Chương 2
CẢM HỨNG LỊCH SỬ VÀ CÁCH MẠNG TRONG KỊCH CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG
2.1. Cảm hứng lịch sử qua Vũ Như Tô.
Một nửa thế kỉ sau khi ra đời, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng chỉ những năm gần đây mới thực sự trở thành đối tượng của sự nghiên cứu chuyên sâu, sự trao đổi ý kiến cởi mở hào hứng, hứa hẹn nhiều nhận định mới. Trước những năm 90, hay là trước thời đổi mới, tác phẩm này đã được nói đến trong ngữ cảnh khảo cứu, giới thiệu tên tuổi sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng với đề tài lịch sử.
Ở Vũ Như Tô chúng ta thấy có cả tính chất chính sử và dã sử. Tác giả đã mượn cớ lịch sử để viết lên một tác phẩm kịch nổi tiếng mà mỗi khi nhắc tới khán giả đều ngưỡng mộ. Trong chính sử, Vũ Như Tô chỉ được nhắc đến vài dòng. Nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã dựa vào đó để dựng nên một câu chuyện lịch sử có ý nghĩa để nói lên vai trò của bạo lực cách mạng và vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đứng lên đấu tranh giành tự do đòi quyền lợi chính đáng.
Giá trị hiện thực của một cuốn tiểu thuyết lịch sử là ở chỗ nó dựng lại trung thành một thời đại quá khứ xa xôi và làm sống lại những nhân vật lịch sử một cách sinh động. Nhà văn không những phải phản ánh trung thực cuộc đấu tranh giữa các lực lượng xã hội trong thời đại quá khứ mà còn phải nghiên cứu sâu sắc ngôn ngữ, y phục, sinh hoạt, tập quán của thời đại ấy.
Như vậy, tiểu thuyết và kịch lịch sử đòi hỏi nhà văn phải có một công trình nghiên cứu lịch sử lâu dài và nghiêm túc. Trong tác phẩm của mình Nguyễn Huy Tưởng đã tỏ ra khá trung thành với tinh thần của những thời đại quá khứ xa xưa. Để xây dựng những vở kịch và tiểu thuyết lịch sử của mình,
Có thể bạn quan tâm!
- Đề Tài Lịch Sử Trong Văn Học Thế Giới.
- Đề Tài Lịch Sử Trong Sáng Tác Của Nguyễn Huy Tưởng.
- Đề tài lịch sử và cách mạng trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng - 5
- Bắc Sơn - Những Dấu Ấn Về Lịch Sử Thời Kì Trước Cách Mạng Tháng Tám.
- Đề tài lịch sử và cách mạng trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng - 8
- Những Người Ở Lại Và Cảm Hứng Về Lịch Sử Cách Mạng Hiện Đại.
Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.
ông đã chú ý tìm tòi, nghiên cứu những tài liệu lịch sử, những tác phẩm của các nhà văn quá khứ.
Vũ Như Tô là câu chuyện một người nghệ sĩ kiến trúc có tài về đời Lê Tương Dực. Vở kịch lịch sử này chỉ dựa một phần vào những tài liệu trong “Việt sử thông giám cương mục”. Theo cuốn sử này thì “Vũ Như Tô, một người thợ ở Cẩm Giàng, xếp cây nứa làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng phong cho Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn một trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm Cửu Trùng Đài”[23].
Nguyễn Huy Tưởng đã có công nghiên cứu lịch sử nhưng ông không nô lệ tài liệu lịch sử. Ông quan niệm: “là người nghệ sĩ phải biết làm sống lại những tài liệu lịch sử bằng sự tưởng tượng, bằng quyền hư cấu mình”. Tiểu thuyết lịch sử dựa trên lịch sử nhưng nó có những đặc điểm riêng biệt của một tác phẩm nghệ thuật. Việc nghiên cứu lịch sử là rất cần thiết, nhưng sự nghiên cứu ấy không thể thay thế sự sáng tạo. Có khi nhà nghệ sĩ chỉ cần một vài khoảnh khắc trong đời sống của nhân vật lịch sử; có khi nghệ sĩ đưa vào tác phẩm của mình những điều phi lịch sử không quan trọng, thậm trí trong một chừng mực nào đó, có quyền vi phạm sự đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử bởi vì tác giả chỉ cần sự đúng đắn lý tưởng mà thôi. Dựa trên vốn kinh nghiệm của người nghệ sĩ và những tài liệu lịch sử, nhà nghệ sĩ phải tưởng tượng để bổ xung cho vô số những “điểm trắng” ấy.
Nguyễn Huy Tưởng viết xong Vũ Như Tô vào mùa hè 1941, vở kịch lần đầu được đăng trên tạp chí Tri Tân từ số 121 (18/11/1943) đến số 139 (20/4/1944). Đây là thời gian đất nước đang bị dồn tới một tình thế cực kì căng thẳng và bi đát. Một mặt là sự bần cùng hóa rồi đưa tới thảm trạng hai triệu người chết đói; một mặt là quá trình cách mạng hóa đưa tới cách mạng tháng Tám 1945. Trong bối cảnh sôi sục ấy, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lại
hướng người đọc lùi sâu vào lịch sử qúa khứ, và sự quan tâm của ông lại dành cho một khu vực xem ra là không gắn mấy với thời sự: “Vấn đề khát vọng sáng tạo vì nền văn hóa dân tộc và số phận bi kịch của người nghệ sĩ”.
Có thể nói Nguyễn Huy Tưởng đã dồn hết tâm lực của mình vào hai nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Cặp tri ân tri kỷ này nói nhiều với ta về khát vọng lớn lao của con người; khát vọng đó đã được thực hiện ở những người có chí có tài, nhưng lại phải ở vào những tình cảnh trớ trêu bất hạnh. Họ đã thật sự quên mình cho sự nghiệp lớn hơn bản thân họ. Đan Thiềm vì cảm mến tài năng của Vũ Như Tô nên đã một lần khuyên Vũ nên nhận xây Cửu Trùng Đài, khi Vũ bị truy nã lại khuyên ông bỏ trốn, do Vũ Như Tô không chịu bỏ trốn và lo cho người tài của đất nước bị bỏ mạng nên Đan Thiềm đã nhận chết thay cho ông. Vũ Như Tô, vì tình tri kỷ với Đan Thiềm nên đã lao vào một sự nghiệp rồi sẽ bị thiêu cháy. Trong sự nghiệp đó, người nghệ sĩ từ đầu đã dứt khoát: “Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm bia miệng cho người đời được”, nhưng rồi nghe theo lời Đan Thiềm ông đã nhận lời và hăng hái nhập cuộc. Cho đến khi bị điệu ra pháp trường ông vẫn còn ngơ ngác: “Ta tội gì? Không ta chỉ có một hoài bão là tô điểm cho đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. Vậy thì ta có tội gì? Ta xây Cửu Trùng Đài có phải đâu để hại nước!”[2;251]. Bi kịch lớn là ở đây. Ở một sự nghiệp muốn được sống lâu dài theo thời gian, muốn là biểu tượng vẻ vang của xứ sở, nhưng lại phục vụ cho cường quyền. Là kết quả của sự sáng tạo nhưng lại phục vụ cho cường quyền. Là kết quả của sự sáng tạo nhưng lại thực hiện trên mồ hôi, xương máu của nhân dân. Giải quyết mâu thuẫn và bi kịch này như thế nào, đó là cả một câu hỏi lớn.
Nguyễn Huy Tưởng phải để nhân vật chết trong lửa hận của quần chúng, nhưng cái niềm phân vân và giằng co chưa thể giải tỏa trong quan
niệm nghệ thuật, ông đem đặt vào lời đề từ của tác phẩm: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Cũng chính vì sự phân vân này mà cả một thời gian dài, suốt hai thập niên, dẫu đã trải nhiều lần sửa chữa, Vũ Như Tô vẫn chưa thể ra đời. Nhưng nó là cả một nỗi niềm của tác giả. Cho đến lúc biết mình bị trọng bệnh nhà văn vẫn cẩn thận cho đánh máy lại lời đề tựa để chờ đón một cơ hội đưa in.
Sau ngày tác giả mất, vở kịch đã có may mắn được đưa in, nhưng Nguyễn Tuân vẫn còn “lo và sợ” thay cho vợ tác giả chính ở lời đề tựa. Làm sao lại có sự phân vân “mất lập trường” như vậy trước một quan niệm nghệ thuật dứt khoát là không “vị nhân sinh” và trước một nhân vật rõ ràng là đáng lên án và phê phán là Vũ Như Tô? Còn những kẻ giết Vũ Như Tô, trong đó có đám quần chúng hò reo đòi đốt phá kinh thành và đốt phá Cửu Trùng Đài thì hẳn phải là hiện thân cho vai trò nhân dân cho sức mạnh của chính nghĩa. Nhưng rõ ràng trong tâm trạng của không ít người viết và trong dư luận vẫn còn phân vân. Bây giờ đây là câu hỏi vẫn còn treo.
Nhưng mặc cho mọi sự phán xét là nghiêng về phía này hay phía kia thì lịch sử vẫn cứ là lịch sử. Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô đã bị thiêu ra trò đầu thế kỷ XVI. Nhưng Kim Tự Tháp ở Ai Cập, đền đài Ăng Co và Vạn Lý Trường Thành thì tồn tại. Nó được liệt vào những kì quan của nhân loại và được xem là biểu tượng của những nền văn minh. Văn minh có những cái giá phải trả. Nhưng văn minh là biểu hiện, là kết tinh những khát vọng về sự bất tử của con người.
Kịch Vũ Như Tô quả có vóc dáng vạm vỡ của một tượng đài. Nói đúng hơn là một nhóm tượng đài, với cuồn cuộn lửa khói và đám đông hò reo, với thấp thoáng bóng dáng sầu muộn của Đan Thiềm và gương mặt đau khổ của Vũ Như Tô khi thấy Cửu Trùng Đài bốc cháy. Và vang vọng trong suốt hồi
cuối của vở kịch là tiếng lòng thống thiết của Vũ Như Tô: “Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài”. Cái ý người nghệ sỹ trong sự xả thân ấy, chúng ta tìm thấy trong đó một quan niệm nghệ thuật thật là sự khắc nghiệt ở G.Flaubet - nhà văn hiện thực lớn thế kỷ XIX của Pháp: “Nghệ sỹ phải là người mà cuộc đời chỉ là phương tiện cho nghệ thuật”.
Nguyễn Huy Tưởng đã gửi gắm vào đây, trong vở kịch cũng ngổn ngang như chính Cửu Trùng Đài, cả một nỗi khắc khoải lớn khi đi tìm câu hỏi và lời giải cho mục tiêu của nghệ thuật.
Tiểu thuyết và kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng có một giá trị hiện thực rất cao. Nó cố gắng phản ánh chân thật một số thời kì của xã hội phong kiến Việt Nam. Trong khi các tác phẩm có khuynh hướng phục cổ, ca ngợi bọn vua chúa phong kiến, thi vị hóa chế độ thi cử của phong kiến, coi thời đại phong kiến là thời đại hoàng kim của kẻ sĩ thì trái lại Nguyễn Huy Tưởng đã vạch trần những sự thối nát của xã hội phong kiến. Ông thấy phẫn nộ vô cùng khi tố cáo bộ mặt hung ác, dâm dục của bọn vua quan phong kiến. Trong xã hội cũ, giai cấp phong kiến là giai cấp ăn bám, bóc lột tàn ác. Ở một vài triều đại cũng có những ông vua hiền, những vị quan thanh liêm hết lòng vì dân, vì nước. Nhưng những trường hợp đó rất hãn hữu. Giai cấp phong kiến nhất là trong thời kì suy tàn lại càng bộc lộ mặt cướp đoạt và dâm ác đậm nét.
Trong Vũ Như Tô nhân vật đáng chú ý và tìm hiểu kỹ nhất đó là Vũ Như Tô. Vũ là một người nghệ sỹ có tài, không màng danh lợi mà chỉ muốn hi sinh vì nghệ thuật, muốn đóng góp cho đất nước. Nhưng những công trình mà Vũ xây dựng lại mâu thuẫn với quần chúng nhân dân còn đói khổ và chỉ có tác dụng phục vụ cho quyền lợi ích kỷ của giai cấp thống trị. Vì thế cuối cùng Vũ bị giết, Cửu Trùng Đài bị đốt phá tan tành.
Qua nhân vật Vũ Như Tô tác giả muốn gửi gắm và đặt ra khá nhiều vấn đề quan trọng. Trong hồi I của vở kịch, ta thấy nổi lên vấn đề nghệ thuật
chống cường quyền, Vũ Như Tô có thái độ của một người nghệ sỹ dũng cảm, không chịu khuất phục bọn vua chúa phong kiến dâm ác:
- “Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được”[2;282].
Đứng trước triều đình uy nghiêm, người nghệ sỹ đó đã ngang nhiên mắng vua Lê Tương Dực và vạch ra điểm ngu dốt của hắn. Vũ buộc vua phải trọng đãi những người thợ, phải nhất nhất tuân theo đề nghị của Vũ. Tên bạo chúa giận sôi lên dọa chém, nhưng Vũ vẫn bình tĩnh trả lời hắn:
-“Tiện nhân đã coi rẻ điều này. Nó rơi lúc nào là xong một kiếp. Tiện nhân nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế Hoàng thượng đã quên rồi sao?”[2;305].
Đây là thái độ cần có của một người nghệ sỹ chân chính. Bởi nghệ thuật luôn luôn thể hiện cái cao cả mà không một thứ gì ô uế làm vấy bẩn được.
Ngoài ra vấn đề quan hệ giữa nghệ sỹ và quần chúng cũng được biểu hiện rất thành công. Vũ Như Tô một người nghệ sỹ có một lòng say mê nghệ thuật, có một hoài bão lớn lao, muốn tô điểm cho đất nước muôn phần xinh đẹp hơn và làm rạng rỡ dân tộc. Nhưng cũng vì quá say mê với Cửu Trùng Đài, Vũ đã biến thành con người mù quáng, đã phục vụ đắc lực cho giai cấp thống trị và làm dân chúng khốn khổ. Vũ đã sai lầm khi đi ngược lại lợi ích của quần chúng nên cuối cùng phải chịu một số phận bi thảm. Tác giả muốn chứng minh rằng một người nghệ sỹ, mặc dầu có ý thức hay không có ý thức nếu đã đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì nhất định sẽ bị tiêu diệt.
Thông qua vấn đề này tác giả muốn đề cao vai trò của quần chúng là người sáng tạo ra nghệ thuật, sáng tạo ra lịch sử. Một nền nghệ thuật chân chính không khi nào đi ngược lại quyền lợi của đại đa số nhân dân lao động.
Theo Nguyễn Huy Tưởng, đã là người nghệ sỹ phải là người sống chết vì nghệ thuật, phải có hoài bão lớn, phải đem khả năng của mình đóng góp
cho non sông đất nước. Phải làm việc vì chân lý, vì lẽ phải chứ không chạy theo danh vị, tiền tài. Chính Vũ có lúc đã tâm sự với Đan Thiềm:
-“Chẳng qua là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều…tìm danh vọng chúng tôi chẳng chọn nghề này”[2;124]
Tâm sự ấy phải chăng cũng chính là tâm sự của Nguyễn Huy Tưởng, tâm sự của người nghệ sỹ, làm văn, làm báo dưới hồi Pháp thuộc. Người nghệ sỹ chân chính say mê nghệ thuật cũng là người luôn luôn đứng về phía quần chúng và phục vụ quần chúng, chống lại bọn cường quyền như Lê Tương Dực.
Ở Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng còn băn khoăn về vấn đề văn hóa dân tộc. Nền văn hóa đó không phát triển được và bọn phong kiến tàn bạo đã kìm hãm nhân tài, chúng ngược đãi người thợ, người nghệ sỹ. Một mặt khác xưa kia cái vĩ đại của dân tộc ta không phải chủ yếu thể hiện ở mặt xây dựng những đền đài to lớn, những công trình đồ sộ mà chính ở mặt chống giặc ngoại xâm, bám lấy đất mà sống, nỗi băn khoăn ấy đã được tác giả thể hiện ngay trong lời đề tựa:
-“Mải vật lộn quên cả đài cao mộng lớn. Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi? Ôi khô khan! Ôi gay gắt! Nhưng đừng vội tủi. Sức sống tràn từ ải Bắc đến đồng Nam…”[2;124].
Chính tên thái tử Chiêm Thành đã thấy được đặc điểm đó của dân tộc Việt Nam. Hắn nói với một người thợ Chiêm Thành:
-“Nước ta bại chỉ vì nay làm đền mai đẽo tượng, rút cục cả vua lẫn dân chết vì đền đài; còn họ chỉ nai lưng khơi sông đắp đê, khai khẩn ruộng hoang cho nên dân họ đông, nước họ mạnh, người họ hùng cường”.[2;364]
Mặc dù rất thành tâm muốn xây dựng một công trình vĩ đại cho dân tộc nhưng anh đi ngược lại quần chúng, đi ngược lại dân tộc nên hệ quả tất yếu là sự thất bại và cái chết thảm cho người nghệ sỹ chân chính.
Như chúng ta đã biết, từ thế kỷ XIX, các nhà tiểu thuyết lịch sử kinh điển Nga đã chú ý đến vai trò của nhân dân trong lịch sử. Những tác phẩm của Puskin, Gôgôn, Tônxtôi đã ca ngợi nhân dân, những con người anh dũng chống lại bọn thống trị áp bức bóc lột và bọn cướp nước dã man. Và Nguyễn Huy Tưởng cũng kế thừa những tư tưởng tiến bộ ấy, xây dựng thành công vai trò của quần chúng và họ làm nhân vật chính và quyết định lịch sử. Những tác phẩm trước năm 1943 đã có vai trò của quần chúng tuy nhiên vẫn còn mờ nhạt, nhưng từ năm 1943 trở về sau vai trò của quần chúng rõ rệt hơn, quần chúng xuất hiện trên sân khấu lịch sử và chiếm một vị trí rất quan trọng.
Kịch Vũ Như Tô đã đưa lên sân khấu những người thợ như Hai Quát, Phó Bảo, Phó Cỗi, Phó Toét, Phó Độ. Họ là những người thợ có tài, có khả năng sáng tạo. Bàn tay lao động khéo léo của họ đã xây dựng lên bao công trình kiến trúc đồ sộ cho đất nước. Nhưng họ lại bị vua quan ngược đãi, áp bức bóc lột. Hơn ai hết họ thấy rõ sự thối nát và sự bất lực của bọn phong kiến hoang dâm vô độ. Vì thế ở hồi IV của vở kịch, ta thấy những người thợ bàn nhau nổi dậy lật đổ Lê Tương Dực. Cuối cùng họ đã theo quân của Trịnh Duy Sản giết vua Lê, phá Cửu Trùng Đài, lập nên một triều đại khác.
Và trong Vũ Như Tô tác giả đã cho chúng ta thấy vai trò sáng tạo của quần chúng. Một mặt khác, chính quần chúng là lực lượng quyết định sự thay đổi của các triều đại lịch sử. Tất nhiên việc thể hiện quần chúng trong Vũ Như Tô hãy còn những thiếu xót nhất định. Tác giả có khi chưa thực sự đánh giá đúng mức vai trò của quần chúng. Mặt khác, quần chúng được trình bày như một lực lượng “nông nổi” tự phát. Họ giết Lê Tương Dực, họ giết cả thái tử Chiêm Thành, giết cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm! Họ phá Cửu Trùng Đài, đốt kinh thành cháy ngùn ngụt…Suốt trong màn V người ta chỉ nghe thấy tiếng kêu la giết chóc và đốt phá ầm ầm. Thực ra chính lịch sử đã chứng minh rằng quần chúng không chỉ là những lực lượng “nông nổi” phá phách nghệ thuật chân chính và những thiên tài của dân tộc.