Phân Biệt Khiếu Nại, Giải Quyết Khiếu Nại Với Tranh Chấp, Giải Quyết Tranh Chấp Về Đất Đai

1.2.2. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại về đất đai

Trong nền kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, quan hệ pháp luật đất đai đã trở nên đa dạng, phức tạp kéo theo các khiếu nại về đất đai phát sinh cũng đa dạng, phức tạp và gay gắt. Vì vậy, việc giải quyết khiếu nại về đất đai phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định mà thực tế đã đặt ra. Muốn đáp ứng được các yêu cầu đó, thì việc giải quyết khiếu nại về đất đai phải quán triệt các nguyên tắc sau đây:

a) Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý

Điều 17 Hiến pháp 1992 khẳng định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý" [10]. Cụ thể hóa Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003 đã quy định: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" [28, tr. 16]. Điều đó khẳng định toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước chỉ giao quyền sử dụng cho tổ chức, công dân, Nhà nước có quyền thu hồi đất và người sử dụng đất được bồi thường theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chỉ là những người được Nhà nước trao quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu đối với đất đai. Do đó, đối tượng của mọi giải quyết khiếu nại về đất đai chỉ là xác định quyền quản lý và quyền sử dụng đất chứ không phải là quyền sở hữu đối với đất đai. Vì vậy, khi giải quyết các giải quyết khiếu nại về đất đai, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là người đại diện; bảo vệ quyền đại diện sở hữu đất đai của Nhà nước; bảo vệ thành quả cách mạng về đất đai mà nhân dân ta đã giành được.

b) Bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích việc đối thoại

Luật Đất đai 2003 thừa nhận 9 quyền năng của người sử dụng đất (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho

quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất) đã khẳng định tư tưởng đổi mới trong quá trình Nhà nước điều hành các quan hệ xã hội về đất đai. Do đó, việc tôn trọng các quyền của người sử dụng đất và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa các quyền đó là nguyên tắc quan trọng của Luật Đất đai. Thực tế đã chứng minh rằng, nếu lợi ích của người sử dụng đất không được đảm bảo, thì việc sử dụng đất không thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó cũng chính là nguyên tắc cơ bản trong quá trình giải quyết các khiếu nại về đất đai.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại thì tổ chức tốt việc đối thoại trên cơ sở các quy định của pháp luật sẽ có thể chấm dứt khiếu nại, đảm bảo hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân. Do vậy, đối thoại trở thành cách thức và cũng là nguyên tắc giải quyết khiếu nại về đất đai quan trọng và đạt hiệu quả nhất.

c) Giải quyết khiếu nại về đất đai phải nhằm mục đích ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, gắn việc giải quyết giải quyết khiếu nại về đất đai với việc tổ chức lại sản xuất, bố trí lại cơ cấu sản xuất hàng hóa

Do ảnh hưởng tiêu cực của giải quyết khiếu nại về đất đai đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, nên việc giải quyết các khiếu nại về đất đai phải nhằm vào mục đích ổn định các quan hệ xã hội. Giải quyết các khiếu nại về đất đai trên cơ sở tôn trọng quá trình sử dụng ổn định của các chủ sử dụng đất, không giũ rối, đảm bảo quá trình sản xuất của người dân, tránh làm ảnh hưởng dây chuyền đến cơ cấu sản xuất chung. Đồng thời cải thiện và bố trí, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất hàng hóa theo chủ trương của Đảng, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng và lợi ích của người sử dụng đất, đồng thời phải tôn trọng quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước. Khi giải quyết khiếu nại về đất đai nếu phát sinh những vấn đề về kinh tế, lợi ích vật chất … cần phải đảm bảo lợi ích Nhà nước và quan tâm thích đáng lợi ích của người sử dụng đất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

d) Đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa

Khi giải quyết giải quyết khiếu nại về đất đai phải chú ý và tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật đã quy định. Phát hiện và giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai, tránh tình trạng để giải quyết khiếu nại về đất đai kéo dài, làm ảnh hưởng tới tâm lý và lợi ích của người dân.

Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai của cơ quan hành chính nhà nước qua thực tiễn tỉnh Nghệ An - 5


1.3. PHÂN BIỆT KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỚI TRANH CHẤP, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ ĐẤT ĐAI

Trong quá trình giải quyết khiếu kiện, nếu không hiểu đúng các vấn đề mang tính nguyên tắc pháp luật thì không thể đánh giá đúng bản chất sự việc và như vậy không thể vận dụng những quy định pháp luật phù hợp với vấn đề cần giải quyết. Khiếu kiện hiện nay thực tế có 3 loại gồm: khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai, trong đó "tố cáo" là dễ nhận biết nhất, còn giữa "khiếu nại" và "tranh chấp đất đai" thường xuyên có sự nhầm lẫn, điều đáng nói là việc nhầm lẫn này không chỉ xảy ra ở cấp xã mà còn xảy ra ngay ở những cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh.

1.3.1. Khái niệm tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là một hiện tượng bình thường trong mọi đời sống xã hội, không phụ thuộc vào chế độ sở hữu đất đai. Đối với Việt Nam, trong suốt thời gian từ khi chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai được thiết lập từ năm 1980 cho đến nay, tranh chấp đất đai luôn là vấn đề thời sự, có những diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc quản lý, sử dụng đất nói riêng và gây những bất ổn nhất định đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung.

Khoản 26, Điều 4, Luật Đất đai năm 2003 định nghĩa "Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai" [28, tr. 13]. Như vậy, tranh chấp đất đai ở nước ta theo quy định của pháp luật chỉ có thể hiểu là tranh chấp quyền sử dụng đất, bởi hai cơ sở: một là, xuất phát từ chế độ sở hữu toàn dân (hay sở hữu nhà nước) đối với toàn bộ đất đai, người sử dụng đất chỉ có quyền sử

dụng đối với đất đai, vì vậy, cái mà họ tranh chấp khi tranh chấp đất đai chỉ có thể là quyền sử dụng đất; và hai là, các thuật ngữ tranh chấp đất đai và tranh chấp quyền sử dụng đất đã được sử dụng như những thuật ngữ thay thế nhau kể từ Luật Đất đai 1987 đến nay mà không hề có sự phân biệt. Hơn nữa, các tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất của người sử dụng đất (gồm tranh chấp tài sản gắn liền với đất, tranh chấp hợp đồng giao dịch quyền sử dụng đất) cũng đã từng được định danh cụ thể trong một số văn bản hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai với tên gọi là "tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất", chứ không phải là tranh chấp đất đai một cách chung chung. Việc đồng nhất tranh chấp đất đai với tranh chấp quyền sử dụng đất về mặt lý luận tạo nên được sự cụ thể về đối tượng tranh chấp, làm nổi bật đặc trưng của quan hệ đất đai. Từ đây tạo ra được một ranh giới tương đối rõ ràng giữa tranh chấp đất đai với các tranh chấp dân sự thông thường khác có liên quan đến đất đai và lý giải được tại sao việc giải quyết tranh chấp đất đai lại có thể được tiến hành bởi các cơ quan hành chính nhà nước, theo các thủ tục hành chính nhất định. Đó là, cơ quan hành chính không phải giải quyết tranh chấp dưới góc độ là một hoạt động phân xử về tài sản thông thường, mà với tư cách là người đại diện chủ sở hữu quyết định ai sẽ là người có quyền sử dụng đối với đất đang bị tranh chấp, khi đất đó về mặt hình thức pháp lý chưa được chính thức trao cho ai sử dụng (người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất).

Từ phân tích trên có thể kết luận rằng, khái niệm "Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất" tại khoản 26 Điều 4 Luật Đất đai cần được diễn giải là tranh chấp một tổng thể những yếu tố hợp nhất tạo thành quyền sử dụng đất nói trên, chứ không phải là việc tranh chấp từng quyền và nghĩa vụ rời rạc, đơn lẻ hay tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ khác của người sử dụng đất có liên quan đến các quyền nghĩa vụ nêu trên. Cách hiểu này đặt khái niệm tranh chấp đất đai trong mối quan hệ không thể tách rời với tất cả các quy định có liên quan, không thể "trộn lẫn" tranh chấp quyền sử dụng đất với những tranh chấp dân sự thuần túy có liên quan đến đất đai.

Tranh chấp đất đai có một số dạng chủ yếu sau:


- Tranh chấp về quyền sử dụng đất có liên quan đến tranh chấp về địa giới hành chính (loại tranh chấp này thường xảy ra giữa người ở hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau)

- Tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất:


Thực chất đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ mà do nhiều nguyên nhân khác nhau họ không còn quản lý, sử dụng nữa. Bây giờ những người này đòi lại người đang sử dụng dẫn đến tranh chấp.

- Tranh chấp đòi lại nhà, đất cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ:


Dạng tranh chấp này phát sinh do việc một bên cho bên kia mượn đất, thuê đất, cho ở nhờ (có vụ việc cho mượn, thuê gần đây và có vụ việc cho mượn, thuê cách đây vài chục năm). Trong nhiều trường hợp không làm hợp đồng, chỉ giao kết bằng miệng dẫn đến khi bên cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ hoặc là hết hạn hợp đồng, hoặc đòi lại, bên mượn, thuê, ở nhờ đã xây dựng nhà kiên cố, một số có tên trong sổ địa chính hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn:

Đây là trường hợp tranh chấp đất hoặc tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn (diện tích đất tranh chấp có thể là đất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc đất để ở); tranh chấp có thể là giữa vợ chồng với nhau hoặc giữa một bên ly hôn với hộ gia đình vợ hoặc chồng hoặc có thể xảy ra khi bố mẹ cho con đất, đến khi con ly hôn thì cha mẹ đòi lại...

- Tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất:

Đây là dạng tranh chấp do người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chết mà không để lại di chúc, hoặc để lại di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật và những người hưởng thừa kế không thỏa thuận được với nhau về phân chia thừa kế hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến tranh chấp.

- Tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất được phép sử dụng và quản lý:

Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới, một số trường hợp chiếm luôn diện tích đất của người khác. Những trường hợp tranh chấp này xảy ra thường do ranh giới đất giữa những người sử dụng đất liền kề không rõ ràng, đất này thường chuyển nhượng nhiều lần, bàn giao không rõ ràng.

- Tranh chấp giữa các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác với nhân dân địa phương:

Do cơ chế trước đây nên dẫn đến tình trạng các nông trường, lâm trường, các đơn vị quân đội bao chiếm một lượng lớn đất đai, không sử dụng hết để đất bỏ hoang hoặc cho người dân sử dụng theo hình thức phát canh, thu tô. Mặt khác, nhiều nông trường, lâm trường, các đơn vị quân đội quản lý đất đai lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người dân chiếm đất để sử dụng. Do đó cũng dẫn đến tranh chấp đất đai.

1.3.2. Giải quyết tranh chấp đất đai

Điều 136 Luật Đất đai đã quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí như sau:

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai:

+ Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;

+ Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.

Điều 160 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày ngày 29/10/2004 của Chính phủ cũng đã quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai) như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Trường hợp không đồng ý với Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương là Quyết định giải quyết cuối cùng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau

hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trường hợp không đồng ý với Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Quyết định giải quyết cuối cùng.

Khoản 2 Mục IV Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT ngày 13/4/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường "Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai" đã quy định về thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (các nội dung quy định tại Điều 159 và Điều 160 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP) như sau:

- Thời hạn hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân nhận được đơn của các bên tranh chấp.

- Thời hạn giải quyết tranh chấp lần đầu là không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn của các bên tranh chấp.

- Trong thời hạn không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý thì các bên tranh chấp có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp lần cuối cùng, quá thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận đơn xin giải quyết tranh chấp.

- Thời hạn giải quyết tranh chấp lần cuối cùng cùng là không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn xin giải giải quyết tranh chấp.

Điều 264 Luật Tố tụng hành chính đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 136 của Luật đất đai liên quan đến việc tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai như sau:

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 16/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí