2.2 Khái quát về du lịch và tình hình phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long
2.2.1 Khái quát về du lịch Vĩnh Long
Trước năm 1990 hoạt động du lịch cùng với hệ thống khách sạn của Nhà Nước chỉ đơn thuần phục vụ khách đến và làm việc tại tỉnh theo chế độ của công đoàn. Sau năm 1990, hoạt động du lịch không còn là ngành dịch vụ đơn thuần mà dần trở thành ngành kinh tế có nhiều triển vọng và đóng góp rất nhiều vào việc phát triển kinh tế- xã hội cho tỉnh.
Trong các huyện, thị xã thuộc thành phố Vĩnh Long thì huyện Long Hồ được xem là huyện có nền kinh tế phát triển vượt trội với sự đóng góp của các khu công nghiệp Bắc Cổ Chiên, khu công nghiệp Hòa Phú. Là nơi có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ quốc gia đi qua khá đồng bộ: Quốc lộ 1A (dài 9,36 km), Quốc lộ 53 (dài 10,4 km), Quốc lộ 57 (dài 2,8 km), đường tỉnh 909 (dài 6,4 km), cùng với các tuyến đường huyện, đường liên xã và liên ấp phân bố đều trên địa bàn huyện. Giao thông thủy ngoài 2 tuyến là sông Cổ Chiên và sông Long Hồ còn có hệ thống sông, rạch vừa và nhỏ phân bố khắp trên địa bàn huyện, đã tạo cho huyện mạng lưới giao thông thủy, bộ thuận lợi cho việc lưu thông của người dân trong huyện với các huyện khác và vùng lân cận. Mạng lưới sông rạch nối liền với sông lớn (Cổ Chiên) thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Tiềm năng du lịch của tỉnh tập trung chủ yếu ở 4 xã cù lao An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh, Đồng Phú – nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, những vùng trồng cây ăn quả đặc sản trù phú và những người dân thật thà, giàu lòng mến khách... Việc kết hợp phát triển du lịch và kinh tế vườn đã làm tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
2.2.1.1 Địa hình
Địa hình tỉnh Vĩnh Long tương đối bằng phẳng, thấp dẫn từ Bắc xuống Nam, trải dài bên 2 con sông Tiền và Hậu và trũng ở giữa.
Hệ thống kênh rạch chằng chịt, vào mùa lũ chính hệ thống này mang về lượng lớn phù sa bồi đắp cho ruộng, vườn cho đất đai vẫn giữ được độ màu mỡ nhất định.
Đất đai ở Vĩnh Long thuộc loại đất phù sa phì nhiêu thích hợp cho việc trồng và phát triển các loại cây ăn trái, quanh năm xanh mát.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Thức Về Những Tác Động Tích Cực Và Tiêu Cực Của Du Lịch
- Lý Thuyết Về Sự Hỗ Trợ Của Người Dân Đối Với Phát Triển Du Lịch
- Hình 2.1: Bản Đồ Ranh Giới Hành Chính Tỉnh Vĩnh Long
- Tình Hình Phát Triển Du Lịch Tỉnh Vĩnh Long
- Cơ Sở Vật Chất Kỹ Thuật, Hạ Tầng Phục Vụ Du Lịch
- Nhận Thức Của Người Dân Vĩnh Long Đối Với Những Tác Động Của Du Lịch
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
2.2.1.2 Khí hậu
Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng, ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào.
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình của tỉnh Vĩnh Long qua các năm biến động từ 27,3 – 28,4 0C, trong đó cao nhất là năm 2010. Trong năm này, nhiệt độ trung bình các tháng xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,4-1,0oC. Nhiệt độ cao nhất là 36,9oC, thấp nhất là 17,7oC và biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân là 7,30oC.
Bức xạ trên địa bàn tỉnh tương đối cao, bình quân số giờ nắng trong một ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp hàng năm đạt 79.600 cal/m2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550-2.700 giờ/năm. Nhiệt độ và bức xạ dồi dào là điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Độ ẩm không khí bình quân 81-85%, trong tháng 9, độ ẩm đạt cao nhất là 90% và tháng thấp nhất là 74% (tháng 3,4).
Khí hậu và thời tiết ở Vĩnh Long được thiên nhiên ưu đãi, ít khi phải chịu hạn gay gắt hay bão lũ lớn.
Với vị trí địa lý khá thuận lợi giáp với nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, khí hậu quanh năm thuận hòa thích hợp cho việc phát triển du lịch quanh năm, với đặc điểm nhiều sông ngòi và những vườn trái cây đặc sản quanh năm xanh tốt rất thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch sông nước miệt vườn.
2.2.1.3 Thủy văn
Tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông thông qua 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu cùng với sông Mang Thít và hệ thống kênh rạch. Cụ thể:
Sông Cổ Chiên là nhánh của sông Tiền, có chiều dài 90km, đoạn đi qua Vĩnh Long mặt cắt sông rộng trung bình 1.700m, độ sâu 7 – 10m, lưu lượng dao động từ 1.814 – 19.540m3/s.
Sông Hậu là nhánh lớn thứ hai của sông Mekong chảy qua địa phận Việt Nam với chiều dài khoảng 75km, lưu lượng bình quân dao động từ 1.154 – 12.434m3/s.
Sông Mang Thít nối sông Tiền và sông Hậu, cửa sông ở phía sông Tiền lớn hơn phía sông Hậu. Do tác động của triều cường từ sông Cổ Chiên và sông Hậu, sông Mang Thít chảy theo hai chiều nước vào và ra ở hai cửa sông, cụ thể khi triều cường lên nước chảy vào từ hai cửa sông Quới An và Trà Ôn; khi triều cường xuống nước sông chảy ra từ 2 cửa trên, vùng giáp nước 2 chiều là cửa Ba Kè (ngã ba Thầy Hạnh) cách sông Hậu 17km. Sông Mang Thít không bị ảnh hưởng mặn nên có nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Tuy nhiên do cao trình đất ở vùng phía Bắc sông Mang Thít thấp trũng nên vấn đề thoát nước sẽ khó hơn.
Mực nước và biên độ triều trên các sông khá cao, cường độ triều truyền mạnh, vào mùa lũ biên độ triều khoảng 70 - 90 cm và vào mùa khô, biên độ triều dao động 114 – 140cm, kết hợp với hệ thống kênh mương nội đồng nên có khả năng tưới tiêu tự chảy tốt, giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Là vùng tập trung mật độ sông ngòi dày đặc nhất. Với một số sông như sông Tiền , sông Mang Thít, sông Cổ Chiên góp phần tạo nên nét văn hóa và các làng nghề gắn với cốt cách và đặc trưng của con người ở vùng sông nước này.
Sông ngòi còn cung cấp một lượng phù sa rất lớn 70 triệu tấn/năm. Với lượng phù sa này, hàng năm đã tích tụ thu hẹp dòng chảy ở hạ lưu yếu dần, nên giữa dòng sông đã hình thành nhiều Cù lao. Đặc biệt là cù lao An Bình – nằm trên sông Tiền, một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách do nổi bật là hệ thống kênh rạch chằng chịt, đan xen tạo nên nét độc đáo thu hút nhiều du khách tham quan những vườn cây ăn trái, khám phá vùng đất này xuyên qua những con mương, con rạch, xẻo nhỏ bằng các loại ghe, xuồng, thuyền.
2.2.1.4 Hệ động thực vật
Vĩnh long có hệ động vật và thực vật phong phú, đa dạng, có nhiều loại quí hiếm.
Thảm thực vật trên đất nông nghiệp bao gồm tập đoàn cây ngắn ngày và cây dài ngày. Cây ngắn ngày chủ yếu là lúa nước, phân bố khắp toàn tỉnh và vùng ĐBSCL. Lúa nước là cây có qui mô phát triển hàng đầu so với các loại cây ngắn ngày khác, nó thích hợp với môi trường sinh thái của ĐBSCL đã, đang và sẽ còn phát triển mạnh. Bên cạnh cây lúa nước, Vĩnh Long còn có hầu hết các loại cây ngắn ngày nhiệt đới như màu lương thực, cây công nghiệp, rau quả và cây thuốc.
Trong tập đoàn cây dài ngày có dừa, cây ăn quả (xoài, chôm chôm, nhãn, cam, quít, chanh, bưởi, măng cụt, sầu riêng...) Đặc biệt, bưởi Năm Roi ở Bình minh và cam Sành ở Tam Bình là hai đặc sản mà không nơi nào ở ĐBSCL có chất lượng bằng và là sản phẩm xuất khẩu có triển vọng.
Hệ động vật cũng rất phong phú :lợn, bò, trâu, gà, vịt... đều đã được thuần dưỡng từ rất lâu đời; những giống nhập ngoại cũng được thích nghi tốt với môi trường địa phương.
Nguồn tài nguyên thuỷ sản rất phong phú, gồm thuỷ sản nước ngọt và lợ. Vĩnh Long có 3 sinh hệ thuỷ sản chính :hệ kênh rạch; hệ hồ ao mương vườn; hệ ruộng lúa, là tiềm năng phát triển thuỷ sản chưa được khai thác tốt.
2.2.1.5 Tài nguyên nhân văn
a. Di tích
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 414 di tích được Nhà nước công nhận, trong đó có 9 di tích được Bộ VHTT công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Văn thánh miếu
Nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long chừng 2 km, trên một sở đất rộng cặp bên bờ sông Long Hồ thuộc thôn Long Hồ, nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là văn miếu thứ hai được lập trên vùng đất Nam bộ.(cùng với Văn Thánh Miếu Gia Định, Văn thánh Miếu Biên Hòa).
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long do đại thần Phan Thanh Giản và đốc học Nguyễn Thông chủ trương xây dựng. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 10 tháng 10 năm Giáp tý 1864 (đời Tự Đức thứ XVII), hoàn thành cuối năm Bính Dần 1866 theo lối kiến trúc thuần Việt. Đây vừa là nơi các sĩ tử tập trung ôn luyện đèn sách,
vừa là tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước, thắp sáng lên vùng đất này một tinh thần hiếu học bất diệt.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được trùng tu nhiều lần qua các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994 và gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2006 vẫn giữ được vẻ đẹp tôn quý thanh cao qua năm tháng. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 457- VH/QĐ ngày 25 tháng 03 năm 1991, là niềm tự hào của người dân Vĩnh Long. Hàng năm tại Đại Thành miếu có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan vào các ngày 4 và 5 tháng bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng mười âm lịch.
Lăng Ông Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn
Lăng và phần mộ ông Nguyễn Văn Tồn được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX tọa lạc tại giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn. Lăng Thống chế điều bát được trùng tu tôn tạo vào các năm 1937,1953, 1960, 1994 và gần đây nhất là năm 2005. Nhưng ngày lễ quan trọng nhất là ngày giỗ quan Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn vào ngày mồng ba và mồng bốn tháng Giêng âm lịch. Trong các ngày này, hàng ngàn người Việt, Hoa, Khmer ở vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh, Sóc Trăng… về tham dự. Bộ VHTT đã ra quyết định xếp hạng Lăng Ông là di tích lịch sử – văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996.
Miếu Công Thần Vĩnh Long
Theo Đại Nam nhất thống chí miếu được xây dựng vào năm 1873, tại thôn Thạch Mỹ Đông, là nơi bảo tồn, thờ phụng nguyên vẹn 85 đạo sắc thời Minh Mạng và nơi duy nhất hội tụ gần như đầy đủ hệ thống thần long ở Nam Bộ được triều đình nhà Nguyễn sắc phong. Miếu Công thần Vĩnh Long hiện nay ở tại phường 5 – thành phố Vĩnh Long, bên bờ sông Cổ Chiên, là một “tượng đài” kỷ niệm 300 năm văn hóa vùng đất phương Nam này. Do đó, ngày 31 tháng 8 năm 1998, Bộ VHTT đã ra Quyết định số 1811-QĐ công nhận miếu Công thần là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Tiên Châu
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, chùa Tiên Châu do Hòa thượng Huỳnh Đức Hội khai sáng tại cù lao sông Tiền, thuộc làng Bình Lương và An Thành (nay là ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ). Chùa chủ yếu thờ phật di đà nên lúc đầu được gọi là Di Đà Tự. Từ năm 1899, chùa có tên chính thức là Tiên Châu Tự. Chùa tiên châu được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết đinh số 3211- QĐ/BT ngày 12 tháng 12 năm 1994.
Chùa Phước Hậu
Chùa tọa lạc tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Lúc đầu chùa có tên gọi là Đông Hậu đến năm 1910 được gọi là Phước Hậu. Chùa có hai ngôi tháp đẹp nổi tiếng, là tháp Thiện Hoa và tháp Đa Bảo. Chùa được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 25 tháng 1 năm 1994.
Chùa Ông (miếu Thất phủ)
Miếu Thất phủ (Vĩnh An Cung), xây dựng từ triều Nguyễn nay thuộc khóm 2, phường 5 thị xã Vĩnh Long. Đây là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa gồm 10 người từ Phúc Kiến sang, đứng đầu là công trình sư Hà Tạo. Nội cung Vĩnh An Cung trang trí tuyệt đẹp với hàng chục bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, sơn son thiếp vàng. Chùa được bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 25 tháng 1 năm 1994.
Đình Long Thanh
Tọa lạc tại địa phận khóm 4, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, bên bờ sông Long Hồ, cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Đình được xây dựng vào năm 1920, là một trong những ngôi đình cổ tỉnh Vĩnh Long. Thờ chính trong đình là Thần hoàng bổn cảnh và còn phối thờ Quốc tổ Hùng Vương, hậu cung thờ các vị tiền hiền, hậu hiền – những người có công xây dựng và phát triển làng xóm. Trên sân đình còn có đàn thờ Thần Nông, hai miếu thờ thần Bạch Hổ và Ngũ Hành Nương Nương. Đình Long Thanh khá nhộn nhịp người đến thăm viếng vào dịp lễ lớn là lễ Hạ Điền ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch và lễ Thượng Điền ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Đình được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 25 tháng 1 năm 1995.
Đình Tân Hoa (đình Cái Đôi)
Đình được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, sau nhiều lần trùng tu đến năm 1920 gọi là Tân Hoa kinh miếu, nay thuộc xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Trong đình Tân Hoa còn giữ được hàng chục bộ lam, hàng chục hoành phi, câu đối rất nhiều tự khí như: lỗ bộ, lư, đỉnh, hương án, khánh thờ…đặc biệt những tác phẩm chạm trổ đều do thợ ở Tân Nhơn (xưa) thực hiện. Đáng chú ý dù qua nhiều bước thăng trầm đình vẫn còn bảo tồn được rất nhiều di vật có giá trị văn hóa lịch sử cao như: 12 bộ bao lam, 24 cặp lỗ bộ, 16 cặp liễn đối, 14 bức hoành phi cùng nhiều đồ tự khí quý hiếm khác. Hàng năm đình Tân Hoa có các ngày lễ lớn: lễ thượng điền vào ngày 11, 12 tháng 9 (âm lịch), Vía Thần Hoàng, lễ hạ điền vào ngày 12, 13 tháng 3 (âm lịch). Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 95 ngày 24 tháng 01 năm 1998.
Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang
Từ năm 1931, cùng với hành đạo, các chức sắc và các tín đồ Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đã hăng hái tham gia cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đã gây ra tiếng vang rất lớn trong và ngoài nước. Năm 1998, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Bên cạnh đó Vĩnh Long còn nhiều di tích văn hóa khác như: khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng(xã Long Phước, huyện Long Hồ), khu di tích cách mạng Cái Ngang (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình), di tích Thành Mới (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm).
b. Làng nghề
Tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 80 làng có nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động. Trong đó, có 25 làng nghề với quy mô tương đối lớn được UBND tỉnh công nhận. Tuy gặp không ít khó khăn nhưng thời gian qua, các ngành nghề đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Làng nghề bánh tráng cù lao mây
Làng nghề đã được hình thành khoảng 100 năm ở xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Trải qua nhiều biến động về kinh tế thị trường có lúc tưởng chừng như bị mai một nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng sự yêu nghề cần cù của những người thợ làm bánh giờ đây làng nghề bánh tráng cù lao Mây đã trở thành một làng nghề truyền thống và là điểm đến hấp dẫn khách du lịch gần xa.
Làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc
Tường lộc là một xã thuộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã tồn tại và phát triển trên 30 năm. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là bánh tráng giấy, bánh gói xôi, bánh xếp quặn, bánh xếp làm kẹo. Các loại bánh của làng nghề được người tiêu đánh giá là giòn và béo hơn bánh của những nơi khác. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột mì, nước cốt dừa, đường cát, trứng và mè đen được pha trộn theo công thức đặc biệt; thêm vào đó bánh được bán với giá cả phù hợp nên thị trường tiêu thụ của làng nghề bánh tráng giấy ở xã Tường Lộc không chỉ trong tỉnh mà ngày càng được mở rộng khắp các tỉnh lân cận như Bến Tre, Tiền Giang, Long An...
Làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa
Làng nghề tàu hủ kỳ này thuộc ấp Mỹ Khánh, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh có từ lâu đời và hoạt động trên 60 năm. Mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn tàu hủ ky nhiều loại như: tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối… được chế biến từ đậu nành sạch 100% và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Tàu hủ ky là nguyên liệu để làm nhiều món ăn cả chay lẫn mặn lạ miệng nên Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh được thị trường miền Tây, miền Đông ưa chuộng1.
Làng gốm
Vĩnh Long nằm dọc bờ sông Cổ Chiên, với hàng nghìn lò gạch, lò gốm chen chúc nhau như nấm sau mưa, nối dài hàng chục km tạo thành một bức tranh kỳ thú, trông xa tựa những lâu đài rực đỏ dưới ánh mặt trời. Bởi thế mà dân gian xứ này còn phong cho Làng gốm Vĩnh Long là "vương quốc đỏ".
1 http://www.xttm.vinhlong.gov.vn