Đeo bám khách hay chiến lược sinh tồn của nhóm người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu dưới góc nhìn văn hóa - 2

chung là luôn đi tìm phương án làm sao để dẹp bỏ vấn nạn đeo bám khách hoặc đổ lỗi chủ quan cho chính những người bán rong, coi đó là những tồn tại của xã hội cần dẹp bỏ.

Song, trong “Vấn đề người bán hàng rong trên các đường phố Hà Nội” tác giả Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái (Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội, 2010) có nêu lên quan điểm về hiện tượng này: “Bán hàng rong đã trở nên thân thuộc đến mức nó không đơn thuần được nhìn nhận từ góc độ kinh tế, mà còn được xem như một nét văn hóa đặc sắc phản ánh cuộc sống thường nhật của các dân tộc trên thế giới”. Ở vấn đề này tác giả cũng đã đi sâu nghiên cứu đời sống của người bán hàng rong và lý giải một số nguyên nhân dẫn đến hành vi đeo bám khách của họ trên đường phố Hà Nội, trong đó có phân tích về những bất cập trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến hoạt động này. Nghiên cứu cũng phác họa ra được thực hành bán hàng rong trên các đường phố là đáp ứng nhu cầu công việc của một bộ phận lớn số dân ở nông thôn ra thành thị mưu sinh, ngoài vai trò kinh tế thì hoạt động đó còn có vai trò rất lớn như “nét văn hóa đặc sắc”

Tác giả Nguyễn Thị Anh Thư (Trung tâm nghiên cứu về Phụ nữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) trong bài đăng trên tạp chí Tâm lý học, số 4 (2009) với tiêu đề: “Tâm trạng lo lắng của người bán hàng rong” lại khắc họa rất sâu sắc về những trăn trở, lo lắng cho cuộc sống của một bộ phận dân cư thực hành nghề bán hàng rong, từ đó tác giả cũng chỉ ra một số bất cập trong việc thực hiện các chính sách cấm bán hàng rong.

Trên một bài báo đã được website: vietnamnet.vn, 2008 nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có viết về chủ đề này với tiêu đề: “Cấm bán hàng rong – phép trừ không đơn giản”, trong đó ông nhấn mạnh: “Khi nghe tin sẽ cấm bán hàng rong tôi cảm thấy có một cái gì đó bất ổn. Một sự bất ổn ở đâu đấy trong lòng mặc dù tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở thành phố. Với tôi, hình ảnh của những người bán hàng rong với đôi quang gánh hoặc với một chiếc xe đạp thô

sơ cùng với những điều giản dị khác đã làm lên một phần trong vị đô thị Việt Nam” (http://vietnamnet.vn, 6/01/2008) . Trong nhận định này, tác giả đã nêu ra được rất nhiều yếu tố nhân văn khi nhìn nhận thực tế, những người bán hàng rong họ rong ruổi bán hàng trên đường phố không những không làm mất đi hình ảnh đẹp, không tác động đến mỹ quan đô thị mà việc họ “lang thang bán hàng” còn thể hiện một nét văn hóa rất riêng biệt. Ngay từ tiêu đề của bài báo, người đọc cũng đã thấy ngay được những bất cập, những lộn xộn trong vấn đề này.

Cũng trong một bài phỏng vấn của báo Đất Việt được đăng tải vào ngày 17/7/2015, ông Nguyễn Văn Mỹ Chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt đã nói “khách du lịch một đi không trở lại – đừng đổ lỗi cho dân” vì theo ông: “tất cả những vấn đề tồn tại hiện nay nên nhìn từ trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất. Liệu các vị đã thấy vấn đề chưa?”... Qua bài trả lời phỏng vấn của ông - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch đã phần nào thể hiện được tiếng nói của chính những người “đeo bám khách”, bởi theo quan điểm của ông thì đổ lỗi mất khách do những người bán hàng rong chèo kéo, đeo bám khách hoàn toàn là không đúng, trách nhiệm ấy phải thuộc về rất nhiều người, trong đó nhấn mạnh yếu tố quản lý.

Có một số nghiên cứu liên quan đến cuộc sống của những người bán hàng rong một cách chung chung như khảo sát của nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tp. HCM về “Tình hình buôn bán hàng rong tại quận 10, tp. HCM ”, hay trong công trình dự thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên trường Đại học ngoại thương Hà Nội năm 2010 nghiên cứu về thực trạng và giải pháp cho hoạt động bán hàng rong ở Hà Nội hiện nay… Các nghiên cứu nêu trên cũng có nhấn mạnh đến một số tác động của xã hội lên cuộc sống của chính những người bán hàng rong, tuy vậy vẫn chỉ dừng lại ở việc mô tả hiện tượng, chưa đi sâu nghiên cứu tâm thế hành vi của con người đối với các hoạt động của họ.

Hầu hết các bài viết liên quan đến bán hàng rong người ta thường hay gắn

nó với thực hành văn hóa “đeo bám” khách, vì vậy hiện tượng “đeo bám” khách của những người bán hàng rong trên cả nước đang trở thành vấn đề được quan tâm của rất nhiều đối tượng, từ các cấp quản lý, truyền thông, du khách và bản thân những người nằm trong nhóm đối tượng này khi nền kinh tế Du lịch đang hết sức được chú trọng.

BR – VT là một địa phương nằm trong số các điểm du lịch mà hiện tượng “đeo bám khách” được phản ánh trên vô số các mặt báo và truyền thông. Trên các phương tiện truyền thông hiện nay, sự xuất hiện của các thông tin cảnh báo, phê phán hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách rất phổ biến. Nội dung của các thông tin đó chủ yếu xoáy sâu vào việc phê phán, coi việc đeo bám là ý thức của con người, gán cho họ những lời nói mang tính chất lên án, chê bai, phê phán (đó là bài: Người bán hàng rong và những phóng viên đạo đức giả trên website: http://plus.google.com đăng ngày 27 tháng 7 năm 2015, Mất mặt với nạn hàng rong bám khách trên website: http://vietnamnet.vn đăng ngày 10 tháng 5 năm 2013, bài Dẹp bỏ hàng rong đeo bám khách trên trang www.nhandan.org.vn đăng ngày 13 tháng 8 năm 2012, bài Ngăn chặn cách hành xử xấu với du khách trên báo Du lịch Việt Nam đăng ngày 9 tháng 5 năm 2013 và bài Cần dẹp nạn đeo bám làm phiền du khách trên báo Thanh niên đăng ngày 8 tháng 1 năm 2016…)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 90 trang tài liệu này.

Nghiên cứu về hiện tượng “đeo bám” khách của những người bán hàng rong dưới góc độ tiếp cận văn hóa, coi hiện tượng “đeo bám” khách là chiến lược mưu sinh của con người, đó là việc thực hành văn hóa thường ngày để đáp ứng nhu cầu kiếm sống của một nhóm người yếu thế trong xã hội thì gần như chưa có công trình cụ thể nào, nghiên cứu cụ thể nào, đặc biệt trên địa bàn tỉnh BR – VT, khi đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm và được coi là vấn đề “nóng” ở Bãi Sau, Vũng Tàu.

Vì vậy, với vai trò của nhà nghiên cứu, tôi mạnh dạn nghiên cứu hiện tượng “đeo bám” khách dưới góc nhìn văn hóa, coi đó như một chiến lược sinh tồn của

Đeo bám khách hay chiến lược sinh tồn của nhóm người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu dưới góc nhìn văn hóa - 2

nhóm người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu. Đề tài mong muốn bước đầu đưa ra được một số nhìn nhận khác về hiện tượng này, góp phần giúp các nhà làm chính sách cũng như dư luận có cách nhìn rộng mở hơn, nhân văn hơn về hiện tượng nêu trên.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích cơ bản của nghiên cứu là lý giải một thực hành hàng ngày – “đeo bám” khách du lịch - của những người bình thường trong bối cảnh phát triển du lịch ở Vũng Tàu. Thông qua nhóm người bán hàng rong và thực hành “đeo bám” khách của họ, nghiên cứu sẽ chỉ ra được những biến động cơ bản của xã hội Việt Nam, phản ánh những khía cạnh văn hóa, xã hội của một nhóm người “yếu thế” trong xã hội đương thời.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn sẽ chỉ ra thực trạng “đeo bám” khách tại khu du lịch Vũng Tàu, đồng thời xác định các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “đeo bám” khách dưới góc nhìn văn hóa. Dựa trên quan điểm lý thuyết về thực hành văn hóa hàng ngày, về chiến lược sinh tồn của những người yếu thế trong xã hội, thông qua phỏng vấn sâu, luận văn đi sâu tìm hiểu lý do tại sao nhóm người bán hàng rong lại lựa chọn cách “đeo bám” khách, cũng như phân tích hiện tượng này phản ánh những khía cạnh gì về kinh tế, văn hóa, xã hội trong đời sống của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài xác định đối tượng nghiên cứu chính là những người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: luận văn xác định phạm vi nghiên cứu nằm trong địa bàn tỉnh BR – VT, cụ thể tại khu du lịch Bãi Sau – thành phố Vũng Tàu.

- Về thời gian: nghiên cứu hiện tượng “đeo bám” khách đang diễn ra của nhóm người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu hiện nay (thời gian thực hiện luận văn từ tháng 3/2016 đến tháng 7/2016).

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn lựa chọn sử dụng phương pháp định tính để nghiên cứu vấn đề “đeo bám” khách của những người bán hàng rong tại Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu, trong đó nghiên cứu sẽ lựa chọn thao tác chính bao gồm:

- Điền dã dân tộc học

- Phỏng vấn sâu

- Phân tích văn bản

5.1. Điền dã dân tộc học

Đây là phương pháp đầu tiên tôi thực hiện khi bắt đầu manh nha cho nghiên cứu của mình. Mặc dù cần rất nhiều sự hỗ trợ của các thao tác liên quan, tuy vậy phương pháp điền dã dân tộc học đã giúp tôi có một thời gian dài tiếp xúc, gần gũi với đối tượng nghiên cứu. Thông qua cách thực hiện này tôi có cơ hội tạo mối quan hệ thân thiết hơn, nói cách khác, tôi ít nhiều tạo được độ tin cậy đối với đối tượng nghiên cứu của mình. Khi thực hiện điền dã dân tộc học, tiếp xúc với những người “đeo bám” khách điều đầu tiên tôi thể hiện là tôn trọng họ, thông cảm với họ và vì vậy tôi có cơ hội để thực hiện phỏng vấn sâu một cách thoải mái hơn.

Tôi bắt đầu thực hiện phương pháp này giống như một vị khách đi du lịch tới đây và tổng quát mọi hoạt động ở khu vực này, từ việc quan sát tôi có điều kiện nhận biết được những dấu hiệu và một số hành vi cơ bản của hoạt động “đeo bám khách”.

Trong những buổi đầu tiên tôi đến đây như đi du lịch, tôi rong ruổi khắp bãi biển và bắt đầu tham dự như những vị khách đang bị “đeo bám”, sau đó tôi tìm cách hòa nhịp với một vài người bán hàng, xin phép đi cùng họ, được đi theo họ cho đến khi họ gặp khách và bán được hàng, cứ như vậy tôi kết thân với một số

người và nói rõ lý do cần tìm hiểu nghiên cứu của mình.

5.2. Phỏng vấn sâu

Đây là thao tác chính mà tôi sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài, đặc biệt là quá trình tham gia trò chuyện, phỏng vấn đối tượng là những người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau. Phương pháp phỏng vấn sâu chủ yếu là phỏng vấn bán cấu trúc (tôi có chuẩn bị sẵn một số câu hỏi, nhưng cho phép cuộc hội thoại có thể tiếp tục mở theo nội dung trò chuyện). Việc phỏng vấn sâu những người bán hàng rong “đeo bám” khách nhằm tìm hiểu nguyên nhân ẩn sâu bên trong của họ về sự lựa chọn nghề nghiệp đang bị xã hội lên án. Tuy nhiên, hầu hết những người tôi phỏng vấn đều ngần ngại trả lời khi tôi hỏi các vấn đề liên quan đến chính sách và hậu quả mỗi khi bị trật tự đô thị hay công anbắt.

Tư liệu thực tế cho nghiên cứu này đến từ việc tôi khảo sát 50 người bán hàng rong và phỏng vấn sâu 15 người, trong đó phỏng vấn sâu 7 người bán hàng rong, 3 cán bộ quản lý và 5 vị khách du lịch. Với phương pháp “trái bóng lăn” (snow ball) – bắt đầu từ một thông tín viên chính và nhờ người đó giới thiệu với người khác, tôi tiến hành nghiên cứu bằng việc liên hệ với một phụ huynh học sinh của mình, đồng thời là người bán hàng rong lâu năm ở Bãi Sau, quan sát cách chị bán hàng và thực hiện hỏi chị với các câu hỏi gần gũi nhất mang tính chia sẻ. Sau đó tôi nhờ chị liên hệ với một số người cùng bán hàng rong lâu năm tại đây. Tôi tiếp tục quan sát, làm quen và thực hiện phỏng vấn từng đối tượng, trong đó có phụ nữ, có trẻ em và có cả người già. Tôi ưu tiên phỏng vấn sâu vào những ngày cuối tuần vì đó là thời điểm tập trung đông khách nhất trong tuần, chính vì vậy hoạt động “đeo bám” của nhóm người bán hàng rong cũng xuất hiện nhiều hơn, thuận lợi cho việc chọn lựa đối tượng phỏng vấn.

Sau khi phỏng vấn những người trực tiếp thực hành “đeo bám”, tôi tiếp tục phỏng vấn một số lãnh đạo địa phương và khách du lịch để cố gắng khám phá những góc nhìn khác nhau về hiện tượng này. Với những nhà quản lý địa phương, tôi hiểu được một số chính sách, định hướng phát triển của ngành du

lịch, thông qua đó nắm được những giá trị văn hóa mà chính sách xã hội thực hiện đối với những người bán hàng rong và hoạt động đeo bám khách của họ. Với khách du lịch, tôi tiếp xúc khá dễ dàng và họ thoải mái trả lời theo suy nghĩ và quan sát của họ. Một nhóm đối tượng tôi mất khá nhiều khó khăn để gặp đó là những nhà quản lý về Du lịch, trật tự đô thị, công an… Tuy vậy, tôi cũng đã cố gắng gặp được và tiến hành phỏng vấn được một vài nhà quản lý, những người làm chính sách cho hoạt động kinh tế du lịch tại địa phương. Khi phỏng vấn, tôi cố gắng dùng máy ghi âm khi được cho phép, còn khi không thể ghi âm, tôi cố gắng ghi chép thật nhanh những câu trả lời qua cuộc trò chuyện trao đổi với họ, tôi chuẩn bị trước các câu hỏi, tuy vậy trong quá trình hỏi và trả lời vẫn có một số câu hỏi và câu trả lời nằm ngoài các câu đã chuẩn bị.

5.3. Phân tích văn bản (tài liệu thứcấp)

Sử dụng thao tác này nghiên cứu tập trung phân tích một số các bài phỏng vấn được đăng lên các báo, tạp chí của những người làm chính sách về kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh BR – VT, đồng thời phân tích các kết quả điều tra trong quá trình thực địa. Trong đó bao gồm cả những nội dung thông tin trên các báo, phương tiện truyền thông nhằm phản ánh hiện tượng này. Trong quá trình phân tích văn bản, Luận văn tập trung đi sâu phân tích một số bài báo đã được đăng tải, từ đó có cơ sở bổ sung thêm một số nhận định về hiện tượng “đeo bám” khách của những người bán hàng rong dưới góc nhìn khác nhau.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

Ý nghĩa lý luận: luận văn là một nghiên cứu về thực hành hàng ngày của một nhóm những người dân thường, từ đó khám phá những động năng của xã hội Việt Nam thời kỳ mở cửa, hội nhập.

Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn sẽ là công trình nghiên cứu dưới một khía cạnh đi sâu vào tâm lý của đối tượng nghiên cứu giúp các nhà hoạch định chính sách và công chúng có thêm một góc nhìn của những người trong cuộc về hiện tượng “đeo bám” khách, từ đó đưa ra những định hướng chính sách phù hợp với

thực tiễn cuộcsống.

7. Cơ cấu của luậnvăn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của Luận văn gồm 03 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu

Chương 2: Thực hành “đeo bám” khách của nhóm người bán hàng rong tại khu du lịch Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu.

Chương 3: “Đeo bám khách” – chiến lược sinh tồn và những vấn đề đặt ra.

Xem tất cả 90 trang.

Ngày đăng: 07/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí