Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật Việt Nam - 10

- Về chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội. So với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội được hưởng một số chính sách khuyến khích sau đây:

+ Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận mà doanh nghiệp giữ lại để tái đầu tư nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp.

+ Các doanh nghiệp có viện trợ cho doanh nghiệp xã hội thì các khoản viện trợ đó được tính vào chi phí doanh nghiệp.

+ Quy định chi tiết trình tự, thủ tục tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và tiếp tài trợ từ tổ chức, cá nhân, cơ quan khác.

- Quy định chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội và ngược lại; quy định cụ thể về sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp xã hội. Cho phép chuyển đối cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội.

- Quy định chi tiết nguyên tắc theo dõi và giám sát đối với doanh nghiệp xã hội nhằm tránh việc lạm dụng doanh nghiệp xã hội để hoạt động nhằm thu lợi cho cá nhân, tổ chức thay vì phục vụ cho mục tiêu cộng đồng. Cụ thể:

+ Đối với những doanh nghiệp xã hội có nhận viện trợ, thì phải công khai hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các khoản viện trợ đã nhận và Báo cáo đánh giá tác động xã hội hàng năm.

+ Trường hợp doanh nghiệp xã hội giải thể, thì số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính do các tổ chức trong nước và ngoài nước hoặc do Nhà nước mà doanh nghiệp xã hội đã nhận được để thực hiện các mục tiêu xã hội sẽ phải được chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác hoặc tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.

Các quy định cụ thể trên có thể tạo điều kiện thuận lợi cho DNXH được thành lập, tổ chức và hoạt động trong thời gian mới.

Tuy nhiên về lâu dài, chúng ta cần ban hành ở cấp độ luật văn bản riêng về doanh nghiệp xã hội bởi vì các lý do sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

- Doanh nghiệp xã hội có những đặc điểm riêng cơ bản mà không loại hình doanh nghiệp nào có. Và các đặc điểm riêng này cần được thể hiện trong một văn bản riêng mà không nên nhầm lẫn và sắp đặt trùng trong Luật Doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp xã hội hoạt động vì mục tiêu xã hội, có cơ cấu tổ chức và quản trị rất riêng biệt, chính vì vậy, nếu áp dụng mô hình quản trị như đối với các hình thức doanh nghiệp khác thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp này. Chính vì lẽ đó, nếu quy định văn bản riêng về DNXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc có thể có quy định cụ thể về hình thức doanh nghiệp này, tránh trùng lắp với các doanh nghiệp truyền thống khác.

Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật Việt Nam - 10

3.2.2. Quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ và ưu đãi phát triển của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp thông thường luôn nhận được sự bảo đảm đầu tư và có thể được ưu đãi đầu tư nếu hoạt động tại các địa bàn hoặc lĩnh vực Nhà nước quy định sẽ được hưởng ưu đãi. Doanh nghiệp xã hội hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên cũng được hưởng các chính sách bảo đảm và ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên nếu sự ưu đãi của Nhà nước với doanh nghiệp xã hội chỉ dừng lại ở mức độ giống với doanh nghiệp thông thường thì chưa đảm bảo sự công bằng đối với doanh nghiệp xã hội. Vấn đề bất cập dễ nhận thấy là doanh nghiệp thông thường hoạt động kinh doanh trước tiên nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu, sau đó tùy thuộc vào thái độ của chủ sở hữu với cộng đồng mà doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm xã hội ở mức độ nhất định; còn đối với doanh nghiệp xã hội, ít nhất 51% lợi nhuận thu về được dùng để giải quyết các vấn đề xã hội. Vậy, thuế thu nhập

doanh nghiệp sẽ được tính như thế nào cho doanh nghiệp xã hội? Nhà nước thu thuế để hình thành ngân sách nhà nước, qua đó thực hiện các hoạt động công ích vì lợi ích cộng đồng nhưng doanh nghiệp xã hội đã sử dụng lợi nhuận của mình để giải quyết các vấn đề xã hội vốn thuộc trách nhiệm của Nhà nước, vậy có nên thu thuế thu nhập doanh nghiệp không? Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xã hội mong muốn được Nhà nước làm rõ. Thiết nghĩ, với bản chất và mục tiêu hoạt động khác nhau, chính sách áp dụng cho từng chủ thể không thể đồng nhất. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng chính sách riêng đối với doanh nghiệp xã hội. Nội dung của chính sách phải bao quát được ba vấn đề: bảo đảm, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư.

Về vấn đề bảo đảm, Nhà nước cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội và tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp xã hội phát triển. Môi trường này bao gồm môi trường pháp lí và môi trường kinh tế. Môi trường pháp lí cần được xây dựng đủ chặt chẽ để doanh nghiệp xã hội không đi ngược lại mục tiêu của mình nhưng cũng không được hạn chế sự phát triển hay gia nhập thị trường của doanh nghiệp xã hội. Về môi trường kinh tế, Nhà nước cần tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp xã hội phát triển thông qua việc tạo ra các cách thức mới cung ứng dịch vụ công ích, từng bước cho phép doanh nghiệp xã hội tham gia vào hoạt động mua bán công.

Về vấn đề hỗ trợ, Nhà nước xây dựng những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp xã hội kì vọng Nhà nước xây dựng được cơ chế phối hợp giữa cộng đồng và doanh nghiệp xã hội để cùng giải quyết các vấn đề xã hội. Phối hợp ở đây được hiểu là cộng đồng không ở tư thế bị động, chỉ nhận sự giúp đỡ của doanh nghiệp xã hội mà chủ động chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp xã hội. Điều này tạo nên mối quan hệ hai chiều bền vững và cân bằng tương đối lợi ích của các chủ thể. Ví dụ, trong vấn đề phát triển nguồn thu, cộng đồng hoàn toàn có khả năng nâng

cao giá trị lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội. Cùng một loại hàng hóa, người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm do doanh nghiệp xã hội sản xuất. Để làm được điều này, Nhà nước phải tạo được định hướng tiêu dùng trong dân chúng bằng cách xây dựng các dấu hiệu nhận diện sản phẩm của doanh nghiệp xã hội. Theo đó, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá và xếp hạng mức độ đóng góp của các doanh nghiệp xã hội. Cơ sở đánh giá mức độ đóng góp dựa vào tỉ lệ sử dụng lợi nhuận thu được tái đầu tư vào công việc xã hội. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ được xếp vào từng nhóm màu nhất định và dán nhãn trên sản phẩm. Việc dán nhãn là cách thức đưa thông tin tới người tiêu dùng về sự đóng góp của doanh nghiệp xã hội cho cộng đồng. Người tiêu dùng sẽ nhận biết được doanh nghiệp xã hội thông qua nhãn dán trên hàng hóa, dịch vụ. Cơ quan phụ trách công việc này nên trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ quản cấp đăng kí kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc xếp hạng được tiến hành theo chu kì cố định, có thể là 05 năm một lần.

Về chính sách ưu đãi, Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nhà nước đã thể hiện rõ chủ trương sẽ có những chính sách ưu đãi nhất định dành cho doanh nghiệp xã hội. Những chính sách ưu đãi không nhất thiết cố định mà có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp xã hội và phụ thuộc vào tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp xã hội. Việt Nam đang trong quá trình tạo lập và phát triển chủ thể hoàn toàn mới trong nền kinh tế nên cần xây dựng lộ trình cụ thể. Trong giai đoạn hiện nay, khi doanh nghiệp xã hội cần có những hỗ trợ về kinh tế để tạo nền tảng cho sự phát triển thì các chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất, kĩ thuật công nghệ là điều quan trọng. Về ưu đãi tài chính, Nhà nước không nhất thiết phải xây dựng nhiều ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp xã hội bởi doanh nghiệp xã hội có cạnh tranh thì mới phát triển bền vững. Bước đầu, chi phí

thành lập doanh nghiệp xã hội, chi phí chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội (nếu có) có thể được miễn giảm. Khi doanh nghiệp xã hội phát triển đến mức nhất định thì Nhà nước sẽ căn cứ vào tỉ lệ đóng góp (giả sử tỉ lệ này lớn hơn 90%) để cho hưởng một số chính sách như miễn thuế thu nhập hoàn toàn cho doanh nghiệp, vay tín dụng với lãi suất tượng trưng,…

3.2.3. Về tổ chức thực hiện pháp luật doanh nghiệp xã hội

3.2.3.1. Thành lập các thiết chế hỗ trợ doanh nghiệp xã hội

Hoạt động của doanh nghiệp xã hội ở nước ta hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn vì thế sự tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước, của các doanh nghiệp phát triển trong nước và quốc tế sẽ giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội. Đặc biệt là yếu tố nguồn nhân lực, để những người trẻ tuổi trở thành các Doanh nhân xã hội thành công, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về kỹ thuật, từ quản lý tài chính và con người, lập kế hoạch kinh doanh, marketing, PR, kêu gọi đầu tư cho đến đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, vận động, các hình thức kèm cặp, hướng dẫn,... đều cần thiết.

- Các nhà hoạt động xã hội có vốn xã hội phong phú nhưng ít kinh nghiệm kinh doanh cần được trang bị các kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh, những chương trình đào tạo này cần được thiết kế cho từng nhóm đối tượng cụ thể để cân bằng giữa mục tiêu xã hội với thực tiễn kinh doanh.

- Các Doanh nhân xã hội đã thành công trong hoạt động kinh doanh của mình nhưng muốn đóng góp tài năng và khả năng lãnh đạo vào giải quyết các vấn đề xã hội. Đối với những người này, họ chủ yếu tập trung hỗ trợ giải quyết vấn đề xã hội trước mắt mà họ đang gặp phải hàng ngày như trẻ em lang thang cơ nhỡ, lao động trẻ em, môi trường, giáo dục cho trẻ em, người già, trẻ em mồ côi. Nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề xã hội và định hướng cho các hỗ trợ của họ để giải quyết tận gốc vấn đề có thể sẽ là

cách thức hỗ trợ những người này trong việc xác định thị trường xã hội cho các đầu tư của họ.

Hơn nữa, cần thành lập một bộ phận/cơ quan thực hiện quản lí nhà nước, thúc đẩy, hỗ trợ DNXH. Về tổ chức quản lý hành chính, Nghị định hướng dẫn về DNXH có thể quy định về việc thành lập một bộ phận/cơ quan ở cấp phòng trong cơ cấu tổ chức của một Bộ chịu trách nhiệm về quản ly nhà nước, khuyến khích, hỗ trợ các DNXH. Dựa trên tính chất đầu mối, đa ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể xem xét, thành lập một Phòng chuyên trách về DNXH đặt trong cơ cấu của Cục Phát triển Doanh nghiệp, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một sự lựa chọn khác là có thể thành lập một tổ chức độc lập trong cơ cấu của một Tổ chức chính trị- xã hội của Nhà nước để thực hiện các chương trình hỗ trợ DNXH. Đây chính là bài học kinh nghiệm từ Thái Lan. Tuy nhiên, truyền thống sử dụng các công cụ là các tổ chức trung gian, hỗn hợp ở Việt Nam còn hạn chế và ít đem lại hiệu quả, bởi vị trí độc lập của các tổ chức này thay vì đem lại ưu thế về tính năng động, lại thường tạo ra khoảng trống về trách nhiệm, khiến tổ chức gặp khó khăn trong việc tập hợp nguồn lực của các bên liên quan, nhất là các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

Như vậy, sự lựa chọn bên trên vẫn có tính thuyết phục hơn. Và để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, Cơ quan chuyên trách về DNXH nên thực hiện các chương trình hỗ trợ DNXH thông qua một bên thứ 3 là các tổ chức trung gian phát triển DNXH dưới hình thức đấu thầu cạnh tranh, thuê ngoài, hoặc đặt hàng, trong khi Cơ quan giữ vai trò giám sát, theo dõi và đánh giá.

3.2.3.2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của doanh nghiệp xã hội

Cần phải phổ biến rộng rãi hình thức doanh nghiệp xã hội bằng các

kênh thông tin xã hội, ví dụ như: Tài liệu về các Doanh nhân xã hội xuất sắc, nổi bật và công việc của họ tại Việt Nam có thể sẽ góp phần vào nâng cao nhận thức của người dân về Doanh nhân xã hội và vai trò của họ trong việc phát triển xã hội. Nó cũng sẽ giúp vận động các nhà ra chính sách hiểu về vai trò của Doanh nghiệp xã hội không chỉ trong việc giải quyết các nhu cầu xã hội cấp bách mà còn là một bộ phận quan trọng của xã hội dân sự đang lớn mạnh trong đó quyền của tất cả mọi người sẽ được lắng nghe và tôn trọng. Ngoài ra việc phổ biến mô hình Doanh nghiệp xã hội quốc tế cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức, sự thừa nhận và tạo sự hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách và từ công chúng.

Các phương thức phổ biến hình thức DNXH:

- Phương tiện truyền thông đại chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và quảng bá về Doanh nghiệp xã hội.

- Các tờ rơi, sách giới thiệu, trang web được thiết kế tốt bằng tiếng Việt giới thiệu về Doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về một thế hệ Doanh nhân xã hội mới xuất hiện.

- Hội thảo, seminar về Doanh nghiệp xã hội và các mô hình hoạt động của nó sẽ góp phần vào việc lôi cuốn các nhà công tác thực tiễn phát triển, các nhà tài trợ và các nhà hoạch định chính sách về vấn đề đang thảo luận.

- Mạng làm việc đang trở nên quan trọng để kết nối mọi người với nhau, kết nối Doanh nghiệp xã hội với Doanh nhân xã hội với những người khác. Tuy nhiên, mạng này cần kết nối với các mạng kinh doanh và phát triển rộng hơn để trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm, lôi cuốn mọi người tham gia và ủng hộ. Cũng cần một mạng kết nối với các đối tác quốc tế...

Trên đây là một số giải pháp cơ bản để phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, giải pháp cơ bản nhất, cần thiết và hiệu quả nhất

hiện nay, để có thể cho mọi người thấy được, hiểu được về doanh nghiệp xã hội là thông qua mạng internet, báo đài, truyền hình và đặc biệt là qua hệ thống giáo dục… Đó là việc mà không chỉ các nhà lãnh đạo, các doanh nhân xã hội mới làm được, mà tất cả mọi người, những ai quan tâm tới nó, muốn phát triển nó đều có thể tự mình góp sức thực hiện được.

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 16/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí