Một Hợp Đồng Phải Được Giải Thích Dựa Trên Ý Chí Chung Của Các Bên Trong Hợp Đồng Đó.


thích khế ước” [38,tr.264], trong khi đó, PGS Ngô Huy Cương dẫn chiếu các nguyên tắc lớn về giải thích hợp đồng trong Các Nguyên tắc của Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế 2004 để nhấn mạnh nguyên tắc tìm ý muốn đích thực của các bên giao kết hợp đồng nhưng chưa nhận định rõ về thứ tự ưu tiên học thuyết nào mà chỉ phân tích thứ tự tiếp cận theo các yếu tố nội tại của hợp đồng và các yếu tố ngoài: “Các nguyên tắc giải thích hợp đồng này dựa trên học thuyết ý chí thật, tuy nhiên vẫn có hình bóng khá rõ nét của truyền thống Common Law liên quan tới việc so sánh cách hiểu hợp đồng cần giải thích với cách hiểu của những người bình thường cùng hạng và trong cùng hoàn cảnh đối với việc giải thích một hợp đồng cụ thể...” [9,tr.382].

Các Nguyên tắc của Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế 2004 đưa ra nguyên tắc đầu tiên đó là:

“Điều 4.1. ý chí của các bên trong hợp đồng.

1. Một hợp đồng phải được giải thích dựa trên ý chí chung của các bên trong hợp đồng đó.

2. Nếu ý chí chung của các bên trong hợp đồng không thể được xác định, hợp đồng sẽ được giải thích dựa trên ý nghĩa, mà một người bình thường trong cùng hoàn cảnh và điều kiện như các bên trong hợp đồng, có thể tự giải thích được.”

Công ước Viên 1980 về hợp đồng cũng thể hiện tư tưởng xuất phát trong quy định về chế định giải thích hợp đồng đó là học thuyết ý chí, theo đó hoạt động giải thích phải nhằm làm rõ ý định đích thực của các bên, quy định khá rõ ràng tại Khoản 1 Điều 8:

1. Tuyên bố và cách xử sự khác nhau của một bên được giải thích theo đúng ý định của họ nếu bên kia đã biết hoặc không thể biết ý định ấy.


2. Nếu điểm trên không được áp dụng thì tuyên bố cách xử sự khác của một bên được giải thích theo nghĩa mà một người có lý trí, nếu người đó được đặt vào vị trí của phía bên kia trong những hoàn cảnh tương tự cũng sẽ hiểu như thế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

3. Khi xác định ý muốn của một bên hoặc cách hiểu của một người có lý trí sẽ hiểu như thế nào, cần phải tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thực tế mà các bên đã có trong mối quan hệ tương hỗ của họ, các tập quán và hành vi sau đó của các bên.

Đối với BLDS 2005 đã có hai điều khoản quy định thể hiện hoạt động giải thích hợp đồng dựa trên cơ sở tìm ý chí thực của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Cụ thể:

Giải thích hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành - 7

Điều126, Bộ luật dân sự 2005 quy định về giải thích giao dịch dân sự thì cơ sở ý chí thực được coi là căn cứ đầu tiên:

“1. Trong trường hợp giao dịch dân sự cụ thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì việc giải thích giao dịch dân sự đó được thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Theo ý muốn đích thực của các bên khi xác lập giao dich; ...”

Điều 409, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 quy định riêng cho giải thích hợp đồng thì thể hiện sự ưu tiên đối với học thuyết ý chí thực ở hai khoản:

“1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó;

... 7. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng...”


Có thể nhận định, việc tìm được ý chí thực trong thực tiễn là cực kỳ khó khăn và phức tạp, lí do chủ yếu là vấn đề xuất phát từ căn cứ nào để tìm được ý chí đó. Nếu xuất phát từ bản thân lời phát biểu của các bên đối với vấn đề đang cần giải quyết thì liệu có cơ sở để tin tưởng những gì các bên nói họ thực sự có ý định như vậy hay không, vì khi tranh chấp xảy ra thì vấn đề lợi ích mới là yếu tố các bên đặt lên hàng đầu. Còn nếu xuất phát từ việc xem xét các yếu tố thể hiện ra ngoài hợp đồng thì lại không còn thuần chất là việc tìm ý chí thực nữa. Do đó, một số ý kiến cho rằng: “Việc tìm kiếm ý chí thực là vấn đề có tính cách lý tưởng. Nó định hướng cho việc kết hợp giữa các quan điểm và các cách thức khác nhau trong nỗ lực giải thích hợp đồng” [9,tr.560].

Ta sẽ phải tham khảo một số cách thức tìm ý chí thực của một số nền tài phán để tìm giải pháp đối với vấn đề này. Thông thường, để xác định ý chí đích thực theo lý thuyết để giải quyết các vấn đề phức tạp này, đứng trước vấn đề giải thích hợp đồng, thẩm phán có thể tùy trường hợp sẽ phân tích đối với 2 trường hợp cụ thể.

Trường hợp đầu tiên, chỉ xét tới tình huống những điều khoản đã được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng, tuy nhiên một hay nhiều điều khoản của hợp đồng có thể mang một nghĩa khác với từng chữ mà chúng ta thường sử dụng, mặc dù vậy ý nghĩa đó vẫn thống nhất với cách hiểu của các bên vào thời điểm giao kết hợp đồng hoặc nếu các quy định trong nội dung của hợp đồng được thể hiện trong một mối liên hệ với một ý nghĩa rõ ràng, thì sẽ không cần thiết đặt ra vấn đề giải thích hợp đồng, hợp đồng đó đương nhiên phải được áp dụng, nếu trong thực tế, thẩm phán không áp dụng những biện pháp nhằm giúp các bên chủ thể giao kết hợp đồng thực hiện các nội dung quy định đó mà lại tìm cách giải thích hợp đồng thì thẩm phán có thể sẽ làm thay đổi nội dung hợp đồng. Ví dụ như


trong trường hợp một hợp đồng là mua bán hàng hóa, tuy nhiên, trong hợp đồng có từ ngữ trong điều khoản của hợp đồng không phù hợp với cách hiểu thông thường (như thay vì sử dụng chấm dứt hợp đồng thì hai bên lại sử dụng từ “vô hiệu” hợp đồng), nhưng trong mối liên kết và dựa trên sự thống nhất giữa 2 bên thì trong trường hợp đối với từ “vô hiệu” này, không đặt ra vấn đề giải thích hợp đồng.

Trường hợp thứ hai, nếu các quy định trong nội dung của hợp đồng tối nghĩa hoặc mập mờ, vấn đề tìm ý chí của các bên được đặt ra. Thực tiễn, thẩm phán buộc phải căn cứ vào thực tế hồ sơ vụ việc (có thể bao gồm những nội dung đã quy định trong hợp đồng, các yếu tố ngoại tại tác động như thái độ các cuộc đàm phán trước giữa các bên…) cũng như sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác để giải thích. Vấn đề đặt ra đối với việc tìm kiếm ý chí thực của các bên trong trường hợp này được xác định như thế nào?

- Cách thức đầu tiên, tham khảo giải pháp được đưa ra khá hợp lý và được áp dụng hiệu quả cao trên thực tế đó là cách thức thể hiện tại Các Nguyên tắc của Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế 2004 (PICC), theo đó muốn tìm ý chí chung của các bên trong hợp đồng cần dựa vào các quy định tại Điều 4.3 (những yếu tố có liên quan), bao gồm:

a. Những cuộc đàm phán giữa đôi bên trước khi giao kết hợp đồng;

b. Những quy ước mà cả hai bên đã xác định và hiểu rõ;

c. Hành vi của các bên sau khi giao kết hợp đồng;

d. Tính chất và mục đích của hợp đồng;

e. ý nghĩa thường dùng cho các điều khoản và những thể hiện trong lĩnh vực thương mại mà hai bên tham gia trong hợp đồng;

f. tập quán


Có thể nhận thấy, dường như hai yếu tố đầu có tầm quan trọng hơn trong việc áp dụng cách giải thích nhằm xác định ý chí thật của các bên, và được ưu tiên sắp xếp trước theo thứ tự áp dụng, mà theo diễn giải của PGS Ngô Huy Cương thì đó là: “... thứ tự (1) những gì thuộc hoặc gần gũi với hợp đồng cần được giải thích được sắp xếp trước (2) những gì thuộc về các qui định áp dụng chung cho tất cả các hợp đồng được sắp xếp sau” [9,tr.382].

Đối với hai yếu tố đầu đó là những cuộc đàm phán giữa đôi bên trước khi giao kết hợp đồng và những quy ước mà cả hai bên đã xác định và hiểu rõ; thì có thể nhận thấy đây là hai yếu tố trực tiếp có thể đánh giá được ý chí thực của các bên, xuất phát từ các lí do:

(1) Các cuộc đàm phán hai bên được xem xét ở giai đoạn tiền hợp đồng, chính các hoạt động này được đánh giá là các yếu tố để có thể thu thập các căn cứ quan trọng dẫn đến quyết định ký kết hợp đồng của các bên (như cung cấp thông tin từ các bên, bày tỏ nguyện vọng, mục đích, mong muốn, yêu cầu của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng...), và theo nhận định của PGS Ngô Huy Cương thì: “...có sự nhận thức chung rằng những yếu tố của hợp đồng tương lai bắt nguồn từ giai đoạn tiền hợp đồng và ẩn sâu trong tư duy của người giao kết. Hầu hết những tính toán, cân nhắc để đi đến giao kết hợp đồng ở trong giai đoạn này. Những suy nghĩ và dự định hợp tác hay sự bắt đầu hợp tác cũng đều xuất phát từ đó”[ ], Vì vậy, trong quá trình giải thích hợp đồng, nó trực tiếp dẫn tới các suy đoán về ý chí của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Ví dụ, A – nhà sản xuất chương trình và B - đài truyền hình, hợp tác sản xuất chương trình phóng sự, theo đó trong quá trình đàm phán, bên B tỏ ý yêu cầu bên A thực hiện chương trình truyền hình có thời lượng xấp xỉ 30 phút nhằm ghép khung giờ tối thiểu phù hợp trên kênh, và không nhất thiết đúng thời gian như trên, có thể


nhiều hơn tùy bên A. Hợp đồng ký kết không quy định điều khoản độ dài chương trình. Sau khi ký kết, A sản xuất chương trình có thời lượng 40 phút. Như vậy, khi giải thích ý nghĩa của yêu cầu “xấp xỉ 30 phút” thì căn cứ vào giai đoạn đàm phán của các bên, yêu cầu và mục đích của các bên hướng tới về giới hạn thời lượng kênh.

(2) Những quy ước mà cả hai bên đã xác định và hiểu rõ là yếu tố đánh giá theo thói quen đã được xác lập giữa các bên tham gia hợp đồng, ý chí của các bên đã được thể hiện thông qua nhiều lần ký kết và thực hiện hợp đồng trước đó và đúc kết thành các quy ước, không có lý do nào được dùng để giải thích sai lệch đi quy ước đó khi tham gia quan hệ hợp đồng giữa các bên trừ khi có một thỏa thuận cụ thể khác được thể hiện minh bạch của cả hai. Khi giải thích hợp đồng, chính căn cứ chắc chắn này là yếu tố căn bản để xác định ý chí thực sự của các bên khi tham gia loại hợp đồng mà các bên đã từng thực hiện với cùng chủ thể, đối tượng như vậy. Ví dụ: A – một công ty sản xuất chế biến thủy sản, B – Công ty vận chuyển sản phẩm, đã giao kết nhiều hợp đồng về vận chuyển, giao nhận sản phẩm thủy sản, theo đó bên B luôn thực hiện việc vận chuyển thủy sản từ bãi đánh thủy sản đến kho chứa với yêu cầu vận chuyển đủ 15 tấn một kho chứa. A lập một hợp đồng vận chuyển chỉ ghi số lượng vận chuyển là đầy 10 kho chứa, ngầm ý là 150 tấn. Trong trường hợp không ghi trong hợp đồng về số lượng cần vận chuyển thì cách giải thích đủ 150 tấn của A được xem là ý chí thực của các bên.

Đối với các yếu tố xem xét còn lại, hành vi của các bên sau khi giao kết hợp đồng; ý nghĩa thường dùng cho các điều khoản và những thể hiện trong lĩnh vực thương mại mà hai bên tham gia trong hợp đồng và tập quán, thì khó có thể


coi đây là các yếu tố trực tiếp đánh giá và tìm được ý chí thực của các bên. Vì lí do:

(1) Hành vi của các bên sau khi giao kết hợp đồng, yếu tố này xem xét đến giai đoạn mà các bên thực hiện hợp đồng, do đó, trong trường hợp cần giải thích hợp đồng có nghĩa bản thân của hợp đồng từ khi ký kết đã có điều khoản mập mờ, không rõ nghĩa hoặc có lỗ hổng, như vậy khi thực hiện hợp đồng, các bên đang thực hiện theo cách hiểu của mình mà không quan tâm tới ý chí chung thực sự của mình và bên kia. Nó sẽ có ý nghĩa đối với quá trình tìm ý chí thực sự nếu như chủ thể giải thích hợp đồng muốn xác định mục đích mà hai bên muốn hướng đến khi giao kết hợp đồng được thể hiện ra qua hành vi mà họ thực hiện và từ đó tìm cách thức phù hợp để giải thích hợp đồng đó, nghĩa là đã có sự kết hợp và yếu tố hỗ trợ giữa hai học thuyết.

(2) Còn đối với các yếu tố: ý nghĩa thường dùng cho các điều khoản và những thể hiện trong lĩnh vực thương mại mà hai bên tham gia trong hợp đồng, cũng như yếu tố tập quán thì rõ ràng là việc xác định các yếu tố này dựa trực tiếp vào cách thức thể hiện của hợp đồng, tính chất và mục đích của hợp đồng đó thể hiện trên văn bản thông qua các điều khoản và mối liên kết giữa các điều khoản đó, từ đó khó có thể nhận định đây là các yếu tố trực tiếp để tìm ý chí thực của các bên.

- Cách thức thứ hai, được xem là cách thức tiếp cận cơ bản về vấn đề tìm ý chí thực đối với các nền tài phán xây dựng chế định giải thích hợp đồng trên nền tảng ý chí tuyên bố đó là quá trình giải thích sẽ được xem xét dựa vào ý chí khách quan của các bên. Cụ thể, đối với một người bình thường đặt vào hoàn cảnh xung quanh thỏa thuận đó có tin rằng các bên có ý định giao kết một hợp đồng như vậy hay không [6, tr.70], chính từ việc xác định ý chí của người bình


thường đặt vào hoàn cảnh như vậy, trên các cơ sở là các nguyên tắc được quy định thì quá trình giải thích điều khoản mập mờ, không rõ nghĩa hay bổ sung các lỗ hổng sẽ được thực hiện theo diễn giải ý chí của người ở vị trí đó. Ở đây, một người được coi là bình thường phải có cùng một kiến thức về ngôn ngữ, cùng trình độ kỹ thuật hoặc có cùng kinh nghiệm về kinh doanh như các bên giao kết. Ví dụ, A và B ký kết một hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hải, tuy nhiên trong quá trình bên B thực hiện hợp đồng thì phát hiện điều khoản trong hợp đồng không rõ nghĩa. Như vậy, khi giải thích hợp đồng, đòi hỏi phải được giải thích theo cách hiểu của một người bình thường (cụ thể ở đây là một người có kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực vận tải đường biển) trong hoàn cảnh đó sẽ nghĩ như thế nào và quyết định ra sao.

Đối với cách thức tiếp cận này, điều quan trọng là ngoài việc xác định yếu tố “người bình thường” đối với từng trường hợp thì cần phải có một giới hạn nhất định đối với việc suy đoán ý chí thực của các bên khi đặt vào hoàn cảnh người bình thường đó, giới hạn đó chính là các nguyên tắc trong chế định hợp đồng. Tiêu biểu trong số các nguyên tắc đó là nguyên tắc thiện chí và trung thực, nguyên tắc này rất phổ biến và được xem xét áp dụng rộng rãi cho hoạt động giải thích hợp đồng trong hầu hết các nền tài phán, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng thương mại. Nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải thích hợp đồng được thể hiện ở chỗ, khi giải thích hợp đồng, các bên tham gia giao kết hợp đồng được suy đoán là đã thể hiện ý chí thực của mình, ý chí đó xuất phát từ sự tin tưởng thành thật, không có ác ý, không có dự định lừa dối hoặc tìm kiếm lợi ích không hợp lý. Do đó việc giải thích hợp đồng được đặt trong một giới hạn đó là không được đưa đến kết quả trái với nguyên tắc trên hoặc trái với lẽ thường.

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 20/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí