Tác Động Tổng Thể Của Hiệp Định Thương Mại Tự Do Đối Với Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài


(Nakatomi, 2013, Matsushita, 2010, Vũ Thanh Hương, 2017). Một FTA Bắc – Nam thường tập trung khai thác lợi thế so sánh khác biệt giữa các đối tác tham gia FTA, do đó thúc đẩy đầu tư trực tiếp theo chiều dọc. Trong khi một FTA Bắc – Bắc giữa các nước phát triển thường hướng tới khai thác lợi ích từ tính kinh tế của quy mô và một FTA Nam – Nam giữa các nước đang phát triển hướng tới tạo ra một thị trường rộng lớn hơn cho các nước tham gia, nâng cao vị thế trong đàm phán và thiết lập một khu vực hấp dẫn hơn đối với các đối tác bên ngoài FTA (Behar và Crivillé, 2010). Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng hơn và mức độ cam kết sâu hơn được cho là sẽ có tác động lớn hơn so với các FTA truyền thống. Đặc biệt, các cam kết mở rộng như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường,... giúp cải thiện thể chế, chính sách và nâng cao năng lực của các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, do đó không chỉ tác động đến số lượng mà còn tác động đến cả chất lượng của dòng vốn FDI (Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Thị Minh Phương, 2016). Ngoài ra, quy mô của FTA như số lượng và quy mô của các nền kinh tế thành viên cũng là một yếu tố quan trọng. Theo đó, quy mô càng lớn sẽ tạo ra được một thị trường càng lớn và trở nên hấp dẫn hơn đối với FDI từ cả trong khối và ngoài khối (UNCTAD, 2010). Quy mô thường được thể hiện thông qua các chỉ số như GDP, tốc độ tăng trưởng GDP, dân số, kim ngạch xuất nhập khẩu,...

2.3.3.2. Yếu tố 2: Sự tương đồng và mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa các nước thành viên

Sự tương đồng và mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa các nước thành viên trong FTA có vai trò quan trọng đối với tác động của FTA. Sự tương đồng giữa các nền kinh tế thành viên được thể hiện ở nhiều khía cạnh như thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, nguồn lực sản xuất, vị trí địa lý, tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa,... Sự tương đồng về trình độ phát triển kinh tế thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người, trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế, nguồn lực sản xuất sẽ quyết định tính chất của FDI chủ yếu là FDI theo chiều dọc hay FDI theo chiều ngang. Một FTA giữa các nền kinh tế có sự khác biệt lớn có xu hướng thúc đẩy FDI theo chiều


dọc trong khi một FTA giữa các nền kinh tế có sự tương đồng lớn có xu hướng thúc đẩy FDI theo chiều ngang (Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Thị Minh Phương, 2016). Sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ và vị trí địa lý gần gũi cũng quyết định đến chi phí đầu tư và do đó có ảnh hưởng tới FDI giữa các nước thành viên (Bevan và Estrin, 2000, Narayanamurthy, 2010). Ngoài ra, một mối quan hệ kinh tế, ngoại giao tốt đẹp, hướng tới mục tiêu cùng có lợi sẽ là nền tảng thuận lợi để đảm bảo phát triển quan hệ đầu tư lâu dài và tin cậy.

2.3.3.3. Yếu tố 3: Quan hệ đầu tư của các nước thành viên

Bên cạnh đó, để hiểu tác động của FTA đối với FDI, cần phải hiểu được quan hệ đầu tư của các nước thành viên FTA với nhau và cả với các nước ngoại khối (Evans và cộng sự, 2006). Đầu tư giữa các nước trước khi ký kết FTA càng lớn và có xu hướng gia tăng thì khả năng gia tăng FDI nhờ FTA càng lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng quyết định đầu tư ra nước ngoài của một quốc gia chịu ảnh hưởng bởi FDI tích lũy của nước chủ nhà. Sở dĩ như vậy vì FDI tích lũy hàm ý rằng nhà đầu tư có thể tận dụng tính sẵn có và sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ; đồng thời sự hiện diện của những doanh nghiệp FDI tại nước chủ nhà là bằng chứng cho thấy quốc gia đó hội tụ những điều kiện thuận lợi cho việc thu hút FDI (Jaumotte, 2004). Bản chất của FDI cũng sẽ quyết định việc FTA làm gia tăng hay giảm sút FDI giữa các nước thành viên. Nếu FDI trước đó chủ yếu là FDI theo chiều ngang thì việc xóa bỏ thuế quan có thể làm giảm FDI giữa các nước thành viên. Ngược lại, nếu FDI trước đó chủ yếu là FDI theo chiều dọc thì việc xóa bỏ thuế quan có thể làm tăng FDI giữa các nước thành viên. Việc ký kết FTA cũng có thể làm thay đổi bản chất FDI từ chủ yếu là FDI theo chiều ngang sang FDI theo chiều dọc (Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Thị Minh Phương, 2016). Mối quan hệ đầu tư được đánh giá qua nhiều chỉ số như: giá trị, số lượng dự án đăng ký và thực hiện, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng, bản chất FDI, FDI theo lĩnh vực, FDI theo địa bàn, FDI nội khối và ngoại khối,...


2.3.3.4. Yếu tố 4: Chênh lệch giữa các cam kết trong FTA với các cam kết khác hoặc chính sách hiện hành của các nước thành viên

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Mức độ tác động của FTA đối với FDI còn phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa các cam kết trong FTA với các cam kết khác hoặc chính sách hiện hành của các nước thành viên (Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Thị Minh Phương, 2016). Các hàng rào và yếu tố gây cản trở đối với thương mại và đầu tư trước khi hình thành FTA càng lớn hay nói một cách khác chênh lệch mức độ bảo hộ thương mại và đầu tư trước và sau khi hình thành FTA càng lớn thì tác động dự kiến của FTA càng lớn. Cụ thể, nếu trong FTA các bên cam kết cắt giảm thuế quan diện rộng (tỷ lệ dòng thuế hoặc tỷ lệ kim ngạch thương mại cắt giảm lớn), lộ trình cắt giảm nhanh, mức độ cắt giảm sâu, có ít dòng thuế thuộc danh mục loại trừ thì FTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư nhanh và mạnh mẽ từ cả nội khối và ngoại khối. Mức độ mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư càng lớn thì gia tăng FDI vào các lĩnh vực được cam kết từ các nước cùng tham gia FTA càng lớn. Mức độ chênh lệch giữa các cam kết trong FTA thế hệ mới về các vấn đề khác như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường,... so với các quy định hiện hành của nước chủ nhà cũng là yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, nhất là chất lượng của FDI vào nước thành viên. Ví dụ, khác biệt trong cam kết về sở hữu trí tuệ trước và sau FTA có thể là nền tảng quan trọng cho việc thu hút FDI trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao.

2.3.3.5. Yếu tố 5: Các yếu tố bên ngoài

Đánh giá tác động dự kiến của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - 9

Cuối cùng, tác động của FTA không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố trực tiếp liên quan đến FTA và các nước thành viên mà còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như: biến động của nền kinh tế thế giới; quan hệ giữa các quốc gia; và chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh;... (Phùng Xuân Nhạ, 2001). Ví dụ, khi nền kinh tế thế giới hay nền kinh tế của các nước thành viên bị khủng hoảng hoặc suy thoái thì FDI vào các nước thành viên có thể chịu tác động tiêu cực. Ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ thì việc thu hút FDI của các nước thành viên sẽ gặp nhiều thuận lợi. Quan hệ giữa các nước cũng có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới FDI vào các nước thành viên. Như đã phân tích ở trên, lợi ích từ FTA có thể thay đổi và tái


phân phối giữa các nước thành viên khi có thêm thành viên mới tham gia vào FTA. Vì vậy, quan hệ giữa các nước thành viên với các nước khác có thể ảnh hưởng tới tác động tiềm tàng của FTA. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nền sản xuất toàn cầu được liên kết chặt chẽ với nhau, quan hệ giữa các nước lớn sẽ có ảnh hưởng gián tiếp tới tác động của các FTA. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng các yếu tố phi kinh tế như chiến tranh, thảm họa thiên nhiên hay dịch bệnh đều có thể tác động một cách đầy bất ngờ tới FDI vào các nước thành viên FTA.

2.3.4. Tác động tổng thể của Hiệp định thương mại tự do đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài

Các phân tích trên cho thấy các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới có tác động đa chiều đến FDI vào các nước thành viên thông qua các kênh tác động và mức độ tác động khác nhau. Tác động tổng thể của FTA đến FDI do đó là chưa rõ ràng, bao gồm cả các tác động tích cực và tác động tiêu cực liên quan đến nhiều khía cạnh như: số lượng và chất lượng của dòng vốn FDI, đối tác, lĩnh vực, hình thức và địa bàn đầu tư.

2.3.4.1. Tác động tích cực

Thứ nhất, FTA có thể làm gia tăng lượng vốn FDI vào các nước thành viên.

FTA thúc đẩy FDI theo chiều dọc giữa các nước thành viên và FDI theo cả chiều dọc và chiều ngang từ các nước ngoài khối. Các ưu đãi lớn về thuế quan và thuận lợi hóa thương mại là điều kiện quan trọng để một quốc gia thu hút FDI theo chiều dọc do chi phí trao đổi nguyên nhiên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm giữa các nước thành viên được cắt giảm đáng kể. FTA dẫn tới mở rộng quy mô thị trường nên đồng thời thúc đẩy FDI theo chiều ngang từ các nhà đầu tư ngoài khối đầu tư với mục đích tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, việc cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư cho nhau giúp gia tăng FDI nội khối trong các lĩnh vực được cam kết. Ngoài ra, các cam kết tiêu chuẩn cao trong FTA thế hệ mới như cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường,... là động lực của cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, từ đó giúp gia tăng dòng vốn FDI nói chung, bao gồm cả FDI từ nội khối và ngoại khối vào các nước thành viên.


Đối với một quốc gia tham gia FTA sớm hơn hoặc tham gia cùng thời điểm nhưng có lợi thế thu hút FDI nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh thì việc tham gia FTA sẽ khiến quốc gia đó trở thành tâm điểm thu hút FDI trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài có động cơ chuyển hướng các khoản đầu tư của mình sang quốc gia này thay vì đặt chi nhánh rải rác ở nhiều quốc gia trong cùng một khu vực nhằm tận dụng tính kinh tế nhờ quy mô và các ưu đãi mà FTA mang lại.

Thứ hai, FTA thế hệ mới có thể giúp cải thiện chất lượng dòng vốn FDI.

FTA thúc đẩy đầu tư có giá trị gia tăng trong nước cao hơn. Để tranh thủ tối đa các ưu đãi về thuế quan của FTA, hàng xuất khẩu phải đảm bảo các quy định về xuất xứ hàng hóa. Các quy định về quy tắc xuất xứ cùng với thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ chặt chẽ, minh bạch sẽ thúc đẩy sử dụng nguyên phụ liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa cũng như hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc thực hiện nghiêm túc các cam kết về quy tắc xuất xứ trong FTA do đó sẽ loại bỏ dần các dòng đầu tư tập trung vào gia công, lắp ráp giản đơn; mà thay vào đó là các dòng đầu tư có giá trị gia tăng trong nước cao hơn.

FTA thế hệ mới với các cam kết tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường,... có thể thúc đẩy các dự án đầu tư gắn với công nghệ, chuyển giao công nghệ, các dự án thân thiện môi trường và các dự án gắn với cải thiện điều kiện, quan hệ lao động. Các cam kết này đồng thời sẽ hạn chế dần và tiến tới loại bỏ các dòng vốn đầu tư có tiêu chuẩn thấp về công nghệ, môi trường và lao động. Việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong FTA thế hệ mới cũng gắn liền với các nỗ lực liên quan đến cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; là yếu tố hấp dẫn để thu hút FDI chất lượng cao vào các nền kinh tế thành viên. Tác động này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển khi tham gia FTA Bắc

– Nam với các nước phát triển.

Thứ ba, FTA thế hệ mới có thể dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực đầu tư theo hướng hiện đại hơn. Các lĩnh vực mà các nước thành viên FTA cam kết mở cửa cho nhau thường là những lĩnh vực mà các nước có thế mạnh hoặc mong muốn thu hút


đầu tư từ các đối tác trong FTA. Vì vậy, FTA thường dẫn tới sự cải thiện trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư của các nước thành viên như gia tăng FDI trong các ngành công nghiệp chế chế tạo, công nghệ cao, các lĩnh vực dịch vụ mà các nước có lợi thế..

Thứ tư, FDI có thể giúp đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác đầu tư. Trong khi các FTA truyền thống thường có xu hướng được ký kết giữa các đối tác kinh tế truyền thống có sự gần gũi về mặt địa lý thì FTA thế hệ mới có thể được ký kết giữa các đối tác kinh tế đa dạng hơn, có thể cách xa về mặt địa lý hoặc có sự khác biệt lớn về ngôn ngữ, văn hóa và trình độ phát triển. Điều này giúp các nền kinh tế thành viên có cơ hội đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác đầu tư; tránh sự phụ thuộc quá lớn vào các đối tác đầu tư truyền thống đồng thời khai thác cơ hội từ các đối tác đầu tư mới.

Thứ năm, FTA có thể làm gia tăng hình thức liên doanh giữa các doanh nghiệp của các nước thành viên; từ đó thúc đẩy sự liên kết giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước và tác động lan tỏa của FDI. Việc cam kết mở cửa thị trường đầu tư cho các thành viên FTA trong từng lĩnh vực có thể đưa ra các quy định cụ thể về tỷ lệ góp vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong các liên doanh với doanh nghiệp nước chủ nhà. Tỷ lệ này thường cao hơn so với các cam kết trong WTO của các nước thành viên. Vì vậy, FTA có thể thúc đẩy hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp của các nước thành viên. Điều này giúp cải thiện tác động lan tỏa của FDI so với việc các dự án FDI có hình thức 100% vốn nước ngoài.

2.3.4.2. Tác động tiêu cực

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, FTA cũng có thể làm giảm lượng FDI vào các nước thành viên trong một số trường hợp.

Thứ nhất, FTA làm giảm FDI theo chiều ngang giữa các nước nội khối do các cam kết cắt giảm thuế quan làm triệt tiêu động cơ của nhà đầu tư nước ngoài nhằm vượt qua rào cản thuế quan trước khi FTA được hình thành.

Thứ hai, các tiêu chuẩn cao về sản xuất, kinh doanh mà FTA thế hệ mới đặt ra thông qua các cam kết về cạnh tranh, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường cũng có thể làm giảm dòng vốn FDI chất lượng thấp trong ngắn hạn


(mặc dù trong dài hạn FTA có thể giúp gia tăng dòng vốn FDI chất lượng cao vào các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển).

Thứ ba, lượng vốn FDI vào một nước thành viên có thể bị giảm sút trong trường hợp FDI bị tái phân bổ lại cho một thành viên khác cùng tham gia FTA do đối thủ cạnh tranh sở hữu các lợi thế địa điểm so với thành viên đó. Vì vậy, để FDI không bị dịch chuyển sang các đối thủ cạnh tranh cùng tham gia FTA, các thành viên cần có ý thức tạo ra và duy trì các lợi thế địa điểm để thu hút dòng vốn FDI. Trong trường hợp tham gia một FTA nào đó trước các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực thì cần tận dụng lợi thế đó để thu hút FDI trước khi các đối thủ cũng tham gia vào FTA.

2.4. Giới thiệu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU

2.4.1. Bối cảnh hình thành và các diễn biến của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU được chính thức thiết lập vào ngày 28/11/1990. Sau 30 năm, quan hệ song phương đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. Để tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên, Việt Nam và EU đã ký kết nhiều Hiệp định cũng như triển khai nhiều sáng kiến. Việc đàm phán EVFTA được bắt đầu từ tháng 06/2012 là bước phát triển có tính chất đột phá, đưa Việt Nam – EU chuyển sang một giai đoạn mới theo tinh thần đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Sau gần ba năm và trải qua 14 vòng đàm phán, cuối cùng vào ngày 01/12/2015, hai Bên tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán EVFTA. Ngày 01/02/2016, văn bản chính thức của Hiệp định được công bố. Việc ký kết EVFTA sau đó bị trì hoãn do các quan điểm của Tòa án Công lý châu Âu cho rằng EU không có thẩm quyền ký kết các thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến đầu tư mà các thỏa thuận này cần được sự thông qua của các nước thành viên. Nhằm đẩy nhanh quá trình thông qua EVFTA, vào ngày 26/06/2018, Việt Nam và EU đã thống nhất việc tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một Hiệp định riêng có tên gọi là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Đến ngày


17/10/2018, Ủy ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng EU và Việt Nam đã ký kết cả hai hiệp định vào ngày 30/06/2019. Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Trong tiến trình phê chuẩn hai Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần đưuọc Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Còn Hiệp định EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực. Dự kiến EVFTA có thể có hiệu lực trong năm 2020.

2.4.2. Các cam kết chính trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

EVFTA là FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay; đồng thời cũng là một trong những FTA toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển. Hiệp định EVFTA có 17 chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo. Sau đây là một số cam kết chính trong Hiệp định.

2.4.2.1. Cam kết về thương mại hàng hóa

Cam kết về thuế quan

Hiệp định EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và tương đối toàn diện. Theo cam kết, hai bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam (Bảng 2.3). Về tổng thể, có thể nói đây là lộ trình tự do hóa thuế quan nhanh nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA mà Việt Nam đã kết thúc đàm phán hoặc ký kết. Mức độ cam kết xóa bỏ thuế quan này cũng là cao nhất, chưa từng có từ trước đến nay đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thể hiện sự quyết tâm cao trong hội nhập sâu hơn và thúc đẩy quan hệ thương mại với các đối tác EU. Đồng thời, các cam kết trong EVFTA cũng có mức độ cam kết cao nhất trong số các FTA mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển.

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 27/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí