thân mình. Dần dần, trẻ hình thành nhận thức rõ các chuẩn mực xã hội theo vai trò, vị trí xã hội của bản thân cũng như các trách nhiệm phải thực hiện phù hợp với vai trò đó; và tự giác thực hiện. Các biện pháp giáo dục TTN cho trẻ cần quan tâm đến các nhóm biện pháp như: tạo môi trường vật chất đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ em và môi trường tâm lý thoải mái, vui vẻ, bình đẳng, an toàn cho mọi trẻ em; tổ chức các hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho trẻ thực hiện các trách nhiệm của bản thân và tổ chức, hướng dẫn đánh giá trách nhiệm của trẻ em nhằm giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi.
3.1.3. Đảm bảo sự thống nhất giữa thực hiện “Quyền” và “Trách nhiệm” của trẻ
Các biện pháp GDTTN cho trẻ 5-6 tuổi được đề xuất phải đảm bảo sự cân bằng giữa “Quyền” và “Trách nhiệm”. Quyền-Trách nhiệm luôn gắn liền với nhau, có nghĩa là trong khi đáp ứng các Quyền thì đồng thời cho trẻ thấy trách nhiệm chúng cần thực hiện. Trong bất kì tình huống nào, việc thực hiện các biện pháp GDTTN cho trẻ
phải xuất phát và vì lợi ích của trẻ em, và mang lại lợi ích thật sự, không phải mang tính hình thức, trong mọi khâu của quá trình GDTTN như mục đích, nội dung, cách thực hiện các biện pháp. Từ đó, tác động trực tiếp đến hiểu biết, hành động và thái độ trách nhiệm của trẻ nhằm giúp trẻ hiểu rằng để thực hiện Quyền của mình trẻ cần có những trách nhiệm gì, và quyền của trẻ sẽ chấm dứt khi vi phạm quyền của người khác, khi đó trẻ phải có trách nhiệm thực hiện Quyền của người khác.
3.1.4. Đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục tính trách nhiệm cho trẻ 5-6 tuổi
Việc hình thành nhân cách trẻ em nói chung, trẻ 5-6 tuổi nói riêng, cần có sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Mỗi lực lượng giáo dục có ưu thế riêng đối với việc GDTTN cho trẻ trên cơ sở đảm bảo QTE ở gia đình, nhà trường, xã hội. Do vậy, các biện pháp GDTTN cho trẻ 5-6 tuổi dựa trên QTE cần phải tạo được sự thống nhất chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ động phối hợp , nhằm đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường giáo dục giàu tính nhân văn, có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với bản thân, với người khác và với môi trường, mọi nơi, mọi lúc, trong các hoàn cảnh khác nhau.
3.2. Đề xuất biện pháp giáo dục tính trách nhiệm dựa trên Quyền trẻ em cho trẻ 5-6 tuổi
3.2.1. Xây dựng môi trường giáo dục tính trách nhiệm dựa trên Quyền trẻ em phù hợp với trẻ 5-6 tuổi
3.2.1.1. Xây dựng môi trường vật chất an toàn, định hướng rõ Quyền và Trách nhiệm của trẻ trong các hoạt động, sinh hoạt ở trường mầm non
a) Mục đích- ý nghĩa
Môi trường vật chất trong giáo dục trẻ ở trường mầm non là toàn bộ các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, không gian có ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non. Nếu tác động đến môi trường vật chất trong lớp học thông qua việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi có thể định hướng được hành vi của trẻ, tạo điều kiện để hình thành những hành vi mong đợi, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Xây dựng môi trường vật chất thuận lợi nhằm tăng cường quyền tham gia và đáp ứng các quyền khác của trẻ em, từ đó trẻ nhận ra được trách nhiệm của mình trong quá trình tương tác và hoạt động với các đối tượng trong môi trường.
b) Nội dung
Những công việc cần làm khi xây dựng môi trường GDTTN cho trẻ dựa trên việc đáp ứng QTE bao gồm:
- Bố trí khu vực hoạt động
- Lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, vật liệu
- Sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, vật liệu
- Trang trí các góc, khu vực hoạt động
- Thiết kế các bảng quy trình hướng dẫn hoạt động ở từng góc
c) Cách tiến hành
Bố trí các khu vực hoạt động của trẻ
Để tạo dựng một môi trường vật chất an toàn, định hướng rõ Quyền và Trách nhiệm cho trẻ khi hoạt động, điều đầu tiên cần quan tâm là bố trí các khu vực hoạt động. Đối với mỗi hoạt động cần có một không gian khác nhau, đảm bảo cho trẻ có thể hoạt động thoải mái và tích cực. Ở trong đó, trẻ được đáp ứng các Quyền của mình như Quyền tham gia, Quyền riêng tư, Quyền vui chơi, Quyền học tập, Quyền được bảo vệ. Khi đó, trẻ sẽ tự thực hiện các Trách nhiệm để đảm bảo Quyền mình được hưởng, đồng thời có Trách nhiệm đảm bảo Quyền của trẻ em khác và giữ gìn môi trường.
Có các khu vực hoạt động riêng biệt cho mỗi nhóm trẻ. Cần bố trí các khu vực hoạt động nhỏ độc lập tương đối với các khu vực chung nhằm giúp trẻ tập trung vào nội dung hoạt động của mình, giảm bớt được sự phân tán tầm nhìn, tạo điều kiện cho trẻ tự lập ở mức cao nhất. Đồng thời, vị trí các khu vực cũng đảm bảo sự lưu thông, trao đổi thông tin thuận tiện giữa các nhóm hoạt động.
Sắp xếp các khu vực hoạt động trong lớp và ngoài sân đảm bảo sự hài hòa, đơn giản, ngăn nắp và thuận tiện trong tổng thể chung, đảm bảo các yêu cầu về ánh sáng, thẩm mĩ, không gian hoạt động, không làm phân tán sự chú ý của trẻ.
Lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, vật liệu
Lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, học liệu để trẻ em sử dụng cần đảm bảo các tiêu chí sau: an toàn, phù hợp với độ tuổi của trẻ em; có khả năng định hướng hoạt động cho trẻ; đảm bảo tính thẩm mỹ; số lượng vừa đủ với nhu cầu của trẻ em.
- An toàn, phù hợp với độ tuổi: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tránh những tác động từ môi trường, ảnh hưởng đến thể chất, tâm lí nên đồ dùng, đồ chơi phải an toàn và phù hợp với lứa tuổi mầm non. Khi đảm bảo yêu cầu này, trẻ sử dụng dễ dàng, thuận lợi, tránh những tổn thương xảy ra trong quá trình hoạt động. Mặt khác, đảm bảo yêu cầu này còn kích thích nhu cầu, động cơ hoạt động tích cực cho trẻ vì đồ dùng an toàn, phù hợp là những đồ được thiết kế riêng cho trẻ em và đều có những cảnh báo mà trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy, sẽ góp phần hạn chế sai sót của bản thân trẻ, giúp trẻ em có thể sử dụng tối đa khả năng suy xét để đưa ra quyết định của mình. Do vậy, khi lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, giáo viên cần chú ý đến mục đích sử dụng, tính đến kích thước các loại đồ dùng có phù hợp để trẻ dễ dàng sử
dụng không, chất liệu đồ dùng, đồ chơi có an toàn, dễ bảo quản và làm sạch không.
- Định hướng hoạt động: Trẻ em có Quyền được học tập, vui chơi, do đó cần quan tâm đến lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, vật liệu có thể mang đến nhiều cơ hội hoạt động cho trẻ em.
- Đảm bảo tính thẩm mỹ: Trẻ em có Quyền được hưởng những gì tốt nhất, cho nên đồ dùng, đồ chơi, vật liệu được lựa chọn phải đẹp, bền, phù hợp với thị hiếu của trẻ, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với trẻ, nhằm kích thích, mời mọc trẻ em sử dụng.
- Số lượng: Cần giới hạn cho tổng số giáo cụ nhằm không tạo ra sự hỗn độn trong tâm trí trẻ. Điều trẻ cần khi bước vào trong một môi trường chơi không phải là có quá nhiều đồ chơi mà là có những gì để trẻ có thể chơi và chơi như thế nào. Do vậy, cung cấp số lượng đồ chơi cần được xác định bởi nhu cầu thực tế của trẻ.
Sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, vật liệu
Sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, vật liệu trong lớp học cần chú ý những yêu cầu sau:
- Thuận tiện: dễ lấy, dễ cất, vừa tầm với của trẻ em. Giáo viên cần tính đến chiều cao của giá kệ, vị trí để giá kệ và các đồ chơi, vật liệu, vị trí để bàn ghế và các thiết bị hỗ trợ khác mà trẻ có thể sử dụng được khi học và chơi nhằm đảm bảo trẻ có thể tự lấy cất và sử dụng một cách an toàn. Không để những đồ vật dễ rơi, đổ, đặc biệt là những vật sắc, nhọn, nặng như dao, kéo, thùng đồ chơi ở trên cao (trên tầm mắt trẻ) ở khu vực chơi của trẻ.
- Hấp dẫn: Sắp xếp, bày biện đồ dùng phải gọn gàng, đẹp mắt; có sự phối hợp màu sắc, phù hợp về kích thước, vị trí của các đồ dùng tạo nên một không gian phong phú, sinh động nhưng vẫn thoáng mắt, khơi gợi ý tưởng hoạt động của trẻ em. Có sự phân loại khi sắp xếp đồ dùng, hình thành các khu vực để trưng bày hoặc cất gọn các đồ dùng cùng loại theo mục đích sử dụng; có gắn nhãn tên các loại đồ dùng trên các giá kệ để giáo viên và trẻ em cất đúng vị trí, tạo nên một trật tự về đồ dùng trong lớp học.
- Thường xuyên kiểm tra, bổ sung, thay mới các đồ dùng: Vật liệu cần được giữ sạch để giảm lây lan bệnh tật, được tổ chức để tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vệ sinh và sửa chữa một cách có ý nghĩa, vừa ngăn ngừa thương tích cho trẻ, vừa tạo cơ hội cho trẻ thể hiện trách nhiệm với đồ vật xung quanh. Giáo viên và trẻ nên dành vài phút trong ngày đảm bảo mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng và có trật tự, giúp dạy trẻ tôn trọng các vật liệu trong môi trường. Nếu mọi thứ vô tình bị hỏng hoặc mòn quá mức, chúng nên được ngay lập tức sửa chữa, tái chế hoặc chuyển vào thùng rác.
Tất cả trẻ em (bao gồm cả trẻ em có nhu cầu đặc biệt) đều có thế mạnh, nhucầu và sở thích riêng và những điều này cần được xem xét khi lựa chọn, sắp xếp vàsử dụng phương tiện, tài liệu trong lớp học.
Trang trí khu vực hoạt động
Việc trang trí các khu vực hoạt động không chỉ đảm bảo cho trẻ có quyền được sống và hoạt động trong môi trường mang tính giáo dục mà còn giúp định hướng rõ hơn nội dung hoạt động, khơi gợi ý tưởng lựa chọn hoạt động, đảm bảo trẻ tham gia hoạt động một cách thuận tiện, giúp trẻ hoàn thành trách nhiệm với nhóm, tập thể và với chính bản thân trẻ. GV có thể trang trí môi trường bằng những cách sau:
- Làm biểu tượng cho các khu vực hoạt động: Có thể sử dụng các loại tranh ảnh, kí hiệu, mô hình, tên gọi, logo để làm biểu tượng riêng cho các khu vực hoạt động. Làm biểu tượng bằng cách sử dụng các vật thể, hoặc vật liệu có trong góc để tạo kí hiệu tượng trưng; hoặc sử dụng hình vẽ hoạt động hay hình ảnh hoạt động của trẻ, sau đó cho vào khung và ghi tên các góc.
- Thiết kế sơ đồ bố trí các khu vực hoạt động: Thiết kế sơ đồ bố trí khu vực hoạt động của trẻ trong lớp, ngoài sân trên tấm biển lớn và treo ở lối vào cổng chính của trường và của từng lớp. Cần hướng dẫn trẻ xác định các khu vực hoạt động trên sơ đồ. Thêm các kí hiệu, biểu tượng lên từng vị trí các khu vực ở sơ đồ để giúp trẻ dễ dàng nhận ra các góc hoạt động.
- Làm bảng phân công và theo dõi kết quả hoạt động:
Bảng phân công và theo dõi kết quả làm việc có thể dùng cho cá nhân, tổ, hoặc nhóm trẻ. Trong bảng theo dõi cần có các nội dung: công việc cần làm, người thực hiện, kết quả đạt được và đánh giá của người khác dành cho trẻ (thường là lời khen của giáo viên). Các ký hiệu khen thưởng có thể sử dụng: Mặt cười- Mặt mếu; ngón tay cái giơ lên hoặc giơ xuống; ngôi sao có các màu sắc khác nhau thể hiện mức độ hoàn thành công việc khác nhau, do giáo viên và trẻ cùng quy ước. Trẻ thực hiện việc đánh giá cá nhân hoặc đánh giá tập thể dựa trên các tiêu chí như: mức độ hoàn thành, thời gian hoàn thành, sự cố gắng nỗ lực, khả năng giúp đỡ hỗ trợ bạn,…Trẻ có thể dùng ngôi sao, mặt cười, dấu khen hoặc các kí hiệu khác để dán/viết/vẽ vào bảng kết quả.
Thiết kế các bảng quy trình hướng dẫn hoạt động của trẻ ở từng khu
vực
Được hỗ trợ trong quá trình hoạt động cũng là quyền của trẻ mà nhà giáo dục
cần đáp ứng. Tuy nhiên, để giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của GV vào quá trình hoạt động của trẻ, đảm bảo cho trẻ quyền tự chủ cao hơn, GV có thể hỗ trợ trẻ gián tiếp thông qua môi trường, bằng cách đưa ra quy trình hướng dẫn hoạt động của trẻ.
Bảng quy trình này thường là mô tả các công việc cần thực hiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động ở một góc/khu vực hoạt động, nhằm giúp trẻ định hướng rõ việc cần phải làm khi lựa chọn tham gia. Có bảng quy trình cố định được
dùng cho các công việc thường xuyên diễn ra tại góc/khu vực hoạt động, có bảng quy trình thể hiện một nhiệm vụ chơi, hay nhiệm vụ hoạt động mới. Chẳng hạn ở góc nấu ăn, giáo viên có thể cùng trẻ lập bảng quy trình hoạt động cố định bao gồm các bước: Chọn đúng dụng cụ - Chế biến sạch sẽ – Cất dọn ngăn nắp. Bên cạnh đó, mỗi tuần hoặc mỗi ngày, giáo viên muốn đưa thêm những hoạt động chế biến món ăn mới để trẻ thực hiện, giáo viên có thể bổ sung bảng quy trình chế biến món ăn đó, ví dụ quy trình nhặt rau, bóc trứng, làm salat,…
Các bước thiết kế bảng quy trình hướng dẫn hoạt động như sau:
Bước 1: Suy nghĩ về nội dung hoạt động trẻ sẽ thực hiện
Nội dung hoạt động thường liên quan đến những sản phẩm mà trẻ sẽ làm trong các góc/khu vực hoạt động. Mỗi khu vực hoạt động có đặc trưng riêng liên quan đến nội dung chơi của trẻ. Khu vực nấu ăn, nội dung chơi thường là làm những món ăn; khu vực góc xây dựng, nội dung chơi là thiết kế, lắp ghép tạo ra các công trình; nội dung chơi ở góc nghệ thuật thường là tạo ra những sản phẩm nghệ thuật.
Bước 2: Sắp xếp các hành động thực hiện trong hoạt động
Sau khi chọn được nội dung chính cho hoạt động ở mỗi góc theo tuần hoặc theo ngày. Giáo viên bắt tay vào thiết kế bảng quy trình hướng dẫn bằng cách sắp xếp các hành động cần thiết để tạo ra một sản phẩm dự kiến trong góc chơi. Các mỗi hành động tương ứng với một bước trong hướng dẫn. Với trẻ mẫu giáo, nên chọn tối đa 5 hành động.
Bước 3: Sử dụng hình ảnh và chữ viết minh họa
Để quy trình hướng dẫn trở nên dễ hiểu với trẻ, giáo viên cần bổ sung hình ảnh mình họa cho từng hành động trong hướng dẫn và có phần chữ viết phía trên, phía dưới hoặc bên cạnh hình ảnh. Hãy huy động sự tham gia của trẻ bằng cách vẽ hoặc tô màu, cắt dán hình ảnh.
Bước 4: Tìm vị trí đặt bảng quy trình
Vị trí đặt bảng quy trình phải đảm bảo vừa tầm mắt của trẻ, không che lấp các đồ vật khác trong góc hoạt động.
3.2.1.2. Xây dựng môi trường tâm lý thoải mái, tôn trọng, bình đẳng cho mọi trẻ em
a) Mục đích-ý nghĩa
Môi trường tâm lí- xã hội trong trường mầm non phản ánh không khí của trường lớp, mối quan hệ giữa trẻ- giáo viên- cán bộ nhân viên của nhà trường và phụ huynh thông qua việc hình thành các mối quan hệ tình cảm và các phương thức biểu đạt tình cảm đó. Xây dựng môi trường tâm lý thoải mái, tôn trọng, bình đẳng với mọi trẻ em nhằm giúp trẻ tự tin thể hiện bản thân, tự do hoạt động và tự chịu
trách nhiệm về hành động; góp phần thúc đẩy quá trình chuyển động cơ từ bên ngoài vào động cơ bên trong trong việc hình thành TTN ở trẻ em.
d) Nội dung
Để xây dựng môi trường tâm lý thoải mái, tôn trọng, bình đẳng cho trẻ trong lớp học, GV cần quan tâm đến hai nội dung:
- Xây dựng các quy tắc hành vi văn hóa ứng xử đảm bảo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân bao gồm: quy tắc hành vi đối với bản thân, quy tắc hành vi trong giao tiếp, quy tắc hành vi trong hoạt động.
- Tạo niềm tin trong môi trường hoạt động đảm bảo cho trẻ thực hiện trách nhiệm của mình một cách thoải mái, tự tin.
c) Cách tiến hành
Xây dựng các quy tắc hành vi, văn hoá ứng xử đảm bảo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân
Trong môi trường xã hội, các mối quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng các quy tắc hành vi ứng xử của con người với nhau và với môi trường xung quanh. Những quy tắc hành vi được xây dựng dựa trên sự tôn trọng của con người, đảm bảo sự công bằng xã hội về quyền lợi và trách nhiệm... sẽ giúp tạo dựng được tập thể gắn kết, bền vững. Tuy nhiên, để mọi trẻ có thể tự giác thực hiện các quy tắc hành vi ứng xử, cần tạo cơ hội cho trẻ cùng tham gia xây dựng các quy định này và chỉ sử dụng khi tập thể trẻ hoặc nhóm trẻ đã thống nhất về các quy định và chịu trách nhiệm nếu vi phạm. Môi trường GDTTN giàu tính nhân văn thì không nên áp đặt sẵn các quy tắc ứng xử lên trẻ khi chưa có sự đồng thuận của tập thể trẻ em trong lớp học.
Các bước xây dựng các nội quy, quy định được tiến hành như sau:
Bước 1: Thảo luận về các quy tắc, quy định
Giáo viên đưa ra các vấn đề cụ thể để trẻ thảo luận cùng xây dựng quy tắc, quy định. Tùy thuộc vào phương pháp, hình thức giáo dục của mỗi giáo viên mà quy tắc, quy định được xây dựng sẽ có sự khác biệt, tuy nhiên các quy tắc, quy định cần đảm bảo tính thống nhất với các quy tắc, quy định chung của trường. Khi một vấn đề được đưa ra thảo luận, giáo viên cần đưa ra các câu hỏi gợi mở, cách sử dụng hay lý do tại sao cần tuân thủ các quy tắc đó.
Bước 2: Thống nhất nội dung của quy tắc, quy định
Giáo viên đàm thoại cùng trẻ về điều nên và không nên làm trong một hoạt động cụ thể, cho trẻ được đưa ra các ý kiến. Sau đó dưới sự dẫn dắt của giáo viên, trẻ cùng nhau thống nhất lựa chọn những điều mình cảm thấy đúng nhất, cần thiết nhất để gọi tên thành nội quy.