Đề Tài Lịch Sử - Văn Hóa Và Thông Điệp Thế Sự


tiêu biểu của dân tộc Việt. Tiểu thuyết lịch sửHồ Quý Ly được nhà văn viết trong những suy tư, trăn trở sâu sắc về quá trình đổi mới của dân tộc bằng việc lật lại câu chuyện đầy sóng gió cuối thời Trần (1225-1440), khi nhà nước Đại Việt đang gồng mình chống đỡ khủng hoảng trong nước và chống giặc ngoại xâm. Tác phẩm góp thêm tiếng nói khám phá xã hội và con người Hồ Quý Ly, một trí thức cách tân trước thời đại nhưng vấp phải bi kịch đau đớn nhất là không được lòng dân. Đồng thời, tiểu thuyết còn là bức tranh đẹp về văn hóa ngàn năm của dân tộc với những địa đanh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt thôn dã, những lễ hội dân gian, những phong tục đẹp… được lưu truyền đến nay đã mai một cùng năm tháng. Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến một luồng gió mới cho thể loại tiểu thuyết lịch sử, khi mà hầu hết các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước ông đã bỏ qua, đó là: viết tiểu thuyết lịch sử tức là làm một cuộc khám phá và truy xét lịch sử để có nhận thức chính xác cho mình về lịch sử.

Tiếp đến hai tiểu thuyết sau đó, Nguyễn Xuân Khánh đã thực hiện đầy đủ bút lực của mình: nhà văn hóa, lịch sử, nhà tư tưởng trong tư cách nhà văn. Lấy bối cảnh thời sơ khởi của công cuộc tiếp xúc, tiếp biến văn hóa Đông Tây ở Việt Nam những năm cuối cùng thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục khám phá quá khứ dân tộc, góp thêm cái nhìn sâu sắc về đề tài lịch sử. Tác phẩm cũng mang đậm chủ đề văn hóa phong tục Việt Nam, thể hiện qua cuộc sống của người dân ở một làng quê bán sơn địa Bắc Bộ hồi cuối thế kỉ XIX mang tên Cổ Đình. Giữa bối cảnh Pháp xâm lược Việt Nam, đạo Phật bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa bắt đầu ảnh hưởng và lan rộng, người dân quê trở về với đạo Mẫu, một tôn giáo của người Việt cổ có từ ngàn đời. Nhà văn dày công kể lại cho người đọc những câu chuyện tình yêu của người đàn bà Việt trong không gian ấy, một tình yêu vừa bao dung, vừa mãnh liệt, vừa bản năng đầy chất phồn thực và cũng nhiều đắng cay. Ở Mẫu Thượng Ngàn, chúng ta còn


thấy một bức tranh về lịch sử xã hội Hà Nội cuối thế kỉ XIX với việc Pháp đánh thành Hà Nội, việc xây dựng Nhà thờ Lớn… Những vấn đề lịch sử, văn hóa, phong tục đậm đặc dung chứa trong cuốn tiểu thuyết gần ngàn trang đã cho thấy bút pháp trữ tình đầy ấn tượng ở Nguyễn Xuân Khánh, nhất là sự trưởng thành trong suy ngẫm của tác giả: tư duy của một nhà văn hóa, nhà tư tưởng trong tư cách một nhà văn.

Trong tác phẩm Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh vẫn bắt vào mạch tự sự văn hóa, lịch sử tiếp tục khẳng định sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ, một ngôi chùa làng, nơi chứng kiến tất cả những thăng trầm, bi thương của số phận người nông dân và văn hóa làng trong một khoảng thời gian khốc liệt không kém: từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến khi đất nước lập lại hòa bình. Đội gạo lên chùa được viết theo lối cổ điển, mang tính luận đề về ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống của cư dân Việt. Không khí Phật giáo, tinh thần Phật giáo và tư tưởng của đạo Phật gần như can thiệp vào tất cả các tình tiết quan trọng nhất trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ này. Tác phẩm thấm đẫm màu sắc Phật giáo, được nhà văn viết trong bốn năm, cũng là những chứng nghiệm sâu sắc của Nguyễn Xuân Khánh về biến thiên của làng quê, về sự ảnh hưởng, hiện diện của Phật giáo đối với cuộc sống con người mà ông rút ra là: “Phật giáo là một lối sống” [24]. Ở tiểu thuyết này, ông không kiến giải về lịch sử dân tộc qua người đại diện như Hồ Quý Ly, cũng không kiến giải về dân tộc qua thời đoạn lịch sử thử lửa khốc liệt của nó như Mẫu Thượng Ngàn, mà xuất phát từ chính lịch sử của sự xây dựng dân tộc Việt Nam suốt thời hiện đại.

Ở hai tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa, những nhân vật chính không còn là những người có thực trong lịch sử như Hồ Qúy Ly nữa, mà là những nhân vật phần nhiều do nhà văn hư cấu và các sự kiện có thực trong lịch sử được giảm thiểu tối đa. Trọng tâm cảm hứng của Nguyễn


Xuân Khánh trong hai tiểu thuyết này chính là văn hóa - phong tục, với những hệ tư tưởng tín ngưỡng, tôn giáo: tín ngưỡng thờ Mẫu (trong Mẫu Thượng Ngàn) và đạo Phật trong (Đội gạo lên chùa).

Có thể nói, bộ ba tiểu thuyết lịch sử, văn hóa này, Nguyễn Xuân Khánh đã gác sang bên những trăn trở về đổi mới bút pháp để đi sâu vào đổi mới về mặt tư tưởng. Làm nên bước ngoặt về quan niệm nghệ thuật, là trở về với lối tự sự truyền thống trong khi rất nhiều nhà văn Việt Nam khác dấn thân vào con đường đổi mới nghệ thuật tự sự. Nguyễn Xuân Khánh đã thực sự thành công, không chỉ trong vai trò một nhà văn mà còn trong vai trò một trí thức luôn quan tâm đến các vấn đề của văn hóa, quốc gia, dân tộc. Ông đã đi theo một hướng riêng, không sa đà vào cuộc tìm kiếm cách tân cầu kì trên bề mặt hình thức đơn thuần.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.


CHƯƠNG 2

Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 5

TƯ DUY TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN

ĐỀ TÀI, CẢM HỨNG, NHÂN VẬT


2.1. Đề tài lịch sử - văn hóa và thông điệp thế sự

Chọn tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử làm phương tiện chuyển tải tư tưởng, Nguyễn Xuân Khánh không sử dụng nhiều lối kĩ thuật hiện đại và hậu hiện đại, nhưng cách viết của ông được làm mới bằng tinh thần luận giải lịch sử - văn hóa. Đối với Nguyễn Xuân Khánh, lịch sử chỉ là cái “đinh treo” để nhà văn bày tỏ cái nhìn về cuộc sống. Không chịu áp lực từ các quan điểm của cộng đồng, cũng như lối tư duy trong tiểu thuyết gắn liền với cảm hứng ngợi ca, kính cẩn và chiêm bái lịch sử, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh tìm thấy những điểm tương đồng giữa quá khứ và hiện tại, dùng quá khứ để soi tỏ hiện tại, nêu ra được những chân lý có tính phổ quát. Bộ ba tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh ra đời được coi là một hiện tượng của tiểu thuyết đương đại. Điều nhà văn làm khác so với các nhà tiểu thuyết cùng thời chính là tác phẩm của ông có nét vượt trội mà không nhiều nhà văn cùng thời làm được: sự hài hòa giữa yếu tố văn hóa và lịch sử.

Lịch sử, theo cách hiểu đơn giản nhất là những gì thuộc về quá khứ, và đối tượng Nguyễn Xuân Khánh miêu tả, thể hiện đều là những con người, những sự việc thuộc về quá khứ. Nhưng trên thực tế, không phải quá khứ nào cũng được coi là lịch sử, có quá khứ xa và quá khứ gần và thường thì quá khứ xa mới được coi là lịch sử. Điều đó được thể hiện ngay ở thái độ ngập ngừng của nhà xuất bản khi định danh thể tài của tác phẩm: trong ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh chỉ có Hồ Qúy Ly được in rõ là “tiểu thuyết lịch sử” trên bìa, hai cuốn còn lại chỉ in là “tiểu thuyết”.


Hồ Qúy Ly là cuốn tiểu thuyết tái hiện lại thời kì lịch sử cuối thế kỉ XIV đầu thế kỉ XV, đó là thời kì cuối triều đại nhà Trần và đầu triều Hồ, với nhân vật lịch sử phức tạp Hồ Qúy Ly. Ở Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh chọn bối cảnh lịch sử cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tái hiện xung đột văn hóa Đông - Tây của dân tộc Việt và quân xâm lược Pháp. Trong hai cuốn tiểu thuyết này, cách xử lí lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh khá tự do và đầy tính chủ quan. Nhu cầu cắt nghĩa đời sống theo những suy ngẫm, trải nghiệm đã khiến người đọc nghĩ rằng lịch sử đích thực của tác phẩm là hư cấu. Điều này phù hợp với tinh thần của tiểu thuyết, “không ngừng nhận thức lại” bằng thái độ hoài nghi. Điều đó khiến bức tranh lịch sử không mang giá trị tự thân, nghĩa là không nhằm tái hiện chân thực thời đại lịch sử. Nguyễn Xuân Khánh chỉ mượn lịch sử làm phương tiện để chuyển tải những suy nghĩ của mình về thế sự. Có thể thấy, các vấn đề nhận thức và thẩm mĩ mà Hồ Qúy Ly Mẫu Thượng Ngàn đặt ra đều là vấn đề của hiện tại, chỉ có khung cảnh thiên nhiên, ngôn ngữ, lễ hội, tập tục là của lịch sử. Lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là lịch sử đã được nhìn qua lăng kính cá nhân, qua những trải nghiệm của nhà văn để từ đó nhà văn hướng ngòi bút của mình về phía hiện thực đời sống. Nhân vật Hồ Qúy Ly và tư tưởng cách tân của ông... đều được tái hiện theo kiến giải riêng của nhà văn. Lịch sử trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh đã cho thấy điểm riêng trong cách nhà văn hư cấu. Ông không lệ thuộc nhiều vào lịch sử mà chỉ mượn nó làm phương tiện để soi rọi vào thực tại. Song ông cũng không hư cấu và đẩy lịch sử đi quá xa như Nguyễn Huy Thiệp đã làm trong những truyện ngắn lịch sử như Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết. Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khiến người đọc hoang mang, muốn lục tung mọi ngóc ngách của chính sử để minh định, còn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh mang đến một cảm giác nhẹ nhàng khi nhà văn muốn bạn đọc cùng đồng hành với những gì nhà văn chiêm


nghiệm về quá khứ. Đỗ Hải Ninh cho rằng: khía cạnh tạo nên sự thành công trong các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh là việc nhà văn có “khả năng nắm bắt cái hằng số lịch sử và hiện đại hóa các vấn đề của quá khứ” [15].

Lịch sử là những gì đã qua, con người hiện tại nhìn lịch sử như là những gì đã được ghi trong sử sách, điều đó trở thành cảm hứng cho những suy ngẫm về văn hóa, tôn giáo... Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh dù viết về thời điểm lịch sử nào đều có khả năng mở rộng biên độ phản ánh hiện thực bởi tính thời sự cập nhật của nó. Không né tránh những vấn đề hôm nay, nhà văn luôn ráo riết tìm lời đáp cho những câu hỏi thiết thực đối với hiện tại. Tiểu thuyết Hồ Qúy Ly khiến người đọc liên tưởng đến cuộc cải cách từ thế kỉ XV với nhu cầu đổi mới đất nước trong mấy thập kỉ gần đây, từ đó nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra: giải quyết cái cũ như thế nào, vai trò của trí thức trước bước ngoặt của thời cuộc, đổi mới và quyền lực, lợi ích của dân chúng và lợi ích của nhà cầm quyền... Đó đều là những thông điệp thế sự sâu sắc của con người hôm nay được nhà văn khéo léo gửi gắm vào câu chuyện lịch sử.

Mẫu Thượng Ngàn đề cập đến vấn đề gìn giữ bản sắc dân tộc trong giao lưu và tiếp biến văn hóa. Đâu là hướng đi của dân tộc trước những biến động của lịch sử? Nhà văn đã tìm thấy những điểm tương đồng giữa quá khứ và hiện tại, dùng hiện tại soi tỏ quá khứ, nêu ra được những chân lý có tính phổ quát đối với con người, đó chính là giải thích mới về đề tài cũ. Dù viết về nhân vật lịch sử quen thuộc, thời đại đã được các nhà sử học phân tích, đánh giá nhưng tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh vẫn mới mẻ vì nó chở tải được những vấn đề mà con người hôm nay đang quan tâm. Thiết nghĩ đây cũng là điều mà các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cần phải chú ý, bởi nó là một phần của câu trả lời: vì sao giới trẻ ngày nay không hứng thú với lịch sử nước nhà, và môn lịch sử trong nhà trường phổ thông không hấp dẫn được


học sinh. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử không đơn giản đến từ những câu chuyện hư cấu, tưởng tượng của các nhà văn mà nó đến từ những kiến giải lịch sử in đậm dấu ấn cá nhân và cách mà nhà văn lí giải quá khứ đó như thế nào. Dấu ấn thời đại trong cách nhà văn kiến giải về lịch sử khiến nó trở nên sống động, không phải là một quá khứ hoàn kết, nó thúc đẩy trí tò mò và hứng thú tư duy của người đọc.

Với tư duy hiện đại, Nguyễn Xuân Khánh luôn đặt lịch sử ở trạng thái động. Thói quen trung thành với lịch sử khiến nhiều người tìm đến các tài liệu lịch sử để đối chiếu và từ đó mặc nhiên chấp nhận một lịch sử đã hoàn tất, các nhân vật và sự kiện trở thành những gì đã được mặc định và không được phép thay đổi. Nguyễn Xuân Khánh đặt nhân vật lịch sử trong những mối quan hệ phức tạp của gia đình, xã hội và nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Nhân vật Hồ Qúy Ly (trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly) được hiện lên ở nhiều vai khác nhau: một con người văn võ song toàn, một con người có cảm nhận tinh tế, sâu sắc, một người chồng hết mực yêu thương vợ, một người cha nén chặt tình cảm trong lòng, một kẻ loạn thần thâm hiểm, một kẻ tàn bạo... Ở mỗi góc nhìn, nhân vật cũng không đồng nhất đơn chiều: trong mắt những người thuộc phe bảo thủ như Nguyên Hàng, Khát Chân, Đoàn Xuân Lôi thì chính sách của Hồ Qúy Ly là trái với lề lối tổ tiên, dấu hiệu của âm mưu thoán nghịch. Cùng sự kiện đó, nhưng dưới con mắt của Nguyên Cẩn, Hán Thương lại là sự ngưỡng mộ. Họ coi đó là những việc làm cấp bách mà chỉ bậc minh quân mới thực hiện được. Còn những người như nhà sử học Sử Văn Hoa và Hồ Nguyên Trừng lại hiểu rõ đất nước cần phải có những con người như Hồ Quý Ly mới có thể lột xác, song chính họ lại băn khoăn liệu cách làm ấy có đúng không.

Đặt quá khứ trước những khả năng khác nhau, nhà văn cũng để ngỏ nhiều chi tiết lịch sử như muốn cùng bạn đọc suy ngẫm. Cái chết của nhà sử học Sử Văn Hoa là một bí ẩn. Có hai giả thiết: liên quan đến Hồ Qúy Ly với


kẻ thân tín Nguyên Cẩn, người đã tịnh thân để được thăng tiến hay phe Trần Khát Chân và thuộc hạ của ông với thế võ Hạ Ngọc Trản. Trong Mẫu Thượng Ngàn những lời đồn đại về tướng sát phu của cô Mùi và cái chết kì lạ của Philippe, người chồng thứ ba vẫn là một điều chưa có lời giải. Kĩ thuật bỏ ngỏ này có điểm gần gũi với Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn thường đưa vào tác phẩm những chi tiết gây bất tín nhận thức, dựa vào những tài liệu sưu tầm, sử dụng lời đồn đại, hiến cho người đọc những cái kết với nhiều khả năng khác nhau. Qua đó, người đọc có thể tự mình rút ra kết luận theo khả năng tư duy của mình và từ đó đối thoại với lịch sử. Nhà văn không phải là người biết trước kể cho ta nghe câu chuyện lịch sử. Và như vậy, lịch sử không hoàn toàn là cái đã xảy ra mà là cái có thể xảy ra, lịch sử trở thành một sáng tạo mới trong mỗi cá nhân người đọc.

Nguyễn Xuân Khánh không xác lập trong lòng người đọc những hình ảnh cố định về nhân vật lịch sử của mình. Nhân vật Hồ Qúy Ly xuất hiện với tư cách là một bạo chúa hay một nhà cách tân cũng hiện lên với đầy đủ cả hai mặt sáng và tối. Nhà văn cũng tạo ra ý thức tranh luận trước mỗi đối tượng. Cha con Nghệ Hoàng là những ông vua hiền, nhân từ, đức độ nhưng để cho muôn dân đói khổ, lầm than, đất nước chiến tranh loạn lạc, vậy có phải là bậc minh quân? Sự đối thoại của nhiều luồng tư tưởng được thể hiện ở nhiều phát ngôn trực tiếp bên cạnh những đối thoại ngầm được gửi gắm qua hình tượng nghệ thuật sinh động. Có thể thấy, lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là phương tiện để chuyển tải tư tưởng chứ không phải là mục đích. Thực ra, Nguyễn Xuân Khánh đã rất thành công khi tái tạo lại không khí của lịch sử, bức tranh của thời đại đã qua nhưng đóng góp của nhà văn là ở tư duy mới mẻ về lịch sử, lịch sử đã không khép lại hoàn toàn mà có thể mở ra những chân trời khám phá mới, nó phù hợp với tư duy của con người hiện đại, luôn xem xét, hoài nghi những giá trị tưởng như đã xác định.

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 12/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí