Gần đây người ta tạo được một số giống ngô giàu axit amin hơn so với các giống ngô bình thường, song vẫn nghèo methionine. Vì vậy, khi dùng ngô Oparque-2 cho heo và gia cầm, cần bổ sung thêm methionine. Một giống ngô mới nữa là Floury-2 có hàm lượng lysine và cả methionine cao hơn ngô Oparque-2. Dùng loại ngô này không phải bổ sung thêm methionine. Ngô là loại thức ăn chủ yếu dùng cho gia súc và gia cầm, và là loại thức ăn rất giàu năng lượng, 1kg ngô hạt có 3.200-3.300kcal ME. Người ta dùng ngô để sản xuất bột và glucoz cho người. Nhiều sản phẩm của ngô rất thích hợp cho động vật, trong đó quan trọng là mầm ngô, cám và gluten. Khi 3 loại này hỗn hợp lại tạo thành sản phẩm có tên là bột gluten - ngô, chứa xấp xỉ 24% protein thô, 3-5% xơ thô. Hỗn hợp này thích hợp cho tất cả các loại gia súc và gia cầm, đặc biệt là bò sữa, tuy vậy cũng vẫn cần bổ sung thêm axit amin công nghiệp.
Ngô còn có tính chất ngon miệng với heo. Lysine và tryptophan là hai loại axit amin hạn chế của ngô khi dùng nuôi heo. Khi dùng ngô làm thức ăn chính cho heo thường gây hiện tượng mỡ nhão ở heo.
Độ ẩm của ngô có thể biến đổi từ 10-25%. Muốn bảo quản tốt độ ẩm tối đa cho phép 15%. Ngô thường được xem là loại thức ăn năng lượng để so sánh với các loại thức ăn khác.
4.2. Cám gạo:
Cám gạo là sản phẩm phụ của lúa khi xay xát. Lượng cám thu được bình quân là 10% khối lượng lúa.
Cám gạo bao gồm một số thành phần chính như vỏ cám, hạt phôi gạo, trấu và một ít tấm.
Chất lượng của cám thay đổi tùy thuộc vào hàm lượng trấu trong cám. Nhiều trấu sẽ làm tăng hàm lượng chất xơ thô và silic, giảm nồng độ năng lượng của thức ăn, giảm tỷ lệ tiêu hóa. Tùy theo lượng trấu còn ít hay nhiều mà cám được phân thành loại I hay loại II.
Cám là nguồn B1 phong phú, ngoài ra còn có cả vitamin B6 và biotin, 1kg cám gạo có khoảng 22mg vitamin B1, 13mg vitamin B6 và 0,43mg biotin.
Cám gạo là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, chứa 11-13% protein thô, 10- 15% lipit thô, 8-9% chất xơ thô, khoáng tổng số là 9-10%.
Dầu cám chủ yếu là các axit béo không no, các axit này dễ dàng làm cho mỡ bị ôi, giảm chất lượng của cám và cám trở nên đắng, khét. Do vậy, nếu ép hết dầu thì cám gạo bảo quản được lâu hơn. Cũng có thể bảo quản cám bằng các biện pháp hấp, trộn với muối, xông khói...
Có thể bạn quan tâm!
- Dinh dưỡng thức ăn Nghề Thú y - Trình độ Cao đẳng - Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu - 3
- Phân Loại Thức Ăn Và Đặc Điểm Một Số Loại Thức Ăn Thông Thường Trong Chăn Nuôi
- Đặc Điểm Của Một Số Loại Thức Ăn Thường Dùng Trong Chăn Nuôi:
- Dinh dưỡng thức ăn Nghề Thú y - Trình độ Cao đẳng - Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu - 7
- Mục Đích Của Chế Biến Và Dự Trữ Thức Ăn:
- Dinh dưỡng thức ăn Nghề Thú y - Trình độ Cao đẳng - Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu - 9
Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.
Cám gạo là một nguồn phụ phẩm rất tốt cho vật nuôi và dùng cám có thể thay thế một phần thức ăn tinh trong khẩu phần loài nhai lại và heo. Tuy nhiên, hạn
chế của cám đó là các chất đường không phải tinh bột, đó là những đường đa do những đường đơn tạo nên thông qua các liên kết -1,4; -1,6-glycosit ... Nên gia súc dạ dày đơn không thể tiêu hóa được.
