Yêu Cầu Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Định Tội Danh Đối Với Tội Lừa Đảo Chiếm Đoạt Tài Sản Tại Tỉnh Đắk Lắk

tiền mặt và không ký vào hợp đồng cầm cố nên anh Lâm tự ghi tên chị Lê Thị Hoài Hương vào hợp đồng. Do nhiều lần không đòi được xe nên chị Hương làm đơn tố cáo Nhật.

Hội đồng định giá tài sản thành phố Buôn Ma Thuột kết luận: xe mô tô hiệu Yamaha Nouvo biển số 47P6-2654 đã qua sử dụng trị giá 24.500.000 đồng. Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã áp dụng khoản 1 Điều

139; các điểm b, h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự tuyên bố Trương Phạm Hồng Nhật phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xử phạt Trương Hồng Nhật 09 tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam.

Trương Phạm Hồng Nhật có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã khai báo thành khẩn, hoàn cảnh gia đình bị cáo có nhiều khó khăn, còn phải nuôi con nhỏ. Do có kháng cáo của bị cáo, khi xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo với đời sống xã hội mà để bị cáo tự cải tạo ngoài xã hội, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 139; các điểm b, g, h, p khoản 1 Điều 46 và Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt Trương Phạm Hồng Nhật 09 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm 05 tháng 10 ngày, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

- Việc điều tra không đầy đủ, sự thật khách quan của vụ án chưa được làm sáng tỏ, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo dẫn đến hủy án.

Ví dụ: Trương Quang Tuấn hẹn sang nhượng cho ông Nguyễn Quý Hà 50 ha rừng thuộc tiểu khu 202, nằm trong dự án trồng rừng của công ty TNHH Vinh Hoa, thuộc địa bàn xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk với giá 120.000.000 đồng/ha. Tuấn dẫn ông Hà đến gặp ông Nguyễn Hữu

Quảng – Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt và ông Nguyễn Văn Đóa – Cán bộ địa chính xã Ya Tờ Mốt nhằm tạo niềm tin cho ông Hà về tính xác thực diện tích 50 ha đất của Tuấn nằm trong dự án trồng rừng của công ty TNHH Vinh Hoa. Sau đó, ông Hà giao cho Tuấn 200.000.000 đồng tiền đặt cọc để mua 50 ha đất nói trên. Tuấn viết giấy nhận tiền đặt cọc, bán cho ông Hà 50 ha đất tọa lạc trên diện tích đất trồng rừng của công ty TNHH Vinh Hoa. Số tiền còn lại, khi nào Tuấn làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hà thì ông Hà sẽ giao đủ.

Sau khi giao tiền đặt cọc cho Tuấn một thời gian, không thấy Tuấn làm thủ tục chuyển nhượng 50 ha đất. Ông Hà phát hiện Tuấn không có đất nằm trong dự án trồng rừng của công ty TNHH Vinh Hoa, ông Hà đòi lại tiền đặt cọc nhưng Tuấn đã tiêu xài hết nên ông Hà đã làm đơn tố cáo Tuấn.

Tòa án nhân dân huyện Ea Súp áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự; xử phạt Trương Quang Tuấn 02 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Trương Quang Tuấn viết giấy bán cho ông Nguyễn Quý Hà 50 ha đất nằm trong dự án trồng rừng của công ty TNHH Vinh Hoa tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp và nhận tiền đặt cọc của ông Hà 200.000.000 đồng. Tuy nhiên cả bị cáo và người bị hại đều khẳng đinh người bán đất cho ông Hà là ông Nguyễn Hữu Quảng – Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt và ông ông Nguyễn Văn Đóa – Cán bộ địa chính xã Ya Tờ Mốt. Tuấn chỉ là người môi giới viết giấy bán đất, nhận tiền đặt cọc và giao tiền lại cho ông Quảng, ông Đóa. Ông Quảng và ông Đóa hứa sẽ bàn giao đủ diện tích đất và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hà. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không tiến hành lấy lời khai của ông Quảng, ông Đóa, không tiến hành đối chất giữa ông Quảng, ông Đóa với ông Hà về việc ông Quảng và ông Đóa thỏa thuận bán đất cho ông Hà.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

Như vậy, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, sự thật khách quan của vụ án chưa được làm sáng tỏ. Bản án sơ thẩm tuyên Trương Quang Tuấn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa có cơ sở pháp lý.

