Đề Tài Lịch Sử Trong Sáng Tác Của Nguyễn Huy Tưởng.


Người Hoa Lư của Lưu Quang Thuận… Nhưng nổi bật hơn hẳn là Cột đồng Mã Viện của Nguyễn Huy Tưởng.

Sau Cách mạng tháng Tám, khái niệm đề tài lịch sử được mở rộng hơn không chỉ là quá khứ hiển hách của cha ông mà còn là hiện tại hào hùng của công cuộc đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên những thành tựu về kịch nói về đề tài lịch sử bị thu hẹp lại. Nếu ở thời kì trước, những kịch gia tri thức tiểu tư sản xa lánh hiện thực bế tắc mà tìm về quá khứ vinh quang cho thỏa chí tang bồng thì tới thời kì này lịch sử trở nên “quá bình lặng so với hiện thực”. Mà bản chất của kịch là tái hiện những xung đột xã hội. Do đó, kịch sau Cách mạng tháng Tám ưu tiên cho đề tài hiện đại hơn đề tài lịch sử. Tuy nhiên, vẫn phải kể đến những tác phẩm viết về đề tài lịch sử như: Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng; Đề Thám của Lưu Quang Thuận và Thế Lữ; Tiếng trống Hà Hồi của Hoàng Như Mai; Nguyễn Huệ (Thanh Tịnh); Quang Trung (Trúc Đường).

Đến giai đoạn văn học hiện đại nhiều tác giả vẫn trở lại khai thác đề tài lịch sử và đạt được nhiều thành công rực rỡ. Ở luận văn này chúng tôi xin đề cập tới một số tác phẩm sau để thấy được rằng mảng đề tài này rất thu hút sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn.

Trong văn học hiện đại, nhiều tiểu thuyết lịch sử ra đời, trong đó nổi bật nhất là các tác phẩm như Giàn Thiêu (Võ Thị Hảo), Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn ( Nguyễn Xuân Khánh), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần ( Hoàng Quốc Hải)… Viết tiểu thuyết lịch sử, các tiểu thuyết thường chú tâm tới những sự kiện lịch sử mà qua đó có thể đưa đến một sự thức nhận cho độc giả về hiện tại. Việc Nguyễn Xuân Khánh dựng lại một nhân vật lịch sử là Hồ Quý Ly không hoàn toàn chỉ là phục dựng lại một thời đại lịch sử ngắn ngủi đã qua. Tác phẩm đánh thức người đọc “ tri tân” về những vấn đề của hiện tại, thân phận người trí thức - những cá nhân


có tầm nhìn táo bạo đi trước thời đại giữa đám đông quần chúng chung quanh nó. Sự im lặng của nhà văn suốt nhiều năm để rồi lặng lẽ tung ra một tiếng nói có trọng lượng đã khuấy động được văn đàn.

Tương tự như vậy, việc lựa chọn thời khắc lịch sử đêm trước ngày toàn thắng của nghĩa quân Lam Sơn trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân không chỉ nhằm kiến giải những mối quan hệ quyền lực trong nội bộ nghĩa quân, dự báo những viễn cảnh u ám của người trí thức giữa đám đông mà còn là một tiếng nói của người trí thức về những vấn đề thời sự đang đặt ra hết sức nóng bỏng.

Qua số phận của những nhân vật lịch sử với những biến hóa luân hồi và dụng tâm sử dụng kỹ thuật thời gian để xử lý cốt truyện, chắc chắn Võ Thị Hảo không phục dựng lịch sử mà từ màn sương mờ ảo lịch sử để đặt vấn đề muôn thuở về sự minh triết của con người trước những cạm bẫy dục vọng, tình yêu, hạnh phúc, đức tin, quyền lực…những vấn đề của thời xưa mà cũng là của con người thời nay.

Thêm nữa, trong mắt các nhà tiểu thuyết lịch sử, tâm lý con người quá khứ cũng gồm các khía cạnh chẳng khác xa con người hiện tại bao nhiêu: vẫn chừng ấy thủ đoạn, dục vọng, tham tàn, bạo ngược, đối kị, ngu dốt, bần tiện, cao thượng, hy sinh, ưu tư, cô đơn, yêu nhau và làm khổ nhau như chúng ta hôm nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

Độc giả tìm đến tiểu thuyết lịch sử không phải để biết đến Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Trần Khát Chân, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hoàng Phúc, Từ Đạo Hạnh cách xa chúng ta mấy trăm năm kia phục sức ra sao, nói năng thế nào, đi đứng bằng phương tiện gì…với tư cách văn hóa - phong tục mà ở chỗ họ đã chống chọi với số phận mình trong tư cách con người như thế nào. Do đó, tiểu thuyết lịch sử không phục dựng lịch sử “nguyên si” mà là dùng quá khứ để soi sáng thực tại cung cấp một nhận thức về thực tại.


Đề tài lịch sử và cách mạng trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng - 4

Ở ta tiểu thuyết lịch sử chưa phải là cuộc chơi của những cây bút trẻ người, trẻ nghề. Tuy nhiên, ở ta, lịch sử là thứ ngôn ngữ thánh hiền thiêng liêng, người biên chép lịch sử chẳng khác nào người biên chép kinh thánh, áp lực cộng đồng không cho phép những vĩ nhân đã được đặt trên bệ thờ cúng khói hương và sự kính trọng của cộng đồng lại trở thành đối tượng nhận thức của những thế hệ sau. Viết tiểu thuyết lịch sử tức là chấp nhận sự phán xét của các nhà sử học “khách quan”, “công tâm” cùng đa số công chúng độc giả vốn quen với những “huyền thoại lịch sử”. Đó là một thách thức mà nếu không phải những cây bút già dặn, từng trải, đầy kinh nghiệm như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Võ Thị Hảo thì không thể làm nổi.

Trong tiểu thuyết lịch sử, có những bộ tiểu thuyết rất đồ sộ được viết rất công phu và vô cùng cần thiết bởi nhiệm vụ lấp chỗ trống những sự kiện lịch sử vốn hết sức ngắn gọn trong các bộ chính sử, truyền cảm hứng tìm hiểu lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Sự kiện lịch sử cùng các biến cố và thân phận của các nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn. Từ Đạo Hạnh, Lý Thần Tông, Ỷ lan…trở thành những công cụ để các tác giả vẽ lên mối tương đồng giữa quá khứ và hiện tai. Cái chính của tiểu thuyết lịch sử là đón bắt được “chân trời chờ đợi” của đa số độc giả.

Cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh là một trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn nhất, viết về thời kỳ cuối nhà Trần, mà tâm điểm là nhân vật từng gây tranh cãi trong lịch sử - Hồ Quý Ly. Cuốn tiểu thuyết như tái hiện lại một Thăng Long xưa cũ. Đặc biệt, ông đã đầu tư xây dựng rất công phu chân dung của nhiều vị anh hùng, các bậc vua chúa, quan lại, trong lịch sử thời Trần đặc biệt là hình ảnh Hồ Quý Ly - một vị anh hùng đa mưu túc trí và có một tầm nhìn lớn đối với đất nước. Hiếm có một cuốn tiểu thuyết nào về lịch sử - văn hóa lại có một sức hút mãnh liệt như Hồ Quý Ly. Người đọc hãy đọc tác phẩm bằng một tâm thế của người thưởng lãm


vườn văn học, chứ không phải là một cuốn sử. Chỉ khi đó chúng ta mới cảm nhận được một cách thấu đáo sự tinh tế, sâu sắc, mới mẻ và đa chiều của cây bút Nguyễn Xuân Khánh, với những kiến giải lịch sử theo một cách rất riêng.

Một tác phẩm nữa cần nhắc đến chính là Mẫu thượng ngàn, cuốn tiểu thuyết lịch sử để lại nhiều cảm xúc sâu sắc. Tác giả đã chọn thời kỳ Pháp thuộc ở Bắc bộ trong thế kỷ XIX, ông đã miêu tả khá kỹ những cuộc đổ bộ của Pháp, sự chống đối của nghĩa quân, bên cạnh đó là cuộc sống của người dân làng Kẻ Đinh. Từng nhân vật hiện lên như một bức tranh rất sống động, đặc biệt là phái nữ trong tác phẩm. Trong tình cảnh chèn ép của người Pháp và giới quan chức làng, nhưng người nông dân hướng về Mẫu như một tình cảm hết sức tự nhiên, chân thành. Bằng cuốn tiểu thuyết này, bằng khám phá này, Nguyễn Xuân Khánh một lần nữa khiến chúng ta kinh ngạc vì bút lực còn dồi dào đến tràn trề và say đắm của ông.

Xuất hiện trên văn đàn một cách đột ngột Giàn thiêu của Võ Thị Hảo là một cuốn tiểu thuyết lịch sử mới và rất lạ. Độc đáo, ấn tượng và hấp dẫn là những gì tác phẩm để lại trong tâm trí người đọc. Một tiểu thuyết dã sử đậm chất “Liêu trai” chứa đựng nhiều đam mê của người cầm bút. Và rồi từ cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, ý nghĩa cốt lõi của nó đều đọng lại sau mỗi câu chữ như hiện thân của sự sáng tạo khôn cùng. Người đọc như được sống, được hòa nhập vào không khí lịch sử vừa huyền ảo, vừa kỳ bí; được sống với nội tâm nhân vật qua rất nhiều biến cố, qua rất nhiều trải nghiệm về cõi đời, về nhân tình thế thái…Cho đến bây giờ Giàn thiêu vẫn là một ẩn số cho những ai yêu văn chương, muốn tìm hiểu linh hồn của nghệ thuật ngôn từ vốn không hề dễ dàng nhưng cũng vô cùng kỳ diệu.

Một nội dung cần phải đề cập tới trong vấn đề đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam đó là tìm hiểu những vấn đề lý luận của văn học đề tài lịch sử.


Trước tiên, là tính chân thật lịch sử và tính hư cấu nghệ thuật. Đây là vấn đề lớn nhất đặt ra cho văn học với đề tài lịch sử, là chủ đề tranh luận cho nhiều nhà phê bình, là tiêu chí đánh giá của độc giả, khán giả. Đã là tác phẩm nghệ thuật đương nhiên phải có hư cấu, nhưng đề tài lịch sử lại đòi hỏi sự chân thật nhất định vì mỗi kịch bản có bối cảnh là một thời kì lịch sử cụ thể. Nguyên tắc chung là nếu lịch sử ghi chép cái đã xảy ra thì văn học lại phản ánh cái có thể xảy ra. Đó là những cái tuy không có thật nhưng hợp tình, hợp lý trong hoàn cảnh đó, trong thời kì đó. Nói cách khác, “sân khấu không đòi hỏi sự chính xác lịch sử nhưng đòi hỏi tính chân thật lịch sử. Giữa sự chính xác lịch sử và hư cấu nghệ thuật có thể có sự mâu thuẫn, nhưng giữa tính chân thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật phải có sự thống nhất”[23]. Hay như Aristote đã nói từ hơn hai nghìn năm trước: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải là kể lại những sự việc có thể xảy ra dựa trên tính chân thật và tính tất yếu”[23].

Tiếp theo đó là nội dung lịch sử và tính chất hiện đại:


Cuộc sống phát triển, hiện tại không đứt đoạn mà tiếp nối quá khứ ở trình độ cao hơn. Vì vậy, hiện tại luôn có thể tìm thấy ở quá khứ những bài học, những lời giải đáp. Mặt khác, có những vấn đề mang tính chất vĩnh cửu mà thời đại nào cũng có thể đặt ra. Tính hiện đại của một văn bản văn học, cũng như của một tác phẩm văn học nói chung không nằm ở đề tài, ở phạm vi cuộc sống mà nó phản ánh. Vấn đề là ở chỗ nhìn nhận, lý giải đề tài đó như thế nào. Mỗi tác phẩm đề tài lịch sử chỉ thật sự có giá trị khi nó có tính hiện đại, nghĩa là khi tác giả thổi được luồng sinh khí của thời đại vào những trang sử đã ấm bụi thời gian. Tính hiện đại thể hiện trên hai bình diện hoặc nhìn nhận lý giải câu chuyện qua lăng kính của thời hiện đại, hoặc khám phá ra những vấn đề mang tính vĩnh cửu của đời sống con người trong những câu chuyện xưa cũ.


Trong văn học, những tác phẩm thành công nhất đã thể hiện bình diện thứ hai của tính hiện đại là Vũ Như Tô Rừng trúc; mâu thuẫn giữa quyền lực và hạnh phúc riêng tư. Trong Rừng trúc hình như chưa có thể khai thác cạn cùng của vấn đề, nhưng thống thiết làm sao tiếng kêu của Vũ Như Tô “Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài”, cái khát vọng quên mình đó chính là tiếng nói ngàn đời của giới văn nghệ sĩ, của những kiếp tằm đến thác hãy còn vương tơ: “Ôi, Cửu Trùng Đài, ôi mộng lớn”. Vì cái mộng lớn đó mà Vũ không màng vợ con, bất chấp bản thân mình, bước qua cả dư luận “xây Cửu Trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô chỉ vì một lẽ Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời”[15;123].

Đây chính là cái chân lý nghiệt ngã mà đại văn hào pháp Flaubert từng đúc kết: “Tài năng là một sự ám ảnh, là ngọn sóng điên cuồng cũng như cơn gió định mệnh, nó cuốn ta đến một mục tiêu nhất định, mỗi nhà văn là một con bệnh, một căn bệnh trầm trọng”[23]. Nhưng người nghệ sĩ lại không thể buộc những người bình thường thông cảm cho “con bệnh” của mình. Cho nên Vũ Như Tô mới mừng rỡ đến vậy khi hội ngộ được “người đồng bệnh” là Đan Thiềm hết lòng ngưỡng vọng Cửu Trùng Đài. Còn Thị Nhiên là người vợ nhưng không thể nào hiểu được tâm huyết của người chồng. Ở tác phẩm này, tác giả đã phản ánh được phần nào mâu thuẫn mà chính Nguyễn Huy Tưởng cũng cảm thấy phân vân khi viết lời đề tựa:

Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết”.


Kịch là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp giữa văn học và sân khấu. Nếu so với các thể loại văn học thì kịch có ưu thế hơn cả trong việc chuyển tải lịch sử; kịch nói và đề tài lịch sử đã đóng góp một mảng sáng tác có giá trị cho văn học dân tộc. Ôn cố là để tri tân, về nguồn là để thêm sức mạnh ra khơi. Văn học và đề tài lịch sử vẫn đi cùng hành trình văn học dân tộc trên mỗi


chặng đường hiện đại. Bởi sức sống mãnh liệt của đề tài lịch sử bắt nguồn sâu xa từ bản thân sức sống mãnh liệt của lịch sử dân tộc. Lịch sử ấy luôn luôn được viết tiếp bằng những trang chói ngời bằng xương máu, mồ hôi, bằng lao động sáng tạo và chiến đấu khốc liệt của bao thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện thực lịch sử đó là vô tận, là nguồn chất liệu vô tận đối với văn học Việt Nam nói chung và với văn học kịch nói riêng. Kịch nói với đề tài lịch sử đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Trên đây là những ý kiến về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam mà tôi trình bày và tầm quan trọng trong sự mở rộng cách nhìn của ta về đề tài lịch sử, về sự hiểu biết những con người trong lịch sử để có thể sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật lịch sử chân thật hơn, sinh động hơn.

1.4. Đề tài lịch sử trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng.

Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là một nhà văn thuộc trong số các nhà văn tiêu biểu và có quá trình sáng tác đều đặn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp sáng tác của ông sớm có tiếng vang trong công chúng và sớm được giới nghiên cứu quan tâm, kể từ chuyên luận nghiên cứu đầu tiên của Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ rồi đến các công trình nghiên cứu của tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại, nhà văn Việt Nam hiện đại. Thế nhưng nhận thức về ông, và sự đánh giá về ông trong toàn bộ hoặc trên một số tác phẩm cụ thể thì tuy có lúc nhất trí nhưng dần dần với quãng lùi thời gian, và nhất là trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, thấy bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và cả những gì còn trong suy nghĩ, tâm sự của nhà văn.

Trong quá trình sáng tác của mình Nguyễn Huy Tưởng đến với nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tùy bút, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, truyện viết cho thiếu nhi… Với nàng thơ, sau những xúc cảm ban đầu bộc lộ trong Nhất điểm linh đài, ông bước hẳn vào địa hạt văn xuôi, kịch và


văn học thiếu nhi. Ở lĩnh vực nào, Nguyễn Huy Tưởng cũng có những tác phẩm sống mãi với độc giả.

Ở giai đoạn trước năm 1945, với cảm quan lịch sử tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng viết Đêm hội Long Trì (1942); An Tư (1943) và kịch Vũ Như Tô (1942)…những tác phẩm này đã in đậm dấu ấn tài hoa của một chủ thể sáng tạo đầy ưu thời mẫn thế, ngay từ những tác phẩm đầu tay đã tạo được vóc dáng và hồn cốt không lẫn với các cây bút cùng thời.

Trong giai đoạn sáng tác sau 1945 với Kí sự Cao Lạng, Nguyễn Huy Tưởng được nhận giải thưởng văn nghệ 1951-1952, với tiểu thuyết Truyện anh Lục (3 tập), ông nhận được giải thưởng văn học năm 1954-1955. Bộ tiểu thuyết sử thi Sống mãi với Thủ đô mới dừng lại ở tập một mà đã đồ sộ, bề thế, là tác phẩm tiêu biểu của đề tài chiến tranh và Hà Nội. Với những truyện viết cho thiếu nhi, ông đạt được nhiều thành công với: Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Khi bút lực đang dồi dào với bao dự định sáng tạo ở phía trước thì Nguyễn Huy Tưởng phải vĩnh biệt tất cả vì bạo bệnh. Nhưng sáng tác của ông vẫn còn lại với cuộc đời và độc giả nhiều thế hệ. Trải qua những thử thách nghiêm ngặt của thời gian Nguyễn Huy Tưởng là một trong số không nhiều những nhà văn được nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I 1996.

Như chúng ta đã biết, đối với nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Huy Tưởng là một trong số hiếm hoi những tiểu thuyết gia có sở trường về đề tài lịch sử. Trong gần hai mươi năm sáng tạo, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ về văn xuôi và kịch, trong số đó không ít tác phẩm tạo dư ba trong lòng độc giả. Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng vẫn là đối tượng để độc giả và giới phê bình nghiên cứu khám phá và lý giải những ý tưởng phong phú, sâu sắc tiềm ẩn trong sáng tác của ông trên những chiều hướng mới, vượt qua những khía cạnh bất cập một thời.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/09/2023