Khái Quát Về Hội Nhập Kinh Tế Và Hội Nhập Kinh Tế Khu Vực


CHƯƠNG 2:

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO


2.1. Khái quát về hội nhập kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực

2.1.1. Định nghĩa hội nhập kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực

Hội nhập kinh tế đã trở thành một trong những xu hướng lớn của nền kinh tế thế giới kể từ những năm 1960 đến nay. Sở dĩ như vậy vì nhiều quốc gia tin rằng việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ giúp duy trì sự tăng trưởng và thịnh vượng của quốc gia thông qua việc khai thác lợi thế so sánh và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Theo cách hiểu phổ biến nhất, hội nhập kinh tế là quá trình giảm dần các chính sách phân biệt đối xử và loại bỏ hoàn toàn các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với sự di chuyển tự do của hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia (Skulska, 2010, Salvatore, 2013).

Hội nhập kinh tế khu vực là hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong một khu vực địa lý nhằm cắt giảm hoặc xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất như vốn và lao động giữa các quốc gia thành viên (Hill 2005, Ball 2007). Theo Skulska (2010), các quốc gia tham gia hội nhập kinh tế khu vực thường có sự gần gũi về mặt địa lý và sự tương đồng về văn hóa, trình độ kinh tế hoặc thể chế chính trị. Tuy nhiên, Thomas (2007) lại cho rằng hội nhập kinh tế khu vực có thể hiểu rộng hơn là sự kết hợp của nhiều nền kinh tế quốc gia vào một khối thương mại lớn hơn nhằm loại bỏ các hàng rào thương mại và gia tăng hội nhập giữa các nước trong khối. Hợp tác kinh tế khu vực do đó không nhất thiết diễn ra giữa các nước có vị trí địa lý gần nhau. Quan điểm này dường như phù hợp hơn với xu hướng hiện nay khi các nước ở các khu vực địa lý khác nhau cùng tham gia vào các khối thương mại tự do.

2.1.2. Các hình thức hội nhập kinh tế khu vực

Hội nhập kinh tế khu vực được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau rất đa dạng. Một số hình thức phổ biến được sắp xếp theo mức độ hội nhập kinh tế từ thấp đến cao bao gồm: (i) Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA), (ii) Khu vực

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.


thương mại tự do (FTA); (iii) Liên minh thuế quan; (iv) Thị trường chung; (v) Liên minh kinh tế và (vi) Liên minh chính trị (Salvatore, 2013, Hoàng Thị Chỉnh và các cộng sự, 2007).

Đánh giá tác động dự kiến của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - 6

Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA) là hình thức hội nhập trong đó các quốc gia thành viên sẽ dành cho nhau những ưu đãi thương mại đối với một số hàng hóa cụ thể. Đây là mức độ hợp tác kinh tế thấp nhất, lỏng lẻo nhất và được thực hiện phổ biến trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Chương trình ưu đãi của Khối thịnh vượng chung được thành lập năm 1932 là một ví dụ điển hình của hình thức này.

Khu vực thương mại tự do (FTA) cũng thực hiện các biện pháp tự do hóa thương mại nội khối song tương đối đầy đủ hơn so với PTA khi các nước tham gia FTA cam kết bãi bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan cho tất cả hoặc gần như tất cả hàng hóa của nhau. Ngoài ra, mỗi nước được tự do quyết định chính sách thương mại đối với các nước ngoài FTA. Điều này dẫn tới hiện tượng xuất khẩu vòng từ nước ngoài khối qua một nước trong khối sang một nước thứ ba khác trong khối để hưởng ưu đãi thuế quan. Để tránh tình trạng này, người ta đưa quy tắc xuất xứ vào các FTA nhằm đảm bảo chỉ những hàng hóa được sản xuất toàn bộ hoặc tối thiểu ở một tỷ lệ nhất định tại các nước thành viên Hiệp định mới được hưởng các ưu đãi từ FTA (Eicher và cộng sự, 2009). Một số hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, 1994), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA, 1992),…

Liên minh thuế quan là một khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên; đồng thời các nước thống nhất cùng áp dụng một chính sách thương mại giống nhau với hàng hóa đến từ các nước ngoài khu vực. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chính sách giữa các nước thành viên song khắc phục được vấn đề xuất khẩu vòng để hưởng thuế quan thấp của nước ngoài khối như gặp phải trong FTA (Nguyễn Hồng Sơn, 2015). Một ví dụ điển hình của Liên minh thuế quan là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập năm 1957.

Thị trường chung có đầy đủ các yếu tố của liên minh thuế quan, kết hợp với yếu tố tự do di chuyển các yếu tố sản xuất giữa các nước thành viên. Tạo ra một


thị trường chung đòi hỏi sự hài hoà và hợp tác chính sách ở mức độ cao giữa các thành viên, đặc biệt là các chính sách liên quan đến di chuyển vốn và lao động như chấp nhận các chứng chỉ của người lao động, tự do hóa đầu tư, ... Từ năm 1992, EEC đã trở thành Thị trường chung châu Âu (ECM) và là một ví dụ về hình thức hội nhập này.

Ở mức độ hội nhập cao hơn, liên minh kinh tế còn đòi hỏi các nước thành viên cam kết áp dụng thống nhất và hài hòa hóa một số chính sách kinh tế như chính sách thuế, tài khóa, tiền tệ và một số chính sách kinh tế - xã hội khác (Hill, 2008, Salvatore, 2013, Eicher, 2009). Để đạt được điều đó, các nước thành viên tham gia liên minh kinh tế sẽ phải từ bỏ quyền đưa ra một số chính sách kinh tế riêng của mình; thay vào đó thiết lập một thể chế siêu quốc gia để ban hành các chính sách cho toàn liên minh. Một liên minh kinh tế sử dụng đồng tiền chung như khu vực đồng euro thậm chí chịu sức ép rất lớn từ việc thống nhất các chính sách tiền tệ, tài khóa giữa các nước thành viên. Liên minh châu Âu (EU) chính là một ví dụ về Liên minh kinh tế.

Ở mức độ hội nhập cao nhất, liên minh chính trị không chỉ bao gồm các đặc điểm của một liên minh kinh tế mà còn đòi hỏi một cơ quan chính trị Trung ương để phối hợp các chính sách kinh tế, xã hội và ngoại giao của các nước thành viên. EU đang tiến tới liên minh chính trị một phần. Nghị viện châu Âu đang có vai trò ngày càng quan trọng trong EU, được bầu trực tiếp bởi công dân của các nước EU.

Ngoài các hình thức hội nhập kinh tế đã nêu, trên thực tế còn tồn tại rất nhiều các hình thức hội nhập khác nhau kết hợp một số đặc điểm của các hình thức đã nêu. Chẳng hạn một liên kết có thể là sự kết hợp của khu vực thương mại tự do với tự do di chuyển một phần các yếu tố sản xuất (đặc điểm của thị trường chung) nhưng không áp dụng một chính sách thương mại chung đối với các nước không phải thành viên (đặc điểm của một liên minh thuế quan). Ví dụ điển hình của hình thức này là Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành cuối năm 2015 và các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA.


Các hình thức có mức độ hội nhập càng cao thì được kỳ vọng sẽ mang lại càng nhiều lợi ích cho các thành viên tham gia. Tuy nhiên, mức độ hội nhập càng cao đòi hỏi sự hài hòa và hợp tác chính sách giữa các quốc gia càng nhiều, từ chính sách thương mại đến chính sách về di chuyển vốn, lao động, chính sách thuế, tài khóa, tiền tệ, ngoại giao,... Các quốc gia do đó cần cân nhắc giữa lợi ích và các thách thức từ việc hài hòa hóa chính sách nhằm lựa chọn được hình thức hội nhập phù hợp.

2.2. Khái niệm Hiệp định thương mại tự do

2.2.1. Định nghĩa Hiệp định thương mại tự do

Trong các hình thức hội nhập kinh tế khu vực, FTA là hình thức phổ biến nhất. FTA được hiểu là một thỏa thuận ưu đãi có tính chất phân biệt đối xử nhằm loại bỏ hàng rào thương mại giữa các nước thành viên tham gia ký kết FTA nhưng tiếp tục duy trì chế độ thuế quan độc lập với các quốc gia ngoài FTA. Các quan điểm về mức độ và phạm vi ưu đãi của FTA tuy nhiên có sự khác biệt. Theo Krueger (1995), FTA là một thỏa thuận ưu đãi, trong đó thuế quan giữa các nước thành viên bằng 0%. Còn Plummer và các cộng sự (2010) cho rằng FTA hướng vào cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên nhưng không nhấn mạnh rằng thuế quan phải bằng 0%. Hill (2008) đã mở rộng phạm vi ưu đãi của FTA không chỉ loại bỏ thuế quan mà còn cả các hạn chế về số lượng và các rào cản về thủ tục hành chính. Salvatore (2013) đưa ra khái niệm chung trong đó FTA là hiệp định mà theo đó tất cả các hàng rào thương mại sẽ được dỡ bỏ giữa các nước thành viên. Như vậy, theo cách hiểu phổ biến và truyền thống, FTA là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều thành viên nhằm cắt giảm hầu hết các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại giữa các nước thành viên; đồng thời mỗi thành viên vẫn áp dụng các rào cản và chính sách thương mại khác nhau đối với các quốc gia không tham gia ký kết hiệp định.

Tuy nhiên, xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia kéo theo sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các FTA thế hệ mới, đòi hỏi một cách hiểu mới về FTA. Theo đó, FTA thế hệ mới không chỉ dừng lại ở việc tự do hóa thương mại hàng hóa thông qua cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan mà


còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, minh bạch hóa, lao động, môi trường,... Với đặc điểm như vậy, FTA thế hệ mới không chỉ có các đặc điểm của một FTA truyền thống mà có thể mang các đặc điểm của các hình thức hội nhập cao hơn. Vì vậy, khi phân tích tác động của FTA thế hệ mới cần quan tâm đến hình thức, phạm vi và mức độ cam kết hội nhập của các thành viên trong FTA.

2.2.2. Phân loại Hiệp định thương mại tự do

Các FTA được phân chia thành nhiều loại khác nhau căn cứ vào các tiêu chí như số lượng thành viên, trình độ phát triển của các nước thành viên cũng như phạm vi và nội dung cam kết. Việc phân loại FTA có ý nghĩa quan trọng vì nó có ảnh hưởng tới động cơ, cách thức, nội dung của các cam kết, việc thực hiện cam kết cũng như tác động của các FTA đến các nền kinh tế thành viên. Thành viên của các FTA có thể là một quốc gia hoặc các khu vực thuế quan độc lập (như Liên minh châu Âu, Hồng Kông – Trung Quốc,...). Vì vậy, khi nói tới thành viên FTA, người ta thường dùng từ chung là nền kinh tế.

Căn cứ vào số lượng của các nền kinh tế thành viên tham gia FTA, FTA có thể là FTA song phương, FTA khu vực hoặc FTA đa phương. FTA song phương là FTA giữa hai đối tác. Ví dụ FTA giữa Việt Nam và Chi Lê (VCFTA) hoặc FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Trong trường hợp hai đối tác là hai quốc gia thì quá trình đàm phán và đạt được thỏa thuận dễ dàng, nhanh chóng hơn so với các FTA khác. Tuy nhiên, nếu ít nhất một trong hai đối tác là liên kết kinh tế khu vực như trường hợp EVFTA thì quá trình đàm phán, ký kết, phê duyệt có thể kéo dài và phức tạp hơn. FTA khu vực là FTA có sự tham gia của từ ba nước thành viên trở lên, thường có vị trí địa lý gần nhau. Ví dụ như Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) giữa 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Hiệp định thương mại tự do Bắc – Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico. FTA đa phương là FTA được ký kết giữa nhiều quốc gia khác nhau. Các quốc gia có thể không nằm trong cùng một khu vực địa lý gần nhau. Ví dụ như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước thành viên ở các khu vực


châu Á, châu Úc và Bắc Mỹ. Việc đàm phán và đi đến thống nhất giữa các FTA song phương thường diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn, và do đó chi phí đàm phán thường thấp hơn so với FTA khu vực và FTA đa phương. Do số lượng thành viên ít nên các nội dung cam kết trong FTA song phương cũng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của mỗi thành viên.

Căn cứ vào trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên, FTA có thể là FTA Bắc – Bắc, FTA Bắc – Nam hoặc FTA Nam – Nam, trong đó Bắc chỉ các nước phát triển và Nam chỉ các nước đang phát triển.

FTA Bắc – Nam là FTA giữa các nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, cụ thể là giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các FTA Bắc – Nam thường tập trung khai thác lợi thế so sánh khác biệt giữa các đối tác tham gia FTA, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chiều dọc. Đồng thời, các nước đang phát triển cũng thu được lợi ích từ việc tiếp cận thị trường, cải thiện thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế khi ký kết Hiệp định cùng các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, một số vấn đề cần lưu ý đối với các nước đang phát triển khi tham gia vào FTA Bắc – Nam như tác động chệch hướng thương mại, vị thế đàm phán thấp hơn, lợi ích không bình đẳng, một số nội dung đàm phán gây khó khăn cho các nước đang phát triển như mua sắm chính phủ, luật cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn về lao động và môi trường (Vũ Thanh Hương, 2017).

Ngược lại, FTA Bắc – Bắc FTA Nam – Nam là FTA giữa các nước có trình độ phát triển kinh tế tương đồng. FTA Bắc – Bắc giữa các nước phát triển thường hướng đến các liên kết ở mức độ sâu, bao gồm nhiều vấn đề rộng hơn như tự do hóa thương mại – đầu tư và liên quan đến vấn đề hài hòa hóa thể chế. Trong FTA Bắc – Bắc, các thành viên có thể thu được lợi ích từ tính kinh tế của quy mô. Trong khi đó, FTA Nam – Nam giữa các nước đang phát triển chủ yếu hướng tới liên kết ở mức độ nông nhằm tự do hóa di chuyển hàng hóa, dịch vụ và nguồn lực cho sản xuất. Các nước đang phát triển thường có nguồn lực tương tự nhau và quy mô nền kinh tế tương đối nhỏ nên hạn chế lợi ích thu được từ khai thác sự khác biệt trong lợi thế so sánh cũng như tính kinh tế của quy mô. Tuy nhiên, các FTA Nam – Nam


tạo ra một thị trường rộng lớn hơn cho các nước tham gia, nâng cao vị thế trong đàm phán, đồng thời thiết lập một khu vực hấp dẫn hơn đối với các đối tác bên ngoài FTA.

Căn cứ vào phạm vi và nội dung cam kết, FTA có thể là FTA truyền thống hoặc FTA thế hệ mới.

FTA truyền thống thường chỉ bao gồm các cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 70-80% số dòng thuế. Một số ít FTA truyền thống có thêm các cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ với mức độ mở cửa có thể rộng hơn so với các cam kết trong WTO và các nguyên tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh,... Tuy nhiên, những cam kết về các vấn đề này thường chung chung, tính ràng buộc ở mức độ thấp. Ví dụ, các FTA mà Việt Nam ký kết trước năm 2014 bao gồm 06 FTA trong khuôn khổ ASEAN và 02 FTA song phương với Nhật Bản (VJEPA) và với Chi Lê (VCFTA) đều là các FTA truyền thống, trong đó nội dung cam kết chủ yếu là loại bỏ thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nền kinh tế thành viên.

Trong khi đó, các FTA thế hệ mới mở rộng phạm vi cam kết tự do hóa trong nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; đồng thời bao gồm cả các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thương mại như sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường. Đặc biệt, mức độ cam kết mở cửa trong các FTA thế hệ mới rất cao, thường xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 95-100% số dòng thuế, mở cửa mạnh trong nhiều lĩnh vực dịch vụ và đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao trong các vấn đề quy tắc. Các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 30/12/2018 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/06/2019. Với phạm vi cam kết rộng hơn và mức độ cam kết sâu hơn, các lợi ích từ FTA thế hệ mới thường lớn hơn so với FTA truyền thống. Các nội dung cam kết mở rộng trong FTA thế hệ mới còn giúp các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển cải thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực của nền kinh tế.


2.2.3. Các nội dung chính của Hiệp định thương mại tự do

2.2.3.1. Thương mại hàng hóa

Thương mại hàng hóa là lĩnh vực cam kết chính, tạo nên nền tảng của Hiệp định. Các cam kết về thương mại hàng hóa sẽ giúp các bên thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nội dung chính về thương mại hàng hóa thường được thỏa thuận trong FTA bao gồm thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, hàng rào phi thuế quan và quy tắc xuất xứ.

a. Thuế quan:

Thuế quan được hiểu là thuế đánh vào hàng hóa thương mại khi hàng hóa đó được vận chuyển qua biên giới quốc gia (Salvatore, 2013). Thuế quan là nội dung không thể thiếu ở tất cả các FTA. Mức độ cam kết về thuế nhập khẩu theo FTA thường sâu hơn so với các cam kết của WTO. Theo Điều XXIV của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) của WTO, các bên tham gia FTA phải cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với phần lớn thương mại giữa các bên. Thông thường, các nước thành viên cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ít nhất 90% giá trị thương mại và số dòng thuế trong vòng 10 năm. Các dòng thuế không cam kết hoặc có cam kết nhưng không đưa về 0% thường là các sản phẩm nhạy cảm đối với các bên. Các nước đang phát triển có thể được hưởng linh hoạt về lộ trình hoặc diện cam kết.

Theo thống kê của MUTRAP (2014), cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong FTA thường chia thành các nhóm: (i) Đưa thuế suất về 0% ngay khi FTA có hiệu lực; (ii) Đưa thuế suất về 0% theo lộ trình (cắt giảm tuyến tính); (iii) Cắt giảm thuế quan nhanh trong năm đầu tiên, sau đó cắt giảm từng bước trong những năm tiếp theo; (iv) Không cắt giảm thuế quan trong thời gian đầu mà việc cắt giảm được thực hiện vào các năm cuối của lộ trình; (v) Không cam kết.

Ngoài thuế nhập khẩu, các bên tham gia FTA cũng có thể đưa ra cam kết về hạn ngạch thuế quan, thường được áp dụng đối với các mặt hàng nông sản nhạy cảm. Hạn ngạch thuế quan là sự kết hợp giữa hạn ngạch và thuế nhập khẩu, theo đó một mức thuế thấp sẽ được áp dụng cho hàng hóa được nhập khẩu trong hạn ngạch và một

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/12/2022