Căn cứ những nhận định trên, Hội đồng phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng điểm c khoản 2 Điều 248, khoản 1 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Ea Súp. Giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo luật hình sự Việt Nam trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk - 10

* Qua một số trường hợp cụ thể trên đây về những vi phạm, sai lầm, tác giả luận văn có một số nhận xét:

Trong thực tế xét xử án hình sự sơ thẩm, những sai sót hạn chế trong việc định tội danh thường là trong việc áp dụng pháp luật Tòa án đã so sánh, đánh giá không đúng về những tình tiết của vụ án với những căn cứ để định tội danh. Những sai sót này mặc dù không gây hậu quả nặng nề như việc kết án oan người vô tội, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó không nghiêm trọng mà nhất là những trường hợp hình phạt được áp dụng khi đã thi hành rồi thì không thể thay đổi được.

Việc định tội danh không đúng của Tòa án dẫn đến việc quyết định hình phạt không tương xứng với tội phạm đã thực hiện, làm ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự công bằng của pháp luật và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thực tế thời gian qua, trong xét xử án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk, việc định tội danh sai dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ vẫn xảy ra, mặc dù không nhiều nhưng vẫn cần phải được khắc phục nhằm đảm bảo đạt được mục đích của hình phạt và tính công bằng xã hội.

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ càng, thấu đáo dẫn đến bỏ sót tình tiết có ý nghĩa giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình phạt cho bị cáo.

2.2.3.2. Các nguyên nhân của những vi phạm, sai lầm

Qua thực tiễn xét xử án hình sự sơ thẩm đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy việc định tội danh hầu hết có căn cứ pháp lý và đúng pháp luật. Những vi phạm, sai lầm thường xảy ra trong việc quyết định hình phạt. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân chủ quan và có những nguyên khách quan.

- Các nguyên nhân khách quan

Văn bản pháp luật hình sự chưa có hướng dẫn kịp thời, thống nhất trong việc áp dụng các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung nhưng thực tế cho thấy Bộ luật Hình sự còn bộc lộ những hạn chế nhất định như: Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về mức tối thiểu và mức tối đa trong khung hình phạt là quá rộng nên hoạt động quyết định hình phạt của Hội đồng xét xử còn mang tính tùy nghi, dẫn đến việc có hình phạt quá nhẹ và cũng có hình phạt quá nặng.

Bên cạnh đó, số lượng các loại vụ án mà Tòa án nhân dân các cấp tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý và giải quyết ngày càng tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp, nhiều loại án mới phát sinh trên địa bàn, kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan định tội danh còn hạn chế.

Trong một số trường hợp, việc cung cấp chứng cứ của các cơ quan chuyên ngành có liên quan không đầy đủ, không kịp thời và thiếu chính xác. Nhiều vụ án xảy ra đã lâu nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Nhiều người tham gia tố tụng không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ hoặc gây khó khăn, cản trở trong việc giải quyết, xét xử, làm cho nhiều vụ án bị kéo dài, số lượng các vụ án bị hủy, bị sửa do phát sinh chứng cứ mới tăng.

- Các nguyên nhân chủ quan

Là những nguyên nhân thuộc về chủ thể như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Vẫn còn một số ít Thẩm phán chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm

trong công tác, không thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật khi xét xử sơ thẩm án hình sự. Nguyên nhân này xuất phát từ sự hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từ sự thiếu trách nhiệm hoặc từ sự cố tình áp dụng những quy định pháp luật không đúng hoặc không đầy đủ.

Trong thực tế, mặc dù đội ngũ Thẩm phán của Tòa án các cấp tỉnh Đắk Lắk đều có trình độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, tức là đều đã tốt nghiệp đại học Luật, các Thẩm phán trẻ đều đã được đào tạo qua lớp Nghiệp vụ về công tác xét xử. Tuy vậy, một số Thẩm phán vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong xét xử nhất là các Thẩm phán trẻ. Vì vậy, việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội trong vụ án của các Thẩm phán chưa chính xác hoặc còn lúng túng trong quá trình xét xử nên không tránh khỏi những sai sót.

Bên cạnh đó, trên thực tế hiện nay rất ít Hội thẩm nhân dân có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật, đây cũng là một trong những nguyên nhân của các hạn chế trong việc quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, việc tổ chức công tác xét xử, quản lý, điều hành ở một số Tòa chuyên trách, Phòng nghiệp vụ thuộc Tòa án nhân dân tỉnh; các Tòa án nhân dân cấp huyện còn chưa hợp lý. Một số Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện chưa kịp thời, chủ động đề ra các biện pháp có hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác, chậm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm nhất là trong công tác xét xử.

Tóm lại, qua thực tiễn công tác xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn 2010 - 2014, có thể thấy rằng: tuy vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót nhất định song việc định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, chính xác, bảo đảm xử lý người phạm tội nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực hạn chế tình hình tội phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn.

Chương 3

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỊNH TỘI DANH ĐỐI VỚI TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TẠI TỈNH ĐẮK LẮK


3.1. YÊU CẦU NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỊNH TỘI DANH ĐỐI VỚI TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TẠI TỈNH ĐẮK LẮK

3.1.1. Yêu cầu về chính trị - xã hội

Trong tình hình chung của cả nước, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều loại văn bản như: Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Chương trình... thể hiện chính sách chung trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, cũng như phòng ngừa oan, sai, vi phạm pháp luật trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Có thể kể đến một số văn bản sau:

- Chỉ thị số 16/TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp chống hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, chống oan, sai và bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân [33];

- Công văn số 170/CT ngày 04/7/1998 của Ban Nội chính Trung ương báo cáo Bộ Chính trị về việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp chống hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, chống oan, sai và bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân; Báo cáo nêu rõ: Vấn đề hình sự hóa và cả phi hình sự hóa trong giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự của các cơ quan tố tụng hiện nay, các ngành nội chính cần có sự nghiên cứu toàn diện sâu sắc... [1];

- Chỉ thị số 53/CH-TW ngày ngày 21/3/2003 của Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chống oan, sai trong hoạt động tố tụng, nâng cao chất lượng công tác tư pháp, tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người, của công dân [3];

- Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã quy định các nhiệm vụ cải cách tư pháp như sau:

Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội... Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng... Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm... [5];

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản năm 2011 đã đề ra:

Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự... đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp... [22].

Từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước gia nhập Asean, Tổ chức thương mại thế giới WTO, cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đắk Lắk trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa của vùng Tây Nguyên. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của nền kinh tế thị trường còn có nhiều diễn biến phức tạp, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Tội phạm tại Đắk Lắk những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, tính chất, mức độ và thủ đoạn phạm tội của đối tượng gây án ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử, cũng như việc định tội danh

một cách chính xác. Đặc biệt đối với loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu đã xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới để chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Tội phạm đã lợi dụng sơ hở của pháp luật, sự non yếu trong quản lý nhà nước, yếu kém của cán bộ, khai thác mặt trái của kinh tế thị trường, lợi dụng sơ hở trong đầu tư xây dựng, quản lý kinh tế, đất đai… để lừa đảo làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại Đắk Lắk.

Với 47 dân tộc khác nhau cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và dân số có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do, rồi sự phát triển của nền kinh tế cũng dẫn tới nảy sinh các nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện các giao dịch. Do đó, tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu ngày càng nhiều nhất là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng ngày càng tăng kể cả về số vụ án và người phạm tội tác động lớn đến đời sống xã hội.

Cho đến cuối năm 2014, đã có nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hàng chục bị hại và số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỷ đồng. Khi các Cơ quan điều tra vào cuộc thì thiệt hại cho người dân là quá lớn và hầu như là không thể thu hồi tài sản hoặc bồi thường cho người bị hại được. Đặc biệt, cũng tồn tại trường hợp bản thân người dân, người có tài sản do hám lợi nghe theo kẻ phạm tội tưởng giả là thật đem tài sản của mình cho người khác thuê, mượn nhưng không có biện pháp bảo đảm cần thiết và xác minh nguồn thông tin dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tội phạm xâm phạm sở hữu gia tăng. Điều này đã gây nên sức ép lớn cho tỉnh về đảm bảo an ninh trật tự, trong đó có vấn đề tội phạm và đặc biệt các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về định tội danh và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chính là đáp ứng yêu cầu chính trị - xã hội trong việc bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội và sự yên bình cho nhân dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xem tất cả 115 trang.

Ngày đăng: 05/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí