Thức Ăn Và Dinh Dưỡng Trong Hệ Thống Chăn Nuôi Quảng Canh

và cs., 2008 tdt [60]). Một số giống quý chỉ tồn tại ở một số địa bàn rất hẹp như gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía [60]. Các giống gia cầm địa phương có chất lượng thịt cao, dễ nuôi nhưng tốc độ sinh trưởng rất chậm (1,3 – 1,5 kg/con với thời gian nuôi là 90 ngày), sản lượng trứng thấp (70 - 100 quả/mái/năm) [235]. Do năng suất thấp, các giống gà nội chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ theo phương thức quảng canh [49]. Vì vậy, việc sản xuất và cung cấp con giống do các hộ gia đình chăn nuôi thực hiện theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ tại địa phương [236].

Các giống gà nhập nội

Từ năm 1990, một số nông hộ đã chuyển từ phương thức chăn nuôi quảng canh sang sang phương thức chăn nuôi bán thâm canh [60]. Nhiều giống gà phù hợp với loại hình trang trại nhỏ đã được nhập khẩu và phát triển như gà Tam Hoàng, Lương Phượng, Kabir, Sasso, ISA Colour … [235]. Một số nghiên cứu về các giống gà này đã cho thấy chúng có khả năng thích nghi tốt và đã được phát triển ở Việt Nam [3]. Sử dụng các nguồn thông tin di truyền, nhiều con lai từ 2 hoặc 3 giống đã được thử nghiệm và phát triển [60]. Khả năng sinh trưởng của con lai giữa giống nội địa và giống ngoại nhập tương tự như khả năng sinh trưởng trung bình của giống bố mẹ, tuy nhiên chúng có ưu điểm là dễ chăm sóc và cho chất lượng thịt tốt hơn [60].

Ngoài ra, nhiều giống gà có sức sản xuất cao cũng đã được nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ cho hệ thống chăn nuôi thâm canh, chẳng hạn như các giống gà chuyên thịt Arbor Acress (Pháp); Ross 208, 308 và 508 (Vương Quốc Anh); Avian (Thái Lan); Lohman (Đức); Cobb, Hubbard (Mỹ); và các giống gà chuyên trứng như Leghorn (Cuba); Goldline 54, Hisex Brown (Hà Lan); Brown Nick, Hyline (Mỹ); ISA Brown (Pháp) [60], [235]. Tuy nhiên, do sự khác biệt về khí hậu, điều kiện chăn nuôi nghèo nàn và thức ăn chất lượng thấp, năng suất của các giống nhập nội khi đưa vào sản xuất ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 90% so với năng suất chuẩn của giống [60].

1.1.4. Thức ăn và dinh dưỡng cho gà

1.1.4.1. Thức ăn và dinh dưỡng trong hệ thống chăn nuôi quảng canh

Trong hệ thống chăn nuôi quảng canh, gia cầm được cho ăn bằng các loại thức ăn hạt và phụ phẩm nông nghiệp như ngô, sắn khô, khoai lang khô, tấm gạo và

cám gạo [49], [60]. Rác thải nhà bếp cũng là một trong những nguồn thức ăn cho gia cầm trong hệ thống chăn nuôi này [60], [236]. Mức độ cung cấp thức ăn bổ sung cho gia cầm ở loại hình nuôi này phụ thuộc vào tầm quan trọng của sản xuất chăn nuôi đối với hộ gia đình hay tính sẵn có của các nguồn phụ phẩm [60], [236]. Trong hệ thống chăn nuôi quảng canh, không có tiêu chuẩn về cho ăn và chăm sóc [60]. Gia cầm không bao giờ được cho ăn theo nhu cầu dinh dưỡng, do đó sức sản xuất của gia cầm trong hệ thống chăn nuôi này thường thấp [60]. Để thu được hiệu quả sản xuất cao, nông dân được khuyến khích sử dụng thức ăn đậm đặc trộn với một lượng ngô hoặc cám gạo thích hợp [60]. Tuy nhiên, giá thức ăn trộn theo công thức này thường đắt do phải sử dụng bột cá hoặc khô dầu đậu tương, vì vậy chỉ một số ít nông dân có thể thực sự trộn thức ăn theo tỉ lệ đúng [60].

1.1.4.2. Thức ăn và dinh dưỡng trong hệ thống bán thâm canh

Trong hệ thống chăn nuôi bán thâm canh, tất cả chất dinh dưỡng gia cầm cần đều được cung cấp trong thức ăn, thường ở dạng thức ăn cân bằng dinh dưỡng mua từ các công ty thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, do giá thành của thức ăn công nghiệp thường cao, các hộ chăn nuôi sử dụng các thức ăn sẵn có hoặc trộn thức ăn công nghiệp đậm đặc với các thức ăn sẵn có [180]. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng có thể tự trộn thức ăn tại chỗ để nuôi gà [180]. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề như giá thành cao của thức ăn nguyên liệu (đặc biệt là thức ăn giàu protein) và các thức ăn bổ sung [60] nên rất khó để có được khẩu phần có cân bằng dinh dưỡng tốt cho gà trong hệ thống chăn nuôi này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.

1.1.4.3. Thức ăn và dinh dưỡng trong hệ thống chăn nuôi thâm canh

Trong hệ thống chăn nuôi thâm canh công nghiệp, gà được nuôi bằng thức ăn công nghiệp cân bằng tốt về dinh dưỡng. Thức ăn công nghiệp được xây dựng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo các giai đoạn tuổi, hướng sản xuất của vật nuôi [181]. Việc xây dựng các công thức thức ăn được thực hiện dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của các nhóm gia cầm khác nhau đã được công bố ([160], [174]) và giá trị dinh dưỡng của các thức ăn nguyên liệu (chủ yếu là ngô, khô dầu đậu tương, bột thịt và bột cá). Các premix vitamin, vi khoáng; các nguồn cung cấp Ca, P; các amino acid công nghiệp cũng được sử dụng để cân đối chất dinh dưỡng trong các khẩu phần.

Ngoài ra, các chất bảo quản, chất chống mốc, một số loại thuốc phòng bệnh, … cũng được bổ sung vào trong thức ăn.

1.1.5. Tình hình chăm sóc và quản lý đàn gà

Mục đích của việc quản lý là cung cấp những điều kiện đảm bảo cho sinh trưởng tối ưu của gia cầm [23]. Việc quản lý gia cầm liên quan đến kiểm soát tình hình sức khỏe đàn gia cầm; đảm bảo chuồng trại được duy trì phù hợp cho các điều kiện ấp nở, nuôi con, sinh trưởng và đẻ trứng; đảm bảo việc tiêm phòng vaccine theo khuyến cáo và chương trình cho ăn phù hợp [81]. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, điều kiện hạn chế về chuồng trại, thức ăn, tiêm phòng vaccine, con người… là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý đàn gia cầm [81].

Ở Việt Nam, việc quản lý sức khỏe đàn gia cầm còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong hệ thống chăn nuôi quảng canh. Người nông dân đã trở nên quen với các nguy cơ dịch bệnh và khí hậu, họ ít chú ý đến việc phòng ngừa và xử lý những những mối đe dọa này [60]. Trong phương thức chăn nuôi này, nhiều loài (gà, vịt, vịt xiêm) và nhiều giống ở các độ tuổi khác nhau được nuôi cùng trong một đàn; vì vậy, việc tiêm phòng vaccine cho tất cả cá thể là rất khó khăn [60]. Các loại vaccine được đóng chai ở quy cách 1.000 liều/chai đã đưa giá vaccine lên cao là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc tiêm phòng ở quy mô chăn nuôi quảng canh [60]. Người nông dân khó biết được tình hình của đàn gà khi mà đàn gia cầm được thả rông cả ngày và chỉ được nhốt lại vào ban đêm [60]. Tỉ lệ đàn gà nuôi chăn thả tự do được tiêm phòng trong nông hộ chỉ đạt khoảng 30 - 40% tổng đàn [60].

Tình hình sức khỏe đàn gia cầm trong hệ thống chăn nuôi bán thâm canh được nông dân quan tâm hơn so với trong hệ thống chăn nuôi quảng canh [60]. Gà broiler được tiêm vaccine phòng bệnh Newcastle, đậu gà, Gumboro, … Gà giống được tiêm phòng bệnh Marek, Gumboro và các loại bệnh khác trước giai đoạn đẻ trứng [60]. Đối với hệ thống chăn nuôi thâm canh công nghiệp, với sự đầu tư lớn về kinh tế và kỹ thuật, dịch bệnh trong các trại gia cầm được quản lý theo quy trình nghiêm ngặt cho mỗi loại gia cầm [60].

1.2. Các hệ thống biểu thị giá trị dinh dưỡng trong thức ăn cho gia cầm

1.2.1. Hệ thống giá trị chất dinh dưỡng tổng số

Hệ thống phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá giá trị dinh dưỡng của thức ăn là hệ thống Weende hay phân tích gần đúng do Henneberg và Stohmann thiết lập vào giữa thế kỉ 19 tại Trạm thí nghiệm Weende, Đức [83], [140]. Hệ thống phân tích này chia thức ăn thành 6 nhóm: độ ẩm, khoáng, protein tổng số, lipid tổng số, xơ thô và dẫn xuất không nitơ [140]. Trong đó hàm lượng độ ẩm, khoáng, protein tổng số, lipid tổng số, xơ thô được xác định bằng các phương pháp phân tích

[83]. Hàm lượng ẩm được xác định là lượng mất đi khi sấy mẫu ở nhiệt độ cao (100oC, 105oC hay 130oC), sấy chân không ở 60oC, đông khô, sấy trong lò vi sóng hay chưng cất Dean-Stark đến khi có khối lượng không đổi [18], [83], [140]. Hàm lượng khoáng tổng số được xác định bằng cách nung mẫu ở 550oC – 600oC cho đến khi loại hết carbon [18], [140]. Phần còn lại sau khi nung chứa các thành phần vô cơ trong thức ăn. Tuy nhiên, phần khoáng này có thể chứa các chất có nguồn gốc hữu cơ như sulphur và phosphorus trong protein, và một số chất có thể bị bay hơi trong quá trình khoáng hóa như sodium, chloride, potassium, phosphorus và sulphur [140]. Chính vì vậy, hàm lượng khoáng không thật sự đại diện trọn vẹn cho các thành phần vô cơ trong thức ăn cả về mặt số lượng và chất lượng [140].

Trong hệ thống Weende, hàm lượng protein tổng số được tính toán từ hàm lượng nitơ trong thức ăn [83]. Lượng nitơ này được xác định bằng phương pháp Kjeldahl từ hơn 100 năm nay [140]. Trong phương pháp này, các chất hữu cơ bị phân giải bởi acid sulphuric đậm đặc để chuyển toàn bộ nitơ trong thức ăn (trừ nitơ ở dạng nitrate và nitrite) thành ammonia ở dạng sulphate [83], [140]. Hỗn hợp chất xúc tác (gồm K2SO4 và thủy ngân hoặc đồng hoặc selen) được sử dụng để tăng điểm sôi của acid [83]. Ammonia được giải phóng nhờ NaOH và được thu trong dung dịch acid chuẩn [140]. Lượng nitơ thu lại được xác định bằng cách chuẩn độ hoặc bằng phương pháp so màu tự động [83], [140]. Ngoài ra, hàm lượng nitơ trong thức ăn cũng có thể được xác định bằng các phương pháp khác, chẳng hạn như phương pháp Dumas hoặc NIRS [83]. Với giả thiết rằng nitơ chiếm 16% trong protein, protein tổng số được tính bằng cách nhân hàm lượng nitơ với hệ số 6,25

[83], [140]. Tuy nhiên, đây không phải là protein thực vì phương pháp này định lượng nitơ từ các nguồn khác nhau, bao gồm protein, các amino acid tự do, các amine và nucleic acid [140].

Lipid tổng số được xác định bằng cách chiết xuất mẫu trong dung môi hữu cơ (petroleum ether hoặc diethyl ether) trong thời gian nhất định [18], [140]. Phần còn lại sau khi loại bỏ dung môi là lipid tổng số, bao gồm lipid, các acid hữu cơ, alcohol và sắc tố [140]. Carbohydrate của thức ăn chứa 2 phần là xơ thô và dẫn xuất không nitơ [140]. Xơ thô được xác định bằng cách thủy phân phần còn lại của mẫu sau khi xác định lipid thô bằng các dung dịch acid và kiềm; phần hữu cơ còn lại chính là xơ thô [140]. Xơ thô chứa cellulose, lignin và hemicellulose; tuy nhiên, không phải tất cả các thành phần trên đều có trong thức ăn [140]. Dẫn xuất không nitơ được tính bằng cách lấy 1000 trừ đi tổng hàm lượng độ ẩm, khoáng, protein thô, lipid tổng số và xơ thô (tính bằng g/kg) [140]. Dẫn xuất không nitơ bao gồm các loại đường, fructan, tinh bột, pectin, acid hữu cơ và sắc tố [140].

Trong những năm gần đây, quy trình các phương pháp phân tích gần đúng bị nhiều nhà dinh dưỡng chỉ trích do đã cũ và không chính xác, đặc biệt là đối với phương pháp phân tích xơ thô, khoáng và tính toán hàm lượng dẫn xuất không nitơ [140], [242]. Năm 1967, Van Soest đã phát triển quy trình phân tích xơ mới bao gồm xơ không hòa tan trong môi trường trung tính (NDF) và xơ không hòa tan trong môi trường acid (ADF) [242]. NDF là phần còn lại sau khi thủy phân mẫu với dung dịch sodium lauryl sulphate và ethylenediamine tetraacetic acid (EDTA); phần này chủ yếu gồm lignin, cellulose và hemicellulose – được xem là phần chứa vách tế bào [83], [140]. ADF là phần còn lại sau khi thủy phân mẫu với acid sulphuric 0,5M và cetyltrimethyl-ammonium bromide; phần này đại diện cho lignin thô, cellulose và silic của thực vật [83], [140].

Ở động vật dạ dày đơn, thuật ngữ xơ thực phẩm thường được sử dụng. Nó bao gồm lignin và các polysaccharide không thể phân giải bằng các enzyme nội sinh ở động vật dạ dày đơn [140]. Do đó, việc phân tích hàm lượng xơ thực phẩm trong phòng thí nghiệm là rất khó; thay vào đó, thuật ngữ polysaccharide phi tinh bột (NSP) được chấp nhận [140]. Ở hầu hết các loại thức ăn, NSP cùng với lignin được xem là đại diện cho các thành phần chính của vách tế bào [140].

Cùng với sự phát triển của khoa học dinh dưỡng, nhiều phương pháp phân tích mới đã được phát triển nhằm đánh giá chính xác và cụ thể hơn thành phần các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Đối với động vật dạ dày đơn, thành phần các amino acid, các acid béo có ý nghĩa hơn so với giá trị protein thô, lipid thô trong xây dựng khẩu phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi [83]. Do đó, các kỹ thuật sắc ký khí- lỏng, sắc ký hiệu năng cao, sắc ký trao đổi ion, sắc ký pha đảo ... đã được sử dụng để định lượng các amino acid, các acid béo [140]. Các nguyên tố khoáng trong thức ăn cũng có thể được định lượng thông qua phương pháp quang phổ hấp phụ nguyên tử [83]. Năng lượng thô được định lượng bằng thiết bị bomb calorimeter [83]. Tuy nhiên, các chất dinh dưỡng tổng số chỉ phản ánh giá trị tiềm năng của thức ăn; một phần chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ không được tiêu hóa và bị đào thải ra ngoài [163]. Chính vì vậy, các hệ thống năng lượng và chất dinh dưỡng tiêu hóa đã được xây dựng và phát triển nhằm biểu thị chính xác hơn giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

1.2.2. Hệ thống năng lượng

Giá trị năng lượng trong thức ăn có thể được biểu thị ở 4 dạng, bao gồm năng lượng thô (GE), năng lượng tiêu hóa (DE), năng lượng trao đổi (ME) và năng lượng thuần (NE) .

1.2.2.1. Năng lượng thô (GE)

Năng lượng thô của thức ăn là năng lượng sinh ra ở dạng nhiệt khi đốt cháy hoàn toàn một đơn vị khối lượng thức ăn thành CO2 và H2O [160]. Yếu tố quyết định đầu tiên đối với hàm lượng năng lượng thô của một chất hữu cơ là mức độ oxy hóa của chất đó, được thể hiện thông qua tỉ lệ C và H với O [140]. Mặc dù giá trị năng lượng thô của thức ăn phụ thuộc vào thành phần hóa học của chúng nhưng không thể dự đoán hiệu quả chuyển hóa năng lượng nếu chỉ dựa vào giá trị năng lượng thô [68]. Thông thường, giá trị năng lượng thô không có ý nghĩa trong sản xuất chăn nuôi do không tính đến phần năng lượng thất thoát trong quá trình tiêu hóa, hấp thu và trao đổi chất [140], [68].

1.2.2.2. Năng lượng tiêu hóa (DE)

Không phải tất cả năng lượng thô đều được cơ thể động vật sử dụng. Một

phần năng lượng bị mất đi dưới dạng các chất bài tiết. Năng lượng tiêu hoá biểu kiến (ADE) là năng lượng của tổng các chất hữu cơ tiêu hoá, được tính bằng phần còn lại sau khi đem năng lượng thô của thức ăn ăn vào (GE) trừ đi năng lượng thô trong phân thải ra (FE) [161]. Năng lượng thô trong phân (FE) bao gồm năng lượng của phần thức ăn không được tiêu hóa (FEf) và các sản phẩm trao đổi chất của cơ thể (FEm) như các dịch tiêu hóa, biểu bì ruột bị bong ra. FEm là năng lượng hao phí trong hoạt động duy trì của cơ thể, không phụ thuộc vào thức ăn. Năng lượng tiêu hóa đúng (TDE) là phần năng lượng còn lại sau khi lấy năng lượng thô của thức ăn (GE) trừ đi năng lượng phân nguồn gốc thức ăn (FEf). Vì vậy, ADE luôn thấp hơn GE và TDE. Tuy nhiên, đối với những loại thức ăn được tiêu hóa và hấp thu hoàn toàn như dextrose và dầu ngô, TDE = GE do FEm = 0 [212].

Đối với gia cầm, phân và nước tiểu được thải ra đồng thời, do đó rất khó để

xác định các giá trị năng lượng tiêu hóa biểu kiến (ADE) hay năng lượng tiêu hóa đúng (TDE) của thức ăn, ... Để khắc phục nhược điểm này, gia cầm được phẫu thuật làm hậu môn giả, tuy nhiên cho đến nay vẫn rất ít số liệu có giá trị được công bố. Phân tích hóa học uric acid trong chất thải gia cầm (phân và nước tiểu) cho phép ước tính giá trị ADE nhưng phương pháp này cho sai số rất cao [212]. Chính vì vậy, các giá trị DE không được sử dụng trong thiết lập khẩu phần cho gia cầm [160].

1.2.2.3. Năng lượng trao đổi (ME)

Năng lượng trao đổi biểu kiến (AME) là phần năng lượng còn lại sau khi lấy năng lượng tiêu hóa trừ đi năng lượng trong nước tiểu (UE) và các sản phẩm khí thải từ quá trình tiêu hóa [161]. Ở một số loài động vật, đặc biệt là ở các động vật nhai lại, năng lượng khí giải phóng từ quá trình lên men do vi sinh vật ở ống tiêu hóa là đáng kể [212]. Tuy nhiên, ở gia cầm, năng lượng khí là rất thấp và thường được bỏ qua [212].

Tương tự như năng lượng trong phân, năng lượng trong nước tiểu (UE) bao gồm năng lượng trong các hợp chất hấp thu từ ống tiêu hóa và bài tiết trong nước tiểu (UEf) và năng lượng nội sinh trong các sản phẩm của quá trình dị hóa ở mô bào (UEe) [212]. UEe là năng lượng hao phí trong hoạt động duy trì của cơ thể [212]. Đối với gia cầm, năng lượng trao đổi đúng (TME) là phần năng lượng còn lại sau khi lấy năng lượng thô của thức ăn (GE) trừ đi phần năng lượng đào thải có nguồn

gốc từ thức ăn (FEf + UEf) [160], [212]. Mối quan hệ giữa AME, TME và lượng ăn vào (FI) được thể hiện ở hình 1.1. Mối quan hệ này đã được Jonsson và McNab công bố từ năm 1983 (tdt [135]).

Hình 1 1 Mối quan hệ giữa AME TME và lượng ăn vào Nguồn Jonsson và McNab 1983 1

Hình 1.1. Mối quan hệ giữa AME, TME và lượng ăn vào

(Nguồn: Jonsson và McNab, 1983 tdt [135])

1.2.2.4. Năng lượng thuần (NE)

Năng lượng thuần là phần năng lượng còn lại sau khi lấy năng lượng trao đổi đúng trừ đi năng lượng nhiệt (nhiệt sinh ra trong quá trình lên men, tiêu hoá, hấp thu, hình thành sản phẩm, hình thành và bài tiết chất thải mà không được sử dụng cho mục đích duy trì thân nhiệt): NE = TME – HI [161]. Đây là năng lượng năng lượng sẵn có dùng cho duy trì chức năng của cơ thể (NEm) và năng lượng tạo nên các sản phẩm (NEp) như thịt, trứng, lông, ... [161]. Năng lượng thuần có thể chỉ bao gồm năng lượng sử dụng cho duy trì chức năng của cơ thể (NEm) hoặc năng lượng dùng cho duy trì và sản xuất (NEm+p) [160]. Do sự sai khác về hiệu suất sử dụng năng lượng thuần cho chức năng duy trì hoặc cho các chức năng sản xuất nên không có giá trị NE tuyệt đối cho mỗi loại thức ăn [160]. Vì vậy, năng lượng sản xuất, một đơn vị phổ biến xác định giá trị năng lượng sẵn có, rất ít khi được sử dụng [160].

Các dạng năng lượng và tỷ lệ giữa các dạng năng lượng của thức ăn trong cơ thể gia cầm được Smith (1993) thể hiện ở sơ đồ 1.1.

Xem tất cả 166 trang.

Ngày đăng: 02/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí