hàng lưu niệm tại các điểm đến, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách tại Tiền Giang. Các khu mua sắm này phải được quản lý tốt bởi chính quyền địa phương và các bộ phận nghiệp vụ trực thuộc Sở VHTT&DL tỉnh, nhằm ngăn chặn việc bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hoặc tăng giá bán… ảnh hưởng không tốt đến uy tín của điểm đến du lịch.
- Chú trọng tổ chức thường xuyên các sự kiện và các lễ hội như: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, Ấp Bắc, lễ hội trái cây, hội chợ ẩm thực Nam bộ, hội chợ Thành tựu Phát triển Kinh tế – Xã hội Tiền Giang… để thu hút nhiều hơn khách du lịch đến tham quan và tham gia vào các hoạt động trong lễ hội này diễn ra tại Tiền Giang.
4.3.1.5. Giải pháp 5: Giải pháp Quản lý và Chính sách phát triển điểm đến du lịch
Yếu tố này tác động cùng chiều (+) với năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại điểm đến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, du khách đánh giá mức này dao động từ 2.72 (dưới mức trung bình) đến 3.12 (trên mức trung bình). Yếu tố này được xếp vị trí thứ 5 trong phương trình hồi quy với hệ số Bêta là 0.113. Qua đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại điểm đến, ngành du lịch cần cải thiện quan điểm, hệ thống chính sách phát triển, quản lý điểm đến, cụ thể:
- Cần đặt trọng tâm chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho người lao động, cán bộ quản lý trong lĩnh vực du lịch, và định kỳ tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý trong lĩnh vực du lịch. Thường xuyên trao dồi kinh nghiệm nghiệp vụ cho người lao động, cán bộ quản lý thông qua các chuyến công tác, khảo sát, hội nghị, hội thảo về du lịch… Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch đối với lao động địa phương, qua đó vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ưu tiên sử dụng nguồn lao động này.
- Ngành du lịch cần chú trọng kêu gọi người dân tại các điểm đến nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển bền vững du lịch, đặc biệt là phát triển loại hình “du lịch xanh” – du lịch thân thiện, gần gũi với môi trường sinh thái, từ đó sẽ góp phần làm gia tăng thu nhập cho người dân, là nền tảng của sự thịnh vượng của điểm đến. Để làm được việc này, UBND tỉnh cần phải tăng cường hỗ trợ kinh tế cho địa phương, hỗ trợ vốn cho cộng đồng dân cư để đảm bảo nền kinh tế tại địa phương phát triển bền vững, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
- Việc xây dựng thương hiệu du lịch cho ngành du lịch địa phương là cần thiết, do đó, để xây dựng được thương hiệu du lịch, cần chú trọng các vấn đề sau: yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng và củng cố uy tín doanh nghiệp mình qua việc cung cấp cho du khách những sản phẩm/ dịch vụ du lịch đạt chất lượng; Các doanh nghiệp du lịch phải liên kết với nhau trong việc khai thác thị trường, không được cạnh tranh bằng việc phá giá, giảm chất lượng sản phẩm/ dịch vụ…; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp cao; Chú trọng phát triển các loại sản phẩm xanh, xây dựng thương hiệu “du lịch xanh”; Xây dựng và phát triển những loại hình, sản phầm du lịch mang đặc trưng địa phương nhằm thu hút du khách như: phát triển các tour du lịch văn hóa, du lịch khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm sông nước miền Tây Nam bộ…
- Yếu tố không kém phần quan trọng trong chính sách phát triển du lịch là sự liên kết/ hợp tác. Theo đó, ngành du lịch Tiền Giang và ngành du lịch các địa phương lân cận phải cùng nhau tăng cường trao đổi thông tin về thế mạnh của từng địa phương nhằm phối hợp khai thác các nguồn lực về du lịch của vùng ĐBSCL. Cần phối hợp quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch của từng địa phương trên cơ sở tổng thể cả vùng, tránh trùng lặp, sao chép sản phẩm du lịch của nhau nhằm tạo sự khác biệt thu hút du khách. Bên cạnh đó, việc kết nối tour/ tuyến giữa các điểm đến khác cần thực hiện tốt, củng cố và phát triển chương trình tour “Một điểm đến bốn địa phương”, đã và đang được các doanh nghiệp du lịch, du khách quan tâm..
Có thể bạn quan tâm!
- Kiểm Định Mô Hình Nghiên Cứu Điều Chỉnh
- Bối Cảnh Và Định Hướng Phát Triển Du Lịch Tiền Giang Đến Năm 2020, Tầm Nhìn Đến Năm 2030
- Giải Pháp 1: Giải Pháp Nâng Cao Tính Hiệu Quả Các Nguồn Lực Hỗ
- Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang - 21
- Danh Sách Các Đơn Vị Lữ Hành Kinh Doanh Du Lịch
- Phân Tích Đánh Giá Của Du Khách Về Các Thành Phần Của Các Yếu Tố Tạo Năng Lực Cạnh Tranh Trong Kinh Doanh Du Lịch
Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.
4.3.2. Một số giải pháp khác
4.3.2.1. Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng
- Cần hoàn thiện hệ thống thanh toán giữa ngân hàng với các tuyến điểm du lịch bằng hình thức thanh toán thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế… Hiện nay, khách du lịch đến Tiền Giang phải thanh toán mọi chi phí bằng tiền mặt (do ngành ngân hàng chưa liên kết với các tuyến điểm du lịch thanh toán bằng thẻ), gây không ít khó khăn cho khách du lịch trong việc chi tiêu, mua sắm.
- Nhà nước cần đầu tư nguồn vốn vào công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, như: Di tích Lũy pháo đài được xây dựng vào năm 1834 (huyện Tân Phú Đông); Di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, Di tích chiến thắng Giồng Dứa; Di chỉ khảo cổ Gò Thành; Lăng Hoàng Gia…
- Cần chú trọng mở rộng, nâng cấp các khu/ điểm du lịch, bến đò du lịch, phương tiện vận chuyển... Hiện tại, vào mùa cao điểm khách du lịch vào các tháng 12 – 4 hàng năm, và các ngày lễ/ tết, các tuyến điểm du lịch tại Tiền Giang hầu như luôn quá tải, các phương tiện vận chuyển hành khách như thuyền máy, đò chèo… phải đưa, đón khách liên tục; Do lượng khách du lịch tăng vào các ngày lễ nên thiếu hướng dẫn viên địa phương… Do đó, để phục vụ tốt lượng khách tăng trong các ngày cao điểm, cần xây dựng một lực lượng cộng tác viên thường xuyên (đò thuyền, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ…) có kinh nghiệm phục vụ du khách.
- Chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường bộ, đường thủy, tạo điều kiện cho du khách đi lại dễ dàng đến các điểm đến du lịch. Hiện nay, tuy UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, nhưng kinh phí còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Do đó, UBND tỉnh cần thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương góp vốn xây dựng đường giao thông nhằm phát triển mạnh hơn nữa du lịch địa phương mình, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cư dân điểm đến.
4.3.2.2. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch
Để thu hút du khách đến Tiền Giang nhiều hơn, ngành du lịch Tiền Giang cần xây dựng các loại hình du lịch như sau:
- Du lịch sinh thái: Cần đẩy mạnh khai thác các tuyến sông, các vườn cây dọc sông Tiền, rừng phòng hộ Gò Công, cụm biển Tân Thành – Hàng Dương. Đưa khách du lịch tham quan vùng sinh thái ngập phèn đồng Tháp Mười, tham quan, tìm hiểu nếp sống sinh hoạt của người dân địa phương.
- Du lịch hội nghị – hội thảo ( MICE): Tăng cường xây dựng loại hình du lịch MICE, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng tại Tiền Giang. Hiện nay, các cơ quan/ doanh nghiệp có xu hướng tổ chức loại hình du lịch hội nghị kết hợp tham quan cho cán bộ, nhân viên và khách hàng của mình về các vùng miền quê, sông nước, nghỉ ngơi, thư giãn... Do đó, cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc thù miền sông nước, thu hút du khách với những loại hình sản phẩm du lịch chất lượng cao.
- Du lịch lịch sử – văn hóa: Tổ chức tham quan các di tích lịch sử, tham quan các làng nghề, thưởng thức đờn ca tài tử, các món ăn dân dã, truyền thống...
- Du lịch vui chơi, giải trí: Cần kết hợp loại hình du lịch này với du lịch cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt khai thác loại hình thể thao trên mặt nước, thể thao truyền thống và các loại hình trò chơi dân gian.
- Du lịch nghỉ dưỡng: Cần chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, nhằm thu hút các thương gia, doanh nhân Việt Nam và quốc tế đến Tiền Giang nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần và những ngày lễ.
- Du lịch thăm người thân (Visiting Friends and Relative – VFR): Xây dựng loại hình du lịch dành cho khách du lịch là Việt kiều và người nước ngoài có mối quan hệ gia đình ở Việt Nam. Cần chú trọng khai thác các sản phẩm dân dã, đồng quê, mang đậm nét vùng ĐBSCL, như sản phẩm tát mương bắt cá đã được các doanh nghiệp du lịch thiết kế và chào bán cho khách du lịch.
4.3.2.3. Giải pháp về hợp tác và liên kết
1) Hợp tác
Ngành du lịch Tiền Giang nên hợp tác với các ngành du lịch trong vùng ĐBSCL xây dựng các chương trình du lịch cho từng vùng, từng địa phương, chú trọng thiết kế các sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa của từng vùng, miền; Không sao chép sản phẩm du lịch của nhau;. Hoạch định chiến lược quảng bá hình ảnh du lịch cho cả vùng ĐBSCL. Hợp tác với nhau trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của nhau.
2) Liên kết ngành
Các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh cần xây dựng một khung giá tour chung cho tất cả các doanh nghiệp, cam kết không để xảy ra tình trạng bán phá giá tour để tranh giành khách. Các doanh nghiệp du lịch cần liên kết với nhau, sáng tạo nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; Du lịch lịch sử – văn hóa; Du lịch vui chơi – giải trí; Du lịch sông nước; Du lịch Homestay... Liên kết trong việc khai thác thị phần, tuyến điểm du lịch. Đồng thời các doanh nghiệp du lịch cần liên kết với nhau trong việc chia sẽ thông tin về khách hàng, thông tin về thị trường; Liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình phục vụ khách (mua/bán tour, vận tải khách, nhà hàng – khách sạn…), tránh sự tranh giành khách hàng của nhau.
4.4. Những kiến nghị
4.4.1. Kiến nghị đối với UBND tỉnh Tiền Giang
UBND Tỉnh cần tăng nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: Xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các khu du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng, các vườn cây ăn trái, các khu di tích lịch sử… để phục vụ khách du lịch được tốt hơn; UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, các cấp, chính quyền địa phương các huyện, thị… quản lý chặt chẽ phần đất đã được quy hoạch cho việc phát triển du lịch. Không cấp phép xây dựng những công trình mới hoặc cải tạo không đúng theo quy hoạch phát triển du lịch; Chỉ đạo chính quyền địa phương giáo dục người dân địa phương điểm đến
có trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, ứng xử có văn hóa với khách du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch tốt đẹp trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước khi họ đến tham quan, du lịch tại Tiền Giang. Ban hành những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch nhằm thu hút nhiều hơn nguồn vốn đâu tư cho ngành du lịch. Cần có những chính sách khuyến khích các dự án lớn đầu tư, xây dựng các khu du lịch đã được phê duyệt.
4.4.2. Kiến nghị đối với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hỗ trợ cấp vốn để ngành du lịch Tiền Giang sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, sửa chữa và tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, các di tích cách mạng cấp quốc gia. Ưu tiên cho phát triển loại hình sinh thái: Nên sớm trình và tham mưu cho Chính phủ công nhận 4 cù lao (còn được gọi là tứ linh) trên sông Tiền là: Long, Lân, (thuộc xã Thới Sơn, Tiền Giang) và hai cù lao Qui, Phụng (thuộc tỉnh Bến Tre) là khu du lịch quốc gia, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn đặc trưng vùng ĐBSCL.
4.4.3. Kiến nghị đối với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tiền Giang
Sở VHTT&DL cần điều tra, đánh giá, quy hoạch các tuyến, điểm du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch. Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc Sở xây dựng các văn bản pháp quy quản lý nhà nước về du lịch; Xây dựng cơ chế đặc biệt riêng cho ngành du lịch nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; Lập kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch… Sở VHTT&DL Tiền Giang cần thực hiện hiệu quả hơn chức năng quản lý nhà nước về du lịch: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm đến nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nạn “cò mồi”, “phá giá”, các chủ nhà hàng móc nối với đội ngũ hướng dẫn viên địa phương “nâng giá”, “chặt/chém” khách du lịch... Đồng thời Sở VHTT&DL nên kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau trong việc hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch.
KẾT LUẬN
Qua phân tích nhân tố, phân tích hồi quy bội với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 16.0, đã nhận diện được các yếu tố chính và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó tác động đến năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang như sau: Tính hiệu quả của các nguồn lực hỗ trợ; Hình ảnh của điểm đến; Sự hấp dẫn của điểm đến; Sự hấp dẫn của sản phẩm/ dịch vụ du lịch tại điểm đến; Quản lý và Chính sách phát triển điểm đến du lịch. Đồng thời qua phân tích cũng đã phát hiện được sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê đối với từng nhóm du khách trong việc đánh giá các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch giữa các nhóm giới tính, trình độ học vấn, và tình trạng hôn nhân của du khách.
Bên cạnh đó, sau khi phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, đe dọa trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang, nhận thấy Tiền Giang có những thế mạnh: vị trí địa lý thuận lợi, có thể phát triển mạnh các tuyến du lịch nội địa; Có kênh rạch chằng chịt, thuận tiện cho phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; Có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, thuận lợi cho việc phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người dân vùng ĐBSCL. Ngoài ra, ngành du lịch Tiền Giang có nhiều cơ hội để phát triển du lịch bền vững: Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng; Nhà nước đã xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, rút ngắn thời gian vận chuyển du khách từ TP.HCM về Tiền Giang, và ngược lại, tạo điều kiện cho khách du lịch nội địa như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… và một số khách du lịch quốc tế không có nhiều thời gian tham quan, có thể đi tham quan vùng sông nước nam bộ (Tiền Giang) trong ngày. Kết quả phân tích cho thấy, ngành kinh doanh du lịch Tiền Giang còn tồn tại nhiều hạn chế như: thiếu nguồn nhân lực có kiến thức về du lịch; Sản phẩm du lịch Tiền Giang chưa đa dạng, chưa mang nét đặc thù; Ý thức của những người tham gia hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao; Cạnh tranh trong kinh doanh du lịch không lành mạnh, còn mang tính đối đầu nhau; Tiền Giang chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh; Cơ sở vật chất du lịch còn kém…
Việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang là vấn đề cấp bách và cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Để duy trì và phát triển bền vững du lịch, các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh du lịch tại Tiền Giang cần phân tích, đánh giá chính xác hiện trạng năng lực cạnh tranh của mình, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.
Trong luận án này, tác giả chỉ mới thực hiện nghiên cứu 5 nhóm yếu tố chính tác động đến năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang, và dữ liệu khảo sát được thu thập bởi du khách quốc tế và Việt Nam đến tham quan/ du lịch tại Tiền Giang (từ tháng 10/2014 – 04/2015). Mô hình nghiên cứu có mức độ giải thích chưa cao (chỉ giải thích được 66.315%), trong khi đó, có một số yếu tố khác cũng tác động mạnh mẽ đến năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch mà đề tài này chưa nghiên cứu tới (ví dụ, các yếu tố thuộc bên cung và bên cầu về du lịch...). Đồng thời, nghiên cứu này chỉ tập trung khảo sát du khách từ địa phương khác đến tham quan/ du lịch tại Tiền Giang nên tính đại diện và chất lượng trả lời phỏng vấn chưa cao. Đây là những hạn chế của nghiên cứu và cũng là định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo.