Đề tài lịch sử và cách mạng trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng - 5


Như một sự sắp đặt số phận, những sáng tác văn xuôi đầu tiên Đêm hội Long Trì (1942); An Tư (1943) và sáng tác cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng (tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô) đều viết về đề tài lịch sử, về Thăng Long, Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Tuân trong lời bạt cuốn Sống mãi với Thủ đô đã có cảm nhận rất tinh tế: “Đọc lại những tiểu thuyết lịch sử, kể cả Sống mãi với Thủ đô, người đọc vẫn cảm thấy gây gây mùi khói vấn vương ngàn năm Thăng Long chốn cũ”[10;23]. Ngay nhan đề, tên gọi của những đứa con tinh thần: Đêm hội Long Trì; An Tư; Sống mãi với Thủ đô; Lũy hoa đã rất gợi, bộc lộ cảm xúc thăng hoa của trái tim nghệ sĩ nơi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Minh Châu đã từng bị lôi cuốn bởi các sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng vì theo ông: “Những cái tên sách gợi lên hình ảnh một cái đài tưởng niệm bằng ngôn ngữ, một vòng nguyệt quế từ bàn tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt lên trán những trai thanh, gái lịch của Hà Nội rất giầu lòng yêu nước”[23].

Nguyễn Huy Tưởng đã ký thác tâm trạng người nghệ sĩ qua các tác phẩm về đề tài lịch sử, đó thực sự là lời mời gọi độc giả đến với sáng tác của ông. Nguyễn Huy Tưởng không săn đuổi đề tài theo quan điểm phục cổ, sùng bái và thêu dệt quá khứ. Trong các tiểu thuyết lịch sử của mình, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ muốn diễn đạt tri thức của ông về lịch sử, đưa người đọc ngược về với thời gian, với quá khứ mà điều quan trọng hơn là muốn gieo vào lòng họ những câu hỏi, đặt ra các vấn đề đối thoại trong sáng tác để mọi người cùng nghiền ngẫm và liên tưởng, tìm mối thông cảm với những con người trong câu chuyện xưa, nay chỉ còn lại những dòng chữ khắc trên bia đá hay được ghi vài dòng trong chính sử. Sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng từ những tiểu thuyết lịch sử thời tiền chiến đến tác phẩm Sống mãi với Thủ đô (Tập I) khai sinh từ cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp vào mùa đông năm 1986, của người Hà Nội, đã đưa Nguyễn Huy Tưởng lên địa vị người viết tiểu


thuyết lịch sử hàng đầu của nền văn học mới và là “Nhà viết sử bằng văn chương” xuất sắc nhất trong lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Những nhà nghiên cứu văn học quan tâm tới đề tài lịch sử, tới tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng trước Cách mạng tháng Tám đều nhất trí cho rằng khuynh hướng lãng mạn của Nguyễn Huy Tưởng mang nhiều nhân tố tích cực, tiến bộ so với các cây bút viết về đề tài lịch sử đương thời như Phan Trần Chúc, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật…Với cảm quan lịch sử nhạy bén, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện lịch sử theo lối riêng của mình, khai thác những sự kiện nằm ở khúc quanh của lịch sử, trong thời điểm xảy ra các biến cố dữ dội đầy sóng gió, thác ghềnh với con người và đất nước. Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì viết về thời điểm nhân dân oán ghét đến tột độ bọn quý tộc phong kiến Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Đặng Mậu Lân. An Tư viết về giai đoạn nhà Trần chuẩn bị lực lượng chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược. Các tác phẩm dựa trên một cốt truyện gọn, chứa xung đột dữ dội, kịch tính gay gắt, hành động quyết liệt trong một bối cảnh lịch sử hoành tráng. Lý tưởng và mạch ngầm trong tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng đã hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc ẩn sâu trong tâm linh người Việt qua các thời đại.

Một trong những vấn đề lịch sử quan trọng nhất mà Nguyễn Huy Tưởng trân trọng say mê, đó là truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng viết Cột đồng Mã viện và tiểu thuyết An Tư dựa trên hai hiện tượng lịch sử tuy không lớn nhưng là hai chuyện xót xa trong những năm đất nước bị xâm lược.

Cột đồng Mã Viện với lời răn đe láo xược của kẻ thù “Đồng trụ chiết, giao chỉ tiệt” là nỗi nhục cho mỗi người dân Việt. Vở kịch này được xây dựng xoay quanh việc những người dân yêu nước quyết tâm phá đổ cột đồng bất chấp mọi sự ngăn cản, đe dọa của kẻ thù. Nhiều người bị bắt, cột đồng tuy không nhổ được nhưng lại được xóa đi theo một sáng kiến khác: Chiếc cột


đồng ngày càng ngắn lại và sẽ mất đi. Viên gạch, cục đá mà mỗi người dân ném vào chân cột không phải với ý thức lo ngại sao cho cột đồng khỏi đổ, mà trở thành biện pháp lặng lẽ tối ưu hiệu quả để chôn vùi nó: Cột đồng Mã Viện là tác phẩm chứa đựng nhiều tư tưởng tích cực, đặc biệt là lòng yêu thương đất nước và căm giận kẻ thù xâm lược. Tình cảm gia đình, bạn hữu đều được xây dựng trên cơ sở lý tưởng và mục đích chung. Tuy nhiên vì cốt truyện kịch bó vào một vấn đề chật hẹp nên tác phẩm không thể triển khai được. Xung đột kịch đơn giản, những lực lượng đối lập không có sự đối đầu rõ rệt nên kịch tính không sâu sắc, nhân vật chưa rõ nét.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

Nhưng với tiểu thuyết An Tư, Nguyễn Huy Tưởng có điều kiện đi sâu vào những vấn đề phong phú của lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến đấu thắng lợi chống quân Nguyên. Giặc Nguyên từ phương Bắc tràn tới chiếm Nam Quan, cướp ải Chi Lăng, chiếm Bắc Giang. Thế giặc như nước lũ không thể một lúc chặn đứng được. Chúng đã tàn phá, giết chóc, gieo rắc bao thảm họa. Tướng giặc đòi cống nạp công chúa An Tư, nếu không chúng sẽ tàn sát hàng vạn binh lính đang rơi vào tay chúng. Câu chuyện An Tư cảm động gợi nhiều tủi nhục của cảnh ngộ đất nước bị xâm lược và đặc biệt xót xa cho thân phận người con gái phải bị cống cho kẻ thù man rợ. Viết An Tư, Nguyễn Huy Tưởng muốn nói nhiều hơn đến vận mệnh của một dân tộc trong cơn sóng gió kinh hoàng của lịch sử. Chính trong thời điểm tưởng như con thuyền sẽ bị chìm đắm, lại bộc lộ rõ những sức mạnh, hiệp đồng muôn người như một của dân tộc.

Những sự kiện lịch sử lớn lao đã được Nguyễn Huy Tưởng làm sống dậy, rất chân thực, hào hùng trong tác phẩm của mình. Có thể nói chất sử thi đã nảy nở trong cảm hứng lịch sử sâu sắc về đất nước trong những giờ phút trọng đại, với những trang viết nhiều khói lửa về một dân tộc anh hùng. Qua An Tư, Nguyễn Huy Tưởng đã bắt được cái chất bi tráng của một thời đại lịch sử thấm sâu trong số phận nhiều người. Ông tránh được cách nhìn sơ lược đối với những

Đề tài lịch sử và cách mạng trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng - 5


vấn đề lịch sử phức tạp. Ngay trong mảng miêu tả về kẻ thù, ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng cũng sắc sảo, mạnh mẽ…Tiểu thuyết lịch sử An Tư tuy kết thúc bằng cái chết của một vài nhân vật, nhưng nỗi buồn riêng không hạn chế được cảm hứng phấn chấn trong niềm vui thắng trận của toàn dân tộc.

Qua Đêm hội Long Trì; Vũ Như Tô; Cột đồng Mã Viện; An Tư …Có thể nói toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng ở thời kỳ trước cách mạng tháng Tám dành cho đề tài lịch sử. Nguyễn Huy Tưởng không khai thác lịch sử theo quan điểm phục cổ, sùng bái và thêu dệt quá khứ. Ông tìm hiểu và thể hiện lịch sử theo quan điểm tiến bộ. Những sự kiện và tình huống lịch sử được khai thác theo những yêu cầu tư tưởng tích cực. Phê phán bản chất xấu xa, tàn ác và dâm loạn của bọn vua quan phong kiến (Đêm hội Long Trì), xác định rõ thái độ đúng đắn của nghệ sỹ trước thời cuộc (Vũ Như Tô) và ca ngợi tinh thần yêu nước đấu tranh trong truyền thống của dân tộc (Cột đồng Mã Viện; An Tư) là những chủ đề lớn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng. Tác giả trung thành với lịch sử từ quy luật vận động đến những sự kiện lịch sử quan trọng, từ bản chất của những nhân vật lịch sử đến cách đánh giá lịch sử theo quan điểm của quần chúng lao động. Tạo được sự phù hợp giữa cơ sở khách quan của lịch sử với ý đồ sáng tạo chủ quan là điểm mấu chốt quyết định sự thành công của Nguyễn Huy Tưởng. Tác giả đã mạnh dạn sáng tạo những nhân vật lịch sử ít ràng buộc với những sự kiện cụ thể nhưng lại có khả năng trở thành những tính cách phong phú, đa dạng ( nhân vật Đan Thiềm, Vũ Như Tô, An Tư…). Hiện thực khách quan của lịch sử sẽ trở thành tư liệu khô khan nếu không được đốt cháy từ bên trong bằng nhiệt tình say mê của người nghệ sỹ. Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện nhiều nhân vật lịch sử như chính đó là con đẻ tinh thần của tác giả.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng ghi lại những cảm xúc ban đầu về khung cảnh đất nước đang trỗi dậy và hồi sinh. Tác giả


hân hoan đón chào cách mạng, đón chào ngày hội lớn của non sông. Cảm hứng công dân càng được nhân lên nồng nàn trong ý thức trách nhiệm, và thời gian này Nguyễn Huy Tưởng được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Tất cả đã tạo cho Nguyễn Huy Tưởng một sức sáng tạo mới. Lời kể chuyện của đồng chí Trần Đăng Ninh đã khơi dậy và làm bùng cháy lên ở Nguyễn Huy Tưởng cảm hứng về một đề tài cách mạng. Tác giả viết Bắc Sơn - vở kịch rất thành công và được xem là bước ngoặt cho sân khấu cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chưa lùi sâu vào quá khứ. Những nguời tham gia Bắc Sơn khởi nghĩa là những người cùng thời. Có thể vẫn những cánh tay ấy lại cắm lá cờ đỏ sao vàng trên quê hương được giải phóng trong ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Kịch Bắc Sơn gần với sự thật đời sống và có không khí lịch sử.

Nguyễn Huy Tưởng có ý thức tôn trọng những sự thực lịch sử nhưng về cơ bản Bắc Sơn là vở kịch hiện đại. Cảm hứng lịch sử chan hòa với không khí cách mạng sôi nổi của quần chúng lao động ở Bắc Sơn. Kịch Bắc Sơn đã vận dụng kết hợp giữa hai bút pháp hiện thực và lãng mạn cách mạng, hai không khí nghệ thuật lịch sử và hiện đại, hai khung cảnh gia đình và xã hội, hai màu sắc sinh hoạt miền ngược và miền xuôi. Người viết đã góp phần trực tiếp cho các nhân vật niềm tin và sự say mê trong các tình huống kịch. Với những nỗ lực sáng tạo, Bắc Sơn được dư luận báo chí đặc biệt hoan nghênh: “Bắc Sơn là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước đến nay”.

Từ đây, Nguyễn Huy Tưởng gắn liền ngòi bút trách nhiệm và giàu tin cậy của mình với từng bước chuyển của cách mạng. Ông mở rộng cảm hứng để đón chào những sự kiện lớn lao của dân tộc: Hà Nội trong những ngày khói lửa chiến tranh…Chiến dịch biên giới thắng lợi với những viễn cảnh lớn của cuộc kháng chiến trường kỳ, công cuộc cải cách ruộng đất, những năm đầu xây dựng hòa bình…Những giai đoạn cách mạng và những sự kiện lịch


sử trên đã thu hút Nguyễn Huy Tưởng. Theo dòng thời sự, những trang viết của Nguyễn Huy Tưởng đến thẳng với từng sự kiện chính trị xã hội. Từ một cây bút chuyên viết về lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng trở thành nhà văn thời sự trong ý nghĩa chân chính nhất của thuật ngữ này.

Thiên hướng và sở trường của ông là những tác phẩm dài hơi, những công trình có tính chất quy mô đồ sộ. Trên những trang nhật kí của mình, có lần Nguyễn Huy Tưởng nói lên những mong ước mà tác giả cảm thấy có phần cao xa: “Tôi toàn mơ mộng những cái lớn: anh hùng ca, kịch liên hồi, tiểu thuyết tràng giang đại hải”. Những mơ mộng ấy sẽ là phương hướng sáng tác và một phần đã trở thành sự thật.

Nguyễn Huy Tưởng cảm nhận sâu sắc chất anh hùng ca của cách mạng thấm sâu trong toàn bộ lịch sử của thời kì hiện đại, qua chiến công lớn lao ở chiến trường cũng như hậu phương. Ông ao ước “Khi nào đó, phải có những tác giả dựng được cuộc kháng chiến từ Nam chí Bắc thành những bộ, những pho sử thi biên niên, trong đó mỗi địa phương, mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ, mỗi vị tướng cầm quân trở thành một tập thể của đất nước, và con người anh hùng đậm nét tiêu biểu, đẹp tuyệt vời và vô cùng li kỳ hấp dẫn như cuộc cách mạng chúng ta đã và đang trải qua”[7;33].

Những trang viết thiên về ngợi ca và đậm âm hưởng anh hùng ca chiếm tỉ lệ lớn trong tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng, ông thích nói về cuộc sống của cách mạng không chỉ ở khía cạnh cụ thể với quy mô rộng lớn, với những sắc màu rực rỡ, không chỉ với sự vận động nhất thời mà muốn cắm lại những cột mốc lịch sử, cái khó khăn lớn nhất mà ông phải khắc phục là làm sao thể hiện được những chủ đề thời sự nhất với quy mô rộng lớn và cảm hứng lịch sử.

Nguyễn Huy Tưởng đã thành công với thiên Ký sự Cao Lạng và những tác phẩm viết về Hà Nội kháng chiến đặc biệt là tiểu thuyết sử thi Sống mãi với Thủ Đô. Một số tác phẩm khác như Truyện anh Lục (viết về cải cách ruộng đất) và Bốn năm sau (viết về những năm khôi phục kinh tế và hàn gắn vết


thương chiến tranh) đều ít thành công. Cũng có thể tìm thấy ở đây những vấn đề đặt ra cho thực tiễn sáng tác? Điều này vẫn còn là một vấn đề để ngỏ cho các nhà nghiên cứu sau này. Bởi sự kiện chính trị và thời sự nào xuất hiện và phát triển trong tình thế thuận lợi, bản thân tác giả có điều kiện hiểu biết sâu sắc thì dễ thành công. Sự kiện chính trị nào diễn biến phức tạp, tác giả ít am tường thì tác phẩm dễ rơi vào non yếu và dang dở.

Trong năm đầu kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng viết khá nhiều nhưng thành công chưa rõ rệt. Ấp ủ chủ đề Hà Nội kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng viết Những người ở lại (1948). Tình hình kịch những năm đầu kháng chiến chống Pháp còn ít vở dài và có nội dung phong phú…

Như vậy có thể khẳng định: Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đề tài lịch sử được ông quan tâm và khai thác triệt để. Nhưng điều đáng nói hơn là qua những tác phẩm của mình Nguyễn Huy Tưởng không chỉ diễn đạt tri thức của ông về lịch sử cho người đọc mà ông còn gieo vào lòng họ những câu hỏi để mọi người cùng suy nghĩ tiếp với ông, tìm mối cảm thông với những con người trong câu chuyện xưa nay đã mất.

Trong lời tựa gây nhiều cách hiểu của vở kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng buông một câu hỏi: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết”. Trong tài liệu xưa có dẫn “Vũ Như Tô bị giết còn bị mọi người chỉ trích chê cười, có người nhổ nước bọt vào thây hắn” còn trong tác phẩm của mình thì Nguyễn Huy Tưởng lại viết về kẻ sĩ họ Vũ như một nhân cách lớn với đầy lòng thương cảm. Người đọc sách hôm nay chắc sẽ lại nêu câu hỏi: Sách cương mục đúng hay kịch của Nguyễn Huy Tưởng đúng? Lịch sử chỉ diễn ra một lần còn viết lại lịch sử thì là việc của muôn thuở. Chính cái đó đã làm nên sức sống của sử học.

Ở tuổi 20 trước ngưỡng cửa của cuộc đời và sự nghiệp, Nguyễn Huy Tưởng từng băn khoăn đặt câu hỏi trong nhật kí của mình: “Ôi, tôi muốn sự nghiệp văn chương của tôi muôn đời đều xem đến. Nhưng tôi lại tin rằng sau


này nhân loại hòa bình, thì tư tưởng Ái Quốc sẽ không ai để ý đến. Vậy thì sách tôi còn ai đọc nữa” [7;38](15/9/1932).

Nay nhìn lại đã thấy câu trả lời ngày một tỏ: Sau này có ngày nhân loại hòa bình thì tư tưởng ái quốc chính là tính nhân loại, còn sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng cũng như nhiều nhà văn hóa tài ba khác vẫn được muôn đời xem đến.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/09/2023