Phương Hướng Hoàn Thiện Pháp Luật Về Doanh Nghiệp Xã Hội

Tiểu kết Chương 2

Là kết quả của sự phối hợp giữa việc sử dụng mô hình, giải pháp kinh doanh để đạt được mục tiêu xã hội, vì lợi ích cộng đồng, DNXH chính cầu nối trong việc chia sẻ chức năng bảo đảm an sinh xã hội của nhà nước với các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, góp phần giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi ở nước ta, sự công nhận chính thức đối với DNXH trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 có ý nghĩa rất quan trong trong việc kết nối giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân, là công cụ hữu hiệu để phát huy các sáng kiến xã hội, huy động các nguồn lực để giải quyết các nhu cầu của cộng đồng một cách bền vững, hiệu quả và thiết thực. Bên cạnh đó, sự ra đời của DNXH còn là định hướng cho việc sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao hiệu quả của đầu tư công.

Tuy nhiên, để phát huy sức mạnh của DNXH cần phải có một khung khổ pháp lý ổn định cho tổ chức và hoạt động của các DNXH, tạo điều kiện cho các sáng kiến xã hội được thực hiện thông qua các quy định rõ ràng nhưng thông thoáng về mô hình tổ chức và hoạt động của DNXH, các chính sách ưu đãi cụ thể của Nhà nước đối với loại hình này; và đặc biệt là rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để thành lập nên một hệ thống cơ quan trợ giúp và khuyến khích DNXH phát triển. Trong tương lai việc ban hành đạo luật riêng về hỗ trợ DNXH là vô cùng cần thiết. Từ sự phân tích trên, có thể thấy khái niệm doanh nghiệp xã hội theo pháp luật hiện hành còn nhiều điều hạn chế. Những hạn chế này làm cho quy định về doanh nghiệp xã hội chưa phù hợp và chậm hơn so với sự phát triển hết sức đa dạng trên thực tế của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.

Chương 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

VỀ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI


3.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội

3.1.1. Xây dựng khung pháp luật đồng bộ cho doanh nghiệp xã hội hoạt động

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã đưa ra các tiêu chí để một tổ chức có thể trở thành doanh nghiệp xã hội bao gồm: (1) là doanh nghiệp được đăng kí thành lập theo quy định của luật này; (2) mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; (3) sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng kí.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Với quy định này, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không coi doanh nghiệp xã hội là loại hình doanh nghiệp đặc thù mà cũng giống như doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội được tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp: Công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,… Sự phân biệt giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường chỉ thể hiện ở mục tiêu hoạt động và tỉ lệ phân phối lợi nhuận. Qua đó, nhà làm luật đã khẳng định rất rõ ràng bản chất của doanh nghiệp xã hội chính là doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích chung cho cộng đồng, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh trước tiên được dùng để giải quyết những vấn đề xã hội. Sự giới hạn về tỉ lệ phân phối lợi nhuận là minh chứng rõ nhất cho nghĩa vụ giải quyết các vấn đề cộng đồng của doanh nghiệp xã hội.

Tuy nhiên, cách nhận diện doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh

Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật Việt Nam - 9

nghiệp năm 2014 bộc lộ vấn đề không hợp lí sau: Luật Doanh nghiệp năm 2014 tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp xã hội theo luật định và “doanh nghiệp xã hội thực tế” đang tồn tại trên thị trường. Để trở thành doanh nghiệp xã hội thì điều kiện đầu tiên phải là doanh nghiệp. Tức là hình thức pháp lí của doanh nghiệp xã hội phải là một trong các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương (CIEM), các tổ chức đang được gọi là doanh nghiệp xã hội không chỉ bao gồm doanh nghiệp mà còn được tổ chức dưới nhiều mô hình khác nhau như trung tâm, hiệp hội. Cách quy định “doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp” đã loại trừ một số tổ chức là “doanh nghiệp xã hội thực tế” được hình thành từ lâu và đang thực hiện những hoạt động vì cộng đồng như doanh nghiệp xã hội. Điều này đi ngược lại với tinh thần phát triển doanh nghiệp xã hội của Nhà nước.

Khi quy định về khái niệm doanh nghiệp xã hội, pháp luật của một số quốc gia trên thế giới chỉ quy định doanh nghiệp xã hội là mô hình hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Điều này là hợp lí bởi sứ mệnh của doanh nghiệp xã hội không nhằm mục tiêu phát triển các mô hình kinh doanh mà là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội. Nhà nước và cộng đồng đều được hưởng những lợi ích từ trách nhiệm này của doanh nghiệp xã hội, vì thế từ góc độ pháp lí, chúng ta không nên có những quy định hạn chế sự ra đời của doanh nghiệp xã hội hoặc loại trừ những tổ chức có mong muốn đóng góp cho xã hội. Trong tương lai, nếu không có những quy định hướng dẫn chuyển đổi mô hình hợp lí thì quy định của Luật Doanh nghiệp lại trở thành rào cản cho sự phát triển doanh nghiệp xã hội. Do vậy, điều cần thiết là các nhà làm luật cần phải tiếp tục làm rõ các tiêu chí nhận diện doanh nghiệp xã hội và có các hướng dẫn chi tiết nhằm khuyến khích sự phát triển của loại hình này.

3.1.2. Mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp xã hội

Trong nền kinh tế, các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp xã hội) có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, một số ngành nghề Nhà nước giữ vị trí độc quyền thì doanh nghiệp sẽ bị hạn chế hoặc cấm kinh doanh. Sở dĩ Nhà nước giữ vị trí độc quyền trong một số ngành nghề để đảm bảo an ninh quốc phòng, điều tiết vĩ mô. Tuy nhiên, ở một số ngành nghề Nhà nước đang phải giữ vai trò chủ đạo bởi vì đó là lĩnh vực không hấp dẫn với khu vực kinh tế tư nhân (vì không mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận thu về thấp, ví dụ: ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng và công ích như vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, vận tải hành khách công cộng,…) thì doanh nghiệp xã hội là chủ thể phù hợp để Nhà nước chia sẻ “gánh nặng”. Bởi xét từ bản chất đến nghĩa vụ luật định, doanh nghiệp xã hội thích hợp để thay mặt Nhà nước kinh doanh một số ngành nghề đặc biệt. Với đặc điểm là tổ chức kinh tế phi lợi nhuận, quan trọng hơn là tổ chức bị ràng buộc bởi tỉ lệ phân phối lại lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội có đủ năng lực để thực hiện ngành, nghề phục vụ lợi ích cộng đồng – điều mà doanh nghiệp thông thường không thể thực hiện được do hạn chế về vấn đề lợi nhuận.

Việc cho phép doanh nghiệp xã hội “đồng hành” với Nhà nước trong các ngành nghề, lĩnh vực công cộng hứa hẹn mang lại nhiều hữu ích. Dưới góc độ kinh tế, sẽ giúp Nhà nước tập trung được vốn để đầu tư phát triển ngành nghề trọng điểm của nền kinh tế, giải quyết được vấn đề đầu tư dàn trải, manh mún như hiện nay; dưới góc độ hành chính, Nhà nước giảm tải được số lượng lớn trách nhiệm quản lí tại một số doanh nghiệp. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp xã hội trong các ngành nghề đặc biệt là việc làm cần thiết. Chính phủ có thể xây dựng lộ trình với các mốc giới hạn mức độ tham gia của doanh nghiệp xã hội theo thời gian và

ngành nghề. Việc lựa chọn ngành nghề để mở rộng được sắp xếp theo ba tiêu chí: 1) tính chất, đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ có cần đến hay không cần đến vai trò của Nhà nước? Nếu cần duy trì thì tỉ lệ duy trì sở hữu nhà nước là bao nhiêu? 2) theo giới hạn về thời gian; 3) theo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xã hội. Mức độ quan trọng của từng tiêu chí được sắp xếp theo thứ tự giảm dần.

Với cách tiếp cận này, bước đầu, doanh nghiệp xã hội có thể tham gia một phần vào các ngành, lĩnh vực Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ sở hữu như cung ứng hàng hóa, dịch vụ công cộng (vận tải công cộng, vệ sinh môi trường,…). Sau đó, nếu doanh nghiệp xã hội làm tốt vai trò của mình thì mức độ tham gia được mở rộng với những ngành nghề có tính chất phức tạp hơn như phát thanh, truyền hình,… Cần lưu ý rằng, doanh nghiệp xã hội không hoạt động cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước mà chỉ giữ vai trò hỗ trợ và đồng hành cùng với Nhà nước, với đối tượng phục vụ là tầng lớp người dân có thu nhập thấp hoặc các thị trường vùng sâu vùng xa (thị trường ngách) vốn không hấp dẫn nhà đầu tư.

3.1.3. Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ phát triển đối với doanh nghiệp xã hội

Ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp xã hội, Nhà nước cũng cần xây dựng các chính sách cụ thể cho doanh nghiệp xã hội, xoay quanh những vấn đề trọng tâm, như: các chính sách khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội. Đối với những doanh nghiệp xã hội đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho doanh nghiệp xã hội phát triển.

Trong chính sách đối với DNXH, Nhà nước chỉ cần chú trọng vào những hiệu quả, tác động xã hội mà DNXH mang lại. Cần nhận thức rằng,

nhà nước giúp DNXH phát triển để DNXH giúp lại nhà nước thực hiện các mục tiêu xã hội. Bà Penny Low, người sáng lập Social Innovation Park của Singapore đã nêu ra quan điểm hiện đại về “Bảng cân đối tài sản quốc gia”. Theo đó, Nhà nước phải quản lý một cách hiệu quả các “tài sản có” của mình, đó là nguồn nhân lực, vốn đầu tư tài chính, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên và khung khổ chính sách, pháp luật; và các “nghĩa vụ nợ” hay nói cách khác chính là chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, bao gồm: gắn kết xã hội, phúc lợi xã hội, công bằng xã hội, vốn có thể được đo lường và thể hiện thông qua kết quả chỉ số Phát triển con người (HDI) và Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, người dân sẽ “được chia”, được hưởng thụ thành quả của đất nước, dưới 2 dạng “cổ phần tài chính” và “cổ phần xã hội”.

Đáng chú ý trong rất nhiều lĩnh vực DNXH có thể giúp Nhà nước thực hiện các mục tiêu xã hội, hai khía cạnh thể hiện tính ưu việt của DNXH sau đây:

DNXH gắn liền với sáng kiến xã hội. Bởi đi con đường khác biệt với doanh nghiệp truyền thống, giải pháp kinh doanh của phần lớn các DNXH đều mang tính sáng tạo. Họ tìm ra những chất liệu chưa từng được sử dụng, kết nối những chủ thể chưa từng được kết nối, khai thác những phân khúc thị trường bỏ ngỏ, thậm chí tạo ra thị trường hoàn toàn mới cho các loại sản phẩm mới. Bởi vậy, phát huy vai trò của DNXH cũng đồng nghĩa với việc khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực còn dư thừa, hoặc tiềm ẩn của xã hội và nền kinh tế.

DNXH gắn liền với giải pháp bền vững. Giải pháp xã hội bền vững chính là mục tiêu sứ mệnh của các DNXH. Vì vậy, DNXH đem lại những tác động lâu dài, những thay đổi mang tính căn bản. Chẳng hạn như thay đổi thói quen, nếp sống, tập quán, kỹ năng. Ngoài ra, ảnh hưởng của DNXH có thể đạt được phạm vi rộng lớn, đặc biệt thường có tính cộng hưởng, lan truyền. Do

đó, Nhà nước cần có những chính sách khai thác, phát huy những điểm mạnh này của DNXH.

3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp xã hội

3.2.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội

Việc hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội cần được tính toán theo hai giai đoạn, với giai đoạn trước mắt cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về DNXH để làm rõ hơn về tổ chức và hoạt động của DNXH.

Rõ ràng xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ trên phương diện kinh tế và thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội còn giản đơn, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội là điều cần thiết. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có hiệu lực vào tháng 7 năm 2015 và hiện rất cần có nghị định chuyên ngành hướng dẫn quy định của Luật về DNXH. Đây vừa là những viên gạch đầu tiên trong quá trình thể chế hóa DNXH vừa là bước thăm dò, chuẩn bị cho khả năng luật hóa lĩnh vực này ở giai đoạn sau, khi khối DNXH đã có sự phát triển lớn mạnh và cung cấp cơ sở thực tiễn dồi dào hơn. Nghị định về DNXH phải đưa ra được một định nghĩa về DNXH tại Việt Nam. Các tiêu chí thể hiện đặc điểm bắt buộc và linh hoạt của DNXH cũng cần được xác định rõ ràng. Thông qua đó, các vấn đề định vị DNXH thuộc khu vực tư nhân hay nhà nước, thuộc NGO hay doanh nghiệp, hoặc cả hai, khả năng chuyển đổi của các tổ chức khác. Ngoài ra các nội dung khác của Nghị định này phải giải quyết được các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp xã hội bao gồm: tên gọi của doanh nghiệp; chế độ trách nhiệm tài sản; điều kiện đóng góp của các tổ chức, cá nhân; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tài chính vào doanh nghiệp; hoạt động quản trị nội bộ của doanh nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước

đối với mô hình doanh nghiệp xã hội; và những điều lệ cần tuân thủ. Đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội mới thành lập cần có sự hỗ trợ về pháp luật như hỗ trợ trực tiếp, hoặc hướng dẫn cho các tổ chức đăng ký dưới các hình thức phù hợp tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, Nghị định hướng dẫn về DNXH cần phải làm rõ hai nội dung sau:

Một là, phải làm rõ được tính chất phi lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội bằng cách hướng dẫn chi tiết về các yếu tố nhận diện doanh nghiệp xã hội. Cụ thể, phải bổ sung vào khung pháp lý đặc điểm “doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp tiến hành kinh doanh phi lợi nhuận” để tạo được sự khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp thông thường và doanh nghiệp xã hội đồng thời khắc phục sự bất hợp lý trong quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Hai là, cần có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép hay không cho phép các tổ chức hiện đang hoạt động như doanh nghiệp xã hội nhưng không là doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp xã hội theo luật định.

Bên cạnh đó, Nghị định ban hành cần hướng dẫn cụ thể về các vấn đề có liên quan đến thành lập, tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp xã hội. Cụ thể ở các nội dung sau.

- Cần quy định rõ trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động doanh nghiệp xã hội. So với doanh nghiệp thông thường, thì đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội có một số khác biệt sau đây:

+ Doanh nghiệp xã hội có thể bổ sung thêm cụm từ “xã hội” hoặc “XH” vào trước tên riêng hoặc sau tên loại hình doanh nghiệp trong tên doanh nghiệp.

+ Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xã hội bao gồm thêm Bản cam kết mục tiêu xã hội và môi trường với thời hạn ít nhất là 05 năm và Phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 16/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí