Việc kiểm tra, kiểm soát phải được tiến hành thường xuyên, có kế hoạch theo những nội dung nhất định, đề cương cụ thể nhằm thấy được những sai sót để xử lý kịp thời, giảm thiểu tổn thất đối với khoản vay. Bên cạnh đó khi nhận thấy những vụ việc, thông tin “nóng” về khoản vay cần thực hiện ngay việc kiểm tra đột xuất để tìm ra những biện pháp xử lý ngay, dứt điểm và tránh cho ngân hàng khỏi những tổn thất không đáng có.
4.2.5. Các giải pháp đồng bộ khác
4.2.5.1. Kết hợp cung ứng vốn tín dụng với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, và dạy nghề cho người nghèo
Một trong những rủi ro khi cho vay là do trình độ hiểu biết của người nghèo có hạn nên đồng vốn vay thường được sử dụng kém hiệu quả. Người nghèo không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu kiến thức về tổ chức quản lý sản xuất, về khoa học công nghệ, cả về thị trường… Chính vì lẽ đó cùng với việc cung ứng vốn cho hộ nghèo cần phải giúp đỡ cho họ khắc phục những yếu kém nói trên thì mới có thể nâng cao năng suất trong trồng trọt và chăn nuôi để có thể trả nợ và thoát khỏi cảnh nghèo. Việc kết hợp cho vay vốn với những chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư sẽ hạn chế rủi ro trong việc đầu tư, giúp người nghèo sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao đời sống và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
4.2.5.2.Hướng dẫn hộ nghèo được tiếp cận vốn sử dụng tiền vay đúng mục đích, hiệu quả
Ngân hàng CSXH tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức trên địa bàn hỗ trợ, trang bị cho hộ nghèo cách thức làm ăn, cách sử dụng vốn vay, kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường, hỗ trợ giá cả và rủi ro nhằm giúp hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích và khai thác có hiệu quả đồng vốn. Đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trợ giúp kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh, thông tin thị trường, giải quyết khâu tiêu thụ,
chế biến nông sản phẩm cho các hộ nông dân nói chung và hộ nghèo nói riêng, tốt nhất là nên thực hiện miễn phí các chương trình này, hoặc phí rất thấp. Bên cạnh đó cần làm cho hộ nghèo biết rõ việc nâng cao trình độ, kiến thức là mang lại lợi ích cho họ, từ đó, hộ nghèo tham gia đầy đủ các chương trình, các lớp chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,… để nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh. Vốn tín dụng chỉ thực sự có hiệu quả đối với người nghèo khi họ được kết hợp với nâng cao trình độ dân trí và chuyển giao kiến thức làm ăn, tiến bộ kỹ thuật.
4.2.5.3. Phối hợp chặt chẽ hoạt động của NHCSXH với các hoạt động của các quỹ XĐGN và các chương trình kinh tế - xã hội của từng địa phương
Có thể bạn quan tâm!
- Thu Lãi Từ Hoạt Động Cho Vay Hộ Nghèo Giai Đoạn 2010 - 2014
- Định Hướng Và Mục Tiêu Hoạt Động Của Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội Tỉnh Bắc Ninh Trong Giai Đoạn 2015 – 2020
- Giải Pháp Về Nghiệp Vụ Cho Vay Đối Với Người Nghèo
- Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay đối với người nghèo tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh - 14
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Đi đôi với mở rộng các hình thức cho vay, cần phải phối hợp với các ngành các cấp thực hiện hoạt động cho vay người nghèo một cách đồng bộ theo vùng, theo làng truyền thống, theo các hoạt động kinh tế, kỹ thuật, xã hội như:
Đầu tư lồng ghép với chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình, nhằm thông qua đòn bẩy tín dụng để thúc đẩy chương trình phát triển, hạn chế sinh đẻ, thực hiện mỗi gia đình có từ 1 đến 2 con theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chính là giải quyết được một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo hiện nay.
Đầu tư lồng ghép với chương trình phụ nữ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, nhằm thông qua đòn bẩy tín dụng để thúc đẩy phụ nữ chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, dạy dỗ con cái tiến bộ để sau này trở thành người hữu dụng. Từ đó, góp phần thúc đẩy đời sống xã hội phát triển, hạn chế những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo.
Đầu tư lồng ghép với phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, nhằm thông qua đòn bẩy tín dụng để thúc đẩy nông dân sản xuất giỏi, làm động lực cho sự phát triển kinh tế, đời sống nông dân và nông thôn, hạn chế phát sinh đói nghèo.
Phương thức đầu tư cho các chương trình lồng ghép là ký hợp đồng liên tịch với các ngành, hội, đoàn thể có liên quan, qui định rõ trách nhiệm của mỗi bên để thực hiện chương trình và đầu tư tín dụng.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội với NHCSXH.
Thực hiện chủ trương XĐGN là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, do đó phải có sự hoạt động đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện các dự án, chương trình lớn mà bản thân một ngành, một tổ chức không thể giải quyết được. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải có sự phối hợp và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở xã, phường… với NHCSXH để cùng thực hiện mục tiêu XĐGN của Đảng và Nhà nước.
4.3. Một số kiến nghị
Chất lượng hoạt động Ngân hàng nói chung và hoạt động cho vay hộ nghèo nói riêng phụ thuộc bởi nhiều yếu tố, yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Yếu tố chủ quan thuộc về bản thân Ngân hàng nhưng yếu tố khách quan lại thuộc vào hộ nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban xóa đói giám nghèo và những chính sách của Đảng và Nhà nước. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng, góp phần vào chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo của tỉnh Bắc Ninh, thì không chỉ có sự nỗ lực của Ngân hàng mà cần phải có sự phối hợp của các ban ngành các cấp thì hoạt động của Ngân hàng sẽ có hiệu quả hơn.
4.3.1. Kiến nghị với Nhà nước
Đề nghị Nhà nước cần có chính sách tạo lập nguồn vốn ổn định cho NHCSXH; bố trí nguồn vốn ngân sách hàng năm theo kế hoạch chuyển cho
NHCSXH ngay từ những tháng đầu năm để NHCSXH có điều kiện chủ động hơn cho việc triển khai huy động vốn và giải ngân các chương trình mục tiêu được Chính phủ giao.
Kiến nghị với Nhà nước điều chỉnh cơ chế lãi suất: Chuyển dần cơ chế lãi suất cho vay ưu đãi hiện nay sang cơ chế lãi suất thị trường là việc cần làm và có thể làm đối với NHCSXH vì các lý do sau:
Người nghèo vay vốn của NHCSXH sau một thời gian dài làm quen với việc sủ dụng vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tự cải thiện đời sống của mình và gia đình, đã phần nào quen với việc tổ chức sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường, có thể chấp nhận theo lãi suất thị trường khi vay vốn của NHCSXH. Kết quả khảo sát tại một số đại phương cũng cho thấy: Điều mà các hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh nhưng lại không thể vay được ở các ngân hàng khác, nên đặt ra đối với NHCSXH là: Được vay vốn với mức vay phù hợp với dự kiến sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính “thời vụ” của số tiền vay và không đòi hỏi thế chấp tài sản. Đây là vấn đề chưa được tháo gỡ, vấn đề lãi suất cũng được người vay quan tâm nhưng ở mức độ không nhiều vì hầu hết là các món vay nhỏ không đáng kể nên số tiền lãi phải trả theo định kỳ ít (kể cả khi áp dụng với lãi suất thị trường). Hơn nữa, trong thực tế sự ưu đãi về lãi suất cho vay còn dẫn đến hiện tượng nguồn vốn cho vay dàn trải, chia đều cho đối tượng cần vay (người không có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh cũng vay để được hưởng ưu đãi về lãi suất), vốn vay dễ bị lợi dụng, làm nẩy sinh tiêu cực.
Quy mô đầu tư cho vay đối với người nghèo ngày càng mở rộng nếu cứ tiếp tục duy trì lãi suất ưu đãi sẽ gây áp lực rất lớn về cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm đối với NSNN. Bởi vậy chính sách lãi suất cho vay của NHCSXH rất cần được Nhà nước sớm điều chỉnh theo hướng thị trường.
Nhà nước cần có những chính sách tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển, có như thế mới tạo cơ sở cho vốn tín dụng ưu đãi bền vững như:
Có chính sách và giao cho Bộ Nông nghiệp và Nông thôn làm đầu mối phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thúc đẩy tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp; chính sách tiếp thị, hướng dẫn sản xuất và chính sách bảo hộ xuất khẩu…
Khu vực nông thôn cần được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển cho người dân nông thôn. Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy thị trường tài chính nông thôn phát triển, cần khuyến khích hỗ trợ, tạo cơ sở pháp lý cho các công ty tài chính ra đời phát triển dịch vụ tới mọi người dân, đặc biệt là bảo hiểm tín dụng.
4.3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo từ Trung ương đến từng Ngân hàng cơ sở để phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót trong từng khâu của hoạt động tín dụng.
Tổ chức các buổi thảo luận với Ngân hàng, tìm hiểu tình hình hoạt động của Ngân hàng tìm ra những hạn chế từ đó có những giải pháp điều chỉnh hợp lý hơn.
Mở các khóa đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên tín dụng của Ngân hàng đặc biệt đối với cán bộ làm việc trực tiếp để nâng cao chất lượng tín dụng.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để cải tiến các thủ tục giấy tờ theo hướng đơn giản, thuận lợi, phù hợp với trình độ nhận thức của hộ nghèo vay vốn, tăng cường tập huấn nâng cao trình độ năng lực quản lý cho các tổ chức hội các cấp, Ban XĐGN và Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao chất lượng cho vay, củng cố và tăng cường mối quan hệ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức hội nhận
làm dịch vụ uỷ thác đối với NHCSXH.
Những thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần linh hoạt kịp thời hơn để phù hợp với tình hình mới, phải có văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể tránh chung chung gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cung cấp đầy đủ thông tin về khách hàng cho Ngân hàng, cung cấp kịp thời những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ, những biến động của thị trường.
4.3.3. Kiến nghị với HĐND và UBND các cấp
Đề nghị HĐND tỉnh có Nghị quyết, hàng năm trích 10 tỷ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cho Ngân hàng để tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn (hiện nay mỗi năm ngân sách tỉnh trích 5 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác)
Đề nghị HĐND và UBND huyện, thị xã có nghị quyết hàng năm trích 5 trăm triệu từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách của huyện cho Ngân hàng để tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện việc kiểm soát chuẩn số hộ nghèo theo tiêu chí quy định. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm trong công tác xác nhận đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo từng chương trình cho vay của NHCSXH.
Đề nghị chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa và phối hợp chặt chẽ với NHCSXH giám sát quá trình sử dụng vốn vay; củng cố và nâng cao vai trò của Ban XĐGN và các tổ chức tương hỗ, hình thành các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động thật sự, để hỗ trợ NHCSXH tiếp cận nhanh, chính xác đến từng hộ nghèo. Cần coi NHCSXH là Ngân hàng của chính tổ chức mình, thực sự chăm lo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để NHCSXH hoàn thành tốt vai trò nhiệm vụ được giao.
4.3.4. Kiến nghị với Hội - Đoàn thể các cấp
Hội - Đoàn thể làm công tác uỷ thác bán phần cần thực hiện đầy đủ và có chất lượng các nội dung trong văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác đã ký
kết giữa các cấp Hội - Đoàn thể với Ngân hàng CSXH như: Phối hợp với ban quản lý tổ TK&VV kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, tổ chức họp giao ban định kỳ, kiểm tra sử dụng vốn vay sau khi cho vay, báo cáo theo định kỳ, bình xét hội viên vay vốn, thành lập tổ TK&VV theo đúng quy định.
Kết luận chương 4
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, vận dụng vào thực tiễn cho vay tại NHCSXH tỉnh Bắc Ninh; bám sát định hướng hoạt động trong những năm tới, học viên đã mạnh dạn đề xuất 8 nhóm giải pháp; Đồng thời, học viên đưa ra một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho các giải pháp có tính khả thi hơn. Học viên hi vọng, nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp và kiến nghị đã nêu, sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng hoạt động cho vay đối với người nghèo tại NHCSXH tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới.
KẾT LUẬN
Nâng cao chất lượng cho vay luôn được nhà quản lý tín dụng quan tâm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng của các Ngân hàng. Nó quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi Ngân hàng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh là một tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Đất nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra ngày càng nhanh thì vấn đề xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội đòi hỏi phải tiếp tục được thực hiện tốt hơn. Những năm tới, chính sách tín dụng ưu đãi vẫn là một trong những công cụ quan trọng của Chính phủ để giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và nâng cao năng lực hoạt động cho vay, Ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng cho vay đối với người nghèo của đơn vị.
Quán triệt mục đích nghiên cứu, trên cơ sở vận dụng tổng hợp phương pháp nghiên cứu khoa học, đi từ lý thuyết đến thực tiễn, đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay đối với người nghèo tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh” đã giải quyết một số nội dung quan trọng như sau:
Một là, làm rõ khái niệm về cho vay và chất lượng cho vay đối với người nghèo tại NHCSXH, đưa ra vài trò quan trọng của dịch vụ này đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Chính phủ và tính tất yếu phải nâng cao chất lượng cho vay đối với người nghèo trong xu thế hội nhập hiện nay.
Hai là, xác định các chỉ tiêu đánh giá chất lượng cho vay đối với người nghèo tại các NHCSXH.