Cám gạo chứa 14-18% dầu. Dầu này có thể được chiết từ cám để tránh gây mùi ôi khó chịu trong quá trình bảo quản, nguyên nhân là do sự hoạt động của các enzyme lipolytic khi cám được tách ra từ gạo và làm tăng nhanh thành phần acid béo tự do.
Hàm lượng axit béo tự do của cám từ gạo đã luộc qua là dưới 3%, nhưng ngay sau khi nghiền có thể tăng nhanh với tỷ lệ 1%/giờ.
Quá trình gây ôi của dầu trong cám có thể được hạn chế bằng phương pháp xử lý nhiệt hay phơi khô ngay sau khi xay nghiền gạo.
Xử lý nhiệt ở nhiệt độ 1000C trong vòng 4-5 phút bằng hơi nước nóng là đủ để làm chậm lại quá quá trình sản sinh acid béo tự do.
Cám có thể được làm khô bởi nhiệt bằng cách trải rộng trên các khay chứa và xử lý ở nhiệt độ 2000C trong vòng 10 phút. Độ ẩm trong cám tốt nhất nên ở 4% trong khi bảo quản sẽ làm vô hiệu hóa các chất kháng dinh dưỡng.
Cám gạo còn là nguồn vitamin B phong phú và là loại thức ăn khá hấp dẫn cho gia súc, gia cầm.
Dầu cám là nguyên nhân gây mỡ mềm, ngoài việc lưu ý dầu cám ra, cám là nguồn thức ăn cho tất cả các đối tượng gia súc. Lượng cám tối đa có thể dùng trong khẩu phần trâu bò tối đa là 40%, của heo không quá 30-40%, tuy nhiên giai đoạn cuối vỗ béo cần giảm tỷ lệ cám trong khẩu phần để tránh hiện tượng mỡ mềm, gia cầm chỉ nên dùng 25% của khẩu phần.
Cám không được khử dầu được sử dụng như là chất mang, chất kết dính trong hỗn hợp thức ăn. Cám gạo thường có pha lẩn vỏ trấu vì vậy thành phần xơ có thể tăng lên 10-15%
4.3. Tấm gạo:
Cũng là một phụ phẩm từ lúa có giá trị dinh dưỡng gần tương đương với bắp nhưng không có sắc tố nên không được ưa chuộng sử dụng trong thức ăn cho gà.
Tấm có thể sử dụng trong thức ăn của heo nhỏ vì dễ tiêu hóa, tuy nhiên do giá thành đắt nên ít được sử dụng nhiều trong thức ăn chăn nuôi.
* Những điểm cần chú ý khi sử dụng cám:
- Có thể sử dụng với mức cao trong khẩu phần: từ 30-70%, nhưng phải phối hợp thêm các loại thức ăn giàu đạm.
- Cần có biện pháp chế biến thích hợp như ủ men, ủ chua, lên men nhẹ, đường hóa, nấu chín... để nâng cao tỷ lệ tiêu hóa.
- Khi dùng hỗn hợp hạt ngũ cốc cần bổ sung thêm Ca. Đối với gia súc dạ dày đơn, không nên cho ăn quá nhiều và cần bổ sung thêm P vô cơ.
5. Thức ăn protein có nguồn gốc thực vật:
5.1. Hạt họ đậu:
- Giàu protein và các axit amin không thay thế cho gia súc, gai cầm. Giá trị sinh học của protein hạt họ đậu cao, trung bình đạt 72-75%.
- Protein trong hạt họ đậu giàu lyzin, axit amin hạn chế nhất là metionin. Các nguyên tố khoáng như Ca, Mg, Mn, Zn, Cu trong hạt họ đậu cao hơn so với hạt hòa thảo nhưng chúng lại nghèo P và K.
- Trong nhóm hạt họ đậu, đậu tương là nguồn protein thực vật quan trọng của người và động vật. Sau đây xin giới thiệu giá trị dinh dưỡng của hạt đậu tương:
+ Hàm lượng protein thô trong đậu tương dao động từ 32-38%. Protein đậu tương có hàm lượng axit amin chứa lưu huỳnh thấp, metionin là axit amin hạn chế nhất sau đó là cystin và treonin. Tuy nhiên, protein đậu tương lại có nhiều lysin, là axit amin thiếu nhất trong protein hạt ngũ cốc (ngô, lúa,...).
+ Trong hạt đậu tương sống có các chất kháng trypsin và kháng chymotrypsin làm giảm tỷ lệ tiêu hóa và giá trị sinh học của protein. Ngoài ra, các chất này còn kích thích tuyến tụy hoạt động mạnh gây sưng tụy và do tăng sản sinh trypsin và chymotrypsin dẫn đến làm mất cystein và metionin.
+ Hạt đậu tương trước khi sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm cần được xử lý nhiệt thích hợp như rang, sấy, hấp chín,... Nhiệt trong quá trình xử lý nhiệt có tác dụng phá hủy các chất kháng dinh dưỡng làm tăng tỷ lệ tiêu hóa và tăng giá trị sinh học của protein.
5.2. Khô dầu:
- Khô dầu là phụ phẩm của các loại hạt có dầu sau khi đã được ép lấy dầu. Các sản phẩm này bao gồm: khô dầu lạc, khô dầu đỗ tương, khô dầu hướng dương, khô dầu bông,....
- Thành phần dinh dưỡng của các loại khô dầu biến động phụ thuộc công nghệ ép dầu:
+ Khô dầu lạc: khô lạc nếu ép thủ công thì còn 10-12% dầu, nếu ép máy còn 4% dầu, nếu chiết suất còn 0,5% dầu.
Hàm lượng protein thô của khô dầu lạc nhân khoảng 42-45%. Nhưng nếu khô dầu lạc nhân ép cả vỏ thì hàm lượng protein thấp hơn 37-38% và có 18,8% xơ thô.
+ Khô dầu đậu tương: có 41-45% protein thô, 8,8% xơ thô. Hiện nay, khô dầu đậu tương được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất thức ăn gia súc công nghiệp.
+ Khô dầu bông: có hàm lượng protein thô là 31% và hàm lượng xơ thô là 12,3%. Trong khô dầu bông có gossipol, đây là chất độc.
* Một số diều cần lưu ý khi sử dụng các loại khô dầu:
- Các loại khô dầu khi bảo quản trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao rất dễ bị nhiễm nấm mốc và sản sinh nhiều độc tố nấm mốc (mycotoxin), rất nguy hại cho sức khỏe của động vật và năng suất chăn nuôi.
- Độc tố nấm mốc có ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như sức sản xuất của động vật, làm giảm tăng trọng, giảm tỷ lệ đẻ, tăng tỷ lệ chết và hạn chế tác dụng của vacxin, gây tổn thương gan, thận và gây ung thư gan,...
- Để hạn chế sự nhiễm độc tố nấm mốc có rất nhiều biện pháp, tuy nhiên phương pháp tốt nhất là bảo quản nguyên liệu ở nơi khô ráo, có quạt thông gió, nguyên liệu trước khi đưa vào kho phải được phơi sấy kỹ và không nên để thời gian lưu kho quá lâu.
- Hàm lượng cho phép của aflatoxin trong thức ăn: theo FDA của Mỹ là:
+ Sữa cho người, thức ăn cho bò sữa: 20ppb.
+ Gia súc, gia cầm giống (bò, heo, gia cầm): 100ppb.
+ Heo thịt vỗ béo: 200ppb. Bò thịt vỗ béo: 300ppb.
6. Thức ăn protein có nguồn gốc động vật:
6.1. Bột cá:
- Bột cá là một nguồn cung cấp protein có chất lượng tốt nhất đối với gia súc, gia cầm, vì có giá trị sinh học protein cao.
- Bột cá giàu lysine, metionin và tryptophane, đó là những loại axit amin thường thiếu nhiều nhất trong khẩu phần ăn hạt ngũ cốc.
- Trong bột cá còn có hàm lượng khoáng cao và giàu các loại vitamin, đặc biệt là vitamin B12.
- Tuy nhiên, bột cá chế biến từ nguyên liệu cá khác nhau sẽ có chất lượng khác nhau. Nguyên liệu cá có hàm lượng protein cao thì bột cá có hàm lượng protein cao. Cá nguyên liệu sản xuất bột cá nếu bảo quản không tốt sẽ bị ươn, tăng hàm lượng nitơ phi protein trong bột cá, làm giảm giá trị sinh học của bột cá, khi cho heo và gia cầm ăn sẽ gây ngộ độc, tăng hàm lượng NH3 trong chuồng nuôi.
- Phương pháp chế biến khác nhau cũng làm cho chất lượng bột cá khác nhau. Ngoài ra, chất lượng bột cá còn phụ thuộc vào thời gian bảo quản và điều kiện bảo quản (bảo quản không tốt, bột cá dễ bị nhiễm khuẩn samonella,...).
- Do giá thành của bột cá cao nên người ta thường sử dụng một tỷ lệ giới hạn trong khẩu phần ăn cho heo và gà.
+ Đối với gà: mức trung bình sử dụng trong thức ăn hỗn hợp là 10% cho gà con, 8% cho gà vỗ béo và 5-6% cho gà đẻ.
+ Đối với heo: mức trung bình là 7%. Cần chú ý là khi sử dụng nhiều bột cá trong khẩu phần, thịt và trứng có mùi dầu cá. Vì vậy, để tránh mùi dầu cá trong thịt, người ta thường ngừng cho ăn bột cá 4 tuần trước khi giết mổ hoặc sử dụng mức tối đa bột cá trong khẩu phần ăn cho heo và gà là 2,5-5%.
6.2. Bột thịt xương:
- Thành phần dinh dưỡng của bột thịt xương không ổn định, nó phụ thuộc vào nguyên liệu chế biến.
- Tỷ lệ protein trong bột thịt xương 45-50%, giàu các axit amin.
- Bột thịt xương rất giàu vitamin B1.
6.3. Bột thịt:
- Bột thịt có màu nâu vàng và có mùi thịt đặc trưng.
- Có 55% protein thô, mỡ 10%, độ ẩm tối đa 10%.
6.4. Bột lông vũ thủy phân:
- Tỷ lệ tiêu hóa của bột lông vũ đạt 70-80%.
- Tỷ lệ protein thô 75-80%, xơ thô tối đa 4%, mỡ 5%.
6.5. Bột gia cầm:
- Có 58% protein thô, 11% mỡ, tro 18%.
- Độ ẩm tối đa 10% và có trộn chất chống oxy hóa.
6.6. Bột máu:
- Hàm lượng protein tối thiểu trong bột máu 80%, giàu lysine, tryptophane, tỷ lệ tiêu hóa 95%.
- Có màu nâu đỏ, hạt mịn, không hòa tan trong nước.
6.7. Bột đầu tôm:
- Có 33-34% protein.
- Giàu các nguyên tố khoáng như Ca, P và các nguyên tố khoáng vi lượng
khác.
7. Một số nguồn thức ăn khác:
7.1. Dầu, mỡ:
- Là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, khi bổ sung phải trộn thêm chất chống oxy hóa.
- Có tác dụng phá hủy các hoạt chất sinh học của thức ăn, làm giảm phẩm chất của thức ăn.
7.2. Sản phẩm của các nhà máy đóng đồ hộp: hàm lượng chất khô 5-16%, xơ thô 13-17,3%, ME 1,6-2,6Mcal/kg VCK.
7.3. Phụ phẩm của các nhà máy chế biến cà phê: có 10,7% protein thô, 22,2% xơ thô thường dủng cho loài nhai lại.
8. Thức ăn bổ sung khoáng và vitamin:
Gồm có bột vỏ sò, bột xương, dicanxi photphat,…; vitamin A, D, E, K, B1, B2, B12, C, … tổng hợp.
9. Các chất bổ sung phi dinh dưỡng trong thức ăn:
9.1. Kháng sinh:
- Ngoài việc dung làm thuốc để chữa các bệnh nhiễm khuẩn còn dùng làm chất kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi.
- Kháng sinh dùng làm thức ăn bổ sung thường sử dụng với liều rất thấp có tác dụng kích thích sinh trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm tỷ lệ tiêu chảy, tỷ lệ chết và còi cọc.
- Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh làm thức ăn bổ sung lại có những tác hại do sự phát sinh những loài vi khuẩn kháng lại kháng sinh.
9.2. Chất nhuộm màu:
- Để nhuộm màu của lòng đỏ trứng gà, da gà người ta thường dùng xantofhyll.
- Một số sản phẩm nhuộm màu: ORO GLO, KEM GLO, carotene tự nhiên,…
9.3. Chất nhũ hóa:
Sunfat mono glyxerit (SMG) có tác dụng phân cắt các hạt dầu mỡ trong sữa nhân tạo, làm tăng bề mặt tác động của enzyme lipaz, nhờ đó tăng được tỷ lệ tiêu hóa hấp thu mỡ.
9.4. Chất chống oxy hóa:
- Sự oxy hóa dầu, mỡ là một hiện tượng thường xảy ra làm cho dầu, mỡ bị
ôi.
- Các chất chống oxy hóa thường dùng: Ethoxyquin, BHA, BHT.
9.5. Chất kết dính thức ăn:
Khi sản xuất thức ăn ép viên, người ta thường sử dụng một số chất kết dính như tinh bột sắn, rỉ mật đường, bentonit,…
B. Câu hỏi và bài tập thực hành:
I. Câu hỏi:
1. Cho biết các nhóm thức ăn theo cách phân loại theo nguồn gốc. Thế nào là thức ăn thô khô, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn giàu protein? Cho ví dụ.
2. Trình bày đặc điểm dinh dưỡng của ngô. Chú ý gì khi sử dụng?
3. Trình bày đặc điểm thành phần dinh dưỡng chung của thức ăn hạt họ đậu và đậu tương khi cung cấp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
4. Trình bày đặc điểm thành phần dinh dưỡng của thức ăn bột cá khi cung cấp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
5. Nêutác dụng của kháng sinh làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi và tác hại của nó.
II. Bài tập thực hành:
Bài 1. Phân loại, đánh giá chất lượng một số nguyên liệu thức ăn thường sử dụng trong chăn nuôi.
* Mục đích:
- Thực hiện được việc xác định phương pháp phân loại thức ăn và các chỉ tiêu đáng giá chất lượng thức ăn đúng kỹthuật.
- Bảo đảm tính chính xác khi đánh giá chất lượng thức ăn cho vật nuôi.
* Nội dung:
Bước 1: Phân loại thức ăn.
- Đặc điểm của các loại thức ăn.
- Phương pháp phân loại thức ăn.
- Thực hiện phân loại thức ăn.
Bước 2: Đánh giá chất lượng thức ăn.
- Các chỉ tiêu đành giá chất lượng thức ăn.
- Đánh giá (cảm quan: màu, mùi, vị, hình dạng, độ ẩm,…)
* Nguồn lực:
- Tranh ảnh, mô hình,băng hình về các loại thức ăn cho chăn nuôi.
- Phòng thí nghiệm.
- Máy vi tính sách tay, projecter.
- Bảo hộ lao động: ủng cao su, găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang, mũ, kính bảo hộ,…
* Cách thức tổ chức:
- Hướng dẫn ban đầu: giảng viên hướng dẫn cách xác định phương pháp phân loại thức ăn và các chỉ tiêu đáng giá chất lượng thức ăn đúng kỹthuật.
- Hướng dẫn thường xuyên: phân lớp thành từng nhóm nhỏ 3-5 sinh viên, mỗi nhóm thực hiện việc xác định phương pháp phân loại thức ăn và các chỉ tiêu đáng giá chất lượng thức ăn đúng kỹthuật. Giảng viên theo dõi việc thực hiện và sữa lỗi cho sinhviên.
* Thời gian hoàn thành: 5 giờ.
* Phương pháp đánh giá: giảng viên kiểm tra cá nhân hoặc nhóm sinh viên thực hiện việc xác định phương pháp phân loại thức ăn và các chỉ tiêu đáng giá chất lượng thức ăn đúng kỹthuật. Nhận xét đánh giá kết quả thực hiện của sinh viên.
* Kết quả và sản phẩm cần đạt được: thực hiện được xác định phương pháp phân loại thức ăn và các chỉ tiêu đáng giá chất lượng thức ăn đúng kỹthuật.
C. Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập:
Biết được cách phân loại thức ăn và đặc điểm một số loại thức ăn thường dùng trong chăn nuôi.
Thực hiện được quy trình kỹ thuật để phân biệt được các loại thức ăn dùng trong chăn nuôi.
D. Ghi nhớ:
Phân loại của thức ăn gia súc.
Đặc điểm của một số loại thức ăn thường dùng trong chăn nuôi.