Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay - 2


Chương 1

TỔNG QUAN TÀI LIỆU


Mối quan hệ giữa giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với xây dựng lối sống là điều không ai nghi ngờ. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa hiện nay, giá trị đạo đức truyền thống có vai trò như thế nào trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam, nó cản trở hay là động lực, là cơ sở định hướng cho xây dựng lối sống? Và nội dung, yêu cầu phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống cho sinh viên là gì, và đòi hỏi phương hướng với những giải pháp gì để phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống mới cho sinh viên. Xung quanh vấn đề này có nhiều công trình, nhiều tác giả trong và ngoài nước đề cập theo những lát cắt khác nhau, phương pháp tiếp cận khác nhau, quan điểm khác nhau, tựu chung lại có thể khái quát một số khuynh hướng nghiên cứu sau.

1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐỀ CẬP ĐẾN LỐI SỐNG; LỐI SỐNG SINH VIÊN VÀ ĐẶC ĐIỂM LỐI SỐNG MỚI CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Ở nước ta vào những năm 80 của thế kỷ trước đã xuất hiện những công trình trình bày những vấn đề có tính lý luận về lối sống như “Bàn về lối sống và nếp sống xã hội chủ nghĩa” của tập thể tác giả, Trần Độ (chủ biên) [39]. Đây là một công trình nghiên cứu lý luận, trình bày khá hệ thống các khái niệm và các mặt cần nghiên cứu lối sống ở Việt Nam theo mô hình Chủ nghĩa xã hội. Tác giả Tương Lai đã đề cập tới mối quan hệ giữa đạo đức và lối sống của con người trong công trình “Chủ động và tích cực xây dựng đạo đức mới” [73], tác giả đã nhấn mạnh: “đạo đức mới của chúng ta phải được biểu hiện ra trong lối sống của những người lao động”. Những công trình này các tác giả đề cập đến vấn đề cơ sở lý luận nghiên cứu lối sống theo những quan điểm khác nhau và mới trên bình diện lý thuyết, phương pháp luận nghiên cứu lối sống, xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống lối sống tư bản chủ nghĩa...

Những năm 90 của thế kỷ XX, trong thời kỳ đổi mới, những thay đổi sâu sắc về kinh tế, xã hội diễn ra trên đất nước đã có nhiều công trình nghiên cứu


lối sống về thế hệ trẻ với nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó bước đầu mô tả được bức tranh sinh động về thực trạng lối sống của thanh niên, sinh viên và đề ra những giải pháp giáo dục lối sống mới cho họ. Chẳng hạn tác giả Đỗ Long đã đề cập vấn đề mối quan hệ giữa lối sống và việc hình thành nhân cách cho thanh niên với công trình: “Lối sống và nhân cách của thanh niên” [85]. Tác giả Trần Thị Minh Đức với công trình “Ảnh hưởng của môi trường ký túc xá sinh viên với lối sống sinh viên nội trú” [41] đã phân tích thực trạng lối sống của sinh viên cả mặt tích cực và tiêu cực trong môi trường ký túc xá, từ đó nêu lên những kiến nghị cải tạo điều kiện sống ở ký túc xá cho họ và việc giáo dục lối sống cho sinh viên nội trú. “Bồi dưỡng đạo đức sinh viên trong kinh tế thị trường” của Huỳnh Khái Vinh [143].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 180 trang tài liệu này.

Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo) có nghiên cứu đề tài “Đặc điểm lối sống sinh viên hiện nay và những phương hướng, biện pháp giáo dục” [128]. Công trình này đã xác định khái niệm lối sống sinh viên và nêu ra một hệ thống những đặc điểm chủ yếu của lối sống sinh viên được biểu hiện qua định hướng giá trị, trong các hoạt động cụ thể, trong hành vi giao tiếp ứng xử và trong sinh hoạt cá nhân. Điều đáng chú ý nhất của công trình này là tác giả đã tiến hành điều tra khảo sát, thống kê số liệu để phân tích các biểu hiện tích cực và tiêu cực trong lối sống của sinh viên. Để từ đó, tác giả đưa ra phương hướng và những giải pháp nhằm giáo dục lối sống cho họ. Có thể thấy tác giả đã tránh chỉ trình bày lý luận về lối sống sinh viên mà đã tiếp cận lối sống sinh viên bằng những phương pháp nghiên cứu cụ thể, mô tả các biểu hiện cụ thể của lối sống sinh viên trong cuộc sống hiện thực của họ. Đây là một bước tiến mới trong nghiên cứu lối sống sinh viên.

Tác giả Nguyễn Quang Uẩn và các cộng sự đã nêu lên những biểu hiện về lối sống và đạo đức của sinh viên sư phạm khá cụ thể và sinh động, qua đó đề xuất những phương hướng, biện pháp nhằm giáo dục lối sống đạo đức lành mạnh cho sinh viên qua đề tài: “Xây dựng lối sống và đạo đức mới cho sinh viên Đại học sư phạm phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [137]. Cũng như tác giả Mạc Văn Trang, tác giả Nguyễn Quang Uẩn đã tiếp

Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay - 2


cận lối sống sinh viên bằng điều tra, phân tích các số liệu thực tế, chỉ ra các biểu hiện tích cực và tiêu cực trong lối sống của sinh viên sư phạm trên một số mặt tiêu biểu của đời sống sinh viên như: biểu hiện của lối sống sinh viên trong học tập, trong các mối quan hệ; trong sinh hoạt tập thể và sinh hoạt cá nhân; biểu hiện lối sống sinh viên trong việc sử dụng thời gian nhàn rỗi.

Thanh Lê (chủ biên) “Lối sống xã hội chủ nghĩa và xu thế toàn cầu hóa” [79], công trình đã đi sâu nghiên cứu khái niệm “lối sống” với nghĩa là một hình thái kinh tế - xã hội, hình dung nó như một “chính thể sinh động cụ thể” với những “chi tiết của các quan hệ xã hội khác nhau: sản xuất, sinh hoạt, văn hóa, gia đình v.v... nói lên đặc trưng của một xã hội nhất định. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề lối sống đang là “điểm nóng”, phải chứng minh được những ưu thế nổi bật của “lối sống xã hội chủ nghĩa”. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Viết Chức (chủ biên) công trình “Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [21], gồm các bài tham luận của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, ở những góc độ khác nhau đã đề cập đến tầm quan trọng và cần thiết của việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội.

Công trình “Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội” do Huỳnh Khái Vinh (chủ biên) [144] đã cho thấy rõ: lối sống, đạo đức và chuẩn giá trị xã hội là những yếu tố cơ bản trong đời sống xã hội của mỗi con người và mỗi nền văn hóa, gắn liền với các cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng và mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội. Trong đó, đạo đức về cơ bản đóng vai trò là lẽ sống; còn lối sống mà hạt nhân là các khuôn mẫu ứng xử và thể chế xã hội mang biểu trưng văn hóa điển hình và đóng vai trò định hình, định tính văn hóa và con người. Dưới sự tác động của các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội và xu hướng chuyển đổi lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ thực trạng lối sống, đạo đức và chuẩn giá trị xã hội mới, tác giả đưa ra phương hướng, quan điểm và giải pháp xây dựng lối


sống, đạo đức và chuẩn giá trị xã hội mới. Tác giả Hà Nhật Thăng có bàn về đạo đức lối sống của thanh niên sinh viên trong bài “Thực trạng đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống của thanh niên, sinh viên” [118]; Nguyễn Văn Huyên có bàn về “Lối sống người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa” [61].

Từ bình diện xem xét bản sắc văn hóa dân tộc, PGS,TS. Lê Như Hoa đã đề cập đến vấn đề nếp sống, lối sống, lối sống đô thị trong giai đoạn hiện nay. Những vấn đề này tác giả đề cập trong quyển “Bản sắc dân tộc trong lối sống hiện đại” [55]. Tác giả Nguyễn Thị Hằng nghiên cứu “Tìm hiểu lối sống của sinh viên thành phố Hồ Chí Minh qua việc sử dụng thời gian rỗi” [51].

Công trình gần đây nghiên cứu “Đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của tập thể tác giả và tác giả Nguyễn Ngọc Hà [46]. Đề tài đã trình bày một cách có hệ thống những quan điểm khác nhau về cách định nghĩa khái niệm “tư duy” và “lối sống”, đã cho thấy tư duy và lối sống có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của con người và qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Phân tích sâu sắc một số đặc điểm cơ bản của tư duy và lối sống truyền thống của người Việt Nam, sự bất cập của các đặc điểm ấy so với yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Không chỉ có ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của con người Việt Nam về con người Việt Nam, mà còn cung cấp căn cứ lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bài viết của GS, TS Trần Văn Bính với “Xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” [15] đã khẳng định: Kinh tế thị trường và toàn cầu hóa là những xu thế khách quan, tất yếu đối với mọi quốc gia, dân tộc, tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội, không chỉ trên lĩnh vực sản xuất vật chất, mà cả lĩnh vực sản xuất tinh thần.... Chúng ta chậm nhận thức ra mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa về phương diện sản xuất tinh thần, đặc biệt về đạo đức, lối sống, do đó chưa có những đối sách cần thiết và hữu hiệu. Vì những lý do đó mà tác giả đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống có văn hóa ở nước ta hiện nay.


1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐỀ CẬP ĐẾN GIÁ TRỊ, GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG, GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM. SỰ TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU HÓA ĐẾN VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Nhiều nhà khoa học nước ta đã đi sâu nghiên cứu nhằm xác định các giá trị tinh thần truyền thống dân tộc làm cơ sở cho việc xây dựng đời sống văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Một số công trình tiêu biểu như “Tìm hiểu tính cách dân tộc” của GS Nguyễn Hồng Phong [102]; “Đạo đức mới” do GS. Vũ Khiêu chủ biên, [67]; “Chủ động và tích cực xây dựng đạo đức mới” của Tương Lai [73]; “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” của GS. Trần Văn Giàu [43].

Ngoài ra còn phải kể đến một số công trình nghiên cứu riêng về đạo đức như: “Nguyên lý đạo đức cộng sản” của A.Sixkin [112], trong đó tác giả khẳng định lại quan điểm mácxít về nguồn gốc của đạo đức, rằng đạo đức là một hình thái ý thức xã hội và nói đến đạo đức là nói đến những lề thói và tập tục biểu hiện mối quan hệ nhất định giữa người với người trong quan hệ với nhau hàng ngày; “Đạo đức học”, tập 1 và 2 của tác giả G.Bandzeladze [8] đã phân tích và luận giải về vai trò của đạo đức, làm sáng tỏ nhiều hiện tượng đạo đức xã hội cũng như mối quan hệ giữa đạo đức với “tính người” của con người. Căn cứ vào sự phân tích quan hệ giữa đạo đức và chính trị, pháp lý và nghệ thuật... tác giả khẳng định: đạo đức là đặc trưng bản tính của con người, chỉ con người mới có đạo đức, do đó nó không thể không phản ánh những đặc trưng của bản tính con người... bản chất của đạo đức là sự quan tâm tự giác của con người đến lợi ích của nhau, đến lợi ích của xã hội.

Về giá trị truyền thống nói chung, giá trị đạo đức truyền thống nói riêng cũng có nhiều công trình khoa học của nhiều tác giả đi sâu nghiên cứu. Nhìn chung, các nhà khoa học đều khẳng định tính bền vững, trường tồn của các giá trị truyền thống, trong đó có giá trị đạo đức cũng như vai trò, sự cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn, kế thừa và phát huy chúng trong quá trình xây dựng xã hội mới. Công trình “Về giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam” (tập thể tác giả gồm 2


tập) [44] và “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” của GS. Trần Văn Giàu [45] đã phân tích một cách sâu sắc về các giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam. Đặc biệt, ở góc độ sử học và đạo đức học, GS. Trần Văn Giàu đã phân tích sự vận động của những giá trị tinh thần truyền thống qua những sự kiện phong phú của lịch sử Việt Nam. Nguyễn Ngọc Long: “Quán triệt mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và đạo đức trong việc đổi mới tư duy” [84].

Tìm hiểu định hướng giá trị của thanh niên Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường” do Thái Duy Tuyên chủ biên [132]; “Giá trị - định hướng giá trị nhân cách và giáo dục giá trị” do Nguyễn Quang Uẩn chủ biên [136]. Nhiều bài viết của tập thể các nhà khoa học Trung Quốc được tập hợp trong thông tin chuyên đề “Những vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường” do Viện thông tin khoa học xã hội thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia xuất bản năm 1996 cho thấy sự quan tâm của họ về vấn đề này [113].

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước làm nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội mới, vấn đề đạo đức vì thế cũng phải được nghiên cứu trong điều kiện kinh tế thị trường với những tác động đa chiều, đan xen của nó. Đáp ứng yêu cầu này, các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu, đề cập tới sự tác động của nền KTTT với đạo đức, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, mối quan hệ giữa đạo đức với kinh tế trong điều kiện KTTT... Như công trình “Sự biến đổi của thang giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường với việc xây dựng đạo đức mới cho cán bộ quản lý ở nước ta hiện nay” do PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (chủ biên) cùng với nhiều tác giả như: PGS.TS Nguyễn Thế Kiệt, PGS.TS Nguyễn Tĩnh Gia, GS Trần Phúc Thăng, PGS.TS Trần Hậu Kiêm, PGS.TS Trần Thành, PGS.TS Trần Văn Phòng [97]... Trong đó, các tác giả đã gợi mở một số vấn đề đạo đức mới, luận giải sự biến đổi của thang giá trị đạo đức trong cơ chế thị trường, từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp hình thành thang giá trị đạo đức mới, xây dựng đạo đức mới cho cán bộ quản lý trong nền KTTT định hướng XHCN...


GS,TS. Nguyễn Trọng Chuẩn và PGS,TS Nguyễn Văn Huyên (đồng chủ biên) công trình: “Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hóa” [18], gồm các bài viết đề cập đến giá trị truyền thống Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong xu thế toàn cầu hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa. Trong đó, các tác giả nêu lên thực trạng các giá trị truyền thống nói chung và giá trị truyền thống Việt Nam nói riêng trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay, và những giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống Việt Nam trước thách thức toàn cầu hóa. Cùng với những vấn đề này còn có những công trình như “Giá trị truyền thống Việt Nam trước thách thức của toàn cầu hóa” của GS,TS Đỗ Huy [58]. Và bài viết “Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay” của GS,TS. Nguyễn Trọng Chuẩn [20]. Các công trình của GS Trần Đình Hượu với “Đến hiện đại từ truyền thống” do chương trình khoa học - công nghệ cấp nhà nước KX - 07 xuất bản [64].

Bàn về đạo đức, giá trị đạo đức còn có những bài viết như “Giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam và cái phổ biến toàn nhân loại của đạo đức trong nền kinh tế thị trường” của Trần Nguyên Việt [142]; “Kế thừa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay” của Lê Sĩ Thắng [119]; “Khoa học công nghệ và đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường” của Nguyễn Đình Hòa [56]; “Từ “cái thiện” truyền thống đến “cái thiện” trong cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” của GS. Nguyễn Hùng Hậu [53]; “Tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ lãnh đạo chính trị hiện nay” của PGS.TS Trần Văn Phòng [103]. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức” của TS. Lê Trọng Ân [4]; “Vấn đề giá trị đạo đức trong đạo đức học của Cantơ” của Vũ Thị Thu Lan [75]; “Phát huy truyền thống yêu nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Nguyễn Thị Nga [98]; tác giả Mai Thị Quý với bài viết “Tác động của toàn cầu hóa đến truyền thống cần cù, tiết kiệm của dân tộc Việt Nam”

[107] đã cho rằng: dân tộc Việt Nam đã xây dựng cho mình một hệ thống các giá

trị truyền thống, trong đó có đức tính cần cù và tiết kiệm. Trong điều kiện hiện


nay, toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến các giá trị đó theo những chiều hướng khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực... chúng ta cần tiếp tục phát huy đức tính cần cù và tiết kiệm, gắn cần cù với tiết kiệm. Đó vừa là cách để chúng ta khẳng định và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa là phương thức tăng cường nội lực nhằm tạo đà cho sự phát triển ổn định và bền vững đất nước.

PGS,TS Nguyễn Thế Kiệt đã đề cập đến một số giá trị đạo đức truyền thống qua bài viết: “Một số giá trị đạo đức Việt Nam: Từ truyền thống đến Hồ Chí Minh” [71]. Với công trình “Mấy vấn đề về đạo đức học mácxít và xây dựng đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay” [72], trong đó tác giả đã làm rõ sự biến đổi thang giá trị đạo đức dưới tác động của kinh tế thị trường ở Việt Nam, vì thế cần phải có những giải pháp mang tính định hướng nhằm xây dựng đạo đức mới gắn liền với việc đấu tranh chống lại sự thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống hiện nay.

1.3. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VAI TRÒ, THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VỚI VIỆC XÂY DỰNG LỐI SỐNG MỚI CHO SINH VIÊN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều công trình có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Nguyễn Khắc Vinh với bài viết “Xây dựng đạo đức lối sống và chuẩn giá trị xã hội để phát triển toàn diện con người” [145]; Đó là luận án tiến sỹ triết học của Trần Sỹ Phán với đề tài: “Giáo dục đạo đức với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” [100];“Lý tưởng đạo đức và việc giáo dục lý tưởng đạo đức cho thanh niên trong điều kiện hiện nay” của Đoàn Văn Khiêm [66].

Đề tài khoa học cấp bộ của ThS. Lê Thị Loan, có bàn đến vai trò của giáo dục đạo đức cho sinh viên: “Vai trò của giáo dục đạo đức cho sinh viên đối với việc phát huy nguồn lực con người trong các doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam hiện nay” [83]. Trong luận án của tác giả Lê Thị Thủy đã nghiên cứu làm rõ vai trò của đạo đức: “Vai trò của đạo đức với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện đổi mới hiện nay” [124].

Xem tất cả 180 trang.

Ngày đăng: 04/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí