Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 9

Sau khi nghiên cứu những vấn đề lí luận, qui định pháp luật và thực tiễn áp dụng các qui định pháp luật về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự , để đảm bảo hơn nữa quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án), quyền và nghĩa vụ của chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án), cũng như để bảo đảm việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được chính xác, hạn chế tình trạng án bị hủy, sửa phần trách nhiệm dân sự, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị sau:

3.2.1. Về lập pháp

Đối với BLTTDS 2015, cần bổ sung:

Như đã phân tích ở chương 1 và chương 2, do hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất về phạm vi các vấn đề dân sự được xem xét giải quyết trong vụ án hình sự nên cần xây dựng khái niệm về vấn đề này để tạo nên sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng pháp luật. Ngoài ra, đối với chủ thể bị thiệt hại, cần phải tôn trọng quyền quyết định tự định đoạt của họ và cần thiết khẳng định Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Vì vậy, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể như sau:

Điều…

Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là việc Tòa án và cơ quan, người tiến hành tố tụng xem xét giải quyết những yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm do hành vi phạm tội gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội nhưng không thuộc nội dung xử lí vật chứng và việc áp dụng biện pháp tư pháp trong các vụ án hình sự, bao gồm các trường hợp sau:

- Yêu cầu trả lại tài sản bị chiếm đoạt; bồi thường tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; chi phí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

- Bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm do tội phạm gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội; bồi thường một khoản tiền để bù đắp những tổn thất về tinh thần của người thân của người bị hại; bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại từ việc sức khỏe bị

xâm hại, chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại.

Điều…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 84 trang tài liệu này.

Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, Tòa án có thể tổ chức hòa giải để bên yêu cầu bồi thường thiệt hại và bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tự thương lượng thỏa thuận với nhau. Trường hợp họ thỏa thuận được với nhau và sự thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Tòa án sẽ ghi nhận sự thỏa thuận của các chủ thể này vào trong bản án.

Điều…

Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 9

Khi bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án rút toàn bộ yêu cầu bồi thường của họ thì Tòa án đình chỉ yêu cầu bồi thường dân sự.

Điều…

Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại hay việc Tòa án giám đốc thẩm, tái thẩm hủy quyết định của bản án phúc thẩm hoặc cả quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm thì việc thụ lí, giải quyết phần dân sự bị hủy được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đối với Bộ Luật dân sự 2015, cần bổ sung:

Khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự , về mặt nội dung Tòa án phải áp dụng những qui định của BLDS để xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ thể bị thiệt hại. Tuy nhiên, BLDS 2015 lại chưa có qui định riêng về vấn đề thời hiệu khi Tòa án đình chỉ vụ án hoặc tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vì vậy, tác giả đề xuất bổ sung vào Điều 588 BLDS 2015 nội dung: Trường hợp Tòa án đình chỉ vụ án hoặc tách yêu cầu bồi thường thiệt hại từ vụ án hình sự thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được tính lại từ ngày đình chỉ vụ án hoặc tách yêu cầu.

3.2.2. Về áp dụng pháp luật

Việc hoàn thiện các qui định của pháp luật về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Tòa án khi tiến hành giải quyết

vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, để các qui định pháp luật được áp dụng chính xác, có hiệu quả thì còn phụ thuộc vào quá trình vận dụng pháp luật của Hội đồng xét xử mà cụ thể ở đây là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Do vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động này, theo tác giả cần thực hiện một số biện pháp khắc phục như sau:

Bản thân người tham gia xét xử phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu những qui định của pháp luật về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự . Theo đó, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ và thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật có liên quan đến giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Cần có có sự rà soát năng lực của Thẩm phán, Thư kí, Hội thẩm nhân dân, nếu không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công tác thì phải đào tạo lại hoặc bố trí vị trí công tác khác thích hợp hơn.

Cần qui định việc luân chuyển Thẩm phán giữa các Tòa dân sự, Tòa hình sự, Tòa kinh tế… để Thẩm phán nắm vững và có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết tất cả các loại án chứ không chỉ chuyên trách giải quyết một loại án.

Chú trọng làm tốt công tác giám đốc kiểm tra việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, trong đó cần tập trung, tăng cường kiểm tra theo chuyên đề về những sai sót trong công tác xét xử của các Tòa án. Qua mỗi đợt kiểm tra cần có báo cáo rút kinh nghiệm đối với những sai sót của Tòa án cấp dưới và gởi các báo cáo này đến các Tòa án cấp dưới để rút kinh nghiệm, tránh vướng phải những sai sót đó khi xét xử.

Làm tốt công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử để tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán. Đổi mới và thực hiện tốt hơn công tác tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm và thư kí.

Tòa án nhân dân tối cao cần làm tốt hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

3.2.3. Các công tác khác

Cùng với những giải pháp nêu trên, để việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đảm bảo tính chính xác, công khai, mang tính giáo dục thì Tòa án cần tổ chức các phiên tòa lưu động đối với những vụ án hình sự điển hình có giải quyết vấn đề dân sự. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chỉ ra kinh nghiệm quan hệ chặt chẽ giữa truyền thông và Tòa án có tác dụng rất tích cực cho việc nâng cao trình độ dân trí về pháp luật1 bởi những thông tin về các qui định của pháp luật nói chung và những thông tin về quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án), quyền và nghĩa vụ của chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án) nói riêng một khi được các phương tiện truyền thông tuyên truyền sẽ là kênh truyền tải có hiệu quả nhất để người dân tiếp cận pháp luật. Tất cả những điều này sẽ phần nào trang bị cho người dân những kiến thức pháp lí cơ bản, để họ có thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng.



1 Nguyễn Hòa Bình, “Mối quan hệ giữa Tòa án và truyền thông, hoạt động công bố bản án”, http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/299083?pers_id=1751941&folder_id=&item_id=217499669&p

_details=1 (truy cập ngày 03/10/2017).

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt đối với chủ thể bị thiệt hại. Từ việc nghiên cứu thực tiễn giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cho thấy vẫn còn xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập bởi vẫn còn nhiều trường hợp án bị hủy, sửa do không triệu tập chủ thể bị thiệt hại hoặc chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tham gia tố tụng, việc tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự không đúng qui định pháp luật, do vận dụng chưa đúng qui định của BLDS vào việc bồi thường thiệt hại... Những nguyên nhân trên chủ yếu xuất phát từ việc Thẩm phán, Hội thẩm chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc giải quyết vấn đề dân sự, chỉ chú trọng vào việc xem xét giải quyết trách nhiệm hình sự; không đầu tư nghiên cứu những qui định của pháp luật về vấn đề dân sự. Bên cạnh đó, những bất cập trong qui định của BLTTHS 2015 và BLDS 2015 cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự.

Trên cơ sở xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên, luận văn đã đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Những kiến nghị này sẽ góp phần hoàn thiện qui định pháp luật về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng qui định pháp luật và bảo đảm hơn nữa quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tố tụng khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

KẾT LUẬN


Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia vào quá trình tố tụng. Việc giải quyết tốt vấn đề dân sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể bị thiệt hại trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại khi tận dụng được những chứng cứ từ kết quả xác minh thiệt hại của cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời cũng giúp bị cáo hình thành trách nhiệm khắc phục thiệt hại cho người bị thiệt hại và có thêm một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Về phía Nhà nước, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, việc nghiên cứu giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự về mặt lí luận cũng như thực tiễn áp dụng, tìm ra những ưu điểm cũng như những điểm bất cập trong qui định của pháp luật để từ đó đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật là một đòi hỏi cấp thiết trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Từ kết quả nghiên cứu của luận văn, tác giả rút ra một số kết luận sau:

Về mặt lí luận, đề tài đã làm sáng tỏ khái niệm giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự hay nói cách khác là đã giới hạn được phạm vi các vấn đề dân sự cần xem xét giải quyết trong vụ án hình sự. Ngoài ra, đề tài cũng đã nêu bật được những đặc điểm, ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự .

Trên cơ sở nghiên cứu những qui định của BLTTHS 2015 có tiếp thu kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đề tài đã có những đánh giá cụ thể đối với qui định pháp luật về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự , từ đó phát hiện ra những điểm hạn chế, bất cập trong qui định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án) và chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án).

Thực tiễn việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được nghiên cứu, phân tích, đánh giá tại chương 3 của đề tài. Từ đó, đề tài làm rò những hạn chế, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật vào việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự .

Từ việc nghiên cứu làm rò các nội dung trên, luận văn đã đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhằm đảm bảo hơn nữa quyền và nghĩa vụ cho chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; giúp vụ án hình sự được xem xét giải quyết toàn diện, từ đó nâng cao uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và pháp luật nói chung, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Văn bản quy phạm pháp luật

1. Quốc hội (2013), Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quốc hội (2003), Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam (Luật số 29/2003-QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003).

3. Quốc hội (2015), Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam (Luật số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015).

4. Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự Việt Nam (Luật số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015).

5. Quốc hội (2015), Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (Luật số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015).

6. Quốc hội (2005), Bộ luật dân sự Việt Nam (Luật số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005).

7. Quốc hội (2014), Bộ luật dân sự Việt Nam (Luật số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014).

8. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

9. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số qui định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

B. Văn bản pháp luật quốc tế

10. Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga năm 2006.

11. Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp năm 2000.

12. Bộ luật Tố tụng hình sự Thái Lan năm 2016.

13. Bộ luật Tố tụng hình sự Trung Hoa năm 2012.

14. Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự.

15. Nguyễn Thị Thu Hương (2009), Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học quốc gia Hà Nội.

Xem tất cả 84 trang.

Ngày đăng: 24/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí